Thay Lời Tựa

08 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 6669)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ

Tác giả : MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2004

Thay lời tựa 

Luận ĐẠI THỪA KHỞI TÍN được Bồ tát Mã Minh làm vào khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt, nhằm phá bỏ cái thấy thiên lệch của Tiểu thừa cũng như những định kiến sai lầm của Ngoại đạo. Ngày nay bộ luận không chỉ mang ý nghĩa ấy mà nó còn có giá trị tích cực đối với người tu Đại thừa. Giá trị ấy nằm ở chỗ : Ngoài phần thâm nghĩa được trình bày bao quát đầy đủ trong phần Lập Nghĩa và Giải Thích, còn có phần Phân Biệt Tướng Đạo Phát Tâm, là phần giúp người tu chúng ta phân biệt và xác định được vị trí cũng như mức độ tu hành của chính mình, tránh tình trạng lầm lẫn giữa LÝ và SỰ, giữa kiến giải với chỗ thực chứng, được ít cho là nhiều, chưa được mà tưởng được v.v…

Bản dịch đây được dịch từ bản Hán văn của ngài Hám Sơn. Vì muốn giữ nguyên phong cách cũng như ý nghĩa của chánh văn, tránh đưa ý mình vào lời của người xưa nhiều chừng nào tốt chừng nấy, nên tôi cố gắng dịch sao cho sát với văn từ chữ Hán. Sát quá thì lời văn không được chải chuốt. Bù lại, nó sẽ giúp độc giả có thể nghiền ngẫm trực tiếp lời dạy của bậc Cổ đức bằng tư duy của chính mình, không vì sự chải chuốt văn từ của dịch giả mà ý nghĩa của văn có khi thành sai lệch. Về phần giải thích, tôi có tham khảo 3 bản : Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký của ngài Hiền Thủ. Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn và Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Ký của ngài Ấn Thuận. Song do cái nhìn có chỗ đồng khác nên phần trích dịch cũng như giải thích, tôi chỉ lấy bản sớ giải của ngài Hiền Thủ và Hám Sơn làm chỗ y cứ cho luận giải của mình. 

“Cương Yếu Pháp Giới Duyên Khởi Tông Hoa Nghiêm” và bản họa đồ “Pháp giới nhất tâm” đều được trích từ Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn. Bản họa đồ là của pháp sư Quán Đĩnh tổng hợp nghĩa của toàn luận mà tạo thành, được cư sĩ Tào Hiển Tông hiệu chú thêm cho đầy đủ. Bản Việt văn là của Từ Mãn Nguyện. 

Tuy chủ đích của bộ luận là giúp người đời phát khởi niềm tin đối với Đại thừa, song vì là “Tổng nhiếp tất cả nghĩa lý sâu mầu vi diệu mà Như Lai đã nói”, chỗ sâu mầu ấy lại là chỗ ngôn từ không thể đến, chỉ do sự nhận hiểu của chúng sanh chưa thể rời ngôn từ mà chư Phật Tổ tạm mượn ngôn từ để hiển bày, nên phần nghĩa lý cũng có những chỗ không thể giải thích rõ ràng, cũng không thể phương tiện thấp hơn để dễ nhận hiểu. Song là bộ luận được làm cho người chưa có niềm tin đối với Đại thừa, nên nghĩa lý chung của toàn luận không phải là thứ khó hiểu một khi ta nắm được tinh thần tổng quát của nó. 

NGHĨA LÝ THÂM SÂU VI DIỆU mà Như Lai nói cũng chỉ là những gì mà các triết gia cũng như các nhà đạo học vẫn và đang tìm kiếm : Bản chất thật của cái gọi là thế gian, vũ trụ và con người đây là gì? Ta là ai và thế giới này từ đâu mà có? Cội nguồn chân thật của mọi hiện tượng và muôn loài sống trên thế gian này là gì? Triết gia tìm kiếm và dựng lập nó bằng chính những tri thức của mình. Mọi thứ đều quanh quẩn trong ngôn từ. Song cội nguồn ấy lại là thứ nằm ngoài ngôn từ. Ngôn từ chỉ là phương tiện tạm dùng của Như Lai để dẫn đường cho chúng sanh. Ngài ví chúng như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng. Song nhờ ngón tay ta mới thấy được mặt trăng. Vì thế luận đây, ngoài phần giải thích nghĩa lý sâu mầu mà Như Lai đã nói, còn có phần hướng dẫn tu hành. Phần tu hành này chính là cỗ xe đưa chúng ta trực nhận lại cội nguồn chân thật của vạn pháp. LẬP NGHĨA và GIẢI THÍCH là để ta nắm được những gì mà Như Lai đã nói. Song phải áp dụng những gì đã lập bày trong phần TU HÀNH TÍN TÂM, trải qua 3 giai đoạn trong phần PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM, ta mới trở về được cội nguồn chân thật của chính mình.

CỘI NGUỒN ấy - kinh luận gọi là thật tướng hay thật tánh của vạn pháp - chính là TÂM THỂ mà tất cả chư Phật cùng chúng sanh đồng có. Tâm thể ấy không ngoài những thứ như suy nghĩ và những cảm giác vui, buồn, thương, ghét mà mình đang nhận là tâm mình đây, song nó không phải là những thứ ấy. Những thứ ấy chỉ là đầu não làm phát sinh vô vàn thế giới với vô vàn chủng loại sai biệt hiện nay. Luận lập TÂM CHÂN NHƯ là để chỉ cho cái cội nguồn chung cùng ấy, TÂM SANH DIỆT với 3 tế, 6 thô, 6 nhiễm là để chỉ cho quá trình hình thành phát sinh vô vàn thứ sai biệt ấy.

“Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Những thế giới mình thấy được như thế giới mình đang sống đây, hoặc những thế giới mình không thấy được như thế giới của ngạ quỉ, chư thiên v.v... Tất cả đều không ngoài tâm mà có, nên nói DUY TÂM. Vạn pháp với muôn hình vạn trạng biến đổi vô cùng vô tận của thế giới này đều do phân biệt - gọi là thức - mà ra, nên nói DUY THỨC. Những người bạn tốt, một cuộc sống ấm no hay một đời sống vô vàn khổ cực với một gia đình bất hạnh, một thế giới bình an hay đầy đau thương chiến tranh đều là chỗ hiện của tự tâm. Một niệm tâm thiện là cái nhân để có một cảnh giới thiện. Một niệm tâm bất thiện là cái nhân để có một cảnh giới bất thiện. Thiên đàng hay địa ngục đều không lìa tâm. Lý duy tâm, duy thức được hiển rõ trong toàn luận, nhất là trong phần SỞ KIẾN PHẬT THÂN ở phần II, mà sự HUÂN TẬP chính là nguyên nhân khiến chân thể thanh tịnh phát sinh thành cảnh giới chúng sanh, cũng là điều kiện để một chúng sanh có thể thành Phật. Đây là lý do vì sao nhà thiền dạy người “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Có gì không từ tâm sanh mà không quay lại tâm mình?

Luận này đề cập đến chỗ sâu mầu của Phật pháp nên với đa số là điều khó tin, khó hiểu. Khó tin, khó hiểu vì chỗ sâu mầu ấy vượt ngoài suy nghĩ thường tình của người đời. Song cái mình không thấy không hẳn nó không có. Kinh Hoa Nghiêm nói “Mặt trời chiếu khắp nhưng người mù chẳng thấy. Chẳng thấy nhưng vẫn được lợi ích”. Cho nên, dù khó tin, khó hiểu thì ta có quyền thắc mắc, tìm hiểu nhưng không nên phỉ báng, chê bai. Vì chê bai là ta đang bít con đường dẫn đến chân lý của chính mình. Một khi chân lý đã bít thì khổ nạn không bao giờ chấm dứt. Không phải do mê chân lý ấy mà chúng sanh đang chịu vô vàn khổ não như hiện nay sao? Vì thế, trong phần cuối là LỢI ÍCH VÀ KHUYÊN TU, Tổ Mã Minh nói “Có chúng sanh nào đối với luận này sinh lòng hủy báng chẳng tin, sẽ bị tội báo qua vô lượng kiếp và chịu vô vàn khổ não. Cho nên, chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. 

Chân Hiền Tâm


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn