Lịch Sử Phát Triển Bát Nhã Và Bát Nhã Tâm Kinh Tại Việt Nam

02 Tháng Mười Một 201607:30(Xem: 6462)
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
BÁT NHÃ VÀ BÁT NHÃ TÂM KINH TẠI VIỆT NAM
Thích Thái Hòa



blankTổng quát từ Ấn Độ đến Trung Hoa:
 
Tư tưởng Bát Nhã đã có ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên của đức Thế Tôn tại vườn Nai, khi Ngài gọi năm anh em Kiều Trần Như mà bảo rằng: "Quý vị hãy từ bỏ hai cực đoan và thực hành Trung đạo, rồi tiếp theo là Ngài giảng giải cho năm anh em Kiều Trần Như về Tứ Thánh Đế và Ngũ uẩn giai không." [1]
 
Từ đó, tư tưởng Bát Nhã hay "Ngũ uẩn giai không" đồng quyện với giáo lý Tứ Thánh Đế và Duyên Khởi, khi ẩn khi hiện suốt khắp mọi thời thuyết pháp của đức Thế Tôn, kể từ vườn Nai đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng đến ngay cả rừng Sa La song thọ tại Kusinara, nơi Thế Tôn Niết-bàn.
 
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, kinh điển được các Thánh đệ tử, kết tập nhiều lần khác nhau, tư tưởng Bát Nhã nằm sẵn ở trong các kinh diển A Hàm của Bắc Phạn và Pàli của Nam Phạn.
 
Tuy nhiên, kể từ khi đức Thế Tôn Niết-bàn đến sau 200 năm, do trình độ tu chứng và nhận thức về giáo lý, cũng như phát triển giáo pháp của đức Thế Tôn sâu rộng vào mọi thành phần xã hội, nên chậm lắm là đến đời vua Kaniska, sau kỷ nguyên Tây lịch, tư tưởng KHÔNG của Bát Nhã được các Tổ Sư triển khai và hình thành có hệ thống.
 
Tư tưởng KHÔNG của Bát Nhã phát triển mạnh, do thuyết "Ngã không pháp hữu" của Hữu bộ và "Quá vị vô thể, hiện tại hữu thể" của Đại Chúng bộ. Và cho đến khi phái Nhất thuyết bộ hình thành với chủ trương "Tam thế chư pháp giả danh vô thể" (Tất cả pháp trong ba đời đều là giả danh không có tự tánh). 
 
Và tư tưởng các bộ phái Phật giáo tiếp tục phát triển thành 20 hoặc 24 bộ phái, trong đó đầy dẫy những tư tưởng đồng dị khác nhau.
 
Đến khi Ngài Mã Minh ra đời khoảng thế kỷ thứ hai Tây lịch, với đề xướng "Chư pháp thực tướng"; "Vạn hữu duyên khởi"; "Chơn như môn, sinh diệt môn”; "Vạn pháp duy tâm", rồi đến thế kỷ 3 T.L; Ngài Long Thọ ra đời, với Trung Luận, Đại Trí Độ Luận đã phát huy tư tưởng KHÔNG của Bát Nhã đến cực điểm. Và qua các bộ luận nầy ta biết chắc các kinh điển thuộc hệ Bát Nhã đã được các Tổ sư kết tập trước thời đại Ngài Long Thọ. 
Từ Ấn Độ đến Trung Hoa, bản kinh của Phật được dịch sớm nhất ở Trung Hoa là kinh Tứ Thập Nhị Chương, do Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dịch, lưu truyền ở thế kỷ đầu Tây lịch.
 
Nếu đọc kỹ bản kinh nầy, ta thấy đó là một bản kinh tổng hợp, từ giáo lý Nguyên thủy đến Đại thừa và tư tưởng Bát Nhã cũng đã được chuyên chở ở trong bản kinh nầy.
Chẳng hạn, tư tưởng Bát Nhã ta đọc ở chương 18 và chương 20 sẽ thấy như sau:
 
Phật dạy: "Hãy tự chuyên niệm rằng, bốn đại trong thân, mỗi đại đều có tên riêng, hoàn toàn vô ngã. Ngã vốn không có chúng chỉ như huyễn".
 
