Xây Dựng Một Mô Hình Hoằng Pháp Đối Với Giới Trẻ

28 Tháng Tám 201000:00(Xem: 20128)

XÂY DỰNG MỘT MÔ HÌNH HOẰNG PHÁP 
ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ

TT. Thích Thanh Hùng
blank
blank

Các vị trụ trì cũng cần quan tâm việc học của các em ở thế học, bằng cách phát thưởng, ngợi khen cho các em đã có những thành tích xuất sắc về học tập, về gương hiếu thảo. Làm như thế sẽ tạo nên sự gần gũi, vì các em sẽ không còn thấy xa lạ với Tam bảo, và để từ đó gây chút thiện duyên, làm nhân tốt cho đức tin sau này. 

Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người đệ tử Phật, đặc biệt trong ngành Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử. Trong suốt những năm qua, được sự chỉ đạo của TƯGH cũng như sự quan tâm của HT Trưởng ban Hoằng pháp và chư tôn đức trong Ban Hướng dẫn Phật tử, vì vậy trên cả nước đã có những chuyển biến tốt về số lượng cũng như chất lượng của người Phật tử, góp phần không nhỏ vào việc đem lại đời sống an lạc, an vui cho bản thân, gia đình và tha nhân. Hôm nay, nhân buổi tọa đàm “Sứ mệnh hoằng pháp thời hiện đại”, tôi xin được bày tỏ vài kiến nghị về lãnh vực này, để công tác hoằng pháp sắp tới được kiện toàn tốt hơn.

 “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh do Đàn việt hộ trì”.

Thật vậy, Phật pháp không thể xương minh nếu không có hình ảnh khả kính của Tăng già; chùa chiền không thể phát triển nếu không có những đàn tín thành tâm. Quán thông việc đó nên trong suốt những năm qua, chư tôn đức lãnh đạo đặc biệt quan tâm và nhờ sự dấn thân của chư vị pháp sư, giảng sư… trên toàn đất nước, kể cả vùng sâu vùng xa… mà bất kể nơi đâu, giáo điển của đức Từ Phụ mãi âm vang khắp chốn. Nhờ đó, nhiều đạo tràng được thành lập, nhiều lớp giáo lý được triển khai, chính thức đi vào nề nếp, trên dưới một lòng, chung học cùng tu, ấm tình vị đạo. Sự nhiệt tâm của chư vị giảng sư, lòng thành tín của thiện nam tín nữ xa gần…, tất cả tạo nên một sinh khí mới trong tình tương thân tương ái.

Phổ thông nhất là việc thành lập các đạo tràng tu Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật. Bất luận là thành thị hay thôn quê, Phật tử các nơi đều một lòng tín thọ. Những mô hình tu học như thế đáp ứng được số đông, vì vậy phương thức hoằng pháp này tuỳ phương tiện nên được triển khai ở các tự viện, có thể quy tụ mỗi tuần một lần hoặc mỗi tháng một lần v.v… nhằm hướng dẫn hàng Phật tử sơ cơ tu học.

Bên cạnh đó là các lớp giáo lý kết hợp với hình thức sinh hoạt văn nghệ. Trên tinh thần thực tu, vui học ở các tự viện, giữa không gian yên tĩnh, trong pháp âm đầy tâm huyết của vị trụ trì giảng sư… tất cả học viên có thể quên đi mệt nhọc của một ngày làm việc, để từ đó học viên có thể hiểu sâu, hiểu rộng hơn và áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống thường ngày, làm thăng hoa ý nghĩa của đời sống.

Mặc dù ngành Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử có những thành quả thiết thực trong thời gian gần đây, tuy nhiên phần lớn vẫn chỉ quy tụ được bộ phận cao tuổi, còn lớp trẻ đa phần chưa được tiếp cận với Phật pháp. Thực tế này phát xuất từ nhiều yếu tố khách quan trong cuộc sống hiện thực: cha mẹ chưa quan tâm, hướng dẫn con cái đúng mức. Phần nhiều vẫn cho rằng, khi con cái lớn chúng sẽ tự nhận thức, đến khi chọn con đường cho trẻ thì đã quá trễ. Thứ nhất, các bậc cha mẹ thường cho rằng tuổi nhỏ chưa đủ trí để nhận thức về lý tưởng cao đẹp của đạo Phật; thứ hai là khung cảnh trầm lắng của thiền môn, ít dung hợp tâm hồn trẻ thơ vốn đầy hiếu động. Qua đó, ngành Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử nên có chương trình cụ thể của từng đối tượng mới thu hút được giới trẻ về với đạo Phật. 

Tôi có một vài kiến nghị xin thử đề xuất về phương pháp đem Phật pháp phổ cập rộng rãi đến tất cả mọi người, đó là “Gia đình Phật hóa” Phật tử Việt Nam. 

