Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo

17 Tháng Tám 201000:00(Xem: 21507)

BỐN SỰ THẬT VÀ BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO
(Phật học cơ bản)
Thích Đức Thắng

BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO

TỨ NIỆM TRỤ
(catvāri smty-upasthānāni)

Tứ niệm trụ là hành phẩm thứ nhất trong bảy hành phẩm của Ba mươi bảy phẩm đạo: Một là Tứ niệm trụ, hai Tứ chánh cần, ba Tứ như ý túc, bốn Ngũ căn, năm Ngũ lực, sáu Thất giác phần, bảy Bát chánh đạo. Ở đây, Tứ Niệm trụ Phạn ngữ gọi là catvāri smṛty-upasthānāni, Pāli gọi là cattāro sati-paṭṭhānāni còn gọi là tứ niệm xứ, tứ ý chỉ, tứ chỉ niệm, tứ niệm, thân thọ tâm pháp, nghĩa là Bốn phạm trù thân, thọ, tâm và pháp là nơi để hành giả tập trung tâm niệm vào một trong bốn điểm này khi tu tập, với mục đích là đề phòng và, đình chỉ những tạp niệm vọng tưởng khởi lên. Đây là bốn loại phương pháp dùng để đạt chân lý trong pháp môn tu hành theo kinh điển Phật giáo Nguyên thỉ mà đức Đạo sư đã chỉ dạy. 

Hành giả lúc tu tập chỉ cần dùng tự tướng thân mình cùng những cọng tướng khác mà quán sát thân này là bất tịnh, những nhận lãnh (thọ) là khổ, tâm mình luôn luôn không thường hay thay đổi, và các pháp thì luôn không có ngã nó chỉ là một giả hợp. Vì sao hành giả phải quán sát như vậy? Vì chúng ta luôn bị bốn pháp này chi phối làm lệch lạc tư duy của chúng ta, nên lúc nào chúng ta cũng cho rằng thân này là trong sạch, mọi thứ thủ đắc có được của chúng ta đối với cuộc sống mang lại vui sướng khóai lạc hạnh phúc, tâm của chúng ta thì lúc nào cũng vĩnh viễn thường hằng bất biến và, các pháp giữa cuộc đời này là thật có, là ta là của ta. Từ những tư duy cố chấp lệch lạc như vậy đưa chúng ta đi đến những hành động tạo nhân nghiệp sai trái đưa đến quả khổ trong sinh tử luân hồi, nên để đối trị lại bốn thứ tà chấp điên đảo cho rằng thân là trong sạch, thọ nhận là khoái lạc, tâm là thường hằng, các pháp (tâm và vật) là hữu ngã, nên đức Đạo sư đã dùng bốn pháp quán thân là bất tịnh, thọ nhận là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã để phá trừ bốn thứ tà chấp điên đảo trên. Ở đây, niệm có nghĩa là chúng ta quán sát có trí tuệ (tuệ quán); trụ chỉ bốn nơi thân, thọ, tâm và, pháp phát sinh ra bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Khi hành giả dùng trí tuệ để quán sát, tức là tâm niệm chúng ta có thể đình chỉ trụ vào những chỗ này để tu tập.

Tứ niệm trụ tức chỉ cho:

1 . Thân niệm trụ (Skrt: kāya smṛty-upasthānāni; Pāli: kaye kāyanuppassi viharati ātāpi sampajāno satimā.) còn gọi là thân niệm xứ, tức là quán sát tự tướng của thân là bất tịnh, nhơ nhớp, và cùng lúc quán sát cộng tướng thân của chúng ta là vô thường là khổ đau, là không thật, là vô ngã để đối trị lại các bệnh chấp điên đảo cho là thanh tịnh. 

2 . Thọ niệm trụ (Skrt: vedanā-smṛty-upasthāna; Pāli: vedanāsu vedanānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā.) còn gọi là thọ niệm xứ, tức quán sát nguyên do đối trong việc hân hoan mong cầu hưởng lạc sẽ sinh ra ra khổ đau ngược lại, và cũng đồng thời quán sát cộng tướng của nó là khổ đau, không thật hữu, để đối trị bệnh chấp điên đảo cho là lạc thú.

3 . Tâm niệm trụ (Skrt: citta-smṛty-upasthāna; Pāli: citte cittānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā.) còn gọi là tâm niệm xứ, tức quán sát tâm thường mong cầu của chúng ta luôn sinh diệt vô thường biến đổi, và quán sát mọi cộng tướng của chúng cũng như vậy, để đối trị bệnh chấp điên đảo cho là thường hằng vĩnh viễn.

4 . Pháp niệm trụ (Skrt: dharma-smṛty-upasthāna; Pāli: dhammesu dhammānupassi viharati ātāpi sampajāno satima.) còn gọi là pháp niệm xứ, tức là quán tất cả các pháp đều nương vào nhân duyên mà sinh khởi, nên sự hiện hữu của chúng là không có tự tánh, và tất cả những cộng tướng khác cũng được quán sát như vậy, để đối trị bệnh chấp ngã điên đảo.
Theo Trung A-hàm 24, (Đ. 1, tr. 582) thuộc Hán tạng thì, gọi là kinh Niệm xứ chứ không gọi là Niệm trụ. Bốn niệm xứ là tên gọi khác của niệm trụ. Bốn niệm xứ là quán thân như thân, quán thọ như thọ, quán tâm như tâm và quán pháp như pháp.

Theo đức Đạo sư dạy thì: 

Quán thân như thân là Tỳ-kheo khi nào đi thì biết mình đang đi, khi nào đứng thì biết mình đang đứng, khi nào ngồi thì biết mình đang ngồi, khi nào nằm thì biết mình đang nằm, khi nào ngủ thì biết mình đang ngủ, khi nào thức thì biết mình đang thức, khi nào ngủ say thì biết mình đang ngủ say. 

Biết rõ chính xác khi vào khi ra, khi co khi duỗi, khi cúi khi ngẩng, oai nghi chững chạc, khéo khoác tăng-già-lê và cầm bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ chính xác. 

Khi sanh niệm ác bất thiện, liền niệm điều thiện để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. 

Niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài. Thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra. Học thân hành tĩnh chỉ thở vào, học khẩu hành tĩnh chỉ thở ra. 

Hỷ lạc sinh do ly dục, thấm nhuần thân thể, phổ biến đầy khắp; biến trong thân thể không đâu không có. Như người hầu tắm, bỏ bột tắm đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm thân thể, phổ biến đầy khắp; biến trong thân thể, hỷ lạc sanh nhờ ly dục không đâu không có. Tỳ-kheo có hỷ lạc nhờ định sanh, nhuần thấm thân thể, phổ biến dầy khắp; biến trong thân thể, hỷ lạc nhờ định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi, trong sạch không nhơ, nước từ bốn phương chảy đến đổ vào tự nhiên, từ đáy suối, nước tự vọt lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến đầy khắp, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc nhờ định sanh thấm nhuần thân thể, phổ biến đầy khắp; biến trong thân thể, hỷ lạc do định không đâu không có.

Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm thân thể, phổ biến đầy khắp; biến trong thân thể, lạc sanh do ly hỷ không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, rễ, hoa, lá, cọng thảy đều thấm nhuần, phổ biến đầy khắp, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm thân thể, phổ biến đầy khắp, biến trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. 

Tỳ-kheo ở trong thân này được biến mãn với tâm thanh tịnh, ý giải, thành tựu an trụ; ở trong thân này tâm thanh tịnh không đâu không biến khắp. Như có một người trùm một cái áo rộng bảy hoặc tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, thì khắp cả thân đều được phủ kín. Cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không đâu không có. 

Tỳ-kheo niệm quang minh tưởng, khéo thọ trì, nhớ rõ điều niệm; như phía trước, phía sau cũng vậy; ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày; dưới cũng như trên, trên cũng như dưới. Như vậy tâm không điên đảo, tâm không bị ràng buộc, tâm tự sáng tỏ, không khi nào còn bị bóng đen che lấp. 

Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, như người ngồi quán sát kẻ nằm, rồi nằm quán sát kẻ ngồi. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. 

Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu từ đầu đến chân quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh: ‘Trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu’. Như một cái bồn chứa đủ hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng: ‘Đây là hạt lúa, hạt gạo, kia là hạt cải, cỏ, rau’. Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh: ‘Trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. 

Tỳ-kheo quán sát giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. 

Tỳ-kheo quán xác chết, mới chết từ một hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã hỏa thiêu, hay đã được chôn lấp, đang bị rửa nát hư hoại. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy.

 Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, rữa nát gần hết, xương vải khắp đất. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi,’ Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. 

 Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, da, thịt, máu, huyết tiêu cả, chỉ còn xương dính gân. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. 

Tỳ-kheo như từng trong nghĩa địa thấy xương rời từng đốt, rải rác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. 

Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát bể vụn. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta rồi cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, những phương pháp quán trên là quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân. 

Quán thọ như thọ là Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm giác lạc liền biết đang thọ nhận cảm giác lạc, khi thọ nhận cảm giác khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác khổ, khi thọ nhận cảm giác không lạc không khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác không lạc không khổ. Khi thân thọ nhận cảm giác lạc, thân thọ nhận cảm giác khổ, thân thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; khi tâm thọ nhận cảm giác lạc, tâm thọ nhận cảm giác khổ, tâm thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; cảm giác lạc khi ăn, cảm giác khổ khi ăn, cảm giác không lạc không khổ khi ăn; cảm giác lạc khi không ăn, cảm giác khổ khi không ăn, cảm giác không lạc không khổ khi không ăn; cảm giác lạc khi có dục, cảm giác khổ khi có dục, cảm giác không khổ không lạc khi có dục; cảm giác lạc khi không có dục, cảm giác khổ khi không có dục, cảm giác không lạc không khổ khi không có dục. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thọ như thọ, quán ngoại thọ như thọ, lập niệm tại thọ, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thọ như thọ.

Quán tâm như tâm là Tỳ-kheo có tâm tham dục thì biết đúng như thật có tâm tham dục, có tâm không dục thì biết đúng như thật là có tâm không dục. Khi có sân hay không sân, có si hay không si, có ô uế hay không ô uế, có hợp hay có tan, có thấp hay có cao, có nhỏ hay có lớn; tụ hay không tụ, định hay không định, giải thoát hay không giải thoát. Cũng như vậy, có tâm giải thoát thì biết đúng như thật có tâm giải thoát; có tâm không giải thoát thì biết đúng như thật là có tâm không giải thoát. Tỳ-kheo như vậy, quán nội tâm như tâm, lập niệm tại tâm, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy là Tỳ-kheo quán tâm như tâm.

Quán pháp như pháp là Khi con mắt duyên sắc, sinh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết; bên trong thật không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết. Nội kết chưa sinh, bây giờ sinh, biết đúng như thật. Nội kết đã sinh và được đoạn trừ, không sinh lại nữa, biết đúng như thật. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy. Khi ý duyên pháp, sinh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết, bên trong không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết, nội kết chưa sinh bây giờ sinh; biết đúng như thật nội kết đã sinh và đã được đoạn trừ, không sinh lại nữa, biết đúng như thật. 

Bên trong thật có ái dục thì biết đúng như thật là đang có ái dục, bên trong thật không có ái dục thì biết đúng như thật là không có ái dục. Ái dục chưa sinh nay sinh, biết đúng như thật. Ái dục đã sinh và đã được đoạn trừ, không sinh lại nữa, biết đúng như thật. Với sân nhuế, thùy miên, điệu hối và nghi cũng giống như vậy. Bên trong thật có nghi, biết đúng như thật là đang có nghi; bên trong thật không có nghi, biết đúng như thật là không có nghi. Nghi chưa sinh, nay đã sinh, biết đúng như thật. Nghi đã sinh và đã được đoạn trừ, không sinh lại nữa, biết đúng như thật. 

Bên trong thật có niệm giác chi thì biết đúng như thật là có niệm giác chi; bên trong thật không có niệm giác chi thì biết đúng như thật là không có niệm giác chi. Niệm giác chi chưa sinh nay sinh, biết đúng như thật. Niệm giác chi đã sinh thì ghi nhớ không quên, không suy thoái, tu tập càng lúc càng tăng trưởng, biết đúng như thật. Với trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả cũng giống như vậy. Bên trong thật có xả giác chi thì biết đúng như thật là đang có xả giác chi, bên trong thật không có xả giác chi thì biết đúng như thật là không có xả giác chi. Xả giác chi chưa sinh nay sinh, biết đúng như thật, xả giác chi đã sinh thì ghi nhớ không quên, không suy thoái, tu tập càng lúc càng tăng trưởng, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, lập niệm tại pháp, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán Bảy giác chi. 

Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào trụ Bốn niệm xứ thì lâu nhất trong vòng bảy năm, nhất định sẽ chứng được một trong hai quả: hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào luôn luôn trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trú nơi Bốn niệm xứ thì nếu buổi sáng thực hành như vậy, nhất định buổi tối liền được thăng tiến. Nếu buổi tối thực hành như vậy, nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tiến. 

Trên là phương pháp tu tập Bốn niệm trụ (xứ) quán được chúng tôi tóm lược đầy đủ từ trong kinh Niệm xứ văn hệ Hán tạng thuộc Thinh văn thừa trong Trung A-hàm mà đức Đạo sư đã dạy cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khi Ngài còn tại thế. Ở đây tuy đức Đạo sư chỉ dạy cho hàng xuất gia, nhưng hàng tại gia chúng ta cũng có thể tu tập phương pháp này, nếu mọi người nổ lực thực hành trong miên mật thì, sự thành công đối với chúng ta cũng không phải là chuyện khó. Vì đây, cũng chỉ là một phương pháp thiền định của hiện quán tự thân mỗi chúng ta đối với cuộc sống mà thôi. 

Ngoài ra, nếu chúng ta muốn tìm hiểu rộng sâu hơn nữa thì chúng ta cũng có thể tìm hiểu và y cứ vào Câu-xá luận quyển 23 thì, pháp tu tập tứ niệm trụ lệ thuộc vào tự tướng (tướng riêng) và cọng tướng (tướng chung) y vào thứ tự bốn nơi thân, thọ, tâm và pháp mà quán chiếu; nhưng trong lãnh vực này mỗi phạm trù có tự tánh riêng của chúng. Như tự tánh của thân là bốn đại chủng sắc đã tạo ra nó, còn cọng tướng là chỉ cho tánh cộng thông của các pháp, tức là tánh của tất cả các pháp đều vô thường, khổ, không, vô ngã.

Về thể của tứ niệm trụ thì mỗi phạm trù nó có ba loại, gọi là ba niệm trụ:

a/ Tự tánh niệm trụ, còn gọi là tự tánh niệm xứ: Là dùng ba tuệ văn, tư, tu làm thể thường quán sát thân, thọ, tâm và pháp.

b/ Tương tạp niệm trụ, còn gọi là cộng niệm xứ: Dùng tâm, tâm sở cùng với tuệ đồng lúc tồn tại làm thể, ở đây chỉ cho mọi tác dụng của tinh thần.

c/ Sở duyên niệm trụ, còn gọi là duyên niệm xứ: Lấy tuệ làm đối tượng của sở duyên, tức chúng ta lấy bốn phạm trù thân, thọ, tâm và pháp làm thể.
Quán pháp của tứ niệm trụ, chúng ta có thể phân ra làm hai loại biệt tướng và tổng tướng: 

1/ Biệt tướng niệm trụ: là chỉ cho mỗi quán pháp riêng của tứ niệm trụ.

2/ Tổng tướng niệm trụ: là chỉ cho quán pháp chung cho tứ niệm trụ.

Hơn nữa trong tứ niệm trụ thì, ba phạm trù trước thuộc về tạp duyên, còn pháp niệm trụ thứ tư thì, chung cho tạp duyên cùng không tạp duyên. Nên chỉ có quán pháp niệm trụ mới gọi là bất tạp duyên; đối với thân, thọ, tâm và pháp thì, hoặc là hợp duyên quán hai phạm trù, hay ba phạm trù, hoặc hợp duyên quán chung cả bốn phạm trù thì, gọi là tạp duyên. Ở đây hành giả nếu tu tập tạp duyên pháp niệm trụ thì, có thể vào được vị của tứ thiện căn, tức là hành giả đã hòan thành phàm vị của mình để bắt đầu chuẩn bị đi vào Thánh vị của kiến đạo.
Và cũng theo đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận quyển 10 thì, Tứ niệm trụ này chúng ta có thể theo thứ tự phối hợp với Tứ thánh đế: Tức là thân niệm trụ kết hợp với khổ thánh đế, thọ niệm trụ có thể kết hợp với tập thánh đế, tâm niệm trụ có thể kết hợp với diệt thánh đế và, pháp niệm trụ có thể kết hợp với đạo thánh đế để quán sát trong việc thanh tu ba nghiệp thân khẩu ý trừ khổ đạt vui trong hiện quán.

Tóm lại, pháp quán Tứ niệm trụ, dù là Tiều thừa hay Đại thừa trên phương pháp, tức chỉ cho sự tướng tuy có cạn sâu, có nhanh có chậm, nhưng trên bình diện thể cứu cánh thì cũng như nhau. Hành giả sẽ đạt được cứu cánh nếu những những nổ lực thực hành tu tập của chúng ta luôn đặt trên chiều miên mật trong hiện quán thì chính như đức Đạo sư đã dạy: “Luôn luôn trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trú nơi Bốn niệm xứ thì nếu buổi sáng thực hành như vậy, nhất định buổi tối liền được thăng tiến. Nếu buổi tối thực hành như vậy, nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tiến.” Ở đây đức Đạo sư muốn nói đến sự thăng tiến đạt đến kết quả của cứu cánh Niết-bàn an vui giải thoát trong hiện quán.

TỨ CHÁNH CẦN
(Catvāri prahāṇāni)

Tứ Chánh Cần là hành phẩm thứ hai trong bảy hành phẩm trợ đạo của ba mươi bảy phẩm đạo, là bốn phương tiện siêng năng tinh cần trong nổ lực hằng ngày qua hiện quán ngăn ngừa các việc ác tâm chưa phát sinh và, không tái phạm những việc ác lỡ đã phát sinh bằng vào ý nghĩ hay hành động tạo tác của thân hay miệng, cùng lúc hiện quán thực hành các việc thiện chưa phát sinh cho phát sinh và, việc thiện đã-đang phát sinh trong nổ lực tiếp nối tu tập theo luật tắc nhân quả qua việc chỉ ác hành thiện. 

Tứ chánh cần, Sanskrit gọi là Catvāri prahāṇāni; Pāli gọi là Cattāri sammappadhānāni. Có chỗ gọi là Tứ chánh đoạn, Tứ ý đoạn, Tứ ý đoan, Tứ chánh thắng hay Tứ đoạn. Chữ cần và chữ đoạn ở đây Theo Pāli có nghĩa là pahāna-padhāna (tinh cần để đoạn trừ) tức là dùng bốn pháp này trong việc siêng năng tinh tấn (cần) để có thể đoạn trừ (đọan) ác cùng mọi sự giải đãi biếng nhác của chúng ta trong việc hành thiện. Về chỉ ác thì dùng mọi sự siêng năng tinh tấn của mỗi chúng ta vừa nổ lực đọan trừ những việc ác mà chúng ta đã lỡ làm ra và dứt khóat không bao giờ tái phạm và, nổ lức siêng năng tinh tấn trong việc ngăn ngừa những việc ác chưa phát sinh ra ngay từ trong ý nghĩ, không cho chúng phát sinh ra trong tự ý (ý hành) và ngoài hành động của thân (thân hành) của miệng (khẩu hành) làm di hại tự chúng ta và cho người khác. Về hành thiện thì hành giả chúng ta cũng dùng siêng năng tinh tấn trong việc vừa khơi dậy những việc làm thiện chưa phát sinh ra trong ý nghĩ thì khiến cho chúng phát sinh ra trong tự ý và thể hiện ra ngoài bằng những hành động của thân mình và miệng mình, đồng thời cũng dùng siêng năng tinh tấn trong việc tiếp tục tiếp nối làm cho những việc làm thiện đã-đang phát sinh tăng trưởng ngày càng nhiều hơn trong việc lợi mình lợi người. Đó là ý nghĩa của Tứ chánh cần hay Tứ chánh đoạn trong việc chỉ ác hành thiện lợi mình lợi người trong cuộc sống.

Pháp Tứ chánh cần này được đức Đạo sư dạy cho môn đồ của mình rất nhiều cũng tùy theo trình độ căn cơ của hàng đệ tử mà Ngài chỉ dạy. Pháp này được ghi lại rải rác trong ba tạng giáo điển khởi nguyên cũng như phát triển sau này rất nhiều, như trong Trung A-hàm q . 21, q . 52; Tạp A-hàm q . 26, 30, 31; Tăng Nhất A-hàm q . 18. Ở đây chúng tôi xin ghi lại một số kinh luận tiêu biểu và thông dụng.

Căn cứ vào Pháp giới thứ đệ sơ môn (phần cuối của quyển trung) thì Tứ chánh cần được ghi lại như sau:

1. Vì muốn đoạn trừ những việc ác đã sinh, mà siêng năng tinh tấn.

2. Vì muốn khiến cho những việc ác chưa sinh không cho phát sinh, mà siêng năng tinh tấn.

3. Vì muốn khiến cho những điền thiện chưa phát sinh có thể phát sinh, mà siêng năng tinh tấn.

4. Vì muốn khiến cho những điều thiện đã phát sinh có thể làm tăng trưởng hơn lên, mà siêng năng tinh tấn.

Nhờ nổ lực một lòng siêng năng tinh tấn hành bốn pháp này cho nên gọi là Tứ chánh cần. 
Nhưng theo Kinh Trung A-hàm 21 Hán tạng Kinh Thuyết Xứ 86, tương đương với Trung bộ kinh bên Pāli tạng M. 148 Chachikka-suttaṃ, đức Đạo sư dạy cho người đệ tử thân cận của mình rằng:

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn chánh đoạn, Tỳ-kheo đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì để chúng không phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện chưa sanh, vì để cho phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện đã sanh, vì để chúng kiên trụ, không bị quên lãng, không bị thoái hóa, được bồi bổ tăng tiến, được phát triển rộng rãi, được viên mãn cụ túc, nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. A-nan, bốn chánh đoạn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn chánh đoạn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”

Ở đây, đức Đạo sư cũng đứng trên lập trường nhân quả ‘Chỉ ác hành thiện’ mà Ngài dạy cho chúng đệ tử của mình phương pháp nổ lực siêng năng tinh tấn đoạn trừ: Một mặt ác đã sinh và chưa sinh, đoạn trừ chúng bằng cách không được tái phạm cùng, nổ lực ngăn ngừa không cho phát sinh và, mặt khác siêng năng tinh tấn đọan trừ ma tâm biếng nhác, nổ lực phát huy nuôi dưỡng lớn thêm hơn, thành tựu những điều thiện đã phát sinh rồi và, nổ lực khởi phát những ước muốn, trạo điều kiện để cho những điều thiện chưa phát sinh xuất hiện trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi hành giả chúng ta, ngày càng hòan thiện hơn. Đây là bốn phương tiện được đức Đạo sư chỉ dạy cho tôn giả A-nan để dạy lại cho những Tỳ-kheo còn nhỏ tuổi một cách tổng quát được áp dụng hằng ngày trong hiện quán qua việc đoạn trừ ác pháp và nuôi lớn hành thiện.

Ở chỗ khác như trong kinh Tăng nhất A-hàm 18, tương đương Tứ chánh cần Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii.221) Cattāro Sammappadhānā. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

«Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn ý đoạn, tu tập nhiều tứ ý đoạn. Những gì là bốn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh. Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.” Trong kinh này tuy ngoài hình thức lời dạy có khác, nhưng về ý nghĩa thì cũng như các kinh trên nhằm lọai bỏ trước hết là ba nghiệp ác của thân khẩu ý trong tác nhân trực tiếp sinh ra quả khổ cho tương lai gần và xa theo nhân quả nhị nguyên và, mặc khác hòan thành tác nhân thiện cũng thuộc ba nghiệp thân khẩu ý trong việc hoàn thành quả vui gần hay xa trong tương lai dành cho những căn cơ còn lệ thuộc vào ba cõi sáu đường luân hồi sinh tử. Ở đây đức Đạo sư cũng đặt nặng vấn đề cần thiết của mọi sự nổ lực tinh cần đoạn trừ pháp ác bất thiện không cho sinh, nếu lỡ đã phát sinh rồi thì vẫn phải nổ lực ăn năng hối lỗi không tái phạm lại nữa, và canh giữ cái tâm của hành giả trong mọi ý nghĩ mọi hành động một các liên tục trong việc làm thanh tịnh hóa ba nghiệp ác và, hòan thành ba thiện nghiệp một cách đầy đủ cũng qua ba nghiệp thân khẩu ý.

Cũng theo Tăng nhất A-hàm 18 thì bốn chánh đọan nếu tu ập thực hành đầy đủ thì tâm ý không quên; tức là trong ý lúc nào cũng nhất quyết thực hành việc đoạn trừ ác pháp và thực hành thiện pháp. Cho nên gọi Tú ý đọan. Ngoài ra đối với trong ba nghiệp thân khẩu ý nó rất cần mọi sự nổ lực siêng năng đọan trừ trong việc chỉ ác hành thiện. Như vậy Tứ chánh đoạn là tối thắng. cho nên nó cũng được gọi là Tứ chánh thắng.

Và cũng như ý nghĩa của các kinh trên, nhưng tiến lên một bậc nữa, dức Đạo sư theo căn cơ của môn hạ mình dạy về bốn pháp này chi tiết hơn như trong kinh Tạp A-hàm 31 thuộc Hán tạng, tham chiếu S. 49.1-12. Gaṅgā-peyyāla, tương đương Cf. D. 33. Saṅgīti, của Pāli.thì bốn chánh đoạn này được đức Đạo sư dạy và có những cách đặt tên cho bốn hình thức này cùng mỗi ý nghĩa của chúng định nghĩa khác nhau trên hình thức khi Ngài dạy cho các đồ đệ của mình từ kinh 875-879. Trong năm kinh này về hình thức tên gọi của bốn chánh đọan này là nhật thống, nhưng trên mặt nhận thức và định nghĩa thì có khác nhau về mặt triển khai chi tiết và đi sâu hơn những kinh mà chúng tôi vửa đề cập đến.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”
“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.
“Thế nào là luật nghi đoạn? Pháp ác bất thiện chưa khởi thì không cho khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là luật nghi đoạn.
“Thế nào là tùy hộ đoạn? Pháp thiện chưa sanh thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tùy hộ đoạn.
“Thế nào là tu đoạn? Pháp thiện đã khởi, khiến tu tập thêm ích lợi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tu đoạn.” Ở hình thức này tuy đức Đạo sư có đặt cho bốn chánh đoạn này mỗi pháp một tên riêng và, cũng theo đó mà ý nghĩa của chúng được xác lập theo ý nghĩa tên gọi của chúng. 

Cách thứ nhất là đoạn đọan tức là không những đọan trừ những pháp ác bất thiện chúng ta đã từng lỡ tạo ra bằng cách không ăn năn hối cải và đoạn trừ không thân miệng ý tái phạm nữa. Cách thứ hai là luật nghi đọan ở đây cần siêng năng nổ lực giữ gìn tâm ý thân miệng mình không cho phạm phải những sai lầm chưa phát sinh bằng cách giữ gìn luật nghi đối với thân miệng ý không cho phát sinh. Cách thứ ba là tùy hộ đoạn, tức những pháp thiện thì hành giả phải nổ lực khiến cho sinh khởi bằng vào những ước muốn, bằng những nổ lực tinh cần tiến lên để đạt những ước muốn và nhiếp tâm giữ gìn. Cách thứ tư là tu đoạn, là những pháp thiện đã đuợc hành giả thực hành bằng vào ý nghĩ hành động của thân của miệng, không những chỉ thực hành tu tập một lần mà còn nổ lực tu tập, huân tập nhiều hơn nửa, để cho pháp thiện càng ngày càng tăng trưởng và hòan thiện hơn trong việc thực hiện hành thiện. Và bài kinh cuối cùng của loạt kinh trên đức Đạo sư dạy về bốn chánh đọan, được Ngài triển khai khác hơn một chút về cách phân chia cũng như tiến sâu và chi tiết hơn, trong những ý nghĩ cử chỉ hành động của hành giả. Ngoài những chi tiết về bốn phương tiện chỉ ác hành thiện trên, ở đây chúng còn tùy thuộc vào giới của các căn thuộc luật nghi và nhờ các đối tượng cảnh bên ngòai các tướng tam-muội chân thật khi định như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch mà khéo léo nổ lực bảo vệ hộ trì tu tập không cho thối thất. và cuối cùng cách thư tư được đức Đạo sư chỉ cho hành giả nào tu tập bốn niệm xứ tức là thực hành tu đoạn. Đức Phật dạy: 

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”
“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp ác bất thiện chưa khởi, thì không cho khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện chưa sanh, thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện đã sanh, thì khiến cho tu tập thêm lợi ích, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.
“Thế nào là luật nghi đoạn? Tỳ-kheo khéo phòng hộ căn con mắt, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Cũng vậy, đối với các căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý, khéo phòng hộ, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Đó gọi là luật nghi đoạn.
“Thế nào là tùy hộ đoạn? Tỳ-kheo đối với mỗi một tướng tam-muội chân thật, như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch mà khéo bảo vệ hộ trì, tu tập, giữ gìn, không khiến cho sút giảm. Đó gọi là tùy hộ đoạn.
“Thế nào là tu đoạn? Tỳ-kheo nào tu tập bốn Niệm xứ, thì đó gọi là tu đoạn.”

Riêng bản kinh này bốn cách theo tên gọi được phân bố trở lại và thêm vào những chi tiết rõ ràng hơn trong mỗi chức năng của từng tên gọi không còn như trước nữa. Chức năng của đoạn đoạn nay bao hàm cả bốn công việc cùng lúc cho việc chỉ ác hành thiện nói chung và, vai trò của luật nghi đọan dành cho việc phòng hộ, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng của các căn mắt tai, mũi, lưỡi, thân và ý thuộc về giới, trong việc tiếp xúc các cảnh bên ngoài như sắc thinh, hương, vị, xúc và pháp. Trong khi cách thứ ba dành cho định để bảo hộ, giữ gìn trong việc thực hành lúc tu tập phải nhờ vào các tướng như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch, để hành giả quán mà đối trị các bệnh chấp về thanh tịnh của thân mà nhìn ra được những tuớng đó là như thật bất tịnh. Và cách còn lại là cách quán khi hành giả tu tập Tứ niệm xứ (trụ) với mục đích đề phòng và đình chỉ để đọan trừ tất cả những tạp niệm vọng tưởng khởi lên khi hành giả tu tập. 

Bản kinh này tương đương với bản Pāli: D. 33. Saṅgīti:

Đoạn đoạn: (pahāna-padhāna), tinh cần để đoạn trừ. ... Tham chiếu,
D. 33. Saṅgīti: katamañc’āvuso pahāna-padhānaṃ? Idh’ āvuso bhikkhu uppannaṃ kāma-vitakkaṃ nādhivāseti pajahati vinodeti ... ở đây, tỳ kheo, dục tầm đã khởi, không thừa nhận nó, đoạn trừ nó, tiêu diệt nó.
Luật nghi đoạni: (saṃvara-padhāna), tinh cần phòng hộ (chế ngự).
Tham chiếu, D.33: katamañ c’ āvuso saṃvara-padhānaṃ: Id ‘āvuso
bhikkhu cakkhunā rūpaṃ dsvā na nimittaggāhī hoti ..., Thế nào là tinh cần phòng hộ? Tỳ kheo sau khi thấy sắc bởi mắt, không chấp thủ tướng...
Tùy hộ đoạn: (anurakkhaṇā-padhāna), tinh cần thủ hộ.
Cf. D.33: katamañ c’ āvuso anurakkhaṇa-padhānaṃ? Id’ āvuso bhikkhu
uppannaṃ bhaddaṃ samādhi-nimittaṃ anurakkahti... Thế nào là tinh cần
thủ hộ? Tỳ kheo thủ hộ định tướng (dấu hiệu của định) tốt đẹp đã khởi
lên...
Tu đoạn: (bhāvana-padhāna), tinh cần tu tập.
Cf. D.33: (...) Idh’ āvuso bhikkhu sati-saṃbojjhaṅgaṃ bhāveti ..., ở đây 
tỳ kheo tu tập niệm giác chi...

Đó là những kinh mà đức Đạo sư đã tùy nghi vào căn cơ của môn đệ mà nói pháp được ghi lại. Ngoài ra chúng ta cũng tìm thấy bốn phương tiện này cũng được ghi lại trong các bộ luận như Đại Tỳ-bà-sa luận 96; Đại Trí Độ luận 19; Du-già-sư-địa luận 29, 57, 98 v.v… 

Riêng ở đây Theo Đại Tỳ-bà-sa luận 141 ghi lại thì bốn phương tiện này có khả năng chính đọan trừ tất cả mọi thứ phiền não. Cho nên gọi là Tứ chánh đoạn. Cũng theo bộ luận này thì, hai phương tiện trước liên quan đến việc đoạn trừ phiền não chướng, và hai phương tiện sau có liên quan đến việc đọan trừ sở tri chướng. Ở đây tứ chánh đọan nếu theo vị của Tứ thiện căn thì bốn phương tiện này chủ yếu đang ở trong thời gian tu tập thuộc noãn vị, tức thuộc giai đọan phàm phu vị chuẩn bị tiến vào địa vị của các bậc Thánh. Đó là những gì chúng ta tìm thấy vị trí của bốn phương tiện tu tập hành giả chúng ta, nếu hòan thành bốn phương tiện này một cách rốt ráo thì nhân đây là hành trang để hội nhập Thánh vị.

Tóm lại,
Qua Tứ chánh đoạn này, hành giả nếu tu tập trong hiện quán theo chỉ ác hành thiện thì quả vị của các bậc Thánh đang nằm trong tầm tay của mọi hành giả qua việc thanh tinh hóa ba nghiệp thân khẩu ý. Đây là một phương pháp không có gì gọi là khó khăn cho lắm nếu hành giả nổ lực siêng năng tinh tấn trong việc kiểm sóat ý nghĩ, hành động của mình một các miên mật để đọan trừ mọi thứ tạp nhiễm của vọng và, làm chủ được ý nghĩa và hành dộng của chúng ta trong việc chỉ ác hành thiện. Vì vậy cho nên Kinh Tứ chánh đoạn này được đức Đạo sư liệt kê vào một trong bảy hành pháp của Ba mươi bảy phẩm trợ đạo cần thiết dành cho những hành giả muốn đi vào con đường Thánh đạo thật sự.

TỨ THẦN TÚC
(Catvāra-ddhipādā)

Tứ thần túc là hành pháp thứ ba sau Tứ niệm trụ và, Tứ chánh cần thuộc bảy hành phẩm trong ba mươi bảy phẩm đạo. Hai hành phẩm đầu nghiêng hẳn về phần phát triển trí tuệ hơn là định, để cân bằng về hai mặt định tuệ nên cần phải phát triển định trong chiều hướng quân bình này, hành giả phải cần Tứ thần túc để nhiếp tâm. Thần ở đây chỉ cho cái đức linh diệu, còn túc tức là chỉ cho định là nền tảng chỉ nơi nương tựa để phát sinh quả đức linh diệu. Đây là bốn pháp thiền định, là bốn thứ phương tiện giúp hành giả thành tựu các tam-ma-địa (samadhi-chánh định). Theo luận Câu xá 25: "Vì sao định gọi là thần túc? Vì các công đức lỉnh diệu thù thắng đều nương nơi bốn pháp này mà định được thành tựu". 

 Tứ thần túc còn gọi là Tứ như ý túc, ở đây có nghĩa là mọi thành tựu được theo như sở nguyện của hành giả khi tu tập bốn pháp này. Tứ thần túc phạn ngữ gọi là catvāra-ṛddhipādāḥ, pāli gọi là cattāro iddhi-pādā, là bốn pháp làm nền tảng, nơi nương tựa phát sinh ra các thứ công đức thiền định cho hành giả và, kết quả của chúng theo như ước muốn của người tu tập. Theo luận Trí Độ 19: “Hỏi: Trong Tứ niệm xứ, tứ chánh cần đã có định, tại sao không gọi là như ý túc? Đáp: chúng tuy có định, nhưng định lực rất yếu, còn trí tuệ tinh tấn lực thì nhiều, nên hành giả không được như ý nguyện. Bốn loại định đó là Dục làm chủ sẽ đắc định, Tinh tấn làm chủ sẽ đắc định, Tâm làm chủ sẽ đắc định, tư duy làm chủ sẽ đắc địnḥ”Nhờ sức mạnh của bốn pháp này dẫn phát các loại thần dụng mà sản sinh ra tam-ma-địa (chánh định). 

Bốn định ấy là:
Dục thần túc 
Tinh tấn thần túc 
Tâm thần túc 
Quán thần túc. 

1. Dục thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là Dục tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: chanda-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: chanda-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda) Thiền định phát khởi là nhờ sức mạnh của ý muốn tư tưởng mà đạt được thần thông. Dục ở đây chỉ cho ước muốn, mong cầu một cách thiết tha, mong muốn đạt được những gì đang ở ngòai tầm tay hành giả; hay mong cầu những ước muốn của chúng ta cho đến khi đạt được những sở nguyện đó mới thôi, theo nghĩa dục như ý túc. Ở đây chúng ta phải phân biệt được những mong muốn này chúng theo chiều hướng nào? Chúng câu hữu với giải thoát hay vô minh? Tại sao đức Đạo sư lại dạy cho chúng ta thực hành "dục", theo phương pháp này, trong khi ở nơi khác Ngài dạy dục là pháp đứng vào hàng thứ nhất của căn bổn sinh tử hành giả phải tránh? Rõ ràng ở đây, đức Đạo sư đã đứng trên chiều hướng giải thóat để đưa hành giả đến Thánh đạo thì, đây dục là con đường hướng thượng đưa chúng ta đi đến con đường giải thoát của các bậc Thánh, chứ không phải con đường đưa chúng ta đi vào sinh tử luân hồi. Vậy dục, mong muốn ở đây chúng câu hữu với giải thóat chứ không phải câu hữu với vô minh, hậu quả tất yếu của sinh tử luân hồi. 

Qua những phân biệt trên, cho chúng ta nhận thức được một cách rõ ràng rằng tánh chất của dục ở đây, chúng mang mầm móng hướng thượng giải thoát; vì vậy cho nên chúng đi ngược lai với những thứ mong muốn dục vọng thấp hèn để thỏa mãn thú tánh, những tham vọng trói buộc thế gian, đó là thứ dục của tội lỗi, chúng ta nên diệt trừ tận gốc rễ. Vì vậy những mong muốn hướng thượng, giải thóat, an vui, như mong muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, thanh cao, hay mong muốn đạt được giải thoát, ra ngoài biển khổ sanh tử thì, đó là những thứ mong muốn hợp tình hợp lý, đức Đạo sư luôn luôn khuyến khích chúng ta nên nổ lực thực hành những pháp như vậy, như dục thần túc này chẳng hạn. Hành giả mong muốn thành tựu pháp thiền định mà mình đang tu, thì trước hết phải thiết lập dục nguyện và nổ lực thực hành mong đạt đến cứu cánh mà mình đã chọn như chứng các đạt Thánh quả. Thứ mong muốn này rất cần thiết cho hành giả trong lúc thực hành; nếu không có chúng một cách thiết tha, mãnh liệt thì, chúng ta khó mà đạt được cứu cánh giải thoát. Thật ra, bản thân của dục tự nó không tốt, không xấu, không thiện, không ác, không đúng không sai, những chúng sẽ trở nên tốt xấu, thiện ác, đúng sai, khi con người áp đặt lên nó những cái đó rồi hợp thức hóa cho nó những cái mà chính nó không có, để rồi từ đó dục trở nên hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc thiện, hoặc ác, hoặc đúng hoặc sai … Ở đây, đức Đạo sư không bao giờ chủ trương diệt dục, mà Ngài chủ trương hành giả muốn giải thóat thì trừ bỏ dục vọng câu hữu với vô minh, vì dục câu hữu với vô minh là dục xấu, dục, bất thiện, dục sai, chúng sẽ đưa hành giả đến bến bờ sinh tử luân hồi khổ đau, còn ngược lại nếu muốn giải thóat tất cả những khổ đau của sinh tử luân hồi thì, hành giả phải chuyển đổi trừ đi những thứ dục câu hữu với vô minh thành dục câu hữu với giải thóat. Vậy diệt dục ở đây tức là diệt dục vọng, diệt những mong muốn xấu xa thấp hèn, làm cho hành giả phải đọa vào các hàng súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, chứ đâu có diệt luôn cả những dục nguyện, những mong ước hiền thiện tốt đẹp của hành giả. Như vậy chí nguyện, dục nguyện của hành giả về ý muốn tư tưởng để phát khởi thiền định đạt được thần thông là mong muốn hướng thượng giải thóat hành giả cần phải nuôi dưỡng và nổ lực thực hành cho đến khi nào đạt được như những mong muốn của mình mới được. Đây là pháp tu thứ nhất của tứ thần túc.

2. Tinh tấn thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là Tinh tấn tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: virya-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: virya-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda) Thiền định phát khởi là nhờ vào sức tinh tấn nổ lực tu tập của hành giả. Khi hành giả đã có mong cầu ước muốn rồi mà không có sự tinh tấn nổi lực để thực hành tu tập thì ước muốn đó cũng thành vô dụng, chỉ có trên lý thuyết thôi, mà trong thực tế thì là con số không. Do đó tinh tấn nổ lực là điều kiện tất yếu để hòan thành bổn nguyện của hành giả. Siêng năng thực hành tu tập là nhân tố thứ hai sau mong cầu ước muốn để cho hành giả hòan thành kết quả tốt đẹp sau này. Sự mong muốn của chúng ta dù tốt đẹp đến đâu đi nữa mà cá nhân mỗi người không tự nổ lực siêng năng, bền lòng vững chí tin tưởng vào pháp tu của mình để thực tập cho mình thì, cho dù chúng ta có hàng trăm ước muốn mong cầu tốt đẹp đi nữa, mà không tinh cần tinh tấn nổ lực thực hành tu tập thì, những muốn đó muôn đời cũng chỉ là ước muốn suông, cũng chỉ là những ước muốn trên lý thuyết mà thôi.

Ở đây, tinh tấn siêng năng nổ lực không phải chỉ là sự hắng hái, bồng bột trong nhất thời, như ngọn lửa rơm cháy bùng lên rồi sau đó tắt liền, mà sự tinh tấn nổ lực ở đây phải miên mật, lúc nào cũng thực tập không bao giờ gián đoạn. Trong kinh Di Giáo đức Đạo sư có dạy: "...Như người dùi cây lấy lửa, cây chưa nóng đã thôi, tuy muốn được lửa, nhưng khó thể được".

Sự siêng tinh tấn tu tập của hành giả ở đây cũng vậy, không nên như người dùi cây tìm lửa kia. Muốn đạt được thiền định thì, lúc nào cũng phải siêng năng tinh tấn nổ lực liên tục và đầy đủ mới dạt được kết quả như chúng ta mong muốn.

3. Tâm thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là tâm tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: citta-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: citta-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda) Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm niệm. Một lòng chuyên nhất trụ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát mà khởi lên. Như mặt trời tia sáng chiếu khắp mọi nơi, ánh sáng của nó bị yếu dần đi và, trở nên hòa dịu không thiêu đốt vạn vật được. Nhưng nếu tia sáng mặt trời kia mà qua thấu kính hội tụ thì nó có thể thành lửa thiêu đốt bất cứ thứ vật chất nào trên thế gian này. Hay như giòng sông lớn, nếu bị chia làm nhiều giòng chảy nhỏ thì sức chảy của nó bị yếu đi. Trái lại, chỉ một giòng suối nhỏ, không chảy nhiều đường, cũng đủ sức xuyên thủng đá tảng. Hành giả tu tập cũng lại như vậy, khi tâm mình định nhất vào một đối tượng nào đó một cách chuyên nhất thì, vọng tâm sẽ không khởi lên được và không bị tán loạn, khi đó không việc gì không thành tựu. Phật có dạy trong kinh Di giáo: "Chú tâm nhất xứ vô sự bất biện: Chú tâm vào một chỗ, không việc gì không thành".

4. Quán thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là quán tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: vīmāṃsā-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: vīmaṃsā-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda), Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh tư duy quán sát Phật lý. Hành giả nương vào sức mạnh tư duy quán sát nên định dẫn phát mà sinh khởi.
Quán là dùng trí tuệ quán sát tư duy lý pháp mình đang tu và, nhờ đó mà định phát sinh và, khi định đã có thì định tuệ quân bình. Khi quán trí này do định phát sanh thì, trí này là tịnh trí, chính vì nhờ tịnh cho nên nó có thể thông đạt thật nghĩa của các pháp trong vũ trụ một cách như thật. Đó là bốn pháp thần túc thông dụng mà chúng ta thường gặp. 

Ngoài ra theo Câu xá quang ký 25 thì: “Bốn pháp này theo vị gia hạnh mà thành lập tên thì: 

1/ Dục thần túc, ở đây dục đối với vị của gia hạnh mà khởi lên định nầy, vì nương vào sức sức mạnh của dục, nên định dẫn phát mà khởi lên. 

2/ Cần thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh mà siêng năng tu tập định này, nhờ nương vào sức mạnh của siêng năng tinh tấn nên định dẫn phát mà khởi lên. 

3/ Tâm thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh nhất tâm chuyên trụ, nhờ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát khởi lên.

4/ Quán thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh, quán sát tư duy lý, nhờ nương vào sức mạnh của quán, nên định dẫn phát mà khởi lên.

Trong địa vị của gia hạnh tuy có nhiều pháp, nhưng bốn pháp này là lợi ích tối thắng. Cho nên từ bốn pháp này mà gọi tên”.

Theo Pháp giới thứ đệ sơ môn, phần cuối quyển trung của ngài Trí khải Đại sư thì, ở trong Tứ niệm xứ là thật tu trí tuệ, trong Tứ chánh cần là chính tu tinh tấn, như vậy ở đây tuệ nhiều, định ít, nên nay phải nhiếp tâm tu bốn loại thiền định để quân bình định tuệ, mọi sở nguyện đạt được, cho nên gọi là như ý túc. 

Qua những kinh luận trên cho chúng ta nhận thức rằng đức Đạo sư đã sắp xếp mọi pháp có trước có sau theo thứ tự những đối tượng dục, tinh tấn, tâm và quán làm nền tảng cho hành giả tu tập thiền định trong việc cân bằng định tuệ và thành tựu theo như sở nguyện của chúng ta đều được gọi là như ý túc, vì chúng là những đối tượng để cho tất cả mọi thứ công đức tu hành, thần lực nương vào đó mà phát sanh, và thành tựu theo như ý muốn của hành giả. Bốn phép nầy tuy là bốn nấc thang thứ tự theo nhau, đưa hanh giả từ cái nhân hữu lậu mê mờ, đến cái nhân vô lậu giải thoát. Trước hết, do thường mong muốn (dục), cho nên siêng năng nổ lực tu tập dũng mãnh (tinh tấn); nhờ sự tinh tấn tu tập dũng mãnh, nên phiền não được tiêu trừ, nhờ vậy mà tâm được chuyên nhất (tâm), nhờ tâm chuyên nhất nên quán trí được thanh tịnh (quán), để trở thành năng lực phá tan gốc rễ vô minh. Nhưng trong thực tế khi hành giả tu tập, chúng phải đồng lúc hiện hữu theo luật tắc duyên khởi.

NGŨ CĂN-NGŨ LỰC
(Pañcānām indriyāām - Pañcānā balānām )

Ngũ căn và ngũ lực là hai hành pháp thứ tư và thứ năm thuộc bảy hành phẩm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Năm căn và năm lực ở đây thuộc nền tảng căn bản thúc đẩy để từ đó phát sinh ra kết quả tùy thuộc vào tác nhân tạo ra chúng hoặc thiện hoặc ác, hoặc tốt hoặc xấu … Năm căn là nền tảng có khả năng sản sinh và tăng thượng các thiện nghiệp, thì năm lực chính là sức mạnh để chận đứng, triệt tiêu các thế lực vô minh phiền não bất thiện và, tác dụng các khả năng tăng thượng các pháp lành. 

- NGŨ CĂN (Pañcānām indriyāṇām) ở đây chỉ cho năm vô lậu căn, là năm nền tảng căn để, đưa đến việc sản sinh và, tăng trưởng thiện nghiệp, là con đường đưa về Thánh đạo, chúng câu hữu với tác dụng tăng thượng giải thóat cho hành giả, cho nên gọi là năm căn. Theo Luận Trí Độ 10, giải thì: “Năm căn này là nền tảng căn bản để phát sanh ra tất cả các thiện pháp, nên gọi là ngũ căn”. Và theo luận Câu-xá 3 thì: “Đối trong pháp thanh tịnh thì năm căn này có tác dụng tăng thượng. Vì sao vậy? Vì thế lực của chúng có khả năng hàng phục tất cả các thứ phiền não, đưa hành giả đến Thánh đạo.” Năm căn ấy là: 

Tín căn (Śraddhendriya)
Tấn căn (Vīryendriya)
Niệm căn (Smṛtīndriya) 
Định căn (Samādhīndriya)
Huệ căn (Prajñendriya).

1. Tín căn (Śraddhendriya): là lòng tin được đặt trên chiều hướng câu hữu với thiện pháp và đưa đến giải thóat, tức là tin một các vững chắc vào Tam bảo, tin một cách như thật vào đạo lý Tứ đế. Lòng tin này được đặt trên nền tảng như thật không giống như lòng tin mù mờ, vô căn cứ, không thấy, không biết, không nghe mà vẫn cứ tin, đó gọi là tin mù quán, mê tín dị đoan không có cơ sở, bất chấp sự thật của hầu hết các bộ phái ngoại đạo. Lòng tin ở đây là con đẻ của lý trí, là kết quả của sự suy luận so sánh đối chiếu sáng suốt, của sự quan sát tư duy kỹ càng chứ không phải của tình cảm đam mê lú lẫn. Đức Đạo sư không bao giờ bắt buộc chúng ta tin một điều gì mà không tìm hiểu suy xét về nó, không giải thích tường tận rõ ràng về nó. Vì vậy cho nên Ngài thường dạy cho các đệ tử của Ngài là: “Tin Ta mà không hiểu Ta, tức là hủy báng Ta!” Lòng tin của chúng ta phát khởi từ trí tuệ, có xét đoán tìm hiểu một cách rõ ràng minh bạch thì, lòng tin đó nó mới vững chắc, mãnh liệt. Chính nó là nền tảng căn bản phát sinh các hạnh lành, Phật dạy: “Tin là mẹ vô lượng công đức”. Nhưng hành giả chúng ta tin cái gì cho đúng với thiện pháp, đúng với giải thóat? Đó chính là tin vào ba ngôi báu:

a) Tin Phật: Chúng ta biết rằng đức đức Đạo sư là bậc hoàn toàn giác ngộ và, giải thoát tất cả mọi vướng bận của khổ đau thế gian. Vì vậy, hành giả chúng ta lúc nào cũng luôn luôn tin tưởng về Phật và, hướng mục tiêu hòan thành giác ngộ, cũng như giải thoát cuối cùng của chúng ta như chính đức Đạo sư đã thân chứng.

b) Tin pháp: Hành giả chúng ta tin vào Pháp là chân lý sống, là pháp như thật mà đức Đạo sư đã thân chứng và, truyền lại cho những người đi sau như chúng ta. Hay nói một cách khác, pháp đó chính là giáo lý chỉ cho bốn sự thật mà đức Đạo sư đã thuyết minh lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn nai. Chúng ta tin tưởng một cách tuyệt đối vào những giáo lý ấy, vì người nói ra là đức Đạo sư, Ngài đã tự thân tác chứng và, giác ngộ được cũng nhờ vào giáo lý ấy.

c) Tin Tăng: Hành giả chúng ta tin tưởng vào Tăng là những người thật hành các giáo lý của đức Đạo sư, để tự thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, giác ngộ mình, giác ngộ người khác, là những vị đại diện cho đức Đạo sư đưa cao ngọn đuốc chánh pháp sáng soi cho mọi người đi theo. Nên hành giả quyết trọn đời phải tin tưởng và, quy hướng về Tăng để thực hành giải thóat.

2. Tấn căn (Vīryendriya): Là sự nổ lực siêng năng, tinh tấn dũng mãnh trong việc thực hành tu tập các pháp lành mà hành giả đã lựa chọn, không bao giờ để cho thối lui. Nếu hành giả đã có lòng tin chắc chắn vào pháp tu mà không nổ lực siêng năng tinh tấn thực hiện thì, lòng tin suông trên lý thuyết đó sẽ trở thành vô dụng, không đưa hành giả chúng ta đạt đến cứu cánh giải thóat được.

Nên hành giả nào đã tin tưởng vào Tam bảo, thì phải luôn luôn nổ lực siêng năng, tinh tấn thực hành giáo lý của Phật mà mình đã chọn. Theo Nhiếp đại thừa luận thì, tinh tấn có ba:

a) Bị giáp tinh tấn: Mặc áo giáp tinh tấn, là một trong những thứ vũ khí lợi hại khi chiến đấu với các loại giặc, các loại ma trong đó có nội ma ngoại ma thì. Trong cuộc chiến đấu này hành giả bắt buộc phải cần đến áo giáp tinh tấn, nó là một trong những lợi khí khi xông pha vào trận địa “phiền não”, nó luôn luôn động viên và thúc giục hành giả tiến lên phía trước một cách cam đãm dũng mãnh mà không còn sợ sệt ma quân hảm hại. Nhờ có áo giáp này, nó là một năng lực khiến chúng ta hùng dũng tiến tới, không sợ gian nan nguy hiểm, không lùi bước trước một trở ngại hay một địch thủ nào, nên siêng năng tinh tấn là một trợ lực rất có hiệu quả cho hành giả trên bước đường tu tập thực hành để đạt giải thóat.

b) Gia hành tinh tấn: Hành giả luôn luôn nổ lực gắng sức không bao giờ lười nhác dừng nghĩ trên bước đường tu tập đi đến giải thoát. Với thứ tinh tấn này, nổ lực của sức mạnh tiếp sức này tức là chỉ cho những duyên phụ thuộc kích thích hành giả chúng ta càng tiến lên càng tạo thêm sức mạnh càng hăng, càng kích thích phấn chí nhiều hơn và, chúng sẽ làm cho hành giả không còn mệt mỏi biến nhác nữa.

c) Vô hỷ túc tinh tấn: Là không vui sướng tự mãn với thành quả vừa đạt được trong lúc tu tập thực hành mà cho là vừa đủ không cần cố gắng tiến lên nữa. Hành giả khi nào chưa vào được Thánh đạo thì dứt khóat phải còn gia công gắng sức tu tập mãi mãi, chứ không chịu dừng lại, mà hưởng vui với một quả vị thấp kém, tạm thời. Như người đi bộ khi chưa đến đích cuối cùng thì, vẫn còn hăng hái tiến bước mãi càng nhanh càng tốt, chứ không chịu chấm dứt cuộc hành trình của mình với dạng lấy lệ, hay cho như vậy là đủ bằng cách an phận nghỉ ngơi mãi trong quán trọ bên đường, làm cho tiến độ càng ngày càng suy giãm tốc độ dần cho đến khi quên mất mục đích nơi đến cuối cùng của mình.

3. Niệm căn (Smṛtīndriya): Mục tiêu của niệm là nhớ nghĩ đến những pháp câu hữu với giải thóat, giúp hành giả nếu muốn đạt được mục đích thì, cần phải nhờ vào những pháp phương tiện trợ duyên pháp hành của mình. Nhớ nghĩ ở đây liên quan đến:

a) Niệm thí: Là nhớ nghĩ đến việc tu tập bố thí. Hành giả ở đây ngoài việc tự làm lợi cho chính mình, mà còn phải lúc nào cũng phải nhớ nghĩ đến việc đem tài sản bố thí cho người nghèo khổ; đem hùng lực vô úy của chính mình cứu giúp cho những người sợ hãi nhút nhát; đem chánh pháp chỉ giáo bày vẽ cho người si mê, khiến họ hết khổ được vui như mình.

b) Niệm giới: Là nhớ nghĩ đến việc trì tịnh giới để đoạn trừ các phiền não nghiệp chướng mà hành giả đã lỡ tạo ra trong quá khứ gần hay xa và, ngăn ngừa những nghiệp nhân ác bất thiện có thể xảy ra trong hiện tại, cùng làm tăng trưởng mọi pháp lành trong quá khứ qua những tác nhân trong hiện tại. Hành giả ở đây cũng vậy ngoài việc tự lợi cho chính mình trong việc giữ gìn giới cho thanh tịnh mà còn ảnh hưởng hỗ tương đến mọi người chung quanh qua việc sống với người trong một cộng đồng cọng hưởng qua ba loại Giới:

- Nhiếp luật nghi giới: Những giới điều để ngăn cấm các tác nghiệp thô xấu qua các oai nghi có thể xảy ra trong hiện tại, đồng thời cùng lúc đoạn trừ các nghiệp chướng nơi thân tâm có thể xảy ra trong tương lai.

- Nhiếp thiện pháp giới: Những giới điều được đặt ra đúng pháp và lợi ích chúng câu hữu với giải thóat. Hành giả tu tập thực hành giữ gìn theo nó thì, có thể thành tựu tất cả mọi pháp lành trong tương lai.

- Nhiêu ích hữu tình giới: Những giới điều đưa đến làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh khi hành giả thực hành tu tập giữ gìn chúng. Vì sự tương quan tương duyên sinh khởi nên một khi hành giả thành tựu pháp tu thì tất cả đều cùng lúc thành tựu trong sự hiện hữu đồng thời của chúng.

c) Niệm thiên: Lúc nào hành giả cũng nhớ nghĩ đến sự giàu sang vui sướng của chư thiên và, bố thí trì giới để tạo ra các thiện nghiệp cho tương lai thì chắc chắn sẽ hưởng được mọi thứ công đức này khi thọ thân trời phóng ra ánh sáng, không đâu là không chiếu tới. như Kinh Tăng Nhất A-hàm 2 phẩm Quảng diễn đức Đạo sư dạy: “Nếu có Tỳ-kheo nào, chánh thân chánh ý, ngồi kiết già, cột niệm phía trước, không tưởng nghĩ đến việc khác, chỉ nhớ nghĩ đến trời, thân khẩu ý thanh tịnh không tạo ra các việc xấu. Giữ gìn giới, thành tựu thân giới thì, thân phóng ra ánh sáng, không đâu không đến … lúc nào cũng nhớ nghĩ đến trời không bao giờ quên thì, sẽ thu được mọi thứ công đức thiện này.” Hay Nhiếp Đại Thừa luận thì nói: “Niệm Thiên là an trụ vào bốn món thiền định”. Vậy niệm thiên là nhớ nghĩ đến cách tu tập bốn thiền định, để thanh lọc sạch hết tất cả phiền não mà giải thóat.

4. Định căn (Samādhīndriya): Định nói cho đủ là Chánh định dịch nghĩa từ chữ Samādhi phiên âm là Tam-ma-địa. Định là khiến tâm hành giả trụ vào một nơi, một chỗ để lắng tâm yên tịnh, chuyên chú vào chánh pháp, không cho tâm hành giả tán loạn mà quán sát suy đạt thật nghĩa của nó. Còn căn phạn ngữ gọi là indriya bao gồm vừa có nghĩa tăng thượng vừa có nghĩa sinh khởi. Do đó định căn có nhiệm vụ khiến cho tâm hành giả dừng lại một chỗ, không vì hòan cảnh ngoại tại mà sức thiền định bị dao động; vì sức thiền định này có khả năng sinh khởi ra mọi thứ công đức và làm chúng tăng trưởng lên. Cho nên gọi là căn. Theo Thành duy thức luận 9, trong Thập độ tam hành, độ thứ thứ năm là Thiền độ tam hạnh thì tịnh lự (định) có thể chia làm ba bậc:

a) An trụ tịnh lự: Để tâm an trụ vào định, nên vọng tưởng không có cơ hội để khởi lên, nhờ vậy mà hành giả đi sâu vào trong thiền định và, từ đó phiền não được diệt trừ.

b) Dẫn phát tịnh lự: Nhờ phiền não đã được đoạn trừ nên trí tuệ được hiện hữu phát sinh các thứ công đức thù thắng.

c) Biện sự tịnh lự: Nhờ đã phát sinh các thứ công đức viên thành, nên thường làm lợi ích cho tất cả chúng sanh; cứu độ chúng sanh giải thoát sanh tử, chứng đắc Niết-bàn.

5. Huệ căn (Prajñendriya): Quán trí phát sinh được nhờ trong định và, cũng từ đó mà hành giả hiểu rõ được chân lý như thật của muôn pháp. Quán đạt chân lý gọi là tuệ; khi trí huệ đầy đủ thì tất cả mọi thứ phiền não tự tiêu trừ và, các năng lực thiện pháp xuất hiện, thành tựu trọn vẹn mọi thứ công đức, cho đến lúc thành đạo. Cho nên gọi là Huệ căn. Theo Nhiếp Đại Thừa, trí huệ có ba thứ:

a) Vô phân biệt gia hành huệ: Trí tuệ nầy không còn có sự phân biệt nữa, nhưng còn cần phải thực hành thêm, nghĩa là còn cần sự dụng công tu hành, để thành tựu hoàn toàn trí vô phân biệt. Vì thế, nên gọi là “vô phân biệt gia hành huệ”.

b) Vô phân biệt huệ: Trí huệ nầy không còn có sự phân biệt và, cũng không cần phải thực hành thêm nữa vì nó đã đầy đủ và thuần phục. Nhờ trí huệ này, mà hành giả thể chứng nhân như một cách tự tại.

c) Vô phân biệt hậu đắc huệ: Còn gọi là hậu đắc trí, là trí huệ có được sau khi đã chứng được chân như. Trí huệ này không còn phân biệt nữa hoàn toàn sáng suốt, tỏ ngộ được thật nghĩa của các pháp. Chư Phật nhờ hậu đắc trí nầy mà thi tác vô lượng công đức, để cứu độ chúng sanh. Nói một cách tổng quát giản dị, huệ căn là trí huệ nhờ thiền định làm lặng sạch có được. Nó thông đạt được sự thật của các pháp; nó là nền tảng phát sanh ra mọi việc vĩ đại để giải thoát chúng sinh ra khỏi khổ đau.

Tóm lại vì Năm căn này là nền tảng có khả năng sinh sản ra tất cả các pháp thiện, nên gọi là năm căn. Hơn nữa ‘căn’ ở đây nó cũng mang ý nghĩa tăng thượng, như trên chúng ta đã biết, năm loại căn này cũng có thể khiến cho con người sản sinh ra Thánh đạo vô lậu nên cũng gọi là căn. Theo Đại thừa nghĩa chương 16 nói về ý nghĩa của căn thì, “Vì sức mạnh của Năm căn này nghiên nặng hơn về việc sản sinh ra Thánh đạo xuất thế, nên gọi là căn.” Năm loại căn này còn có tác dụng dùng để đối trị với những người: không có lòng tin (bất tín), biếng nhác (giải đãi), buông lung (phóng dật), táy máy thân hình (trạo cử), phiền não vô minh, nên cũng gọi là căn. Ngoài ra theo phần một quyển 7 Chỉ Quán bổ hành truyện hoằng quyết thì, người tu hành tuy mần thiện chưa phát, vì căn chưa sinh, song nay nếu tu tập năm pháp này thì, sẽ khiến cho thiện căn sẽ sinh ra, nên năm pháp này được gọi là căn.

- NGŨ LỰC (Pañcānāṃ balānām): tức là năm lực này có được nhờ vào năm căn tăng trưởng sinh ra trong lúc hành giả tu hành, chúng chính là sức mạnh duy trì sự liên tục đưa đến giải thóat cho hành giả. Đó chính là thần lực của năm căn, chúng có khả năng đối trị thế lực của năm chướng. Nói một cách dễ hiểu: Ngũ căn như năm cánh tay của chúng ta, còn ngũ lực như là sức mạnh của năm cánh tay ấy.

1. Tín lực (Śraddhā-bala): Tức là sức mạnh do tín căn sinh ra, với công năng là phá hủy tất cả mọi thứ tà tín.

2. Tấn lực (Vīrya-bala): Tức sức mạnh do tinh tấn căn sinh ra, có công năng phá hủy mọi sự lười biếng nhác nhớm của thân và, lúc nào cũng siêng năng tinh cần trong việc chỉ ác hành thiện,. trong việc thực hành tu tập tứ chánh cần.

3. Niệm lực (Smriti-bala): Tức là sức mạnh do niệm căn sinh ra, hay sức mạnh lớn lao bền chắc của niệm căn, với khả năng phá hủy mọi thứ tà niệm và, dùng pháp tứ niệm xứ để giữ gìn chánh niệm.

4. Định lực (Samādhi-bala): Tức sức mạnh do định căn sinh ra, với khả năng chống phá các thứ lọan tưởng, bằng vào chuyên tâm thiền định để đọan trừ các dục phiền não.

5. Huệ lực (Prajñā-bala): Tức sức mạnh do huệ căn sinh ra, với khả năng phá hoại các hoặc của ba cõi, bằng vào quán ngộ Tứ đế, thành tựu trí tuê, mà đạt được giải thóat.

Năm lực này vì chúng có công năng phá hủy mọi thứ ác pháp nên gọi là năm thứ sức mạnh. Theo Trí độ luận 19 thì: “Năm căn tăng trưởng, không bị phiền não phá hoại, đó gọi là lực.” hay: “Thiên ma ngoại đạo không thể làm trở ngại, đó gọi là lực.” Nội dung ý nghĩa và công dụng của chúng cùng với năm vô lậu căn giống nhau, vì Phật giáo là một đạo thực tiễn nên việc thực hành thực tập những giáo pháp này là cần thiết theo thứ tự từ trước đến sau từ trên xuống dưới. Những sức mạnh nầy là kết quả đã đạt được từ sự nổ lực tinh tấn siêng năng tu tập của Ngũ căn. Nó như là một ngọn lửa được bật lên sau khi hành giả đã nỗ lực tinh tấn cọ sát hai cây gỗ vào nhau để có kết quả ngọn lửa được sinh ra.

Tóm lại, Năm căn là nền tảng có khả năng sản sinh ra và, làm tăng thượng các thiện nghiệp, thì năm lực chính là sức mạnh để chận đứng, triệt tiêu các thế lực vô minh phiền não bất thiện và, tác dụng các khả năng tăng thượng các pháp lành. Như những trình bày ở trên, Ngũ căn và Ngũ lực vừa là những nền tảng căn bản phát sinh các thiện pháp và, làm tăng thượng vô lượng công đức thù thắng đưa hành giả đến Thánh đạo, vừa có khả năng chận đứng tiêu diệt các pháp ác bất thiện vô minh, giải thóat mọi thứ phiền não mà đạt niết-bàn an vui; chúng là những nền tảng cơ bản để hành giả làm nhân tư lương tốt trong việc thực hiện giải thóat đưa về Thánh đạo.

THẤT GIÁC CHI
(Saptabodhyagāni)

Thất giác chi là hành pháp thứ sáu thuộc bảy hành pháp trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Thất giác chi còn gọi là Thất Bồ-đề phần, Thất đẳng giác chi, Thất biến giác chi, Thất giác phần, Thất giác ý, Thất giác chí, Thất giác chi pháp ... Thất giác chi (Saptabodhyaṅgāni): Sapta ở đây là chỉ cho số bảy thuộc về số điếm; Bodhy có nghĩa là giác ngộ, tỏ rõ, hiều rõ; aṅgāni là chỉ cho chi phần. Vậy theo nguyên ngữ của Saptabodhyaṅgāni thì được định nghĩa như là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho hành giả để đạt đến Niết-bàn an vui giải thóat. 

Thất Giác chi cũng là một hành pháp rất quan trọng đối với việc trợ duyên cho việc đưa hành giả từ chỗ khổ đau đến chổ an vui giải thóat, sự quan trọng của nó không kém gì các hành pháp trên. Ở đây qua bảy pháp giác chi này chúng ta thấy có những pháp trùng hợp với những chi tiết của các hành pháp trên như: Niệm, tinh tấn, định giác chi chúng đã từng hiện diện trong những hành pháp trên .... Nhưng vì chúng mang tính phổ quát, nên sự cần thiết của chúng trong mỗi hành pháp không thể không có được, nên sự hiện diện của chúng trở thành cần thiết cho mỗi hành pháp nói riêng và cho tính phổ quát của chúng nói riêng. Vì vậy, nên để tùy theo từng loại căn cơ của các hữu tình chúng sanh mà, đức Đạo sư chế ra nhiều hành pháp để làm trợ pháp trong phương pháp tu tập cho hành giả; vì nếu trong mỗi hành pháp mà thiếu chúng thì sẽ không hiện khởi để đưa đến việc thành tựu trong tu tập của hành giả và, sẽ không đưa đến kết quả như chúng ta mong đợi được; nên để tùy căn cơ từng người, hành giả hợp với pháp môn nào theo tên gọi của các hành pháp thì, có thể theo đó mà tu tập; tuy đứng về chi tiết có khác nhau, nhưng trên đại thể, về nội dung thì có nhiều chỗ giống nhau. Vì vậy, nên chúng ta sẽ thấy trong pháp môn “Thất giác chi" có nhiều chi tiết giống như các chi tiết trong các hành pháp khác; không những các chi tiết riêng trong hành pháp Thất giác chi tự chúng đã có sự sắp xếp vị trí khác nhau như trong Kinh-luận Đại tạng. Theo Kinh Tạp A-hàm 26, Kinh Phật thuyết Đại thừa tuỳ chuyển tuyên thuyết chư pháp quyền 2 (T. 15, p. 0777b) và Luận A-tỳ-đạt-ma Uẩn Túc quyển 9 (T.26, p. 494c) thì sự sắp xếp các chi trong hành pháp giống nhau, nhưng trong một số kinh-luận khác lại có sự sắp xếp khác nhau về vị trí. Có lẽ đây cũng là do sự sắp xếp tuỳ theo căn cơ đối tượng người nghe hay, đó là sự sắp xếp theo các quan điểm phát triển sau này của Phật giáo qua các bộ phái. Ở đây người viết theo sự sắp xếp của một số đông Kinh-Luận và, theo tiến trình hợp logic của tư tưởng mà giải thích chúng. Theo kinh Tạp A-hàm 26 kinh 707 trang, 189c đức Đạo sư đã tóm tắc chức năng công hiệu của hành pháp Thất giác chi trong việc đối trị những thối thất, chướng ngại che phủ tâm hành giả trong lúc thực hành tu tập, đức Phật dạy:

“Có năm chướng, năm cái, phiền não nơi tâm, có thể làm sút giảm trí tuệ và làm phần chướng ngại, chẳng phải minh, chẳng phải chánh giác, chẳng chuyển hướng Niết-bàn. Những gì là năm? Đó là tham dục cái, sân cái, thùy miên cái, trạo hối cái, nghi cái. Năm cái này là che kín, là bao phủ, phiền não ở tâm, khiến cho trí tuệ bị suy giảm, là phần chướng ngại, chẳng phải minh, chẳng phải đẳng giác, chẳng chuyển hướng Niết-bàn.

“Nếu là bảy Giác chi, thì chẳng che kín, chẳng bao phủ, chẳng phiền não nơi tâm, tăng trưởng trí tuệ, là minh, là chánh giác, chuyển hướng Niết-bàn.

Những gì là bảy? Đó là Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi. Như bảy Giác chi này chẳng che kín, chẳng bao phủ, chẳng phiền não nơi tâm, tăng trưởng trí tuệ, là minh, là chánh giác, chuyển hướng Niết-bàn.”

Qua những lời dạy trên thì hành pháp Thất giác chi trên tính phổ quát của giá trị có những khả năng không những chỉ đối trị các bệnh như che kín, bao phủ, tạo phiền não nơi tâm mà, còn làm tăng trưởng trí tuệ, chuyển hướng hành giả đến Niết-bàn nữa. Và tiếp theo đức Đạo sư đưa ra những kết quả của giá trị thực tiễn khi hành giả thực hành Thất giác chi này, theo thứ tự trước sau để loại bỏ từ từ tất cả những pháp vô minh cấu uế làm mê mờ chướng ngại hành giả trong bước đường tiến đến thanh tịnh giải thóat như Kinh 711 trong Tạp A-hàm 26 đức Đạo sư đã dạy Vương tử Vô Úy:

“Nếu Bà-la-môn nào có một niệm thù thắng, quyết định thành tựu; những việc đã làm từ lâu, những lời nói từ lâu, có thể tùy theo nhớ nghĩ, ngay lúc ấy tu tập Niệm giác chi. Khi Niệm giác chi đã tu tập rồi, thì niệm giác đầy đủ. Khi niệm giác đã đầy đủ rồi, thì có sự lựa chọn, phân biệt, tư duy, lúc bấy giờ tu tập Trạch pháp giác chi. Khi đã tu tập Trạch pháp giác chi rồi, thì trạch pháp giác đầy đủ. Khi đã lựa chọn, phân biệt, suy lường pháp rồi, thì sẽ nỗ lực tinh tấn; ở đây, tu tập Tinh tấn giác chi. Khi đã tu tập Tinh tấn giác chi rồi, thì tinh tấn giác đầy đủ. Khi đã nỗ lực tinh tấn rồi, thì hoan hỷ sẽ sanh, xa lìa các tưởng về thức ăn, tu hỷ giác chi. Khi đã tu Hỷ giác chi rồi, thì hỷ giác đầy đủ. Khi Hỷ giác chi đã đầy đủ rồi, thì thân và tâm khinh an; lúc ấy tu Khinh an giác chi. Khi đã tu Khinh an giác chi rồi, thì khinh an giác sẽ đầy đủ. Khi thân đã khinh an rồi, thì sẽ được an lạc và khi đã an lạc rồi thì tâm sẽ định; khi ấy tu Định giác chi. Khi đã tu Định giác chi rồi, thì định giác sẽ đầy đủ, Khi định giác chi đã đầy đủ rồi, thì tham ái sẽ bị diệt và tâm xả sanh ra; khi ấy tu Xả giác chi. Khi đã tu Xả giác chi rồi, thì xả giác sẽ đầy đủ. Như vậy, này Vô Úy, vì nhân này, duyên này mà chúng sanh thanh tịnh.”

Ở trên theo đức Đạo sư thì, khi hành giả tu tập Thất giác chi theo thứ tự thì những kết quả chúng sẽ theo sau những thực hành đó. Nếu hành giả tu tập thực hành một cách liên tục miên mật không gián đọan đầy đủ rồi thì theo đó chúng ta sẽ đạt được những kết quả như mong muốn ngay trong hiện tại. Nhưng cũng có một số kinh-luận mỗi giác chi trong Thất giác chi có giá trị của riêng chính nó trong việc thực hành chứ không cần phải thực hành hết bảy giác chi theo thứ tự mới đưa đến kết quả như trong kinh Tạp A-hàm ở trên. Theo kinh Phật thuyết pháp thừa nghĩa quyết định 2, T. 17, p. 0657b đức Đạo sư dạy:

Thế nào là Thất giác chi? Phật dạy: Đó là Trạch pháp giác chi, niệm giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi, hỷ giác chi. 

Thế nào là trạch giác chi? Là đối với các pháp, mà có thể lựa chọn, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là niệm giác chi? Đối các pháp, chánh niệm tu tập, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thề nào là định giác chi? Là thường phát khởi diệu huệ thanh tịnh, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Sao gọi là tinh tấn giác chi? Đối với việc hành thiện, siêng năng không giải đãi, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là khinh an giác chi? Đối với các pháp xa lìa thô trọng, điều phục thân tâm, y chỉ ly dục, y chỉ tư duy, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là xả giác chi? Đối với các pháp xa lìa phóng dật, khiến tâm tịch tịnh; y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là hỷ giác chi? Đối với các pháp mà sinh hỷ thọ, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch tịnh, nhiếp phục tranh cãi.

Qua Kinh này cho chúng ta thấy sự sắp xếp các chi của chúng không giống như thứ tự của một số kinh luận khác. Mặc khác chúng cũng tự hòan thành kết quả cho chính cách tu tập của tự chúng. Còn theo A-tỳ-đạt-ma Uẩn túc luận 9, thì sự liên hệ chi tiết giữa các hành pháp trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cần thiết vì tính phổ quát của chúng nên ở đây, trong hành pháp Thất giác chi vẫn sử dụng các pháp niệm, tinh tấn, định như những pháp đã được trình bày trong các hành pháp trước, để nhờ đó làm pháp đối trị tùy theo những chi tiết cần thiết của chúng mà ứng dụng. Theo những lời dạy của đức Đạo sư.

1/ Niệm giác chi (: Theo A-tỳ-đạt-ma Uẩn túc luận 9 thì Niệm giác chi trong Thất giác chi, khi hành giả muốn tu tập thì phải dùng đến pháp quán Tứ niệm trụ (Tứ niệm xứ), Theo đức Đạo sư thì đệ tử của bậc Thánh đối trong thân, ngoài thân, trong ngoài thân phải trụ vào thân mà quán. Nếu ở đây chánh cần, chánh tri, chánh niệm đầy đủ thì, sẽ trừ được tham ưu thế gian, cùng nội ngoại của Thọ, tâm, pháp cũng đầy đủ như thân thì, sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý. Các niệm theo niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không trái, không lọt, không mất pháp tánh, tâm sáng tánh ghi nhớ, tất cả nói chung đều là niệm, cũng gọi là niệm căn, cũng gọi là niệm lực, cũng gọi là giác chi, cũng gọi là chánh niệm, chúng có khả năng chấm dứt khổ. Các bậc hữu học đối với các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh, đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, các niệm tùy niệm, cho đến tâm minh, tánh nhớ đó gọi là Niệm giác chi. Khi hành giả đã nhờ Tứ niệm trụ quán sát thân, thọ, tâm và pháp trong ngoài bằng vào chánh cần chánh tri, chánh niệm biết rõ được bộ mặt thật của các pháp, nên vấn đề tu tập phải có sự lựa chọn tiếp theo đó trong pháp tu của hành giả.

2/ Trạch pháp giác chi: Tiếp theo là đệ tử của bậc Thánh, phải thường biết như thật pháp nào thiện, pháp nào bất thiện; pháp nào có tội, pháp nào không tội; pháp nào đáng tu, pháp nào không đáng tu; pháp nào hạ liệt, pháp nào thắng diệu; pháp nào đen, pháp nào trắng; pháp đối địch, pháp duyên sinh. Nếu ở đây hành giả biết tất cả pháp là như thật, pháp nào thiện, pháp nào bất thiện cho đến pháp duyên sinh thì sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; đối với sự lựa chọn đến chỗ kỳ cùng, không còn lựa chọn được nữa; hiểu rõ, tỏ gần tỏ xa, thông đạt tất cả, quán sát thông tuệ, tuệ hạnh sáng tỏ, gọi chung là tuệ, cũng gọi là tuệ căn, cũng gọi là tuệ lực, cũng gọi là trạch pháp giác chi, cũng gọi là chánh kiến. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, đối các pháp lựa chọn, cho đến Tỳ-bát-xa-na (vipaśyanā: quán pháp) là dùng trí tuệ nhất tâm quán pháp, đó gọi là Trạch pháp giác chi. Sau khi hành giả đã lựa chọn pháp tu cho mỗi người rồi thì, cần phải có sự siêng năng nổ lực trong pháp tu của mình.

3/: Tinh tấn giác chi: Tiếp đến đệ tử bậc Thánh, sau khi đã biết lựa chọn, biết pháp nào thiện pháp nào ác rồi trong thực hành chỉ ác hành thiện thì phải tinh tấn dùng phương pháp Tứ chánh cần để tu tập. Vì muốn đọan trừ các pháp ác, bất thiện đã sinh ra, nên siêng năng tinh tấn kiểm sóat tâm, giữ gìn tâm. Vì muốn cho các pháp ác bất thiện chưa sinh sẽ không sinh, nên phải khởi lòng siêng năng tinh tấn kiểm sóat tâm, giữ gìn tâm. Vì muốn pháp lành chưa sinh khiến sinh, nên phải khởi lòng siêng năng tinh tấn trong việc khởi lên ý nghĩ nên hay không nên và, đem áp dụng vào trong việc làm nên hay không nên trong việc kiểm sóat tâm và giữ gìn tâm. Vì muốn những việc thiện đã phát sinh trong việc nuôi lớn vững bền thêm không khiến tâm quên, và muốn làm tăng trưởng rộng lớn trí tuệ tác chứng nên hành giả phát khởi lòng mong muốn siêng năng nổ lực tinh tấn kiểm sóat tâm mình, giữ gìn tâm mình lúc nào cũng thanh tịnh. Khi hành giả theo pháp tu Tứ chánh cần thì sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; những nổ lực tinh tấn, mạnh mẽ, kiên cường, hừng hực khó kiềm, gắng ý không dừng, tất cả đều gọi là tinh tất cả, cũng gọi là tinh tấn căn, cũng gọi là tinh tấn lực, cũng gọi là tinh tấn giác chi, cũng gọi là chánh cần. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, mọi nổ lực tinh tấn, cho đến gắng ý không dừng nghỉ, đó gọi là Tinh tấn giác chi.

4/ Hỷ giác chi: Khi Thánh đệ tử đã nổ lực tinh tấn thực hành những pháp mà mình đã chọn rồi qua chỉ ác hành thiện rồi nhờ lúc cùng nhau niệm Phật như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Như lai, tâm hành giả ngay thẳng thì sẽ đạt được nghĩa và pháp oai thế; đối với Như lai có khả năng dẫn khởi hân hoan, nhờ hân hoan nên sinh tâm hoan hỉ; khi được hoan hỉ thì thân an; thân an thì sẽ hưởng lạc; được an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp mà tu tập tùy theo niệm đối với chư Phật, cho đến tác chứng cứu cánh Niết-bàn. 

Lại nữa hành giả khi cùng nhau niệm chánh pháp, tức là chỉ cho chánh pháp của Phật khéo nói hiện tại, mát mẻ đúng thời, hướng dẫn trực quán khiến bậc trí giả nội chứng; hành giả nhờ đó lúc cùng nhau niệm pháp như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với chánh pháp tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với chánh pháp, nhờ tu tập tùy niệm nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm Tăng già, tức là chỉ cho đệ tử của đức Phật đã thọ cụ túc giới, đầy đủ diệu hạnh, hành động chất trực, thực hành như lý, thực hành pháp theo pháp Phật dạy, thực hành hòa kính. Hơn nữa đệ tử của Phật có hướng đến dự lưu, có quả dự lưu, có quả nhất lưu, có hướng đến không trở lại (bất hòan), có quả bất hòan, có hướng đến A-la-hán, có quả a-la-hán. Như vậy gồm có Tứ song, Bát chích, Bổ-đặc-già-la. Cũng vậy Tăng già, đầy đủ giới, đầy đủ định, đủ tuệ đầy, đầy đủ giải thóat, đầy đủ giải thóat tri kiến, đáng thỉnh đáng đê đầu, đáng cung kính ruộng phước vô thượng, nơi đởi nên cúng dường. Đệ tử của bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm Tăng như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với Tăng già tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với Tăng già nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm giới, tức là chỉ cho hành giả giữ giới thanh tịnh, không khuyết không thủng, không tạp không nhơ, có thể nhận sự cúng dường không rõ ràng, khéo cứu cánh, khéo thọ trì, được người trí khen ngợi, thường không hủy báng. Đệ tử bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm giới như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với giới nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm Bố thí, tức là hiện tại hành giả khéo được thắng lợi, tuy sống vô lượng nơi cáu bẩn triền phược trong chúng sanh, nhưng tâm xa lìa tất cả cáu bẩn, có thể thực hành bố thí. Tuy ở tại gia, nhưng có thể không đắm nhiễm vào của cải châu báu; ra tay bố thí, làm tế tự lớn, cúng dường ruộng phước, ban ân đầy đủ, ban vui khắp cả. Đệ tử bậc Thánh nhờ lúc cùng nhau niệm bố thí như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với bố thí có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với bố thí nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.

