Vu Lan Nhớ Mẹ - Thích Đồng Trí

23 Tháng Tám 201000:00(Xem: 28390)
tuyentapvulan-03
VU LAN NHỚ MẸ

Thích Đồng Trí

vulannhome-01012312Những chùm lá trên cây đã ngả sang màu vàng, từng chòm mây trên bầu trời lãng đãng trôi, những khóm hoa Hồng trước sân đang nở rộ, tháng Bảy đang đến. Lại một mùa Thu nữa đang đến. Mùa Thu luôn gợi nơi lòng người những kỉ niệm, ký ức sâu xa, lắng đọng. Mùa Thu khiến lòng những người con hiếu thảo bồi hồi xúc cảm khi nghĩ tưởng đến ân nghĩa thiêng liêng nhất trong đời : ân nghĩa sanh thành.

Kính lạy Mẹ !

Ở chùa, Phật tử đang chuẩn bị sắm sửa và tổ chức đón Vu Lan, đêm nay con thắp thêm một nén nhang nơi chân dung của Mẹ ở bàn thờ Linh tại Chùa và lòng con sống lại với bao kỉ niệm ân tình với Mẹ. Đây là những dòng hồi ký như là tự tình và tấm lòng của con kính dâng lên Mẹ trong mùa Vu Lan.

Con đã tượng hình và lớn lên trong phôi thai bằng máu huyết, tình thương và bảo bọc của Mẹ. Mẹ cưu mang con chín tháng nặng quằng như thế và sinh con vào đời thật là một công trình khó nhọc lớn lao. Kể từ ngày con chào đời cho đến hết cuộc đời Mẹ, Mẹ thương yêu săn sóc con nhiều lắm. Vì con là con Út của Mẹ, lại là “con cầu, con khẩn” nữa cho nên Mẹ cưng quý con hết lòng. Mẹ sống tận tụy, hi sinh cho con, tất cả vì con, con là nguồn vui, niềm hi vọng, là lý do khiến Mẹ lăn lộn, phấn đấu sinh tồn.trong cuộc sống.

Con nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ ấy, Mẹ đã chịu đựng biết bao gian khổ, truân chuyên, nhẫn nại mới có thể làm lụng, sinh hoạt và nuôi chúng con khôn lớn. Hoàn cảnh của Mẹ thật đặc biệt : cha chúng con sau 45 tuổi bị bệnh “lơ lãng”, khi ấy ba chị em chúng con đều ăn học, nên Mẹ vừa lo bổn phận người mẹ lại vừa gánh thay trách nhiệm cho Cha trong điều kiện làm nông - ruộng vườn, nơi đất sỏi, khô cằn : “chó ăn đất, gà ăn đá” vùng quê Cát Minh, Phù Cát - miền Trung Việt nam .

Ngày nào Mẹ cũng tảo tần vất vả. Vào những năm sau 1980, sinh họat nông nghiệp miền Trung Việt nam còn lạc hậu và khó khăn lắm. Mẹ đã để lại trong con hình ảnh một con người cần cù chăm chỉ đúng mực, thật khó ai sánh bằng. Đây là tiêu biểu cho lịch sinh hoạt một ngày của Mẹ : 3 giờ sáng là Mẹ đã thức dậy rồi đi xay lúa, giã gạo ( bằng tay), sàng sảy , nấu cơm. Sau đó, Mẹ lo bồi dưỡng những con bò cày bằng nước cơm với cám, chuối cây,…Một điều không thể thiếu trong mỗi ngày là Mẹ thay nước, thắp nhang tụng kinh buổi sáng (Mẹ đã thọ Tam Quy Ngũ Giới và ăn chay trường từ lúc 32 tuổi cho đến hết cuộc đời), con vẫn thường thức dậy và tụng kinh sáng theo Mẹ. Đến 5 giờ 30 sáng Mẹ đánh thức hêt mọi người cùng dậy để ăn sáng. Những ai cùng theo Mẹ ra nương rẫy thì lùa cả đàn bò đi, gánh theo các loại phân tải ruộng, gồng gánh cơm nước để nghỉ trưa và ăn trưa tại rẫy. Đến nương rẫy rồi thì công việc rất là nhiều, Mẹ ham và tranh thủ làm việc ít khi ngưng tay. Ngoài các việc thông thường cho phụ nữ như làm cỏ, bón phân, gieo, cấy, hái, tỉa bắp, vun khoai,… ngay cả các việc nặng nhọc như gồng gánh, vác mía, cày bừa hay thậm chí việc cắt tranh và leo lên mái nhà để lợp lại, tất cả mọi việc xếp đặt tính toán canh tác vụ mùa,… Mẹ đều lo hết. Làm ở nương rẫy cho đến sau khi mặt trời lặn, Mẹ mới về nhà. Ăn cơm tối xong, Mẹ lại đi tụng kinh. Xong hết mọi việc trong ngày, Mẹ đến thăm nom, hỏi han và dạy bảo từng người con về tình hình sinh hoạt trong ngày để rút ra những bài học kinh nghiệm trước khi đi ngủ. Mẹ thật là chịu thương, chịu khó, dẻo dai, kiên nhẫn, thật xứng đáng với danh hiệu : “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, một tay chèo chống, gìn giữ, chăm lo gia đình.

