NGHIÊN CỨU VÀ PHIÊN DỊCH ĐẠI PHẨM THỨ NHẤT
MA HA CHỈ QUÁN
PHÁP MÔN VIÊN ĐỐN
(The Great Calming and Contemplation)
THIÊN THAI TRÍ KHẢI
Neal Donner & Daniel B. Stevenson biên soạn - Từ Hoa Nhất Tuệ
Tâm dịch
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2009
Phẩm
Thứ Nhất
MA
HA CHỈ QUÁN
Phật giáo là một giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là người sống ở miền Bắc Ấn Độ khoảng hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Giáo pháp được đưa vào thế giới khi Đức Thích Ca chứng đạo tối thượng, lần đầu tiên thuyết về Chân Như và về những phương pháp hành trì đưa đến chứng ngộ. Theo Phật Giáo, tất cả mọi người đều có thể trở thành Phật hoặc ‘bậc giác ngộ’ như Đức Thích Ca. Nỗi mong ngóng của tôi với những người đã hướng về con đường tu trì Phật pháp đều sẽ thành Phật. Khi thế giới nầy trở thành Phật giới hoặc Bồ tát giới, chúng sinh hướng về Phật quả, thì niềm hy vọng sẽ nở bừng an lạc.
Phật Giáo bao gồm Phật pháp và Phật đạo. Phật pháp diễn đạt tánh tướng giác ngộ của Phật. Chúng ta đã tự bao giờ đi trong sự chiếm ngự dềnh dàng của bản ngã thô thiển, và vì thế, mất dấu nhân duyên. Cũng vì vậy, chúng ta luôn ở trong trang thái xung đột với tha nhân và thế giới chung quanh, phải chịu đựng những dòng đời khốn khổ vô ích. Pháp Phật đưa chúng ta về chỗ không có nỗi khổ, thấy được Bồ Đề an lạc bằng lối vượt thoát sự xâm chiếm của vô minh qua ngã, an trụ trong vô ngã. Đường Phật cung hiến những chỉ dẩn tu tập về thân và tâm để đến được với chân tánh và tự do, vượt qua những phiền não cảm nhận từ một cái ngã như huyễn. Phát huy trí tuệ và tỉnh thức đối với chân tánh tức Phật pháp. Đến được với thực chứng trong ta và sống tùy thuận thực tại tức Phật đạo.
Maha Chỉ Quán (Moho Chih-kuan) đã được thuyết ra bởi vị sư Trung Hoa là Trí Khải (538-597), cũng là vị Tổ sư của tông Thiên Thai, và được một môn đồ là Kuan-ting (Quán Đảnh) (561-632) ghi lại. Đây là một bảng chỉ đường thâm sâu làm thế nào để viên dung hai mặt của Phật giáo - tức Phật pháp và Phật đạo. Trọng tâm của tập sách nầy quy về khái niệm ‘chỉ và quán, tịch và chiếu’ (chih-kuan ming ching) như một phương pháp hành trì (1). Khái niệm nầy đã được xưng tụng trong hầu hết những gì liên quan đến Phật giáo ở Trung Hoa. Tập sách được dịch sang Nhật ngữ khi Saicho hoặc Dengyo Daishi (Tối Trừng, 766-822), đã thành lập Thiên Thai Tông trên đỉnh Tỉ Duệ (Mount Hiei), và trở thành nền tảng của Phật giáo Nhật Bản.
Phật pháp và Phật đạo xiển dương giáo lý và thực hành. Khi hai mặt nầy trọn vẹn đi vào nhau, tất cả khổ não và nghiệp chướng sẽ bị tận
diệt, và Phật trí bình đẳng với chư Phật sẽ hiển lộ. Tác phẩm MaHa Chỉ Quán đưa đường về với Phật tánh, và làm thế nào vạn pháp có trong một tâm, khả dĩ tuyệt đối tự do. MaHa Chỉ Quán nói đến thiền tọa như một phương tiện chính để tu tập chỉ và quán, tịch và chiếu. Trong tất cả những phương pháp thiền định hoặc trụ tâm vào thực tại, thì phương pháp tọa thiền dễ thực hành nhất. Vì lý do nầy, nói qua những phương pháp khác nhau trong việc tu tập thiền định được đề cập trong những bản kinh, thì MaHa Chỉ Quán cho thấy một điểm độc đáo là làm thế nào cuộc hành trình đi về chỗ chứng ngộ có thể đến được với một lần ngồi xuống trong thiền định. Sự hướng dẩn nầy là một phần quan trọng và nổi bật của tác phẩm.
Trí Khải tin rằng những giáo pháp được Thế Tôn thuyết ra, và đã được tồn trữ trong truyền thống Phật giáo chỉ là những phương tiện (upaya). Điều nầy nói lên rằng bởi vì thực tại Bồ Đề bất khả tư nghị khó được lãnh hội trực tiếp, Thế Tôn dùng những phương tiện khế hợp với căn tánh chúng sinh, và dần đưa họ về mục tiêu tối hậu. Thuyết giảng bộ kinh Pháp Hoa vào những ngày cuối đời, Đức Thích Ca Mâu Ni phối hợp tất cả những pháp phương tiện, phân tích, và tiết lộ mục đích sau cùng. Như vậy, kinh Pháp Hoa được thuyết ra như một giáo lý vi diệu đưa đường cho tất cả chúng sinh.
Với Trí Khải, chính bộ kinh Pháp Hoa là yếu chỉ của Phật pháp, là giáo pháp vô biên thành tựu tất cả những bản kinh khác, hứa hẹn một đất tâm tĩnh lặng và là nỗi hy vọng của tất cả con người trong tất cả mọi thời. Đặt căn bản trên lòng tin nầy, Trí Khải thuyết giảng MaHa Chỉ Quán, được trình bày như một phương pháp thực hành, gồm thu cái tinh túy của bộ kinh Pháp Hoa. Nói cách khác, MaHa Chỉ Quán là bảng chỉ đường đưa giáo lý tối thượng của kinh Pháp Hoa vào mặt thực hành- là sự hướng dẩn để nhận chân được tinh thần của bộ kinh.
Giáo lý tuyệt diệu của kinh Pháp Hoa đã được trình bày trong hai tác phẩm khác của Trí Khải là ‘Pháp Hoa Huyền Nghĩa’ diễn đạt sự thâm sâu của bộ kinh Pháp Hoa, và ‘Pháp Hoa Văn Cú’ là bảng chú giải từng câu trong toàn nội dung bản kinh. Ba tác phẩm nầy, được gọi là ‘Thiên Thai Tam Đại Bộ’- cùng chung chú giải yếu chỉ của Phật pháp và Phật đạo, giáo và hành, như được nói đến trong kinh Pháp Hoa, và như cái hiểu của Trí Khải về Phật pháp, và truyền thống Thiên Thai Tông.
MaHa Chỉ Quán gồm có mười chương, được bố cục qua năm đề mục chính : (1) phát đại tâm, (2) tu đại hạnh, (3) hiển đại quả, (4) xé lưới nghi (sự nghi hoặc về những phân chia của Phật pháp), và (5) quy đại xứ. Chương thứ nhất đến Chương thứ năm liên quan đến ý tưởng giác ngộ- cung hiến một sơ đồ về Chỉ và Quán, xác định văn tự Chỉ và Quán, thuyết giảng khái niệm về Chỉ và Quán, trình bày làm cách nào toàn thể phương pháp thực hành của Phật giáo được hoàn tất trong một phương pháp Chỉ và Quán, và như thế, cho hành giả một cái thấy rõ ràng về phương pháp Chỉ và Quán, và làm bừng dậy trong hành giả lòng mong muốn thực hành. Lý do là vì hành giả phải phát sinh ý tưởng giác ngộ một cách chính chắn thì mới có thể hành trì Phật pháp một cách hữu hiệu. Chương thứ sáu và thứ bảy của MaHa Chỉ Quán luận về chi tiết đặc thù qua khía cạnh thực hành. Chương thứ sáu nói về những chuẩn bị cụ thể và những thuận duyên cần thiết để thành tựu pháp môn Chỉ và Quán. Chương thứ bảy, là chương dài nhất, diễn tả chi tiết những kỷ thuật thích ứng về Chỉ và Quán. Tiếc thay, Trí Khải đã không kịp thuyết giảng ba chương và năm đề mục sau cùng trong toàn bộ mười chương như dự định.
Chỉ
và Quán trình bày những phương pháp quy chế thích hợp nhất
để đến được với sự toàn thiện của con người. Chỉ
(chih) đưa tâm về với định và an trú trong tánh giác.
Quán
(kuan) liên quan đến sự dùng tâm giác ngộ nầy như một nền
tảng quán chiếu chân tánh đồng nhất trong vạn pháp. Đây
là mặt thực hành, cùng lúc hội tụ ‘tịch’ của định
đưa tâm vào chỗ vô ngã, và ‘chiếu’ của tuệ, thấy được
vạn pháp phơi trải như nó là, hiển lộ giá trị chân thực.
Khái niệm căn bản nầy đã từng được thuyết ra qua những
bản kinh và luận thuở lâu xưa, nhưng sở dĩ MaHa Chỉ Quán
được tán tụng vì tác phẩm nầy là một bảng chỉ đường
thâm sâu và chi tiết, có giá trị thực hành.
Có ba cách thức hành trì Chỉ và Quán : Tiệm, Bất Định, và Viên Đốn. Pháp môn Tiệm dành cho những hành giả có căn cơ thấp kém, là những người đi từ cạn đến sâu. Pháp môn Bất Định dành cho những hành giả thực tập nhiều đường lối khác nhau, tùy thuộc vào căn cơ và hoàn cảnh chung quanh. Pháp môn Viên Đốn là đỉnh cao, viết ra cho những người có căn tánh sắc bén. Qua lối tu tập nầy, hành giả phát huy được định hạnh bằng con đường vào thẳng chân tánh ngay từ điểm đầu tiên. Tất cả ba phương thức đều là Phật giáo Đại thừa, và đưa đến Bồ Đề, nhưng MaHa Chỉ Quán chỉ nói tổng quát hai phương thức kia, và đặc biệt nhấn mạnh vào pháp môn Viên Đốn. Vì vậy, tác phẩm có tựa đề là ‘Đại (MaHa) Chỉ Quán’. Trái tim của giáo pháp MaHa Chỉ Quán về mặt viên đốn được tìm thấy qua những lập luận về bốn trạng thái thiền định trong chương thứ nhất (phần dàn bài, theo sau là phần dịch), hai mươi lăm bước đầu trong chương thứ sáu (phần chuẩn bị khế hợp), và mười phương cách thực hành chỉ và quán trong chương thứ bảy (Chánh Quán). Tác phẩm MaHa Chỉ Quán được tán tụng như một phương thức thâm viễn, qua đó ba pháp môn đưa yếu tính hành trì Phật pháp vào hệ thống.
Tất cả mọi người đều có sẳn phẩm hạnh cao quý, bình đẳng. Nếu, qua cái hiểu chân thực nầy, con người có thể nhận ra rằng họ là những yếu tố không thể bị bứng gốc rễ từ một môi trường đơn thuần, và nếu những cá nhân tự giác nầy sáng tạo một cảnh giới của ngã và nhân có thể giúp đỡ lẩn nhau, thì ngay ở điểm đầu tiên, sự cân bằng giữa cá nhân và xã hội sẽ xuất hiện, đưa đến hạnh phúc và hòa bình chân chính cho tất cả mọi người. Trong sự chuyển mình của những khám phá khoa học, tuy nhiên, con người về sau phô trương chiều hướng chú trọng kết quả. Khi sự xâm chiếm của kết quả nầy hóa thành khối duy vật chất khổng lồ, thì liền đó là cơ nguy có thể làm tan tành sự gắn bó giữa người với người. Điều quan trọng là phẩm hạnh của con người như một cá nhân đứng giữa tâm điểm của xã hội. Nếu chúng ta không có được một xã hội, trong đó, ngã và nhân cùng tương hữu một cách thỏa đáng, thì hòa bình và phước hạnh chân thực sẽ không bao giờ hiện ra được. Chúng ta phải nắm bắt được thực tại trên nền tảng tương giao, tùy thuận của nhân và duyên, và sáng tạo một xã hội vô ngã, là những cá nhân nghĩ và làm một cách tự nhiên hướng về người khác. Vì thế, đã đến lúc con người khắp mọi nơi trên thế giới cần hiểu được MaHa Chỉ Quán và thực sự hành trì để đến được chỗ tự làm cho chính mình trở nên toàn vẹn. Thực vậy, bản dịch chương thứ nhất qua Anh ngữ nầy có thể quay lại trở nên một bảng đưa đường về với phước hạnh hy hữu nhất của chúng ta dành cho con người. Có được sự cảm nhận sâu thẳm trong đường lối phiên dịch tác phẩm Hoa ngữ quan trọng nầy, với tất cả những ý nghĩa khôn cùng, tôi muốn gởi lời cảm tạ đến những người đã thực hiện.
The Reverend Yamada Etai
Bài tựa của Quán Đảnh (Kuan-ting) viết về MaHa Chỉ Quán bắt đầu với bốn chữ nầy. Tựa đề nầy đã trở thành yếu chỉ của tác phẩm và là phương pháp tu trì của Tông Thiên Thai.