Hai năng lực để thành đạo

07 Tháng Mười 201512:55(Xem: 5386)

HAI NĂNG LỰC ĐỂ THÀNH ĐẠO
Quảng Tánh

 

duc phat thanh daoTìm hiểu về quá trình tu tập của Sa-môn Cồ-đàm - nhất là khi từ bỏ vị thầy thứ hai (Uất-đầu-lam-phất) cùng hội chúng, Ngài đi đến Khổ hạnh lâm trải qua 6 năm khổ hạnh; rồi sau đó là 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ-đề, trở thành bậc Giác Ngộ - chúng ta sẽ thấy rõ tầm quan trọng của nhẫn lực và tư duy lực.

Sau khi Thành đạo, nhìn về con đường tu tập đã đi qua, Thế Tôn đúc kết thành kinh nghiệm quý giá:
“Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nghĩa là nhẫn lực và tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này trọn chẳng thành Vô thượng Chánh chân Chánh đẳng giác”. Người hậu học có thể xem đây là bí quyết để thành công trên đường đạo.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nghĩa là nhẫn lực và tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này trọn chẳng thành Vô thượng Chánh chân Chánh đẳng giác.

Lại nữa, nếu không có hai lực này, trọn chẳng ở xứ Ưu-lưu-tỳ khổ hạnh sáu năm, lại cũng không thể hàng phục ma oán, thành đạo Vô thượng Chánh chân ngồi ở đạo tràng. Vì Ta có sức nhẫn, sức tư duy nên có thể hàng phục chúng ma, thành đạo Vô thượng Chánh chân, ngồi tại đạo tràng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực và tư duy lực; liền thành đạo Tu-đà-hoàn, đạo Tư-đà-hàm, đạo A-na-hàm, đạo A-la-hán, ở Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hỏa diệt,  

VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.214)

Theo lời của Thế Tôn, thật rõ ràng, hai sức mạnh của nhẫn và tư duy chính là điểm mấu chốt giúp Ngài đạt đến đạo quả. Nhẫn lực chính là sức kham nhẫn trước mọi điều không như ý. Chúng ta thử hình dung một người tu khổ hạnh trong rừng sâu, phải đối diện với đói khát, nóng lạnh, bệnh tật, thú dữ, ma quỷ, lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc… Nếu không kham nhẫn thì Ngài không thể vượt qua các chướng ngại, chẳng thể trụ lại được nơi khu rừng Khổ hạnh ấy để tu hành. Đỉnh cao của kham nhẫn chính là sẵn sàng hy sinh thân mạng, chấp nhận cái chết chứ không bỏ cuộc, không thối thất trước những khó khăn chướng ngại.

Kế đến là tư duy lực, tức năng lực tư duy của thiền quán. Khi học với đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất, có thể nói Sa-môn Cồ-đàm đã đạt đến đỉnh cao của Thiền chỉ nhưng Ngài biết rõ rằng, định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ tâm tuy có định mà trí chưa sáng. Sau 6 năm khổ hạnh Ngài cũng đã nhận ra đỉnh cao của khổ hạnh là chết, sự khổ hạnh vẫn không giúp Ngài sáng đạo. Nên khi từ bỏ khổ hạnh, 49 ngày đêm dưới cội bồ-đề, Ngài đã dựa trên kinh nghiệm Sơ thiền, từng bước chứng đạt Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, và từ đây phát huy thiền quán cao độ chứng đắc Tam minh, thành Vô thượng giác. Tư duy lực chính là năng lực thiền quán vô ngã, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết-bàn tối hậu.

Ngày nay, chúng ta tu tập theo giáo pháp của Thế Tôn, người tu tuy nhiều nhưng người đạt đạo thì không nhiều, phải chăng chúng ta thiếu sức kham nhẫn và yếu kém năng lực tư duy? Bình tâm để thấy cái sự đời lắm lúc kham nhẫn được trong nghịch cảnh mà lại không thể kham nhẫn dẫn đến chết chìm trong thuận cảnh. Và đôi khi học cao hiểu rộng bên ngoài mà lại không rõ biết chính mình, không trực nhận được vô thường, vô ngã của thân tâm, vạn sự vạn vật. Thế nên, học theo Thế Tôn chúng ta “nên tìm phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực và tư duy lực” để có thể dự phần vào Thánh quả, thành tựu giải thoát và an lạc.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 7494)
Biện tài hay biện tài vô ngại là một trong những phẩm chất cần thiết của vị sứ giả Như Lai. Biện tài có nghĩa là tài hùng biện, biện luận tài giỏi, khả năng nói các pháp nghĩa một cách khéo léo trôi chảy, thuyết pháp lưu loát, có sức thuyết phục người nghe.
16 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7227)
Chúng ta sinh ra trong cõi Dục nên nghiệp tham ái là bản chất của con người. Ái dục, luyến ái nam nữ có vị ngọt, có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ.
07 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7695)
Đam mê là một cái thú đồng thời là cái tật của con người. Có thể nói rằng hầu hết những người làm nên cơ nghiệp đều bắt đầu từ những đam mê nhưng có không ít người cũng vì đam mê mà thân bại, danh liệt. Cuộc sống nếu thiếu đam mê sẽ nhạt nhẽo, vô vị và mất sinh khí. Vì thực ra, đam mê vốn không phải là tội lỗi nhưng vấn đề cần đặt ra với con người là đam mê cái gì, đam mê như thế nào?
01 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8444)
Theo lời dạy của Thế Tôn: “Tại sao gọi đó là đuốc sáng? Nghĩa là đã dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si”
29 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5758)
Ai cũng biết câu “Gần đèn thì sáng”. Trong đạo cho đến ngoài đời, nếu gặp thầy hay và bạn tốt, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ thăng tiến, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Thầy hay và bạn tốt chính là thiện tri thức. Nhưng với thực tế đời sống hiện nay, thiện ác lẫn lộn, thật giả khó phân, cũng không phải dễ biết ai là thiện tri thức để tựa nương.
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5241)
Đạo Phật chủ trương “duy tuệ thị nghiệp”, không duy tín ngưỡng và thần quyền. Nhìn bức tranh Phật giáo lung linh sắc màu tín ngưỡng và thần quyền hiện nay, người có đạo tâm dù lạc quan đến mấy cũng trầm tư về tính hai mặt của phương tiện. Nói theo pháp phương tiện một cách quá đà, không khéo cũng rơi vào vọng ngữ.
06 Tháng Mười Một 2015(Xem: 4944)
Sau mỗi thời tụng kinh, người đệ tử Phật thường nguyện “Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”. Nguyện cho ánh sáng Phật pháp thường chiếu rọi soi sáng thế gian. Nguyện cho bánh xe Chánh pháp quay hoài để lời Phật được lưu chuyển cùng khắp.
21 Tháng Mười 2015(Xem: 5041)
Giáo huấn của Đức Phật thật rõ ràng, muốn thành tựu giải thoát an lạc thì cần từ bỏ, không thân cận, không “tham đắm pháp dục và lạc”, đồng thời “tu tập đạo chí yếu”. Người học đạo không thân cận hai pháp dục và lạc vì thấy rõ “Đây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não”.
15 Tháng Mười 2015(Xem: 5606)
Người hiện tướng đầu tròn, áo vuông nhưng thiếu vắng phạm hạnh, không có oai nghi, các căn không hộ trì, tâm ý tán loạn, các ác đủ cả… thì những vị này chỉ “tựa như Sa-môn” mà thôi.