Hiếu Niệm: Không Giết Hại Chúng Sanh - Huệ Giáo

19 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 71105)

tuyentapvulan-03

HIẾU NIỆM:
KHÔNG GIẾT HẠI CHÚNG SANH

Huệ giáo

Với cái nhìn tuệ giác, Đức Phật quán chiếu trong vòng nghiệp duyên của chúng sanh, Ngài đã thấy được không có một chúng sanh nào tồn tại độc lập, mà ngược lại lưu chuyển trong vòng tương duyên với nhau. Tất cả vì vô minh, mà chúng sanh không thấy được Ngài. Trong kinh Báo Phụ Mẫu Ân diễn tả, có lần Đức Phật đi trên đường và thấy bên lề đường một đống xương khô, Ngài đã lễ lạy đống xương ấy. Hành động của Ngài đã khiến cho các vị Tỳ-kheo đệ tử đi theo sau hết sức ngạc nhiền và bạch hỏi được Ngài trả lời như sau: “Ta đã thấy trong vô lượng kiếp sống, có những đời chúng sanh đã từng làm cha mẹ con cái lẫn nhau, những đời khác làm anh em, quyến thuộc và cũng có những đời sống là kẻ thù”. Như vậy trong đống xương tàn này đã có hình sắc của phụ mẫu chúng ta trong nhiều đời. Chúng ta cần phải thương tưởng và luôn luôn kính trọng, lễ lạy. Trong Kinh Bồ-tát Giới dạy rằng: “Tất cả lục đạo chúng sanh đều là họ hàng ta, cha mẹ ta đã chết đi sống lại trong nhiều đời, nhiều kiếp”.

Với cái nhìn sâu sắc ấy, Đức Phật đã long trọng tuyên bố cho các đệ tử của Ngài, và trong nội dung những lời răn cấm căn bản của Người con Phật là năm giới cấm. Giới cấm thứ nhất là không nên giết hại chúng sanh.

Đứng ở góc độ xã hội chúng ta thấy rằng, không giết hại chúng sanh là lời khuyên đầy tính nhân văn và bình đẳng. Bởi lẽ, quyền được sống và được sống hạnh phúc thuộc những quyền căn bản, bất khả xâm phạm trong thế giới văn minh. Ai cũng muốn sống và khao khác được sống. Sự sống của con người cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Giả sử trong một quốc gia, nếu con người sống với nhau và đối xử với nhau bằng bạo lực, mạnh lấn yếu, giàu hiếp nghèo, người có quyền lực lấn áp kẻ thấp cổ nhỏ họng, không có sự tương thân tương trợ lẫn nhau thì xã hội ấy chẳng phải là xã hội của loài người, chưa nói đến một xã hội tiến bộ. Một xã hội tiến bộ là một xã hội biết tôn trọng với nhau và phải biết hỗ trợ lẫn nhau. Vì chúng ta cần phải biết rằng, sự phát triển toàn diện của một cá thể, hoặc gia đình, dẫn đến một xã hội rộng lớn đều cần có mặt của tất cả những thành viên hiện hữu trong xã hội ấy. Bởi lẽ, tất cả đều có sự liê hệ, tương hệ lẫn nhau.

Không giết hại chúng sanh, đứng ở góc độ bình đẳng trong tâm thức tôn giáo mà xét, Đức Phật đã trịnh trọng tuyên bố: “Ta là Phật đã thành các con là Phật sẽ thành” hoặc “Trước Đức Phật đã có vô lượng Đức Phật đã thành”. Cái nhìn của Đức Phật về bình đẳng trong mối tương quan này dựa trên nền tảng bản thể để xem xét; nên không có cao hạ, ngược lại khảo sát trên phương diện nghiệp lực thì có cao thấp và trắng đen rõ rệt. Xét đến tận cùng nghiệp lực của chúng sanh trong sáu nẽo luân hồi, Đức Phật đã thấy chúng sanh lên xuống thường xuyên trong các cõi, lúc thì mang thân trâu bò chở nặng, lúc thì trong tâm thức có thần thánh, lúc khác mang thân người và cũng có lúc đã rên la trong chốn u đồ. Tất cả đều do sai biệt của nghiệp thức tạo tác, trong quá khứ hay trong hiện tại mà phải nhận lãnh nghiệp quả như thế.

“Không giết hại chúng sanh” lời dạy được lưu xuất từ lòng từ bi sâu thẳm của Đức Phật. Ngài đã quán thấy trong tất cả chúng ta, dù mang trong người một địa vị cao sang hay thấp hèn nào chăng nữa, cũng đều có ân tình với nhau. Không ở nơi này thì cũng ở nơi khác, không trong thế giới này thì cũng ở thế giới khác, không trong thời điểm này thì cũng ở thời điểm khác. Tất cả đều có vay mượn với nhau, nếu không có vay mượn, nhân duyên với nhau thì hôm nay chúng ta sẽ không cộng trụ để sinh tồn và tạo thành một thế giới đầy nghiệp lực. Trong thế giới này, hạnh phúc và đau khổ luôn luôn tương phùng, thiện ác luôn đáo đầu, oán tắng lại gặp nhau, thương yêu lại xa cách, đầy bệnh tật, già nua và chết chóc, để tiếp tục vay trả. Thấy được như thế, Đức Phật khuyên chúng ta không nên tiếp tục vay tra bằng cách làm hại lẫn nhau.

Không giết hại chúng sanh, trên tinh thần hiếu niệm là chúng ta cần phải thấy biết sâu sắc trên căn bản của lòng từ bi vô hạn. Ai cũng có nỗi khổ và ai cũng từ những nỗi khổ mà sanh biến, dù hiện đang mang tấm thân nào chăng nữa, cõi nước nào chăng nữa thì không nên giết và không nên bảo người giết, hoặc tham gia giết bằng cách này cách khác, cho đến côn trùng cỏ cây, môi trường sống cũng không nên giết hại, tàn phá. Bởi lẽ tàn phá môi trường xung quanh chính là tàn phá đời sống của mình, giết hại chúng sanh thì sẽ bị chúng sanh báo trả theo định luật nhân quả ngàn thu tồn tại và chi phối đời sống của loài người.

Hiếu niệm đứng ở góc độ khác chính là sự báo ân và tri ân của người con Phật trong sự hiểu biết nhân duyên nhân quả bao phủ trong nhiều thời gian đã qua. Con người sống được nuôi dưỡng, phát triển trong ân tình thì cũng được kết nối bởi sợi dây ân tình, một niềm kính trọng trong báo ân và tri ân.

(Cùng một tác giả)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn