07. Vấn đề cúng lễ người quá vãng

20 Tháng Mười 201408:31(Xem: 7552)
PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG
Tâm Diệu
Nhà xuất bản Hồng Đức 2014 

7

VẤN ĐỀ CÚNG LỄ NGƯỜI QUÁ VÃNG

 

lecausieuVề nghi thức cúng kiếng, cầu nguyện cho người qua đời thì tôn giáo nào cũng có. Không những thế, ngay cả từ thời kỳ mông muội, chưa có tôn giáo, cũng đã có những sự cầu nguyện các đấng mà họ nghĩ là linh thiêng, nhiều quyền phép nào đó, để che chở, cứu vớt người thân đã chết của họ. Họ làm vậy vì trước những tai họa xảy đến, con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, nên nảy sinh nỗi sợ hãi mênh mông đối với bóng tối, sấm chớp, núi cao, sông sâu, dịch bệnh, vân vân, họ tưởng tượng ra nhiều loại thần, nhiều loại ma, và khi người thân chết đi, họ thương xót, thấy là từ nay không còn giúp đỡ, bảo vệ được người thân nữa, họ bèn nghĩ tới các Thánh Thần, đến những nhân vật được tưởng tượng ra từ biết bao nhiêu đời trước mà cho đến nay thì đã được tô đậm thành những hình ảnh huyền bí, đầy quyền năng nơi cõi u linh nào đó chưa ai biết tới, nhưng là nơi mà thân nhân họ có lẽ đang bơ vơ lạc lõng trong đó.

Từ niềm thương xót người thân mà nay mình đã đành chịu bất lực, họ cầu cứu đến các đấng được gọi là khuất mày khuất mặt đầy bí mật, các đấng đã được những kẻ lợi dụng hình ảnh linh thiêng để hù dọa thân nhân người đã chết, khiến cho họ phải biện lễ hậu hĩnh đến xin xỏ Thần Thánh này.

Đạo Phật khi tới các vùng đất mới, thường uyển chuyển hội nhập, gọi là tùy duyên phương tiện, dùng bình của địa phương đựng nước Cam Lồ của nhà Phật, cho nên bên cạnh những nguyên tắc sống Từ Bi Hỉ Xả, tham thiền, nhập định, hành trì tu tập trong khuôn khổ của đạo Giác Ngộ, vẫn tham dự các nghi lễ vốn có từ ngàn xưa của địa phương, chỉ chuyển hóa từ từ. Cho nên, trên con đường Bắc truyền, một số hình thức lễ nghi của những vùng mà đạo Phật đi qua vẫn cùng với đạo Phật chung vai sát cánh ôn hòa.

Một số quốc gia trong trường hợp này vốn sẵn có những nền đạo học rất uyên áo, sâu sắc, thí dụ Khổng giáo, Lão giáo, vân vân.  Cúng kiếng là một lễ nghi quan trọng của Khổng giáo, coi như là một nguyên tắc sống của con người. Cúng giỗ là một hình thức báo hiếu. Không có con trai nối dõi tông đường để thờ cúng tổ tiên bị coi như là tội đại bất hiếu. Trong niềm tin ấy, đạo Phật muốn sống hài hòa với đời, tất nhiên là cũng tùy duyên mà áp dụng các nghi thức cúng bái, miễn sao không trở nên quá mê tín, vi phạm vào quy luật nhân quả là niềm tin cốt tủy của Phật tử trong thế giới hiện tượng tương đối mà thôi.

Vậy đạo Phật quan niệm thế nào về sự cúng kiếng cho người chết?

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu xem đạo Phật quan niệm thế nào về sự Sinh và Tử, và theo đạo Phật thì có một linh hồn trường tồn sống mãi trong một cõi giới u linh nào đó để hằng năm trở về nhà con cháu ăn một bữa cơm không? 

Để trả lời câu hỏi này chúng tôi xin trích dẫn một bài pháp từ cuốn Đức Phật và Phật Pháp do Hòa Thượng Narada biên soạn theo kinh sách nhà Phật và do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch:

(bắt đầu trích)
ducphatvaphatphap-bia“Theo triết học Phật Giáo (Vi Diệu Pháp), ba hiện tượng có thể xuất hiện cho con người thấy trong giai đoạn hấp hối là: Nghiệp, Hiện Tượng Của Nghiệp, và Biểu Hiện Lâm Chung.

Nghiệp là vài hành động tốt hay xấu trong đời sống hoặc ngay trước phút lâm chung. Nếu người hấp hối đã phạm một trong năm tội nặng là các tội giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, làm tổn thương Đức Phật và chia rẽ Tăng chúng, hoặc người ấy có một thiện nghiệp lớn như đã đắc một trong các tầng Thiền, thì sẽ chứng nghiệm Hiện Tượng của Nghiệp trước khi chết. Những hành động thiện hay bất thiện đặc biệt ấy có năng lực thật mạnh, chen vào, áp đảo tất cả các hành động khác và biểu hiện thật rõ rệt trước mắt người hấp hối.

Nếu không có Nghiệp xấu hoặc tốt mạnh mẽ như vậy thì có thể tiến trình tư tưởng cuối cùng của người ấy sẽ tùy theo cái Nghiệp vừa tạo liền trước khi chết, gọi là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là hành vi cuối cùng hoặc hành vi nào mà luồng tư tưởng cuối cùng bất chợt nhớ ra ngay lúc lâm chung.

Nếu không phải Cận Tử Nghiệp thì có thể là Thường Nghiệp là những việc mà đương sự thường làm hằng ngày, hoặc thưòng nhớ đến và ưa thích hơn hết. Trong trường hợp này, nếu người hấp hối là một bác sĩ thì thấy đang săn sóc bệnh nhân, một nhà tu thì thấy đang thuyết pháp, một tên trộm thì thấy đang cạy cửa, khoét vách v.v...

Nếu ba trường hợp trên không xảy ra thì Nghiệp Tích Trữ xuất hiện. Nghiệp Tích Trữ gồm tất cả những trường hợp không kể trong ba loại Nghiệp trên, mà là những hành động tốt hoặc xấu thông thường.

Hiện Tượng của Nghiệp là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức của người hấp hối dưới hình thức sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp, tức là những hình sắc, âm thanh, mùi, vị hay tư tưởng mạnh mẽ, quen thuộc trong nếp sinh hoạt hằng ngày, thí dụ người đồ tể thì thấy con dao hay con thú chết, bác sĩ thì thấy bệnh nhân, người mộ đạo thì thấy các món lễ vật vân vân…

Biểu Hiện Lâm Chung là vài dấu hiệu có liên quan đến cảnh giới mà người hấp hối sắp được tái sanh vào mà do đó, mặt người sắp lâm chung lộ vẻ vui sướng hoặc đau khổ. Khi triệu chứng phát sinh, nếu là xấu thì ta có thể sửa chữa kịp thời bằng cách giảng kinh hay nói pháp để tạo đối tượng tốt đẹp trong tư tưởng người sắp chết. Những Biểu Hiện Lâm Chung thường là lửa, rừng, vùng sơn cước, bào thai người mẹ, thiên cung v.v...

Dầu trong trường hợp bất đắc kỳ tử, tiến trình tư tưởng của người sắp chết vẫn diễn tiến và đối tượng của chập tư tưởng cuối cùng ấy là một trong ba hiện tượng: Nghiệp, Hiện Tượng của Nghiệp và Biểu Hiện Lâm Chung.

Thí dụ một người sắp lâm chung và sẽ tái sanh vào cảnh người thì đối tượng của chập tư tưởng cuối cùng là một vài nghiệp tốt.

Cái chết thật sự đến lúc Tử Tâm tức luồng tâm thức cuối cùng chấm dứt. Kể từ đó tâm và vật thực không còn tạo năng lực vật chất nữa. Chỉ còn một loại năng lực vật chất phát sanh do hơi nóng tiếp tục tồn tại đến khi cơ thể vật chất tan rã.

Sự diệt tắt của tâm trong kiếp vừa qua là cơ hội để cho một tâm mới phát sanh trong kiếp sống kế. Tuy nhiên, không có cái gì vĩnh cửu, nguyên vẹn đơn thuần, không biến đổi, được chuyển từ quá khứ sang hiện tại. Cũng như bánh xe lăn tròn trên đường, mỗi một lúc chỉ có một điểm của bánh xe chạm với đường. Nói một cánh chính xác, chúng ta chỉ sống trong từng chập tư tưởng. Ta chỉ sống trong hiện tại và hiện tại nhất định phải trôi vào dĩ vãng.

Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, trong một khoảnh khắc, mỗi chập tư tưởng đều trải qua sanh, trụ, rồi diệt, và trong khi diệt, nó chuyển tất cả năng lực và cảm giác đã ghi nhận cho chập tư tưởng kế. Vậy mỗi chập tư tưởng mới gồm những năng lực tiềm tàng của chập trước và thêm vào đó chút gì khác. Đến lúc chết, chập tư tưởng cuối cùng chấm dứt, để nhường chỗ cho chập tư tưởng kế phát sanh trong kiếp sống mới. Vậy, cái Thức mới gồm chứa tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ, vì tất cả những cảm giác trong quá khứ đều được ghi nhận trong cái tâm biến đổi, và tất cả tiềm năng đều được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, mặc dầu phần vật chất tan rã. Vì lẽ ấy, đôi khi có người còn nhớ được kiếp quá khứ của mình. Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc vào bộ não, tức nhiên không thể có người nhớ được tiền kiếp.

"Chúng sanh mới" là sự biển hiện của luồng nghiệp trong hiện tại, không giống hệt, không phải là một, nhưng cũng không hoàn toàn khác với chúng sanh trước kế đó.

"Những thành phần (ngũ uẩn) tạo nên chúng sanh ấy không giống hệt, không phải là một với thành phần (ngũ uẩn) đã tạo nên chúng sanh trước. Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn là khác vì cả hai cùng nằm chung trong một luồng nghiệp, mặc dầu biểu hiện dưới hình thức mới, trong thế gian mà ngũ quan ta có thể thâu nhận, và ta cho là có một "chúng sanh mới."

Theo Phật giáo, cái chết là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật-lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của sinh lực, tức là đời sống tâm linh và vật lý, cùng với hơi nóng và thức.

Chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống chúng sanh không bị tiêu diệt.

Cũng như ánh sáng đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng như thế, sự tan rã của thể xác không làm xáo trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồn bất biến, như một thực thể đơn thuần, "chuyển" từ hiện tại sang tương lai.

Trong trường hợp nêu trên, nếu người chết tái sanh trở lại vào cảnh người, chập tư tưởng cuối cùng tất nhiên là một loại tâm thiện. Thức-tái-sanh là từ tâm thiện ấy phát sanh, tự nhiên chuyển đến cái trứng và tinh trùng tương xứng trong cảnh người.

Như thế có nghĩa là cho đến lúc chết, luồng nghiệp lực vẫn luôn luôn trôi chảy, không có một điểm thời gian gián đoạn. Ngay lúc chết những chập tư tưởng vẫn liên tục kế tiếp như trong đời sống.

Hiện tượng chết và tái sanh diễn ra tức khắc, dầu ở bất cứ nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào. Phật giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai.” (hết trích)

Trên đây là quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy, hay còn gọi là Phật giáo Nam Tông Theravada.

Về phía Phật giáo Bắc Tông, hay còn gọi là Phật giáo Đại Thừa, thì quan niệm rằng không hẳn là tất cả mọi người sau khi chết đều tái sinh ngay lập tức. Trường phái này quan niệm rằng những người có nghiệp cực thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ cõi Tây Phương Tịnh Độ, Đông Phương Tịnh Độ, vân vân, và những người có nghiệp cực ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như Địa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh. Trường hợp đó gọi là chết đây sinh kia. Ngoài hai trường hợp đó, sau khi chết, người ta có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm, và mơ màng trong cảnh giới này từ  1 lần 7 ngày,  cho tới 7 lần 7 ngày,  là 49 ngày. Trong thời gian đó, nhất là 21 ngày đầu, người đã qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, người ta coi trọng sự cầu nguyện để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ hòa nhập được vào các cõi an lành.

Như vậy thì cả hai truyền thống Phật giáo, Bắc Tông và Nam Tông đều không nói đến những hình thức cúng kiếng cho người đã chết từ lâu, hàng năm trời, mà chỉ có thể giúp cho người mới chết qua những lời kinh tiếng kệ, qua lòng chí thành thanh tịnh của chư vị chân tu và thân nhân, hy vọng họ chuyển hóa các tâm niệm xấu mà thôi.

Tuy nhiên, theo truyền thống của người Việt Nam, việc cúng giỗ là điều rất tốt, nhưng nên được xem như là ngày tưởng niệm, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành, cũng như mỗi quốc gia đều có những ngày kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong, để nói lên lòng nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước vậy.

Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ tại nhà, hoặc tại chùa với mục đích tưởng niệm, không thiết lễ cầu siêu dâng sớ và đốt vàng mã theo văn hóa Trung Hoa (vì tin chắc là ông bà hoặc đã lên các cõi Tịnh hay đã tái sanh làm người ngay từ lúc nhắm mắt lìa đời). Nếu đủ phương tiện có thể tổ chức cúng giỗ tại chùa thì tốt hơn. Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho con cháu, họ hàng tiếp cận với các vị Sư, nhân đó, họ có thể tìm hiểu để học hỏi thêm về Phật pháp. Thứ nữa là thân nhân người chết có thể tạo chút phước qua việc cúng dường Tam Bảo, để nhà chùa có thêm khả năng ấn tống kinh sách, phổ biến Phật pháp rộng rãi, thêm phương tiện để hoàn thành các Phật sự vì chúng sinh và cho chúng sinh. Các vị Sư là những Trưởng Tử Như Lai, là những Đạo Sư, có nhiệm vụ thiêng liêng là hoằng dương Chánh Pháp song song với việc tu tập bản thân để giải thoát luân hồi. Phật tử tại gia cũng vậy, ngoài việc lo cho gia đình, xã hội cũng cần phải tu tập bản thân và giúp phương tiện cho các vị Đạo Sư trong công cuộc hoằng truyền và bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 7703)
Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13036)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13151)
Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 8939)
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Dựa vào các nguyên tắc đạo đức, con người dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Giới luật trong Phật giáo (Vinàya) có nghĩa là điều phục, huấn luyện, đã huấn luyện thì phải có kỷ luật. Điều phục ở đây nghĩa là điều phục thân tâm
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7634)
Cách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường.
05 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11611)
Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.
31 Tháng Mười 2014(Xem: 5480)
Đôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 11021)
Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 14764)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 6554)
Trải qua gần 100 năm tuổi (phôi thai bắt đầu từ khoảng năm 1916- 1918), bộ môn Cải Lương của miền Nam Việt Nam ngày nay đã thật sự "đi vào lòng người", vừa là kịch, vừa là hát, nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với những nhạc cụ dân tộc, tạo thành một nghệ thuật đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cộng vào đó, những nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện, hòa cùng kỹ thuật âm thanh tân tiến ngày nay, đã đưa bộ môn nghệ thuật Cải Lương tới chỗ tòan hảo, truyền cảm và rất tự nhiên.