Làm Sao Để Kiếm Tìm Vị Thầy Tâm Linh?

06 Tháng Chín 201200:00(Xem: 39877)

LÀM SAO ĐỂ KIẾM TÌM VỊ THẦY TÂM LINH?
Rudy Harderwijk
Quảng Trí lược dịch

“Dựa trên những lời giáo huấn để đánh giá một vị thầy: Đừng tin một cách mù quáng, nhưng cũng đừng phê bình mù quáng”. Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chúng ta cần sự hỗ trợ trên con đường tâm linh để giúp tìm ra con đường đúng đắn. Rõ ràng, một người tốt nhất để chúng ta đi theo có thể xem như là một hướng dẫn viên du lịch giỏi, người đã đi qua con đường đó một cách thành công. Người ấy có thể giúp ta rút ngắn lộ trình của mình và tránh những chướng ngại trên đường.

Ở phương Tây, vai trò của vị thầy tâm linh thường bị hiểu nhầm, bởi vì người phương Tây đã không còn giữ hệ thống giáo dục cổ điển, học sinh học với một vị thầy giáo trong nhiều năm, chẳng hạn như việc học các ngành nghề thủ công.

Có nhiều sự hiểu nhầm về các bậc thầy tâm linh. Một số người có thể nghĩ rằng, một vị thầy tâm linh sẽ nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm đối với đời sống của một người đệ tử, và xem người đệ tử như là một kẻ biết vâng lời, một đứa trẻ vô tâm. Như Scott Mandelker nhận định: “Dường như rằng, hầu hết những người đệ tử đều thật sự muốn giữ lại một chút tính trẻ con, và thần tượng hóa người cha, người mẹ tâm linh thiêng linh của mình”.

Tuy nhiên, không ai có thể nhận lãnh trách nhiệm thay cho chính ta, cho lối sống của ta và cho những hạnh nghiệp mà ta đã làm. Thậm chí, ngay cả khi nhường việc đưa ra một số quyết định lại cho người khác, chúng ta vẫn chịu trách nhiệm về những hành động của mình, kể cả khi chúng ta chuyển các quyết định ấy cho người khác.

Chúng ta cần có cái nhìn thiết thực về những vị thầy tâm linh. Nếu muốn học điều gì đó, chúng ta cần một vị thầy, hoặc ít ra sẽ rất hữu ích khi có một vị thầy chỉ dẫn. Làm sao chúng ta có thể tiến bộ trong việc tập đọc, tập viết khi không có thầy dạy, không có người hướng dẫn? Ngài Zasep Tulku Rinpoche đã dạy: “Nếu bạn học Phật chỉ vì mục đích nghiên cứu, vì muốn phát triển sự hiểu biết của mình về Phật pháp, nếu bạn chỉ học Phật pháp mang tính học thuật, chỉ ở mức độ tri thức thì tôi nghĩ bạn không cần đến mối quan hệ thầy-trò. Và bạn cũng có thể học với tất cả mọi vị thầy. Việc này cũng giống như bạn đến học tại một trường đại học vậy, bạn học với những vị thầy khác nhau, những giáo sư khác nhau và cứ thế bạn tiến về phía trước. Nhưng nếu bạn muốn dấn thân tu theo Phật pháp thì cần phải có vị thầy dẫn dắt, bởi vì chúng ta cần phải biết làm sao để đạt đến sự giải thoát, làm sao để thực tập Chánh pháp”.

Trong đạo Phật, chúng ta cần phải nhận thấy được rằng, vai trò của người thầy tâm linh là vô cùng quan trọng, bởi người thầy có thể dẫn dắt chúng ta tìm thấy được trí tuệ và “vị thầy bên trong” của mình. Chúng ta cần phải phát triển trí tuệ và sự thấu hiểu để trở thành một bậc thầy, và cuối cùng là chính ta trở thành một vị Phật. Trong ý nghĩa đó, một vị thầy như là "một người mẹ tâm linh"; ở giai đoạn khởi đầu, chúng ta dường như không có khả năng tự lập, nên cần nhiều sự giúp đỡ, chỉ dẫn; nhưng cuối cùng thì chúng ta cần phải đứng bằng chính đôi chân của mình và có khả năng tự lập. Ngài Lama Thubten Yeshe từng dạy: “Một vị thầy tâm linh là một người thật sự có thể chỉ cho bạn thấy Phật tánh trong tâm bạn và là người biết những phương thuốc tuyệt hảo để chữa trị những tâm bệnh của bạn. Một người mà không biết tâm của chính họ thì sẽ không bao giờ biết được tâm của người khác, do vậy họ không thể nào làm một vị thầy tâm linh”.