Và chương hai của kinh nầy, đã giải thích KHÔNG, qua ý nghĩa của Đạo như sau: “Người xuất gia làm sa môn là muốn đoạn trừ dục vọng, loại bỏ khát ái, tự biết nguồn tâm, đạt đến lý tánh sâu thẳm của Phật. Giác ngộ được pháp vô vi. Ở nơi tâm tự mình thấy không có sở đắc, ở ngoại cảnh tự mình thấy không có sở cầu, tâm hằng tự tại, không bị trói buộc bởi đạo và nghiệp, không còn khởi niệm, không còn tác ý, không còn pháp tu, không còn quả chứng, các địa vị tu tập không cần trải qua mà tự nó tối thượng, ấy gọi là Đạo vậy”.
Dù tư tưởng Bát Nhã đã hàm chứa ở trong kinh Tứ Thập Nhị Chương và đã được lưu truyền tại Trung Hoa ở thế kỷ đầu, nhưng đến năm 172 T.L, Ngài Chi Lâu Ca Sấm mới bắt đầu dịch kinh Đạo Hành Bát Nhã và hoàn thành năm 179 T.L. Đây là một bản kinh thuộc văn hệ Bát Nhã được dịch sang Hán văn sớm nhất, hiện có ở Đại Tạng Tân Tu 8, trang 425.
 
Vào thế kỷ thứ 3 T.L, Chu Sĩ Hành là vị cao tăng người bản xứ đã chuyên giảng dạy kinh Đạo Hành Bát Nhã và đã du học Ấn Độ năm 260 T.L.
 
Ngài Chi Khiêm dịch Đại Minh Độ kinh, khoảng 222-257 T.L. Ngài Pháp Hộ dịch Quang Tán BátNhã Ba La Mật kinh khoảng năm 286 T.L. Ngài Mộc Xoa dịch Phóng Quang Bát Nhã, khoảng 291 T.L. Ngài Đàm Ma Ty và Trúc Phật Niệm, dịch Ma Ha Bát Nhã Sao Kinh, khoảng 382 T.L.
Thế kỷ thứ 4, Ngài Cưu Ma La Thập đến Trung Hoa dịch các kinh, trong đó có Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa và Bát Nhã Tâm Kinh hay gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa Đại Minh Chú Kinh.
 
Đời Lưu Tống (420-478 T.L), lại xuất hiện bảy trường phái Bát Nhã về KHÔNG:
 
1- Thích Đạo An chủ trương: "Bản Vô". Nghĩa là các pháp vốn KHÔNG, nên KHÔNG.
 
2- Trúc Pháp Thân chủ trương: "Bản Vô Dị". Nghĩa là tất cả pháp vốn không khác, nên KHÔNG.
 
3- Chi Đạo Lâm chủ trương: "Không tức Sắc". Nghĩa là KHÔNG chính là SẮC.
 
4- Vu Pháp Khai chủ trương: "Tam Giới Không". Nghĩa là diệt trừ mê lầm của vô minh, hoặc diệt trừ mê lầm của thức, thì thấy rõ ba cõi là KHÔNG.  
5- Thích Đạo Nhất chủ trương: "Huyễn  Hóa Không". Nghĩa là huyễn hóa là KHÔNG.
 
6- Trúc Pháp Ôn chủ trương: "Tâm Vô". Nghĩa là Tâm Không thì gọi là KHÔNG".
 
7- Vu Đạo Thúy chủ trương:" Duyên Hội Không". Nghĩa là do Nhân duyên tập khởi, nên gọi là KHÔNG.[2]
 
Sau đó, các dịch bản Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh lại tiếp tục xuất hiện vào đời Đường do các Ngài: Pháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi Ngôn, Trí Tuệ Luân, Pháp Thành và Ngài Huyền Tráng đã dịch Bát Nhã Tâm Kinh, đồng thời dịch hoàn thành bộ Đại Bát Nhã 600 cuốn.
 
Và Bát Nhã Tâm Kinh đã được Ngài Khuy Cơ học trò của Ngài Huyền Tráng làm u tán; Ngài Viên Trắc đời Đường, tán; Ngài Pháp Tạng đời Đường, lược sớ; Ngài Sư Hội đời Tống làm lược sớ Liên Châu Ký; Ngài Tôn Lặc và Như Tỵ đời Minh làm chú giải.Và Bát Nhã Tâm Kinh lại còn có gần bốn mươi nhà sớ giải và chú giải nữa.Trong đó, hai mươi bản chú giải được thực hiện vào thời nhà Minh (1368-1628), như các Ngài Hoằng Tán, Trí Húc, Quán Hành... hiện còn lưu giữ ở trong Đại Tạng Tân Tu và Tục Tạng Kinh. [3]
 
Bát Nhã Tâm Kinh đến đời Nhà Minh (1368-1628) đã trở thành những khóa tụng công phu hàng ngày của các tự viện cho đến cả đời Thanh (1610-1902).
 
Tại Việt Nam từ những thế kỷ đầu đến thế kỷ 11:
 
Từ Ấn Độ Phật giáo đã đi vào Việt Nam, sớm nhất có thể vào thế kỷ 3 trước T.L, do một trong những đoàn truyền giáo của vua A Dục (Aśoka). Và nếu muộn lắm là vào thời Hùng Vương trước kỷ nguyên, với sự xuất hiện của nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên (hiện nay là ở cửa Sót ở Nghệ An), giảng đạo cho Chử Đồng Tử, sự kiện này được Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại như sau :
 
"Thời Hùng Vương, núi Quỳnh Vi, có Đồng Tử lên thảo am. Trong am có sư tên Phật Quang, đó là người Thiên Trúc, tuổi hơn bốn mươi, truyền pháp cho Đồng Tử một cái nón và một cái gậy, nói rằng: "Linh dị và thần thông đều ở đây cả".
 
Đồng Tử đem đạo Phật truyền cho Tiên Dung. Vợ chồng Tiên Dung bèn học đạo, đến chiều trở về, giữa đường cần làm nơi tá túc liền dựng gậy che nón, đến canh ba thì thành quách lâu đài, màn gấm màn the, kim đồng ngọc nữ, tướng sĩ, thị vệ đầy cả sân chầu..."[4]
 
Những sự kiện này được ghi lại ở trong Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp đời Trần, đã giúp cho các nhà sử học Việt Nam và Phật giáo hiện đại có thể tìm hiểu và khai quật thêm những sự kiện của Phật giáo Việt Nam vào thời Hùng Vương. Nhưng ở đây chúng tôi không đi quá rộng và xa, để tìm kiếm tư liệu nhằm luận chứng sự có mặt của Phật giáo lúc nào trên đất nước Việt Nam với toàn bộ tư tưởng của nó, mà chỉ tìm hiểu một số dữ liệu có liên quan đến tư tưởng Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh, để chứng minh sự có mặt của hệ tư tưởng này trên lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam.
 
Nếu ta đọc Lý Hoặc Luận, đây là một tác phẩm luận lý xuất hiện sớm nhất trên nền trời văn học Việt Nam do Mâu Tử viết vào năm 198 TL [5], ta thấy cả thảy 37 điều hỏi và trả lời, thì trong đó các điều 1, 5, 6, 18, 20, 24, 25, 26, 28 và 29 là những điều mà Mâu Tử đã trả lời cho người hỏi có liên quan đến kinh Phật .
 
Chẳng hạn, điều 1, Mâu Tử đã trả lời cho người hỏi là: "Kinh Phật có 12 bộ loại, tập hợp tám ức bốn ngàn vạn quyển. Quyển lớn vạn lời trở xuống, quyển nhỏ ngàn lời trở lên".
 
Điều 5, hỏi: "Kìa thật lắm thì không hoa mỹ, văn hay thì không điểm tô, lời gọn mà đạt ý là đẹp, việc ít mà hiểu được là sáng. Cho nên, châu ngọc ít mà quý, ngói gạch nhiều mà khinh. Thánh nhân chế ra bảy bộ kinh, chẳng quá ba vạn lời mà mọi việc đầy đủ. Nay, kinh Phật, quyển số kể đến vạn, lời tới triệu, không phải sức một người có thể kham nổi. Tôi cho là phiền phức mà không thiết yếu".
 
Mâu Tử đáp: "Sông biển sở dĩ khác với kênh rạch là vì chúng sâu rộng. Ngũ Nhạc sở dĩ khác với gò đống là vì chúng cao. Nếu cao không quá núi đồi thì dê què dày xéo ngọn đỉnh, sâu không hơn ngòi rạch thì trẻ con bơi tắm giữa dòng. Kỳ Lân không ở vườn cảnh, cá kình nuốt thuyền không bơi ở khe nước vài tầm sâu. Mổ con trai ba tất, tìm hạt châu minh nguyệt, dò cái tổ gai bưởi, tìm chim non Phượng hoàng, ắt khó mà được. Tại sao? Vì nhỏ không chứa được lớn.
 
Kinh Phật trước nói sự việc hàng ức năm, lại dạy yếu lý của muôn đời. Thái Tổ chưa nổi, Thái Thỉ chưa sinh, trời đất mới dựng, nhỏ không thể nắm, bé không thể vào, thì Phật đã bao trùm bên ngoài sự rộng lớn đã chia chẻ sự bé nhỏ ở bên trong, chẳng chi là không chép.
 
Cho nên, kinh quyển kể vạn, lời đến hàng ức, càng nhiều càng đủ, càng lắm càng giàu. Có chi là không thiết yếu? Tuy một người không kham nổi ví như đến sông uống nước, uống no tự đủ, đâu còn biết chỗ thừa ư?"
 
Điều 6 - Hỏi : "Kinh Phật nhiều quá muốn được chỗ thiết yếu mà có điều thừa, nói thẳng vào chỗ thiết thực mà trừ bỏ điều hoa mỹ."
 
Mâu Tử đáp: "Không được! Kìa trời trăng đều sáng, mỗi có chỗ chiếu, hai mươi tám vị sao, mỗi ngôi có chỗ chủ của nó. Trăm vị thuốc đều sinh ra, mỗi vị có chỗ chữa của nó. Lông chồn chống lạnh, vải thưa ngăn nóng, xe thuyền khác đường đều để người đi. Khổng Tử không cho năm kinh là đủ, lại viết Xuân Thu, Hiếu Kinh là muốn mở rộng đạo thuật, thỏa mãn lòng người vậy. Kinh Phật tuy nhiều đều quy về một mối, cũng như bảy kinh tuy khác, việc quý đạo đức nhân nghĩa cũng chỉ là một. Đạo hiếu sở dĩ nói nhiều là tùy người làm mà dạy bảo. Như Tử Trương, Tử Du đều hỏi về chữ hiếu, mà Trọng Ni đáp mỗi người mỗi khác, ấy là đánh vào sở đoản của họ, cớ chi phải bỏ đi đâu?"
 
Ta có thể dẫn thêm điều 25 và điều 26 của Lý Hoặc Luận để có thể hình dung ra được số lượng  kinh Phật xuất hiện và ảnh hưởng ở Việt Nam vào thời  Mâu Tử.
 
Điều 25 - Hỏi: "Ông lấy kinh, truyện để lý giải thuyết Phật, lời nói phong phú mà ý nghĩa rõ ràng, văn chương sáng mà lý tuyệt đẹp, há không phải là ông biện luận ư!"
Mâu Tử đáp: "Không phải tôi biện luận, thấy rộng cho nên không lầm vậy".
 
Hỏi: "Thấy rộng có thuật gì ?"
 
Mâu Tử đáp: "Do kinh Phật đấy! Khi tôi chưa hiểu kinh Phật, tôi lầm còn hơn ông. Tuy đọc Ngũ kinh, hợp lấy làm hoa, chưa nên quả vậy. Đến khi tôi xem kinh Phật, ngẫm yếu lý của Lão Tử, giữ tính điềm đạm, xét hạnh vô vi rồi quay về trông sự đời, như lên trời cao mà nhìn xuống hang suối, lên Tung Đại mà thấy gò đống vậy. Ngũ kinh là năm vị, còn đạo Phật là năm thứ thóc đấy. Tôi từ nghe Đạo đến nay, thật như vén mây thấy mặt trời, soi đuốc vào trong nhà tối vậy".
 
Điều 26 - Hỏi: "Ông nói kinh Phật như biển, văn nó như gấm thêu, sao ông không lấy kinh Phật đáp lời tôi hỏi, mà lại dẫn Thi, Thư hợp khác giống vậy?"
 
Mâu Tử đáp: "Kẻ khát tức không đợi sông bể mới uống - Kẻ đói tức không chờ kho ngao mới no. Đạo đặt ra vì người trí, luận để cho người thông, sách để cho người sáng truyền, việc để cho người thấy rõ. Tôi để cho ông biết ý, nên dẫn các sự việc. Nếu nói bằng lời dạy của kinh Phật, bàn bằng yếu lý của vô vi, thì như đối với người mù mà nói năm màu, người điếc mà tấu năm âm. Sư Khoáng dù giỏi không thể gảy đàn không dây. 
 
Lông chồn tuy ấm, không thể làm ấm người hết sinh khí. Công Minh Nghi vì trâu, đàn điệu dốc trong, trâu vẫn ăn như cũ, không phải trâu không nghe, nhưng không hợp tai nó. Trái lại, tiếng ruồi muỗi, tiếng nghé mồ côi, tức thì trâu vẫy đuôi vểnh tai, lững thững bước đi mà nghe. Thế nên, đem Thi, Thư mà lý giải cho ông."[6]
 
Như vậy, ta thấy trong tác phẩm Lý Hoặc Luận có 37 điều thuộc về hỏi và đáp mà trong đó có 10 điều hỏi và đáp liên hệ đến vấn đề kinh Phật. Điều đó, chứng tỏ rằng, kinh Phật đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam vào thế kỷ 1 và 2, sau Tây lịch, và đã có tác động vào thành phần trí thức của xã hội Việt Nam bấy giờ, khiến cho họ đã quan tâm học hỏi và nghiên cứu.
 
Nếu không phải vậy, thì người hỏi không đủ khả năng để đặt ra những câu hỏi như đã nêu dẫn ở trên, và người trả lời cũng không thể trả lời được những câu trả lời như đã dẫn.
 
Tuy nhiên, ai đã đưa kinh điển Phật giáo đến nước ta đầu tiên, bằng truyền dịch hay bằng văn bản tiếng gì? Đó là một câu hỏi mà chưa có nhà sử học nào trả lời thỏa đáng.
 
Ở trong Đạo Giáo Nguyên Lưu của An Thiền viết vào năm 1845, quyển thượng, tờ 9a11b5, dưới mục Đại Nam Thiền Học Sơ Khởi cũng có đề ra mục Hùng Vương Phạn Tăng, tức là các nhà sư Ấn Độ thời Hùng Vương và kể tên nhà sư Khâu Đà La đến thành Luy Lâu của Sĩ Nhiếp vào cuối thời của Hán Linh Đế (168-189 TL).
 
Như vậy, theo Đạo Giáo Nguyên Lưu của An Thiền, có thể vào thời Hùng Vương các nhà sư Ấn Độ có thể đã đưa kinh Phật bằng Phạn văn hoặc là bằng văn bản hoặc bằng khẩu truyền vào Việt Nam lúc bấy giờ.
 
Bởi vậy, mà đến năm 197 TL, Mâu Tử viết Lý Hoặc Luận đã đề cập đến kinh điển Phật giáo có đến 12 bộ loại, tập hợp tám ức bốn ngàn vạn quyển, quyển lớn vạn lời trở xuống, quyển nhỏ ngàn lời trở lên. 
 
