- Lời Nói Đầu
- 1 Tâm Ý Con Người
- 2 Con Trâu Trong Phật Pháp
- 3 Tranh Chăn Trâu
- 4 Tranh Chăn Trâu Đại Thừa
- 5 Thơ Chăn Trâu Đại Thừa
- 6 Thơ Thiền Sư Phổ Minh Tụng Tranh Chăn Trâu
- 7 Thơ Thiền Sư Phổ Minh Chuyển Dịch Lục Bát
- 8 Tranh Chăn Trâu Thiền Tông
- Thơ Chăn Trâu Thiền Tông
- 10 Thơ Thiền Sư Quách Am Tụng Tranh Chăn Trâu
- 11 Thơ Thiền Sư Quách Am Chuyển Dịch Lục Bát
- 12 Thơ Thiền Sư Cự Triệt Tụng Tranh Chăn Trâu
- 13 Thơ Thiền Sư Cự Triệt Chuyển Dịch Lục Bát
- 14 Thơ Thiền Sư Nhất Sơn Nhất Ninh Tụng Tranh Chăn Trâu
- 15 Tranh Chăn Trâu Thiền Tông Của “Zen Mountain Monastery
- Tài Liệu Tham Khảo
NHƯ CHĂN TRÂU
Soạn Giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
DIỆU PHƯƠNG xuất bản 2010
- 3 -
TRANH CHĂN TRÂU
Con trâu không chỉ xuất hiện trong văn thơ, trong công án mà còn xuất hiện ngay cả trong hội họa nữa. Bộ “THẬP MỤC NGƯU ĐỒ” là mười bức tranh chăn trâu. Mười bức tranh liên hoàn mượn hình tượng một người mục đồng đi chăn trâu và một con trâu để nói về “thuật luyện tâm” của nhà Phật.
Theo nhiều kinh sách nhà Phật thì tranh ra đời từ triều đại nào, dưới ngọn bút lông nào và ai là tác giả khó mà tra cứu cho đích xác được. Chính ngài Vân Thê Châu Hoàng đời nhà Minh bên Trung Quốc, trong lời tựa cho mười bức tranh ấy cũng nói là chưa rõ tranh có phải do tay một người hay không? Điều chắc chắn là tranh có từ xa xưa lắm, ban đầu có thuyết cho là gồm 4 bộ, có thuyết khác cho là 5 hay 6 bộ nhưng qua nhiều biến động thăng trầm nên bị thất lạc luôn.
Bộ tranh được phát hiện sớm nhất tương truyền là của thiền sư Quách Am (Kakuan hay Kuoan Shihyuan, 1100-1200, cũng thường được gọi là Khuếch Am Sư Viễn) người Trung Quốc, sinh vào thời nhà Tống thế kỷ XII. Thiền sư dựa vào các bản luận cũ của tiền nhân rồi họa 10 bức tranh chăn trâu, mượn hình ảnh tượng trưng của trâu trong Lão giáo, rồi viết bài tụng và lời bàn bằng văn xuôi. Bộ tranh của ngài thuần chất thiền, sâu sắc hơn các bộ tranh của các bậc tiền bối và từ đấy trở thành nguồn cảm hứng sâu xa cho các thế hệ sau này phỏng theo đó mà vẽ ra thêm nhiều bức họa khác nữa.
Mười con trâu biểu hiện cho những bước tuần tự trong sự chứng ngộ bản lai diện mục (tức thực tính, hay phật tính). Bộ tranh này được tìm thấy trong bộ sưu tập tranh của họa sĩ Châu Văn người Nhật vào năm 1460 nhưng cũng chỉ là bản sao chứ không thấy bản chính.
Thiền sư Quách Am có nói: “Nguồn chân của chư Phật, chúng sinh ai ai cũng có sẵn, Phật có nguồn chân ấy, chúng sinh cũng có nguồn chân ấy. Vì chúng sinh quên (mê) nguồn chân nên trầm luân trong tam giới. Nếu ngộ, nhận được nguồn chân sẵn có nơi mình thì chóng thoát sinh tử. Do đó, mới có chư Phật nhận được nguồn chân mà thành Phật và chúng sinh còn tạo nghiệp nên đi trong tam giới.” Tam giới này chính là ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Tất cả chúng sinh trong ba cõi này còn trong vòng luân hồi sinh tử.
Từ đó ngày càng có thêm nhiều bộ tranh mới khác hoặc màu, hoặc đen trắng, bắt đầu xuất hiện ở các chốn già lam, thiền viện, và những bộ tranh này cũng phản ảnh được nhiều khuynh hướng khác nhau trong sự tu tập, không thống nhất một cách khô khan, mà lại uyển chuyển sáng tạo, tùy duyên truyền pháp. Như vậy là không phải chỉ có một bộ, mà có nhiều bộ “mục ngưu đồ” khác nhau, tất cả đều đượm nhuần tinh thần Phật giáo Bắc Tông. Trong số tranh hiện nay được truyền tụng phổ biến nhiều nhất là tranh của thiền sư Quách Am và họa sĩ tu sĩ áo nâu Thanh Cư. Hai bộ tranh này vượt trội hơn hẳn ở bút pháp lẫn cú pháp.
Tranh “Thập Mục Ngưu Đồ” không rõ đã được
du nhập vào nước ta từ lúc nào. Trong các cuốn lịch sử Phật giáo Việt
Tuy có nhiều bộ tranh nhưng về hình thức thời bộ nào cũng như bộ nào, mỗi bộ đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt và một bài chú giải bằng văn xuôi cho cả tranh và bài kệ. Còn về tinh thần thì tranh tuy có nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại: Đại thừa và Thiền tông.
Loại tranh theo khuynh hướng Đại thừa vẽ lại quá trình tu chứng, từ việc tự thắng bản năng mình, đến tự tri và cuối cùng là đạt đến tự tại. Loại tranh theo khuynh hướng Thiền tông khắc họa tiến trình thực nghiệm tâm linh với ba giai đoạn: sai tâm bắt tâm, tâm vô tâm và tâm bình thường. Trong mỗi loại, tranh vẽ sai khác hết nhau, nhưng bài tụng và bài chú riêng cho mỗi loại vẫn không thay đổi.
Hình ảnh người mục đồng tượng trưng cho giới thể, cho thiền định, cho chính trí, nói chung là cho chính pháp của đức Phật. Con trâu tượng trưng cho cái tâm của chúng sinh, cái tâm ấy là cái tâm vọng tưởng, tâm phân biệt, chất chứa đầy phiền não, mê lầm và dục vọng. Chúng sinh lấy giáo pháp chân chính của đức Phật để chữa trị các sự mê lầm và dục vọng này thì cũng tương tự như người mục đồng trị con trâu hoang dã đầy tật chứng vậy!
Phật không hề coi chúng sinh như là loài trâu. Kinh Phật mà nói đến trâu, là nói đến bản tính si ngốc, vô trí nơi mỗi loài chúng sinh mà thôi. Hiệu của Phật là “điều ngự sư”, nên Ngài là một người chăn, hay một người đánh xe khéo léo, đưa chúng sinh đến thành trì an lạc của giải thoát.
Trong Kinh cũng đã từng dạy: “Chỉ vì gió cảnh thổi động khiến cho sóng lớn nổi lên.” Nước với sóng tuy khác nhau nhưng tính của chúng chỉ là một. Tuy nhiên nếu nước thường hay êm ả chở thuyền đi xuôi dòng thời sóng lại có thể cuồng nộ làm lật thuyền. Người luyện tâm cần chuyển biến để quan sát mà thấy sắc không lầm sắc; nghe tiếng không chấp tiếng; thơm thối không nệ; ngọt đắng một vị; thô kệch hay thon mịn cũng đồng một thể. Khi chăn trâu thời sơi dây thừng chính là giới luật kiên trì. Cây roi chính là ý chí cứng rắn. Con trâu do vì lâu ngày đắm say ở cõi đời, bị ô nhiễm mà thành đen chính bởi năm thứ dục. Năm thứ dục là năm thứ ham muốn ứng với năm giác quan là thích nhìn vẻ đẹp đẽ, thích nghe tiếng ngọt ngào nịnh hót, thích ngửi mùi thơm tho, thích ăn món ngon lành... Về sau con trâu lại trắng ra vì đây là màu sắc chân thật của con trâu thuở ban sơ trời đất.
Khi luyện tâm đừng quên lời khuyên nhủ: “Bên
ngoài ngưng các duyên, bên trong dứt các vọng. Kiểm soát cái nhìn của mắt, cái
nghe của tai, cái ngửi của mũi, cái nếm của lưỡi.
Đối chiếu hai bộ tranh của hai khuynh hướng, chúng ta thấy hình ảnh người mục đồng có sự khác biệt. Bên Đại thừa thì mục đồng đã lớn tuổi, già dặn, cứng cáp tay chân; còn bên Thiền tông thì mục đồng chỉ là một chú bé chăn trâu đầu để chỏm, mặt mũi còn non nớt. Hình ảnh con trâu cũng có khác đi. Con trâu bên tranh Đại thừa có thân mình màu đen thui rồi dần dần trắng ra cho đến khi trắng hoàn toàn. Con trâu bên tranh Thiền tông thì trước sau chỉ một màu đen đủi, to lớn kềnh càng. Tất cả đều có ẩn ý, tùy theo ý niệm và căn cơ của từng người và từng pháp môn tu hành, nhưng tựu trung đều không đi ra ngoài Giới - Định - Huệ của giáo lý nhà Phật. Bảng đối chiếu sau đây cho ta thấy sự sai khác nhau giữa hai loại tranh, về hình thức cũng như về nội dung:
TRANH ĐẠI THỪA
1. Vị mục: chưa chăn
2. Sơ điều: mới chăn
3. Thọ chế: chịu phép
4. Hồi thủ: quay đầu
5. Tuần phục: thuần phục
6. Vô ngại: không ngại
7. Nhiệm vận: theo phận
8. Tương vong: cùng quên
9. Độc chiếu: riêng soi
10.
Song mẫn: cùng vắng
TRANH THIỀN TÔNG
1. Tầm ngưu: tìm trâu
2. Kiến tích: thấy dấu
3. Kiến ngưu: thấy trâu
4. Đắc ngưu: được trâu
5. Mục ngưu: chăn trâu
6. Kỵ ngưu quy gia: cưỡi trâu về nhà
7. Vong ngưu tồn nhân: quên trâu còn người
8. Nhân ngưu câu vong: người trâu đều quên
9. Phản bản hoàn nguyên: trở về nguồn cội
10. Nhập triền thùy thủ: thõng tay vào chợ