Thân tâm đều vui

21 Tháng Tư 201504:02(Xem: 5716)

THÂN TÂM ĐỀU VUI

Quảng Tánh

 

Phat

Con người là một hợp thể của năm uẩn, sắc (thân - vật chất) và thọ, tưởng, hành, thức (tâm - tinh thần). Thân và tâm tuy khác biệt nhau nhưng có mối quan hệ khắng khít, tác động và hỗ tương lẫn nhau. Sống ở đời, hạnh phúc nhất là thân khỏe và tâm an, vật chất và tinh thần đều sung mãn. Nói theo Thế Tôn là “thân vui, tâm cũng vui”, đời sống vật chất đầy đủ, thân thể khỏe mạnh đồng thời đời sống tinh thần hiện tại an vui, tâm không còn phiền não, vượt thoát các ác đạo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đầy đủ phước đức thành tựu cả hai phương diện “thân vui, tâm cũng vui”. Hầu hết người ta sống ở đời được cái này thì mất cái kia, “thân vui, tâm chẳng vui” hoặc “tâm vui, thân chẳng vui”. Hai trường hợp này tuy không trọn vẹn nhưng có phần an ủi hơn so với người mất trắng, thiếu phước kém duyên, “tâm chẳng vui, thân cũng chẳng vui”. Hãy nghe Phật dạy về bốn hạng người này.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Có người thân vui, tâm chẳng vui; hoặc có người tâm vui, thân chẳng vui; hoặc có người tâm chẳng vui, thân cũng chẳng vui; hoặc có người thân vui, tâm cũng vui.

Hạng người nào thân vui, tâm chẳng vui? Ở đây, phàm phu tạo phước, đối với bốn việc cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men khi bệnh tật, không có thiếu thốn nhưng họ lại chẳng thoát khỏi đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng lại chẳng khỏi trong đường ác. Đó là hạng người thân vui, tâm chẳng vui.

Hạng người nào tâm vui, thân chẳng vui? Đó là A-la-hán không tạo công đức. Ở đây, trong bốn việc cúng dường, vị ấy không thể tự lo xong, trọn không có được. Nhưng vị ấy thoát khỏi các đường ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Ví như La-hán Duy Dụ. Đó là hạng người tâm vui, thân chẳng vui.

Hạng người nào thân chẳng vui, tâm cũng chẳng vui? Nghĩa là người phàm phu, không tạo công đức, không thể được bốn việc cúng dường y phục, thức uống ăn, giường nằm thuốc men chữa bệnh, hằng chẳng được thoát khỏi ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Đó là hạng người thân chẳng vui, tâm cũng chẳng vui.

Hạng người nào thân vui, tâm cũng vui? Nghĩa là A-la-hán tạo công đức, bốn việc cúng dường không bị thiếu thốn: y phục, thức uống ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Vị ấy thoát khỏi đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ví như Tỳ-kheo Thi-ba-la vậy. Đó là hạng người thân vui, tâm cũng vui.

Này Tỳ-kheo! Thế gian có bốn người này. Thế nên Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện, nên như Tỳ-kheo Thi-ba-la. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Khổ lạc, 

VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.86)

 

Liên hệ đến đời sống xuất gia, chúng ta thấy bốn hạng người mà Thế Tôn đã dạy ở trên rất rõ. 

Có vị rất sung mãn về các phước báo hữu lậu; sức khỏe, chùa to, Phật lớn và đồ chúng đông đảo. Nhưng đó chỉ mới đạt được phần hình thức bên ngoài, còn nội dung bên trong, tâm các vị ấy có vui hay không mới là điều quan trọng. Nếu tâm chưa vui, “chẳng thoát khỏi đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh” thì cái kết vẫn chưa vui.

Ngược lại có vị tu học rất tinh chuyên, giới đức phạm hạnh và tuệ giác cao vời nhưng vì “không tạo công đức” nên thiếu phước báo hữu lậu. Mà thiếu phước duyên thì không đủ phương tiện làm đạo, hoằng hóa thường gặp trở ngại và khó khăn. Dù vậy, nhờ tâm vui nên cái kết cũng được vui.

Còn trường hợp thiếu phước kém trí, thân và tâm đều chẳng vui thì cần nỗ lực tu học thật nhiều. Bởi phước và trí không phải tự nhiên đến mà cần phải gieo trồng nhiều đời.

Người tu hành mà thân thể khỏe mạnh, đời sống vật chất không thiếu thốn, tâm vượt thoát các phiền não, khổ đau như Tỳ-kheo Thi-ba-la, nói khác là thân và tâm đều vui, phước trí đều trang nghiêm thì thật tuyệt vời. Vì thế Đức Phật răn dạy chúng ta hãy cố gắng để thành tựu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 5987)
Từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người tu tập vốn rất nhiều nhưng người thành tựu Thánh quả thì thật hiếm hoi. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng sanh phước mỏng nghiệp dày mà phiền não thì vô lượng, nên dù đã phát tâm hướng thượng nhưng không phải người tu nào cũng đi hết lộ trình, có không ít người phải dừng lại hoặc chuyển hướng vì đường tu hành quá đỗi gian nan.
16 Tháng Sáu 2014(Xem: 6912)
Ai cũng biết, yêu thương là một chất liệu quan trọng của cuộc sống. Nếu thiếu yêu thương thì đời sống trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng yêu thương như thế nào để mình và mọi người cùng muôn loài được lợi ích và an vui là điều nên bàn.
31 Tháng Năm 2014(Xem: 9313)
Mùa an cư được gây dựng trên tinh thần “sống chung hòa hợp của chúng tăng tại một trú xứ”, “giúp tu sĩ trưởng thưởng về mặt tâm linh”, “tạo cơ hội để truyền chánh pháp”, “tránh giẫm đạp lên cây cỏ non, côn trùng”, v.v. Nghĩ về ý nghĩa của mùa An cư, xin gợi lại vài mẫu chuyện đời thường để hiểu hơn về lòng từ bi của Đức Phật trải rộng đến muôn loài vạn vật.
31 Tháng Năm 2014(Xem: 9573)
Thế nhưng, trong một năm không phải lúc nào các Tỳ-kheo cũng du hành giáo hóa độ sanh. Đặc biệt là 3 tháng mùa mưa, Thế Tôn thường khuyến tấn các Tỳ-kheo nên dừng chân an cư, ở yên một chỗ tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ. Bởi lẽ ở lâu một chỗ thì sinh ra dính mắc mà du hành nhiều rày đây mai đó hoài cũng lắm gian nan.
28 Tháng Năm 2014(Xem: 7480)
Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh tu căn bản của hàng Phật tử tại gia. Nhất là trong mùa an cư kiết hạ, khi chúng Tăng tập trung về một chỗ, không đi hóa duyên thì sự hộ trì của hàng cư sĩ lại càng mạnh mẽ hơn.
20 Tháng Năm 2014(Xem: 7056)
14 Tháng Năm 2014(Xem: 6957)