07 Về Bát Quan Trai Giới

27 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 12155)


CĂN BẢN PHẬT GIÁO

Bình Anson
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TL. 2005 - PL. 2549


Về Bát Quan Trai Giới
Bình Anson
---*---

Ngoài việc thọ trì, tuân giữ 5 điều giới căn bản trong đời sống hằng ngày, thỉnh thoảng, trong các ngày trai giới, các dịp lễ lớn, hay trong các khóa tu thiền tịnh tâm, người Phật tử cư sĩ chúng ta thường giữ thêm Bát Quan Trai Giới. Tám giới đó dựa vào năm giới căn bản, nhưng được khai triển thêm để giúp tạo một đời sống tịnh hạnh, đơn giản, giúp tạo các điều kiện thuận lợi để tu dưỡng tâm trí. Đó là:

1) Không sát sanh.
2) Không trộm cắp. 
3) Không hành dâm. 
4) Không nói dối. 
5) Không uống rượu và dùng các chất say. 
6) Không ăn trái giờ (không ăn sau 12 giờ trưa). 
7) Không tham gia múa hát, thổi kèn, đánh đàn, xem múa hát, nghe đàn, kèn, và không trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa. 
8) Không nằm ngồi nơi quá cao và nơi xinh đẹp. 

Ngày trai giới còn có tên gọi là ngày Bố-tát, phiên âm từ chữ "Uposatha". "Uposatha" có nghĩa là đi đến và lưu lại tại một ngôi chùa hay một tu viện. Theo phong tục Ấn Độ ngày xưa, các giáo sĩ Bà-la-môn thực hiện các nghi lễ thanh tịnh hóa, rồi rời gia đình, chọn một nơi thanh vắng để sống độc cư trọn ngày, vào ngày trăng tròn (ngày rằm) và ngày đầu trăng (mồng 1). Trong bối cảnh đó, Đức Phật cho phép các vị tu sĩ đệ tử của Ngài hội họp lại vào các ngày đó để tụng giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha, giới luật tu sĩ) và thuyết giảng cho hàng đệ tử cư sĩ khi họ đến lưu lại tại chùa. Ngoài ra, cộng đồng Phật tử thời đó còn có 2 ngày trai giới khác là ngày giữa tuần trăng đầu (mồng 8) và ngày giữa tuần trăng sau (ngày 23). 
Đó là bốn ngày trai giới căn bản của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Phật tử cư sĩ thường thọ trì 6 ngày trai giới trong tháng: 8, 14, 15, 23, 29, 30 (28, 29 cho tháng thiếu), hoặc 8 ngày: 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30 (28, 29 cho tháng thiếu).

*

Các bài giảng của Đức Phật có liên quan đến tám giới nầy đã được ghi lại trong Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Phẩm "Ngày Trai Giới". Đức Phật giảng rằng người nào thọ trì tám giới nghiêm túc với tâm trong sạch, người ấy sống tịnh hạnh như một vị A-la-hán. Vì thế, các đệ tử của Ngài phải cố gắng giữ tám giới trong ngày Bố-tát. Ngài giảng chi tiết cho bà Visakha như sau: 

--"Thánh đệ tử ấy, này Visàkhà, suy tư như sau: 

1) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Cũng vậy đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới". 

2) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cắp. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cắp. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới". 

3) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới". 

4)"Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới". 

5) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới". 

6) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới".

7) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới".

8) "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Ta nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới".
"Như vậy, này Visàkhà, là Thánh trai giới, thực hành Thánh trai giới, này Visàkhà, có quả lớn, có lợi ích lớn, có chói sáng lớn, có ánh sáng lớn".

Trong Tăng Chi Bộ, Chương Mười Pháp, Đức Phật cũng khuyên các cư sĩ của bộ tộc Thích-ca (Sakya) trong các ngày Bố-tát phải nỗ lực hành trì bát quan trai giới, sống tinh cần, nhiệt tâm, không phóng dật trọn ngày và trọn đêm. Những lợi lạc do công phu tu tập đó còn to lớn hơn tài sản của cải mà họ có thể tích tụ được để sống sung túc cả trăm năm; vì công phu đó sẽ tạo thiện nghiệp đưa đến tái sinh trong các cõi trời an lạc với tuổi thọ cả ngàn năm. Hơn thế nữa, kết quả đó sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tuệ giác, đưa họ nhập dòng thánh giải thoát, qua các quả vị Dự lưu, Nhất lai, và Bất lai. Ngài nói:

--"Ở đây, này các Thích tử, đệ tử của Ta, trong 10 năm sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như lời Ta giảng dạy. Như vậy, vị ấy thực hành, vị ấy có thể sống trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm được cảm thọ nhất hướng lạc. Vị ấy có thể chứng được quả Bất lai, quả Nhất lai hay quả Dự lưu không có sai chạy. 