Lại nữa, hành giả khi cùng nhau niệm chư Thiên, tức là chỉ cho Tứ đại vương chúng thiên, trời Ba mươi ba, Dạ-ma-thiên, Đổ-sử-đa thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên. Chư thiên như vậy, thành tựu tín, giới, văn, xả, tuệ nên mất từ chỗ này được sinh về những cõi trời kia hưởng mọi sự khoái lạc. Hành giả chúng ta cũng có tín, giới, văn, xả, tuệ, cũng sẽ được sinh về những chỗ kia, cùng các thiên chúng dồng hưởng khoái lạc. Các hành giả đệ tử của bậc Thánh nhờ cùng nhau niệm Thiên như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với giới tâm hành giả ngay thẳng; nhờ tâm, ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; đối với chư thiên có khả năng dẫn khởi hớn hở, nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỉ; nhờ hoan hỉ nên thân an; nhờ thân an nên hưởng lạc; nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với chư thiên nhờ tu tập tùy niệm, nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn. Hành giả lúc tu tập lục tùy niệm như vậy rồi thì sẽ được sở hữu tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm hân hoan tột cùng, hân hoan hiện hữu, tính loại hân hoan, thích ý vui ý; tính loại hoan hỷ vui hòa hợp không còn phân biệt ... tất cả gọi chung đều là hỉ, cũng gọi là hỉ giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm hoan hỉ tột cùng, cho đến tánh hoan hỉ thì đó gọi là Hỉ giác chi.

5/ Khinh an giác chi: Tiếp tục hành giả nhờ tâm tánh hoan hỉ đang hiện có, hành giả nhập vào sơ thiền, ngôn ngữ lúc bấy giờ dừng nghỉ. Nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ nhất; khi nhập vào đệ nhị thiền, tầm và từ (giác, quán) yên nghỉ, nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó dọi là trạng thái thuận khinh an thứ hai; khi hành giả nhập vào đệ tam thiền; các hỉ ở đây bấy giờ cũng yên nghỉ, nhờ duyên này các pháp khác cũng lặng yên, đó là trạng thái thuận khinh an thứ ba; khi nhập vào đệ tứ thiền, hơi thở ra vào lặng yên, nhờ duyên này các pháp khác cũng an nghỉ, đó là trạng thái thuận khinh an thứ tư; tiếp tục lúc nhập vào diệt thọ tưởng định, ở đây tưởng thọ vắng bặt nhờ duyên này mà các pháp khác cũng không hiện hữu, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ năm và, cũng có khinh an thượng diệu thứ sáu là tối thắng tối thượng. Khinh an này là tối thượng tói diệu không có khinh an nào khác vượt qua nó. Vì sao vậy? Vì tâm từ tham lìa nhiễm mà giải thóat và, từ sân, si lìa khỏi nhiễm mà giải thóat, nên gọi đây là trạng thái thuận khinh an thứ sáu. Hành giả tư duy về trạng thái này thì sẽ sở hữu được mọi sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm nhẹ nhàng, tánh nhẹ nhàng loại nhẹ nhàng, gọi chung là khinh an, cũng gọi là khinh an giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; thân, tâm, tính, loại khinh an, đó gọi là khinh an giác chi.

6/ Định giác chi: Khi hành giả nhờ vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt tận định thì sẽ diệt trừ tận gốc rễ của các lậu. Vì khi hành giả an trú vào sơ thiền thì trước hết nhờ vào tướng trạng các hành mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ và, nhờ xa lìa này mà hỉ lạc sinh ra. Nếu ở sơ thiền mà hành giả an trụ đầy đủ thì hành giả sẽ không còn tư duy về tướng trạng các hành nữa mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh họan, như ung nhọt, như tên độc, chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã. Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi đình chỉ, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ, tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu, xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. Giống như xạ sư giỏi, hay học trò của ông, trước hết học bắn người bằng cỏ, đất bùn ở gần; sau đó mới có thể bắn vật kiên cố lớn ở xa được. Hành giả cũng vậy, trước phải nhờ tướng trạng các hành như vậy mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ; nhờ xa lia nên hỉ lạc sinh. Nếu hành giả an trụ vào sơ thiền đầy đủ thì sẽ không tư duy về các tướng trạng các hành như vậy mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh họan, như ung nhọt, như tên độc, chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã. Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi không tạo tác nhân, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ, tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu, xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. Khi hành giả biết như vậy, thấy như vậy liền từ tâm dục lậu được giải thóat, cũng từ hữu lậu và vô minh lậu tâm được giải thóat; đã giải thóat rồi thì có thể tự nhận thức rằng: Ta được giải thóat, sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Ở đây đề cập về an trụ nhị thiền thì, trước hết cũng nhờ vào tướng trạng các hành, nhưng tầm từ trở nên tịch tĩnh, bên trong tâm tịnh một mực hướng về tự tánh, lúc này không còn tầm từ nữa, nhờ định là hỉ lạc sinh ra. Nếu an trụ đầy đủ vào nhị thiền thì bấy giờ hành giả không còn tư duy về tướng trạng các hành nói cũng giống như trên cho đến vô sở hữu xứ. Khi hành giả nhập vào vô sở hữu và an trụ đầy đủ vào vô sở hữu xứ thì lúc này không còn tư duy về tướng trạng các hành, mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi, cho đến nói đầy đủ như trên và, đến tưởng định có thể hòan thành xong những việc đáng nên làm như vậy. Tiếp đến là Phi tưởng phi phi tưởng xứ cùng Diệt tận định, việc xuất nhập định trong tu tập của hành giả cũng như bảy định trên, lúc này cũng sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, an trụ tâm, an trụ bình đẳng cho đến tâm chỉ còn duy nhất một tánh cảnh, gọi chung là định, cũng gọi là định căn, cũng gọi là định lực, cũng gọi là định giác chi, cũng gọi là chánh định. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán như tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm an trụ bình đẳng, cho đến tâm chỉ còn tánh cảnh duy nhất, thì đó gọi là định giác chi.

7/ Xả giác chi: Đến đây, hành giả nhờ tư duy về đọan giới, ly giới, diệt giới trong những định trên và, cũng nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tánh chính trực, tâm không còn kỉnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh. Lúc bấy giờ hành giả tự nghĩ: “nay ta nên đối với các pháp thuận tham, thuân sân, thuận si mà xa lìa tham, sân, si, nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác nữa, mà an trụ vào tính tịch tĩnh.“ Lại tự nghĩ: “Nay ta nên đối với các pháp tham, sân, si, tâm không còn nhiếp thọ; do tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không cảnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh.“ Ở đây hành giả nhờ xem xét tư duy sáu pháp thuận xả mà có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn cảnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh, ở đây gọi chung là xả, cũng gọi là xả giác chi. Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán như tâm giải thóat, tư duy qúan sát, khiến đạt cứu cánh và sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh thì, đó gọi là xả giác chi.

Qua những kinh-luận mà chúng tôi đã trích dẫn trên, chúng cho hành giả chúng ta một cái nhìn duyên khởi hơn trong vấn đề tu tập để đối trị với ba độc tham, sân, si trên cơ bản bằng cách ly tham, sân, si để đưa đến giác nộ giải thóat bằng vào sự tu tập theo thứ tự từ giác chi thứ nhất cho đến giác chi thứ bảy trong liên đới hỗ tương cần thiết cho nhau; nhưng mặc khác mỗi giác chi tự chúng tự hòan thành riêng cho mỗi thứ trong tu tập chính chúng như chính đức Đạo sư đã dạy trong Tương Ưng V theo Tạng hệ Pàli: "Tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi". Vì chính ngay trong mỗi một giác chi chúng đã hiện diện nhân và duyên một cách đầy đủ qua sự cần thiết đủ để pháp đó hiện hữu một cách trọn vẹn bảy chi trong một chi; và ngược lại một chi trong bảy chi, nếu thiếu một trong bảy chi đó thì tự chúng không hiện hữu để hòan thành kết quả. Ngay trongchánh niệm của niệm giác chi đã có trạch pháp giác chi đã có tinh tấn giác chi, đã có hỷ giác chi, đã có khinh an giác chi, đã có định giác chi và, đã có xà giác chi rồi; vì nếu thiếu xả thì không thể có được chánh niệm, thiếu trạch pháp giác chi thì sẽ không có chánh niệm, thiếu tinh tấn giác chi thì sẽ không có chánh niệm giác chi, thiếu hỷ giác chi thì sẽ không có chánh niệm giác chi, thiếu khinh an giác chi thì sẽ không có chánh niệm giác chi rồi, và cứ như thế nếu thiếu đi một trong bảy nhân và duyên của bày giác chi này thì chánh niệm giác chi không hiện hữu để đưa đến kết quả thành công. Do đó Sự thành tựu trong tu tập của hành giả qua một giác chi nào đó cũng chính là sự thành tựu của chính bảy giác chi đồng lúc. Đó chính là mặc sâu xa vi tế của bộ mặt duyên khởi hiện quán theo quan điểm đặc thù của Phật giáo theo bản thể luận còn theo mặt hiện tượng luận sai biệt của các pháp thì có bảy chi pháp, để từ đó hành giả cứ theo thứ tự thời gian mà hòan thành theo thứ lớp tuần tự của chúng. Đây chính là đặc điểm khế cơ khế ký trong phương pháp giáo dục và tu tập của đạo Phật.

BÁT CHÁNH ĐẠO
(āryāṣṭāgika-mārga)

Bát chánh đạo là hành pháp thứ bảy trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Hành pháp Bát Chánh Đạo là pháp môn thật tiễn đại biểu đặc trưng tối quan trọng cho những lời dạy của đức Đạo sư trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì pháp môn này là một phương pháp chính xác để hành giả hướng đến Niết-bàn giải thoát, là một con đường ngắn nhất đưa hành giả đến chỗ an vui tịch tĩnh, là con đường được Đạo sư nói ra lần đầu tiên sau khi Ngài thành Đạo tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như bạn tu của Ngài trước đó để tránh xa hai thái độ sống cực đoan giữa đau khổ (khổ hạnh) và, khoái lạc (hạnh phúc) đưa hành giả đến con đường Trung đạo không vướng mắc hai bên.

Bát Chánh Đạo tiếng Phạn gọi là āryāṣṭāṅgika-mārga, là con đường chánh tám ngành đưa đến Niết-bàn giải thóat, còn gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi chánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát đạo hành, Bát trực hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, hay Bát lộ.

Bát chánh đạo gồm có tám chi sau:

Chánh kiến (skrt: samyag-dṛṣṭi, pāli:sammàditthi), thấy đúng. 
Chánh tư duy (skrt: Samyak-saṁkalpa, pāli: sammàsankappa): suy nghĩ đúng. 
Chánh ngữ (skrt: Samyag-vāc, pāli: sammàvàca): nói đúng. 
Chánh nghiệp (skrt: Samyak-karmānta, pāli: samm kammata): làm việc đúng. 
Chánh mạng (skrt: Smnyag-ājīva, pāli: sammààjiva): sống đúng. 1989
Chánh tinh tấn (skrt: Samyag-vyāyāma, pāli: sammààyàma): siêng năng đúng. 
Chánh niệm (skrt: Samyak-smṛti, pāli: sammà satti): nhớ đúng. (1990
Chánh định (Samyak-samadhi, pāli: sammà samàdhi): tập trung đúng. 1989-

1/ Chánh kiến, còn gọi là chánh đế, tức thấy khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời kia, có cha mẹ, có người chơn đến nơi thiện, bỏ thiện hướng thiện, nơi đời này, đời kia, tự giác tự chứng thành tựu. "Khi nào vị Thánh đệ tử biết già chết, tập khởi của già chết, đoạn diệt của già chết và con đường đưa đến đoạn diệt già chết, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến...” (Kinh Chánh tri kiến,Trung bộ I, p. 49, HT. Minh Châu dịch) hay "Khi một vị Thánh đệ tử biết được bất thiện và biết được căn bản của bất thiện, biết được thiện và căn bản của thiện, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này". (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I, tr. 47). Đó chính là sự thành tựu của nhân quả thế gian và xuất thế gian qua như thật tri kiến một cách rõ ràng về sự hiện hữu và biến dịch của chúng theo duyên khởi mà hành giả có thể tư duy và nhận chân được tánh và tướng của tất cả mọi pháp trên thế gian này, đâu là pháp hữu lậu, đâu là pháp vô lậu. Đó gọi là chánh kiến.

Chánh kiến là chi đầu trong tám chi Bát chánh đạo thuộc vào phần tuệ học của ba vô lậu học nhằm trang bị cho một sự nhận thức đúng về lối nhìn duyên khởi đối với mọi sự vật, không rơi vào cái nhìn méo mó sai lệch giữa có và không, giữa thường và đọan của lối nhìn tà kiến, mà lúc nào cũng phải giữ một cái nhìn khách quan không thiên lệch bên này hay bên kia để vượt qua khỏi mọi vướng mắc hữu lậu đạt chánh kiến vô lậu giải thóat như trong Kinh Đại Tứ Thập, Trung bộ III. tr. 207 “Phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị thành thục Thánh đạo A-la-hán, có vô lậu tâm, chánh kiến như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế.” 

Lối nhìn này được mệnh danh là kiến giải trung đạo, vượt qua khỏi tà kiến chấp có chấp không của thế gian. Nói chung hành giả xa lìa từ bỏ năm loại kiến giải không chánh kiến này: Một là tự chấp cho rằng thân này có ngã nó luôn tồn tại không mất, đó gọi là thân kiến hay ngã kiến. Hai là cực đoan chấp chặt kiến giải một bên, như sau khi chúng ta mất sẽ tồn tại không mất, đó gọi là thường kiến hay hũu kiến đối lập lại với quan niệm sau khi ta mất sẽ không còn nữa, đó gọi là đọan kiến hay vô kiến. Hai quan điểm có-không này mà chúng ta chấp vào một trong hai thì gọi là biên kiến. Ba là chấp nhận kiến giải cho rằng không có đạo lý nhân quả trên đời này, đó gọi là tà kiến. Bốn là chấp chặt vào những kiến giải sai lầm cho là đúng đắn chân thật, đó gọi là kiến thủ kiến. Năm là cho rằng những giới luật cấm chế sai lầm không đưa đến con đường giải thóat của ngoại đạo mà cho rằng thực hành chúng sẽ đưa đến Niết-bàn giải thóat, đó gọi là giới cấm thủ kiến. Nếu hành giả xa lìa không sống theo năm thứ kiến giải sai lầm lệch lạ này, mà thấy biết được một cách chắc chắn rằng: “Biết được chánh kiến là chánh kiến, tà kiến là tà kiến. Biết được chánh ngữ và tà ngữ. Biết được chánh nghiệp và tà nghiệp. Biết được chánh mạng và tà mạng. Biết được chánh tinh tấn và tà tinh tấn. Biết được chánh niệm và tà niệm. Biết được chánh định và tà định.” (Kinh Đại Tứ Thập, Trung Bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT. Minh Châu) thì đó gọi là thấy biết nhận thức một các chân chánh của hành giả về lối nhìn đưa đến con đường trung đạo giải thóat trong thực hành của hành giả.

Chánh kiến, Theo Đại Tỳ-bà-sa luận 97 thì chánh kiến được phân ra là hai loại: 

- Một hữu lậu chánh kiến hay còn gọi là thế tục chánh kiến, tức chỉ cho ý thức luôn luôn tương ưng với thiện huệ hữu lậu, vì chúng quan hệ với chấp thủ của hữu lậu nên phải chuyển hướng về đường thiện chiêu cảm quả dục đáng vui của đời vị lai. 

- Hai là vô lậu chánh kiến, còn gọi là xuất thế gian chánh kiến, tức chỉ cho trí vô sinh hòan tòan không còn nhiếp giữ ý thức tương ưng với thiện huệ hữu lậu nữa, mà nó vượt qua khỏi chấp thủ về thiện hữu lậu chánh kiến. 

2/ Chánh tư duy, còn gọi là chánh chí, chánh phân biệt, chánh giác hay đế niệm, tức là không có dục giác, nhuế giác và, hại giác, là chi thứ hai trong Bát chánh đạo, tức là hành giả phải tư duy suy nghĩ về đạo lý chân thật để xa lìa tham dục, sân nhuế, hại niệm thuộc những cách tư duy tà vạy thiếu chính xác đưa hành giả đến con đường nuôi lớn tham, sân, si tạo nghiệp ba đường dư trói buộc trong sinh tử luân hồi. Ngược lại hành giả phải luôn luôn tư duy suy nghĩ về con đường giải thóat vô tham, vô sân, vô hại bằng cách không tư duy suy nghĩ đến chúng.

Cũng như chánh kiến chánh tư duy có hai cách Chánh tư duy hữu lậu và, Chánh tư duy vô lậu: 

- Hành giả cần phải áp dụng cách tư duy suy nghĩ để một mặt huân tập báo nghiệp thiện cho ý về vô tham, vô sân, vô hại và, mặt khác thực hành những điều hành giả đã tư duy về các pháp thiện lợi mình lợi người (tạo nhân tái sinh) của ba nghiệp thân, khẩu và, ý qua thể hiện thiện nhân đưa đến quả sanh y thiện theo nhân quả hữu lậu. Đó gọi là tư duy hữu lậu.

- Hành giả tư duy với tâm vô lậu, tâm Thánh thì, sự tư duy đó được gọi là Chánh tư duy vô lậu, ngược lại với tâm hữu tư duy quaq pháp vô tham, vô sân, vô hại.

3/ Chánh ngữ, còn gọi là chánh ngôn, đế ngữ, là chi thứ ba trong Bát chánh đạo, nghĩa là xa lìa lời nói hư dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt. Vì những lời nói này câu hữu với vô minh sẽ đưa hành giả vào ba đường ác, ngược lại là những lời nói chân thật, lời nói hòa hợp lợi mình lợi người, lời nói nhẹ nhàng không thô ác nặng nề, lời nói không thêu dệt phù phiếm, câu hữu với phước báo an vui hạnh phúc. Nói chung những lời nói nào mang lại lợi cho mình và có lợi cho mọi người, chúng tạo nhân hướng thiện làm phước báo sanh y cho hành giả trong tương lai thì đó gọi là chánh ngữ. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn trước khi đức Phật nhập diệt, có đệ tử hỏi: 
Bạch Thế tôn, sau khi Phật nhập Niết-bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo với kinh Phật không làm sao phân biệt.Vậy biết tin theo lời nào để tu? Phật bảo, không luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo đó mà tu. Đó là chúng ta nói đến phước báo hữu lậu của chánh ngữ, ngoài ra nếu hành giả từ bỏ bốn cách nói trên vượt qua luật nhân quả và, câu hữu với vô tâm trong lời nói, thì những lời nói này thuộc chánh ngữ vô lậu.

4/ Chánh nghiệp, còn gọi là chánh hành, đế hành, là chi thứ tư trong Bát chánh đạo, chỉ cho hành động, tạo tác chân chánh (tác nhân thiện nghiệp), tức chỉ thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh; tức xa lìa sát sinh, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối … nói chung là hành giả sống từ ý nghĩ, tạo tác hành động, lời nói luôn xa lìa mọi thứ tà vọng thì, gọi đó là chánh nghiệp.
Theo kinh Bát chánh đạo thì, không thấy như thật, không tư duy như thật, không nói như thật, đời sống không như thật, tinh cầu không như thật, hành động không như thật, ý nhớ không như thật, tập trung không như thật gọi là bát đạo tà hành, ngược lại tám điều tà hành này thì gọi là chánh hành, hay chánh nghiệp. Hành giả tạo nhân nghiệp thiện hữu lậu cho phước báo sanh y trong tương lai thì, đó gọi là chánh nghiệp hữu lậu. 

Theo Du Già Sư Địa luận 64 thì, có ba loại chánh nghiệp (hành) là: Chánh hành đối với Phật bảo, hành giả nên cúng dường thừa sự. Chánh hành đối với Pháp bảo, hành giả nên lấy Du-già làm phương tiện tu tập. Chánh hành đối Tăng bảo, hành giả nên tu tập cùng thọ tài-pháp thí. Theo Đại thừa Trang nghiêm luận 12 thì, dùng sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ (Bát-nhã) làm chánh hành. Theo Biện trung biên luận quyển hạ thì, lấy mười Ba-la-mật làm hành tướng mà phân biệt thành sáu loại chánh hành: Tối thắng, tác ý, tùy pháp, ly nhị biên, sai biệt, vô sai biệt làm chánh hành. Theo Pháp hoa huyền tán 8 thì, lấy việc thọ trì phẩm Pháp sư trong kinh Pháp hoa 4 như: Độc, tụng, giảng nói, viết kinh và, cúng dường là chánh nghiệp của sáu loại pháp sư. 

Theo Tịnh độ tông thì cũng lấy việc độc tụng, quán sát, lễ bái, xưng danh và, tán thán cúng dường đức Phật Di-đà là năm chánh hành của hành giả tu theo Tịnh độ và, theo Mật giáo thì đối với những hành nghiệp tu tập sau những gia hành đều gọi là chánh nghiệp. Nói chung tất cả mọi hành động của chúng ta từ lời nói đến việc làm và trong ý nghĩ chúng câu hữu với nhân quả thiện đưa đến giải thóat thì đều gọi là chánh nghiệp thuộc hữu lậu hay là vô lậu cả.

5/ Chánh mạng, còn gọi là đế thọ, chánh mạng đạo chi, là chi thứ năm trong Bát chánh đạo, là chỉ cho cách sống của hành giả, phương pháp sanh nhai hằng ngày mang lại cơm no áo ấm, thuốc thang, và những nhu cầu cần cho cuộc sống trong gia đình. Là hành giả tu tập theo chánh pháp của Phật thì trước hết phải thanh tịnh hóa ý nghiệp trong từng ý nghĩ bằng các không nghĩa đến những điều ác hại mình hại người, mà phải có những ý nghĩ đem lại lợi ích vui vẻ cho chính mình và cho mọi người chung quanh gần nhất là những người thân trong gia đình và, xa hơn nữa là xã hội; kế đến là thanh tịnh thân, khẩu nghiệp của mình bằng vào những công việc làm và những lời nói trong công việc khi giao thiệp; hành giả phải tránh xa mọi công việc làm đưa đến hại mình, hại người như học nghề chú thuật, bói tóan … lường gạt kẻ khác, mà ngược lại hành giả phải sống đúng với chánh pháp nghĩa là chúng ta phải lựa chọn những nghề nghiệp nào mang lại mọi lợi ích an vui cho mình cho người thì chúng ta chọn nghề đó để sống. Đó gọi là nghề nghiệp sinh sống chánh đáng của một hành giả thực hành chánh pháp của đức Phật.

6/ Chánh tinh tấn, còn gọi là chánh phương tiện, chánh trị, đế pháp, đế trị, là chi thứ sáu trong Bát chánh đạo, chỉ cho mọi sự nổ lực siêng năng tinh cần trong bốn việc mà hành giả cần phải hạ quyết tâm phát nguyện trong lúc tu tập để thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu, ý trong chỉ ác hành thiện: Pháp ác nào đã phát sinh hãy nhanh chóng trừ diệt chúng, pháp ác nào chưa phát sinh nổ lực ngăn chận chúng không cho khởi sinh; pháp thiện nào chưa phát sinh hãy nhanh chóng làm cho chúng phát sinh, pháp thiện nào đã sinh tiếp tục là cho chúng tăng trưởng hơn lên. Nghĩa là lúc nào cũng tìm cầu phương pháp siêng năng nổ lực tinh cần trong việc đề phòng ngăn ngừa những điều phi pháp có thể xảy ra cùng, nổ lực chận đứng những việc ác đã lỡ phát sinh (phòng phi chỉ ác) qua hai việc hại mình hại người và, luôn luôn siêng năng tinh tất trong việc hành thiện qua hai việc thiện lợi mình lợi người như trên chúng tôi đã trình bày. Sự siêng năng đúng ờ đây chúng cũng được quan niệm như là pháp Tứ chánh cần mà trước đây chúng tôi đã đề cập qua.

7/ Chánh niệm, còn gọi là đế ý, là chi thứ bảy trong Bát chánh đạo, dùng cộng tướng của bốn pháp thân, thọ, tâm và, pháp mà quán. Đây là một hình thức khác của Tứ niệm xứ, điều mà chúng tôi cũng đã đề cập đến trước đây. Ở đây chúng tôi cũng xin đề cập vắng tắc một chút, là hành giả chúng ta luôn luôn nhớ nghĩ về tánh tướng của tất cả các pháp một cách như thật mà không để lãng quên mất. Chúng ta có thể phân chánh niệm ra hai loại:

- Nhớ nghĩ đúng về pháp hữu lậu thế gian, tức là hành giả chúng ta luôn nhớ nghĩ về những thiện niệm, tác ý tương ưng với pháp hữu lậu.

- Nhớ nghĩ đúng về pháp vô lậu xuất thế gian, tức là hành giả chúng ta nương vào chánh kiến vô lậu mà thường tư duy suy nghĩ như thật về mọi đối tượng, với sự tác ý tương ưng với pháp vô lậu với những ý niệm ghi nhớ rõ ràng không bao giờ quên.

Đó là hai cách nhớ nghĩ chân chánh đúng chánh pháp về thiện và thiện giải thóat dành cho hành giả khi tu tập chánh niệm.

 8/ Chánh định, còn gọi là đế định, là chi thứ tám của Bát chánh đạo, mục đích của chi này là giúp hành giả xa lìa pháp dục ác bất thiện thành tựu bốn pháp thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và, tứ thiền.

Theo Kinh Đại Tứ Thập, Trung Bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT. Minh Châu đức Phật dạy: "Thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ-kheo, phàm có nhứt tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy, gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và tư trợ". Sự thành tựu của chánh định của các bậc hữu học như đức Phật đã dạy là phải câu hữu với bảy chi trên làm trợ duyên, duyên khởi trong lúc tu tập mới mong đạt đến kết quả. Trong khi đạo quả giải thóat của các vị A-la-hán của bậc vô học gồm có mười chi như kinh Trung bộ III sđd tr. 221 thì: “Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên; do có chánh nghiệp, chánh mạng khởi lên; do có chánh mạng, chánh tinh tấn khởi lên; do có chánh tinh tấn, chánh niệm khởi lên; do có chánh niệm, chánh định khởi lên; do có chánh định, chánh trí khởi lên; do có chánh trí, chánh giải thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần". Do đó sự hiện hữu có được của chánh định chính là sự hiện hữu của chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và, ngược lại tất cả đều có trong nhau qua duyên khởi. Và ở đây đứng về mặt thời gian nhân quả phân đọan mà nói thì tám chi phần này theo thứ tự làm duyên cho nhau để đưa đến đạt bốn thiền định, nhưng đứng về mặt sát-na sinh diệt không thời gian thì chúng hiện hữu ở trong nhau. Về mặt nhân quả thời gian thì chánh kiến thuộc chi phần quan trọng chủ yếu trong Bát chánh đạo đề đưa về chánh định. 

Chánh định ở đây chúng tôi chỉ đề cập giới hạn theo chủ đề của Bát chánh đạo, nên định ở đây định nghĩa cũng theo ý nghĩa chủ đề nên định ngĩa này chưa mang tính phổ quát và rộng hơn.

Tóm lại, Bát chánh đạo là tám chi nhánh cần và đủ để hành giả từ đó có thể mượn chúng là con đường đưa đến giải thóat khổ đau, hay Bát chánh đạo là con thuyền để nhờ vào đó mà hành giải vượt qua khỏi bờ bên này tức là bờ đau khổ sang bờ bên kia tức bờ giác ngộ giải thóat. 
Trong Bát chánh đạo chúng ta nhận thấy có sự hệ mật thiết giữa hành pháp thứ tám này cùng với bảy hành pháp trợ đạo khác như chúng tôi đã trình bày trước đây trong Nguyệt san Pháp luân này. Sự có mặt trong nhau qua sự phối hợp sau đây để hành giả có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ một cách cơ bản về sự liên hệ này: 

- Chánh niệm trong Bát chánh đạo chính là ý nghĩa nội dung của tứ Niệm xứ (trụ); cũng chính là niệm căn, niệm lực của Ngũ căn-Ngũ lực; cũng là niệm giác chi của bảy Giác chi; và là tâm thần túc của Tứ thần túc.

- Chánh tinh tấn chính là ý nghĩa nội dung của Tứ Chánh cần; cũng chính là tinh tấn thần túc của Tứ thần túc. 

- Chánh tư duy là trạch pháp giác chi; cũng chính là quán thần túc của Tứ thần túc.

- Chánh kiến là tuệ căn, tuệ lực; 

- Chánh định là hỷ, khinh an, định, xả giác chi. 
Chính vì sự quan hệ này nên được đức Đạo sư gọi là pháp trợ đạo cho Đạo đế, con đường trung đạo đưa hành giải thóat ra khỏi khổ để chứng đắc Niết-bàn an lạc giải thóat, phần này chúng tôi đã đề cập đầy đủ trong phần Đạo đế trong Tứ Đế xin xem lại qua những bài viết trước cũng trong Tập san Pháp Luân này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn