- Chương Một Let Be, Let Go and Now What?
- Chương Hai Đời là một khúc nhạc buồn
- Chương Ba Mối liên hệ giữa tâm và não
- Chương Bốn Nền tảng vận hành Não bộ trong Chánh niệm
- Chương Sáu Tứ vô lượng tâm
- Chương Bảy Trực chỉ Chân Tâm,Kiến Tánh Thành Phật
- Chương Tám Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
- Chương Chín Và khi tỉnh (thức) dậy, tôi tìm lại tôi
- Chương Mười Vầng thơ từ độ lên ngôi
Chương Bảy
Trực chỉ Chân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật
Bản chất và hiện tượng
Đây là hai vấn đề được thảo luận rất nhiều trong triết lý, cả Tây lẫn Đông. Chỉ nghiên cứu phần hiện tượng là Hiện tượng học (Phenomenology) của triết gia Husserl mở đầu cho các loại triết lý hiện sinh sau này (Existentialism). Bản chất luận (Essentialism) phần lớn được nghiên cứu trong triết học cổ điển Hy Lạp, như của Plato. Một thí dụ thường hay được nhắc tới là Sóng (hiện tượng) và nước (bản chất). Trong vòng 30 năm qua, khi mối liên hệ giữa Tâm và Thân được các nhà khoa học não bộ phát hiện, một số các người còn tin vào chủ trương nhị nguyên ‘thân xác’ và ‘linh hồn’ của Descartes vẫn còn chưa chịu chấp nhận, não và tâm có cùng một bản chất. Các làn sóng điện thông thường và các hóa chất trong não là hiện tượng vật chất, có thể nào biểu hiện cho ‘bản chất’ của tâm? Tâm chỉ là hoạt động thông tin của não hay còn những yếu tố ‘tâm linh’ nào khác?
Tình cảm, ý tưởng thuộc lảnh vực tâm lý liệu có thể được biểu hiện qua những hiện tượng vật lý và hóa chất không? Đây là một câu hỏi dai dẵng của những người còn nghi ngờ về mối liên hệ giữa tâm và não. Lấy một thí dụ, đèn giao thông, mầu xanh mầu đỏ là những hiện tượng vật lý nhưng ý nghĩa của chúng không có gì liên hệ đến vật lý, tượng trưng cho một giao ước đồng thuận xã hội. Rõ ràng hơn là phần cứng của máy vi tính biểu trưng cho những ý nghĩa các bài viết trên nhiều lảnh vực không liên hệ gì đến vật lý. Thói quen suy nghĩ theo lối nhị nguyên khiến chúng ta phân biệt rạch ròi giữa những gì vật thể và phi vật thể.
Khi các nhà khoa học não bộ duyệt xét một số hoạt động của vật chất, vũ trụ và tâm thấy là chúng có những đặc tính chung. Từ những xoáy nước nhỏ trên dòng sông cho đến các cơn gió lốc (twister) hay các cơn bão vũ trụ (cosmic storm) và các hoạt động của não nhất là khi các tế bào não bắn nhau qua các synapses để truyền đạt thông tin, Hanson nhận thấy chúng có một số tính chất tương đồng:
1- Chúng phát hiện rồi biến đi theo luật vô thường (dù là thời gian hiện diện có thể khác nhau từ 4 phần mười giây của các synapses, một vài ngày trong các cơn gió lốc (Twister) hay hàng triệu năm các cơn bão vũ trụ
Eternally and always there is only now, one and the same now; the present is the only thing that has no end (Erwin Schrodinger)
2- Chúng tự do đến rồi đi.
3- Chúng hiện diện ngay bây giờ (presence) dù đến nay chưa ai có thể định nghĩa bây giờ rõ rệt là bao lâu theo thời gian vật lý. Ngộ nghĩnh là chúng ta chỉ bắt được tương lai (mơ tưởng) hay quá khứ (hồi niệm).
What we mean by Right Now is a mysterious thing which cannot be defined.
