- Chương Một Let Be, Let Go and Now What?
- Chương Hai Đời là một khúc nhạc buồn
- Chương Ba Mối liên hệ giữa tâm và não
- Chương Bốn Nền tảng vận hành Não bộ trong Chánh niệm
- Chương Sáu Tứ vô lượng tâm
- Chương Bảy Trực chỉ Chân Tâm,Kiến Tánh Thành Phật
- Chương Tám Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
- Chương Chín Và khi tỉnh (thức) dậy, tôi tìm lại tôi
- Chương Mười Vầng thơ từ độ lên ngôi
Chương Bốn
Nền tảng vận hành Não bộ trong Chánh niệm
Gần đây khi Thiền Chánh Niệm trở thành một phương pháp thông dụng dùng trong các hoạt động y khoa, danh từ Tỉnh Thức (Be mindful) trở thành phổ biến trong những đối thoại đời thường. Trong quá trình nhận thức, ý thức chỉ là bước đầu khi một đối tượng lọt vào tầm. Sau đó chúng ta mới chú ý đến một đối tượng nào đó mà chúng ta chọn (như hơi thở, cảm giác cơ thể...) lúc đó mới là ‘be mindful’. Định nghĩa này hàm ý là chúng ta có thể chọn đối tượng để chú ý bất cứ khi nào chúng ta muốn và đối tượng này có thể được giữ trong tầm ý thức một thời gian, và khi chúng ta muốn chuyển đổi sang một đối tượng khác thì chúng ta có thể làm được (như từ hơi thở sang cảm giác). Chánh niệm như các đèn pha chiếu rọi một không gian lớn và có thể ngừng lại và chú trọng vào một đối tượng đặc biệt nào đó mà chúng ta chọn như một spot light. Khi chánh niệm quân bình thì tâm ta yên tĩnh. Não tỉnh thức Giữ thông tin từ bên ngoài
Trong thời cổ đại, não phải luôn giữ các thông tin đe dọa trong một môi trường đầy thù địch; trong thời hiện đại não cũng phải lưu giữ nhiều thông tin như các số điện thoại cần thiết, và các ‘thông tin’ được giữ trong ‘ký ức làm việc’ (working memory) của ý thức. Hiện nay chúng ta có nhiều dụng cụ máy móc như iPad, computer... để lưu giữ, nên nhu cầu này không còn cấp bách nữa. Nhưng trong vận hành bình thường não cũng phải lưu giữ thông tin, truy hồi các thông tin cũ.
Đổi mới thông tin
Não cũng nhận thêm thông tin cần thiết mới. Thí dụ như quý vị thấy trong đám đông một khuôn mặt thân quen mà quý vị nghĩ mãi mà không nhớ tên, quý vị phải lục lọi trong ký ức, để nhớ tên người này, nhớ dễ hay khó là tùy tế bào trong hippocampus bị mất mát nhiều hay ít. Trong những trường hợp tệ hại nhất như bị mất trí nhớ (dementia), quý vị không còn nhận ra chính người thân của mình. Một trong những hiệu năng của chánh niệm là sinh sản các tế bào não mới, do đó giúp quý vị lượng tế bào não ở mức vừa phải hợp lý trong hippocampus, giúp trí nhớ của quý vị không rơi vào các trường hợp tệ hại nói trên.
Tìm thêm kích thích
Não bộ được cấu tạo trong quá trình tiến hóa là lúc nào tìm thêm thông tin về nguy hiểm hay phần thưởng như thức ăn, bạn bè và các tài nguyên khác. Lượng kích thích phải quân bình. Nếu quá ít thì chúng ta cảm thấy ‘chán’ nếu nhiều quá thì căng thẳng và stress.
Vận hành làm quân bình não bộ
Khi chú ý trở nên quân bình, phần cortical của não nhằm bảo vệ ký ức làm việc, đóng cửa không cho các thông tin khác vào. Khi cửa đóng, quý vị có khả năng chú ý một đối tượng một thời gian dài. Cửa đóng hay mở tùy thuộc vào lượng Dopamine đủ hay không đủ, hay khi lượng này tăng, giảm bất thường. Chúng tôi xin đưa một hình ảnh để minh họa vận hành này của não. Như một con khỉ đang ăn chuối trên một cây, khi thấy chuối còn nhiều, con khỉ này sẽ không lưu ý đến những cây chuối khác vì đã thỏa mãn và vì lượng dopamine trong não lúc đó còn cao. Nhưng khi chuối bắt đầu cạn, con khỉ sẽ không còn chú ý đến cây chuối đang ăn. Lượng dopamine tác ứng với một bộ phận não là basal ganglia đánh tín hiệu cho não tăng hay giảm.
Cấu trúc tự nhiên của não bộ
Nhiều người trong chúng ta có khả năng chú ý nhiều hay ít vì cấu trúc tự nhiên của não (neurological diversity). Có người không ưa nhiều kích thích, chỉ muốn sống trầm lặng trong một môi trường yên tĩnh, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Ngược lại có người chỉ muốn sống nơi phần hoa đô hội vì nơi này có nhiều trò vui kích thích. Trẻ em nếu có quá nhiều kích thích thì xem như là bị bệnhADHA (attention deficit hyperactivity disorder) lúc nào cũng hiếu động, không thể ngồi yên một chỗ được lâu. Những trẻ em này hay nghịch ngợm, phá phách trong lớp, và bị xem như mắc một thứ bệnh tâm thần làm trở ngại sự học. Những người cần kích thích dĩ nhiên là khó ngồi lâu để theo dõi hơi thở hay các đối tượng thân tâm khác vì thấy quá chán nên dễ bỏ cuộc việc thực hành chánh niệm. Nhưng Tề Thiên không phải là không có đối thủ: bàn tay và thần chú của Phật Bà có thể ‘trị’ Tề thiên.
Xác Nhận Ý Định
Phần theo dõi và duy trì chú ý là nhiệm vụ của PFC. Quý vị có thể nhờ tâm ‘nói’ với PFC là ‘xin giúp tôi duy trì chánh niệm’. Nói thầm với tâm dĩ nhiên, thử xem PFC có ‘nghe’ lời yêu cầu của quý vị không?! Tôi cũng nhiều lần nói chuyện như thế, ví như thấy tim đau nhói, tôi nói thầm với trái tim: “Cậu ơi chờ cho tới khi nào tôi viết xong Khoa học Não bộ rồi, cậu muốn làm gì thì làm, nhưng đã làm thì nhớ làm dứt điểm”. Sau đó tôi thấy tim đỡ hơn. Người khác nghe tưởng tôi sắp bị lẩn thẩn, nhưng khi nói tôi rất thành khẩn. Vì thế những khi tâm đi lạc, quý vị có thể nói chuyện với PFC như: ‘Bây giờ không phải là lúc nói chuyện, khi nào xong buổi ngồi Thiền tôi sẽ nói chuyện với cậu (Tâm)’. Hay quý vị có thể làm trung tâm ngôn ngữ trong bán cầu não bận rộn bằng cách niệm một thần chú quen thuộc. Án Ma Ni Bát Di Hồng hay các hồng danh của chư Phật và Bồ Tát (Nam Mô A Di Đà Phật). Đó là Thiền Tịnh Song Tu. Niệm hồng danh chư Phật không phải nhằm mục đích mong cầu phước đức mà để giữ chánh niệm.
Một vài thói quen cần thiết trong đời sống hàng ngày
Nếu thấy tâm đi lạc, thì xác nhận ý định là quý vị muốn duy trì chú ý với PFC, phần ‘thông minh’ nhất não bộ.
• Sống chậm lại. Nhớ lời nói đùa của Nhất Hạnh: Slow down. Sit there, don’t do anything. Bỏ từ ngữ Hurry up trong từ điển cá nhân của quý vị.
• Nói ít lại. Đa ngôn đa quá. Nói nhiều quá dễ nói bậy!
• Mỗi lần làm một chuyện làm cho đến xong. Đừng làm nhiều chuyện một lần khiến tâm lo lắng. Nhiều thử nghiệm cho thấy multi-tasking không có lợi và không hiệu quả. Nên nhớ quý vị làm gì nghĩ gì tâm cũng biết vì tâm là quý vị và quý vị là tâm. Không giấu được nhau đâu nhé! • Nên thư giãn và hành xử tự nhiên trước mặt người khác. Khi giao tiếp thường cái ngã ‘dễ ghét’ nổi dậy và hành vi của mình dễ bị ảnh hưởng khi người khác có mặt. Nhớ chuyện một Thiền Sư không thể viết chữ được vì có một đệ tử gần bên xoi mói, phê bình.
• Trong các buổi thực tập tại khóa tu, lâu lâu có người đánh chuông cho đại chúng nghe để thức tỉnh những người hay có tâm dễ bị đi lạc. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. Trong sinh hoạt đời thường quý vị có thể dùng một sinh hoạt nào đó làm tiếng chuông như khi nghỉ ngồi uống trà, ngay cả tiếng chuông điện thoại cá nhân cũng có thể làm tiếng chuông, để quý vị tập trung chú ý lại hơi thở.
• Lúc ăn là lúc có thể thực hành chánh niệm. Ăn chậm và có ý thức là mình đang ăn, không những có lợi cho sức khỏe (dễ tiêu, giảm cân...) và còn giúp quý vị duy trì chú ý.
• Và nếu những chỉ dẫn này vẫn không làm tăng khả năng chú ý, thì tập chánh niệm. Khi thực tập chánh niệm ngay cả khi không làm gì, khi quý vị chỉ cần theo dõi tâm cảm thọ (thay vì tâm tư duy) thì thế lực của Tề thiên cũng giảm đi nhiều.
• Cuối cùng cố gắng giản dị hóa lối sống, bỏ đi một số thú vui nhỏ, chỉ duy trì các thú vui lớn hơn. Càng sống giản dị chừng nào, tâm càng an chừng đó.
• Não chỉ có thể giúp quý vị duy trì chú ý khi đầu óc tỉnh táo. Nếu quý vị thường xuyên mất ngủ chẳng hạn, lúc nào cũng ngật ngà ngật ngừ, dĩ nhiên là duy trì chú ý khó hơn. Quý vị phải nhớ tự chăm sóc mình và nhớ là những yếu tố như mệt mỏi, bệnh hoạn, trầm cảm... cũng ảnh hưởng đến khả năng duy trì chánh niệm. Khi quý vị mệt mỏi mà muốn tâm ý giữ chánh niệm, cũng như cưỡi một con ngựa kiệt sức lên dốc. Giả sử như các điều kiện cơ thể của quý vị bình thường, sau đây là những chỉ dẫn thực tiễn giúp quý vị cảnh giác:
• Khi thực hành Chánh Niệm, gắng giữ cổ và xương sống thành một cột thẳng đứng, đó là lý do tại sao trong các chùa, tự viện khuyến khích các tỳ kheo ngồi Thiền, dù đối với một cư sĩ quý vị muốn ngọa thiền cũng không sao. Cơ quan liên hệ đến tỉnh thức là reticular formation nằm trên cuống não, có các mô hình lưới có những dây thần kinh liên hệ đến tỉnh thức, cảnh báo.
• Để chống buồn ngủ, thường chúng ta có thể quán tưởng ánh sáng chói chang. Não sẽ kích động các tuyến tiết ra hóa chất norepinephrine, giúp quý vị tỉnh thức. Vai trò của Oxygen đối với não cũng như vai trò của xăng đối với xe hơi. Mặc dù chỉ nặng chừng 2% cơ thể nhưng não tiêu thụ 20% oxygen. Hít vô một hơi thật dài, làm tăng lượng oxy trong não cũng là một hình thức ‘rồ ga’ cho não.
Hiệu quả của Thiền Chánh Niệm
• Khi thực hành Chánh Niệm hệ thống Đối Giao Cảm được kích thích qua nhiều ngã. Tâm không còn chú tâm đến những vấn đề gây căng thẳng, làm quý vị thư giãn và chú ý nhiều hơn đến thân thể như trong thực tập Body scan. Nhờ hệ thống Đối giao cảm được kích thích và các phần khác của hệ thống não bộ, thực tập chánh niệm đều đặn đưa đến các kết quả như sau:
• Làm tăng chất xám trong Insular, Hippocampus và Pre-Frontal Cortex; làm giảm mức não bị mỏng vì già vì phần này là phần duy trì chánh niệm, cải thiện các hoạt động tâm lý liên hệ đến các vùng này, kể cả chú ý, tình cảm từ bi và đồng cảm.
• Làm tăng mức vui vẻ.