Trước khi quyết đinh đi theo một vị thầy tâm linh, chúng ta cần phải tìm hiểu về vị đó, đây là điều hết sức quan trọng. Có không ít những điều dối trá ở xung quanh ta. Trong truyền thống Ấn Độ cổ, các vị thầy thường được kiểm tra trong vòng 12 năm hoặc hơn trước khi họ được hoàn toàn tin tưởng và giao phó nhiệm vụ làm vị thầy hướng dẫn tâm linh cho học trò. Người ta rất dễ đi theo người khác một cách mù quáng, đặc biệt là với “những người nói rất êm tai” và “những người bán hàng giỏi”. Lý do khiến các vị thầy tâm linh được gọi với những danh từ xấu đó là vì nhiều người đã bị lừa bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài. Không nên tin tưởng một cách mù quáng vào các vị thầy như thế để rồi đi theo họ.

Bạn cần phải có trách nhiệm kiểm tra những cảm nhận của mình một cách nghiêm túc, ngay cả trong những mối quan hệ cá nhân: Kiểm chứng xem những hành vi của họ có hợp với những gì họ nói không? Phải chăng họ thường nhấn mạnh đến những vấn đề đời thường hơn so với con đường tâm linh của họ? Hãy xem những gì mà các vị đệ tử khác nói về thầy của họ; và đương nhiên là cả những điều mà các vị thầy khác nghĩ.

Làm sao để một người có thể chọn cho mình một vị thầy để giảng dạy cho họ các vấn đề tâm linh hoặc nhận biết một vị thầy đáng tin cậy? Đối với câu hỏi này, Đức Dalai Lama đã dạy: “Điều này nên được tiến hành một cách tương ứng với tính tình và mối quan tâm của bạn, nhưng bạn phải phân tích kỹ lưỡng. Bạn phải kiểm tra trước khi nhận một vị thầy tâm linh để xem vị đó có thật sự có khả năng hay không. Trong kinh điển có dạy rằng, một con cá ẩn nấp dưới nước có thể được nhìn thấy thông qua sự chuyển động của những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước, cũng vậy, những phẩm chất bên trong của một vị thầy, qua thời gian, có thể nhìn thấy một ít thông qua những hành vi của vị đó. Chúng ta cần nhìn vào sự uyên thâm của vị thầy - khả năng giải thích các chủ đề - và xem vị đó có thực hiện những lời họ dạy trong tư cách đạo đức và lối sống của bản thân hay không.

Theo ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, thật khó để nhận ra một vị thầy chân thực, bởi vì những phẩm chất của một vị thầy đích thực thường nằm ở bên trong. Chúng ta không thể dựa vào những yếu tố bên ngoài được, nhưng những yếu tố bên ngoài là những gì chúng ta có thể thấy. Rất khó nhìn thấy được những phẩm chất bên trong của người khác. Một người kinh doanh có thể thân thiện với chúng ta hơn cả người bạn thân nhất của mình, trong khi động cơ bên trong của anh ta là chỉ để bán được sản phẩm. Tương tự như thế, một vị thầy hành xử với chúng ta bằng một thái độ rất tử tế và đầy yêu thương, nhưng điều đó không hẳn là vị ấy có tâm thương yêu và vị tha, tại vì chúng ta không thể nhìn thấy được động cơ bên trong của người đó. Chúng ta cũng không thể xác định những phẩm chất của một vị thầy dựa trên danh tiếng của họ, hay là dựa trên số lượng đệ tử, học trò của họ.

Không có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này, nhưng có một vài điều mà chúng ta có thể áp dụng trong việc tìm kiếm cho mình một vị thầy tâm linh. Trước hết, chúng ta cần làm quen với những phẩm chất của một vị thầy tâm linh, đó là: 1. Một vị thầy tâm linh phải có hành vi đạo đức phù hợp, không làm tổn hại người khác mà ngược lại còn giúp đỡ họ; 2. Có khả năng định tĩnh; 3. Không chấp ngã và không có những ý niệm về tự ngã; 4. Giảng dạy mọi người với tâm thương yêu, không vụ lợi; 5. Có sự hiểu biết, có tri thức phù hợp; 6. Chuyên tâm giảng dạy không biết mệt mỏi; 7. Thông thạo nhiều kinh điển; 8. Nghiên cứu sâu và thực chứng nhiều hơn học trò; 9. Khéo thuyết giảng; và 10. Không thất vọng và bỏ rơi học trò khi họ có những biểu hiện chưa tốt. Nếu được thì nên tìm những vị thầy tâm linh hội đủ 10 phẩm chất nói trên, hoặc ít nhất là 5 phẩm chất đầu. Tiếp đến, chúng ta phải duy trì sự tỉnh giác đối với động cơ của chính mình trong quá trình tìm kiếm vị thầy tâm linh. Chúng ta phải luôn tự vấn rằng: Phải chăng tôi đang tìm kiếm một vị thầy để giúp tôi đạt được sự giác ngộ để rồi làm lợi ích cho chúng sanh, hay là tôi tìm kiếm một vị thầy để thỏa mãn nhu cầu của tôi là có được uy tín khi được ở bên cạnh một vị thầy nổi tiếng, hay chỉ đơn giản là tôi bị thu hút bởi không gian tu tập đẹp đẽ của vị thầy, hoặc là bị cuốn hút bởi hình ảnh của cộng đồng tu sĩ tân thời…?

Những động cơ của chúng ta rất quan trọng, góp phần giúp ta tìm được một bậc thầy minh triết thực sự. Bởi vì, vị thầy mà ta tìm thấy có liên hệ với nghiệp của ta, và nghiệp của ta thì lại gắn kết mật thiết với động cơ của mình. May mắn cho chúng ta là còn có những phương pháp giúp ta thanh lọc động cơ của bản thân và tạo ra những điều kiện tương hợp cho việc tìm kiến một vị thầy minh triết. Những phương pháp ấy là: dùng sự tỉnh giác của mình để soi rọi vào những động cơ của bản thân càng nhiều càng tốt, thực tập thiền mỗi ngày, và cầu nguyện Tam bảo gia hộ… Những phương pháp này sẽ giúp ta gặp và nhận ra một vị thầy minh triết thực thụ.

Trong truyền thống tu tập của Phật giáo, Đức Phật ví những giáo pháp mà Ngài đã giảng dạy như những vị thuốc, và người thầy tâm linh thực thụ như là những vị bác sĩ giỏi, có khả năng chẩn đoán đúng tâm bệnh của đệ tử để rồi đưa ra những phương thuốc phù hợp giúp chữa lành căn bệnh cho họ. Vì thế, trên con đường tu học, nếu ta gặp được một vị thầy tâm linh thực thụ, một vị thầy với đầy đủ sự minh triết và lòng thương yêu để dẫn dắt chúng ta tu học thì đấy là một diễm phúc lớn, một phước báo lớn của ta.

Rudy Harderwijk - Quảng Trí lược dịch


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 8619)
Muốn không còn khổ đau, thì con người cần có sự tu tỉnh, tránh xa các điều ác, làm các việc lành, giúp đỡ chúng sanh, đó là lời chư Phật trang nghiêm kiếp, hiền kiếp đều giáo hóa. Thế giới và con người sẽ theo nghiệp cảm mà thọ báo lành, không còn khổ đau nữa.
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 16498)
Câu hỏi của tuần nầy đến từ Cô Gái Đẹp (Pretty Girl): Tôi là một người mẹ độc thân, đang nuôi một đứa con còn bé, mới bốn tuổi. Tôi năm nay 41 tuổi, và tôi đã có thai ba lần. Lần có thai đầu tiên, tôi đã phá thai, rồi sau đó, tôi cảm thấy không thể tha thứ cho chính tôi.
18 Tháng Năm 2015(Xem: 5754)
Tôi nghe nói có 7 hạng người không thể độ được. Xin được chỉ giáo
06 Tháng Năm 2015(Xem: 10230)
12 Tháng Tư 2015(Xem: 5164)
xin thay giai thich bai kinh
01 Tháng Tư 2015(Xem: 5105)
xin hoi bai kinh V. Bao Nhiêu Phải Cắt Đoạn. (S.i,5) ... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn: Phải cắt đoạn bao nhiêu, Phải từ bỏ bao nhiêu, Tu tập thêm bao nhiêu, Vượt qua bao trói buộc, Để được có danh xưng, Tỷ-kheo vượt bộc lưu? (Thế Tôn): Phải cắt đoạn đến năm, Phải từ bỏ đến năm, Tu tập thêm năm pháp (lực), Vượt qua năm trói buộc, Để được có danh xưng, Tỷ-kheo "vượt bộc lưu". xin thay giai thich dum con. cam on thay
17 Tháng Hai 2015(Xem: 5580)
Trí Vô Sư có dạy trong kinh điển Nguyên Thủy không ạ?
09 Tháng Hai 2015(Xem: 5319)
Kính thưa nhà sư con đang tu pháp môn tịnh độ, con chuyên niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Con có một điều thắc mắc là sau này khi mạng chung con chỉ sợ nghiệp chướng quá nặng như tai nạn...mà con không thể niệm danh hiệu của Phật trước khi chết thì con có được vãng sanh về nước cực lạc cuả Phật A Di Đà không ạ? Gia đình con thì chỉ có mình con theo Phật, khi con mạng chung mà không có ban trợ niệm liệu con co được vãng sanh không ạ. Mong ngài khai thị cho con. Nam mô a di đà phật.
05 Tháng Giêng 2015(Xem: 7357)
Thưa các thầy con năm nay 20 tuổi chưa nạo phá thai lần nào nhưng vừa rồi coj vừa bị sảy thai khi thai đã ba tháng rưỡi. Từ khi có thai con giữ rất kỹ nhưng vẫn bị động thai suốt lúc nào con cũng thành tâm cầu xin trời phật phù hộ nhưng khi thai đã thành hình thì con lại không giữ được . Con rất muốn biết nguyên nhân tại sao con không giữ được em bé để thanh thản hơn...để không oán trách các bác sĩ không cứu được bé...mong các thầy giúp con....con rất biết ơn