Richard P. Peynman
Ví dụ như ý niệm Sát Na trong Phật giáo chỉ là giao diện giữa hiện tại và quá khứ và giao diện này tiếp tục thay đổi, không bao giờ ngừng! Vì thế các nhà khoa học não bộ nhiều khi còn gọi hiện tại là timeless. Nghịch lý là thực hành chánh niệm nhằm đưa ta trở về sống ở đây, bây giờ? Nếu không xác nhận được ‘bây giờ’ thì chúng ta làm sao thực hành chánh niệm?
Dựa trên những tính chất chung này, Hanson kết luận là tâm và não có cùng một bản chất và Tâm tỉnh thức là não tỉnh thức.
Một vài định nghĩa cần thiết
Tâm linh
Trước khi nghiên cứu các nhà khoa học trước hết phải đưa ra những định nghĩa về đối tượng, phương pháp và tầm giới hạn (scope) nghiên cứu. Trong khi trong triết lý thường không có định nghĩa về đối tượng và chỉ là một hình thức suy diễn (speculation).
Tôi đọc một nhận xét thú vị của Jon Kabat Zinn là ông ‘tránh’ dùng chữ tâm linh (spiritual) trong tiếng Anh, nhưng vì chữ này không lột hết những ý nghĩa cần thiết. Gốc từ Spirit của La tinh, từ spirare có nghĩa là ‘thở’. Thở vào là inspiration, thở ra là expiration! Spirit có nghĩa là tập hợp các hơi thở của đời sống và là sinh lực chủ yếu. Hơi thở là một tặng phẩm quý giá nhất của ‘tinh thần’, giản dị là không có hơi thở thì không có đời sống! Và theo Zinn, Chánh niệm làm chúng ta thức dậy với sinh lực trong từng giây phút một khi chúng ta còn có mặt trong đời sống. (Jon Kabat Zinn, Wherever Go, There You Are, Hyperion, 1994, p 262)
Rồi Zinn đưa ra hàng loạt câu hỏi về tâm linh “nuôi dưỡng con cái không phải là tâm linh sao? Nuôi dưỡng cơ thể không phải là một hành động tâm linh sao? Khoa học có phải là tâm linh không?” Các câu hỏi này không khác gì những câu hỏi của các Tổ thường dùng để nhắc nhở các đệ tử trở về Tâm bình thường. Triệu Châu thường nhắc đến chuyện cái cầu đá như là ‘biểu hiện công đức’ tu hành của mình: ‘người qua cầu, ngựa qua cầu’. Triệu Châu còn thách thức đệ tử thêm các đối tượng khác qua cầu như mèo qua cầu, chó qua cầu. Mới đọc thì không thể không mỉm cười, nhưng Tổ không chỉ chọc cho chúng ta cười, mà còn muốn ‘chọc’ chúng ta thức tỉnh quay lại quán chiếu Tâm của mình. Cũng như các thiền sư dòng Lâm Tế thường dùng gậy hèo hay tiếng hét để làm đệ tử thức tỉnh.
Một cái tâm tỉnh thức là gì? Theo các nhà khoa học não bộ, khi tâm và não không còn những tập hợp các tế bào nền synapses tham lam, sân si và vô minh (xem phần Tứ Vô Lượng Tâm) và não tràn ngậpcác synapses Từ và Bi, tâm trở nên tỉnh lặng không có gì có thể lay động được. Đức Phật không dạy gì thêm ngoài Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, nhằm mục tiêu loại trừ nguyên nhân khổ đau. Câu hỏi là khi tỉnh thức thì não có những vận hành nào? Hiện nay nhờ fMRI chúng ta có thể biết điều này. Và nhờ khám phá của Donald Hebb chúng ta có thể can thiệp khích động những tình cảm tích cực để liên minh với các synapses đồng thanh để và liên minh tạo những tế bào nền (Substrates) của não để duy trì các tình cảm tích cực. Khi biết vận hành của não khi tỉnh thức chúng ta có thể dùng cơ chế kỹ thuật ngược lại để thay đổi hoàn toàn não bộ (rewiring the brain). Viễn tượng này có thể thực hiện được không? Nên nhớ khoa học não bộ chỉ tiến triển vượt bực từ 30 năm nay (1970) nhờ các dụng cụ chụp hình, đo đạc não như fMRI. Dĩ nhiên chúng ta phải giữ mức nghi ngờ lành mạnh trong khoa học, nhưng đồng thời sẳn sàng chấp nhận những khả thể tiềm ẩn (probability) của khoa học.
