Thế Nào Là Kinh Liễu Nghĩa?

27 Tháng Tám 201000:00(Xem: 27929)
ôi được xem nhiều kinh lưu trữ trong Thư Viện Hoa Sen, trong đó có những kinh được quý thầy cho biết là kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Ví dụ như kinh Bát Nhã là kinh liễu nghĩa và kinh Địa Tạng hay kinh Nhân Quả Ba Đời là những kinh không liễu nghĩa. Vậy xin vui lòng cho tôi biết thế nào là kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Xin cảm ơn quý ban biên tập.

TRẢ LỜI: Liễu Nghĩa là thực nghĩa hiển liễu phân minh thuyết thị cứu cánh. Là nghĩa đã trọn, đã hết. Đối nghịch với liễu nghĩa là bất liễu nghĩa tức là nghĩa chưa trọn vẹn, chưa hết nghĩa. Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa là tên gọi khác của Cứu Cánh (liễu nghĩa) và Phương Tiện (bất liễu nghĩa). Trong kinh điển Phật giáo có Liễu Nghĩa Kinh và Bất Liễu Nghĩa Kinh. Cho nên Phật dạy; phải y vào kinh Liễu Nghĩa (Kinh Đại Bát Niết Bàn - Phẩm Tứ Y).

Nói một cách giản lược, kinh liễu nghĩa là kinh điển trình bày về chân lý tuyệt đối, bản thể chân tâm, đúng mức và rốt ráo. Kinh không liễu nghĩa là những kinh phương tiện, chỉ nói về chân lý tương đối, chưa đúng mức, chưa hết nghĩa. Ví dụ như nói: Như Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai thường trụ không biến đổi, đây gọi là lời (kinh) liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Niết Bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Pháp tánh, đấy là lời (kinh) liễu nghĩa.

Đối với Phật Giáo Nam Tông, bất cứ kinh nào có hiện diện của ba pháp ấn: vô thường, vô ngã và khổ là chỉ cho kinh liễu nghĩa. Hành giả nào vâng theo những lời dạy trong kinh liễu nghĩa này mà thực hành tu tập thì sẽ đưa đến chỗ đắc đạo và, nếu kinh nào mà không có sự hiện hữu của ba pháp ấn này thì kinh điển đó không phải là kinh liễu nghĩa. Ba pháp ấn là ba phạm trù dùng để ấn chứng, công nhận những kinh điển nào phù hợp với những lời dạy của đức Đạo sư, phù hợp với sự thật thì những lời dạy ấy đích thật là của trí tuệ.

Ý niệm về kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa song hành với ý niệm về hai sự thật: Sự Thật Tương ĐốiSự Thật Tuyệt Đối. Sự Thật Tuyệt Đối tương đương với liễu nghĩa, thuật ngữ Phật học gọi là Chân Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế; còn Sự Thật Tương Đối là Tục Đế, cũng còn gọi là Sự Thật Công Ước. Trong sự thật công ước, tất cả mọi hiện tượng đều diễn bày thật một cách công ước, có nghĩa là, chúng cũng thật như thể một giấc mộng. Chúng xuất hiện và vận hành qua tiến trình duyên khởi tạo nên bởi tâm vọng tưởng. Ngược lại, trong sự thật tuyệt đối, tất cả mọi hiện tượng đều không có tự tính và vượt trên mọi khái niệm, vượt trên mọi phân biệt nhị nguyên đối đãi. Một vị Thiền sư cho một ví dụ rất hay khi đề cập đến hai sự thật này là ở trong một căn nhà, người ta muốn thờ Phật ở tầng trên và ngủ ở tầng dưới, tại vì nếu thờ Phật ở tầng dưới, đi đứng, nằm ngồi ngủ nghỉ ở tầng trên thì có cảm giác mang tội. Đó là một sự thật tục đế được mọi người công ước. Mình tin rằng thờ Phật ở tầng trên và mình ở tầng dưới, nhưng khi quả địa cầu quay ngược lại, thì mình ở trên và nơi thờ Phật lại ở dưới. Thành ra ý niệm về trên và dưới là một ý niệm tương đối. Đối với sự thật tuyệt đối thì không có trên dưới.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết, chúng ta đang sống trong thế giới công ước, sống trong những thật tại tương đối, mặc dầu không hoàn toàn, không tuyệt đối, nhưng nó rất là quan trọng vì nhiều khi chúng ta phải nương vào nó để hiểu, để tới thế giới tuyệt đối. Đối với kinh, khi thấy một lời kinh (hay) một quyển kinh không liễu nghĩa, không nên cho rằng kinh này là sai, không phải là kinh của Phật, không phù hợp với tinh thần giáo lý của Phật. Không nên nói và nghĩ như vậy, vì có thể những kinh đó đã được nói ra đễ dẫn dắt những người mới bước chân vào đạo hay những người chưa đủ căn cơ để tiếp nhận giáo pháp cao hơn. Mặc dầu kinh đó chưa diễn bày hết nghĩa lý thâm sâu của Phật, nhưng nó có tác dụng đưa người ấy ra khỏi cảnh khổ, ra khỏi vũng bùn lầy lội hiện tại.

