68. Kinh Nalakapàna (Nalakapàna Sutta)

15 Tháng Năm 201000:00(Xem: 27899)
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TRUNG BỘ

Majjhima Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

68. Kinh Nalakapàna
(Nalakapàna sutta)


Như vầy tôi nghe. 

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala (Câu-tát-la) tại Nalakapana, rừng cây Palasa. 

Lúc bấy giờ nhiều Thiện gia nam tử có danh tiếng, vì lòng tin Thế Tôn, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, như Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Nandiya, Tôn giả Kimbila, Tôn giả Bhagu, Tôn giả Kundadhana, Tôn giả Revata, Tôn giả Ananda và một số Thiện gia nam tử danh tiếng khác. 

Lúc bấy giờ, Thế Tôn ngồi ở giữa trời, có chúng Tỷ-kheo vây quanh. Rồi Thế Tôn nhân vì các Thiện gia nam tử ấy, bảo các Tỷ-kheo: 

-- Này các Tỷ-kheo, các Thiện gia nam tử ấy vì lòng tin Ta đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy có hoan hỷ trong Phạm hạnh không? 

Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng. Lần thứ hai... lần thứ ba, rồi Thế Tôn, nhân vì các Thiện gia nam tử ấy, bảo các Tỷ-kheo: 

-- Này các Tỷ-kheo, các Thiện gia nam tử ấy vì lòng tin Ta đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy có hoan hỷ trong Phạm hạnh không? 

Cho đến lần thứ ba, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng. 

Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay Ta hãy hỏi các Thiện gia nam tử ấy". 

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Anuruddha: 

-- Này các Anuruddha, các Ông có hoan hỷ trong phạm hạnh không? 

-- Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con hoan hỷ trong Phạm hạnh. 

-- Lành thay, lành thay, các Anuruddha. Này các Anuruddha, thật xứng đáng cho các Ông, những Thiện gia nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông có hoan hỷ trong Phạm hạnh. Này các Anuruddha, trong khi các Ông với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, thời các Ông, này các Anuruddha, với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, lại xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Anuruddha, các Ông không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Các Ông không vì nợ nần, không vì sợ hãi, không vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng có phải với tư tưởng như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này" mà các Ông, này các Anuruddha, vì lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình? 

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

-- Và xuất gia như vậy, này các Anuruddha, người Thiện gia nam tử cần phải làm gì? Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp. Nếu không chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn, thời dục tham xâm chiếm tâm và an trú, sân xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm, thụy miên... trạo cử, hối quá... nghi hoặc... bất lạc... giải đãi xâm chiếm tâm và an trú. Này các Anuruddha, khi chưa ly dục, chưa ly bất thiện pháp, vị ấy không chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn. Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp, vị ấy chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn, thời dục tham không xâm chiếm tâm và an trú, sân không xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm thụy miên... trạo cử hối quá... nghi hoặc... bất lạc... giải đãi không xâm chiếm tâm và an trú. Này các Anuruddha, ly dục, ly bất thiện pháp, vị ấy chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn. 

Này các Anuruddha, các Ông nghĩ về Ta như thế nào? Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ di thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp, sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp? 

-- Bạch Thế Tôn, chúng con không có nghĩ như vậy về Thế Tôn: "Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp". Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ về Thế Tôn như sau: "Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy đã được Như Lai đoạn trừ. Do vậy, Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp, sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp. 

-- Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Các lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai đã được Như Lai đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không thể sanh lại, không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này các Anuruddha, cây tala đầu cây đã bị chặt đứt, không thể lớn lên nữa, cũng vậy này các Anuruddha, các lậu hoặc liên hệ đến phiền não... đã được Như Lai đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala không thể sanh lại, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp. 

Này các Anuruddha, các Ông nghĩ thế nào? Do thấy mục đích đặc biệt nào, Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng. "Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ này". 

-- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì. 

-- Này các Anuruddha, Như Lai không vì mục đích lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích lợi lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý nghĩ: Như vậy quần chúng sẽ biết Ta"; mà Như Lai giải thích sự tái sanh các vị đệ tử đã từ trần đã mệnh chung, nói rằng: "Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ này". Và này các Anuruddha, có những Thiện gia nam tử có tin tưởng với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm trên như thật (Tathata). Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu đời cho các vị ấy. 

Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Vị ấy an trú chánh trí". Vị Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy, Tôn giả này có pháp như vậy, Tôn giả này có trí tuệ như vậy, Tôn giả này có an trú như vậy, Tôn giả này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh, đa văn, bố thí và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tên như thế này, đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy, Tôn giả này có pháp như vậy... có trí tuệ như vậy,... có an trú như vậy, Tôn giả này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tâm như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham , sân, si, vị ấy chứng Nhất Lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt tận khổ đau". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... Tôn giả này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anurudha, Tỷ-kheo có nghe: "Tỷ-kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... Tôn giả này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Vị ấy an trú chánh trí". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như vậy, Tôn ni này có pháp như vậy, Tôn ni này có an trú như vậy, Tôn ni này có giải thoát như vậy. Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng tin... khi nhớ đến trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như vậy... Tôn ni này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, vị Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng Nhứt lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt tận khổ đau". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như vậy...Tôn ni này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni có nghe: "Tỷ-kheo-ni với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn ni ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn ni này có giới hạnh như vậy ... Tôn ni này có giải thoát như vậy". Tỷ-kheo-ni khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, Tỷ-kheo-ni được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui đời này nữa". Tôn giả ấy đã được thấy hay được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... có pháp như vậy... có trí tuệ như vậy... có an trú như vậy... Tôn giả này có giải thoát như vậy". Nam cư sĩ khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, liền chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha nam cư sĩ được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng Nhất lai chỉ phải trở lui đời này một lần nữa rồi sẽ diệt tận khổ đau". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... Tôn giả này có giải thoát như vậy". Nam cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nam cư sĩ được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, nam cư sĩ có nghe: "Nam cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu không còn bị đọa lạc, chắc chắn chứng được chánh giác". Tôn giả ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Tôn giả này có giới hạnh như vậy... có giải thoát như vậy. Tôn giả ấy khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nam cư sĩ được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, nữ cư sĩ có nghe: "Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa". Nữ nhân ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy... có pháp như vậy... có trí tuệ như vậy... có an trú như vậy... nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, liền chú tâm trên sự thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư sĩ được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anurudha nữ cư sĩ có nghe: "Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, sau khi làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, vị ấy chứng Nhất lai, chỉ phải trở lui đời này một lần nữa, rồi sẽ diệt tận khổ đau". Nữ nhân ấy đã được thấy hay đã được nghe: "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy ... nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ cư sĩ, khi nhớ đến lòng tin... và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư sĩ được sống lạc trú. 

Ở đây, này các Anuruddha, nữ cư sĩ có nghe: "Nữ cư sĩ với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: "Sau khi diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu không còn bị đọa lạc, chắc chắn được chánh giác". Nữ nhân ấy đã được thấy hay đã được nghe. "Nữ nhân này có giới hạnh như vậy, nữ nhân này có pháp như vậy, nữ nhân này có trí tuệ như vậy, nữ nhân này có an trú như vậy, nữ nhân này có giải thoát như vậy". Nữ nhân ấy khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh, sự đa văn, bố thí và trí tuệ của vị kia, bèn chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, nữ cư sĩ được sống lạc trú. 

Như vậy, này các Anuruddha, Như Lại không vì mục đích lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý nghĩ: "Như vậy quần chúng sẽ biết Ta", mà Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng: "Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ này". Và này các Anuruddha, có những Thiện gia nam tử có tin tưởng, với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm trên như thật. Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu đời cho các vị ấy. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Anurudda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 2016(Xem: 7124)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: "Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy ". Rồi một Thiên nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau:
14 Tháng Tư 2016(Xem: 5758)
Tôi đã nghe nói rằng, có một thời Đức Phật đã sống với những người ở vùng Sumbhan. Lúc bấy giờ, trong vùng Sumbhan nầy, có một tỉnh tên là Sedaka. Ở đó, Đức Phật đã gọi chư tăng, "Nầy các Tỳ Kheo!" "Dạ thưa Đức Thế Tôn," chư tăng đồng trả lời.
02 Tháng Tư 2016(Xem: 6763)
Được nghe Đức Phật đích thân thuyết pháp là một nhân duyên hy hữu, một công đức vô lượng, và may mắn hãn hữu trong đời. Những lời chúng ta nghe kể lại ở đây hay được thuyết pháp từ những người kém trí tuệ và đạo đức cho dù có lập lại chính xác từng lời từng chữ từ kim khẫu của Đức Thế Tôn vẫn không có đủ hấp lực, mãnh lực và công lực sư tử hống để giác ngộ nổi cho người nghe. Tuy nhiên, khi đọc, nghe được những lời vàng ngọc của Đức Thế Tôn dù qua bất cứ một phương tiện nào cũng như là những hạt nhân giác ngộ được cấy vào trong ý thức của chúng ta chờ nhân duyên chín ‘muồi’ để đơm hoa kết quả Phật tánh.
29 Tháng Ba 2016(Xem: 5689)
Lời Đức Phật dạy rất mực thâm sâu. Kinh nào cũng cần nghiền ngẫm, cần tu học với từng lời dạy một. Trong đó có nhiều kinh liên hệ tới sự chết. Nơi đây, bài viết này sẽ dịch hai kinh: Ud 7.10 và SN 44.9. Cả hai kinh đều dẫn tới nhiều suy nghĩ cho người học Phật.
02 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6843)
Có một số kinh được Đức Phật đưa ra và gọi đó là giáo pháp ngắn gọn, để dạy một số chư tăng khi quý ngài bạch rằng tuổi đã cao, bây giờ cần một lời dạy giáo pháp ngắn gọn để lui về một góc rừng tu hành khẩn cấp.
22 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7545)
Trong một số bài trước, chúng ta đã thấy Đức Phật trong vài kinh đã đưa ra một số giáo pháp ngắn gọn, để dạy một số chư tăng khi quý ngài bạch rằng tuổi đã cao, bây giờ cần một lời dạy để lui về một góc rừng u tịch tu hành khẩn cấp.
06 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7927)
Đức Phật chỉ đường Giới Định Huệ là để giải thoát khỏi Tham Sân Si, ba độc đã lôi kéo chúng ta nhiều đời. Từ giáo pháp nhà Phật, hiện nay, các nhà khoa học Tây phương đã chọn ra một phần thích nghi để sử dụng cho nhiều trường hợp có lợi cho nhân loại và xã hội – trong đó, chánh niệm, thường dịch là mindfulness, được quan tâm, ưa chuộng nhất.
21 Tháng Mười 2015(Xem: 7858)
Phật Giáo là đạo giải thoát, vượt bờ sinh tử, xa lìa muôn kiếp mê lầm bể khổ. Đức Phật thường nói rằng chỉ có một cách duy nhất vượt qua bờ phiền não là: xa lìa tham sân si. Và ngài nói, chìa khóa xa lìa phiền não là tam học: giới định huệ. Như thế, cả phiền não và xa lìa phiền não đều là tâm. Ngắn gọn, Phật Giáo là pháp tu tâm.
08 Tháng Mười 2015(Xem: 6559)
Thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttaranikàya) của Kinh tạng Pàli, đây là một bài kinh được tụng đọc thường nhật ở các xứ Phật giáo Nam Truyền, vừa như một thoại đầu cho hành giả mà cũng vừa là bài kinh hộ niệm cho người bệnh.