Con là Út trong gia đình nên ưu tiên làm những việc nhỏ nhặt, chăn bò, hái đậu, tháo nước,… hoặc là ở nhà coi chừng nhà lo việc phơi lúa, phơi mè,… Hàng ngày, Mẹ chăm chút từng miếng ăn, cái mặc, giấc ngủ cho con. Ngày nào con ở nhà, khi Mẹ đi nương rẫy về, luôn có mang theo mía, củ sắn, chuối, trái ổi… cho con. Mỗi lần đi chợ, thế nào Mẹ cũng mang về cho con bánh tráng, bún, kẹo…. Phần Mẹ nhín nhịn không ăn, dành hết đồ ngon ngọt cho con, ngắm nhìn con ăn ngon lành, vui sướng, vậy là Mẹ hạnh phúc rồi. Mẹ lựa vải và cắt may đồ đạc cho con mặc bằng bàn tay của Mẹ. Tuy là không được nhuyễn và đều như áo may bằng máy nhưng từng đường kim sợi chỉ là đan kết những nỗi lòng yêu thương của Mẹ, nên áo Mẹ may cũng rất khéo và đẹp, mặc vào được nhiều người khen. Ban đêm, giấc ngủ con được vỗ về êm đềm trong cánh tay của Mẹ. Mẹ đã chịu nhiều cay đắng và chập chồng gánh lo để cho con có được tuổi ấu thơ ngọt ngào và khôn lớn với đời :

Càng lớn con càng thương Mẹ hơn

Tình dâng cao vút đỉnh liên sơn

Tháng năm đời có thêm cay đắng

Mẹ gánh oằn vai chút chẳng sờn

Thuở nhỏ con còn chưa nhận thức và biết giá trị của việc học tập, Mẹ khuyên bảo con cố gắng học hành để sau này cuộc đời con không còn khổ như Mẹ nữa, nhờ động lực vô biên ấy mà con học hành tiến bộ để không phụ niềm mong mỏi của Mẹ. Mẹ mong muốn con khôn lớn nên người, thành danh với đời. Con có gì vui, có gì tốt đều “đem khoe” với Mẹ, con thường hay khoe với Mẹ về những lời khen thưởng của Thầy Cô giáo, những điểm 10 và giấy khen học sinh tiên tiến cùng phần thưởng sách, chồng vở và bút bi. Khi có gì buồn bực đều tâm tình Mẹ hay. Mẹ luôn sẵn sàng chia sớt đắng cay, san sẻ ngọt bùi với con và Mẹ là phương diệu dược hóa giải mọi rẳc rối con gặp đường đời. Dẫu trong một ngày có trải qua bao căng thẳng, xót xa, ê chề, dằn vặt, … sau một đêm ngủ trong vòng tay của Mẹ, đến sáng hôm sau con lại có đủ nghị lực hội nhập vào đời. Với con, Mẹ là bà tiên, thật gần gũi, ngọt ngào, quý giá nhất trần gian như lời trong một bài hát về “Mẹ”

Mẹ, Mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

 Cho đến khi con đã mệt mỏi trong cuộc sống xoay quần, chen lộn ở trần gian, đã thấm nhuần, thâm nhập từng lời kinh, tiếng kệ Mẹ đọc tụng khi xưa, con quyết định xuất gia thoát tục và tìm cầu về bến bờ giác ngộ. Đó thực sự là một quyết định khó khăn đối với con và Mẹ. Con đã nhiều lần suy nghĩ lựa chọn giữa cuộc sống tu tại gia và xuẩt gia vì con cũng thường tâm niệm :

"Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu".

"Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.”

Nhưng rồi, con lại nghĩ cuộc sống tu tại gia đầy rẫy khó khăn, thử thách, cám dỗ và phiền não. Rồi sau này sẽ gây tạo thêm bao nghiệp và bận rộn loay hoay hết một đời và sẽ không có điều kiện chuyên tâm tu học. Cuộc sống xuất gia sẽ có nhiều điều kiện thuận tiện và con sẽ dành trọn hết tâm tư cho nghiên cứu tu học, thể nghiệm hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Con là niềm vui, niềm an ủi của đời Mẹ, Mẹ không muốn xa con, đặc biệt là khi về già, Mẹ muốn sống với con. Nhưng vì chiều theo nguyện vọng của con, không muốn ích kỷ giữ người con lại cho riêng mình, Mẹ đã hiến dâng người con mình cho Đức Phật và chúng sanh muôn loại.

Trong thời gian đầu ở chùa, tuy rằng đã “ly gia” nhưng thật khó “các ái”. Ban đêm sau mỗi thời tụng kinh ở chùa, con thường đứng trước tượng Quan Âm ngoài sân Tu Viện Nguyên Thiều rất lâu để cầu nguyện cho Mẹ nơi nhà bình yên. Về đến phòng riêng, dù đọc kinh đến khuya rồi mà vẫn chưa ngủ được, nên con thường ra ngoài hiên - lan can để hướng nhìn về nhà. Trong cảnh ấy, con nhớ đến câu ca dao :

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê Mẹ, ruột đau chín chiều.

Nhưng rồi sau một thời gian, con lại tự dặn lòng là đừng để thương nhớ vướng bận nhiều nơi lòng và hãy quên đi mọi nỗi niềm hệ lụy trần gian, gác bỏ mọi chuyện đời mà chuyên tâm học Đạo. Thế nên, con say sưa lo các bổn phận công việc trong chùa, đọc và học kinh sách. Tu học được bốn năm tại Tu Viện, con có tham học trường Cơ Bản Phật Học tại Tu Viện Nguyên Thiều, rồi đến năm 1993, con thi đậu vào trường Học Viện Phật Giáo Vạn Hạnh – Saigon. Trong bữa liên hoan tại Tu Viện Nguyên Thiều tiễn đưa con vào Saigon tu học, Mẹ vừa vui, vừa buồn. Mẹ vui là vì nhìn thấy người con của mình tu học có những bước tiến khả quan nhanh chóng, đúng với nguyện vọng của Mẹ. Còn Mẹ buồn bởi vì Saigon là quá xa đối với Mẹ, Mẹ không thể sắp xếp thời gian và khó dành dụm đủ tiền xe để được thăm và gặp mặt con thường xuyên như khi con ở tại Bình Định nữa.

Saigon, gặp môi trường rất thuận tiện cho việc học và mở mang kiến thức nhiều mặt, kể cả việc học ngoại ngữ nữa cho nên con đã dồn hết tâm trí vào việc học. Nhiều thử thách và bài vở liên tục nên con không còn nhiều thời gian để nhớ đến Mẹ và quê nhà được nữa. Ngoài giờ học ở trường Vạn Hạnh, con đọc kinh sách ở thư viện Vạn Hạnh, Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, thư viện quốc gia, đi học ngoại ngữ ở các trung tâm và Đại Học Tổng Hợp, sinh hoạt các câu lạc bộ ngoại ngữ đến 9 : 30 tối mới về rồi đến giờ chỉ tịnh, nghỉ ngơi để ròi ngày sau sinh hoạt tiếp. Ấy thế, dòng sống và sinh hoạt cứ kéo con vào quỹ đạo của nó, thời gian cứ thấm thoát qua đi con không kịp ý thức rằng hàng ngày hàng đêm Mẹ vẫn dõi mắt vào Nam trông ngóng tin người con yêu dấu của Mẹ. Thời gian ấy, con rất ít khi biên thư về thăm Mẹ, giờ này con nghĩ lại đó là sự thiếu sót. Bận rộn chăng? cũng có thể nhưng chưa hẳn vậy. Nếu quả thật bận rộn thì sao con có thể viết thư thăm Tăng Ni sinh, thăm bạn thời trung học ngày xưa? Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã mô tả đúng về tâm tư và sinh hoạt của những người con trưởng thành khi xa Mẹ:

