08. Vấn Đề Giải Thoát

07 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 10157)


ĐỂ HIỂU ĐẠO PHẬT 

Phương Bối 


VẤN-ĐỀ GIẢI THOÁT 

" Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng như thế giáo-lý của ta chỉ có một vị là vị giải thoát".

Câu nói ấy của đức Bổn-sư đã xác nhận rằng mục-đích duy nhất của đạo Phật là đưa chúng sanh đến chỗ giải-thoát giác-ngộ. Như vậy thì tất cả các Phật-tử, dù xuất gia hay tại gia, cũng đều phải hướng về mục đích giải-thoát ấy cả.

Nhưng nói đến giải-thoát tức là nói đến một sự cởi mở, thoát-ly. Mà chỉ khi nào người ta cảm thấy bị ràng buộc, tù túng người ta mới nghĩ đến sự cởi mở, thoát-ly, nói tóm lại, mới nghĩ đến việc giải thoát.

Vậy thì ở đây, con người bị cái gì ràng buộc, câu thúc?

"Tất cả các chúng sinh vì vô-minh che lấp mất chân-tánh, bị dục vọng phiền não sai khiến, tạo ra muôn ngàn nghiệp ác vì đó mà phải trôi nổi trong biển khổ luân-hồi" ( Kinh Lăng-Nghiêm ).

Đi từ quả đến nhân, ta thấy: Biển khổ sanh tử luân-hồi – nghiệp ác – dục vọng phiền não – lấp mất chân tánh – vô minh. Do vô minh mà chân tánh bị mờ ám, chân tánh mờ ám cho nên sinh ra dục vọng phiền não1, dục vọng tạo ra nghiệp ác, và nghiệp-ác đưa đến kết-quả khổ đau luân hồi. Giải thoát nghĩa là phá tan được dòng nhân quả liên-tục ấy.

Nhưng muốn được giải-thoát, trước hết, người ta phải nhận thấy rằng mình đang bị ràng buộc. Biết bao nhiêu kẻ đang sống trong sự ràng buộc mà không hề biết rằng mình bị buộc ràng, cho nên không hề nghĩ đến sự giải-thoát. Vì thế, muốn cho họ có ý tưởng giải thoát, phải tìm cách làm cho họ nhận thấy rằng họ đang bị ràng buộc đã.

Phương pháp của đạo Phật là làm cho con người có ý-thức rõ-ràng về cuộc đời mà mình đang sống: một cuộc đời khổ đau. Con người không thể an-vui được trong cuộc đời khổ đau: phải tìm cách thoát-ly cuộc đời ấy. Những dây xích nào đã ràng buôïc con người vào cuộc đời khổ đau? Đấy chính là dục vọng, là phiền não, là ác nghiệp, là vô minh. Phá tan những xiềng xích này thì có thể tìm đến một chân trời tự- do, không còn bị khổ đau bức-bách.

Vậy con đường Giải-Thoát bắt đầu bằng một nhận-thức: nhận-thức cuộc đời là khổ. Đó là chân-lý thứ nhất trong Tứ-diệu-đế. Biết bao nhiêu người đã nhờ ý-thức sâu xa chân-lý ấy mà được giải-thoát. Càng cảm thấy đời là khổ đau bao nhiêu, người ta càng mạnh mẽ bước lên đường giải-thoát bấy nhiêu. Khổ đau ở đây là một thứ thuốc đắng, thật đắng, nhưng đã là một thứ thần-dược giúp người mau thoát được bệnh não phiền.

Nhưng "khổ đau" ở đây không những chỉ có nghĩa là những cảm-giác đớn đau mà thôi. Tiếng khổ (dukkha) của đạo Phật còn có nghĩa là vô ngã, bất-tịnh, vô thường và u tối nữa.

Sống, nhưng ta có thể thắc-mắc rất nhiều về tự-thân chúng ta. Bản ngã chúng ta là một cái gì mà chính ta cũng không thể nhận biết được. Đó là một cái-thể sinh-lý (sắc) hay đó là những hiện tượng tâm-lý (thọ, tưởng, hành, thức) kết-hợp? Tại sao qua những hiện tượng biến đổi vô thường lại có thể có một cái Ta đồng nhất bất biến? Phải chăng cái Ta ấy chỉ là một giả-danh, một đối-tượng của óc vọng-tưởng?

Sống, nhưng ta luôn luôn nhận thấy rằng tâm ta là nguồn gốc phát sinh bao nhiêu tư-tưởng bất thiện tội lỗi: tham lam, giận dữ, si mê, thân ta là một khí-cụ để tạo bao nhiêu nghiẹâp ác: sát hại, trộm cắp, tà hạnh… Tâm cũng như thân, đều là những rừng tội (tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu: Kinh Bát-đại-nhân-giác). Lắm lúc chúng ta lại tự chán ghét chính cả cái bản thân của chúng ta.

Sống, nhưng ta luôn luôn cảm thấy ta là nô-lệ. Nô-lệ cho dục-vọng. Nô-lệ cho cả cuộc đời do ác-nghiệp của chúng ta dựng nên. Chúng ta bị vây trong vòng nghiệp báo, bị đắm trong đêm tối của vô-minh.

Chúng ta có được sống trong hiện-tại đâu, có thấy được hiện tại đâu, có vươn được tới hiện tại đâu? Hình thể của cuộc đời mà ta nhận thấy bằng giác-quan, đã là hình thể của một cuộc đời quá khứ mất rồi! Vạn vật luôn luôn chuyển biến vô thường. Ta chỉ sống được trong cái quá-khứ của cuộc sống chứ chưa bao giờ được sống trong cuộc sống cả. Chúng ta cũng giống hệt, như những người ngồi trên xe hơi, lưng quay về phía trước, và chỉ thấy được cảnh vật đã qua. Ban đêm, vũ-trụ đầy tinh-tú mà ta trông thấy đây chắc chắn không phải là vũ-trụ của hiện-tại. Bởi vì có hàng triệu ngôi sao đã tan vỡ từ bao nhiêu thế kỷ, mà hình dáng vẫn còn để cho ta trông thấy hôm nay. Và vũ-trụ tinh tú của hôm nay, có lẽ đến bao nhiêu đời sau, cháu chắt ta mới trông thấy được!

Chưa bao giờ được sống trong cuộc sống, chưa bao giờ được sống với hiện tại! Khổ đau cho chúng ta đến chừng nào! Ta tưởng như bao nhiêu uất ức dồn lên, ta muốn phá tan bao nhiêu xiềng xích vô-minh, buộc ràng, để vươn đến chân trời thực tại, sống tự do trong bản thân cuộc sống, thể nhập vào cuộc sống muôn đời.

Những khổ đau, những cảm tưởng tù đày của cuộc sống ấy, làm tiêu tán nơi ta những ước muốn thỏa-mãn dục-lạc phờ-phỉnh của cuộc đời và làm cho ta cương-quyết tiến bước mạnh dạn trên đường tự giải phóng.

Chân-lý "đời là khổ" phải gây nơi ta một bất-mãn. Sự bất-mãn ấy phải lên tới cực độ để có thể thực-hiện trong tâm-hồn ta môït cuộc khủng-hoảng mầu-nhiệm khiến ta chuyển hướng cuộc đời. Ta gạt bỏ tất cả những ước-ao của cuộc đời tầm thường khổ não, ta lên đường đi tìm chân-lý và giải-thoát. Trong thế-giới chân-lý và tự-do, ta sẽ được tự-tại và an-nhiên, thoát-ly bao nhiêu khổ đau thắc mắc.

"Đời là khổ" vì thế đối với chúng ta là một vấn-đề then chốt. Chân-lý nầy không được quan-niệm một cách quá thô-sơ! Không nên hiểu chữ "khổ" nầy như là những "cảm-giác khổ thọ", mà phải hiểu với tất cả những nghĩa vô-thường, vô ngã, bất tịnh, vô minh của nó.

Tuy nhiên, một đặc điểm của đạo Phật là giáo-lý cần khế-hợp với thời cơ. Chân-lý "đời là khổ" kia đối với hạng đại căn nếu là một thứ thuốc hay, thì đối với hạng yếu đuối lại là một thứ thuốc nguy-hiểm. Một bên nhờ nhận thấy cuộc đời là khổ mà có thể ra công diệt khổ để giải-thoát. Một bên vì nhận thấy cuộc đời là khổ mà càng thêm khổ đau, tay chân bủn rủn và rốt cuộc bị đắm chìm sâu thêm trong biển khổ. Cho nên với những người đại-căn có năng-lực giải-thoát, đạo Phật mới khai-thị cho họ chân-lý "đời là khổ" ấy. Một khi họ ý-thức được rằng họ đang sống trong "đau khổ" họ sẽ cương quyết diệt khổ. Đạo-lý dành cho hạng người nầy là đạo-lý xuất thế (xuất-thế-pháp).

Còn đối với những kẻ mà căn cơ yếu hèn, đạo Phật chủ-trương xây dựng cho họ một bản-lĩnh trước đã. Giáo-lý của họ là giáo-lý nhập thế (nhập-thế-pháp) của nhân-thừa và thiên-thừa. Không cần đăït mục đích giải-thoát cho họ giải-thoát ngay trong hiện tại. Bởi vì nếu đặt vấn đề ấy ngay bây giờ, họ sẽ chán nản, khiếp sợ, vì càng ý-thức về cái khổ bao nhiêu, họ càng cảm thấy đau-khổ bấy nhiêu. Mục đích mà họ nhắm đến thì gần với họ hơn mục đích giải thoát nhiều. Họ sẽ đi từng chặng đường, và chỉ khi nào đủ sức, họ mới được nhắm vào mục đích tối-hậu là mục-đích giải thoát. Những mục đích gần kia, tuy không hẳn đã là mục đích cuối cùng, nhưng là những phương tiện để đưa dần đến mục đích cuối cùng. Qua giáo lý phương tiện, ta có thể nhìn thấy giáo lý cứu cánh, và qua năm thừa của đạo Phật, ta có thể thấy được một Phật thừa duy nhất (Kinh Pháp Hoa). Vì lẽ ấy cho nên đức Phật dạy rằng giáo lý của ngài chỉ có một vị là vị giải thoát.

Chân lý "đời là khổ" chính là giáo lý xuất thế, dành cho các bậc xuất trần thượng sĩ; đại đa số quần chúng vì căn cơ yếu đuối, không thể đủ sức thi hành. Họ phải nương theo giáo lý nhân thiên thừa, đặt những mục đích gần hơn để cho khỏi chói, khỏi ngợp và ít nản lòng. Giáo lý nhập thế không bắt buộc con người phải nhìn đời với tất cả những sự thật khổ đau của nó, để rồi chán nản với khổ đau thêm. Nhà văn Lê văn Siêu đã không nhận được tinh thần thiệp thế phương tiện ấy của đạo Phật khi ông nói: "Đối với quảng đại quần chúng, công dụng của tư tưởng và giáo lý ấy (đời là khổ) lại là thúc đẩy thêm ý thức về những đau khổ của cuộc sống mà mình đương quằn quại chịu đựng".

Người ta thường bảo đạo Phật chủ trương chán đời. Đúng! Bởi vì còn ham mê cuộc đời và lặn lội theo bao nhiêu dục vọng của nó thì làm sao mà giải thoát khổû đau cho được. Có chán đời đến triệt để thì mới nghĩ đến sự giải thoát. Chán, ở đây là chán một lối sống (sống theo dục vọng vô minh) và cũng là tìm một lối sống khác (sống theo tình thương và chân lý). Cho nên giải thoát khác với thoát ly. Cuộc sống của mình từ bất tịnh trở thành thanh tịnh, từ khổ đau trở thành an lạc: đó là giải thoát.

Cái chán của đạo Phật là một thứ chán lành mạnh, bởi vì đối tượng của cái chán ấy là dục vọng. Chán mà không nản. Cái chán ở đời trái lại là cái chán bệnh tật, một thứ chán nản chủ trương buông xuôi hai tay. Những ai "chê" đạo Phật là chán đời hãy thử tập "chán" cái chán của đạo Phật trong giây lát xem có được không. Sợ là không, bởi vì lực-lượng dục vọng nơi những kẻ kia không phải là nhỏ; muốn chán thì ít ra cũng phải tiêu diệt một phần nào các dục vọng ấy đã.

Tuy nhiên đó là nói về phương diện giáo-lý xuất thế gian. Còn về phương diện thế gian, đại đa số nhân loại còn chưa đủ năng lực để đặt ngay vấn đề giải thoát. Họ phải thực hành giáo lý nhân-thiên-thừa, bỏ ác, làm lành, nuôi dưỡng trí tuệ và từ bi để đào luyện một căn cơ vững mạnh làm nền tảng cho giai đoạn xuất-thế. Đặt vấn đề khổ đau cho họ trong khi họ đang còn yếu đuối thì chỉ làm cho họ thêm khổ đau mà thôi vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 7733)
Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13091)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13180)
Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 8971)
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Dựa vào các nguyên tắc đạo đức, con người dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Giới luật trong Phật giáo (Vinàya) có nghĩa là điều phục, huấn luyện, đã huấn luyện thì phải có kỷ luật. Điều phục ở đây nghĩa là điều phục thân tâm
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7655)
Cách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường.
05 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11628)
Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.
31 Tháng Mười 2014(Xem: 5495)
Đôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 11045)
Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 14796)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 6566)
Trải qua gần 100 năm tuổi (phôi thai bắt đầu từ khoảng năm 1916- 1918), bộ môn Cải Lương của miền Nam Việt Nam ngày nay đã thật sự "đi vào lòng người", vừa là kịch, vừa là hát, nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với những nhạc cụ dân tộc, tạo thành một nghệ thuật đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cộng vào đó, những nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện, hòa cùng kỹ thuật âm thanh tân tiến ngày nay, đã đưa bộ môn nghệ thuật Cải Lương tới chỗ tòan hảo, truyền cảm và rất tự nhiên.