Dẫu rằng, các lần kiết tập thứ nhất, hai và ba không đề cập đến tên các kinh điển của Phật giáo Đại thừa, chỉ đề cập đến 5 bộ Nikāya và 4 bộ A-hàm nhưng nội dung tư tưởng trong các kinh điển của Phật giáo Đại thừa đều có nguồn gốc từ các kinh trong A hàm và Nikaya.
Gần đây trên mạng có xôn xao thảo luận vấn đề: “Kinh điển Đại Thừa có phải do Phật thuyết hay không?”, có không ít người hỏi tôi vấn đề này và có ý nhờ tôi viết bài trả lời. Vì vậy, tôi viết bài này nhằm an lòng Phật tử trong việc tu học theo truyền thống Phật giáo mà mình đã chọn và tin chứ không nhằm mục đích công kích bất cứ ai. Theo tôi, nếu người hiểu biết thì kinh nào cũng là kinh Phật nói, dù là Tiểu thừa hay Đại thừa, còn nếu người không hiểu thì dù kinh đó có do kim khẩu Phật nói ra, cũng bị giải thích sai lạc. Nội dung bài viết này được trình bày theo quan điểm cá nhân qua thực tiễn nghiên cứu từ kinh điển, xin độc giả cùng tìm hiểu và chia sẻ.
Thật ra, vấn đề này không mới mẻ và cũng đã được bàn cãi từ hơn ngàn năm trong quá khứ cho đến hiện tại và ngay cả trong tương lai vẫn tiếp tục có người đặt ra. Lý do đơn giản là khi chúng ta đọc qua các lần kiết tập kinh điển trong Phật giáo, nhất là lần kiết tập I, II và III, không thấy đề cập đến tên của các kinh điển Đại thừa mà chỉ thấy đề cập đến tên của các kinh A hàm và Nikāya và luật tạng, từ đó đưa ra nghi vấn. Cách đặt vấn đề này không phải là không đúng, nhưng có một vấn đề quan trọng hơn mà chúng ta không để ý đó là quá trình phát triển kinh điển của Phật giáo. Ngang qua thời gian và không gian, quá trình phát triển đó không thể giữ vẹn hình thức ban đầu mà phải vay mượn một hình thức khác, để được tồn tại và bảo vệ tính chất cơ bản của nó, nếu không thì tự nó bị đào thải. Giống như một cậu bé A khi mới sinh cần những thức ăn, y phục của trẻ sơ sinh rồi vài ba năm sau cậu A lớn lên không thể tiếp tục ăn thức ăn như vậy, mặc đồ như vậy được mà phải ăn thức ăn khác, mặc chiếc áo khác, rồi 10 tuổi, 20 tuổi cũng thế, nhưng có một điều không khác trong đó vẫn là cậu A. Cái thay đổi là hình thức của kinh luật, cái không thay đổi đó là tinh thần giáo dục trong kinh. Đây là điểm chúng ta cần để ý. Tinh thần giác ngộ và giải thoát của đức Phật không những chỉ có trong kinh điển Phật giáo Tiểu thừa mà có cả trong kinh điển Phật giáo Đại thừa. Nếu cho rằng kinh điển của Đại thừa là kinh phi Phật thuyết (không phải do Phật nói), thì cần phải xác định kinh điển nào là do Phật nói, căn cứ vào đâu để đưa ra quan điểm này?
Như trên đã đề cập quan điểm cho rằng, kinh điển Đại thừa không do Phật nói dựa vào các lần kiết tập chỉ đề cập đến 5 bộ Nikāya hay 4 bộ A-hàm, không đề cập đến kinh điển Đại thừa. Do vậy, trước khi đi vào vấn đề này chúng ta thử tìm hiểu nội dung kiết tập kinh điển lần thứ nhất và lần thứ hai, hay nói một cách khác tìm hiểu quá trình biên tập 5 bộ Nikāya hay 4 bộ A hàm như thế nào.
1. Cuộc kiết tập lần thứ nhất và lần thứ hai chỉ là khẩu truyền
Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới cội cây Bồ đề, kể từ đó Ngài đem khoảng thời gian còn lại 45 hay 49 năm, vì chúng sinh giáo hóa. Những gì mà Ngài giảng dạy được gọi là ‘Pháp’ hay ‘Giáo pháp’. Trong suốt thời gian Ngài còn tại thế, khi nói pháp bản thân Ngài không ghi lại, không viết thành sách, các đệ tử của Ngài cũng không ai ghi lại khi Ngài giảng, vậy thì kinh điển mà hôm nay chúng ta đọc tụng có từ lúc nào? Không ít người cho rằng, nó được ghi lại ở lần kiết tập thứ nhất, vì điều đó đã được hầu hết các bộ luật của các Bộ phái đều ghi lại nội dung kiết tập lần này. Như “Ngũ Phần Luật”(五分律)của phái Hóa Địa bộ (Mahi§?saka) ghi:
“Những kinh có nội dung dài được kiết tập lại thành một bộ có tên là “Trường A hàm”; Những kinh có nội dung không dài không ngắn kết tập thành một bộ gọi là “Trung A hàm”; Vì các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên tử, Thiên nữ kết tập thành một bộ gọi là “Tạp A hàm”; Những kinh có nội dung từ 1 pháp cho đến 11 pháp, kết tập thành một kinh gọi là “Tăng Nhất A hàm”; Ngoài ra có nội dung hỗn hợp kết tập thành một bộ, gọi là “Tạp Tạng.”[1]
“Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa” (善見律毘婆沙) của phái Đồng Diệp Bộ (Tamra§?tiya) lại ghi rằng:
“Những gì gọi là A hàm?....Một là “Trường A hàm” (DighaNikāya); hai là “Trung A hàm” (MajjhimaNikāya); ba là “Tăng Dục Đa A hàm” (Sa×yuttaNikāya); bốn là “Ương Quật Đa La A hàm” (AºguttaraNikāya); năm là “Khuất Đà Già A hàm” (KhuddakaNikāya)....Đây là nội dung 500 vị A la Hán kiết tập”[2]
Qua hai dẫn chứng của 2 bộ Luật vừa nêu trên đều cho rằng, lần kiết tập thứ nhất bao gồm ‘Pháp’ (dhamma) và ‘Luật’ (vinaya). Riêng kiết tập Pháp tức kinh bao gồm: 1. “Trường A hàm”, 2. “Trung A hàm”, 3. “Tạp A hàm”, 4 “Tăng Nhất A hàm” và “Tạp Tạng.” Đó là tính theo Bắc truyền. Nếu tính theo Nam truyền thì gồm có: 1. “Trường Bộ” (DighaNikāya), 2. “Trung Bộ” (MajjhimaNikāya), 3. “Tương Ưng Bộ” (Sa×yuttaNikāya), 4. “Tăng Chi Bộ” (AºguttaraNikāya), 5. “Tiểu Bộ” (KhuddakaNikāya). Ở đây “Tiểu Bộ” cũng tức là “Tạp Tạng”, và chúng ta thấy “Tiểu Bộ” hay “Tạp Tạng” cũng đã được đề cập ở lần kiết tập lần thứ nhất, không phải đợi đến lần kiết tập lần thứ hai.
Trên thực tế các luật đã đề cập lần kiết tập thứ nhất là 5 bộ kinh. Thế thì hình thức kiết tập như thế nào? Có phải chỉ là hình thức khẩu truyền, tức do A Nan đại diện đọc nội dung của kinh đã từng nghe Phật giảng, toàn bộ đại chúng cũng biểu quyết bằng miệng, hay là kiết tập bằng văn bản, tức dùng giấy mực hay dụng cụ nào đó ghi lại? Vấn đề này, không có kinh luật nào, dù là của Nam truyền hay Bắc truyền ghi rõ, chỉ đề cập đến sự ‘Kiết tập’ (sa×g´ti), nhưng không ghi rõ hình thức kiết tập như thế nào. Đây là trọng tâm của vấn đề, cần làm sáng tỏ nó, để chúng ta xác định vấn đề thế nào là kinh do Phật nói hay không do Phật nói.