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

 (Mẹ - Đỗ Trung Quân)

Sau khi con học xong 4 năm Học Viên Phật Giáo Vạn Hạnh, Mẹ vui mừng khôn xiết kể. Mẹ vào Saigon để dự Lễ Tốt Nghiệp của con và hi vọng là con sớm trở về Tu Viện Nguyên Thiều lo Phật sự tại đó để Mẹ gần gũi và thường xuyên viếng thăm. Thế nhưng con lại báo Mẹ hay tin ý định của con là chuẩn bị sắp xếp để lên đường sang xứ Phật - Ấn Độ, du học. Lại một lần nữa, con khiến Mẹ hụt hẫng. Nhưng với tấm lòng hi sinh bao la, trước nguyện vọng chân chính của con, Mẹ lại chấp nhận sống ở quê nhà một mình khi tuổi già sức yếu. Lúc đó vào năm 1997, tình cảnh gia đình thật khó khăn : chị cả đã đi lấy chồng, còn một người anh duy nhất ở nhà lại hay cãi lời Mẹ và không hợp tính với Mẹ, phần Cha thì càng ngày càng “lơ lãng” và không còn san sẻ được gì với Mẹ trong cuộc sống nữa. Ngày con về nhà chào Mẹ để đi Ấn Độ, lòng con thật se thắt, chạnh lòng. Nhưng nguyện vọng tha thiết mong được có thời gian lần theo dấu chân Phật, tu niệm ngay nơi ngày xưa Đức Phật tọa thiền, tìm Ánh Đạo Vàng, theo học các khóa Phật học, Pali, Sanskrit lại thôi thúc con lên đường. Mẹ ngậm ngùi chia tay, che giấu nỗi buồn và già yếu cho con yên lòng ra đi.

Thời gian tu học ở Ấn Độ con có nhiều đêm suy tư, thao thức và nhớ về Mẹ. Nhìn gia đình người Ấn sum vầy, các người con xoay vần xung quanh người Mẹ, con lại nhớ đến cái tuổi thần tiên ngọt ngào, hạnh phúc bên Mẹ. Đi dạo nơi làng hai Ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, con lại nhớ đến tấm gương hiếu thảo sáng ngời của hai vị Đại Đệ Tử Phật – tu đắc quả và cứu độ Mẹ mình. Con nguyện lòng noi dấu quý Ngài, ngày đêm chuyên tâm tu học và cầu nguyện cho Cha Mẹ được bình an :

Mỗi đêm con thắp đèn trời

Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con

Được phúc duyên tu học xứ Phật thật là hi hữu, nhưng niềm vui của con khó bề trọn vẹn. Mỗi dịp Tết đến hay vào dịp Vu Lan về là cao điểm khiến lòng con xúc cảm thương nhớ đến Mẹ rất nhiều. Con rất muốn về thăm quê hương Việt nam vì nơi đó có người Mẹ yêu dấu mà con biết là đang tháng ngày yếu gầy mòn mỏi trông con. Con thật kính phục Đức Phật Thích Ca vì sau khi xuất gia, gửi tóc và hoàng bào lại Vua Cha là Ngài tận tâm, dồn hết năng lực vào tu học trong sáu năm không còn thời giờ để hướng nghĩ về thành Ca Tỳ La Vệ nữa, nhưng con lại tự an ủi mình : dù sao thì Cha Ngài - Vua Tịnh Phạn Vương, Dì Mẫu Ngài – Bà Ma ha Ba Xà Ba Đề cũng đã có đầy đủ mọi phương tiện sống đầy đủ, còn Mẹ của con thì già yếu, lòng trống vắng cô quạnh, sống khó khăn và dồn hết niềm hi vọng ở nơi con vậy thì làm sao mà con quên Mẹ cho đành? Những chiều dạo ở bờ sông Mukherjee Nagar hay sông Ni Liên Thuyền con thoáng có phút chốc chạnh lòng với thân lữ khách :

“Dấn thân phiêu bạc dặm trường,

Lạc loài lữ khách tha phương nhớ nhà,

Chuông chiều đồng vọng ngân xa

Ru thời gian nhuộm úa hoa cuộc đời”.

 (Lâm Khánh Trung)

Đến năm 2002, Mẹ bị bệnh năng : bệnh ung thư thực quản. Nhận được tin, con gác việc học tại Ấn Độ, tất tả về thăm Mẹ. Sau đó, con và chị Lan cùng Mẹ vào Saigon để trị bệnh cho Mẹ. Con đã cố hết sức tìm gặp và trị nhiều vị Thầy Thuốc Nam, Bắc, Tây Y khác nhau để trị bệnh ung thư thực quản cho Mẹ nhưng không thành công. Cuối cùng, nhà thương chợ Rẫy chỉ còn cách là đặt một ống nhựa nơi hông để mỗi bữa bơm thức ăn vào cho Mẹ. Tuy bệnh tật thường xuyên lên cơn đau hành hạ và chấp nhận đặt ống bơm thức ăn như vậy, nhưng có được thời gian gần bên con, Mẹ vui mừng lắm nên quên đi đau ốm bản thân mình. Bao nhiêu năm con sống xa Mẹ rồi, chỉ có những tháng Mẹ đau ấy là Mẹ được gần bên con ngày đêm. Mẹ thường nhắc nhở người Chị và mọi người lo phần ăn uống cho con. Khi con phải qua Ấn Độ để tiếp tục việc học, vì thương con và vì biết là sức mình sống không được bao lâu nữa nên Mẹ quyết định bỏ tất cả lại phía sau lưng để theo con đến Ấn Độ, để được đến Thánh Tích và sống bên con những ngày cuối đời và dù cho một mai sau đó phải gửi nắm xương tàn nươi đất khách quê người, Mẹ cũng không ngại. Con đưa Mẹ vào bệnh viện ở New Delhi để chữa trị thêm. Nơi ấy họ scan và giải phẫu đau đớn lắm, Mẹ kiệt sức. Nhưng vì muốn kéo dài thời gian sống với con, Mẹ chấp nhận tất cả các phương pháp chữa trị trên tấm thân khô gầy héo hắt sắp tàn của Mẹ. Sau đó, con đưa Mẹ đế Bồ Đề Đạo Tràng để Mẹ thường xuyên đến cội Bồ Đề, nơi Đức Phật ngồi thiền 49 ngày đêm và đắc đạo khi xưa để Mẹ tu tập. Con vừa lo giúp Mẹ sinh hoạt vừa đến thư viện Đại Học Magadh, Hội Maha Bodhi Society và các chùa gần đó để tìm tài liệu nghiên cứu cho chương trình Ph. D Research của mình.

Mẹ thấy con vất vả lo cho Mẹ tốn nhiều thời gian, Mẹ cũng muốn về Việt nam thăm lại gia đình, những người ba con và thu xếp một số việc trước khi từ giã thế giới này, nên Mẹ lại quyết định rời Ấn Độ về lại quê nhà. Ngày tiễn Mẹ về tại sân bay Delhi, Mẹ ôm chặt lấy con trước khi vào phòng cách ly như ôm lấy một phần cơ thể Mẹ, như linh cảm sẽ không còn bao giờ có thể ôm được nữa, con chính là sự tiếc nuối lớn lao của Mẹ khi Mẹ phải rời xa thế giới này ( như lời Mẹ thường tâm sự). Con nén xúc động, bùi ngùi an ủi Mẹ : “Mẹ về, cố gắng an dưỡng, con sẽ sắp xếp việc học và về thăm Mẹ nữa”.

Có Mẹ ở Ấn Độ thì con phải dành thời gian nấu món ăn và lo thuốc thang cho Mẹ, thế nhưng tinh thần được yên vui, khi Mẹ đã về rồi, con biết Mẹ ngày đêm héo hắt bấm bụng nhớ thương con và con cũng thường lên lầu thượng, nhìn những chiếc máy bay đang bay về hướng Đông Nam, con lo cho Mẹ không biết ở quê nhà Anh Chị vì bận bịu gia đình và làm ăn trong cuộc sống có nuôi đau và chăm sóc Mẹ chu toàn không?

“Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

 (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Con chỉ còn biết cách phone về hỏi thăm tình hình của Mẹ thông qua người bà con gần đó nhưng vì tài chính cho cuộc sống tu học tại Ấn Độ có giới hạn nên con không thể phone thường xuyên như ý muốn được.

Cho đến một hôm con vừa từ thành phố Nalanda về Delhi đến thăm các vị Huynh Đệ quen thì trên đường đi gặp Sư Giác Thạnh và Sư Cô Liên Hòa báo tin là : Tin từ gia đình Thầy báo sang, Mẹ Thầy vừa mới mất hôm qua. Lúc ấy con bàng hoàng thắt nghẹn. Trước đó chỉ có 4 ngày thôi, con gọi phone về hỏi thăm thì người bà con bảo là : bà cụ vẫn còn khỏe, chắc vẫn còn sống được một thời gian nữa. Thế đó, sau này về quê con khám phá ra là : các vị bà con sợ ảnh hưởng việc học của con nên không báo thật tình hình sức khỏe của Mẹ vì Mẹ hay lên cơn đau ốm bất thường, chỉ đến khi nào Mẹ mất rồi, họ mới báo tin mà thôi.

Vẫn biết trước sau gì Mẹ cũng từ bỏ cõi đời này mà ra đi nhưng Mẹ ra đi vào lúc đó khiến con bàng hoàng xót thương, thổn thức khôn nguôi. Bởi vì con dự tính làm xong thêm một số việc trong thời gian ngắn nữa rồi về quê ở bên cạnh, chăm sóc, tâm tình với Mẹ một thời gian trước khi Mẹ qua đời. Sau này con nghe kể lại : ngày nào Mẹ cũng nhắc đến tên con, cũng mong đợi con. Mẹ đem những món kỉ niệm con mua cho Mẹ ở Ấn Độ : : tượng Phật nhỏ, dây chuỗi, mũ len,…. mà ngắm ngía như Mẹ con đang ở bên nhau. Con mơ ước có một ngày học xong, tạm gác lại hết mọi việc để về được sống với Mẹ càng lâu, càng tốt. Dù con sớm chiều đi làm rẫy, làm nương mà sum vầy bên Mẹ cũng là hạnh phúc nhiều rồi. Nhưng ước mơ đó mãi mãi không thành hiện thực, con đang ở trong cảnh ngộ của Ngài Tử Lộ :

“Mộc dục tịnh nhi phong bất định, tử dục dưỡng nhi thân bất tại”  ( cây muốn lặng mà gió không ngừng, con muốn nuôi cha mẹ, nhưng cha mẹ không còn nữa )

Lên ngồi trên máy bay về quê thọ tang Mẹ, lòng con tức tưởi : “Mẹ ơi! Thế là hết thật rồi sao? Mẹ đã phải ra đi thật rồi sao? Lẽ nào cơn vô thường nghiệt ngã đã cướp mất Mẹ? Bao năm tháng Mẹ dõi theo từng bước chân con đi, Mẹ mỏi mòn đợi chờ con về từng giây từng khắc, Mẹ luôn mong muốn được nhìn mặt con lần cuối với những lời trăn trối sau cùng, nhưng giờ đây con đi về mọi việc đã muộn màng. Mẹ ra đi rồi để lại nỗi tiếc nuối khôn nguôi trong lòng con.”

Mẹ ơi !

Hai tiếng “mẹ ơi” con bập bẹ đầu môi khi vừa tập nói và con vẫn gọi lên hai tiếng ấy trong suốt cuộc đời mình dù rằng không còn gặp được Mẹ bằng xương bằng thịt nữa. Con có thể viết gì đây, có thể nói gì đây để bày tở hết được ân tình thăm thẳm và công ơn sâu dày của Mẹ. Quả thật, con cảm thấy ngôn ngữ bất lực, không mô tả được tâm tình và giao cảm thiêng liêng của Mẹ và con :

Ngôn ngữ trần gian túi rách

Đựng sao đầy hai tiếng “Mẹ ơi” !

Và ngôn ngữ trần gian cũng không mô tả hết được vẻ đẹp vừa mộc mạc, gần gũi vừa mầu nhiệm thiêng liêng của “kỳ quan thế giới” có một không hai này :

Trong tất cả các kỳ quan

Kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của Mẹ.

Mẹ ơi ! Rồi đây hành trình trước mắt con còn bao gian nan trắc trở, con đâu còn Mẹ để thổ lộ tâm tình, để được nghe lời khuyên nhủ động viên của Mẹ nữa? Chỉ còn một mình con lẻ bóng dấn thân trên bước đường đời. Rồi mai này nếu như con có thành tựu bao nhiêu điều mà thuở xưa con mơ ước khi mà không còn Mẹ để Mẹ nhìn thấy và vui lòng san sẻ thì những thành tựu đó đối với con cũng giảm đi ý nghĩa rất nhiều rồi. Mẹ ơi! Mất Mẹ đi rồi thật sự là một sự trống vắng, hụt hẫng không gì bù đắp được trong con vì chỉ có Mẹ là người hiểu được con, cảm thông con, quan tâm, bồi đắp cho con, thương yêu và tin tưởng con trọn vẹn, là người thủy chung nhất, không bao giờ rời bỏ con dù con ở trong bất cứ trạng huống nào, là người nâng đỡ bước chân con đi xuyên qua bao chặng hành trình.

Con vẫn thường gọi hai tiếng “Mẹ ơi” với xúc cảm sâu xa từ cõi lòng mình khi cúng tuần thất cho những người con vừa mất Mẹ như là con đang đối diện và tự tình với Mẹ :

"Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ơi! Đây ngọc với đây lòng,
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong".

Trong dịp Vu Lan năm nay, con lại sắp được cài lên trên áo mình một hoa hồng màu trắng nữa, con thật sự cảm thông và thấm thía với : Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng”

“Mẹ hiền ơi! Mùa Vu Lan đã về rồi, người ta đang say cùng đời, hoa hồng đỏ thắm trên môi. Còn mình con, lang thang nhặt cành hoa trắng, nghe cay đắng tìm về trong hồn, đời mất vui khi mẹ chẳng còn.”

  (Thích Trường Khánh )

Xin chúc mừng và tặng cho những ai còn cha mẹ một cành hoa hồng đỏ. Còn Cha còn Mẹ là diễm phúc lớn nhất ở thế gian này. Bạn hãy ý thức điều đó và quý trọng tận hưởng những giây phút ở bên Cha Mẹ. Cái gì ở thế gian dù quý giá bao nhiêu, mất đi rồi có thể tìm lại được nhưng Cha Mẹ một khi mất đi rồi là vĩnh viễn chia xa. Mong là tất cả những người con đừng có ai quá say mê dong ruổi danh lợi và bao nhiêu hào nhoáng của cuộc đời mà bỏ quên hay thờ ở, hững hờ, không lo tròn Đạo Hiếu với Cha Mẹ để rồi khi Cha Mẹ mất đi, lúc ấy dù có tiếc nuối thì cũng đã trễ tràng, buồn thương và khắc khoải không nguôi.

Xin chia buồn và tặng cho những ai không còn Mẹ một bông hồng trắng. Tôi tự an ủi lòng mình và an ủi với bạn : Dù Mẹ không còn nữa bằng hình hài vật chất, nhưng suối nguồn tình thương vô tận và lẽ sống Mẹ đã hun đúc cho chúng ta, những ước mơ và lý tưởng chúng ta đã thổ lộ và hứa hẹn với Mẹ, sức mạnh tâm linh tinh thần ấy là gia tài Mẹ để lại cho chùng ta. Chúng ta hãy sống thật xứng đáng và trọn vẹn với niềm tin tưởng, hy sinh và sự mong đợi của Mẹ đặt ở nơi chúng ta.

Mẹ ơi !

Là tu sĩ, con luôn tự tâm niệm lời Phật dạy : Tất cả chúng sanh là cha mẹ  mà sống thiện, sống tốt đối với tất cả mọi người mọi loài. Với tâm thành, con xin hổi hướng phước đức mà con vun bồi được cầu nguyện cho Mẹ tăng thêm phước thọ nơi cảnh giới an lành. Con tin là Mẹ đang ngự ở cảnh giới an lành và đang tiếp tục dõi bước con đi. Mẹ dù không còn trước mắt con bằng xương bằng thịt nhưng Mẹ vẫn luôn luôn hiện hữu trong con. Con đang nhìn thấy Mẹ ở khóm hoa, trong tiếng gió thoảng, nơi dòng nước êm đềm, trên những chòm sao nơi bầu trời trong mát, từng cụm mây thong dong. Mẹ đã hóa thân thành tất cả. Con luôn tìm thấy Mẹ trong mỗi nếp con nghĩ, mỗi bước con đi, trong những gì con gặp, trong mỗi việc con làm,…

Mẹ vẫn mãi ở bên con trong suốt kiếp nhân sinh hữu hạn này và con sẽ gặp Mẹ ở cảnh giới Phương Tây an lạc - giải thoát - Niết bàn.

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Hồi tưởng về Mẹ trong Mùa Vu Lan

Thích Đồng Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn