Kính thưa quý vị,
Trước nhất, chúng tôi xin minh xác là từ ngữ “thầy cúng” không có trong Phật giáo. Trong một kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã có trích dẫn lời dạy của hòa thượng Tịnh Không về vấn đề cúng lễ cầu siêu, xin trích lại như sau:
...“... Trong Phật pháp, nói Phật sự là giúp đỡ dậy dỗ tất cả chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, những sự việc này đều gọi là Phật sự. Vậy còn hiện nay thì sao?
Hiện nay thì thời gian tiếp xúc với kinh điển cơ hồ ít hơn, nhìn thấy trong cửa Phật phần nhiều đều là lấy kinh sám “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ. Thời xưa ở Ấn Độ chẳng có. Khi Phật giáo được truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có. ...”...
Thưa quý vị,
Vốn chẳng có những việc như thế, nhưng vì là đạo từ bi, nhà Phật có câu “tùy duyên phương tiện độ chúng sinh”, cho nên khi đạo Phật truyền tới nơi nào thì bèn dùng những phương tiện sẵn có để truyền bá giáo pháp, ngõ hầu không gây mâu thuẫn với dân chúng tại địa phương. Do đó, dù đạo Phật không chủ trương cúng bái, cầu xin, nhưng khi tới những quốc gia theo đa thần giáo thì cũng tùy thuận chúng sinh mà lễ bái cho dân chúng, rồi sẽ nhân đó mà giảng giáo lý nhà Phật, rất minh bạch rõ ràng, là nếu muốn thăng hoa cuộc đời trong thế giới hiện tượng tương đối, thì sống theo quy luật nhân quả, “không làm việc xấu ác, siêng làm việc tốt lành”. Nếu muốn giác ngộ bản thể Chân Tâm, giải thoát hoàn toàn như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì tu tập các pháp môn để “thanh tịnh tâm ý ”, như Thiền Nguyên Thủy, Thiền Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông vân vân. Người dạy các pháp môn tu đó gọi là Thiền Sư, hoặc Đạo Sư, là thầy dạy đường lối tu, nói tắt là Sư, nghĩa là Thầy.
Về từ ngữ “thầy cúng”, Tự Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo lý nhà Phật”. Còn từ ngữ “thầy chùa” thì đó là tiếng bình dân. Những từ ngữ này đã không chính xác lại thiếu tính cách tôn trọng bậc tu hành, chúng ta không nên dùng để chỉ quý vị đạo sư.
Nhân đây, chúng tôi xin lược trích phần nói về Đạo Sư, trong cuốn Taming The Mind, tác giả là Ni Sư Thubten Chodron, dịch giả là thầy Thích Minh Thành. Ni Sư Thubten Chodron là một nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, gốc người Hoa Kỳ, đã từng tu tập tại Ấn Độ và Nepal từ năm 1975. Bà đi khắp thế giới để dạy Phật pháp qua những lớp thiền quán, bằng những lời giảng dạy giáo lý và cách thực hành rõ ràng trong sáng. Cuộc đời tu hành và thuyết giảng của bà được đức Dalai Lama rất khen ngợi, rằng vì sống tại cả Tây phương và Đông phương, nơi bà tu học và giảng dạy Phật pháp, bà đã được nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau nhiệt liệt hoan nghênh vì đã hóa giải được những sự hiểu lầm đôi khi xảy ra giữa họ. Điển hình như cuốn Taming the Mind này, mà trong đó bà chỉ cách tu tập để đạt được an lạc nội tâm do ứng dụng lời dạy của đức Phật từ bi. Ngoài cuốn Taming the Mind, bà còn viết nhiều sách như Buddhism for Beginners, Working with Anger, Open Heart, Clear Mind, vân vân.
Ý kiến của Ni Sư Thubten Chodron về nội dung từ ngữ Đạo Sư như sau:
...”... Một vị đạo sư đang sống có thể làm được những điều mà một quyển sách không thể làm, như:
- trả lời các câu hỏi của chúng ta;
- nêu gương tinh tấn trong việc hành trì theo giáo pháp bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày;
- khích lệ và tạo hưng phấn cho chúng ta trên con đường đạo;
- và điều chỉnh những lệch lạc trong hành vi và trong quan niệm của chúng ta.
