ĐỊNH LỰC & TRÍ LỰC
Nhuận Hùng
Trong những tháng ngày gần đây, ai ai cũng phập phồng lo sợ nạn lây lan, do loại vi trùng siêu vi khẩn. Chúng diễm phúc mang tên mỹ miều là (Covid- 19) tuy hình dạng ly ty nhưng độc hơi vũ khí hạt nhân… Mãi đến nay, gần giáp năm bọn chúng (covid-19) không bị tiêu diệt mà còn gia tăng thêm công lực, nên mọi người rất ư lo sợ. Không riêng tại Hoa Kỳ, nhất là Tiểu bang California ca nhiễm bệnh tăng cao quá sức tưởng. Thiết nghĩ, mọi người cũng nên bình tĩnh, ai cũng có phần số, sống – hay chết chỉ khác nhau trong hơi thở mà thôi. Nếu là Phật Tử đi chùa hay học giáo lý Phật Đà đây cũng là cơ hội cho mình đem ra áp dụng, nếu dụng công tu tập đúng theo phương pháp và giáo lý nhà Phật, thì chúng ta xem sự sanh – tử chẳng có gì là bận tâm cả…!
Đúng vậy, trên đời này, ai ai cũng có lỗi lầm dẫn đến đổ vỡ, từ gia đình cho đến đoàn thể hay nói một cách khách quan hoặc trong tín ngưỡng tôn giáo cũng vậy. Không còn cơ hội lập đi- lập lại, đó cũng là nhân duyên từ nhiều khía cạnh bất đồng mà ra... Một thoáng mê lầm, hay một chút lầm lỡ hoặc giả, không dằn được cơn giận vô cớ mà không làm chủ được lấy mình, dẫn đến quyết định nhiều vấn đề mà phải ôm hận, tiếc nuối, sầu khổ, tan thương. Ước gì giây phút ấy mình bình tâm, tỉnh trí mọi việc nay đã khác, và sẽ tốt đẹp hơn. Một phút lỡ lời cả đời ôm hận…Địa ngục mang đầy những tâm niệm không lành, bởi nhiều người hay ôm những hối hận tiếc nuối ấy vào trong địa ngục trần gian. Cổ nhân đã nói:
“Quá hậu nãi tri tiền sự thố.
Lão lai phương giác thiếu thời phi.”
(Sau khi phạm lầm lỗi rồi mới biết sự việc trước đó là mê lầm, sai quấy. Già rồi mới biết những nông nổi của thời non trẻ là sai).
Khi mọi chuyện đã lỡ ra rồi, con người ta mới nhận ra lỗi lầm, sở dĩ sai lầm là do trước đó thiếu bình tâm, tỉnh trí. Chúng ta cần nhận ra và khắc phục để có cách tu rèn sức bình tỉnh trước sự kiện xảy ra. Có như thế về sau này không mang theo điều hối hận nữa. Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Đụng chuyện rồi thì mới thấy mình có đủ bản lãnh để tiếp nhận sự kiên nhẫn hay không? Hay là ngược lại bản năng (cái ta và cái tôi) nó làm chủ liền khi đối phương chưa kịp mở miệng, mình đã dành phần thắng rồi. Có phải không quý vị? Ai là anh hùng mà không sợ mất quyền lợi. Quyền lợi là chủ của (tâm) ta, nếu ta có tu tập biết quán chiếu sự đời thì chẳng có gì khó khăn cả.
Khi tâm ta an tĩnh, trí sáng, thần thái sẽ trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng, khiến cho mọi người dù có thế mạnh đến đâu cũng cảm thấy bị chinh phục, cảm thấy dễ mến. Khi gần cảm thấy an ổn và tin tưởng, muốn tìm đến chia sẻ mỗi khi có chuyện buồn. Một tia nhỏ thôi của định lực và trí lực đã khiến cho sức mạnh của thế gian phải yếu đi, bị cuốn hút, đã có tác dụng chinh phục được sức mạnh của phước lực và nghiệp lực của con người ta rồi. Huống nữa người biết tu tập thiền định, có định lực, sống được với trí tánh thanh tịnh nơi chính mình thì tác dụng của nó vô ngần. Sống bằng tâm thái và trí tuệ này, mọi thứ vui buồn, thành bại của thế gian không còn chi phối, tức là chúng ta đã chuyển hóa được thế gian; sức mạnh thế gian không còn có tác dụng, chúng ta đã vượt lên trên sự chi phối của cuộc đời, là được an vui mãi mãi. Đây là sức mạnh lớn nhất, là cội nguồn của mọi sức mạnh.
Hoặc như muốn chiến thắng, chinh phục, vô hiệu hóa sức mạnh của nghiệp thì không thể thiếu định lực và trí lực. Nếu những nghiệp không cố định, nghiệp nhẹ thì nhờ vào định lực, trí lực và phước lực mà hóa giải, biến nó thành không.
Đối với định nghiệp, nghiệp nặng thì không thể chuyển hóa thành không trên hiện tướng. Nhưng nếu người có định lực, trí lực đúng mức thì tuy hiện tượng có xảy ra, nhưng với người này thì có mà như là không có. Cho nên nhìn trên hiện tượng thì như là có trả quả báo, nhưng với người này thì họ không bị hiện tượng chi phối, không đau khổ, cho nên không hề trả quả báo gì cả. Trả mà không trả. Đó là nhờ vào sức mạnh của định lực và trí lực thanh tịnh mà chuyển hóa được các nghiệp nặng.
Đến như sức mạnh của từ bi cũng phải nhờ vào định lực và trí lực. Bởi từ bi chỉ đúng nghĩa khi chúng ta có trí giác thanh tịnh mà thương về cho sự mê muội của chúng sanh. Trên căn bản trí giác bất động, sống trong đó rất an lạc, giải thoát; nhìn thấy mọi người, mọi loài do mê mờ không nhận ra trí giác này cho nên phải chịu những khổ đau không đáng có; dùng mọi phương cách để giúp họ nhận ra trí tánh thanh tịnh, chấm dứt mê mờ, không còn khổ não, được an lạc như mình; đó mới đúng nghĩa là từ bi. Ngoài ra, tất cả chỉ là lòng từ bi - bác ái. Cho thấy, sức mạnh của lòng từ bi cũng phải xuất phát từ định lực và trí lực, lấy định lực và trí lực làm gốc.
Như có một người lực sĩ có sức mạnh không ai bằng, lại có cả tiền tài của cải giàu sang, quyền uy nhất hô vạn ứng. Nhưng không may bị kẻ xấu dùng mưu hãm hại gây ra thương tích. Trong hoàn cảnh éo le đó, lại còn nghe người thân mình bị những người tầm thường dưới cơ mình hãm hại, thì người này sẽ tức tối vô cùng. Hằng ngày mình gần giống như anh hùng tái thế, muốn làm gì là cho bằng được, không ai có thể ngăn được...! Tại sao người thân lại lâm nạn vào tình cảnh như thế! Dũng khí càng lớn, sức mạnh càng nhiều mà bị vết thương trói buộc thì sự tức giận càng gia tăng mãnh liệt. Càng tức tối bực bội, lại thêm tâm trí rối ren, phiền não dẫy đầy không giải quyết được điều chi cả. Đó là người thiếu bình tỉnh, dùng sức lực và thế mạnh trong hoàn cảnh ấy đều vô vọng không có điểm tựa. Ngược lại, nếu hằng ngày đối trước bất kỳ hoàn cảnh vui buồn, thuận nghịch nào, dù có chuyện gì xảy ra lớn hay nhỏ, họ vẫn luôn giữ được tâm bình, khí hòa, để xử lý mọi việc thì chính thói quen này nó sẽ cho chúng ta một sức mạnh vô ngần của sự bình tỉnh và trí sáng.
Giả sử, lúc lâm bệnh nặng thập tử nhất sanh, chúng ta có tu tập nhờ vào nội lực này cho nên không bị đau đớn khổ sở như bao nhiêu người bình thường khác. Có gặp hoàn cảnh gia đình bị kẻ khác hành hung, họ cũng bình tỉnh, đầy đủ trí tuệ để xử trí thì mọi việc sẽ có hiệu quả và hoàn hảo hơn nhiều. Cho hay, người có định lực và trí lực thì cách xử trí có khác.
Hoặc là sức mạnh hòa hợp của một tập thể cũng cần phát xuất từ định lực và trí lực. Bởi lẽ cái phá tan đi sức mạnh hòa hợp của tập thể là bản ngã cá nhân. Phá tan được bản ngã cá nhân thì con người ta tự đoàn kết, hòa hợp và biến thành sức mạnh. Nhưng cũng có thể phá tan bản ngã riêng tư của chính mình đó là định lực và trí lực. Bởi người có định lực và trí lực thật sự thì họ sẽ có định tỉnh, bản lĩnh, trí sáng bất động, niềm vui thanh thoát ngập tràn. Sống bằng năng lực này, con người ta cảm thấy ngập tràn niềm vui, không còn cảm thấy cần gì về mình, chỉ muốn ban ra cho tất cả mọi người chứ không còn tư tưởng nhỏ hẹp cá nhân. Không còn quá quan trọng về cá nhân. Nhiều người được như vậy thì tự nhiên có được sự đoàn kết, hòa hợp lớn mạnh. Rõ ràng, muốn có sức mạnh thực sự của tập thể cũng phải cần đến định tỉnh và trí sáng, tức là định lực và trí lực.
Thay lời kết cho bài này, chúng ta hãy nhìn thẳng vào bản thân mình trước khi đánh giá người khác. Định tâm – tỉnh trí sáng suốt nhận ra vấn đề, thì đâu có phải hối hận về việc làm của mình, chỉ vì quá bảo thủ chấp ngã (cái tôi) và cái (sở hữu của tôi) ….!
Cuộc đời là đau khổ. Nhưng trong đời có những loại sức mạnh nào đã ràng buộc, sai khiến cho con người chúng ta phải khổ đau đến vậy? Xét cho tột cùng tột các loại sức mạnh đó rồi đem ra mổ xẻ, phân tích xem nó có thật sự lớn để chúng ta phải đau khổ đến như thế không? Nhìn sâu cho thấu suốt mới hay ra, tận cùng giá trị của mọi thứ trong đời chỉ là rỗng tuếch, chúng ta không còn bị chúng quấy rầy. Biết cách an tỉnh, tùy duyên giải quyết thì mọi việc sẽ ổn, chúng ta cũng được bình an.
Nếu người hay bình tâm tỉnh trí, nhận biết, nhận diện được mọi sức mạnh trong đời một cách rõ ràng thì không còn bị mê lầm, không còn bị chúng chi phối, ràng buộc. Khéo rèn luyện các kỹ năng, không lo ngại mọi thứ. Khéo tu tập thiền định trong mọi sinh hoạt. Theo thời gian, định lực, trí lực và năng lực tự phát huy mạnh mẽ nơi chính mình. Mọi thứ ở đời bị vô hiệu hóa, không còn đủ sức mạnh để chi phối sai sử chúng ta nữa. Lúc này mới hay ra, vốn dĩ ngay nơi bản thân mỗi một con người chúng ta đều sẵn đủ một tâm tịnh thênh thang rộng lớn, một sức mạnh vô biên. Chỉ cần khéo nhận ra và sống bao dung biết thương yêu mọi người. Đến đi tự tại, an lạc vô bờ. Từ đây, không còn quan trọng về mình, tùy duyên tùy thời làm việc lợi ích mọi người một cách tự nhiên, không hề thấy chút mỏi mệt. Một cuộc sống như thế, quý vị thấy có vui hay không?