GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Phật lịch 2548
Số 05/VTT/TT
ĐẠO TỪ CỦA ĐỨC ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG
gửi Đại hội Khoáng đại kỳ III GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Thưa Quí Liệt vị Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử tham dự Đại hội.
Nhân danh Viện Tăng Thống và Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi ngỏ lời hân hoan chào đón Đại hội Khoáng đại kỳ III của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo, tổ chức vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 8 năm Giáp Thân (tức 8, 9 và 10 tháng 10 dương lịch 2004) tại Văn phòng Giáo hội ở Chùa Diệu Pháp, thành phố San Gabriel, bang California, Hoa Kỳ. Cầu chúc Đại hội thành công viên mãn.
Thấm thoát đã mười hai năm, kể từ ngày tôi thay mặt Hội đồng Lưỡng viện, ra Quyết định hôm 10.12.1992, ủy thác Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo, đại diện Giáo hội nơi quê nhà góp mặt cùng thế giới và nói lên những ước vọng của Phật giáo đồ trong nước những khi hữu sự. Quí Liệt vị Giáo phẩm cao cấp, trung cấp, chư Tăng Ni cùng Cư sĩ Thiện tri thức, Phật tử các giới đã xiển dương Chánh Pháp ngày càng rực rỡ và hoàn thành những công tác vận động quốc tế to lớn, hiệu quả, làm vang xa tiếng nói chính nghĩa của Giáo hội và nhân dân thầm lặng trong nước.
Đây cũng là dịp Đại hội hồi tưởng công ơn sâu dày của Đức Cố Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu. Công ơn đã làm cho tất cả chúng ta xích lại gần nhau trong việc kiện toàn và phát huy Giáo hội. Bức Tâm thư và Thông điệp của Ngài viết ra và gửi đi cuối năm 1991 đã là tiếng trống Bát Nhã qui hồi những người Con Phật ly tán vì thời cuộc nhiễu nhương. Công ơn ấy cần được nhắc nhở trong ngày khai hội. Lời Ngài dạy dỗ cần được ghi tâm khắc cốt và xướng lên trong mọi thâm tâm làm kim chỉ nam hướng tiến công trình bảo vệ và phát huy đạo Phật Việt Nam. Đại hội hãy tiếp nhận và thực thi lời nhắc nhở nghiêm trọng của Ngài. Ngài nói rằng:
“Lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc rất bi thảm đầy tủi nhục, nhưng có lúc vẻ vang cũng đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hóa và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ và phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp (…) Tôi thiết tha kêu gọi quí vị hãy phát huy hơn nữa bản thể của Tăng Già mà đoàn kết hòa hiệp, hãy cùng nhau thể hiện tinh thần tương kính tương thuận tương giáo tương sám như luật dạy. Hãy vì sự tồn tại của Giáo hội, vì sự quang vinh của Đạo Pháp và Dân tộc mà gạt bỏ những quan điểm dị biệt để cùng nhau hoằng dương Chánh Pháp”. Xin toàn thể Đại hội lắng bặt tâm tư đón nhận dòng pháp nhũ của Ngài.
Hai điều tôi muốn lưu ý và đề nghị Đại hội : Một là, trong việc phác hoạch chương trình hoạt động cho nhiệm kỳ tới, cần chú tâm hơn hết việc hướng dẫn Tăng tín đồ tu học. Không học hỏi, tu trì, thì không thể tăng trưởng trí tuệ hầu phá trừ vô minh. Hai là, vì tình thế khẩn trương và bức bách ở trong nước, công cuộc vận động quốc tế cần tiếp nối cấp bách hơn bao giờ với những nhân sự đã quen nề nếp hoạt động, xin Đại hội tạm thời lưu nhiệm toàn ban lãnh đạo các Hội đồng thuộc Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo một nhiệm kỳ nữa. Hẳn nhiên, theo nhu cầu đáp ứng với kế hoạch và tình hình trong nhiệm kỳ sắp đến, việc bổ sung nhân sự vào các Hội đồng lãnh đạo cũng có thể đặt ra.
Tôi cũng ngỏ lời tán dương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại nói chung, và tại Hoa Kỳ nói riêng, luôn trung kiên giữ vững tinh thần và đường lối sinh hoạt trong những lúc Giáo hội nơi quê nhà gặp khó khăn, nguy biến. Thật đáng khen ngợi.
Hiện tại, dù sống trong cảnh câu thúc, quản chế, tôi cũng như Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, cùng hàng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện, vẫn trước sau như một với đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam, là luôn luôn gắn liền với vận mệnh Dân tộc. Là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đương nhiên Phật giáo đồ Hải ngoại cũng hướng tâm thể hiện sự nổi bật ấy để vượt thắng bao ly cách giữa các châu, và trước bao chủ trương ly gián, mê hoặc, làm phân hóa các đoàn thể và xói mòn Tăng thể lục hòa. Có như vậy, công cuộc vận động lương tri nhân loại hậu thuẫn cho việc phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới tăng cường ý nghĩa, đồng thời chuyển hóa dân trí nước ta thích nghi với xu thế tiến bộ và hòa bình của thế giới cũng như tác động vào các biến chuyển dồn dập của tình hình.
Cầu nguyện cho Đại hội noi gương Đức Phật, chư Bồ tát, chư lịch đại Tổ sư, đem từng hơi thở và thân tâm trang trải cho đạo Phật trường tồn trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.
Tu viện Nguyên Thiều, ngày mồng 6 tháng 8 năm Giáp Thân,
nhằm 19 tháng 9 dương lịch 2004.
Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN
(đã ấn ký)
Tỳ kheo Thích Huyền Quang