Pháp sư Tinh Vân giảng về
NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC QUA VIỆC ĂN CHAY Pháp sư Tinh Vân nhận lời mời phỏng vấn của người dẫn chương trình nổi tiếng Lý Tinh Ngọc đài truyền hình vệ tinh Nhân Gian. Pháp sư Tinh Vân nhận lời mời phỏng vấn của người dẫn chương trình nổi tiếng Lý Tinh Ngọc thuộc “đài truyền hình vệ tinh Nhân gian”, nhằm chia sẻ quan niệm và thói quen ăn uống. Tin rằng cuộc đối thoại tự do tâm linh dưới đây sẽ làm sống lại tính linh trí huệ đã bị giấu kín bấy lâu trong tâm mọi người. Lý Tinh Ngọc: Xin hỏi Pháp sư, Ngài ăn chay được bao lâu rồi ạ? Pháp sư: Tôi ăn chay từ lúc mới sinh ra cho đến nay. Tôi lớn lên gặp thời loạn lạc, thời ấy lương thực vô cùng thiếu thốn, thế nên tôi đã từng ăn cháo bã lúa mạch, mỗi ngày ba bận thường ăn củ đậu thay cơm đến nỗi sợ phát khiếp! Sau đó tôi xuất gia vào năm 12 tuổi, tuy sống trong chùa nhưng hằng ngày vẫn ăn cháo thay cơm, một tháng ăn chưa đến một miếng đậu hũ hay một ít thức ăn chay. Nếu hôm nào may mắn có mấy miếng bã đậu hũ thì chúng tôi bỏ vào nồi xào qua xào lại và ăn rất ngon lành, nếu không có củi thì mang chúng ra ngoài phơi nắng, ngay cả loài chim sẻ cũng thường bay đến ăn. Thậm chí chúng còn đại tiểu tiện vào đấy nên khi ăn thường gặp nhiều dòi bọ, song, một mặt nào đấy cũng còn có vị mằn mặn của thức ăn. Sống những năm tháng như thế nhưng chẳng có bệnh tật gì. Tôi nghĩ, có lẽ do mỗi ngày trước khi ăn đều niệm Phật trì chú, nhờ đó mà có sự gia trì bảo hộ của chư Phật. Lý Tinh Ngọc: Hiện nay dường như việc ăn chay đã trở thành một nét văn hóa khá thịnh hành, ngoài phạm vi bao gồm nền văn hóa Trung Hoa ra, còn mở rộng đến các nước Âu Mỹ. Vậy Ngài có thể nói khái quát một chút về văn hóa ăn chay được không ạ? Pháp sư: Hiện nay khắp thế giới đang thịnh hành văn hóa(mốt) ăn chay, nhiều người nhờ ăn chay mà có sức khỏe dồi dào, thân thể xinh đẹp. Theo nghiên cứu của y học, ăn chay rất có lợi cho sức khỏe, vả lại nó còn tăng thêm nhiều sức đề kháng, nuôi dưỡng tâm tính ôn hòa từ bi. Những vị Hòa thượng nhờ ăn chay nên tinh thần họ vô cùng thoải mái, nguyên nhân vì sao ư? Điểm quan trọng nhất của việc ăn chay chính là để nuôi dưỡng lòng từ bi, từ việc làm tịnh hóa tâm hồn cho đến giảm dần tâm sân giận, mới đạt đến trạng thái an nhiên tự tại. Đối với văn hóa ăn chay của phương Tây. Theo tôi được biết thì ở Mỹ có một khu phố chỉ cho bán những thức ăn chay chứ không cho bán những thức ăn tanh(mặn), dù họ chẳng phải là tín đồ Phật giáo, hoàn toàn chỉ đứng trên phương diện sức khỏe mà mở rộng việc ăn chay. Tuy Phật giáo đề xướng việc ăn chay khá sớm, nhưng thời kỳ tối sơ của đức Phật cũng không ăn chay, bởi vì thời bấy giờ chỉ dựa vào phương thức khất thực “duyên đồ thác bát” – các tín đồ cúng gì thì ăn cái đó mà thôi. Có hai nguyên nhân khiến Phật giáo đề xướng vấn đề ăn chay: Nho gia có câu: “Kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử; văn kỳ thanh, bất nhẫn kiến kỳ nhục” – nghĩa là thấy con vật đang sống chứ không nỡ thấy con vật bị giết; nghe tiếng con vật kêu, không nỡ ăn thịt con vật ấy. Trong kinh điển Phật giáo cũng đề cập đến vấn đề không muốn đoạn mất hạt giống từ bi, vì lòng từ bi chính là không giết hại sinh mạng của loài động vật. Tuy nhiên có người cho rằng loài thực vật cũng có mạng sống, có tình cảm. Nếu đã bảo không sát sinh, không giết loài động vật thì cũng không nên giết loài thực vật mới đúng. Thực ra, mạng sống của loài thực vật được gọi là “sinh cơ” nghĩa là có cơ hội thì có thể sinh trưởng nên khác với loài có sinh mạng, sinh mạng là loài “hữu tâm” (có ý). Ví như khi bạn nhìn thấy loài Heo, Ngựa, Trâu, Dê bị giết, chúng có cảm giác vô cùng sợ hãi, nhưng loài thực vật lại rất “vô tâm”, tuy chúng có sự phản ứng của sống chết, nhưng không có cảm giác khổ vui, cho nên phân định ra sự sát sinh cũng có “hữu tâm” và “vô tâm” vậy. Ăn chay, ngoài việc xuất phát từ lòng từ bi ra, điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng mạng sống của hết thảy mọi loài chúng sinh vậy. Ăn chay khiến cho con người luôn có nét mặt từ bi và an lạc hạnh phúc. Lý Tinh Ngọc: Ăn chay, ngoài việc giúp cho bản thân có sức khỏe ra, còn có mặt lợi ích nào nữa không ạ? Pháp sư: Anh thấy hiện nay một số người ăn thịt và thứ tanh đủ loại các thứ, gọi là cách ăn biến hóa cá sống ba mươi món hay hải sản mười món gì đấy vân vân, khiến cho tâm người trở nên biến thái hoàn toàn. Có một số phụ huynh khi dẫn con đi chơi thường bắt những con cua nhỏ hay cá nhỏ cho con chơi, có một số người còn lật ngược cá lại, những người khác thì bóc vỏ cua ra để chơi cho đến chết mới thôi, như thế sẽ khiến cho những đứa trẻ nầy từ khi nhỏ đã huân thành thói quen không biết tôn trọng mạng sống của các loài sinh vật. Chúng đã không biết sinh mạng đáng quý nhường nào, nên sau nầy lớn lên sẽ càng không biết tôn trọng mạng sống của mọi loài, thậm chí làm những ác hạnh như giết người cũng có thể xảy ra vậy. Phật giáo không khuyến khích hết thảy mọi người phải ăn chay, nhưng lại chủ trương không nên sát sinh. Chúng ta có thể mua những thức ăn bán sẵn để ăn, nhưng tự mình không được sát sinh. Các bậc cha mẹ nên dạy dỗ con cái, ngay từ nhỏ nên hình thành thói quen tôn trọng mạng sống là đáng quý, phải có thói quen thương yêu những sinh mạng bé nhỏ và những động vật bé nhỏ. Cho nên tôi thấy việc giáo dục trong gia đình hiện nay, trước tiên chúng ta nên dạy con cái biết tôn trọng sự sống, khiến cho nhi đồng thương yêu mạng sống muôn loài, như thế đối với nét đặc trưng của xã hội mới có bước tiến thay đổi được. Lý Tinh Ngọc: Báo cáo nghiên cứu của một tờ tạp chí chỉ ra rằng: Nếu như khắp thế giới mọi người đều ăn chay thì thế giới nầy sẽ không còn cảnh nghèo đói, túng bấn hay gặp năm mất mùa nữa. Theo Pháp sư Ngài có cách nghĩ thế nào đối với vấn đề nầy? Pháp sư: Tôi ăn chay suốt mấy mươi năm nên cảm nhận sâu sắc những người ăn chay tốt hơn nhiều so với những người ăn chất tanh (mặn). Người ăn chay sẽ được giảm dần nghiệp sát, bởi nghiệp sát của người Đài Loan hiện nay khá nặng khiến tôi cảm thấy rất đau lòng! Trong xã hội hiện nay, số người ăn tươi nuốt sống những thứ như óc khỉ, túi mật rắn rất nhiều, họ tạo nghiệp sát như thế làm sao có thể cải thiện được nét đặc trưng của xã hội chứ! Lý Tinh Ngọc: Đối với những người ở các khu vực khác nhau, có bối cảnh tôn giáo khác nhau nên nền văn hóa ẩm thực chắc chắn có sự sai khác. Ví dụ nói các tín đồ của Hồi Giáo không ăn thịt Heo, tín đồ của Ấn Độ giáo không được ăn thịt Bò vân vân. Đối với việc ăn chay luôn có tính sai khác giữa các nền văn hóa của các tôn giáo. Xin hỏi Pháp sư, Ngài có cách nhìn thế nào đối với vấn đề nầy? Pháp sư: Giữa ăn chay và tôn giáo vốn dĩ rất khó thống nhất. Tuy nhiên, về mặt cơ bản tôi cảm thấy điều mà các tôn giáo có thể làm được là luôn tôn trọng mạng sống, thương yêu sinh mạng và bảo vệ mạng sống của mọi loài. Lý Tinh Ngọc: Có nhiều người trước đây học Phật rất tinh tấn, họ cũng ăn chay, nhưng sau khi nghe nói tu theo Mật tông được ăn thịt, thế là họ liền tu theo Mật tông. Bấy giờ có người hỏi anh ta vì sao tu theo Mật tông thì anh ta bảo Mật tông rất tốt, có thể được ăn thịt, có thể lập tức thành Phật? Pháp sư: Ngày xưa ở vùng Cao nguyên Thanh Tạng không thể trồng được những thực vật như rau cải, giao thông đi lại vô cùng khó khăn cách trở, trong tình huống không thể tránh được như thế, họ đành phải lấy thịt làm thức ăn chính. Thế nhưng hiện nay văn hóa ăn chay ở Đài Loan phát triển khá rộng rãi, nên có thể chuyển sang thức ăn chay, chúng ta không nên mượn cớ nói rằng tu theo Mật tông thì được ăn thịt, tôi cho rằng như thế thực sự không thỏa đáng lắm. Ăn chay trước tiên là chúng ta tôn trọng mạng sống của mọi loài, vả lại khiến tâm thanh tịnh vậy. Lý Tinh Ngọc: Nếu không thực sự quen ăn chay, dù sao cũng có phương pháp để nâng cao lên. Như có một số người ăn rau bên bát thịt hoặc ăn loại tam tịnh nhục, hai cách thức ăn nầy có thể được chăng, xin Pháp sư giảng rõ ạ? Pháp sư: Anh nói rất đúng. Để nâng cao phương pháp ăn chay thì chúng ta có thể chọn ngày mồng một, mười lăm hoặc lục trai để ăn chay, hoặc hằng ngày chỉ cần ăn rau bên bát thịt hay tam tịnh nhục cũng có thể được. Rau bên bát thịt: Giống như lục tổ Huệ Năng sau khi đốn ngộ, để tránh tình trạng mọi người đang muốn tranh đoạt y bát khắp nơi mà Ngài phải trốn trong nhóm người thợ săn đến mười lăm năm. Gặp những lúc nhóm người thợ săn bắt được thú mang về làm thức ăn, Huệ Năng lại trốn lên núi tìm một vài lá cây hay rau dại về, sau đó bỏ vào nồi để nấu, bấy giờ mọi người đều trêu Ngài có thịt lại không ăn, Huệ Năng nói: “Tôi chỉ thích ăn rau bên thịt thôi!” Do đó, tổ sư Huệ Năng mới là người hiểu được ý nghĩa thực sự của việc ăn chay, thực sự hiểu được thế nào là người tu hành. Cái gọi là từ bi đích thực không nhất định phải dựa trên hình thức ăn cái gì và không ăn cái gì. Ý nghĩa của ăn chay là không đoạn mất hạt giống từ bi, vì thế học Phật không chỉ ở việc ăn chay mà thôi. Tam tịnh nhục: Không thấy người giết, không nghe tiếng con vật bị giết, không đặc biệt giết vì mình, đây gọi là “tam tịnh nhục”. Lý Tinh Ngọc: Tôi có một vài người bạn khi mới ăn chay, chỉ cần nghe đến mùi thịt thì đầu óc họ cảm thấy vô cùng khó chịu, sao lại có hiện tượng như thế? Pháp sư: Bởi vì họ không quen, lấy tôi làm thí dụ. Có một lần tôi đến Nhật Bản, bấy giờ tín đồ nấu một bát mì mời tôi ăn, khi vừa ăn vào thì ôi thôi, một mùi tanh vô cùng khó chịu! Vì sao lại có mùi tanh như thế? Đây chẳng qua là tín đồ muốn đặc biệt chiêu đãi khách, thế là tôi đành nhắm mắt nhắm mũi để nuốt vào bụng, sau đó mới biết rằng người Nhật Bản có thói quen đem cá hồi nhỏ hầm thành nước xốt và thêm hương vị vào trong đó. Vậy tôi ăn như thế là mang tội chăng? Không phải, mà tôi vẫn ăn chay đấy thôi. Có một số người ăn chay nhưng quan niệm rằng, nhất định họ phải sử dụng những bát đĩa hay xoong nồi chưa từng nấu qua những loại thịt mới được. Cách nghĩ như thế quả là không đúng. Ăn chay không phải là làm những việc lạ lùng gì, mà ăn thế nào khiến chúng ta cảm thấy lòng thanh tịnh mới quan trọng. Cho nên chúng ta là những người ăn chay, nhất thiết không nên tạo sự phiền muộn và gánh nặng cho người khác. Lý Tinh Ngọc: Nhiều thực phẩm chay cũng được chế tạo thành những hình dáng giống như Gà, Vịt, Cá v.v… Đối với cách thức ăn chay như thế, Pháp sư có ý kiến gì không? Pháp sư: Với những người đem thực phẩm chay chế thành hình dáng như những thực phẩm tanh (mặn), trước kia tôi từng cảm thấy rất khó chịu. Vì tôi cho rằng ăn chay chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, nếu chúng ta ăn chay nhưng tâm luôn nghĩ đến mùi tanh (mặn) thì không thể xem là rốt ráo được. Cho nên mỗi lần nhìn thấy trên bàn bày những thứ như Gà chay, Vịt chay, Vi cá chay, Thịt chay, Chân Giò hun khói chay, Cá Quả chay v.v… tôi đều từ chối không ăn. Thế nhưng một hôm, tôi thấy hàng tín đồ ăn những thức ăn ấy với vẻ thích thú, bỗng tôi nghĩ: khoảng thời gian của người sơ cơ bước chân vào cửa Phật có lẽ họ chưa thể bỏ đi thói quen cũ, cho nên mới có nhu cầu nầy, chỉ cần trong lòng họ không có các loại Gà, Thịt hay Cá thì tốt rồi, cớ gì phải ghét bỏ chúng nhỉ? Vì thế, chúng ta không nên để ý đến cách thức bày biện như thế làm gì. Tuy nhiên, một số thức ăn chay tạo bởi những mùi vị tanh quá mức thì chúng ta không nên dùng. Thoại Tu dịch |