Này các Thích tử, đâu phải là 10 năm! Ở đây, đệ tử của Ta trong 9 năm ... 8 năm, ... 1 năm ... 10 tháng ... 9 tháng ... 8 tháng ... 1 tháng ... 10 đêm 10 ngày... 9 đêm 9 ngày... 8 đêm 8 ngày ... trong 1 đêm 1 ngày sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như lời Ta giảng dạy. Như vậy, vị ấy thực hành, vị ấy có thể sống trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm được cảm thọ nhất hướng lạc. Vị ấy có thể chứng quả Bất lai, quả Nhất lai, hay quả Dự lưu không có sai chạy". 

*

Theo truyền thống, trong ngày trai giới, người cư sĩ Phật tử thức dậy sớm, sửa soạn thức ăn, rồi cúng dường đến các vị Tăng sĩ đi khất thực trong xóm làng. Hoặc họ mang thức ăn đến chùa và cúng dường đến chư Tăng ở đó. Đồng thời, các vị Phật tử này xin chư Tăng đọc truyền Tam quy và Bát quan trai giới để được thọ trì trong suốt ngày và đêm hôm đó. Có thể là sau đó, họ trở về nhà, sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn tuân giữ tám giới cho đến sáng hôm sau. Có thể là họ thu xếp để ở lại chùa trọn ngày và trọn đêm hôm đó. 

Tùy theo nếp sinh hoạt của mỗi chùa, chương trình có thể thay đổi. Có những nơi Phật tử lưu lại đó để đọc sách, nghe thuyết pháp, đóng góp vào các công tác Phật sự, làm công quả tại chùa. Có những nơi chú trọng đến hành thiền, người Phật tử dành trọn ngày và đêm để tập sống quán niệm, tĩnh tâm, xen kẽ các buổi ngồi hành thiền và đi kinh hành, và đến gặp thiền sư để tham vấn riêng về các vấn đề có liên quan đến công phu tu tập của mình. 

Có những chùa tổ chức đêm thọ đầu đà, với tham dự viên nguyện không ngủ hay nằm, tích cực tham gia vào các buổi thuyết pháp và thảo luận về Phật pháp. Trong đêm đầu tháng và giữa tháng, nếu tại chùa có trên 4 vị Tỳ-khưu, chư Tăng tụ họp tại chánh điện, nơi có kết giới Sima, để tụng đọc 227 điều giới bổn của hàng Tỳ-khưu, và cuộc lễ này có thể kéo dài hơn một giờ.

*

Ngày nay, trong môi trường xã hội kinh tế hiện đại, khi chúng ta phải sinh hoạt, làm việc theo lịch Tây phương, rất khó mà tuân giữ các ngày Bố-tát đúng theo âm lịch. Khuynh hướng thông thường là dời ngày Bố-tát vào những ngày cuối tuần, khi mọi người được nghỉ ngơi, dễ thu xếp để gặp nhau, hay đi đến chùa, đến các thiền viện. Có những nhóm Phật tử đã linh hoạt tổ chức ngày "Tĩnh Tâm" hằng tháng, vào ngày cuối tuần kề cận với đêm trăng rằm, thường là ngày thứ Bảy và hành trì bát quan trai giới trọn ngày và trọn đêm đó cho đến sáng ngày Chủ nhật. 

Nếu có chư Tăng Ni hiện diện, chúng ta thỉnh quý ngài truyền quy giới. Ở những nơi không có Tăng Ni, chúng ta có thể mời một vị cư sĩ lớn tuổi, có uy tín, tuyên đọc quy giới, mọi người cùng đọc theo, và tự nguyện thọ trì với tâm trong sạch. Chương trình sinh hoạt thì tùy duyên, có thể là tổ chức các buổi thiền tập, tham cứu kinh sách, xen kẽ với các buổi thuyết pháp hoặc đàm luận về Phật pháp, hoặc cùng tụng đọc các bài kinh căn bản như kinh Từ Bi, Đại Hạnh Phúc, Châu Báu, Chuyển Pháp Luân, v.v., hoặc cùng nghe các bài giảng, các bài kinh tụng thu âm trong băng audio-cassette hay đĩa CD. 

Tương tự trong tinh thần đó, ở những nơi xa xôi, không có nhiều Phật tử, ta vẫn có thể tự tổ chức một ngày trai giới tại nhà riêng, tự đọc lên lời nguyện quy y Tam Bảo và hành trì Tám Giới, rồi lập ra một chương trình tịnh tu cho riêng mình trong trọn ngày ấy.
Điều quan trọng là làm sao giữ tâm thanh tịnh, nhu hòa, không bận rộn, không lo âu tính toán, và lúc nào cũng cố gắng tỉnh giác, chánh niệm, nhất tâm hướng về Phật Pháp trong suốt thời gian thọ trì bát quan trai giới.

Tháng 9-2004
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 2014(Xem: 6518)
Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ảnh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là "chánh tín".
16 Tháng Chín 2014(Xem: 12086)
Có một số người bảo "Nhà Phật nói Luân hồi để ru ngủ con người trong giấc mơ mê tín". Chúng ta khảo sát kỹ, coi câu ấy có đúng thế không? Đó là nhiệm vụ của người truyền bá Phật giáo, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.
12 Tháng Chín 2014(Xem: 5798)
Hồi còn trẻ tôi thường cảm thấy lòng tin (faith) giống như là một ‘cái nạng’ không cần thiết trong đời sống vì nó đã không giúp ích gì nhiều cho bản thân, nhưng đôi khi chính vì nó mà tôi bị khổ sở, trù dập. Không có lòng tin thì khó sống trong đời, mà tin nhiều thì dễ bị lợi dụng, bêu xấu.
30 Tháng Tám 2014(Xem: 13692)
Rắn độc, thuốc độc là thứ người đời rất kinh sợ, nhưng không đáng sợ bằng tam độc. Vì rắn độc, thuốc độc hại người chỉ một thân này, tam độc hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nếu đáng sợ, chúng ta nên sợ tam độc hơn tất cả thứ độc khác. Thế mà, người đời chẳng những không sợ tam độc, lại còn nuôi dưỡng, chứa chấp, bảo vệ, khiến nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó, người đời luôn luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt nuôi dưỡng tam độc là động cơ bất an và đau khổ.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 6401)
Để trở thành phật tử chân chính” là quyển sách được chia ra làm nhiều tập với đầy đủ nội dung về đạo làm người, tuy xúc tích và ngắn ngọn, đơn giản và thiết thực nhưng có thể giúp cho tha nhân phân biệt được chánh tà, phải quấy, tốt xấu, đúng sai để từng bước hoàn thiện chính mình mà sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 7643)
Mục đích của người theo đạo Phật là sự giải thoát nên Phật tử không được chú trọng việc cầu tài, cầu phúc, cầu quả báo tốt đẹp ở nhân thiên. Mà cần phải phát tâm hướng mạnh về giải thoát, thì sự tu hành mới càng lâu càng bền, càng khó càng dai và có ngày mới đạt được mục đích cuối cùng như chư Phật.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 7826)
Chúng ta thường nghe: “Mục tiêu chính của Đạo Phật là thoát Khổ, giác ngộ, và giải thoát.” Thực ra, cả ba ý nghĩa của mục tiêu này đều rốt ráo qui về một, nói đến một mục tiêu là đã hàm ý cả hai cái kia. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ khai triển mục tiêu thứ nhất tức là "Thoát Khổ."
11 Tháng Bảy 2014(Xem: 50095)
Sám hối, tụng kinh, niệm Phật là những phương thức sơ đẳng nhưng vô cùng cần thiết cho tất cả những người tu Phật. Đây là hình thức có tính cách tín ngưỡng như thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật vậy, nhưng ẩn bên trong là ý nghĩa của giáo pháp, chúng ta không thể không tìm hiểu cho thấu đáo.
09 Tháng Bảy 2014(Xem: 7216)
Quả thật, cứ nghe đến chữ tu là hầu hết chúng ta liên tưởng tới nhà chùa, đến những người mặc áo cà sa hay đắp y màu vàng, cạo đầu và sống khắc khổ. Không ít người nghĩ rằng tu yếm thế, rằng chỉ những người chán đời hoặc gặp sự cố lớn mới trốn vào chùa cạo tóc, ở ẩn để trốn tránh.
07 Tháng Bảy 2014(Xem: 9640)
Chúng ta quen gọi là Bát Chánh Đạo, nhưng thật ra, cụm từ Pāḷi nghĩa là Bát Đạo (Aṭṭhaṅgikamagga) hay Bát Thánh Đạo (Ariyaṭṭhaṅgikamagga); tất cả chúng đều chỉ Sự Thật Về Con Đường Đi Đến Nơi Diệt Khổ (Dukkha Nirodhamaggasacca), tức là Đạo Đế.