Một Phật tử được khuyên bảo là “vì lòng từ bi với muôn loài chúng sinh nên đừng sát sinh và ăn chay là tránh sát sinh. Mục đích đích thực của việc ăn chay trong đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tôn trọng sự sống không những bằng cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống, nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài, có khi tích cực như "thay khổ cho chúng sanh" để cứu vạn loại”. Mặc dầu nghe rất hay nhưng sao thấy chuyện đó xa vời quá nên vị Phật tử này không quan tâm đến việc thực hành ăn chay. Cho đến khi có một người bạn thân lấy một đoạn kinh Bắc Truyền nói rằng “ăn miếng thịt trả miếng thịt, giết mạng sống đền mạng sống”, thế là vị Phật tử này nghe liền và ăn trường chay luôn. Vậy thử hỏi ai khuyên đúng? Ai khuyên sai? Thật ra không có ai nói sai hay nói đúng hết. Chỉ có vấn đề có phù hợp với căn cơ người nghe không mà thôi.

Đức Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sát thính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa cho họ hết tâm bệnh. Cố nhiên khi Phật nói với người này thì người khác cũng có thể nghe nhưng họ không hiểu được, không cảm nhận được vì họ không cùng hoàn cảnh, không cùng căn cơ. Vì vậy từ xưa và đến ngày nay vẫn có một số người hiểu lầm Ngài, tỏ vẻ chống báng, chỉ trích. Cho nên, Chúng ta nên biết rằng mỗi lời Phật nói nhắm vào một mục đích tương đối nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Nếu chúng ta thấy được hoàn cảnh của họ mới mong hiểu được lời tuyên bố của Phật. Vì Phật muốn độ chúng sinh mà phương tiện nói pháp

