ÁNH SÁNG CỦA TẤT CẢ CÁC PHÁP
Nguyễn Thế Đăng
Kinh Kim Cương nói:
“Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tâm trụ nơi pháp mà hành bố thí thì như người vào chỗ tối, không thấy được gì cả. Nếu Bồ-tát tâm chẳng trụ nơi pháp mà hành bố thí thì như người có mắt, trong ánh sáng mặt trời chiếu sáng, thấy đủ thứ vật”.
Tại sao tâm trụ nơi pháp thì “như vào chỗ tối, không thấy gì cả”? Khi tâm trụ vào một cái gì, thì mọi cái chung quanh biến mất. Khi tâm trụ vào một phần tử thì cái toàn thể bị che tối. Trụ chấp tức là chia cắt thực tại, đây là điều các kinh điển gọi là phân biệt. Càng trụ chấp, càng phân biệt thì thực tại càng bị chia cắt phân mảnh. Như trong đời sống hàng ngày, chúng ta chỉ trụ vào thân tâm chúng ta, những cái của chúng ta, đó chỉ là một phần nhỏ của đời sống rộng lớn. Với sự trụ chấp, phân biệt này, chúng ta tự chia cắt mình với những người khác, với thế giới. Chúng ta tự chia cắt thành một phần tử tách lìa với cái toàn thể, và như vậy cái toàn thể bị che tối.
Khi trụ chấp, phân biệt, chia cắt cảnh là tâm tự chia cắt chính tâm. Tâm tự chia cắt, đó là tâm tự làm tối mình, như người không có mắt. Ngược lại nếu không trụ chấp các pháp, thì các pháp trở lại thành một toàn thể, mà kinh Đại Bát-nhã gọi là “Một tướng Vô tướng”.
Không trụ chấp phân biệt thì tâm cũng trở lại cái mà kinh Lăng Nghiêm nói là “ngược dòng toàn nhất”. Lúc ấy “như người có mắt, trong ánh sáng mặt trời chiếu sáng, thấy đủ thứ vật.” Thấy toàn thể thực tại, bởi vì như Thiền sư Cảm Thành, đời thứ nhất dòng Vô Ngôn Thông, nói:
“Có vị Tăng đến hỏi: Thế nào là Phật?
Sư đáp: Khắp tất cả chỗ.
Lại hỏi: Thế nào là Phật tâm?
Sư đáp: Chưa từng che giấu”.
Đây là “phước đức vô lượng” mà kinh Kim Cương lặp lại nhiều lần: “Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức chẳng thể nghĩ lường”
Không trụ tướng, lìa tướng thì không còn bị chia cắt bởi không gian và thời gian, khi ấy thực tại không có thời gian không gian hiện bày trước mắt: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.
Nói theo thuật ngữ tám thức, khi mắt tai mũi lưỡi thân ý không trụ chấp vào các tướng, không bị giới hạn bởi các trung tâm và biên bờ, khi ấy sáu thức mở rộng đến vô hạn, và thức thứ bảy Mạt-na, thức chấp ngã với ngã kiến, ngã ái, ngã si, ngã mạn không còn chỗ y tựa, hầu như không hoạt động, khi ấy thực tại hiện tiền bởi vì không còn bị phân biệt, chia cắt.
Lấy thí dụ tấm gương với các bóng ở trong đó. Nếu tâm chúng ta trụ vào những hình bóng phản chiếu trong gương, tấm gương bèn bị chia cắt thành muôn ngàn hình bóng (tướng), chúng ta chỉ thấy tướng, không còn thấy tấm gương. Còn khi tâm không trụ vào hình bóng, thì tấm gương sáng sẽ hiện ra, gương thu nhiếp toàn bộ các bóng. Các bóng không còn bị chia cắt, tách lìa nhau, mà tất cả bóng là gương, và gương chứa giữ tất cả bóng. Gương tâm ấy tức là Đại viên cảnh trí, Trí như tấm gương lớn tròn sáng.
“Tâm chẳng trụ nơi pháp thì như người có mắt, trong ánh sáng mặt trời chiếu sáng, thấy đủ thứ vật”: tâm không trụ vào các hình tướng thì tâm ấy là tấm gương sáng, chiếu sáng soi thấy và thu nhiếp tất cả các hình tướng.
Tâm và cảnh, tánh và tướng, luôn luôn sáng như “trong ánh sáng mặt trời chiếu sáng” chỉ vì trụ chấp vào các tướng mà tâm thành ra tối, “vào chỗ tối, không thấy được gì cả”. Còn khi không bám trụ vào các tướng, tâm không còn bị che tối bởi các hình tướng, tâm bèn thấy thực tại luôn luôn sáng tỏ.
Mặt trời luôn luôn có sẵn, sáng soi, quang cảnh bên ngoài luôn luôn sáng, các pháp luôn luôn sáng, sở dĩ chúng ta không thấy vì mắt chúng ta tối. Mắt tối vì phân biệt trụ chấp vào các tướng làm cho thực tại bị chia cắt, phân mảnh, lạc vào các bóng trong gương thì chẳng thấy gương. Sự làm cho tối tăm thực tại ấy được gọi là vô minh, không sáng, không biết. Vô minh, không sáng, không biết này là do chính chúng ta tự che tối lấy, tự phân mảnh lấy bằng sự trụ chấp phân biệt của mình.
Cho nên khi lìa tướng bằng cách thấy các tướng chẳng phải tướng, bằng cách nhìn mà không phân biệt, không chủ thể đối tượng, thì tức thời thấy Như Lai, tức thời thấy thực tại “Pháp thân của tất cả chư Phật”. Cái “chẳng phải tướng” này có thể thấy được khi không trụ vào các tướng sai biệt. Các tướng không sai biệt là các tướng trở lại “Một tướng Vô tướng”, khi ấy tâm phân mảnh cũng hoàn nguyên là “Một tâm Vô tâm”. Khi tướng và tâm trở lại nền tảng của chúng, hay nói chính xác hơn, khi tướng và tâm được nhìn thấy trong nền tảng của chúng, thì ‘tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng’, ‘tâm mà vô tâm, vô tâm mà tâm’.
Tâm lìa tướng chính là trí huệ hay Bát-nhã ba-la-mật, khi ấy hành giả thấy ra “ánh sáng tất cả các pháp”:
“Ngài Xá-lợi-phất thưa: Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-lamật thường chiếu sáng tất cả các pháp, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.
Bạch Thế Tôn! Nên kính lễ Bát-nhã ba-la-mật, vì chẳng dính mắc ba cõi vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật trừ các sự tối tăm, vì tất cả phiền não kiến chấp đều dứt trừ vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật hay đem lại ánh sáng, vì trang nghiêm với năm nhãn vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật hay chỉ dẫn những những chúng sanh đã sa vào tà kiến, vì rời hẳn hai bên vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của chư Đại Bồ-tát, vì hay xuất sanh các Phật pháp vậy” (phẩm Chiếu Minh, thứ 46).
Tâm lìa tướng thì đó chính là bản tánh của tâm, đó chính là tự tánh, tánh Giác. Lục tổ Huệ Năng nói:
“Trừ nhân ngã thì núi Tu-di sụp, bỏ tâm tà thì nước biển cạn, không phiền não thì sóng biển diệt, độc hại trừ thì cá rồng hết.
Trên đất tâm mình là tánh Giác, Như Lai phóng ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, hay phá các cõi trời lục dục. Tự tánh chiếu bên trong ba độc liền dứt, các tội địa ngục nhất thời tiêu diệt, trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương”.
- Từ khóa :
- Ánh sáng của tất cả các pháp