Luân Hồi Và Nhân Quả Trong Đạo Bụt

19 Tháng Năm 201400:00(Xem: 7827)

LUÂN HỒI VÀ NHÂN QUẢ TRONG ĐẠO BỤT
Thích Nhất Hạnh

Hỏi: Tôi xin hỏi là có kiếp luân hồi không? Người ta nói tới nhân quả. Không biết trong đạo Phật có sự nhân quả này không: Kiếp trước ăn ở như thế nào đấy, kiếp sau đến đời con cháu phải nhận. Liệu người chết ở kiếp trước rồi sau này đầu thai vào những kiếp sau không?

coc_tra_trong_tayThiền sư Nhất Hạnh: Luân hồi có nghĩa là sự tiếp nối. Chúng ta đã nghe trong bài nói chuyện là không có cái gì từ có trở thành không hết. Tất cả đều được tiếp nối dưới một hình thức này hay một hình thức khác. Đám mây luân hồi ra thành cơn mưa và cơn mưa luân hồi ra thành ra nước trà. Khi uống trà trong chánh niệm, tôi thấy tôi đang uống mây. Không cần phải là thi sĩ mới thấy mình đang uống mây, mình chỉ cần là một thiền giả thôi. Khi nhìn vào nước trà mình thấy đây là cơn mưa, đây là đám mây và mình đang uống mây. Nước trà là sự tiếp nối của cơn mưa, cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây và đám mây là sự tiếp nối của sức nóng mặt trời cùng nước ao, hồ, sông, biển. Luôn luôn có sự tiếp nối như vậy, gọi là luân hồi.

Nhưng mình đừng đi tìm cái tướng, mình đừng kẹt vào tướng. Nếu kẹt vào tướng, mình không nhận diện được sự tiếp nối. Nhìn vào cơn mưa, mình phải thấy đám mây, đó là nhìn với con mắt vô tướng. Nhà khoa học người Pháp Lavoisier nói rằng: Không có cái gì mất đi hết. Đúng như vậy. Có ba cái sẽ còn mãi, ít nhất có ba cái. Thứ nhất là tư duy, thứ hai là ngôn ngữvà thứ ba là hành động của chúng ta. Tư duy, ngôn ngữ, hành động trong đạo Bụt gọi là thân, khẩu và ý. Ý là tư duy, khẩu là ngôn ngữ và thân tức là hành động.

Mỗi tư duy của chúng ta mang chữ ký của chúng ta. Tư duy của chúng ta có thể đi theo với sự độc ác, sự kỳ thị, sự thèm khát, sự giận dữ. Nếu chúng ta phát ra một tư duy như vậy, tư duy đó mang chữ ký của chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng tư duy đó không phải là của tôi. Khi mình phát ra một tư duy như vậy, tư duy đó lập tức đi luân hồi. Thấm vào mình, nó có ảnh hưởng trên mình. Thấm vào người kia, nó ảnh hưởng tới người kia. Tư duy làm cho mình đau khổ và làm cho những người khác đau khổ không phải là chánh tư duy mà là tà tư duy.

Lời nói cũng như vậy. Nói ra một câu không có tình, không có nghĩa, một câu gieo sự bất hòa, nghi kỵ, hận thù, câu nói đó cũng mang chữ ký của mình, mình chịu trách nhiệm hoàn toàn. Một câu như vậy nói ra gây đổ vỡ trong lòng, gây những đổ vỡ chung quanh. Đó là sự tiếp nối của chính mình. Nói một câu nói ân tình giúp người ta hòa giải với nhau, giúp người ta có niềm tin vào tương lai, câu nói đó cũng mang chữ ký của mình. Đó là chánh ngữ chứ không phải là tà ngữ, đó là sự tiếp nối của mình. Đó là sự luân hồi của mình.

Khi có một hành động nhân ái, biết bảo vệ sự sống và hòa giải người khác, hành động đó mang chữ ký của mình. Đó là sự tiếp nối đẹp đẽ của mình, còn nếu hành động của mình là chia rẽ là giết chóc là tàn phá, nó cũng mang chữ ký của mình và mình sẽ tiếp nối, sẽ luân hồi dưới một dạng rất xấu.

Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp được mình tạo ra thì nó sẽ đi luân hồi mãi mãi, đó là sự tiếp nối của mình, nó không có thể nào mất đi được và nó sẽ ảnh hưởng dài dài sau này cho nên mình chỉ muốn luân hồi đẹp thôi.

Muốn có tiếp nối đẹp mình phải làm sao cho tư duy của mình là chánh tư duy, tư duy với tình thương, với sự hiểu biết. Mình phải làm sao cho lời nói của mình là chánh ngữ, đi theo sự hiểu biết và tình thương. Hành động của mình phải là chánh nghiệp. Ba nghiệp đó mang chữ ký của mình và ba nghiệp đó tiếp nối mình trong tương lai, dưới dạng này hay dạng kia, dưới hình thức này hay là hình thức kia. Nghiệp đã được gây rồi, không bao giờ mất hết. Nghiệp tốt sẽ đưa đến kết quả tốt. Nghiệp xấu đưa đến kết quả xấu.

Chữ nghiệp chỉ có nghĩa là hành động thôi. Tư duy là một hành động vì có kết quả. Ngôn ngữ là một hành động vì nó có kết quả. Và động tác của cơ thể là một hành động vì nó có kết quả. Không có nhân nào mà không có quả cho nên mình phải rất cẩn thận khi chế tác những tư duy, những lời nói hay những hành động của mình, đó là sự tiếp nối của mình. Quán chiếu cho kỹ thì mình thấy mình đã đi luân hồi rồi, đã được tiếp nối rồi chứ không chờ đến khi thân xác này hoàn toàn tiêu diệt, mình mới đi luân hồi.

Trong truyền thống Tây Tạng có một niềm tin bình dân là sau khi một vị đại sư chết rồi thì ba năm sau người ta đi tìm một em bé và cho đó là hậu thân của vị đạo sư nhưng theo truyền thống của đạo Bụt ở Việt Nam thì khác. Khi tôi phát ra những tư duy, những ngôn ngữ và hành động thì những tư duy, ngôn ngữ và hành động đó đã đi vào trong các bạn của tôi, vào trong các đệ tử của tôi và tôi đã được tiếp nối. Tôi đã bắt đầu luân hồi rồi và tôi đi luân hồi rất xa. Có những người ở trong tù đang đọc sách tôi viết và đang ngồi thiền ở trong nhà tù bên Mỹ, bên Anh hay bên Pháp, họ cũng là sự tiếp nối của tôi. Tôi đi vào trong họ để giúp cho họ nhẹ nhàng hơn, cho họ bớt khổ hơn và tôi muốn luân hồi một cách tốt đẹp.

Tôi luân hồi ra nhiều hình thái chứ không phải một hình thái. Khi mình gieo một hạt bắp, hạt đó có thể thành ra một cây bắp. Cây bắp đó có thể cho hai trái bắp. Từ một hạt bắp có thể thành ra mấy trăm hạt bắp. Luân hồi cũng như vậy, có thể từ một trở thành nhiều. Thầy Nhất Hạnh luân hồi thành biết bao nhiêu đệ tử xuất gia và tại gia. Thầy Nhất Hạnh đang có mặt ở bên Pháp dưới dạng của những người học trò của thầy. Thầy đang có mặt bên Hà Lan. Nếu quý vị nói thầy Nhất Hạnh chỉ đang ngồi ở đây thôi, quý vị chưa thấy thầy Nhất Hạnh, quý vị mới thấy một phần nhỏ của thầy Nhất Hạnh thôi. Luân hồi là như vậy, mình đã luân hồi rồi, đã bắt đầu luân hồi rồi. Nếu nhìn cho kỹ thì mình thấy rằng mình đang có mặt nhiều nơi chứ không phải chỉ có mặt ở đây mà thôi.

(Trích từ tác phẩm Cho Đất Nước Đi Lên - chương "Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh")

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn