04. Vấn Đề Thực Chứng

07 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 10429)


ĐỂ HIỂU ĐẠO PHẬT 

Phương Bối 


VẤN ĐỀ THỰC CHỨNG 

Tất cả các giáo-lý của đạo Phật đều được xây dựng trên nền-tảng thực-chứng của đức Phật, của các vị bồ-tát và của bậc tăng-già tu-hành đắc-đạo. Tư-tưởng Phật- giáo vì thế đều đã được thể-nghiệm hóa. Đạo Phật mà ly-khai với sự thực-chứng thì cũng như Cơ-đốc-giáo ly khai với sự cầu nguyện. Bởi vì, nếu ly khai với sự cầu nguyện, Cơ-đốc giáo sẽ mất hết sinh khí, và đạo Phật nếu ly khai với sự thực-chứng thì sẽ không còn gì nữa.

Chân lý mà đức Phật đã chứng-ngộ được gọi là giáo lý bản chất. Những lời lẽ, những luận-lý mà Ngài dùng diễn-đạt chân-lý ấy được gọi là giáo lý ảnh-tượng. Đó không phải là bản-thân của chân-lý mà chỉ là những đồ-án dùng để thể-nghiệm chân-lý.

Giáo-lý của Câu-xá-Tông, Thành-Thật-Tông, Pháp-Tướng-Tông, Thiên-Thai-Tông hay Hoa-Nghiêm-Tông… cũng đều là những kết-quả của sự thực-chứng bằng Thiền-định. Tùy theo sự chứng-ngộ cao thấp và tùy theo nhu cầu của căn cơ và của thời-đại, sự diễn-giải giáo-lý có sai khác nhau. Mỗi giáo-lý trình-bày một khía-cạnh của chân-lý, một ảnh-tượng của chân-lý. Sự kiến lập của bất cứ một hệ-thống giáo-lý nào trong Phật-giáo cũng đều lấy nền-tảng ở thiền-quán. Hệ-thống giáo-lý ấy nếu sau này có mang nặng tính cách lý-luậïn hình-thức, thì đó cũng là vì hậu-thế không lo thực-chứng mà chỉ lo lý-luận suông. Biến Phật-giáo thành một môn học để nghiên-cứu bằng lý-luận hình-thức, đó là một công việc mà người đời nay ưa làm, và cũng là bằng cớ chứng tỏ sự suy-trầm cuả đạo Phật. Đạo Phật không chú trọng luận-lý suông: đạo Phật đòi hỏi sự thực chứng.

Nếu các vị tổ xưa không tu tập tứ-thiền và tứ-vô-sắc-định, thì ngày nay ta đã không có giáo-lý Câu-xá. Nếu không có sự thực-hiện ngũ-trùng duy-thức-quán, ngày nay ta sẽ không có giáo-lý Duy-Thức. Nếu các Ngài không thực hiện pháp-môn thực-tu nhị-đế và không-quán ngày nay ta cũng sẽ không có giáo-lý Tam-Luận… Nhưng với những giáo-lý ấy, những đồ án để đi tìm chân-lý mà các ngài đã để lại ấy, chúng ta chỉ đem ra thảo-luận mà không chịu thực-hành, sinh-khí của đạo-pháp làm sao mà phát hiện được?

Trong phương pháp thể-nghiệm của đạo Phật, ta thấy có hai phần: chỉ và quán. Chỉ là tác-dụng điều-trị cảm giác, chế ngự biểu tượng, xả bỏ tất cả những vọng-niệm và tạp-niệm. Đó là phần tiêu-cực. Còn quán, phần tích-cực, là tác-dụng khảo-sát những công-án thiền-định, căn cứ trên lực lượng tập trung của tâm-ý. Chỉ và quán được thực-hiện một cách quân-bình và thăng-tiến sẽ đưa hành giả đến sự thể nghiệm chân-lý.

Công-năng của chỉ là ngăn ngừa sự tán loạn dao động của tinh thần, tạo cho người hành-giả một cảm giác an lạc, tự chủ, giải phóng, những yếu-tố tạo-thành thiền-duyệt (khoái cảm trong thiền định). Công năng của quán là đồng-nhất-hóa khả-năng tâm-ý và nội dung của quan-niệm, tiêu trừ sự khu-biệt chủ-thể và đối-tượng chủ quan và khách quan và làm phát sinh sự trực-nhận chân-lý (hiện-lượng-trí). Ở đây những công-án giáo-lý có vai trò mở lối, giúp đỡ cho trực-giác thiền-quán.

Vì thế, lý-luận giáo-lý dù có tinh nhuệ bao nhiêu, lý tưởng giáo-lý dù có cao xa bao nhiêu, bất quá cũng chỉ dừng lại ở phạm-vi tri-thức và chỉ có thể là một thứ đồ-án mà thôi. Hành-giả phải căn cứ vào đồ-án ấy, dùng đồ-án ấy làm nền tảng cho phương-pháp chỉ-quán của mình. Nếu giáo-lý không được học hiểu và áp dụng như thế thì dù có chứa đủ tám vạn bốn ngàn pháp môn, cũng chỉ là bánh vẽ mà thôi vậy.

Đức Phật, sau khi chứng ngộ chân-lý, liền chỉ bày cho các đệ-tử xuất-gia những tài-liệu và phương-pháp để thực chứng chân-lý; những giáo-lý ấy phù hợp với khả-năng và trình-độ của họ. Ta không thể nhìn qua các tài-liệu và phương-pháp ấy để đoán định nội-dung thực-chứng của đức Phật, bởi vì nội-dung thực-chứng ấy chỉ nằm trong sự thể-nghiệm bản-thân của Ngài. Nội dung ấy chỉ được biểu-diện-hóa một phần nào nơi giáo-lý. Các pháp Tứ-đế-quán, Thập-nhị-nhân-duyên quán, Tứ-niệm-xứ-quán, Tứ-vô-lượng-quán… đều là những hình-thức giáo-lý được phát-biểu trong một thời đại, với một căn cơ. Sau này, các vị bồ-tát và các bậc cao tăng chứng ngộ cũng tùy thời, tùy cơ mà tiếp tục biểu-diện-hóa và giáo-lý-hóa nội-dung sự thực-chứng ấy.

Do công trình không ngừng ấy của các bậc chứng ngộ, mà Phật-giáo dần dần được phân-hóa và trở thành phong-phú thêm về phương diện giáo-lý. Tuy vậy, từ xưa tới nay, giáo-lý Phật-giáo vẫn được nhận thức như "những ngón tay chỉ mặt trăng", những phương tiện chỉ bày chân lý. Giáo lý không thể là chân-lý, vì giáo-lý chỉ là ngữ-ngôn, văn-tự, lý-luận, trong khi chân-lý là trực-quán, thoát-ly suy lý và tư lự.

Chân-lý có thể được biểu-diện-hóa bằng trăm ngàn phương-thức và được giáo-lý-hóa trên những cơ-sở lý luận phù hợp với sự tư-duy của trí-óc con người. Các hệ-thống giáo-lý được thành lập sau này chính là kết quả của sự khai-triển không ngừng của Phật-giáo để thực hiện sự khế-hợp với căn-cơ và với thời đại. Giáo-lý chân-không của Trung-Quán-Luận chẳng hạn là phương thức biểu-diện-hóa chân lý đứng trên lập trường biện-chứng-luận. Giáo-lý duy-thức của Pháp-Tướng-Tông là sự biểu-diện-hóa chân-lý đứng trên lập trường nhận-thức-luận. Giáo-lý "chân-như" của Khởi-Tín-Luận là sự biểu-diện-hóa chân-lý đứng về mặt bản-thể-luận… Tất cả đều là kết-quả của sự thực-chứng. Nghiên cứu các giáo-lý ấy là để giúp thêm cho mình những kiến-văn cần thiết cho sự tu-tập, chứ không phải để "thấy" được ngay chân-lý.

Kết luận: Giáo-lý Phật-giáo sở dĩ có giá-trị vì đó là kết quả của thực-chứng. Trong hai ngàn rưỡi năm lịch sử, giáo-lý đã được phong-phú thêm nhiều chính là do ở sự thực tu, thực-chứng của các bậc tiền bối. Sinh-khí cuả đạo Phật đã được nuôi dưỡng từ thời đại đến thời đại, qua sự truyền-trì và tu-chứng của các bậc xuất gia tịnh-hạnh. Ngày nay, những bậc có thực-chứng hình như đã hiếm-hoi, sinh-khí của Đạo-Pháp vì vậy không còn linh-hoạt như trước. Nghiên-cứu giáo-lý Phật-giáo là việc mà người ở thời-đại chúng ta thích làm. Nhưng nghiên-cứu mà làm chi, nếu chúng ta chỉ bằng lòng với những chiếc bánh vẽ? Cố gắng để có thực-tu và thực-chứng, đó mới thực là thổi dậy một nguồn sinh-lực mới cho đạo Phật vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 2014(Xem: 6535)
Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ảnh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là "chánh tín".
16 Tháng Chín 2014(Xem: 12103)
Có một số người bảo "Nhà Phật nói Luân hồi để ru ngủ con người trong giấc mơ mê tín". Chúng ta khảo sát kỹ, coi câu ấy có đúng thế không? Đó là nhiệm vụ của người truyền bá Phật giáo, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.
12 Tháng Chín 2014(Xem: 5819)
Hồi còn trẻ tôi thường cảm thấy lòng tin (faith) giống như là một ‘cái nạng’ không cần thiết trong đời sống vì nó đã không giúp ích gì nhiều cho bản thân, nhưng đôi khi chính vì nó mà tôi bị khổ sở, trù dập. Không có lòng tin thì khó sống trong đời, mà tin nhiều thì dễ bị lợi dụng, bêu xấu.
30 Tháng Tám 2014(Xem: 13729)
Rắn độc, thuốc độc là thứ người đời rất kinh sợ, nhưng không đáng sợ bằng tam độc. Vì rắn độc, thuốc độc hại người chỉ một thân này, tam độc hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nếu đáng sợ, chúng ta nên sợ tam độc hơn tất cả thứ độc khác. Thế mà, người đời chẳng những không sợ tam độc, lại còn nuôi dưỡng, chứa chấp, bảo vệ, khiến nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó, người đời luôn luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt nuôi dưỡng tam độc là động cơ bất an và đau khổ.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 6429)
Để trở thành phật tử chân chính” là quyển sách được chia ra làm nhiều tập với đầy đủ nội dung về đạo làm người, tuy xúc tích và ngắn ngọn, đơn giản và thiết thực nhưng có thể giúp cho tha nhân phân biệt được chánh tà, phải quấy, tốt xấu, đúng sai để từng bước hoàn thiện chính mình mà sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 7676)
Mục đích của người theo đạo Phật là sự giải thoát nên Phật tử không được chú trọng việc cầu tài, cầu phúc, cầu quả báo tốt đẹp ở nhân thiên. Mà cần phải phát tâm hướng mạnh về giải thoát, thì sự tu hành mới càng lâu càng bền, càng khó càng dai và có ngày mới đạt được mục đích cuối cùng như chư Phật.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 7846)
Chúng ta thường nghe: “Mục tiêu chính của Đạo Phật là thoát Khổ, giác ngộ, và giải thoát.” Thực ra, cả ba ý nghĩa của mục tiêu này đều rốt ráo qui về một, nói đến một mục tiêu là đã hàm ý cả hai cái kia. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ khai triển mục tiêu thứ nhất tức là "Thoát Khổ."
11 Tháng Bảy 2014(Xem: 50122)
Sám hối, tụng kinh, niệm Phật là những phương thức sơ đẳng nhưng vô cùng cần thiết cho tất cả những người tu Phật. Đây là hình thức có tính cách tín ngưỡng như thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật vậy, nhưng ẩn bên trong là ý nghĩa của giáo pháp, chúng ta không thể không tìm hiểu cho thấu đáo.
09 Tháng Bảy 2014(Xem: 7229)
Quả thật, cứ nghe đến chữ tu là hầu hết chúng ta liên tưởng tới nhà chùa, đến những người mặc áo cà sa hay đắp y màu vàng, cạo đầu và sống khắc khổ. Không ít người nghĩ rằng tu yếm thế, rằng chỉ những người chán đời hoặc gặp sự cố lớn mới trốn vào chùa cạo tóc, ở ẩn để trốn tránh.
07 Tháng Bảy 2014(Xem: 9647)
Chúng ta quen gọi là Bát Chánh Đạo, nhưng thật ra, cụm từ Pāḷi nghĩa là Bát Đạo (Aṭṭhaṅgikamagga) hay Bát Thánh Đạo (Ariyaṭṭhaṅgikamagga); tất cả chúng đều chỉ Sự Thật Về Con Đường Đi Đến Nơi Diệt Khổ (Dukkha Nirodhamaggasacca), tức là Đạo Đế.