Tánh Không Trong Phật Giáo

23 Tháng Sáu 201616:30(Xem: 6098)

TÁNH KHÔNG TRONG PHẬT GIÁO
Truyền Bình

 

la  senTánh Không với hàm ý bản thể của thế giới, vạn vật đều là không, nghĩa là không có thật, không có thực thể, không có tự tánh riêng biệt, tất cả các pháp, dù là vật chất hay tinh thần đều chỉ là nhân duyên giả hợp, chỉ là ý thức (Vạn pháp duy thức), đều là do Tâm tạo (Tam giới duy tâm) chứ không phải là thật. Tánh Không có ý nghĩa cốt tuỷ trong Đạo Phật, nó khiến cho Phật giáo khác với các tôn giáo khác, cũng không giống với Khoa học và nhiều trường phái triết học khác. Đến đây hẳn độc giả cảm thấy rất thắc mắc, rất nghi ngờ vì cảm thấy quá đỗi phi lý, không thể hiểu nổi, không thể tin nổi. Chẳng lẽ cái nhà ta đang ở, cái xe ta đang sử dụng, cơm ăn áo mặc hàng ngày là không có thật sao ?

Chữ Không được đề cập tập trung nhất trong Bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh 般若波羅蜜多心經  là Hán dịch từ Phạn ngữ Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, đây là một bộ kinh Đại Thừa rất ngắn, bản chữ Hán do Pháp sư Huyền Trang dịch chỉ có 260 chữ. Nguyên bản có lẽ ra đời từ khoảng năm 100 trước Công nguyên đến thế kỷ II CN. Trích đoạn đầu :

觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法 空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.

Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

Vô khổ, tập, diệt, đạo.

Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.

Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác với không, không chẳng khác với sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Cho nên trong cái không đó, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức.

Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.

Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, tập, diệt, đạo.

Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.

Chúng ta chưa cần vội hiểu nghĩa của các câu trên, chỉ cần chú ý rằng trong đoạn kinh ngắn trên có rất nhiều chữ Không và Vô, cả hai chữ đều có nghĩa là không có thật. Không phải tuyệt đối không có, có nhưng không phải thật, Giống như các trò chơi (games) trong thế giới ảo, có đấy nhưng không phải thật. Long Thọ Bồ Tát, (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna) vị Tổ thứ 14 của Thiền Tông Ấn Độ có viết cả một bộ sách Trung Quán Luận để giảng giải chữ Không này. Nhưng chúng ta sẽ không theo cách diễn giải của ngài Long Thọ vì nó rất trừu tượng, khó hiểu, bởi vì ngày xưa chưa có hiểu biết nhiều về khoa học, do đó chỉ dùng lý luận trừu tượng rất khó hiểu, chỉ cần biết Long Thọ Bồ Tát đã nói rằng “Tâm như hư không vô sở hữu” (Tâm giống như hư không không có thật). Chúng ta nên theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đương đại, dùng  Vật lý lượng tử (Quantum Physics) hay thường nói hơn là Cơ học lượng tử (Quantum Mechanics) hiện đại để tìm hiểu tánh Không thì dễ hiểu hơn. Nhưng trước khi đi sâu vào cơ học lượng tử, nên xem kỹ lại thuyết Thập nhị nhân duyên  của Đức Phật.

Sơ đồ thập nhị nhân duyên cổ xưa vẫn được giữ nguyên, nhưng cần thiết phải giải thích thêm, cho thêm ví dụ để hiểu rõ hơn.

Chúng ta biết rằng : Thế giới vật chất do nhiều nguyên tử của khoảng hơn 100 nguyên tố mà người ta tìm thấy trên địa cầu và trong vũ trụ cấu thành. Nguyên tử có hạt nhân ở trung tâm và đám mây electron chuyển động bên ngoài. Hạt nhân nguyên tử cấu tạo bằng một hoặc hai loại hạt là proton và neutron. Ví dụ nguyên tử đơn giản nhất là hydrogen, hạt nhân hydrogen chỉ có một hạt proton. Còn hạt nhân nguyên tử của helium thì có 2 proton và 2 neutron. Hạt proton lại được cấu tạo bằng 2 hạt quark up + 1 hạt quark down. Hạt neutron thì cấu tạo bằng 1 hạt quark up + 2 hạt quark down. Đó là mô tả nguyên tử vật chất của vật lý học hiện đại.

Nguyên tử Hydrogen chỉ có 1 proton và 1 electronNguyên tử Hydrogen chỉ có 1 proton và 1 electron

 

Nguyên tử Helium có 2 proton, 2 neutron và 2 electronNguyên tử Helium có 2 proton, 2 neutron và 2 electron

Hạt Proton trong nhân nguyên tử cấu tạo bởi 2 quark up +1 quark downHạt Proton trong nhân nguyên tử cấu tạo bởi 2 quark up +1 quark down

 

Hạt Neutron trong nhân nguyên tử cấu tạo bởi 1 quark up +2 quark downHạt Neutron trong nhân nguyên tử cấu tạo bởi 1 quark up +2 quark down

Nguyên tử vật chất thật ra là trống rỗng, hạt quark và hạt electron không thể độc lập tồn tại, chúng chỉ nương tựa vào nhau mà tồn tại dưới hình thức nguyên tử. Nguyên tử gồm có hạt nhân ở trung tâm và các hạt electron xoay chung quanh. Nhân nguyên tử chỉ có kích thước bằng 1/10.000 (một phần mười ngàn) đường kính nguyên tử. Đường kính của một nguyên tử, chẳng hạn carbon, là 0,5nm (nanomét, 1nm = một phần tỉ mét) Mà nhân nguyên tử lại được cấu tạo bởi những hạt proton và neutron, các hạt này có kích thước 0,00000001 nm (một phần trăm triệu nanomét). Như vậy hạt proton nhỏ hơn nguyên tử 50 triệu lần.  Kích thước của hạt quark còn cực kỳ nhỏ hơn nữa. Để hình dung, ta lấy nguyên tử carbon vốn đã rất nhỏ (0,5 nm -nano mét,), phóng đại bằng kích thước quả địa cầu (phóng đại cỡ 24 triệu tỉ tức 24×1015 lần) thì thấy hạt quark có kích thước chưa tới 5 ly (mm). Mô tả rõ ràng như vậy để thấy rằng nguyên tử là hoàn toàn trống rỗng, vật chất làm nên nguyên tử là các hạt quark và electron cũng không phải là thực thể vì chúng không thể độc lập tồn tại.

Một hạt quark riêng lẻ không tồn tại, phải có 3 hạt quark hợp lại mới thành hạt proton hoặc hạt neutron. Còn hạt electron thì không thể đứng yên một chỗ, nó luôn chuyển động không ngừng và không thể cùng lúc xác định động lượng (bằng cách đo xung lượng của hạt electron khi nó va chạm với hạt proton do người làm thí nghiệm bắn vào) và vị trí của nó theo nguyên lý bất định do Heisenberg tìm ra. Ý nghĩa của nguyên lý bất định Heisenberg là người ta không thể nắm bắt, xác định được hạt electron một cách dứt khoát. Theo cái nhìn Phật giáo thì hạt quark (không thể độc lập tồn tại) và hạt electron (không thể xác định dứt khoát) chỉ là hoa đốm trong hư không, không có thật, chỉ vì nhất niệm vô minh mà thấy có nhân duyên kết hợp để xuất hiện nguyên tử vật chất và từ đó cấu thành ngân hà, tinh tú, sơn hà đại địa, vạn vật, con người, đó chỉ là cảm giác đồng bộ của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chứ thực ra không có gì cả. Vì vậy mới có câu tổng kết trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận mà ngài Huyền Trang đã dịch từ tác phẩm của ngài Hộ Pháp (Dharmapàla) : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Các nhà tu hành theo Phật giáo ngộ đạo là ngộ cái “Tâm như hư không vô sở hữu” chính là thực tướng vô tướng của vũ trụ vạn vật vậy.

Khoa học ngày nay có thể phá vỡ được hạt nhân của nguyên tử Uranium 235 để tạo thành 3 nguyên tử khác là Uranium 236, Barium và Kripton,

Nguyên tử Uranium 235Nguyên tử Uranium 235

Biểu đồ phản ứng phân hạch Uranium 235Biểu đồ phản ứng phân hạch Uranium 235. Trong biểu đồ, hạt

nhân U235 bị phân rã thành U236, Kripton và Barium

nhưng khoa học không có khả năng phá vỡ được hạt proton hoặc hạt neutron vì phải cần tới một năng lượng vô hạn, họ gọi hiện tượng các hạt quark bị giam giữ trong hạt proton hoặc neutron là hiện tượng giam hãm (confinement) vĩnh viễn không bao giờ tách rời ra được. Còn Phật giáo gọi hiện tượng giam hãm đó là Tâm cố chấp hay còn gọi là trước tưởng sau khi đã khởi nhất niệm vô minh. Vì nhất niệm vô minh nên mới thấy có nguyên tử và vũ trụ vạn vật. Điều này đã được giải thích tường tận qua bài giảng Thập nhị nhân duyên. Kinh Phật nói rằng Tâm là vô lượng vô biên không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, vì vậy nên Tâm có khả năng phá vỡ hiện tượng giam hãm. Sự kiện Trương Bảo Thắng đi xuyên qua tường là thực nghiệm minh chứng cho năng lượng vô biên của Tâm linh, nó dư sức tách rời các hạt quark khiến vật chất (bức tường và thân xác của Trương Bảo Thắng) biến mất, trở lại với cái không vốn là (Tâm như hư không vô sở hữu). Chính vì nhất niệm vô minh nên mới thấy có nguyên tử vật chất và thế giới, vạn vật, con người. Nếu không có nhất niệm vô minh thì thế giới ảo hóa biến mất vì không có thật, giống như khi ta tắt máy vi tính thì mọi thứ trên màn hình vi tính đều biến mất vì chỉ là ảo không phải thật. Trạng thái vô niệm tức không có nhất niệm vô minh, thì thế giới chỉ là không, không có thật, không hiện hữu, tuy nhiên vẫn có một cấu trúc ảo, ảo thì không phải là có thật, khi vô niệm thì nó không hiện hữu, nhưng khi khởi niệm thì thế giới vật chất xuất hiện, cấu trúc ảo đó, Phật giáo gọi là vô thủy vô minh. Ở trạng thái vô niệm thì không còn phân biệt giữa Ý thức và Vật chất.  Nguyên tử vật chất thật ra chỉ là một hình thức của tâm linh bị sơ cứng do cố chấp (chấp thật) do cái thấy biết bị che khuất, bị hạn chế vì nhất niệm vô minh. Vô thủy vô minh là trạng thái vô tri vô vật, không có không gian, không có thời gian, khi các hạt quark và electron chỉ ở dạng tiềm ẩn chưa được định hình, chúng rời rạc dường như không hiện hữu, chỉ là lượng tử của một dạng năng lượng vô hình. Nhưng khi có nhất niệm vô minh khởi lên, chúng liền xuất hiện thành nguyên tử vật chất.

Vô thủy vô minh là cấu trúc ảo khi các hạt quark và electron chỉ ở dạng tiềm ẩn, chưa được nhận thức, chưa biết là gì. Nhà triết học người Đức, Immanuel Kant (1724-1804) gọi cấu trúc đó của vật chất là vật tự thân hay vật tự thể (Das Ding an sich) là cái bất khả tri, không thể biết được là cái gì, bởi cái biết đã qua ý thức là lầm lạc, không còn đúng với nguyên bản sự thật. Ngày nay thì các nhà khoa học hàng đầu của nhân loại đã xác nhận. Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922)  nói “Isolated material particles are abstractions” (1) (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì chỉ là hạt ảo trừu tượng).

Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, giải Nobel vật lý 1932, người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay xung lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (2)(Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

Cái thế giới tiềm thể (world of potentialities) mà Heisenberg đề cập, còn phải đợi điều kiện gì để trở thành hiện thực ? Nó phải đợi một cái vô minh thứ hai, đó là nhất niệm vô minh, nói theo thuật ngữ PG, còn thông thường ta gọi đó là thức hay ý thức. Cấu trúc vật chất tuy ảo nhưng nó vẫn tương đối vững bền và tiếp tục phát triển thành những cấu trúc mới. Tính chất vững bền của cấu trúc ảo, ngày nay chúng ta hiểu rõ qua máy vi tính. Các files tin học vẫn ổn định và có thể gởi đi xa qua mạng internet, kể cả qua sóng vô tuyến như blue tooth, wifi, 3G v.v… Khi cấu trúc vật chất phát triển thành sinh vật với các giác quan : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ. PG gọi chung là lục căn. Lục căn tiếp xúc với các đối tượng của nó : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. (Pháp là thuật ngữ tổng quát để chỉ chung tất cả sự vật -tiếng Anh là things-. PG gọi các đối tượng này là lục trần) thì sinh ra lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, ý thức). Ý thức là nhận thức tổng hợp mà cơ sở của nó là lục căn tiếp xúc với lục trần. Từ đó phát sinh ý niệm. PG cho rằng vật chất chỉ là ảo không có thật, nhưng khi não tổng hợp và phát sinh một niệm thì vật chất được nhận thức một cách lầm lạc là có thật. Cho nên PG gọi đó là nhất niệm vô minh. Rồi niệm này kế tiếp niệm kia liên tục phát sinh thành ý thức, thành nhận thức cho rằng có một thế giới khách quan, độc lập, bên ngoài ý thức. Nhưng khi các nhà khoa học nghiên cứu về lượng tử thì họ mới phát hiện rằng không có một thế giới độc lập, khách quan, ngoài ý thức, mà chỉ có thế giới chủ quan của ý thức, biến ảo thành thật. Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (3)(Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật). Một nhà khoa học khác cũng cùng nhận thức. Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (4) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).

Người tu Thiền khi đến được thoại đầu tức là trạng thái vô thủy vô minh, lúc nghi tình đã tràn lấp vũ trụ, không còn biết gì nữa, nhưng đó chưa phải là kiến tánh (giác ngộ), hành giả còn phải tiến thêm một bước nữa mà kinh gọi là ” bách xích can đầu cánh tiến nhất bộ” (đầu sào trăm thước bước thêm một bước) lấy hình ảnh của người leo một cây sào cao một trăm thước, đã leo đủ 100 thước rồi nhưng còn phải một bước nữa mới tới giác ngộ, tức là không còn chỗ bám víu ( Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm). Bước đó là gì ? chính là trở lại nhất niệm vô minh. Vì mê muội nên mới tu, đến kiến tánh lại trở về mê muội hay sao ? Thật ra đó chỉ là trở lại với thế giới đời thường thế lưu bố tưởng để thấy núi là núi, nước là nước, thấy mọi vật cũng đều bình thường như bao người khác, tuy nhiên tâm thái đã thay đổi, không còn cố chấp nữa vì đã ngộ tánh không, ngộ bản lai diện mục. Đây chính là chỗ mà Bát nhã Tâm kinh nói “Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, tập, diệt, đạo.

Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.”

Do đó người kiến tánh chỉ có thế lưu bố tưởng (giống như phàm phu) mà không có trước tưởng (chấp thật), và không bị hiện tượng giam hãm của hạt nhân nguyên tử trói buộc. Hiện tượng giam hãm của các hạt quark trong hạt proton và neutron chính là biểu hiện của tâm cố chấp, của sinh diệt luân hồi. Phá được hiện tượng giam hãm tức là giải thoát sinh tử, có thể sinh tử tự do, sống trong pháp giới Hoa nghiêm lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Lục tổ Huệ Năng và vài Thiền sư khác như Hám Sơn, Đơn Điền đã để lại Nhục thân bất hoại tại chùa Nam Hoa tại Thiều Châu tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Dưới đây là video thể hiện đôi nét về chùa Nam Hoa và nhục thân của các ngài.

28. Nhục thân bất hoại của Lục Tổ Huệ Năng, sư Hám Sơn và sư Đơn Điền

Gần đây  Thiền sư Nguyệt Khê ở Hong Kong (tịch năm 1965) cũng có để lại nhục thân bất hoại.

29. Nhục thân bất hoại của Thiền Sư Nguyệt Khê

Sự kiện vị sư người Ấn Độ là ngài Trí Dược Tam Tạng trụ trì chùa Bảo Lâm biết trước sự xuất hiện của Lục Tổ Huệ Năng chứng tỏ quá khứ vị lai cũng không nằm ngoài Tâm.

27. Bảo Lâm Tự, Ngài Trí Dược Tam Tạng tại Thiều Châu tỉnh Quảng Đông 

Chua Nam Hoa Mô tả chùa Nam Hoa tại Thiều Quan

Chieu Chi Vo Tac Thien ban tặng Lục Tổ Huệ Năng 

Tóm lại tánh Không trong Phật giáo được đề cập một cách rõ ràng trong Bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh và trong Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ Tát, được chứng minh trong Vật lý lượng tử với 3 loại hạt cấu tạo nên nguyên tử vật chất ( quark up, quark down và electron) chúng chỉ là hạt ảo, không thể độc lập tồn tại, chúng phải dựa vào nhau mà tồn tại (nhân duyên hay duyên khởi) dưới hình thức nguyên tử. Nguyên tử thực ra là trống rỗng, cái mà chúng ta cảm nhận là vật chất, rắn, đặc chỉ là cảm giác do đám mây electron chung quanh hạt nhân tạo ra. Tánh Không cũng được chứng minh rất rõ ràng qua việc phát minh máy vi tính. Các hiện tượng mà ta thấy trên màn hình chỉ là ảo, là trùng trùng duyên khởi của hạt electron (điện tử) lưu chuyển thành dòng điện, được qui thành số 0 và 1 của hệ đếm nhị phân. Chúng ta thấy chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, các sự vật này đều có thể tương tác như thật, thế mà bản chất của chúng là không, không có gì cả, bởi vì hạt electron nói cho cùng cũng không phải là một thực thể có thể độc lập tồn tại. Vậy tánh Không của vũ trụ vạn vật là rõ ràng minh bạch, không còn nghi ngờ gì nữa. Vật chất chỉ hiện hữu trong tâm cố chấp, trong nhất niệm vô minh. Tâm cố chấp là vô cùng kiên cố, kể cả lúc thể xác chết đi, tâm cố chấp vẫn còn, nó đi đầu thai vào một thân khác, một kiếp sống khác. Chỉ khi nào giác ngộ triệt để, quét sạch hoàn toàn các thói quen sai lầm (tập khí) thì tâm mới hết cố chấp. Ngộ tánh Không không phải để chấp Không, bởi vì nếu chấp Không sẽ dẫn tới vô dụng, trái lại Không là nền tảng của tất cả diệu dụng, của vạn pháp, vì Không nên vạn pháp có chỗ hiển bày vô ngại, không mâu thuẫn nhau, không tranh đoạt nhau. Ví dụ, vì mọi sự vật trên không gian điều khiển học đều là ảo, khi đủ nhân duyên nó hiện lên màn hình (do ta mở file chẳng hạn), khi hết nhân duyên (ta đóng file ) thì nó biến mất không để lại dấu vết, như thế mới vô ngại. Giả dụ chúng đều là thật cả, thì khi một file hiện lên màn hình, nó tồn tại dính mắc ở đó luôn thì file khác làm sao có chỗ hiện ra. Trong cuộc sống cũng thế, vì vạn vật là ảo, là không, nên vô số thế giới chồng chất lên nhau đều vô ngại, quá khứ, hiện tại, vị lai đều tự do hiển bày trong tâm thức của ta. Thế nhưng trong ngoại cảnh đời thường mọi việc không xảy ra như vậy. Đáng lẻ khi ta nghĩ tới một ngôi nhà khang trang thì ngôi nhà ấy phải hiện ra ngoại cảnh, nhưng nó không hiện ra, ngoại cảnh vẫn chỉ là một túp lều tồi tàn rách rưới. Muốn có ngôi nhà khang trang, ta phải làm lụng vất vả, tích luỹ tiền bạc lâu ngày mới xây dựng được ngôi nhà ấy. Đó là vì cuộc sống đời thường là tương đối, bị hạn chế về không gian, thời gian và số lượng. Từ ý nghĩ tới hiện thực phải mất thời gian, không gian mặt bằng có hạn, vật chất, năng lượng cũng có hạn. Nguyên nhân của những hạn chế ấy là sự chấp trước (trước tưởng) vướng mắc vào hình thức (nguyên tử vật chất), tâm linh không có sức mạnh. Giả sử có được sức mạnh tâm linh giác ngộ như Đức Phật, thì có thể tác động vào hạt nhân nguyên tử, biến đổi nước biển thành cái nhà, thành mọi thứ vật dụng cần thiết cho cuộc sống trong nháy mắt. Nhưng trong thực tế lịch sử, Đức Phật không làm như vậy, vì điều đó không có ý nghĩa, ngài chỉ giáo hoá cho con người biết nguồn gốc của đau khổ và con đường thoát khổ. Nhưng đệ tử của Phật là Đại Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) thì có làm. Một lần có đại hội Phật giáo tổ chức tại thành Xá Vệ dưới sự chủ trì của vua Ba Tư Nặc, nhưng muốn vào thành dự lễ phải qua sông A Kỳ, mà hôm đó nước sông A Kỳ dâng cao, sóng to gió lớn, thuyền nhỏ không thể qua sông được. Mục Kiền Liên bèn biến ra một chiếc cầu vững chắc để các phái đoàn PG đi qua cầu vào thành dự lễ. Theo Kinh Thánh Thiên Chúa giáo thì Chúa Jesus cũng có làm một lần trong một hoàn cảnh đặc biệt cần thiết. Trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilea, có năm ngàn đàn ông tham dự, chưa kể đàn bà và trẻ con, họ đói, nhưng người thân cận của Chúa Jesus chỉ có 5 cái bánh và 2 con cá, Jesus đã bẻ bánh, chia cá cho tất cả những người tham dự buổi giảng đều được ăn no bụng rồi mà vẫn còn dư lại 12 giỏ bánh. Ngay trong thời hiện đại cũng có những nhà khí công có công năng đặc dị như:

Siêu nhân Trương Bảo Thắng

Kỳ nhân Hầu Hi Quý

họ có thể dùng tâm lực để di chuyển vật thể qua không gian, và khi di chuyển như thế, vật có tính chất vô ngại, có thể dễ dàng đi xuyên qua tường, qua vật thể rắn một cách dễ dàng, giống như sóng điện từ mang tín hiệu radio và truyền hình có thể đi xuyên qua tường đến máy thu của ta.

Một số nhà khoa học cũng đã nghiên cứu phương thức vô tuyến vận tải (Télétransport), người ta biến đổi một vật thể thành lượng tử rồi truyền chúng qua không gian, tại nơi đến, người ta biến lượng tử trở lại thành vật thể như ban đầu. Người ta đã thực hiện thành công với photons (hạt ánh sáng) và electron (điện tử) mà ngày nay đã sử dụng phổ biến với các bit thông tin điện tử qua các mạng viễn thông và internet. Nhưng với vật thể thì gặp khó khăn, bởi vì phải cần tới một năng lượng vô hạn để biến hoàn toàn một nguyên tử vật chất thành lượng tử, một điều mà khoa học hiện nay không thể làm được. Do đó trong thực tế chỉ có các nhà khí công thực hiện được vô tuyến vận tải bằng phương pháp tâm linh vì tâm linh đích thực là một dạng năng lượng vô hạn.

Nhận thức được tánh Không của vạn vật không phải để chấp Không mà để điều hoà hoạt động và ứng xử phù hợp với chân lý. Hiểu tánh Không thì biết rằng chư hành vô thường (các hiện tượng không có thật, chỉ hiện hữu nhất thời, không tồn tại mãi mãi), chư pháp vô ngã (các pháp, các sự vật không có tự tánh, không có bản ngã) thì con người sẽ quý trọng cuộc sống mong manh này, quý trọng sinh mạng của muôn loài, không quá coi trọng cái tôi dẫn đến hại người lợi ta, không ham lừa dối tranh đoạt để được lợi, như thế thế giới sẽ có trật tự và hoà bình. Nhược bằng trong đời có nhiều kẻ tham lam, ích kỷ, tàn ác, cũng không vì thế mà sợ hãi vì đã có luật nhân quả, kẻ làm ác sẽ bị quả báo. Hiểu tánh Không là vô hạn, có vô lượng công dụng, có đủ chỗ để dung nạp tất cả mọi chúng sinh, không nhất thiết phải tranh giành, đó là cơ sở để xây dựng hoà bình và hạnh phúc cho toàn thế giới.

Truyền Bình

Tài liệu tham khảo :

1/Wikipedia

2/ Video Hành Hương Trung Quốc năm 1991 do Thầy Thích Duy Lực làm Trưởng đoàn.

3/ Một số tư liệu trên internet.

(1,2,3,4) Trích “Religion and the quantum world” của Giáo sư  Keith Ward, phát biểu tại

Gresham College, UK  ngày 09/03/2005


Bài đọc thêm:
Cốt Lõi Của Cội Bồ Đề - Tánh Không Là Gì? (Hoang Phong dịch)
Khái Niệm Tánh Không Trong Phật Giáo (Hoang Phong dịch)
Tánh Không: Từ Ngữ Phật Giáo, Thường Bị Hiểu Lầm Nhất  (Nguyễn văn Tiến dịch)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn