Lời Giới Thiệu - Kinh Đại Bát Niết Bàn

22 Tháng Tư 201000:00(Xem: 58784)
LỜI GIỚI THIỆU

Tam Tạng kinh điển của nhà Phật mênh mông như rừng, nhưng tất cả đều có cùng một mục đích là từng bước, chỉ cho chúng sinh con đường tháo bỏ sự trói buộc của vô minh, phiền não, tham sân si, hầu vượt qua được dòng sinh tử luân hồi, đến được bến bờ giải thoát, hội nhập lại bản thể chân như giác tánh.

Tùy theo tâm bệnh của chúng sinh, mỗi bộ kinh lại nhấn mạnh về một vấn đề, cũng như tùy bệnh cơ thể mà người lương y cho một loại thuốc đặc chế theo loại vi trùng của bệnh đó. Cho nên, cũng có những bộ kinh đặc biệt để trị bệnh chúng sinh ở một giai đoạn nào đó.

Kinh Đại Bát Niết bàn, vì là lời nói sau cùng của Đức Phật, trước khi Ngài Niết Bàn, nên bao quát hầu như đủ mọi thắc mắc của chúng sinh. Vì thời gian có hạn nên lời Ngài dạy rất cô đọng, nhưng minh bạch, rõ ràng. Thí dụ như nơi Phẩm Kim Cang Thân và Phẩm Như Lai Tánh, ngài giải thích cặn kẽ về Chân Ngã hay Phật Tánh, đó chính là bản thể thanh tịnh thường hằng bất biến của tất cả mọi loài chúng sinh, mênh mông như hư không, thường trụ bất hoại, tuy vậy bản thể ấy không phải tất cả chúng sinh là một, nhưng cũng không phải là khác, vượt ra khỏi tư tưởng suy nghĩ thông thường của đời sống tương đối hiện tượng, cho nên gọi là bất khả tư nghị, tức không thể nghĩ bàn, nhưng chính là cái chân thật của mọi chúng sinh, không phải là cái "Tôi" ô nhễm tham sân si, đầy vướng mắc khổ vui vô thường này. Bản thể ấy tràn ngập khắp nơi nhưng chúng sinh bị trói buộc vì phiền não, tham sân si nhiễm ô che mờ nên không thấy được. Bản thể ấy luôn luôn sẵn sàng, tịch tĩnh hiện diện, nên gọi là Như Lai.

Bộ kinh Đại Bát Niết Bàn được ngài nói khi sắp thị hiện Niết Bàn. Biết rằng Ngài không còn tại thế để hằng ngày giải đáp thắc mắc cho chúng sinh nữa, nên chư đệ tử đã hỏi và Ngài đã giảng gần như đủ loại vấn đề. Ngài còn dặn kỹ rằng vì phương tiện độ sanh, tùy theo thời điểm và tâm chúng sinh đương thời, nên đôi khi có những lời dạy Ngài phải giản lược, chưa đi tới được rốt ráo, cho nên có những kinh ngài gọi là kinh bất liễu nghĩa. Nay, lời cuối cùng, nơi Phẩm Tứ Y, ngài dặn lại rằng chúng sinh phải y chỉ kinh liễu nghĩa, là kinh với mục tiêu tối hậu, nói về Giác Tánh của chúng sinh, về Trí tuệ bát nhã, chỉ cho chúng sinh con đường hội nhập lại bản thể thường hằng bất biến, giải thoát hoàn toàn.

Hiện có hai bản Kinh Niết Bàn: Kinh Đại Bát Niết Bàn của Nam Tông, được tìm thấy trong Kinh Trường Bộ [01], Còn Kinh Đại Bát Niết Bàn của Phật Giáo Bắc Tông bao gồm hai bản: (1) Phật Thuyết Phương Đẳng Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài Dharmaaksa (265-316), đời Tây Tấn dịch và (2) Đại Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài Pháp Hiển và Buddhabadhra đời Đông Tấn (317-420) dịch. Bản dịch Việt ngữ kinh Đại Bát Niết Bàn của Phật Giáo Bắc Tông do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ bản Hán văn, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1990 và tại Việt Nam năm 1991. Bộ kinh này cũng được lưu hành trên mạng Internet từ Thư viện Hoa Sen. [02] Ngoài ra còn có bản Việt dịch của cư sĩ Tuệ Khai (Phan Rang), được thực hiện với sự chứng nghĩa của Hòa thượng Thích Đổng Minh, lưu hành trên mạng Internet từ Tu Viện Quảng Đức [03]. Một bản dịch khác, Kinh Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn do Đại sư Pháp Hiển (317-420), thời Đông Tấn dịch, 6 quyển, được xếp vào Đại Chánh tạng ở quyển 12, kinh số 376, bản Việt dịch của Thầy Thích Nguyên Hùng cũng đang lưu hành trên mạng Internet [04].

Còn Bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm gọi là kinh Đại Niết Bàn Bắc bản 40 quyển, số 374 Đại Chánh tạng, đã được cư sĩ Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải, nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội xuất bản tháng 9 năm 2009 và nhà sách Quang Minh TP. HCM phổ biến. Bộ kinh gồm 7 tập (42 quyển) và phần phụ lục, trong đó có cả phần nguyên bản Hán văn. Kinh đã xuống tầu biển đi Bắc Mỹ và lên tầu bay đi Âu Châu. Nay chúng tôi trang trọng kính giới thiệu đến quý độc giả bản dịch của cư sĩ Nguyễn Minh Tiến.

Xin chân thành cảm tạ dịch giả đã dày công phiên dịch, ấn hành và phổ biến bộ kinh này khắp nơi trên thế giới.

Ban Biên Tập TVHS
20 tháng 10 năm 2009


Chú thích:
[01] Kinh Đại Bát Niết Bàn, (Hệ Pali), Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu, http://www.thuvienhoasen.org/truong16.htm
[02] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, http://thuvienhoasen.org/kinh-dbnb-00.htm
[03] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Việt dịch: Cư Sĩ Tuệ Khai, http://www.quangduc.com/kinhdien/81daibatnietban.html
[04] Kinh Đại Bát Nê Hoàn, Sa Môn Pháp Hiển - Thích Nguyên Hùng Việt dịch http://www.thuvienhoasen.org/kinh-daibatnehoan-00.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Sáu 2016(Xem: 21084)
30 Tháng Năm 2016(Xem: 7353)
duc phat niet banĐây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ.
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5463)
Kinh Phật mênh mông như biển cả, dù ai có bỏ suốt cuộc đời để học hỏi cũng không thể thông suốt hết được. Tuy nhiên, trong cái mênh mông đó, cũng như nước biển cả lúc nào cũng hàm chứa vị mặn của muối, hết thảy kinh Phật đều cùng hàm chứa mùi vị của giải thoát, an lạc.
24 Tháng Năm 2016(Xem: 5450)
Nam mô A Di Đà Phật, Là đệ tử Phật, ngày đêm con vẫn luôn cố gắng tụng niệm thực hành lời dạy của Phật. Mùa Phật đản năm nay ( Phật lịch năm 2560 ), con xin phép được ghi lại những hiểu biết của con khi tụng niệm Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân.
28 Tháng Ba 2016(Xem: 6710)
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá. Ngoài ra còn có vô lượng vô biên chư đại Bồ-tát và thiên long bát bộ thảy đều đến vân tập. Lúc bấy giờ Thanh Tịnh Tuệ Bồ-tát đang ngồi ở giữa đại chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 5657)
Phẩm Vô Thường có 21 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói lúc tỉnh mà chạy theo dục vọng thì sẽ hôn ám mê loạn. Vinh hoa và tánh mạng đều khó có thể bảo hộ lâu dài. Duy chỉ có Đạo mới là chân thật.
10 Tháng Ba 2016(Xem: 5360)
Lời đầu: Hiện nay chúng tôi đang có chương trình dịch thuật Phạn-Hán, quý Thầy, học Tăng trẻ tuổi, tâm huyết với ngành Phiên dịch Phạn-Hán, hoặc nghiên cứu Phật học, đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học, có nhu cầu muốn học tập, tìm hiểu, cộng tác làm việc liên quan đến dịch thuật, có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: tinhvien4557@gmail.com, để biết thêm thông tin. Cầu mong cho Phật pháp được trường tồn, lưu bố muôn nơi để lợi lạc cho muôn loài. Nam mô Bổn-sư Thích Ca Mâu Ni Phật