Sách vở có thể làm phong phú thêm và mở rộng ra những điều gì mà chúng ta đã học từ nơi vị đạo sư nhưng những mối quan hệ tâm linh giữa chúng ta với những bậc hiền trí trên con đường đạo thì sách vở không thể thay thế được.
Khi chúng ta mới tìm hiểu Phật giáo, có lẽ chúng ta không có một vị đạo sư tâm linh riêng biệt nào. Như vậy là tốt. Chúng ta có thể học hỏi từ những vị đạo sư khác nhau và theo đó mà thực hành. Những người thích theo Phật giáo một cách tổng quát thì có lẽ không cần phải chọn lựa một vị đạo sư. Tuy nhiên sau một thời gian tinh cần tu tập thì người ta sẽ cảm thấy cần xây dựng nên mối quan hệ thầy trò với một vị đạo sư tâm linh. Nhờ vậy, người ta có thể nhận được những lời dạy bảo tâm huyết hơn.
Ngày nay có tình trạng nhiều vị xưng là đạo sư quá, mỗi vị đều có thể dạy lý thuyết này, hay lý thuyết khác, và đều có bề ngoài phô diễn tốt với mục đích được nhiều người theo. Nhưng nếu chúng ta là những người thành tâm cầu đạo, chúng ta sẽ cảm thấy không có lý thú gì trong sự phô diễn mang tính hình thức ấy. Điều mà chúng ta tìm cầu là thực chất chớ không phải phô diễn.
Có thể chúng ta phải tốn thời gian trong việc tìm kiếm và xác định vị đạo sư của mình. Khởi sự, chúng ta có thể tham gia những buổi thuyết giảng và học hỏi nơi những vị giảng sư, nhưng khoan xem vị nào là đạo sư tâm linh của mình. Việc này giúp cho chúng ta có thể xem xét những phẩm chất của những vị ấy và cũng xem xét khả năng của chúng ta trong việc thiết lập mối quan hệ.
Không có lợi thế gì khi chúng ta chọn một vị đạo sư tâm linh chỉ vì vị này có nhiều chức tước, ngồi trên những ghế cao, mặc những bộ y trang trọng và đội những cái mũ uy nghiêm gây ấn tượng, vì những thứ đó đều có thể mua được. Chúng ta không nên dựa vào những hình thức bên ngoài mà nên tìm kiếm những phẩm tính tốt đẹp. Chúng ta cũng không nên chọn một người nào đó làm thầy, chỉ vì người ấy đã là thầy của bạn chúng ta. Chúng ta phải tự mình chọn lấy, dựa theo những phẩm chất và những tiếp xúc trực tiếp của chúng ta.
Trong Đại Thừa Lăng-già kinh, ngài Di lặc đã phác thảo ra 10 phẩm tính của một vị đạo sư tâm linh tuyệt vời. Đó là:
1. Có đạo hạnh thanh khiết. Vị đạo sư là gương sáng để chúng ta nương theo tu tập. Vì chúng ta cần phải chuyển hóa những hành vi, lời nói và tâm ý sai quấy, nên chúng ta phải khôn ngoan chọn vị thầy nào đã có tự thân chuyển hóa rồi. Vị thầy này sẽ dạy cho chúng ta cách để cải thiện bản thân và sẽ làm gương tốt cho chúng ta theo.
2. Có kinh nghiệm trong việc thiền định.
3. Có hiểu biết thâm sâu về giáo nghĩa liên quan đến trí tuệ. Ba phẩm chất đầu tiên này cho thấy rằng đây là một vị đã khéo tu tập Ba Pháp Môn dẫn đến giải thoát là Giới, Định và Trí Tuệ.
4. Có kiến thức uyên bác và nhiều kinh nghiệm tu tập hơn chúng ta.
5. Có lòng nhiệt tâm bền bỉ trong việc dạy bảo và hướng dẫn đệ tử. Nếu chúng ta chọn một vị thầy không ưa việc dạy bảo hay lười nhác trong việc hướng dẫn thì chúng ta sẽ không học được bao nhiêu.
6. Là vị đạo sư đầy đủ tư cách, có kiến thức uyên thâm về Thánh điển và chỉ dạy chúng ta những điều phù hợp với nội dung tư tưởng trong Thánh điển. Những vị nào tự sáng tác ra giáo nghĩa riêng, đi lệch hay đi quá xa những lời Phật dạy thì không thể nào chỉ cho chúng ta con đường để chứng ngộ được.