Ngày xưa Tổ Triệu Châu nói với đệ tử về Phật tánh: Con chó có Phật tánh hay không? Trong các kinh Phật đều nói rằng “trên từ chư Phật dưới tới con sâu con kiến đều có Phật tánh” Theo đó thì con chó thế nào cũng có Phật tánh, nên một hôm đệ tử biết chắc như vậy bèn hỏi để thầy ấn chứng cho sở học của mình: “Thưa thầy, con chó có Phật tánh hay không? Tổ trả lời: Không. Cũng chính Tổ hôm trước nói con chó có Phật tánh mà, sao hôm nay lại nói không! Vì Tổ biết vị đệ tử này tin chắc chắn con chó có Phật tánh nên Tổ mới nói không nhằm phá chấp có của đệ tử, tháo gỡ cái vướng mắc “có không” của thế giới nhị biên, đối đãi. Nếu chúng ta căn cứ vào lời nói mà bảo rằng Tổ này nói đúng, Tổ kia nói sai, là không đúng. Đúng là đúng với ai? Sai là sai với ai? Có khi nó đúng với người này mà nó sai với người khác. Các Ngài nói với từng người một, mỗi người có căn cơ riêng, có hoàn cảnh riêng. Một vị Bác sĩ trước khi cho thuốc phải khám nghiệm, chẩn mạch, phải biết được tình trạng cơ thể bệnh nhân.
(Ban Biên Tập TVHS)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9555)
Nghi thức cúng cô hồn với tên gọi “Mông sơn thí thực” là nghi thức do Phật giáo Trung Quốc biên soạn, đức Phật không hề dạy nghi thức này. Người TQ cho rằng TQ cho rằng “sống là tạm bợ trên dương thế, chết là về với âm phủ lâu dài”; cũng giống với người TQ, người Ai Cập cổ xưa tin rằng dưới lòng đất mới là cảnh giới sống vĩnh hằng.
01 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6448)
Một ngày kia, vừa bước chân vào lớp, sư Ashim Chakma và các sư cùng lớp đều gọi tôi bằng một ngôn từ tiếng Việt rằng: Khất sĩ. Một sự ngạc nhiên và cảm xúc tràn dâng, đúng chúng ta là Khất sĩ.
30 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8482)
Về phương diện xuất gia giải thoát, thì không dễ như bạn đã hình dung. Vì nếu muốn được sự giải thoát thì không chỉ dựa vào yếu tố buông bỏ hoặc buông xả, vì nó chỉ là bước đầu tiên của ý niệm từ bỏ hay xa lánh.
25 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7383)
Tôi vốn rất tin tưởng vào các quan điểm của Phật giáo, tuy hơi thắc mắc về chuyện liệu 29 năm qua đi cha tôi đã đầu thai chưa? Việc mỗi khi có sự kiện gì lớn trong gia đình tôi lại mơ thấy cha mình, lúc nhiều lúc ít, liệu đây có phải là cha tôi vẫn còn chưa siêu thoát và vẫn còn tham dự vào chuyện gia đình chúng tôi?
22 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11170)
Vấn đáp: Danh xưng trong Phật Giáo Việt Nam. Các cấp giới phẩm, Long cung và ngài Long Thọ, niềm tin trong đạo Phật, lạm dụng danh xưng hóa thân (Pháp Vương), niệm Phật vãng sanh, niệm Phật một cách cực đoan, Phật hóa gia đình
06 Tháng Mười Một 2015(Xem: 9601)
Kính bạch Sư, con có một câu hỏi kính Sư chia sẻ cho con được biết. Con là phật tử mới bước vào đạo, con cũng có giác ngộ được chút đỉnh. Con đi chùa, con ăn chay trường mà về nhà con còn phải đi chợ mua và làm đồ ăn thịt cá cho chồng và con của con ăn. Con phải làm tất cả từ khâu mua bán, chế biến… vậy Sư cho con hỏi con tu thì liệu có được kết quả gì không?
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5779)
Kính bạch Thầy, con nghe người ta nói, con người sau khi chết có một cái hồn tồn tại và rồi đi đầu thai, chứ không có nghiệp báo gì hết. Họ nói như thế có đúng không? Kính xin Thầy giải đáp cho chúng con được rõ.
27 Tháng Mười 2015(Xem: 10713)
Gia đình tôi ăn chay trường, vừa rồi tôi có tìm hiểu vài cuốn sách dạy nấu chay nhưng lại thấy một số các món chay có thành phần là trứng gà. Theo mẹ tôi thì ăn chay là không được ăn trứng. Vậy tại sao trong sách dạy nấu chay lại nói như vậy? Tôi có biết một số món chay trong Thực phổ của Làng Mai cũng dùng trứng.
26 Tháng Mười 2015(Xem: 7627)
HỎI: Tại sao có nhiều người làm việc ác mà vẫn giàu có sung sướng, còn những người hiền lương lại hay bị hoạn nạn và nghèo khó? Luật Nhân Quả có bất công hay không?
25 Tháng Mười 2015(Xem: 7166)
Kính bạch thầy. Con là sa di Trung Thắng mới xuất gia được hơn một năm. Con kính xin thầy chỉ dạy thế nào là Chánh mạng đối với người xuất gia để con có được định hướng thích đáng trong việc tu học. Con xin kỉnh lễ tri ân Thầy.