- Lời Giới Thiệu
- Buổi Tối Thứ Nhất Lời Dạy Mở Đầu
- Buổi Tối Thứ Hai Bát Chánh Đạo
- Buổi Sáng Thứ Ba Bài Thực Tập: Cảm Thọ
- Buổi Tối Thứ Tư Sự Chú ý Đơn Thuần
- Buổi Sáng Thứ Năm Bài Thực Tập: Tư Tưởng
- Buổi Tối Thứ Năm Khái Niệm Và Thực Tại
- Buổi Sáng Thứ Sáu Bài Thực Tập: Đối Tượng Của Cảm Giác
- Buổi Tối Thứ Bảy Những Mẩu Chuyện
- Buổi Sáng Thứ Tám Bài Thực Tập: Tác ý
- Buổi Sáng Thứ Chín Bài Thực Tập: Ăn Trong Chánh Niệm
- Buổi Tối Thứ Chín Năm Triền Cái
- Buổi Sáng Thứ Mười Bài Thực Tập: Quán Tâm Thức
- Buổi Tối Thứ Mười Dũng Sĩ
- Buổi Sáng Thứ Mười Một Trò Chơi Định Tâm
- Buổi Tối Thứ Mười Hai Ba Trụ Pháp: Ba-la-mật
- Buổi Tối Thứ Mười Ba Sự Tương Đồng
- Buổi Tối Thứ Mười Bốn Tứ Diệu Đế
- Buổi Tối Thứ Mười Lăm Sự Cương Quyết Nửa Vời
- Buổi Tối Thứ Mười Sáu Nghiệp Báo
- Buổi Tối Thứ Mười Bảy Bài Thực Tập: Hôn Trầm
- Buổi Tối Thứ Mười Tám Sự Trong Sạch Và Hạnh Phúc
- Buổi Tối Thứ Mười Chín Tín Ngưỡng
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Mốt Thập Nhị Nhân Duyên
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Hai Cái Chết Và Lòng Từ Bi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Lăm Đạo
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Sáu Thất Giác Chi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Chín Con Đường Của Phật
- Buổi Sáng Thứ Ba Mươi Kết Thúc
BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ mười lăm
Trong khi ngồi thiền, việc giữ cho thân được an tịnh có một ảnh hưởng rất lớn
đến sự an tịnh của tâm. Một phương cách để gia tăng định lực là trước mỗi giờ
ngồi thiền bạn nên nhất quyết rằng mình sẽ không thay đổi thế ngồi trong suốt
một giờ đó. Những lần đầu có thể rất khó khăn, nhưng nếu bạn có một nghị lực
vững mạnh, bạn có thể ngồi và quan sát bất cứ chuyện gì xảy ra. Cho dù bạn có
cảm thấy tâm mình trở nên bất an, bồn chồn, căng thẳng hay đang đương đầu với
cái đau, điều trọng yếu là khi đã quyết định một việc gì rồi bạn hãy giữ nó cho
đến cùng. Định lực và sự tinh tấn của bạn sẽ được tăng trưởng mãnh liệt, và sau
vài lần ngồi như vậy bạn sẽ cảm thấy việc ngồi yên trở nên dễ dàng hơn.
Hãy giữ cho tâm bạn luôn ở trong trạng thái bất bạo động khi quán chiếu bất cứ
đối tượng nào. Được như vậy thì sẽ không có gì là chướng ngại hay khó khăn. Mọi
đối tượng của thân hay tâm, trong hay ngoài, đều đi qua trong một không gian
chánh niệm. Đừng vận dụng tâm để chạy theo hay trốn tránh bất cứ đối tượng nào:
đó là sự bất động của tâm ý. Khi ấy, tâm ta sẽ trở nên tĩnh lặng và quân bình,
và nhờ đó ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, trong mỗi giây phút, sự sinh
diệt của từng hơi thở, từng cảm thọ, tư tưởng, cảm giác, âm thanh, mùi vị và
hình ảnh.
Hãy ý thức được dòng vô thường. Không có gì để ta nắm bắt, không có gì để quyến
luyến. Trong đoạn cuối của sách Mount Analogue có một ví dụ cho ta thấy sức
mạnh của sự vô thường và một thái độ thích hợp cho ta:
“Đừng bao giờ dừng lại trên một triền núi cao. Cho dù bạn có nghĩ rằng bàn chân
mình đang đứng vững vàng, vì khi bạn dừng lại để thở và nhìn trời cao, thì đất
dưới chân cũng đang bắt đầu lún xuống vì sức nặng của bạn. Những viên đá sỏi sẽ
rơi ra từ từ và rồi đột nhiên tất cả sẽ sụp đổ dưới chân bạn và phóng bạn đi
như một chiếc tàu hạ thủy. Ngọn núi lúc nào cũng chờ đợi một cơ hội để quật ngã
bạn.”
Không có thì giờ để cho ta ngừng nghỉ, nắm bắt, dù chỉ trong phút chốc. Mỗi khi
ta cố gắng níu kéo một cái gì, ta sẽ bị lôi cuốn, trôi lăn theo những ý nghĩ, ý
niệm và sự tưởng tượng về nó.
Khóa tu này đã kéo dài gần nửa thời gian rồi. Thường thì vào khoảng nửa chương
trình, không cần biết khóa tu dài bao lâu, tâm ta thường sinh ra chán nản, hơi
lười biếng, dễ duôi và bồn chồn đôi chút. Ta tự nghĩ rằng: “Mình đã cố gắng
tinh tấn từ lúc mới bắt đầu đến giờ, lúc này mình có thể nghỉ ngơi một chút.”
