TÁNH KHÔNG VÀ NGUYỆN LỰC

02 Tháng Mười Một 201608:27(Xem: 6372)
TÁNH KHÔNG VÀ NGUYỆN LỰC
ZUIO H. INAGAKI
TƯ NGUYÊN dịch từ nguyên tác với nhan đề là “Shunyata and the Vow-Power”.


1. SỰ PHỦ ĐỊNH PHỔ QUÁT VÀ SỰ TRÌNH HIỆN CỦA CHƯ PHẬT

Khi Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm mật Bát Nhã Ba La Mật, quán sát thấy “sắc tức là không; không tức là sắc”. Bát Nhã Tâm Kinh tiếp tục với thọ, tưởng, hành và thức đều không. Không những ngũ uẩn đều không, mà mười hai căn-trần, mười tám giới, mười hai nhân duyên, bốn chân đế, v.v. cũng đều không. Toàn bộ bản văn của Kinh Bát Nhã, kể cả toàn bộ chiều dài suốt 600 quyển của Bộ Kinh Đại Bát Nhã đều nhấn mạnh đến Tánh Không phổ quát, không có một cái gì trên thế gian là hiện hữu.

Ngài Long Thọ (Nagarjuna)1, nhân vật tiêu biểu của triết học Trung Quán, trong những đoạn kệ nổi tiếng của ngài về “Trung Đạo”, dạy rằng, tất cả mọi sự vật được sanh ra bởi nhân và duyên, do đó, đều không có một thực thể nào, nghĩa là, chúng đều rỗng không. Ngài phủ nhận mọi đề nghị có thể đưa ra về sự hiện-hữu và không-hiện-hữu, do đó ngài thiết lập triết lý cơ bản của Trung Đạo. Ngài quả quyết rằng, không có sự chuyển biến thời gian, không có dời đổi, không có bề dài không gian. “Không có sanh và mà cũng không có diệt”, mà ngài còn bảo, “không có hủy diệt mà cũng không có thường hằng, không có giống nhau mà cũng không có khác nhau, không có đến mà cũng không có đi”.

Luận chứng phủ định phổ quát của Ngài Long Thọ là nhắm thẳng vào quan điểm của phái Tiểu Thừa (Hinayana – Sarvastivadin) cho rằng, “tất cả các pháp (sự vật) đều hiện-hữu”, và đạt đến đích tột cùng của sự khám phá chân lý Đại Thừa (Mahayana) về Tánh Không (Shunyata) mà trong đó con người thực chứng về tánh chất không-có-thực-thể của các pháp cũng như của tự ngã. Chúng ta cần phải ghi nhận rằng, đằng sau việc xử dụng luận chứng của mình, ngài đã thực chứng một cách triệt để về Tánh Không – trí tuệ siêu việt của Bát Nhã. Ngài Long Thọ không phải chỉ thuần là luận sư như nhiều người đã đi đến sự tin tưởng này, mà chính ngài, trước tiên, là một hành giả của pháp Đại Thừa, ngài phải đạt đến Trí Bát Nhã trước, rồi sau đó ngài mới triển khai luận chứng vô song của mình. Như đã minh thị trong các trước tác khác của mình, không những chỉ dừng lại ở sự phủ định, mà ngài còn cố gắng vượt bực để khám phá ra cõi siêu việt hiển lộ đồng thời qua việc loại trừ ảo giác về sự hiện-hữu và không-hiện-hữu - và dạy cho chúng ta phương cách để đạt đến đó. Ngài Long Thọ nói rất nhiều về Chư Phật và hành trạng của các ngài, luôn cả Đức A Di Đà và cõi Tịnh Độ của ngài. Ngài khuyến khích việc nhất tâm niệm danh hiệu của Đức A Di Đà trong Chương 9 về Luận Thuyết Thập Địa2 của ngài. Ngài nhận thấy sự trình hiện của Chư Phật dù đã có thuyết phủ định phổ quát của ngài. Chúng ta có lý do để tin rằng, ngài không thấy có sự mâu thuẫn nào trong sự trình bày của cả hai, Tánh Không và sự trình hiện của Chư Phật. Trong cùng tác phẩm (Chương 33) được phát biểu như sau:

Người trí không nói đến các mặt khác biệt trong sự thực chứng của họ về tánh không.

Tánh không thì đồng nhất và không có khác nhau.

Thấy tánh không bằng cách này là thấy Phật, bởi vì Phật và tánh không đều không khác.3

Nếu chúng ta đọc Bát Nhã Tâm Kinh một cách kỹ lưỡng, thì tìm thấy có sự diễn tả tương tự:

Tánh Không không đến từ đâu mà không đi về đâu, Tánh Không tự nó là Như Lai4… Phật và Như Lai không thể thấy được qua sắc tướng, vì đều là Pháp Thân.5

Thực chất của câu này là, Tánh Không tức là Pháp Thân. Vì chỉ có một và đồng nhất Pháp Thân để phân thân cho tất cả Chư Phật, A Di Đà là Pháp Thân Phật tự nó là Tánh Không. Sắc tướng huy hoàng của A Di Đà là Báo Thân Phật và nhiều biểu hiện ứng hóa thân ngài đều quy về bản chất nguyên sơ Pháp Thân, đó là Tánh Không.6

2. THỰC CHỨNG VỀ TÁNH KHÔNG LÀ GIÁC NGỘ TỐI THƯỢNG

Ngay từ lúc ban sơ của lịch sử Phật Giáo, Tánh Không đã là mục đích chính trong sự theo đuổi của người Phật Tử. Ban đầu, nó được nhắm một cách trực tiếp đến sự hiện hữu của chính chúng ta; như sự kết hợp của ngũ uẩn (skandhas), sự hiện hữu của chúng ta là rỗng không, và từ đó, ý tưởng về ‘ngã’ (atman) là sự ngụy tạo dựa trên ảo giác. Nếu có thể thấy được sự thật này, chúng ta mới có được sự giải thoát khỏi vòng kềm tỏa của cái ‘ngã’ và an trú trong sự thực chứng về tánh không-thực-thể của ‘ngã’ (atma-nairatmya). Cho dù sự tỉnh giác về thực tế này cần phải có một thời gian dài tu tập thiền định, chúng ta mới có thể dễ dàng đạt đến trạng thái ‘vô-ngã’ và trở thành A La Hán (Arhats). Người nỗ lực tu pháp Đại Thừa thì đi một bước lớn xa hơn và cố gắng đào sâu hơn về bản chất hiện hữu của chính chúng ta. Có phải chăng những nhân tố cấu thành ra ngũ uẩn là thực sự hiện hữu?

Tâm Kinh bắt đầu với sự tuyên bố rằng, ‘sắc tức là không, không tức là sắc’. ‘Sắc là một thành tố của ngũ uẩn. Người bình thường và những người thiên về pháp Tiểu Thừa sẽ không theo sát sự khẳng định này, ngay khi họ đã sẵn sàng, dù ít hay nhiều, chấp nhận quan điểm cho rằng cái ‘ngã’ là không hiện hữu. Phủ định thực thể của ‘sắc’ là tương đương như phủ định mọi hiện hữu của sự vật. Thực ra, Tâm Kinh lại tiếp tục phủ nhận mọi thành tố khác của ngũ uẩn và mọi nhân tố có thể nhận thức được qua sự cấu thành vũ trụ. Giai đoạn tiến bộ này trong sự phủ định được gọi là tánh không-thực-thể của mọi nguyên tố hay mọi sự vật (pháp) (dharma-nairatmya). Sự phủ định phổ quát, toàn diện này được gọi là ‘sarva-dharma-shunyata’ (tạm dịch là: tất cả - các pháp - tánh không) trong Kinh Đại Bát Nhã.

Trong tất cả các tông phái Phật Giáo, Thiền Tông là nhắm thẳng để đạt đến trạng thái tối thượng của Tánh Không. Làm cách nào mà bạn đạt đến đó? Bằng cách thường xuyên tu tập thiền quán, trong khi giữ Tánh Không luôn ở trong tâm. Cũng như thiền công án (Koan)7 - sự gợi ý trong hành vi và ngôn từ của một vị thiền sư, bao gồm luôn cả câu hỏi và câu trả lời - được dùng một cách rộng rãi để hướng dẫn thiền sinh đạt đến sự chứng ngộ. Cho dù bạn có dùng thiền quán hay công án, bạn cũng phải học cách làm thế nào để ôm trọn cả vũ trụ vào trong tâm rồi sau đó bẻ vụn ra từng mảnh để không còn một dấu vết nào. Trong sự chứng nghiệm thực tế, qua sự thiền định, bạn sẽ ‘cảm thấy’ tất cả sức nặng của vũ trụ ở trong thân mình. Nó sẽ trở thành nặng hơn, rồi nặng hơn cho tới mức mà ở đó sức nặng vũ trụ không thể nào chịu đựng được nữa. Nếu bạn vượt qua được việc này với lòng kiên cường và quả quyết không nao núng, bạn sẽ thấy toàn bộ vũ trụ tan biến như bị hút vào lỗ hổng đen cùng với thân và tâm của mình. Bạn sẽ đi suốt sự chứng nghiệm tương tự nếu mà dùng đến công án.

Công án nổi tiếng nhất là công án ‘Vô’ (không, không hiện hữu) ở trong Vô Môn Quan.8

Vào một ngày, có nhà sư hỏi thiền sư Triệu Châu,

“Con chó có Phật Tánh không?”

Triệu Châu trả lời, “Vô”.

Nếu bạn cứ suy nghĩ về câu chuyện này, ngày này qua ngày kia, bạn sẽ thấy ‘vô’ lớn dần lớn dần đến khi nó hút luôn cả vũ trụ. Vô Môn Huệ Khải (1183-1260), người biên soạn Vô Môn Quan, chú giải trường hợp này như sau:

Với toàn thân của bạn, mang cả sức mạnh của 360 khớp và đốt xương, và 84.000 nang tóc, nâng cả khối nghi ngờ và cột lại bằng chữ Vô, nghĩ về nó cả ngày lẫn đêm. Đừng xét nó là rỗng không và đừng hiểu nó trong giới hạn là có mặt hay không có mặt. Cũng giống như khi bạn đã nuốt phải một cục sắt nóng đỏ, bạn không thể nào mửa nó ra cho dù có cố gắng cách mấy. Dẹp bỏ mọi ý tưởng và nhận thức sai lầm mà bạn đã ôm ấp từ trước đến nay và làm một nỗ lực mới để đạt đến sự trưởng thành trong thực tế, cho đến khi mà toàn thể con người bạn, trong và ngoài, tự biến thành một mảng. Bạn chỉ có thể tự mình biết, như người câm thấy được giấc mộng. Nếu bạn vượt qua một cách không chùn bước và thành công trong sự đột phá qua rào cản, bạn sẽ làm cho rung trời chuyển đất. Như thế bạn đã đạt được sự tự do hoàn toàn giữa sanh và tử mà thanh thản tự tại trong sáu cõi Ta Bà và bốn loài chúng sanh.

Một lần nữa, Huệ Khải đã phát biểu trong đoạn kệ giới thiệu:

Đại Đạo thì không có cổng,

Mặc dù cả ngàn đường đều hướng đến nó.

Đã bước qua được cổng rồi,

Bạn mới có thể một mình đi trong vũ trụ.

Một thiền sư Trung Hoa nổi tiếng là Hoàng Bá Hy Vận9, cũng giới thiệu công án ‘Vô’ như sau:

Suy nghĩ về chữ ‘Vô’ suốt ngày. Nghiền ngẫm nó, ngày này qua ngày kia. Dính sát với nó dù bạn đi, đứng, nằm, ngồi, hay mặc quần áo hay ăn cơm, dù đại tiện hay tiểu tiện. Suy gẫm nó từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác một cách vững chãi và chuyên cần. Sau một thời gian dài, có lẽ sau nhiều năm, toàn con người của bạn sẽ trở thành một mảnh. Khi mà toàn bộ đóa hoa-tâm của bạn bất chợt nở ra và bạn sẽ thấy được tâm của chư tổ. Bạn sẽ không còn bị lờ mờ gì với những ngôn từ của các vị thầy cũ, và bấy giờ bạn mới có thể mở rộng miệng ra mà nói lên sự thực.

Bằng cách bước vào Vô Môn Quan sau một thời gian dài tu tập thiền định, bạn sẽ thấy bản tánh thực sự (chân tánh) của mình và thực chất của mọi hiện hữu.Vào lúc ban đầu, Bồ Đề Đạt Ma10 đã mang truyền thống Thiền từ Ấn Độ sang, không truyền một lời, chỉ dạy cho chúng ta “thấy bản tánh chính mình mà trở thành Phật”. Vì chân tánh của chúng ta và thực chất của mọi hiện hữu là Tánh Không, nó không có thể nắm bắt như những gì có thể chất. Ngay khi bạn thấy nó, bạn mất đi cơ sở của hiện hữu của mình, với thân và tâm của bạn hoàn toàn bị hút vào Tánh Không mà không có dấu vết nào.

Như Ngài Long Thọ đã phát biểu trong Luận Thuyết về Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh của ngài, “Trí tuệ về thực tế này giống như là một trái banh lửa vĩ đại, không thể nào nắm bắt ở bốn phía”. Thực ra, khi bạn gặp được Bát Nhã, bạn bị “cháy thành tro” rồi.

3. TÁNH KHÔNG LÀ SUỐI NGUỒN CỦA MỌI SINH HOẠT PHẬT GIÁO

Trước khi lập Đại Nguyện, Pháp Tạng, đã ở vào một địa vị cao của hàng Bồ Tát11, đã đạt đến trí Bát Nhã, với trí tuệ này ngài thực chứng được Tánh Không. Có nghĩa là ngài đã thực chứng được Pháp Thân. Trong mối tương quan này, nhắc đến lời phát biểu của Ngài Đàm Loan12: “Chư Phật và Chư Bồ Tát đều có hai Pháp Thân: Pháp Tánh Pháp Thân và Phương Tiện Pháp Thân”13 Từ sự chứng ngộ Pháp Thân sanh khởi nên lòng Đại Bi rồi phát ra Đại Nguyện, tạo ra năng lực tàn phá mãnh liệt quanh ‘cốt lõi’ Tánh Không của nó, không những chỉ cuốn hút mọi thứ, mà còn tạo nên năng lực vĩ đại, đó là sự biểu hiện qua Nguyện-Lực. Nguyện-Lực hoạt động trong bốn phương diện:

(1) Để đạt thành Phật Quả của Báo Thân;

(2) Để tạo ra cõi Tịnh Độ;

(3) Để hướng dẫn hàng Bồ Tát;

(4) Để cứu độ chúng sanh.

Cho dù Pháp Tạng đã đạt thành Pháp Thân, ngài cũng cần một thời gian dài để tích lũy công đức để có được một thân vóc rực rỡ. Như trong lời nguyện thứ mười hai và mười ba, ngài đã trở thành Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ - A Di Đà.14 Cõi Tịnh Độ huy hoàng cũng đồng thời hiển bày lúc mà ngài thành Phật. Để hướng dẫn một cách có hiệu quả cho hàng Bồ Tát tiến lên quả vị Phật, ngài phải ở trong một trạng thái để dễ bề tiếp dẫn. Một Báo Thân Phật là một Đại Định Phật (Samadhi Buddha); đây có nghĩa là A Di Đà lúc nào cũng ở trong Đại Định, và bất cứ ai bước vào A Di Đà Đại Định có thể được vãng sanh vào Tịnh Độ, nơi mà người đó đạt đến một bậc cao của hàng Bồ Tát và nhanh chóng đạt đến Tối Thượng Giác Ngộ (Tối Thượng Bồ Đề)15. Thậm chí nếu bạn không thể tận dụng trực tiếp đến Định Lực của A Di Đà, bạn vẫn còn có thể tận dụng lợi thế của Nguyện-Lực thực hiện trên bạn qua hình thức của Danh Hiệu của ngài. Hơn nữa, qua Nguyện Lực của ngài, A Di Đà với tư cách là Báo Thân Phật có thể biểu hiện qua Hóa Thân tạm thời của ngài đến người tín đồ bất cứ khi nào thấy thích ứng - trong lúc họ chết hay trong giấc mộng. Theo Ngài Đạo Xước16, vị Tổ Thứ Tư, trước hết ngài xác nhận, cõi Tịnh Độ của A Di Đà là cõi Báo Đền, có nghĩa là, quốc độ của Báo Thân Phật. Bất cứ ai cũng có thể sanh vào đó nương theo Nguyện-Lực của ngài. Khi nào và làm sao bạn mới có thể đạt đến Giác Ngộ tối thượng? Ngài Đàm Loan lại nêu ra rằng, nương vào Lời Nguyện Thứ Mười Một, bạn mới có thể chứng ngộ được nó, và Ngài Thân Loan17 theo bước chân của ngài mà hình thành chương Chân Giác Ngộ dựa vào Lời Nguyện này. Ngài Thân Loan còn nhấn mạnh trong chương về Chân Phật và Quốc Độ có thêm rằng, chúng sanh với sự si mê và phiền não không thể nào thấy được chân tánh của họ vì bị che mờ bởi ái dục xấu xa, nhưng khi mà họ đến Quốc Độ An Bình và Cực Lạc thì họ chắc chắn sẽ khám phá ra Phật Tánh của họ nhờ sự chuyển nhượng công đức của A Di Đà. Bây giờ đã rõ ràng rằng chúng ta có thể thấy được Phật Tánh của mình và thực chứng được Pháp Thân sau khi được vãng sanh vào cõi Tịnh Độ. Những gì mà người tu Thiền cần phải cố gắng theo đuổi trong đời sống này mà người tu Tịnh Độ đạt được trong Quốc Độ của A Di Đà. Hãy xét đến trường hợp là Thiền cần phải có một sự tu tập siêng năng và lâu dài thì, Chân Tông chỉ cần chấp nhận Nguyện Lực của A Di Đà.

Có một một sự thuận tiện khác khi nương theo Nguyện-Lực. Dù cho một người có đạt đến sự chứng ngộ một cách thành công qua thiền quán và công án thiền, người ấy có lẽ ngưng đi việc tu Đạo. Một người thực sự cần phải thiết lập những lời nguyện và thực hiện Lục Độ Ba La Mật để trở thành Báo Thân Phật và thiết lập ra một Quốc Độ của Phật Báo Thân như là Ngài Pháp Tạng đã làm. Nếu chúng ta xử dụng Nguyện-Lực của chính mình, thì chúng ta cũng đồng thời dùng lộ trình được thiết lập bởi A Di Đà và cùng tham dự vào sanh hoạt vĩnh viễn của ngài.

4. SỰ RÀNG BUỘC VÀO NGHIỆP LỰC CỦA CHÚNG TA VÀ SỰ GIẢI THOÁT KHỎI NÓ

Từ quan điểm về Tánh Không, con người hiện hữu như là một huyễn ảnh, hay là một giấc mộng, hay là một bọt bóng trên nước. Tuy là không đáng kể, nó có bản chất riêng của nó, mặc dù là một giả tướng, nó luôn luôn tạo ra nghiệp vì đó là một ràng buộc không thể nào tách rời. Trong sự vô minh và ảo giác, con người mang cả khối lượng nghiệp vào thân với sự lập đi lập lại những hành động sai trái và gánh chịu những khổ quả đắng cay. Vì luật về nghiệp báo bao trùm khắp tất cả, con người không thể nào chạy thoát khỏi vòng si mê - nghiệp báo - khổ sở.

Phật Giáo là con đường giải thoát cho con người ra khỏi vòng kềm tỏa của nghiệp lực thì có nhiều cách. Sau đây là những phương pháp hữu hiệu được dùng đến:

(1) Thực hiện những việc tốt lành được Đức Phật chỉ dạy để xoay ngược lại vòng xấu ác;

(2) Chú tâm vào bản chất huyễn giả của cái ngã nơi mình và cố gắng tách rời mình ra khỏi sự ràng buộc vào sự hiện hữu của mình;

(3) Quán niệm về các đối tượng thuần khiết đức hạnh, như Chư Phật, quốc độ và danh hiệu của các ngài;

(4) Quán niệm về tánh Tánh Không trong sự hiện hữu của một người và mọi sự vật;

(5) Thể nhập vào Nghiệp Lực của A Di Đà mà nương theo đó người ta vãng sanh vào Tịnh Độ.

Như đã so với nghiệp lực của một người, cái mà sanh khởi từ vọng tưởng và ảo giác, Nghiệp Lực của A Di Đà sanh khởi từ Tánh Không và phù hợp với sự Đúng Như Thật. Khi hai dòng nghiệp lực này gặp nhau, Nghiệp Lực của A Di Đà đương nhiên sẽ vượt thắng và thu hút nghiệp lực kia, giống như là một dòng nước xoắy cuốn hút những con nước nhỏ. Để gặp được dòng Nghiệp Lực của A Di Đà, chúng ta được dạy thực hành Năm Pháp Quán Niệm của Ngài Thế Thân (Vasubandhu)18 hay Năm Chánh Pháp của Ngài Thiện Đạo19. Năm Pháp Quán Niệm là:

(1) Thờ phụng A Di Đà;

(2) Tán dương ngài;

(3) Nguyện vãng sanh vào Tịnh Độ;

(4) Quán tưởng A Di Đà, cõi Tịnh Độ và thánh chúng bồ tát ở cõi đó;

(5) Hồi hướng công đức có được đến cho kẻ khác để cứu độ họ.

Những pháp quán trên nguyên là phương tiện cho hàng bồ tát nhưng cũng có thể được dùng cho người thường như Ngài Đàm Loan đã giải thích. Năm Chánh Pháp của Ngài Thiện Đạo dựa theo khuôn mẫu của Năm Pháp Quán Niệm, nhưng các pháp này rõ ràng là dành cho người thường.

(1) Tụng kinh;

(2) Quán niệm A Di Đà và cõi Tịnh Độ;

(3) Thờ phụng A Di Đà;

(4) Niệm Phật;

(5) Tán dương A Di Đà và thờ cúng ngài.

Ngài Thiện Đạo đặc biệt nhấn mạnh đến pháp thứ tư vì Niệm Phật (Hồng Danh Niệm Phật) được nhắc đến trong Lời nguyện Thứ Mười Tám là cách thực hành để vãng sanh về Tịnh Độ.

Bằng cách Niệm Phật, bạn dần dần sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Phật A Di Đà và tiếp cận đến Nghiệp Lực của ngài. Cuối cùng, khi thời gian chín muồi, nghiệp lực của bạn sẽ hoàn toàn bị nhiếp phục vào Nghiệp Lực của ngài. Trạng thái này được gọi là ‘hoan hỷ tín thác tâm’ hay là ‘Thành Tín’. Những gì mà bạn cảm nhận được trong lúc này được mô tả là ‘trao chính mình cho A Di Đà’ hay ‘giao hết cho A Di Đà’. Vậy điều gì xảy đến cho bản chất của bạn? Bản chất giả tạm, cái mà chúng ta đã có trong cái ngã bị ràng buộc bởi vọng nghiệp, sẽ tan biến và bạn sẽ được một bản chất mới - bản chất tuyệt đối, không lay chuyển, căn cứ vững vàng trong Nguyện-Lực và Tánh Không.

Thực ra, Bản Chất này chính là Pháp Thân. Nó đã là trọng tâm của vũ trụ từ vô thủy quá khứ và sẽ kéo dài tới vô tận tương lai. Nó được phân thân bởi tất cả Chư Phật và Chư Bồ Tát, và bạn sẽ cùng thể nhập được cái Bản Chất tuyệt đối này. 1 Long Thọ (Nagarjuna, 龍樹, 150-250) là một tổ sư và luận sư Phật Giáo quan trọng. Cùng với đệ tử của ngài là Thánh Thiên (Aryadeva) sáng lập ra Phái Trung Đạo trong Phật Giáo Đại Thừa. Trong truyền thống Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, ngài được coi là vị Sơ Tổ của truyền thống này. 2 Dashabhumika- vibhasa, Discourse on the Ten Stages. 3 H. Inagaki, Nagarjuna's Discourse on the Ten Stages, Ryukoku University (龍谷大学), 1998, trang 5:

“The wise do not speak of discriminative aspects in their realization of voidness. Voidness is uniform and has no different aspects. To see voidness in this way Is to see the Buddha, because Buddha and voidness are not different.” 4 Tathagatas 5 Sách đã dẫn trên. 6 Tam Thân (Trikaya, 三身) là một giáo lý quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa về bản chất của thực tế và bản chất của Phật. Đến thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, Giáo Lý Tam Thân đã phỏng định hình thức mà chúng ta biết bây giờ. Một cách tóm tắt, giáo lý này cho rằng, Phật có ba thân: Ứng Thân (Nirmanakaya, 応身) là biểu hiện trong thời gian và không gian; Báo Thân (Sambhogakaya, 報身) là thân tướng của an lạc hay là sự biểu hiện ánh sáng trong sạch; và Pháp Thân (Dharmakaya, 法身) là hiện thân ngay chính nguyên lý của sự giác ngộ và là tri kiến vô hạn vô biên. 7 Công Án (tiếng Nhật là Koan, 公案) là một phần căn bản của lịch sử và hiểu biết về Thiền-Phật Giáo. Nó bao gồm một câu chuyện, mẫu đối thoại, một câu hỏi, hay lời phát biểu mà ý nghĩa của nó không thể nào hiểu thấu qua suy xét bằng lý trí, mà chỉ được thấu triệt qua trực giác. 8 Vô Môn Quan (無門関) là một tập gồm 48 Công Án Thiền biên tập vào đầu thế kỷ thứ 13 bởi thiền sư Trung Hoa Vô Môn Huệ Khải (無門慧開, 1183-1260). 9 Hoàng Bá Hy Vận (黄檗希运, ?-850) là một thiền sư có ảnh hưởng lớn trong Thiền Tông Trung Hoa, đệ tử Bá Trượng Hoài Hải (百丈懷海, 720-840) và là thầy của Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄,?-866). 10 Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, 菩提達摩) sống vào thời gian thế kỷ thứ 5 sang thứ 6, mang Thiền (Zen) vào Trung Hoa, được xem là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa, và là Tổ Thứ 28 của Phật Giáo kể từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở về sau. 11 H. Inagaki, Đàm Loan (曇鸞), Giảng về Luận Tịnh Độ của Thế Thân (世親, Vashubandu), trang 143. 12 Đàm Loan (曇鸞, 476-542) một nhà sư Trung Hoa được xem là tổ sáng lập Tịnh Độ Trung Hoa, và được xem là tổ thứ ba của Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản. Ngài nguyên là một nhà sư Phật Giáo, nhưng sau khi ngài trở bệnh, ngài nghiên cứu Đạo Giáo để tìm thuốc trường sanh. Sau khi gặp Ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci), một nhà sư từ Ấn Độ, ngài trở thành người sùng mộ giáo pháp của Tịnh Độ. 13 Sách đã dẫn, Đàm Loan (một vị Tổ Tịnh Độ Tông) đã phát biểu: “Chư Phật và Chư Bồ Tát đều có hai Pháp Thân: Pháp Tánh Pháp Thân (Dharmakaya of Dharma-nature) và Phương Tiện Pháp Thân (Dharmakaya of Expediency). Từ Pháp Tánh Pháp Thân khởi nên Phương Tiện Pháp Thân; xuyên qua Phương Tiện Pháp Thân mà hiển lộ Pháp Tánh Pháp Thân. Hai Pháp Thân này khác nhau nhưng không thể tách rời; là một nhưng không giống nhau”. Theo quan điểm của ngài, Pháp Thân – Dharmakaya (A Di Đà) hiện hữu qua hai khía cạnh: Pháp Tánh Pháp Thân (Trí Tuệ) có mặt khắp nơi, vô tướng, vượt thời gian và tồn tại siêu nhiên (Vô Lượng Thọ) và Phương Tiện Pháp Thân (Từ Bi) sanh hoạt trong mọi lãnh vực nhân và duyên (Vô Lượng Quang). Hai khía cạnh là ‘một nhưng không giống’. 14 Đức Phật A Di Đà (Amitabha Budhha) là danh xưng của Đức Phật Vô Lượng Quang (Amitabha) – Vô Lượng Thọ (Amitayus). 15 Sách đã dẫn. 16 Tao-Ch'o (562-645) [道綽]: Đạo Xước. 17 Shinran (1173-1262) [親鸞 - Thân Loan], cao tăng người Nhật, sáng lập Tịnh Độ Chân Tông (Jodo Shinshu), còn gọi là Chân Tông, một tông phái Phật Giáo mạnh nhất tại Nhật Bản hiện nay. 18 Vasubandhu (Thế kỷ thứ 4) [世親]: Thế Thân. 19 Shan-tao (613-681) [善導]: Thiện Đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2287)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8434)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3126)