• Làm tăng mức an lạc nhờ các tia gamma thường thấy trong não của các Thiền Sư Tây Tạng.
• Giảm mức cortisol.
• Tăng cường hệ thống miễn nhiễm.
• Giúp các bệnh cơ thể như bệnh tim mạch, hen suyễn, tiểu đường loại 2, chứng PMS nơi phụ nữ và các loại đau mãn tính, kể cả bệnh ung thư. • Giúp các chứng bệnh do rối loạn tâm lý gây ra như mất ngủ, lo âu, sợ hãi kinh niên, và rối loạn dinh dưỡng (Hanson p. 85).
Từ Chánh Niệm Đến Chánh Định
Chánh niệm sẽ đưa đến trí huệ và phương pháp hữu hiệu làm tăng chánh niệm là thực hành thiền quán. Hiện nay tại Mỹ, trong doanh nghiệp, trường học và bệnh viện có nhiều người thực hành chánh niệm và chứng tỏ hiệu năng, chú ý tăng trưởng, lành bệnh nhanh hơn và nhất là giảm stress. Đây là những chứng nghiệm có thực, không phải là những lời quảng cáo nhảm nhí.
Thách thức của thiền Chánh Niệm
Thực hành chánh niệm là một thử thách vì nó đi ngược lại với nhu cầu sống còn của tổ tiên chúng ta trong một thời mà chỉ có một luật duy nhất là luật rừng xanh. Nếu tổ tiên ta tập trung chú ý vào một đối tượng quá lâu, ‘lơ đãng’ không chịu chú ý đến những nguồn nguy hiểm khác thì dễ bị cây gậy đật nát thân và không có cơ hội truyền hậu duệ! Tâm viên là một từ ngữ phản ảnh việc thiếu khả năng tập trung, chú ý lâu dài, nhưng chính nhờ thế mà tổ tiên chúng ta sống sót. Khi thực tập thiền mở rộng không đối tượng (Choiceless awareness), quý vị chú ý đến bất cứ đối tượng nào hiện ra trong tầm ý thức, quý vị cảm thấy rất khó khăn, vì não không có thói quen để đối tượng trôi qua mà không phản ứng. Điều này não đã được rèn luyện trong hàng triệu năm tiến hóa. Thiền mở rộng không đối tượng khó hơn Thiền Chánh Niệm nhiều, vậy mà Jon Kabat Zin còn than thở giữ chánh niệm là một công việc khó khăn nhất trên đời đối với ông.
Năm giai đoạn trong quá trình thực hành Chánh Niệm (Jhana-Absorption)
Sau khi chọn lựa một đối tượng quán niệm (hơi thở, cảm giác...) nếu quý vị duy trì được chánh niệm một thời gian, quý vị ‘có thể’ trải nghiệm những giai đoạn sau đây:
1. Áp dụng chú ý vào đối tượng đã chọn (applied attention). . Duy trì chú ý trên đối tượng trong chiều dài của hơi thở (sustained attention).
3. Hỷ: Cảm giác vui sướng đột ngột (Rapture, Bliss), bùng lên như một ngọn lửa.
4. Lạc (joy) cảm giác vui sướng, hạnh phúc, nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn, không còn ham muốn, hài lòng, tĩnh lặng.
5. Nhất tâm (Singleness of mind) trong giai đoạn này ý thức hoàn toàn bị cuốn hút vào đối tượng, ý tưởng ít xuất hiện trong đầu, buông xả, hài lòng, quên quá khứ hay dự định tương lai, tràn ngập cảm giác hiện diện ngay bây giờ (present). Tâm trở nên vững chãi, quân bình. (Hanson, p 193).
Trong giai đoạn thứ ba, Rapture hay bliss, hippocampus bơm một số lượng dopamine tối đa vào working memory (khiến cho ý thức duy trì chánh niệm dễ dàng). Sau đó nguồn vui này trầm lắng xuống cảm giác Lạc, hạnh phúc, thỏa nguyện, không còn ham muốn thay đổi hiện trạng và nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng.