Hãy có chánh niệm về việc này. Đây là lúc để ta gia tăng nghị lực, chứ không
phải là lúc để giải đãi. Hãy nghĩ lại công phu tu tập của bạn trong hai tuần
vừa qua. Hãy nhớ lại giai đoạn mới bắt đầu, ngồi yên trong một tiếng đồng hồ là
khó khăn đến thế nào. Bây giờ thì bạn đã phát triển được một sức mạnh trong
tâm, một năng lực của định và quán. Giai đoạn đầu của khóa tu là để xây dựng
nền móng, để vượt qua những khó khăn thô lậu, những trở ngại không cho bạn ngồi
yên trong một tiếng đồng hồ. Những khó khăn đó đã được ta vượt qua một phần nào
rồi. Tâm ta đã tĩnh lặng xuống. Nó bắt đầu thẩm thấu, bắt đầu quán chiếu và
thấy được tiến trình hoạt động của thân tâm. Trí tuệ đang trưởng thành. Sự biến
đổi của thân tâm rất khó có thể nhận diện được, vì nó thay đổi một cách vô thức
trong từng giây phút. Nhưng sự tu tập đang dần dần trở nên sâu sắc. Trong thời
gian còn lại, chúng ta có thể hoàn tất được nhiều điều lắm. Lúc này ta phải
biết vận dụng năng lực để giữ cho tâm mình đừng rơi vào tình trạng mê ngủ, hôn
trầm.
Một lần nữa, chúng ta hãy nhất quyết duy trì sự thinh lặng. Thinh lặng là cội
nguồn của sức mạnh. Nó tạo nên một sự trong sáng, nhờ vậy mà mọi hình trạng của
tâm đều có thể được hiển bày rõ ràng. Nếu cứ mỗi lần những bồn chồn, lười
biếng, uể oải trong ta khởi lên, ta lại mở miệng để nói, thì ta sẽ mất đi một
dịp để quán chiếu chúng. Sự thinh lặng giúp ta ý thức được những gì đang xảy
ra, những tiến triển và suy thoái.
Mục đích của thiền quán không phải là để ngồi yên với sự an lạc, nhưng là để
kinh nghiệm được sự nhất như của thân tâm. Kinh nghiệm một cách trọn vẹn mọi
đau nhức, mọi cảm giác an lạc, tất cả những uể oải, buồn chán và những khi tâm
ta đạt được một sự tập trung sắc bén. Sự thinh lặng tạo ra một không gian tĩnh
mịch để ta có thể quán sát được các hiện trạng này. Nói chuyện nhiều sẽ tạo nên
một vòng xoắn ốc đi xuống. Khi ta bất an, ta bắt đầu nói chuyện. Sự trò chuyện
khiến ta mất định lực và vì vậy tâm ta lại càng thêm bất an. Tinh tấn, duy trì
nghị lực và tạo một không gian tĩnh lặng quanh ta sẽ làm gia tăng thêm sức mạnh
cho sự tu tập. Làm sao biết chắc được đến bao giờ ta mới có một dịp tu tập như
thế này? Trong hoàn cảnh này, chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi rất
đặc biệt. Nơi đây rất lý tưởng để ta có thể thám hiểm chính mình, tìm xem ta
thật sự là ai. Đừng lãng phí cơ hội quí báu này.
Một yếu tố nữa có thể giúp ta gia tăng chánh niệm là hãy từ tốn, chậm lại. Hành
động một cách chậm rãi. Hãy xem mỗi hành động trong ngày như là một đối tượng
của thiền quán. Từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, hãy ghi nhận mọi việc xảy
ra một cách rõ ràng và sáng suốt: trong mỗi hành động khi tắm rửa, khi thay đồ,
khi ăn uống...
Từ lâu nay chúng ta thường có thói quen làm việc gì cũng vội vã, hối hả chạy về
tương lai, lao nhanh đến những hoạt động kế tiếp, nên lúc nào cũng ở trong một
giai đoạn chuyển dịch, nối tiếp...
Hãy cố gắng an trú trong giây phút hiện tại này. Không có gì đáng để cho ta
phải vội vã. Không có một nơi chốn nào để đi đến. Mục đích của chúng ta ở đây
là để vun xới khả năng ghi nhận những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.
Đừng ép buộc, cũng đừng nỗ lực quá. Hãy an trú trong giây phút này, đừng toan
tính hay dự liệu một điều gì cho tương lai. Giữ tâm mình thoải mái, nhưng với
một chánh niệm sâu sắc. Tâm ta sẽ dần dần thâm nhập vào những mức độ sâu thẳm
hơn. Sự thinh lặng và thái độ từ tốn không chỉ giúp ích cho chính mình, mà còn
cho cả những người quanh ta nữa. Khi chúng ta nhìn thấy một người nào đó vội
vã, điều đó sẽ khơi dậy tính hấp tấp trong ta. Và khi ta thấy một người hành
động khoan thai, có chánh niệm, tự nhiên ta cũng sẽ giữ chánh niệm. Hãy ý thức
được giá trị và ích lợi của mình đối với người khác. Khóa tu là một sự quân
bình thật đẹp: mỗi người tự tu trong thinh lặng và tĩnh mịch, nhưng cũng tạo ra
môi trường giúp đỡ cho cả nhóm.