Theo lời Phật dạy, người đến với đạo Phật thông thường bằng hai cửa: Trí tuệ và Niềm tin. Trí tuệ thì chỉ có ở bậc thượng sĩ thượng nhân, hoặc những vị thâm niên tu hành, nên cửa này rất ít. Đa số người đến với đạo thường khởi điểm lòng tin, một yếu tố góp phần không nhỏ trong việc phát khởi lòng tin là tình thương cao đẹp. Chính tình thương làm cho mọi người dễ thông cảm, dễ gần nhau hơn. Trong khi đó, người có thể dễ dàng gần gũi với tuổi trẻ, có đủ diều kiện đễ nâng đỡ các em bằng tình thiêng liêng thì không ai hơn các vị trụ trì và những bậc làm cha, làm mẹ. Vì thế, các vị trụ trì nên quan tâm đến các em hơn, bằng cách tổ chức sinh hoạt, biểu dương những gia đình có thành tích giáo hoá con em quy y và sinh hoạt đạo tràng học giáo lý, khích lệ những gia đình có con em quy y 100%, hoặc thấp hơn, theo phương châm “Gia đình Phật hóa” để xét khen thưởng.

Các vị trụ trì cũng cần quan tâm việc học của các em ở thế học, bằng cách phát thưởng, ngợi khen cho các em đã có những thành tích xuất sắc về học tập, về gương hiếu thảo. Làm như thế sẽ tạo nên sự gần gũi, vì các em sẽ không còn thấy xa lạ với Tam bảo, và để từ đó gây chút thiện duyên, làm nhân tốt cho đức tin sau này. Thuở xưa, La Hầu La vì thích ngôi báu mà phát chí tu hành, Nan Đà vì mến cõi Trời mà chuyên tâm thiền quán, A Nan vì cầu tướng tốt mà xuất gia, một lão nhà nông thích những đồng tiền mà chuyên tâm niệm Phật… Dù cửa giải thoát vô dục vô cầu, nhưng cũng tại giáo lý quá thâm sâu nên cần dùng nhiều phương tiện, Gia đình Phật hóa cũng là một trong vô số phương tiện, là hình thức khuyến tấn, biểu dương, tán thưởng… thiết nghĩ cũng không có gì lệch sai Thánh ý mà rất thiết thực trong cuộc sống.

Về vai trò của cha mẹ, cần vận dụng lời Phật dạy, ban bảo làm sao để các em có thể nhận thức rằng đạo Phật không phải chỉ nói đến chuyện xa vời, và chỉ thích hợp cho các cụ già, mà phải thấy giáo lý Phật như đám mưa, tất cả cỏ cây dù thuộc chủng loại nào cũng xum xuê tươi tốt. Dù già hay trẻ, nếu thực hành đúng lời dạy của đức Phật thì đều đem lại lợi ích vô cùng.

Trong thời đại văn minh vật chất tiến bộ như hiện nay, nhiều em nhỏ sớm đi vào bế tắc, mất định hướng tương lai, một phần lớn là do không được cha mẹ và gia đình quan tâm đúng mức, phần còn lại là do nơi các em chưa ý thức được lợi ích của lẽ lành, đường thiện. Ưa chuộng vật chất, bỏ mất tâm linh; vướng phải bạc tiền quên tình, quên nghĩa. Vì thế các bậc cha mẹ cần quan tâm tới con cái nhiều hơn. Một là, để các em không bị lẻ loi trước sự đời vốn nhiều cám dỗ, Thứ hai là có thể ngăn chặn kịp thời những việc không hay, cũng như nhắc nhở các em hướng theo đường thiện. Thử hỏi, đi làm kiếm nhiều tiền đắp xây hạnh phúc, nhưng số tiền mà chúng ta khổ công kiếm được có nghĩa gì so với con cái bất an, hoặc một căn bệnh nan y nào đó. Và, tiền cũng không thể nào có thể dễ dàng mua được những gì đã mất, nhất là tâm linh, thiện cảm của con người.

Người xưa nói, “Tre tàn măng mọc”, cây măng non có đủ khỏe, to, để làm nên một lũy tre xanh tươi hay không là do bàn tay người làm vườn vun xới. Tương lai của thế hệ trẻ hôm nay có được vun đắp hay không cũng có một phần trọng trách không nhỏ của thế hệ làm cha, làm mẹ và những bậc thầy mô phạm.

 “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bất cứ sự thành tựu nào trong lãnh vực hoằng pháp cũng đều nhờ sự nhất dạ đồng lòng của số đông các vị giảng sư và trụ trì phổ cập mô hình Gia đình Phật hóa. Nếu được chư tôn thiền đức, đặc biệt là các vị trụ trì và các vị Phật tử hỗ trợ thì chắc rằng có thể dễ dàng đưa ánh sáng Phật pháp đến với tầng lớp thanh thiếu niên, hay ít ra cũng tạo được duyên lành, in được dấu ấn vàng son trong tâm hồn bé bỏng. Để mai này, khi các em khôn lớn, có thể nhận thức mọi điều thì chừng ấy, ánh sáng nhiệm mầu của Phật pháp sẽ soi rọi trong lòng, làm kim chỉ nam cho các thế hệ tiến bước, làm ích đạo đẹp đời trong phương châm Gia đình Phật hóa Phật tử Việt Nam.

Thành tâm kính chúc chư tôn thiền đức và toàn thể đại biểu trong cuộc tọa đàm thân tâm thường an lạc. 
 

02-21-2007 06:24:35
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn