CHÍNH MÌNH PHẢI CHỊU TỘI
Thích Nguyên Hùng
Phần đông con người có xu hướng thoái thác trách nhiệm, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, hoặc viện dẫn nhiều lý do để giảm mức độ nghiêm trọng đối với những lỗi lầm đã gây tạo. Phạm chí Đà-nhiên (Dhananjani) đã từng là một người như thế (1).
Đà-nhiên vốn là bạn của Tôn giả Xá-lợi-phất, sống ở thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà. Qua thông tin của một Tỳ-kheo, Tôn giả Xá-lợi-phất biết Đà-nhiên sống buông lung, không thường đi chùa lễ Phật và không ưa nghe Pháp, do đó, sau mùa an cư ở Xá-vệ, Tôn giả lên đường về thành Vương Xá, trú ở tinh xá Trúc Lâm. Sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất lần lượt đi khất thực trong thành Vương Xá và đến nhà Phạm chí Đà-nhiên để giáo hóa người bạn này.
Khi gặp Đà-nhiên, Tôn giả Xá-lợi-phất trách bạn vì sao sống buông lung, giả dối, lường gạt, dựa thế vào nhà vua để dối gạt Bà-la-môn, cư sĩ; dựa thế Bà-la-môn, cư sĩ để dối gạt nhà vua, thì Đà-nhiên biện hộ rằng, ông ta còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận, còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cho cha mẹ, chăm sóc vợ con, cung cấp cho nô tỳ, phải nộp thuế cho vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn để sau này còn được sinh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc, cho nên không thể sống tinh tấn và đúng Chánh pháp được.
Nói cách khác, người ta sống ở đời có biết bao nhiêu việc để làm, để lo toan nhằm đảm bảo nhu cầu thu nhập nuôi sống bản thân, chăm lo gia đình và trang trải các mối quan hệ xã hội… thì làm sao có thể sống trung thực, đúng Chánh pháp cho được? Cho nên, lừa dối, phạm pháp… đôi khi chỉ vì để làm tròn bổn phận, để cho người thân của mình, cho gia đình mình có cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Khi nghe Đà-nhiên lý luận như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền hỏi: Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói: ‘Tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục?’. Hay cha mẹ của người ấy làm được gì khi nói: ‘Con chúng tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo nó đến địa ngục?’.
Phạm chí Đà-nhiên nghe Tôn giả hỏi mà sững hồn!
Thật vậy, mỗi khi bị đọa vào địa ngục, người ta không thể nói rằng: Tôi vì tổ tiên, cha mẹ, vợ con, trả lương cho công nhân, nộp thuế cho nhà nước, cúng dường xây chùa, đúc chuông, tạo tượng, bảo trợ cô nhi, xây nhà tình nghĩa… mà tạo các nghiệp ác, mà phạm pháp, mà tham nhũng… nên đừng hành hạ tôi. Những địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than!
Địa ngục quân đây không ai khác mà chính là năng lực của nghiệp. Nghiệp lực là một thứ sức mạnh không thể nghĩ bàn. Hữu bộ Tì-nại-da, quyển 46, ghi: “Nghiệp lực bất khả tư nghì, dẫu gây tạo từ lâu xa, đến khi quả báo thành thục thì cầu xin, trốn chạy vẫn không thể thoát”(2). Cho nên, đã gây tạo nghiệp ác là phải nhận chịu quả báo ác, không thể lấy bất kỳ lý do nào để biện hộ cho các nghiệp ác mình đã gây tạo để thoát khỏi tội báo.
Giáo lý Nhân quả - Nghiệp báo xác định rõ con người là chủ nhân của nghiệp và là kẻ thừa tự của nghiệp. Tùy thuộc vào nghiệp tốt hay xấu, thiện hay ác mà có hoàn cảnh và cuộc sống tốt đẹp hay khổ đau. Nghiệp là một năng lực, khi còn ở tiềm năng thì gọi là nghiệp nhân, khi đã thể hiện qua hành động thì gọi là nghiệp tướng, khi lãnh thọ quả báo thì gọi là nghiệp quả. Nghiệp là kết quả của các hành vi từ thân, khẩu, ý có dụng tâm (có tác ý).
Theo đó, với tâm niệm tốt, thiện lành, thân khẩu ý sẽ tạo ra 10 nghiệp thiện; với tâm niệm không tốt, bất thiện, thân khẩu ý sẽ tạo ra 10 nghiệp ác. Nghiệp này sẽ dẫn dắt chúng sinh đến những hoàn cảnh và cuộc sống tương ưng. Khi đến đó, chủ nhân của nghiệp không thể biện hộ hay viện dẫn bất kỳ lý do nào để có thể thay đổi được nghiệp báo. Đối tượng hay những người thân đã từng chịu ảnh hưởng, chịu thừa hưởng kết quả của người tạo nghiệp cũng không van xin hay cầu nguyện mà có thể thay đổi được bản chất của nghiệp báo.
Vì vậy, nếu tạo nghiệp ác để lo chu cấp, nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con, làm các việc thiện… thì thà đừng lo chu cấp, nuôi dưỡng còn hơn! Bởi như thế là sẽ tạo ra một xã hội, một cộng đồng cộng nghiệp với nhau gánh chịu quả báo xấu ác, bất an, rối loạn, suy thoái cả kinh tế lẫn đạo đức.
Vả chăng, như lời Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ dạy, mọi người ai cũng có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chứ chẳng gây nghiệp ác: “Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm”. Hơn nữa, người nào sống như pháp, như nghiệp, như công đức thì được mọi người tôn trọng, cung kính, thương yêu, phước đức ngày càng tăng trưởng, không hề bị giảm sút.
Vì vậy, những ai đang có trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ con, bạn bè, tôi tớ, nhân công, thân hữu, bà con huyết thống, khách bạn, tổ tiên, chư thiên, đất nước, và còn cái thân này cần được chu cấp, thì cũng phải có trách nhiệm với hành động, lời nói và suy nghĩ của mình, sao cho có thể tạo ra những nghiệp thiện, nghiệp trắng, khả dĩ đưa đến thiện xứ, đồng thời hãy tránh xa, hãy đoạn diệt những hành động, lời nói và suy nghĩ gây tạo nghiệp ác, nghiệp đen, đưa đến quả báo ác.
Nên nhớ, nếu một người suốt đời gây tạo 10 nghiệp bất thiện, đến khi chết, thỉnh mời Tăng Ni và mọi người tập trung cầu nguyện, van xin cho người đó được sinh về thiện xứ, thì cũng giống như lấy tảng đá lớn đem ném xuống vực nước sâu rồi đứng trên bờ cầu nguyện, hy vọng cục đá nổi lên, đó là điều không tưởng! Cho nên, 10 loại nghiệp đạo bất thiện vốn đen, có quả báo đen, tự nhiên đi thẳng xuống, chắc chắn đi đến ác xứ.
Ngược lại, nếu một người suốt đời tu tập 10 nghiệp thiện, đến khi chết, dẫu vì lý do nào đó người ta lại kêu gọi mọi người tập trung cầu nguyện, van xin, nguyền rủa cho người đó đi đến ác xứ, sinh vào địa ngục, thì cũng giống như người đem hũ dầu ném vào nước, hũ dầu bị vỡ lặn chìm xuống nước, còn dầu nổi lên trên mặt nước, dù cho có cầu nguyện, van xin dầu cũng không thể chìm được. Do đó, 10 nghiệp đạo thiện là trắng, có quả báo trắng, tự nhiên thăng lên, chắc chắn đến thiện xứ (3).
Không một ai có thể thay đổi hay chịu thọ nghiệp thay thế cho ai. Mỗi người đều phải thừa tự nghiệp do chính mình gây tạo, cho dù khi gây tạo chúng ta có ý nghĩ làm việc này cho người này, cho người kia, cho gia đình, cho cha mẹ, cho bạn bè… Tất cả những tài sản có được từ nghề nghiệp bất chính, như giết hại chúng sinh, sản xuất và buôn bán ma túy, buôn bán nô lệ, buôn bán thuốc giả, tham nhũng, lường gạt… thì dù có cung phụng cho cha mẹ, xây chùa, tạo tượng, đúc chuông… cũng không thể thay đổi được quả báo xấu ác về sau.
Thích Nguyên Hùng
------------------
(1) Trung A-hàm, kinh Phạm chí Đà-nhiên. Pāli, M. 97. Dhānañjani sutta.
(2) ĐTK/ĐCTT, tập.23, tr.879.
(3) Trung A-hàm, kinh Già-ni-di. Pāli: S. iv. 311.