Trong giai đoạn thứ năm, nhất tâm, các tia gamma có tần số cao, thường thấy trong các hành giả nhiều kinh nghiệm như các thiền sư Tây tạng, xuất hiện. Giai đoạn Nhất tâm có thể xuất hiện tự nhiên sau giai đoạn Lạc. Tâm không còn quan tâm đến quá khứ, dự định tương lai và nuôi dưỡng cảm giác hoàn toàn sống trong hiện tại. Cũng như các cơ bắp khác của cơ thể, khả năng chú ý càng được dùng thì càng mạnh, không dùng thì có ngày sẽ mất. Giai đoạn quan trọng được nhắc tới trong bốn (hay năm) giai đoạn này trong sắc giới là ĐỊNH (Samadhi).
Khi duy trì được chánh niệm, ba yếu tố tâm giữ được là quân bình, bền vững và hiện diện. Tâm có thể hoàn toàn tĩnh lặng, ý thức thông thường không còn, hành giả không còn nghe tiếng đóng hay mở cửa khi thực hành Chánh Niệm, không còn chú ý đến những gì xảy ra chung quanh như trong trường hợp những hành giả đã đạt tới Đại định (One pointedness). Các nhà khoa học não bộ chỉ có dữ kiện đo lường bốn giai đoạn trong sắc giới, hoặc chưa có đối tượng nào vào đại định. Khi đến giai đoạn vô sắc giới, họ chỉ trích kinh Phật mà không bình luận gì thêm. Khi chúng tôi nhắc tới Định, quý vị nên hiểu là Định có nghĩa là trong giai đoạn Xả. Hy vọng trong thời gian gần đây các hành giả có nhiều kinh nghiệm như các đại sư Tây Tạng có thể cung cấp những dữ kiện khoa học cho các nhà khoa học não bộ, chừng đó chúng ta có thể biết những gì xảy ra trong não khi hành giả nhập Đại Định.
Bốn giai đoạn chứng nghiệm trong sắc giới là chọn đối tượng chú ý, duy trì chú ý, hỷ và xả và tiếp theo đó là bốn giai đoạn trong vô sắc giới từ Diệt Tận Định (Đại Định) và chấm dứt khổ đau (Cessation of suffering). Cái gì xảy ra trong não khi một hành giả đạt tới mức chấm dứt khổ đau? Các nhà khoa học não bộ không ‘bàn luận’ về mức Định này mà chỉ chắc tới lộ đồ thức tỉnh trong kinh Phật. Khi đối tượng của ý thức của não-tâm bất động, thì tâm hoàn toàn yên tĩnh, khi hoàn toàn yên tĩnh thì tâm không còn bám víu vào vui mừng khi nhận diện lạc thọ, không tức giận khi nhận diện khổ thọ, không tới không lui (bất khứ bất lai), không còn biến/hiện hay sinh/diệt; không còn sinh diệt thì không còn khổ đau nào có thể dính mắc vào Tâm. Ai muốn gọi gì thì gọi, niết bàn hay tịnh độ cũng được. Xả là một bước đầu quan trọng để chúng ta cắt đứt nguồn mạch của khổ đau.
Trong tâm tỉnh thức thì não bộ có những vận hành nào? Theo Hanson, tín hiệu, ý tưởng rất ít khi xuất hiện, thông tin và nội dung cũng biến mất. Ý thức trở nên vi tế hơn, ý thức và đối tượng trở thành một trong giai đoạn nhất tâm, có thể các chất dopamine, opoids được tiết ra nhiều hơn, các phần kích thích báo động não, phần amygdala, cũng ít hoạt động lại. Đột nhiên ý thức chuyển hóa xuất hiện: hành giả nhìn gì cũng bằng cái nhìn sơ tâm, trinh nguyên, như mới thấy lần đầu. Dù vẫn còn trong ‘sắc giới’ nhưng hành giả bắt đầu thấy thế giới tỉnh thức thấp thoáng đâu đó. Hanson dùng một ẩn dụ cho chúng ta hiểu một hành giả sắp sửa ‘vào cửa Thiền’ qua cửa ngõ thực nghiệm. Một người suốt đời sống quanh quẩn trong một thung lũng, đột nhiên một ngày đẹp trời nào đó ông ta vui chân lạc lối trên đỉnh núi. Nhìn xuống thung lũng, ông thấy mọi sự mọi vật đều xuất hiên hoàn toàn khác với những gì mà ông thấy trước đây. Viễn cảnh này ông giữ được suốt cả đời. Đọc tới đây tôi nhớ tới lời Thiền Ngữ của Triệu Châu: “Trước khi tu Thiền, (tôi thấy) núi là núi, sông là sông. Trong khi Tu Thiền (tôi thấy) núi không còn là núi và sông không còn là sông! Sau khi Tu Thiền lại thấy núi lại là núi, sông lại là sông”.
Những nhà khoa học tiên phong khi khám phá ra những điều mới mẻ cũng như các hành giả sắp sửa ‘vào cửa Thiền’. Einstein có thể mô phỏng câu nói của Triệu Châu: Trước khi khám phá thuyết tương đối, tôi thấy không gian là không gian; thời gian là thời gian. Khi khám phá thuyết tương đối tôi thấy thời gian là không gian, vật thể là năng lực. Chỉ thiếu mệnh đề thứ ba như Triệu Châu. Một triết lý bí truyền (esoteric) và khoa học công truyền (exoteric) khác nhau chỗ đó.
Sau khi nhập Đại Định, Tuệ có thể phát sinh. Tuệ thường được dịch là Wisdom, khác với trí thông minh bình thường qua trí thức phân biệt. Tuệ đối nghịch với vô minh (delusion). Trong Thập nhị nhân duyên, vô minh là nguyên nhân đầu tiên và nếu chúng ta đi ngược lại, chúng ta sẽ thấy sau danh sắc, lục nhập thì đến hữu và thủ. Vô Minh là ‘nguyên nhân’ đầu tiên hay quả cuối cùng? Khi quý vị vẽ một vòng tròn, vô minh và ‘xúc thủ’ hợp nhất thành một. Đi ngược trở lên chúng ta gặp lục nhập (đeo trên người Bồ Tát Di Lặc). Gọi là lục tặc vì nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân và ý thức là cửa ngõ đi vào Tâm, nhưng chuyện gì xảy ra nếu chúng ta sinh ra thiếu các giác quan này? Chúng ta sống trong đêm dài một đời! Vậy là nên gọi là lục tặc hay lục phúc?
Chúng ta có thể chế ngự các lục tặc khi đạt tới mức Xả như đã nhắc trên. Thầy Nhất Hạnh định nghĩa Xả là Tự Do, giai đoạn mà chúng ta có thể bắt đầu thấy thấp thoáng được nguồn cội khổ đau. Xả là bàn tay xòe ra, thủ là nắm bàn tay chặt lại. Thực hiện được Xả rất khó khăn vì Xả đi ngược lại thói quen tự động của não, bị điều kiện hóa trong nhu cầu sống còn trong quá trình tiến hóa. Xả không có nghĩa là vô cảm hay vô tư. Khi trong tình trạng Xả chúng ta không phản ứng theo thói quen phi công tự động của não. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là khi có Xả chúng ta phản ứng có ý thức và hợp lý nhưng không khuấy động an bình nội tâm.
Motto của Đại Học Vạn Hạnh Motto (phương châm) của Đại Học Vạn Hạnh là ‘Duy Tuệ thị nghiệp’, có Tuệ là có chánh kiến. Trong Phật giáo có nhắc tới Tam Pháp Ấn, hay Tam giải thoát môn: Khổ, Vô Thường và Vô Ngã. Vô thường thì dễ chấp nhận và dễ thấy. Chỉ cần quan sát sự tăng trưởng của đời người, chúng ta cảm thấy rõ ràng dấu vết vô thường. Cái gì có sinh thì có diệt, có hiện thì có biến, cái này có nhờ cái khác có, không có cái gì tự mình mà có, có thì có tự mảy may. Nhìn theo quan điểm tiến hóa, một sinh vật phải trao đổi ‘năng lượng’ với vũ trụ bên ngoài. Chúng ta hít vô dưỡng khi từ bên ngoài, thở ra thán khí cho các sinh vật trong quá trình trao đổi biến hóa (metabolism). Chúng ta đã nhận hàng tỷ nguyên tử hay nhiều hơn nữa. Có thuyết cho rằng trong vòng 7 năm, nguyên tử trong người chúng ta đều là nguyên tử mới thâu nhận từ bên ngoài. Chúng ta bây giờ không phải là chúng ta mười năm trước hay năm ngoái về tâm lẫn thân. Cơ thể thay đổi đã đành, tâm chúng ta thay đổi nhanh chóng không kém; tư tưởng, ý nghĩ, quan niệm, lập trường đầu thay đổi vì ảnh hưởng bởi người khác hay bởi các dòng chảy tư tưởng mới. Các tế bào não bắn nhau 5 ngàn lần trong một giây để trao đổi thông tin với nhau. Khi chúng ta thay đổi tư tưởng, tình cảm, các synapses trong tế bào não bắn nhau và liên minh với nhau trong vòng 4/10 giây. Đó là lý do trong đầu lúc nào chúng ta cũng thấy tâm viên ý mãn. Tiết lộ bí mật cho quý vị biết, chẳng có Tề Thiên nào quấy phá Tâm cả!
Pháp ấn thứ hai là khổ. Hữu thân hữu khổ. Đó là bi kịch nhân sinh, mới sinh ra thì đà khóc chóe! Còn sống và còn yêu thì thế nào chúng ta cũng bị mũi tên đau khổ thứ nhất bắn trúng. Và phần lớn hoạn nạn, đau khổ chúng ta gặp phải trên đời chúng ta là do hàng ngàn nguyên nhân tương tác, có nhiều khi do chúng ta tạo nghiệp, nhưng phần lớn là do dòng sông nguyên nhân khách quan. Nhờ Tuệ giúp chúng ta hiểu điều này nên chúng ta không phản ứng và do đó sẽ giảm bớt số mũi tên thứ hai tự bắn mình, gây thêm thương tích cho mình, như oán trời trách đất, trách người khác và trách mình, tự cho mình sinh vào một ngôi sao xấu, cộng thêm những tình cảm tiêu cực như lo âu, oán hận... Đức Phật suýt chết vì có người lăn đá ám hại, đã từng đau khổ nhìn bộ tộc Shakya bị tận diệt mà cũng không làm gì được. Quý vị có người thân nào xấu hơn Đề Bà Bạt Đa không? Nhờ Xả và Tuệ quý vị có một nhãn quan mới để ứng xử và giữ thân tâm an lạc, thay vì trầm cảm năm này sang năm nọ, đến lúc bị PTSD (Post Traumatic Stress Disorder). Nhờ tiến bộ của khoa học não bộ mà quý vị có thể phản ứng ‘tốt hơn’ Tổ Huệ Khả. Nếu có ai nói ‘ông đưa tâm cho tôi để tôi an tâm cho’, quý vị có thể trả lời là: “Cám ơn, tôi biết các synapses đang bắn nhau, để tôi tự an tâm mình được rồi.” Tổ sẽ cười và khen: “Giỏi, hậu sinh khả úy”
Xả còn được dịch là Serenity. Henson có chép lại một ‘thần chú’ liên hệ đến thái độ Xả, chúng tôi ghi lại xem như thần chú hiện đại của Phật Bà Quan Âm để trị Tề Thiên về tội lăng xăng, cứng đầu. Tề thiên hiện đại không ai khác hơn là synapses của não. May I find Serenity to accept things that can’t be changed, the Courage to change things that should be changed. And have the Serenity to distinguish one from the other. Accepting hardship as the way to Peace. Live one day at the time. Enjoy one moment at the time. (Xin cho tôi tìm thấy Xả để chấp nhận những gì không thể thay đổi; có can đảm thay đổi những gì nên thay đổi. Và có Xả để phân biệt điều này và điều kia. Chấp nhận khó khăn như là con đường thực hiện An lạc. Sống từng ngày một và hưởng thụ cuộc đời trong từng khoảnh khắc một.)
Có những chuyện trên đời không thay đổi được như đau khổ, vô thường, tương tức tương hiện, cái này liên hệ với tất cả các cái khác. Hy vọng chúng ta đạt được Tuệ giác để phân biệt những gì cần thay đổi và những gì không thể thay đổi. Trong bi kịch của kiếp nhân sinh, đời này và đời sau chỉ cách nhau một hơi thở. Enjoy one moment at a time. Tận hưởng cuộc sống từng giây phút một. Chúc quý vị ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày sáu thời đều an lành. Xả là cánh cửa giải thoát. Và muốn đạt tới Xả, không có cách nào khác hơn là thực hành Chánh niệm. Và bắt đầu bằng một hơi thở ra, một hơi thở vào.