Một vài vị có thể thất vọng nói ‘tôi tưởng phải tu hằng hà sa số kiếp mới đạt được trình độ tỉnh thức hay giải thoát’. Ý niệm Hằng Hà Sa Số (nhiều như cát sông Hằng) là ý niệm trong tâm cảnh siêu việt của người Ấn. Văn chương và Triết lý Ấn có nhiều trường ca nhất trong văn chương triết lý Á Châu (có lẽ chỉ đứng sau Hy Lạp!) Các nhà khoa học não bộ thực tế hơn chỉ muốn đạt được mức tỉnh thức(wakefulness) tương đương với một từ trong Nhật Ngữ là satori. Satori không nghĩa là giải thoát mà chỉ có nghĩa là thức tỉnh khỏi vô minh, còn nhục thân của chúng ta có thể thoát được những định luật vô thường không thì là chuyện khác.
Chân tâm & Vọng tâm
Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành phật. Phật tử chúng ta nghe hai mệnh đề trên nhiều lần và trở nên quen thuộc. Nhưng khi ta hỏi thế nào là chân tâm, thế nào là vọng tâm, ta sẽ nghe những lời giải thích tràng giang đại hải qua lăng kính triết lý. Quý vị nhớ tới nhận định của August Comte về ‘ngôn ngữ’ xã hội dùng để truyền thông kiến thức trong các giai đoạn tiến triển khác nhau: giai đoạn thần thoại, triết lý và khoa học. Trong tâm lý học những thuyết của Freud và Jung hiện nay đã biến thành ‘triết lý’ không còn được xem là khoa học nữa. Tâm lý hiện đại gần như đồng nghĩa với khoa học não bộ.
Các nhà khoa học não bộ liên hệ đến việc quảng bá Chánh niệm phần lớn là các cư sĩ những thập niên 60s và 70s trong phong trào Zen Beats, nếu không thì cũng từng theo các thiền sư thực tập chánh Niệm, nhưng nhờ kiến thức khoa học nên đưa ra những chú giải có thể chứng nghiệm được. Hanson nói là dù trong quá trình tiến hóa và vì nhu cầu sống còn, phản ứng tiêu cực được não thiên vị và chú ý nhiều hơn. Tất cả những kinh nghiệm tiêu cực được hippocampus chuyển qua nhanh chóng choworking memory của não, để khi nào có trường hợp tương tự, sinh vật hay con người có thể đối chiếu và tìm cách đánh hay thoát thân kịp lúc. Nhưng khi chúng ta không cảm thấy bị đe dọa, không đau đớn, không thiếu ăn, không thiếu các hóa chất cần thiết, tâm của chúng ta quay về yên nghỉ ‘rest và digest’ tại quê nhà của tâm và não, qua hệ thống para-sympathetic để nghỉ ngơi và bồi dưỡng sinh lực, để có khả năng đánh hay chạy tiếp! Hệ thống para-sympathetic là hệ thống thành hình đầu tiên trong não bộ. Nếu chúng ta giải phẩu lở cắt đứt dây thần kinh sympathetic thì chúng ta vẫn còn sống, nhưng lở cắt đứt thần kinh liên hệ với para-sympathetic chúng ta sẽ ngã ra chết ngay tức khắc. Căn cứ địa, quê nhà của tâm là nơi an lành, tự tại, tĩnh lặng và thương cảm. Hanson dùng ba từ peace, contentment vàcaring và cho đó chính là chân tâm. Hanson nói đây là khoa học đích thực (hard science), nghĩa là có bằng chứng thực nghiệm. Khi hạnh phúc, chúng ta cảm thấy an nhiên tự tại, biết ơn, không còn có ham muốn thay đổi hiện trạng, nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng trầm lắng, chúng ta ứng xử bi cảm với tất cả những người thân, những người chung quanh, chúng ta trở lại dòng suối uyên nguyên của Tâm, tức là lý tưởng Từ Bi. Không cần phải đi tìm Từ ở đâu xa, chỉ cần quay về trực chỉ chân tâm. Chân tâm tức tâm Phật, từ bi và trí tuệ. Tôi nghĩ không có cách giải thích bằng khoa học hay hơn giải thích này của Hanson.
Trong các phần trên, chúng tôi định nghĩa Xả là không phản ứng theo thói quen của não đối với khổ thọ hay lạc thọ. Kabat Zinn phân biệt tình cảm hưởng thụ (enjoying) thích thú và bám víu (craving) vào thích thú, không chịu buông bỏ những gì mình thích. Đây là một phân biệt quan trọng, có thể thay đổi nhãn quan và thái độ sống của người Phật tử. Hưởng thích thú không có gì sai trái, mà không chịu buông bỏvui thú dục lạc mới là vấn đề. Trời xanh, mây trắng, gió mát, trăng thanh, mái tóc người mình yêu, tình yêu gia đình…không hưởng những thú vui này mới là … không Phật tử. Mình chỉ đau khổ khi xem người yêu, người thân là sở hữu của mình và áp lực họ sống và hành xử theo ý mình. Trong Anh ngữ hai từ liking và wanting (hay craving) khác nhau. Tôi nhớ một bài hát của Pham Duy: “Tôi còn yêu, tôi cứ yêu”. Nếu sợ yêu là đau khổ mà không dám yêu thì cuộc đời quá chán, dù biết là yêu là đau khổ vì người mình yêu có thể phụ hay thờ ơ, và dù có đau khổ đi nữa, chúng ta có thể chuyển hóa đau thương thành ‘thú đau thương’! Như Đức Phật dạy, còn sống còn yêu, thế nào cũng bị mũi tên thứ nhất bắn trúng. Chỉ mong chúng ta có tuệ giác phân biệt những gì không thể thay đổi được, những gì có thể thay đổi được, và đừng tự bắn mũi tên thứ hai vào mình. Đời là một khúc nhạc buồn, nhưng cũng là một khúc nhạc vui.
Từ ham muốn trong Pali là Tanha có nghĩa là ‘khát’. Nếu có một ly nước chanh đường uống vào một ngày mùa hè còn có gì thú vị hơn. Muốn (like) một ly đá chanh không làm quý vị đau khổ nếu không muốn nói làm quý vị hạnh phúc, ôm khư khư (craving) ly đá chanh không chia với người khác mới làm quý vị đau khổ. Quý vị thay ly đá chanh bằng những phương tiện khác như tiền tài, danh vọng, tình yêu … quý vị sẽ thấy nguyên nhân làm chúng ta khổ không phải nhưng là thái độ hưởng những thú vui trên. Đức Phật kể câu chuyện về một nông dân nuôi bò, phải lo cất chuồng, canh giữ, tâm luôn luôn lo sợ tài sản mình bị mất cắp nên không có giây phút nào an lạc. Không có nhiều bò thì khỏi lo bị trộm cắp! Dĩ nhiên là không ai muốn lâm vào tình trạng ‘ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch’ của Nguyễn Công Trứ, một trường hợp quá độ, không phải là thí dụ trung đạo của Đạo Phật.
Giáo điều, khế lý, khế cơ và khế thời
Các giới cấm được Đức Phật đặt ra để tránh những loạn tăng làm tan rã tăng đoàn các đây hơn 25 thế kỷ trong xã hội Ấn. Không thể ôm chặt mãi giáo điều, giữ nguyên các giới này trong thời hiện đại và nhất là trong xã hội Tây phương và ngay cả tại các nước Đông Á hiện nay. Trước khi nhập diệt, Đức Phật có dặn thị giả A Nan là nếu tăng đoàn muốn thay đổi các giới nhỏ thì cứ thảo luận với nhau và tự tiện thay đổi. A Nan vì quá xúc động khi thấy Đức Phật sắp qua đời nên quên hỏi thế nào là giới nhỏ và tăng đoàn cứ trách A Nan mãi về chuyện này. Đọc lướt qua các web Phật giáo, tôi thấy những giới luật được quan tâm như ăn phi thời (thay vì ăn trong thất niệm), không cho xử dụng âm nhạc hay các phương tiện truyền thông (như smart phone) để hoằng pháp, trong khi nhạc tụng kinh Phật giáo là một kho báu vô tận chưa khai thác hết.
Các Phật tử Tây phương phản ứng như thế nào về Năm Giới căn bản trong Phật giáo? Năm 1993 Thầy Nhất Hạnh biên tập quyển sách ‘giải thích nới rộng’ năm giới cấm của Phật giáo theo ánh sáng hiện đại khi hoằng pháp cho các tín đồ Tây Phương. Hy vọng các lời giải thích mới cũng có thể áp dụng cho các tín đồ trẻ ngay tại Việt nam, For A future To Be Possible, Commentaries on the Five Wonderful Precepts (Palallax,1993), với sự tham gia bình luận của một số các nhà Phật học nổi tiếng đạo hạnh, như Robert Aiken, Stephen Batchelor, Jack Kornfield, Gary Snyder…để tiếp thu ý kiến và phản ứng của họ.
Sở dĩ các Phật tử Tây Phương có ý ‘cưỡng kháng’ Năm Giới truyền thống của Phật giáo vì Ky Tô của học cũng có giới cấm như Phật Giáo (10 điều răn) và sau 10 điều răn này kèm theo những đe dọa (như hỏa ngục đời đời). Quan trọng nhất những người rao giảng những điều răn này không hoàn toàn thuyết phục về những giá trị đạo đức nền tảng đàng sau. Phật tử Tây Phương cho rằng họ sống trong văn hóa tỉnh thức (sau thời kỳ khai sáng thế kỷ 18) và xã hội họ chủ yếu là duy lý và khoa học, họ không muốn chấp nhận một nền đạo đức dính líu tới mê tín và lo sợ (Anabel Laity trong Nhất Hạnh, Ibid, p 93).
Thí dụ như giới cấm thứ Năm đã được mở rộng, ngoài chuyện uống rượu làm say sưa mất nhân tính và lý trí, còn thêm các loại có độc tố khác như cần sa-ma túy và các thức ăn tinh thần như xem các phim bạo động. Theo báo chí thông thường, trong mỗi giây trên TV, phim ảnh Mỹ có hàng trăm tiếng súng và mạng người ngã gục, phản ảnh văn hóa bạo lực của Mỹ. Văn hóa Tây Phương cũng đồng nghĩa với văn hóa hưởng thụ vật chất như uống rượu tiêu sầu, giải trí. Cứ bật TV lên quý vị sẽ thấy. Nếu chúng ta dùng sự phân biệt của Kabat-Zinn giữa liking và craving, liking sex hay rượu, không có gì sai trái. Vì thế trong phiên bản Anh ngữ họ viết rất rõ ràng là ‘sexual misconduct’, trừ khi quý vị là trưởng tử như lainguyện giữ 250 giới để sống một đời độc thân và thanh bạch. Đạo Phật không cấm uống rượu hay cấm hưởng những thú vui sinh lý. Các cư sĩ Phật tử, trong đó có cả tôi, dùng lý luận này để tiếp tục uống rượu mà không có mặc cảm phạm giới! Dĩ nhiên uống rượu như một người sành điệu, thưởng thức không phải uống như kiểu ngưu ẩm bất tri kỳ vị của các bợm nhậu ‘dô dô chăm phần chăm’. Khi thực tập Chánh Niệm, sau khi thực tập ăn trong chánh niệm, tôi thỉnh thoảng thực tập ‘uống rượu trong chánh niệm’: ngửi mùi rượu nho (thuật ngữ trong ‘nghề’ là nosing), xem loại nho nào, thuộc vùng nào, gặt năm nào (vintage), do hãng nào cất, ngắm mầu rượu, nhắp nhắp từng ngụm một, xem hương vị tỏa trong lưỡi nhẹ nhàng, ngây ngất ra sao. Thành ra uống một ly rượu nho gần cả tiếng đồng hồ! Dĩ nhiên tôi xin ngã mũ khâm phục những đạo hữu nào hoàn toàn không uống rượu (teetotaler). Nhiều cư sĩ Phật tử Tây phương, vẫn uống rượu trong chánh niệm, và không nghĩ là họ ‘phạm giới thứ năm’. Uống rượu điều độ vì chúng ta không muốn tỏ ra vô ơn với những cơ quan trọng yếu trong người như gan, thận làm việc suốt ngày đêm, giữ cho thân tâm lành mạnh.
Một giới cấm khác có thể làm các Phật tử ở các nước Tây Phương ngập ngừng là giới cấm thứ ba, dâm giới, được dịch là sexual misconduct, nghĩa là có những liên hệ sinh lý nếu không có tình yêu và thiếu quyết tâm sống lâu dài với nhau. Từ năm 1960 Tây phương xảy ra một biến cố xã hội lớn lao trong đó có ‘giải phóng tình dục’, trai gái xem những liên hệ tình dục là những chuyện thông thường như đói thì ăn, khát thì uống. Phật giáo không cấm những liên hệ tình dục trừ những trưởng tử Như lai đã cam kết một đời sống thanh tịnh và giải thoát. Trở lại sự phân biệt giữa liking và craving của Kabat Zinn, trên nguyên tắc không có gì sai trái nếu chúng ta có những liên hệ tình dục ‘bình thường’. Trong quá trình tiến hóa, não bị điều kiện hóa là xem nhu cầu truyền hậu duệ là một nhu cầu cần thiết cho một chủng loại, nên phụ nữ dù rất đau đớn và khổ cực khi hoài thai và khi sinh con, nhưng cũng chấp nhận chuyện truyền giống là một chuyện tối cần thiết. Ai cũng thấy quyến rũ của liên hệ tình dục mãnh liệt hơn tất cả những quyến rũ khác như ăn uống, giải trí và phải có một ý chí mạnh mẽ lắm mới kháng cự lại được. Chữ chính yếu của giới cấm này là mis-conduct, nhưng cũng chưa làm sáng tỏ để các cư sĩ chấp nhận dễ dàng, nếu quý vị biết là hơn một phần ba hôn nhân của các gia đình Tây phương kết thúc bằng ly dị. Chuyện này có thể chưa phải là một chuyện cần thiết để Phật giáo quốc nội suy nghĩ, nhưng tôi chỉ muốn nói là trong thời tin học các Phật tử trẻ chỉ cần click con chuột là biết rõ ràng người Tây phương sống và nghĩ như thế nào!
Sau đây là bản trình bày giải thích giới cấm thứ ba của Phật giáo của Nhất Hạnh
Tôi nhất quyết không có liên hệ sinh lý nếu không có tình yêu và không có quyết tâm liên hệ dài hạn. Tôi làm mọi cách trong khả năng và quyền lực của tôi để bảo vệ trẻ con không bị quấy nhiễu và lạm dụng tình dục và tránh cho gia đình khỏi đổ vỡ vì liên hệ tình dục bất chính. (Nhat Hanh, ibid, p 29).
Điều kiện không có tình yêu và cam kết dài hạn còn mơ hồ vẫn và chưa thuyết phục các cư sĩ Phật tử Tây phương. Các cư sĩ chỉ đồng ý việc cấm phá thai, và động cơ chống việc này vì nó đi ngược với nguyên tắc non-harming của Phật giáo.
Có lẽ các lời khuyên của Kabat Zinn là chí lý và trung đạo. Bất cứ làm một chuyện gì trong đời, chúng ta nên làm trong chánh niệm, kể cả chuyện làm tình! Và để khỏi mang tiếng oan là ‘loạn cư sĩ’, chúng tôi xin dẫn nguyên văn lời Phật dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân nói cho 5 anh em Kiều Trần Như : “Chúng ta có thể hưởng những thú vui trần thế qua con mắt trí tuệ, và cố gắng đừng tạo ra thói quen khiến việc hưởng thụ này thành thói quen mê đắm” (trích lại của Đại Sư Rewata Dhamma, The First Discourse of the Buddha” (Wisdom Publications, 1997, p 25).