Để xác định kinh điển A-hàm hay Nikāya được kiết tập bằng văn tự ở lần thứ nhất hay thời nào, chúng ta không nên dựa vào sự tưởng tượng hay suy luận thiếu căn cứ của mình mà cần tiến hành khảo cứu nội dung được ghi lại trong các kinh này, trong đó đề cập đến nhân vật nào, sự kiện gì, những nhân vật sự kiện này ở vào thời đại nào trong lịch sử Phật giáo. Nếu trong đó toàn là những sự kiện lịch sử trước khi xảy ra cuộc kiết tập lần thứ nhất, thì đó là một trong những bằng chứng để chúng ta chứng minh kinh A-hàm và Nikāya được kiết tập bằng chữ viết ở lần thứ nhất. Ngược lại, nếu trong đó đề cập đến những sự kiện lịch sử sau lần kiết tập này, thì kinh điển đó không thể kiết tập bằng chữ viết ở lần thứ nhất.
Căn cứ phương pháp này, một cách cụ thể tôi tiến hành kiểm tra 4 bộ A-hàm và 5 bộ Nikāya phát hiện có nhiều chứng cứ thể hiện 4 bộ A-hàm và cả 5 bộ Nikāya không thể kiết tập bằng chữ viết vào lần kiết tập thứ nhất. Để tiện việc cho độc giả theo dõi, xin trích dẫn như sau:
“Kinh Tương Ưng ” tập 4 đề cập sự kiện các Tỷ kheo thâu nhận vàng bạc như sau:
“Lúc bấy giờ trong cung vua, quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn thuộc dòng Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc...."[3]
Như chúng ta biết, sau khi Phật nhập diệt 100 năm, Tăng già xảy ra cuộc kiết tập lần thứ hai gồm 700 vị A La Hán, với nội dung cùng nhau quyết định ‘10 việc’[4] là phi pháp hay hợp pháp. Trong đó, việc thứ 10 là Tỷ kheo được thọ nhận cúng dường tiền bạc. Chính việc thứ 10 này là nguyên nhân dẫn đến lần kiết tập này. Từ sự kiện này cho thấy, nội dung đoạn kinh vừa trích dẫn có liên quan đến nội dung kiết tập lần thứ hai. Dẫu rằng, kinh này không đề cập đến lần kiết tập thứ hai. Nhưng “Kinh Tiểu Bộ” lại đề cập đích danh lần kiết tập lần thứ hai và thời điểm kiết tập:
“...sau khi bậc Đạo sư nhập diệt, ngài (Sambhèta) được înanda giáo hóa, xuất gia và chứng quả A la hán, Ngài sống trong an lạc giải thoát, cho đến khi 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt, Vajj´ đề xướng mười tà pháp bị trưởng lão Niyasa và các Tỷ kheo K?kanndaka chống lại và một kỳ kiết tập được tổ chức với 700 vị A la hán...”[5]
Qua nội dung của hai kinh vừa dẫn, chúng ta có đủ bằng chứng để chứng minh 4 bộ A-hàm và 5 bộ Nikāya không thể kiết tập bằng văn tự ở lần thứ nhất xảy ra sau khi Phật nhập diệt. Từ sự kiện này, nếu A-hàm hay Nikāya kiết tập sớm nhất cũng phải xảy ra sau lần thứ hai.
Trên đây là những sự kiện lịch sử có liên quan đến lần kiết tập lần thứ hai, tức sau đức Phật nhập diệt 100 năm.
Ngoài sự kiện có liên quan đến 10 việc, trong “Kinh A hàm” và Nikāya có khá nhiều kinh đề cập đến sự kiện:“giết cha, giết mẹ và giết A La Hán, phá hòa hợp tăng và làm thân Phật chảy máu”. Thông thường chúng ta cho 5 tội này là của Đề Bà Đạt Đa, nhưng trên thực tế Đề Bà Đạt Đa chỉ phạm 2 tội trong 5 tội nghịch là: “Phá hòa hợp tăng và làm thân Phật chảy máu”, 3 tội còn lại là của Đại Thiên, được các nhà Hữu Bộ ghi trong “Đại Tỳ Bà Sa”, quyển 99. Theo tôi, sự kiện Đại Thiên phải xuất hiện sau sự kiện kiết tập lần hai và trước khi vua A Dục xuất hiện, như vậy có thể vào năm 138 theo nguồn sử liệu của Tây Tạng[6]. Vì theo các nguồn tư liệu để lại sự kiện tranh cãi 10 việc vẫn chưa thấy chính thức công khai chia rẽ tăng già. Như vậy, chính thức công khai chia rẽ vào năm nào, đó chính là niên đại sau khi đức Phật nhập diệt vào năm 137, Đại Thiên đưa ra 5 việc mới chính thức làm tăng già chia rẽ. Nếu như quan điểm này là đúng với lịch sử thì trong kinh điển A-hàm và Nikāya có khá nhiều kinh ghi lại sự chia rẽ này. Ví dụ “Kinh Tăng Chi” (AºguttaraNikāya) tập 2 ghi lại sự tranh tụng:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự kết tội lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín, không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ năm để tinh cần….”[7]
Cũng trong “Kinh Tăng Chi” này lại ghi:
“Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, là người gây ra cãi cọ, là người gây ra tranh luận, là người gây ra đấu tranh, là người gây ra các cuộc đấu khẩu, là người gây ra kiện tụng trong Tăng chúng. Vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm? Không chứng điều chưa chứng được; thối thất điều đã chứng được; tiếng ác đồn khắp; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”[8]
Ở đây, các câu: “Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự kết tội lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau.” Theo tôi, đó là những lời nói mô tả về sự tranh cãi giữa Đại thiên và các nhà Thượng tọa bộ, vì chỉ có lần này mới có sự tranh cãi mắng nhiếc lẫn nhau và cuối cùng dẫn đến sự chia rẽ. Đó là thực trạng của lần tranh cãi giữa Đại Thiên và các nhà Thượng tọa bộ. Quan điểm này, có lẽ gặp phải sự không đồng tình của một số người nghiên cứu, nhưng đó là quan điểm của riêng tôi. Nhưng thật ra vấn đề mà tôi muốn trình bày ở đây không phải là niên đại của Đại Thiên mà vấn đề chính là tôi muốn đề cập là bản kinh A-hàm và Nikāya được kiết tập thành chữ viết rất muộn, không thể xảy ra ở lần kiết tập thứ nhất.
Ngoài sự kiện liên quan đến sự kiện lịch sử có liên quan đến Đại Thiên, còn có khá nhiều kinh trong A-hàm và Nikāya lại ghi chép đến nhân vật vua A Dục là một nhân vật có liên quan đến lịch sử kiết tập kinh điển Phật giáo. Tôi xin trích dẫn để cùng tham khảo.
Trong “Kinh Tạp A hàm”, kinh số 604, 640 và 641 đề cập đến vua A Dục (Asoka). Tuy nhiên 3 kinh này được HT. Ấn Thuận trong tác phẩm “Tạp A hàm Kinh Luận hội biện” sau đó cũng được TT. Tuệ Sỹ viết lời Tiểu dẫn trong “Kinh Tạp A hàm” bản dịch của Thích Đức Thắng cho rằng đây là những kinh không thuộc A-hàm. Ngoài 3 kinh này, trong “Kinh Tiểu Bộ” (KhuddakaNikāya) tập 3, phần “Trưởng Lão Tăng Kệ” Chương hai kệ, Phẩm bốn, Vit?soka (Thera. 22) ghi rằng:
“Trong thời đức Phật hiện tại, vào năm thứ 218, là em trai vua Dhamm?soka (A Dục), được đặt tên là Vit?soka. Đến tuổi trưởng thành, ngài thành tựu những đức tánh thích hợp với tuổi trẻ hoàng tộc. Rồi ngài trở thành đệ tử của Trưởng lão Giridatta và thông hiểu về Kinh tạng và Luận tạng A tỳ đàm.”
Đoạn kinh vừa dẫn, đề cập đến nhà vua A Dục (Asoka) là nhân vật cách đức Phật nhập diệt 218 năm, đây là niên đại của vua A Dục theo truyền thống Nam truyền. Từ sự kiện này, chúng ta có thể đi đến xác định sự kiện kiết tập 4 bộ A-hàm và cả 5 bộ Nikāya không thể kiết tập bằng chữ viết vào lần kiết tập thứ nhất, mà phải biên tập sau niên đại 218 này tức vào thời đại vua A Dục. Cũng từ sự kiện này, nó phản bác quan điểm cho rằng “Kinh Tiểu Bộ” được kiết tập ở lần thứ hai.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ khi đức Phật nhập diệt cho đến thời đại A Dục lời Phật dạy lưu truyền bằng cách nào? Nếu không kiết tập bằng văn tự thì dĩ nhiên bằng khẩu truyền, tức bằng hình thức thầy đọc lên cho đệ tử nghe, đệ tử ghi nhớ và học thuộc lòng. Cứ thế truyền đi từ người này đến người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cách ghi nhớ và học thuộc lòng đó là cách truyền thừa Phật pháp sau khi Phật nhập diệt, kéo dài hơn 200 năm. Cách đó cũng đã được ghi lại khá nhiều nơi trong kinh điển A-hàm hay Nikāya. Để làm sáng tỏ vấn đề, ở đây xin trích dẫn một đoạn kinh trong “Kinh Tăng Chi Bộ” (AºguttaraNikāya) như sau:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn. Do văn cú bị sắp đặt đảo lộn, này các Tỷ-kheo, nên nghĩa lý bị hướng dẫn sai lạc. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập A-hàm, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Các vị ấy không nói lại kinh cho người khác một cách cẩn thận. Khi họ mệnh chung, kinh bị cắt đứt tại gốc rễ, không có chỗ y cứ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ ba đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.”[9]
Trong đoạn kinh thứ nhất, giải thích lý do tại sao đạo lý (diệu pháp) của lời Phật dạy bị biến mất, đó chính là sự học thuộc lòng kinh mà được lãnh thọ sai lầm. Khi người thầy đã học thuộc lòng và nhớ sai lầm, không ai đính chính sửa sai, rồi đem những điều thuộc lòng đó truyền lại cho đệ tử. Do vì học thuộc lòng sai lầm, cho nên đạo lý mà đức Phật muốn dạy cho chúng ta bị biến mất. Điều đó cũng chẳng khác nào, như hiện nay chúng ta không trực tiếp đọc kinh điển, chỉ nghe người này nói người kia nói, rồi cho rằng đó là lời đức Phật dạy, do vậy đạo lý trong sáng của đức Phật không còn, bản thân mình không lợi, người khác cũng chẳng lợi gì. Ý nghĩa của đoạn kinh thứ nhất mà tôi muốn đề cập ở đây chính là vấn đề “học thuộc lòng”, chứng tỏ cách giữ gìn truyền trao Phật pháp sau khi đức Phật nhập diệt là hình thức học thuộc lòng; truyền trao cho nhau bằng hình thức nói và nghe, cho nên quá trình tu tập của người thời bấy giờ là văn (聞) tư(思) và tu(修). “Văn” là nghe dùng lỗ tai để nghe, sau đó dùng trí tuệ suy nghĩ về lời dạy đó, có ích lợi gì không, được gọi là “tư”. Sau khi suy tư, thấy rằng lời dạy đó có lợi cho mình, cho người, cho nên quyết định làm điều đó, cho nên gọi là “tu”. Quá trình này cũng bắt nguồn từ “nghe” tức là văn, không phải như ngày nay là hình thức tụng đọc kinh điển, biểu thị kinh điển của Phật giáo vào thời bấy giờ vẫn chưa có chữ viết.
Ở đoạn kinh thứ hai, điểm mà chúng ta cần chú ý chính là “Bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu”. Trì pháp tức là người có bổn phận trách nhiệm học thuộc lòng và ghi nhớ lãnh vực Kinh (sutta). Trì luật là người có bổn phận trách nhiệm học thuộc lòng và ghi nhớ lãnh vực Luật. Trì toát yếu, khái niệm này tiếng Phạn là m?t¨k? có nghĩa là cốt lõi, đại cương, cương yếu, tiếng Hoa dịch là Bổn mẫu (本母), có nghĩa là cái gốc. Như vậy, khái niệm “trì toát yếu” có nghĩa là người có bổn phận trách nhiệm học thuộc lòng và ghi nhớ những pháp mang tính đại cương, cốt lõi như: ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, tứ đế....Nói một cách khác, “Bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu” đây là cách phân chia, mỗi người phải có trách nhiệm học thuộc lòng và ghi nhớ mỗi một lãnh vực nào đó trong giáo pháp của đức Phật.
Như vậy, sau khi đức Phật nhập diệt 4 bộ A-hàm hay 5 bộ Nikāya được lưu truyền dưới hình thức “khẩu truyền”. Những kinh điển này được kiết tập thành văn tự sớm nhất phải xảy ra vào thời đại vua A Dục. Cùng quan điểm này, còn có A.K.Warder cho rằng: “Khi đức Phật còn tại thế và sau đó một vài thế kỷ, lời giảng dạy của Ngài không được ghi lại. Không ghi lại, không đồng nghĩa thời bấy giờ không sử dụng chữ viết, mà nó không thông dụng trong việc học tập và giảng dạy”[10] . Ngài Ấn Thuận (印順) cũng cho rằng: “Khái niệm “kiết tập” ở thời xưa không đồng nghĩa với khái niệm “biên tập” như thời nay, vì ở vào thời điểm kiết tập đó vẫn chưa có công cụ biên tập ghi chép thành kinh sách. Từ gọi là kiết tập Phật pháp chỉ là do các đệ tử ưu tú của Ngài từng nghe Ngài giảng ghi nhớ và khi kiết tập đọc lại cho mọi người nghe mà thôi.”[11]
Qua đó cho chúng ta thấy, 4 bộ A hàm hay 5 bộ Nikāya mà chúng ta lưu hành hiện nay, nếu được biên tập thành kinh sách (chữ viết) sớm nhất là vào thời đại vua A Dục, tức 218 năm sau khi Phật nhập Niết bàn. Như vậy, trước đó kinh điển chỉ truyền thừa bằng truyền khẩu và dùng ký ức ghi nhớ. Vậy thì, vấn đề được đặt ra là, trong thời gian hơn 200 năm đó, Phật pháp được người này truyền cho người khác, rồi từ người khác lại truyền cho người khác nữa, từ thế hệ này truyền đến thế hệ khác bằng phương thức truyền khẩu và dùng ký ức ghi nhớ thì độ chính xác của nó là bao nhiêu? Có bị quên hoặc có thêm ý kiến của người sau vào không? Nếu như không bị quên thì tại sao trong kinh lại ghi rằng: “các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn.” Điều đó chứng tỏ đã có những Tỷ kheo đã quên hoặc ghi nhớ kinh điển sai lầm, cho nên dẫn đến người học cũng bị sai lầm. Nếu như đã nhớ sai lầm, hoặc tự thêm ý riêng của người sau, thì bằng cách nào để chúng ta biết điều đó là sai hoặc là do người sau thêm vào? Ở đây có thể lấy một ví dụ: tại sao nội dung “Kinh Trung A hàm” (Hán dịch) có đến 222 kinh, còn “Kinh Trung Bộ” chỉ có 152 kinh. Bên Hán tạng thêm vào hay bên P?li bớt đi? Căn cứ vào đâu để xác định sự thêm hoặc bớt này? Nếu nó được kiết tập lần thứ nhất thì tại sao có sự chênh lệch con số quá lớn như vậy? Nếu như các kinh A-hàm và Nikāya không phải do các bộ phái kiết tập thì làm thế nào để lý giải sự chênh lệch này? Chúng ta cần phải có thái độ khách quan và nghiêm túc trong công tác nghiên cứu vấn đề này, không nên có ý kiến xuất phát từ thành kiến hay cảm tình, sẽ không có lợi cho Phật pháp.
Từ những vấn đề được trình bày ở trên, tôi xin tóm tắt một vài ý chính: Trong các luật ghi rằng, 4 bộ A-hàm hay 5 bộ Nikāya được kiết tập lần thứ nhất. Nếu như đó là sự thật thì hình thức kiết tập này chỉ là khẩu truyền, tức các thành viên trong lần kiết tập đó dùng miệng quyết định kinh và luật, không phải bằng văn bản, và kinh điển được lưu truyền bằng hình thức học thuộc lòng, thầy truyền cho trò và trò lại truyền cho trò, cứ thế từ thế hệ này cho đến thế hệ khác. Cách truyền tụng này được sử dụng cho đến thời kỳ vua A Dục sau Phật nhập diệt 218 năm (theo sử liệu Nam truyền) mới kiết tập bằng chữ viết.
Thế thì kinh điển được kiết tập sau 218 năm đó có giữ được nguyên vẹn từ kim khẩu đức Phật giảng dạy khi Ngài còn tại thế không, chắc chắn còn khá nhiều vấn đề rất thú vị để chúng ta cùng nhau nghiên cứu và tìm hiểu.
(Trong bài kế tiếp, tôi sẽ trình bày về sự xuất hiện kinh điển Đại thừa và ý nghĩa của nó)
[1] Phật Đà Thập và Trúc Đạo Sanh dịch sang Hán, “Ngũ Phần Luật”(T22,No. 1421,p. 191a).
[2] Tăng Già Bạt Đà La dịch sang Hán, “Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa” (CBETA, T24, no. 1462, p. 677, a16-b3).
[3] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 4, Viện NCPHVN ấn hành, 1995, trang 510. Tương đương “Kinh Tạp A hàm” kinh số 911.
[4] 1.Tỳ kheo dùng muối gừng ướp thức ăn để dành qua đêm vẫn hợp pháp, 2/ Tỳ kheo ăn xong, nhận được thức ăn khác 3/ Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ, rồi ngồi ăn lại vẫn hợp pháp, 4/ Tỳ kheo ăn xong, đi sang nơi khác ăn thêm vẫn hợp pháp, 5/ Tỳ kheo dùng sữa đường hòa lại uống ngoài bữa ăn chính vẫn hợp pháp, 6/ Tỳ kheo uống rượu tự chế biến từ trái cây vẫn hợp pháp, 7/ Tỳ kheo tùy ý làm tọa cụ lớn hoặc nhỏ vừa với mình vẫn hợp pháp, 8/ Tỳ kheo có thể làm những việc mà lúc còn cư sĩ đã làm vẫn hợp pháp, tất nhiên có việc có thể làm được và có việc không thể làm được, 9/ Trong một trú xứ có một nhóm Tỳ kheo làm pháp yết ma riêng, sau đó đến yêu cầu chúng Tăng chấp nhận pháp yết ma ấy vẫn hợp pháp, 10/ Tỳ kheo có thể thu nhận và cất giữ vàng bạc, tiền của vẫn hợp pháp.
[5] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, 2000, 219-220.
[6] Bhavya (Thanh Biện) ,Bổn Tự Uyển Nhã dịch và chú “Dị Bộ Tông Tinh Tuyển”, Đông Kinh, 1935, trang 8.
[7] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 1996, trang 412.
[8] Sđd, trang 715.
[9] Sđd, trang 95.
[10] A. K. Warder, “Indian Buddhism”, Dehli: Motilal Banarsidass Publishers., p.199. (“It appears that during the Buddha’s lifetime and for some centuries afterwards nothing was written down: Not because writing was not in use at time but because it was not customary to use it for study and teaching.”)
[11] 印順著,《原始佛教聖典之集成》,台北:正聞出版社,民國83年,頁 15。