7. Có nền tảng tư tưởng chín chắn hay có thiền chứng về tánh không.
8. Có kỹ năng diễn đạt giáo pháp một cách rõ ràng và dễ hiểu.
9. Có động cơ là lòng từ ái và lòng bi mẫn vô lượng. Đây là điểm vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể đặt niềm tin vào một người lấy việc dạy đạo để được kính trọng và lợi dưỡng. Thật là nguy hiểm khi chúng ta bị người như vậy làm cho lầm đường lạc lối; chúng ta sẽ hoang phí thời gian và rất dễ bị vương vào những hoạt động không trong sáng. Vì vậy, thật là quan trọng trong việc chọn người thầy có chí nguyện chân thật và thanh tịnh, một người thầy muốn làm lợi ích cho học trò và dẫn dắt học trò trên con đường giải thoát giác ngộ.
10.
Có tính kiên nhẫn và sẵn lòng chỉ dẫn cho những người
cần cầu học đạo dù họ thuộc bất cứ trình độ nào.
Vì chưa phải là người hoàn hảo và còn những tâm thái nhiễu
loạn như tham chấp và sân giận nên chúng ta vẫn còn phạm
phải sai lầm. Chúng ta cần những vị thầy không bao giờ
có ý từ bỏ học trò, những vị đạo sư có tính nhẫn nại
và khoan dung cho học trò. Hơn thế nữa, chúng ta cần những
vị đạo sư không thối chí khi học trò không hiểu được
điều thầy muốn dạy.
Không
dễ
dàng gì có thể tìm được những vị thầy có tất cả
những đức tính trên.
Trong trường hợp này thì những đức tính quan trọng nhất mà người thầy cần nên có là:
1. Có nhiều phẩm tính tốt đẹp hơn là khuyết điểm.
2. Xem trọng việc tu tập đạo hạnh để đạt được hạnh phúc trong tương lai hơn là thụ hưởng những cuộc vui trong hiện tại.
3. Có tấm lòng quan tâm đến người khác hơn là bản thân của mình.
Để biết được những phẩm chất tốt đẹp của thầy, chúng ta cần xem xét hành xử của thầy, nhận thức về Phật pháp của thầy và cách thầy chỉ dạy học trò. Không phải là sáng suốt khi hỏi một vị thầy dạy giáo lý: "Thầy đã chứng ngộ chưa?" Vì ngay cả khi đã chứng ngộ thầy cũng sẽ không cho chúng ta biết. Đức Phật cấm đệ tử tuyên bố cho công chúng biết những gì mà mình đã chứng ngộ được. Đức Phật muốn đệ tử của Ngài khiêm tốn và chân thành. Người phàm tục ngược lại muốn phô trương những thành tích của bản thân. Con người tâm linh không nên giống như vậy: mục đích của con người tâm linh là chế ngự tự ngã chớ không phải là khuếch đại nó.
Chúng ta có thể có rất nhiều thầy, nhưng chỉ có một vị là đạo sư tâm linh quan trọng nhất. Đó chính là vị mà chúng ta kính tin nhất và có thể giãi bày tất cả những gút mắc nghiêm trọng trong tâm hồn. Đó chính là bổn sư của chúng ta. Bổn sư có thể là vị đầu tiên khai tâm cho chúng ta trên con đường đạo, đã đưa chúng ta vào con đường thăng tiến tâm linh. Bổn sư cũng có khi là vị mà chúng ta cảm thấy thân thiết nhất.
Sau khi chọn được thầy rồi chúng ta nên tận tâm nghe theo những lời thuyết giảng của vị thầy đó về Chánh pháp để tu tiến trên con đường đạo.
Chúng ta nên quan tâm đến những nhu cầu trong đời sống của thầy để phục vụ và cung cấp cho thầy. Khi chúng ta nhận ra tấm lòng của thầy trong việc định hướng cho tâm thức chúng ta trên con đường đi đến hạnh phúc thì chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng khi được giúp thầy. Vì thầy của chúng ta hành đạo để đem lại lợi lạc cho mọi người và để hoằng dương Phật pháp nên những đóng góp của chúng ta cho thầy sẽ rất là hữu ích.
Thật ra, sự cúng dường thù thắng nhất của chúng ta cho thầy là công phu tu tập theo Chánh pháp. Nếu chúng ta có tài của và vật chất, năng lực và thời gian thì chúng ta cũng có thể cúng dường. Tuy nhiên chúng ta không nên xao lãng việc tu tập vì việc tu tập mới chính là mối quan tâm hàng đầu của vị thầy tâm linh đúng nghĩa. Khi chúng ta nghe theo những lời thầy dạy và gìn giữ những giới điều mà chúng ta đã thọ lãnh thì đó chính là điều mà thầy của chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất so với tất cả những thứ khác.
Chúng ta xây dựng nên mối quan hệ với thầy ngõ hầu thăng tiến trí tuệ và trách nhiệm tự thân. Không phải là sáng suốt khi nghe theo lời thầy một cách mù quáng chỉ vì "người đó là thầy của tôi vì vậy tất cả những gì người đó dạy là đều đúng cả".
Chúng ta cũng không nên muốn được thầy ưu ái bằng những lời nói ngọt ngào nhưng không thành thật. Vị thầy tâm linh muốn cho mọi người đều được hoan hỷ, và vì vậy nếu chúng ta lấn át hay cư xử tệ bạc với người khác thì chúng ta đã làm ngược lại những lời thầy dạy. Nếu chúng ta xem trọng thầy của mình và khinh thị những người khác có nghĩa là chúng ta đã không hiểu chân nghĩa của đạo Pháp. Để đạt được ý nguyện thăng tiến trên con đường đạo chúng ta phải hành xử với thầy và với mọi người với tâm thành kính.
Mục đích của việc tìm cầu một vị thầy không phải là để làm thỏa mãn tự ngã của chúng ta mà là để diệt trừ vô minh và vị kỷ qua việc tu tập theo Chánh pháp. Khi thầy chỉ ra được những lỗi lầm mà chúng ta đã mắc phải thì chúng ta nên vui mừng. Bởi vì có quan tâm đến chúng ta đúng mức thầy mới có thể làm được như vậy. Thầy đã tin rằng chúng ta sẽ đón nhận lời khuyên bảo chớ không cảm thấy bị xúc phạm.
Theo dòng thời gian mối quan hệ giữa chúng ta và thầy sẽ dần dần phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ này có thể trở nên rất là quý báu vì thầy cho ta những lời dạy bảo và chỉ dẫn chân tình đầy từ bi và trí tuệ. Nhờ đó chúng ta sẽ thăng hoa được những phẩm tính tốt đẹp và có thể tẩy sạch những cấu uế của bản thân. Mối thân tình giữa chúng ta với vị đạo sư tâm linh, tức là vị thầy thật sự quan tâm đến phước lạc và thăng tiến tâm linh của chúng ta khác xa với những mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người. Thầy của chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng ta, dù chúng ta có thăng trầm vinh nhục gì gì đi nữa. Điều này không có ý cho phép chúng ta hành động cẩu thả bất kể hậu quả. Điều muốn nói ở đây là chúng ta không cần phải có tâm trạng lo âu rằng thầy sẽ cắt đứt mối quan hệ với chúng ta nếu chúng ta phạm phải những sai lầm. Vị thầy tâm linh thật sự sẽ có tánh khoan dung và lòng từ ái và vì vậy chúng ta có thể tin tưởng hoàn toàn.
Khi chúng ta càng hiểu biết sâu xa về con đường đưa đến giác ngộ thì mối quan hệ thầy trò cũng càng thâm trọng vì tâm hồn của chúng ta đã có nhiều điểm tương đồng với tâm hồn của thầy. Ý chí tìm cầu giải thoát của chúng ta càng trở nên khẳng quyết và tâm xả thân bố thí cũng trở nên dũng mãnh hơn thì chúng ta cảm thấy càng gần gũi với thầy vì cả hai cùng chí hướng, cùng mục đích. Hơn nữa, chúng ta tu luyện được trí tuệ về không tánh thì chúng ta đoạn trừ được cảm giác cách biệt ta người nói chung; cảm giác cách biệt ta người có ra là do chúng ta mê lầm về tính hữu thể của hiện tồn. Khi chúng ta đạt được đạo quả giác ngộ thì sự chứng đạt của chúng ta không khác với sự chứng đạt của thầy....”...
Trên đây là định nghĩa của Ni Sư Thubten Chodron về phẩm cách của một vị Đạo Sư .
Ban Biên Tập TVHS