Và cũng có thể, trong các bộ loại kinh Phật mà Mâu Tử đã đề cập đó, có cả các kinh Bát Nhã Phạn văn, chưa được dịch ra Việt hoặc Hán hoặc đã được dịch ra bằng Việt Hán, nhưng đã bị thất lạc.Và lại cũng có thể vào thời Mâu Tử ở Giao Châu, ngoài bản kinh Tứ Thập Nhị Chương, Lục Độ Tập Kinh với câu chuyện bố thí của Thái Tử Tu Đại Noa và Tạp Thí Dụ Kinh, còn có Đạo Hành Bát Nhã Kinh, do Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch, hoàn thành năm 179 TL, bằng Hán văn và đã có thể được lưu hành tại Giao Châu, đồng thời nhiều bản kinh Phật khác bằng truyền dịch cũng có thể đã được lưu hành.
 
Không những vậy, vào năm 251 TL, Ngài Khương Tăng Hội dịch Lục Độ Tập Kinh tại Giao Châu tức là Việt Nam ngày nay, thì Ngài Chi Khiêm đã đến Kiến Nghiệp, khoảng từ năm 222 TL, đến năm 253 TL, đã liên tiếp dịch 49 bộ kinh, trong đó có soạn dịch tập Bách Duyên Kinh và Đại Minh Độ Kinh. Các bản kinh của Ngài Chi Khiêm dịch chắc chắn không những được lưu truyền tại đất Hán mà còn được lưu truyền tại đất Việt lúc bấy giờ, để cho tăng ni phật tử nghiên cứu học tập.
 
Những giả thiết này ta có thể chấp nhận được, khi biến cố chính trị 43 TL xảy ra cho đất nước Việt Nam, sau khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng và đặt nền đô hộ Hán vào Việt Nam từ đó, và  dài suốt gần cả ngàn năm, thì việc lưu truyền các kinh Phật bằng Hán bản, như Đạo Hành Bát Nhã, do Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch, vào năm 179 TL và Đại Minh Độ Kinh, do Ngài Chi Khiêm dịch, khoảng từ năm 222 TL, đến năm 252 TL, cũng có thể đã  lưu truyền tại Việt Nam lúc bấy giờ là điều không làm cho chúng ta đáng ngạc nhiên.
 
Không những vậy, mà các dịch bản Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật Kinh của Pháp Hộ khoảng năm 286 TL; Phóng Quang Bát Nhã Kinh, do Mộc Xoa dịch, khoảng năm 286 TL; Ma Ha Bát Nhã Sao Kinh, do Đàm Ma Ti và Trúc Phật Niệm dịch, khoảng năm 382 TL, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa và Bát Nhã Tâm Kinh, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch, khoảng năm 402 - 412 TL, cũng đã có thể được lưu truyền tại Giao Châu cùng thời với những dịch phẩm ấy ra đời.
 
Lại nữa, Kinh Pháp Hoa Tam Muội, một bộ sáu cuốn, do Sa môn Chi Cương Lương Tiếp đã dịch ở Giao Châu, khoảng năm 256 TL[7]. Như vậy, ở Giao Châu vào những thế kỷ đầu các kinh điển đã được dịch và lưu truyền bằng Hán văn rất rộng rãi.
 
Và cũng có thể bản dịch cổ Duy Ma Cật Kinh của Nghiêm Phật Điều, khoảng năm 188 TL, Di Duy Ma Cật Kinh của Trúc Thúc Lan, dịch khoảng năm 291 - 296 TL, Duy Ma Cật Kinh, bản dịch của Kỳ Đa Mật, khoảng năm 281-300 TL, Duy Ma Cật Kinh, bản dịch của Trúc Pháp Hộ, khoảng năm 303 TL, và Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, bản dịch của Ngài La Thập, khoảng năm 406 TL, những bản kinh này cũng đã được lưu truyền tại Việt Nam sau khi đã được phiên dịch và đã có tác dụng lớn trong những suy nghĩ và hành động của tăng ni phật tử Việt Nam lúc bấy giờ.
 
Chẳng hạn, đọc lá thư của Lý Miểu viết cho Đạo Cao, khoảng năm 435-455 TL, ta thấy rằng, Lý Miểu có trích dẫn một đoạn kinh ở phẩm Phật Quốc của kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, bản dịch của Ngài La Thập khoảng năm 406 TL như sau:
 
"Không có chủ thể làm, không có đối tượng làm, không có kẻ bị làm, hành động lành và dữ cũng không mất." (Nguyên văn Hán: Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả, thiện ác chi nghiệp diệc bất vong)[8]
 
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến Việt Nam vào tháng ba năm Canh Tý, đời Chu Đại Tường thứ 2, tức năm 580 TL, và đã dịch kinh Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì, kinh này hiện có ở Đại Tạng Tân Tu, cuốn 9. Ở kinh này có đoạn đã đề cao sự thực hành trọn vẹn cả Lục Ba La Mật, chứ không phải chỉ thực hành Bát Nhã Ba La Mật không mà thôi. Bát Nhã Ba La Mật là một trong sáu hạnh mà Bồ tát phải thực tập.[9]
 
Như vậy, có thể trước và trong thời kỳ Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi có mặt tại Việt Nam, thì Bát Nhã Ba La Mật đã được tăng ni phật tử lúc bấy giờ đề cao đến nỗi đã đưa tới cực đoan và có nhiều tranh cãi trong sự hành trì, nên Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch kinh này và công bố là phải thực hành bình đẳng cả Sáu Ba La Mật, chứ không nên thiên vào một ba la mật nào.
 
Thiền Sư Thanh Biện (? - 686 TL), học trò của Thiền Sư Pháp Đăng thuộc thế hệ thứ ba trong dòng thiền Pháp Vân, đã trì tụng kinh Kim Cang, sau đó đến học với Ngài Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp và được khai thị mới đốn ngộ.
 
Chuyện đối ứng giữa Thiền Sư Huệ Nghiêm và Thanh Biện như sau:
 
"Gặp Thiền Sư Huệ Nghiêm, Ngài Thanh Biện nói: "Lòng con có chỗ chưa ổn".
 
Ngài Huệ Nghiêm bảo: "Con chưa ổn cái gì?" Ngài Thanh Biện đem chuyện chưa ổn của mình kể lại. Ngài Huệ Nghiêm bảo: "Con quên rồi sao? - Con không nhớ kinh nói ba đời các đức Phật và giáo pháp A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề đều từ kinh này mà ra, há đó chẳng phải là mẹ của Chư Phật ư ?"
 
Ngài Thanh Biện thưa: "Dạ, đúng thế, đúng thế, con đã tự mê muội rồi!"
 
Ngài Huệ Nghiêm hỏi: "Kinh đó người nào thuyết?"
 
Ngài Thanh Biện đáp: "Há không phải do Như Lai thuyết sao?"
 
Ngài Huệ Nghiêm nói: "Trong kinh nói, nếu ai nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là hủy báng Như Lai - Người đó không thể hiểu ta nói, con nên khéo suy nghĩ. Nếu bảo kinh này không phải do Phật nói là hủy báng kinh. Nếu bảo là Phật nói tức là hủy báng Phật, Ngươi phải làm sao? - Nói mau, nói mau!"
 
Bấy giờ, Ngài Thanh Biện sắp mở miệng, Ngài Huệ Nghiêm lấy cái phất trần đánh ngay vào miệng, Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy."[10]
 
Qua sự đối đáp giữa Thiền Sư Huệ Nghiêm và Ngài Thanh Biện cho chúng ta thấy rõ, ảnh hưởng của Kinh Kim Cang Bát Nhã tại Việt Nam vào thế kỷ thứ 6 và những thế kỷ tiếp theo sau là như thế nào? 
Theo các nhà khảo cổ học Việt Nam, thì vào năm 1963 - 1987 đã khai quật gần 20 tràng kinh bát giác, cao từ 50 cm đến 80 cm tại vùng đất Hoa Lư, do Đinh Khuông Liễn dựng từ năm 973 - 979 gồm đến 200 tràng kinh. Nội dung của kinh được khắc vào các trụ đá là bài chú: Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni.Và khắc vào 28 câu chữ Hán, mỗi câu bảy chữ để ca ngợi công đức của bài chú này cùng với những tâm nguyện của Nam Việt Vương - Đinh Liễn khi khắc trụ đá.[11]
 
Theo nhà sử học Lê Mạnh Thát, các tràng kinh số 1 và 2 tìm thấy tại Hoa Lư của Đinh Liễn, tức là Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni là truyền bản được dịch bởi Kim Cang Trí và Bất Không (662 - 732).[12]
 
Như vậy, tại Việt Nam kể từ những thế kỷ đầu đến thế kỷ thứ mười, các kinh điển Đại thừa đã được truyền lưu rộng rãi trong mọi thành phần xã hội.
 
Tuy nhiên, các Phật kinh bằng Hán văn có mặt đầy đủ tại Việt Nam phải đến năm 1009, khi Lê Long Đỉnh lên ngôi năm 1007 đã cử em mình là Lê Minh Xưởng và Hoàng Thành Nhã sang Trung Quốc xin thỉnh Đại Tạng Kinh và Đại Tạng Kinh đã được đưa về nước năm 1009. 
Đại Tạng Kinh này do Tống Thái Tổ ra lệnh khắc in năm 971, cho đến  năm 983 dưới triều Tống Thái Tông mới hoàn thành.
 
Như vậy, vào năm 1009 tại Việt Nam đầu tiên có Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán.[13]
 
Và như vậy, các kinh Phật bằng Phạn bản được dịch sang Hán kể từ những thế kỷ đầu đến thế kỷ thứ mười, bởi các cao tăng Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam đều có khắc in ở trong Đại Tạng Kinh đời Tống, và Đại Tạng Kinh này đã có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ, làm cơ sở cho tăng ni và phật tử lúc bấy giờ nghiên cứu và tu học.
Thích Thái Hòa
 
[1] Phật Thuyết Ngũ uẩn Giai Không Kinh, Tạp, 102, tr.499, Đ.T.T.T.2.
[2]  Thang Dụng Đồng, Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều Phật Giáo Sử, Bắc Kinh, Trung Hoa thư  cục, tr 167 - 202.
[3] Những bản Bát Nhã Tâm Kinh Chú Sớ nầy hiện có ở trong Đại Tạng Tân Tu 33, tr 523 - 569, và Tục Tạng Kimh 41.
[4] Lê Mạnh Thát - LSPGVN  T.1, tr 26, nxb Thuận Hóa, 1999.
[5] Lê Mạnh Thát - Nghiên cứu về Mâu Tử tập 1,tr 65, Tu Thư Vạn Hạnh, 1982.
[6]  Lê Mạnh Thát - Tổng  Hợp Văn Học PGVN Tập 1, tr. 180, 181, 198, 200, nxb TP Hồ Chí Minh 2001.
[7]  Phí Trường Phòng, Tùy, Lịch Tam Bảo kỷ 5, Đại Tạng Tân Tu 49, tr 56.
- Đạo Tuyên, Đường, Đại Đường  Nội Điển  Lục 2, Đại Tạng Tân Tu 55, Tr 227.
-Trí Thăng, Đường, Khai Nguyên Thích Giáo Lục 2, Đại Tạng Tân Tu 55, Tr 491.
-Minh Toàn (Thuyên ), Đường, Đại Châu San Định Chúng Kinh Mục Lục 2, Đại Tạng Tân Tu 55, Tr  385.
[8] Phẩm Phật Quốc  - Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Cưu Ma La Thập dịch, tr. 537, Đ.T Tân Tu 14.
[9] Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì Kinh, tr 381, Đại Tạng Tân Tu 9.
[10]  Lê Mạnh Thát - Lịch Sử PGVN 2, tr 113 - 114, nxb TP Hồ Chí Minh, 2001.
[11] Tham khảo - Hà Văn Tấn, Từ một cột trụ Kinh Phật năm 937 vừa phát hiện ở Hoa Lư, Nghiên Cứu Lịch Sử 1 (1965), tr. 39-50 .
- Hà Văn Tấn, Cột Kinh Phật  thứ 2, ở Hoa Lư, trong theo dấu ấn các văn hóa cổ, Hà Nội, nxb KHXH, 1998, tr. 816-832
[12]  Lê Mạnh Thát - Lịch Sử PGVN 2, tr 428, nxb TP Hồ Chí Minh 2001.
[13] Sđd, tr 520 - 521.

Sách ebook pdf của thầy Thích Thái Hòa
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn