SỰ CÔ ĐỘC

22 Tháng Tư 202219:58(Xem: 4427)
SỰ CÔ ĐỘC
Thiền sư Sayadaw U Jotika
TS

Chúng ta hãy bắt đầu buổi thuyết Pháp tối nay bằng việc đảnh lễ Đức Phật nhé.
“Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa”.
“Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa”
“Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa”
Tôi thích đọc thơ. Tôi tìm thấy 1 bài thơ tôi rất thích. Tôi muốn đọc bài thơ ấy cho các bạn và nói về những điều tôi đã chiêm nghiệm được. Bạn cũng có thể hiểu nó theo cách của riêng bạn. Tựa đề bài thơ ấy rất hay. Đó là: ‘Sự cô độc’. Nó được viết cách đây rất lâu, bởi 1 người sinh năm 1850 và mất năm 1919. Vậy là khoảng 85 năm về trước. Một vài người ở đây có thể đã đọc bài thơ ấy, hay ít nhất là 1 phần trong đó. Vì bài thơ này rất phổ biến. Câu đầu tiên là:
“Cười và cả thế giới cùng cười với bạn”
Bạn cảm thấy thế nào? Tôi biết một số người cười rất nhiều. Đặc biệt là bạn tôi, người đang ngồi tít phía sau kia. Cô ấy cười trong nhiều giờ liền. Thế giới ở đây nghĩa là mọi người xung quanh. Nếu bạn hạnh phúc, bạn hay nói đùa và hay cười thì mọi người sẽ thích đến gần bạn bởi họ muốn được hạnh phúc. Vậy nên nếu bạn muốn có nhiều bạn bè, bạn phải là 1 con người hạnh phúc. Và khi mọi người đến với bạn, bạn cần phải nói điều gì để mọi người cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Điều này rất tự nhiên thôi. Nhưng đối với những nhà sư như chúng tôi, cười ha hả lớn tiếng là 1 điều không được phép. Chúng tôi phải kiềm chế bản thân khi muốn cười. Và bạn có thể cũng đã nghe là Đức Phật cũng hiếm khi cười. Nhưng một số vị sư tôi biết họ cũng cười rất nhiều. Bản chất họ hạnh phúc một cách tự nhiên. Mọi người đều khác nhau và có những tính cách khác nhau. Một số người hạnh phúc một cách tự nhiên và bất cứ điều gì xảy ra họ cũng đều nhìn từ một góc nhìn rất hài hước. Thỉnh thoảng họ còn kể chuyện đùa về chính bản thân và tự cười mình. Đó là một điều rất tốt bởi vì quá nghiêm túc về mọi thứ nhiều khi sẽ khiến bạn rất không vui vẻ, mặc dù cũng có những thứ chúng ta cần phải nghiêm túc.
Nơi tôi ở hôm nay có một số vị sư khác nữa. Hai vị sư ở đây và một vị thầy năm nay 89 tuổi. Đây là lần đầu tiên ngài đến Singapore. Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc khi được gặp ngài. Không phải vì ngài cười nhiều mà vì ngài rất tĩnh lặng, bình an và tự nhiên. Tôi đã gặp ngài trước đây ở tu viện của ngài ở Myanmar. Tôi biết ngài rất rõ. Ngài là một người bạn rất thân thiết của thầy tôi, người đã qua đời 2 năm trước. Tôi theo dõi ngài rất chăm chú và ngài rất tĩnh lặng, thư giãn và tự nhiên. Ngài không hề diễn. Ngài chỉ là ngài và ngài không có cảm giác căng thẳng hay ý muốn tự bảo vệ hình ảnh của mình mặc dù có rất nhiều người ngồi xung quanh và nhìn ngài. Tôi ngồi đối diện ngài ở bàn và ngắm nhìn ngài ăn. Người bạn tôi giúp ngài ăn và đặt đồ ăn thích hợp, những thứ ngài có thể thích vào trong thìa. Và ngài cầm lấy nó đưa lên miệng, hoàn toàn tự nhiên. Chỉ nhìn ngài ăn tôi đã cảm thấy rất bình an và hạnh phúc. Ngài vô cùng từ bi, nhẹ nhàng và thư thái. Mọi người đều thích những ai như vậy. Nếu bạn lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng và khó chịu; nếu bạn không có sự tử tế hay phàn nàn quá mức về con người, về hoàn cảnh, mọi người sẽ cảm thấy không vui và lảng tránh bạn. Vậy nên:
“Cười và cả thế giới cùng cười với bạn”
Điều này rất quan trọng. Nó có nghĩa là hãy trở nên hạnh phúc. Như vậy, một cách tự nhiên mọi người sẽ yêu quí bạn hơn. Nếu bạn không muốn bị cô đơn, hãy học cách trở nên hạnh phúc. Trong kinh Mangala, Đức Phật nói đến một người: “Ariya-saccani dassanam”, nghĩa là một người đã vượt qua mọi lậu hoặc, một người trong sạch, tĩnh lặng và bình an. Được gặp một người như vậy là phước lành. Từ ‘phước lành’ không hẳn đúng ý nghĩa của từ ‘mangala’. Dịch nghĩa đúng nó có nghĩa là điều làm cho cuộc đời trở nên mãn nguyện, thành công và trưởng thành. Những điều khiến bạn trưởng thành và cuộc đời bạn trở nên mãn nguyện gọi là ‘mangala’.
Vậy gặp một người tĩnh lặng, bình an và thư thái, một người có nội tâm hoàn toàn trong sạch giúp bạn như thế nào? Từ trải nghiệm của cá nhân tôi, từ khi tôi còn trẻ bất cứ khi nào tôi thấy một người bình an, tĩnh lặng, thư thái và hạnh phúc, tôi dõi theo họ rất kỹ lưỡng. Hồi đó tôi không được hạnh phúc nên khi gặp được những người như vậy tôi nghĩ điều này thật là kỳ diệu. Thật quá dễ dàng để cảm thấy không hạnh phúc. Một số người hạnh phúc khi họ có được điều mình muốn, khi họ ca hát và nhảy múa. Mọi người hạnh phúc khi họ tổ chức tiệc sinh nhật hay một buổi tiệc tùng nào đó. Những điều đó là bình thường và chẳng khó khăn gì. Nhưng những người mà tôi đã gặp họ hạnh phúc không bởi một lí do khách quan nào. Họ chỉ hạnh phúc, không có lí do và điều đó thật kỳ diệu. Tôi gặp một số vị thầy, cư sĩ hay nhà sư, tôi dõi theo họ mỗi khi gặp mặt và họ luôn luôn hạnh phúc. Khi họ đi họ hạnh phúc, khi họ nói họ hạnh phúc, bất cứ việc gì họ làm họ đều rất thư thái, hạnh phúc và họ rất tốt bụng, rất hào phóng. Những người khác họ hạnh phúc nhưng khi bạn hỏi tại sao, họ sẽ nói là họ hạnh phúc bởi hôm nay họ kiếm được rất nhiều tiền. Điều đó chẳng có gì là kỳ diệu hay khác thường cả. Bất cứ ai cũng sẽ hạnh phúc nếu hôm nay anh ấy/cô ấy có rất nhiều tiền. Nếu trúng số thì tất nhiên phần lớn mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc đích thực thì không có lí do vì vậy chúng ta phải hiểu là có rất nhiều loại hạnh phúc. Đức Phật giảng về Kamasukha, loại hạnh phúc khi bạn hưởng thụ dục lạc. Khi bạn nhìn thấy cái đẹp bạn hạnh phúc. Khi bạn nghe nhạc hay bạn hạnh phúc. Và tôi cũng thích âm nhạc. Tôi từng là một người chơi nhạc cụ và tôi vẫn còn rất dính mắc với cây violin của mình. Khi bạn nghe 1 bản nhạc hay bạn thấy rất hạnh phúc. Đôi khi tôi nghe nhạc và cảm thấy rất buồn nữa. Nhưng tôi cũng thưởng thức cả cảm giác buồn đấy. Đôi khi con người hưởng thụ cả nỗi buồn. Và khi bạn được ăn thứ mình thích bạn cảm thấy rất hạnh phúc, cả khi bạn được gặp người mình thích nữa. Những điều hạnh phúc này phụ thuộc vào hoàn cảnh và con người.
Đức Phật có nói cả về Jhanasukha. Jhanasukha nghĩa là khi bạn hành thiền và tâm trí bạn trở nên rất tĩnh lặng và bình an, tâm bạn thôi suy nghĩ và trở nên vô cùng tập trung vào một đề mục, nhập tâm vào đề mục đó. Và có một loại hạnh phúc nữa gọi là Vipassana sukha. Bạn hành thiền và quán sát thân tâm mình. Bạn nhìn thấy bản chất thật của thân tâm và phát triển trí tuệ. Trí tuệ đó làm bạn trở nên trưởng thành hơn và vì thế bạn cảm nhận được một niềm vui. Trí tuệ mang lại cho bạn niềm hạn phúc và sự an toàn. Sự an toàn thực sự xuất phát từ trí tuệ. Thiếu nó thì dù có bao nhiều tiền đi chăng nữa bạn sẽ vẫn không cảm thấy an toàn. Bởi vì chẳng có gì tồn tại mãi, tất cả mọi thứ đều thay đổi. Bất cứ điều gì bạn có một ngày nào đó nó cũng sẽ mất đi. Ít nhất là khi chết bạn sẽ mất tất cả những gì mình có, ngay cả thân thể này. Khi bạn hành thiền Vipassana, bạn phát triển trí tuệ. Bởi vậy, bạn có thể chấp nhận được bất cứ điều gì. Do sự chấp nhận đó mà bạn cảm thấy thư thái hơn, bình an và hạnh phúc hơn. Đó là tóm lược về Vipassanasukha. Và khi bạn đắc Đạo thì điều đó gọi là Maggasukha và Phalasukha (sự an lạc của Đạo Quả). Bạn có thể nhập vào điều chúng ta biết là Niết Bàn, cảm nhận về tất cả các hiện tượng đang diễn biến.
Vậy là có rất nhiều loại hạnh phúc. Nhưng phần lớn mọi người chỉ biết tới loại hạnh phúc thấp nhất là Kamasukkha. Họ thích nhìn thấy cái đẹp. Điều đó cũng bình thường thôi, tôi cũng vậy, đặc biệt là cảnh đẹp. Khi nghe âm thanh hay họ cảm thấy hạnh phúc và tôi đặc biệt thích nghe tiếng chim hót. Những con chim thật là hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con chim nào bị trầm cảm hay buồn bã cả. Tôi nghe tiếng chim và tôi cảm nhận được nó đang hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi còn tưởng tượng mình là chú chim đó và cảm nhận cảm giác khi nó hót. Là không sao khi hưởng thụ hạnh phúc bình thường từ các giác quan. Bởi vì nó không xấu. Nhưng một số người không thể tự chế ngự bản thân. Họ muốn hưởng thụ dục lạc và họ phá vỡ giới hạn, họ phạm giới. Khi bạn làm vậy, có thể bạn cảm thấy hạnh phúc trong một khoảng thời gian nhưng rồi bạn sẽ cảm thấy tội lỗi. Cảm giác tội lỗi quả là đau đớn. Hưởng thụ dục lạc với cái giá phải trả là mất đi sự chân thật và giới hạnh sẽ khiến bạn cảm thấy không hạnh phúc. Vì vậy chúng ta phải hiểu là hạnh phúc đến từ các giác quan, nên có giới hạn. Và những điều khiến chúng ta hạnh phúc này cũng có thể khiến chúng ta đau khổ. Bất cứ điều gì khiến bạn hạnh phúc trong thế giới dục lạc cũng có thể khiến bạn khổ đau. Nên sẽ có một giới hạn về mức độ bạn có thể hưởng thụ. Chẳng hạn, bạn có thích ăn socola không? Tôi cũng thích ăn socola. Mỗi sáng ở đây anh bạn tôi đều dâng socola. Nhưng trước khi ăn, tôi phải suy xét rất kỹ về số lượng. Bởi vì tôi bị bệnh tiểu đường và socola thì có đường. Tôi ăn socola và thấy nó rất ngon. Nên tôi ăn một cách chánh niệm và dừng lại khi cần dừng. Phải có một giới hạn. Nếu bạn ăn quá nhiều thì điều gì sẽ xảy ra? Nó sẽ khiến bạn phát bệnh. Vậy nên dù socola có ngon thế nào đi nữa nếu bạn ăn quá nhiều nó sẽ khiến bạn phát ốm và không còn làm bạn hạnh phúc được nữa.
Một loại hạnh phúc từ giác quan khác là âm nhạc. Nếu bạn nghe một bản nhạc trong vài phút, nó sẽ khiến bạn hạnh phúc. Nhưng nếu bạn nghe nó cả ngày thì nó sẽ trở nên vô cùng khó chịu. Vậy nên với tôi, âm thanh mà tôi muốn nghe nhất là sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng thật ra không phải là âm thanh. Nhưng học cách lắng nghe sự tĩnh lặng là rất cần thiết. Khi tôi còn trẻ và ngay cả bây giờ nữa, bất cứ khi nào có cơ hội tôi đều đi vào rừng, tìm một chỗ thanh vắng và lắng nghe thiên nhiên, tiếng chim, tiếng gió. Đôi khi đến cả chim cũng ngừng hót và không có gió. Rất yên lặng. Tôi ngồi đó hành thiền. Tâm trí tôi trở nên rất tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng ở cả bên trong và bên ngoài. Khi có hai điều đó, bạn thực sự cảm nhận được sự tĩnh lặng và bình an. Đối với hạnh phúc đến từ các giác quan, nếu bạn hưởng thụ quá mức, nó sẽ biến thành đau khổ. Nhưng hạnh phúc đến từ thiền thì rất khác. Dù bạn dành thời gian dài thế nào đi chăng nữa, tâm bạn sẽ ngày càng trở nên tĩnh lặng hơn, bình an hơn và bạn càng cảm nhận được niềm vui. Nó không khiến bạn mệt mỏi. Nhưng hưởng thụ dục lạc sẽ khiến bạn mệt mỏi. Nó có giới hạn. Chúng ta cần phải hiểu về các thể loại hạnh phúc khác nhau mà mình có thể hưởng thụ. Tôi để ý thấy một số người có thể hưởng thụ rất ít thứ, lặp đi lặp lại một số thứ. Nhưng một số người khác lại có thể hưởng thụ được rất nhiều thể loại hạnh phúc. Hãy học cách hưởng thụ những hạnh phúc vô hại.
Tôi đã đọc một số cuốn sách và một trong số đó có tên là “Niềm vui giản đơn”. Chúng ta phải học cách hưởng thụ những hạnh phúc đơn giản. Nó không lấy mất của bạn điều gì. Nó không làm bạn mệt mỏi. Nó không xấu xa và bạn không phải phạm giới để hưởng thụ những điều đó. Hãy huấn luyện bản thân như vậy và bạn sẽ cảm thấy lúc nào mình cũng vui vẻ. Những người hưởng thụ được ít thứ đôi khi họ sẽ cảm thấy rất trầm cảm. Bởi khi điều họ thường hưởng thụ không mang lại được cho họ sự thỏa mãn, họ cảm thấy chán nản. Vì vậy điều rất quan trọng là chúng ta hưởng thụ được nhiều loại hạnh phúc.
Gần đây tôi để ý thấy rất nhiều người bị trầm cảm và khi tìm hiểu lí do tôi phát hiện ra là họ không cảm thấy hứng thú với nhiều thứ. Họ chỉ thấy hứng thú với đôi ba thứ rất ít ỏi. Họ cũng không có nhiều bạn bè. Họ không có sở thích. Khi tôi hỏi họ có chơi nhạc cụ không, họ nói không, họ có vẽ tranh không, họ nói không, họ có thích làm vườn không, họ nói không. Vậy bạn thích điều gì? Họ cũng không biết. Khi bạn hứng thú với rất ít thứ như vậy, thì nhiều khi chúng sẽ không thể làm bạn cảm thấy hạnh phúc được nữa và bạn trở nên chán nản và trầm cảm.
Và không chỉ hưởng hạnh phúc từ các giác quan, hãy học cách hưởng thụ việc thiền tập. Hành thiền rất thú vị, tôi học thiền vì tôi thấy hứng thú với nó và tôi tiếp tục hành thiền cũng vì điều này. Đó không phải là điều tôi phải làm mà là điều tôi muốn làm và thích làm. Khi bạn lớn tuổi hơn và trưởng thành hơn, hạnh phúc bạn hưởng thụ cũng cần nâng cao lên. Thiền chỉ cũng là một loại hạnh phúc cao cấp và và thiền Vipassana cũng vậy, Đức Phật gọi là Jhanasukha và Vipassanasukha.
Trở lại với bài thơ: “Cười và cả thế giới cùng cười với bạn”
Nếu bạn có nhiều bạn bè, hãy học cách trở nên hạnh phúc. Đó là trách nhiệm của chúng ta. Không chỉ có quyền được hạnh phúc mà còn có trách nhiệm trở nên hạnh phúc, bạn nghĩ thế nào về điều này? Chúng ta có quyền hạnh phúc, không ai có thể nói chúng ta không được phép cả. Nhưng đôi khi thật kỳ lạ là một số người cảm thấy họ không có quyền đó. Bạn đã gặp ai như vậy chưa? Tôi đã gặp một số người như vậy. Bất cứ khi nào họ hạnh phúc họ cũng cảm thấy tội lỗi, cảm thấy mình không nên hạnh phúc. Đó là một loại bệnh. Chúng ta có quyền được hạnh phúc và không những thế chúng ta còn có trách nhiệm trở nên hạnh phúc! Tại sao ư? Vì nó có tính lan truyền, mọi thứ đều có tính lan truyền. Khi bạn hạnh phúc, bất cứ ai gặp bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Sự buồn rầu cũng có tính lan truyền, trầm cảm và bất mãn cũng vậy. Khi chúng ta hạnh phúc, chỉ mỗi điều đó thôi là chúng ta đã đang làm một điều tốt đẹp cho thế giới rồi. Chúng ta đóng góp cho thế giới, đó là một trách nhiệm.
Chúng ta nhìn và nghe quá nhiều điều phiền não trong cuộc sống. Chúng ta phải học cách trở nên hạnh phúc và giúp đỡ người khác cũng trở nên hạnh phúc nữa. Nhưng trước khi đi giúp người khác, việc đầu tiên là làm mình trở nên hạnh phúc. Có quá nhiều thứ xảy đến trong cuộc đời chúng ta, cả những điều tốt đẹp và những điều tồi tệ. Khi điều tốt đẹp xảy đến chúng ta hạnh phúc, khi điều tồi tệ xảy đến chúng ta sầu não. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, rất không chắc chắn. Nhưng nếu bạn học Pháp và hành thiền, bạn sẽ thấy rằng hạnh phúc của mình ngày càng ít phụ thuộc vào hoàn cảnh. Khi đó bạn sẽ thấy mình hạnh phúc không với lí do gì cả, như vị Thầy lớn tuổi mà tôi mới kể. Ngài rất hạnh phúc và mãn nguyện, rất thư thái và bình an, từ bi và vui vẻ. Mặc dù Ngài đã 89 tuổi rồi nhưng gương mặt Ngài giống như một đứa trẻ, rất trong sáng, bình an và thư giãn. Chúng ta phải học cách để trở nên như vậy. Vì thế:
“Cười và cả thế giới cùng cười với bạn
Khóc và bạn khóc một mình”
Bạn thấy thế nào về điều này? “Khóc và bạn khóc một mình”. Bạn nghĩ thế giới này công bằng ư? Khi bạn cười họ cùng cười với bạn nhưng khi bạn khóc bạn khóc một mình. Không công bằng phải không, bạn nghĩ thế nào? Đúng là mọi người không ai muốn phiền não. Tôi không trách họ đã không khóc cùng với tôi. Thực ra khi tôi hạnh phúc, tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người. Nhưng khi tôi buồn thậm chí tôi còn chẳng muốn cho mọi người biết. Tôi sẽ quan sát nỗi buồn của mình, học hỏi từ nó và vượt qua nó. Đó là ý nghĩa của việc hành thiền. Với bất cứ điều gì có thể cảm nhận được, bạn quan sát nó, học hỏi, trưởng thành và vượt qua. Đó là cách mà Đức Phật dạy chúng ta làm việc với phiền não.
Phần lớn chúng ta ở đây đã nghe hoặc đọc Mahāsatipaṭṭhāna Sutta (Kinh Đại niệm xứ). Trong phần mở đầu, câu đầu tiên là: “Đây là con đường duy nhất” để chúng sinh trở nên thanh tịnh. Để chúng sinh trở nên trong sạch, có nghĩa là để tâm trở nên trong sạch, đây là con đường duy nhất. Bởi tham, sân, ích kỷ, ngã mạn, ghen tị, dính mắc mà chúng ta cảm thấy rất phiền não. Đó là những lậu hoặc. Vậy nếu chúng ta học cách quan sát và vượt qua những lậu hoặc này chúng ta sẽ trở nên trong sạch, tâm ta được gột rửa, và khi đó nó sẽ trở nên rất bình an và hạnh phúc.
Câu thứ hai là vượt qua buồn rầu và than khóc. Khi chúng ta buồn, chúng ta cảm thấy tội nghiệp bản thân mình và khi nỗi buồn quá lớn thì chúng ta khóc, chúng ta than vãn sao mà mình kém may mắn đến vậy. Để vượt qua buồn rầu và than khóc, chỉ có một con đường duy nhất đó là chánh niệm quan sát thân tâm.
Câu thứ ba trong bài Kinh là đau khổ, cả về thân lẫn tâm, chỉ có thể được vượt qua bằng việc thực hành chánh niệm satipatthana. Và câu thứ tư là để đắc đạo giải thoát và nhập Niết Bàn, đây là con đường duy nhất.
Khi chúng ta buồn, một cách tự nhiên chúng ta muốn tìm đến một người bạn để nói về nỗi buồn của mình. Điều đó không có gì sai. Tôi cũng làm như vậy và đã từng làm còn nhiều hơn nữa. Bất cứ khi nào phiền não tôi sẽ tìm đến một người bạn tốt và nói về những vấn đề của mình. Đôi khi chúng tôi có thể ngồi và nói cả đêm. Nhưng nói chuyện không thôi thì không thực sự giải quyết được vấn đề. Vậy nên sau này tôi học thiền, khi tôi thực hành tốt, tôi phát hiện ra là phần lớn các vấn đề của mình tự biến mất. Tại sao? Ít nhất 90% các vấn đề của tôi đã biến mất. Bạn có biết vì sao không? Bởi vì tâm tôi thôi không tự tạo ra các vấn đề. Tôi học được bài học này từ rất sớm. Hầu hết chúng ta phiền não bởi vì chúng ta tự tạo ra phiền não. Tâm thích tạo ra vấn đề. Nó là một nhà máy sản xuất phiền não với số lượng lớn mỗi ngày. Khi bạn hành thiền tâm trở nên định tĩnh và bình an, trí tuệ sanh khởi và tâm thôi sản xuất ra các vấn đề. Điều này rất khó tin nhưng hãy thực hành và tự mình trải nghiệm.
Tại sao những người hành thiền lại trở nên hạnh phúc hơn, bình an hơn và vui vẻ hơn? Họ cũng là những con người như chúng ta. Họ là cha mẹ. Họ có con cái. Họ là người chồng/người vợ. Họ có bạn bè. Họ có công việc. Họ chỉ là những con người như chúng ta, tại sao họ lại hạnh phúc hơn? Bởi vì họ không tạo ra thêm các vấn đề nữa. Họ giải quyết vấn đề nhưng họ không tạo ra thêm những vấn đề tưởng tượng. Hầu hết mọi người tạo ra những vấn đề tưởng tượng và họ cố gắng tìm ra những giải pháp tưởng tượng. Bạn có thể giải quyết các vấn đề tưởng tượng bằng các giải pháp tưởng tượng chăng? Không thể nào! Tâm bạn sẽ tạo ra nhiều vấn đề tưởng tượng hơn nữa và không có điểm dừng. Nhưng khi bạn thực sự học cách quan sát hoạt động của tâm, khi bạn ngày càng trở nên có ý thức hơn với những suy nghĩ của mình, bạn sẽ thấy là bạn đang suy nghĩ, bởi suy nghĩ mà bạn tạo ra các phiền não và bạn đang tự làm mình khổ. Việc nói về những vấn đề của bạn đôi khi cũng làm cho người thân và bạn bè bạn rất khổ sở. Chúng ta cần phải hiểu là những lậu hoặc (gốc ô nhiễm trong tâm) và cái tôi tạo ra các vấn đề. Khi nó không thể hạnh phúc nó sẽ tìm ra một cái gì đó để mà thấy khó chịu.
Có những lúc người ta muốn lôi kéo sự chú ý bằng sự khó chịu và buồn rầu. Có rất nhiều người như vậy. Tôi biết một số người còn nói là họ sẽ đi tự tử. Họ nói với cha mẹ họ là họ sẽ tự giết mình. Họ nói với anh chị em là tôi muốn chết. Đa phần là bởi họ muốn được chú ý. Họ muốn tình thương và sự quan tâm. Nhưng họ dùng những cách tiêu cực để có nó. Nếu bạn thực sự muốn sự chú ý từ người khác, hãy trở nên hạnh phúc. Mọi người sẽ đến và lắng nghe bạn. Chúng ta có những cách tích cực và cả tiêu cực để được sự chú ý từ bạn bè. Nhưng nếu chúng ta dùng cách tiêu cực thì sẽ làm tổn thương bản thân mình và tổn thương cả những người yêu mến mình. Vậy nên đừng bao giờ dùng cách tiêu cực để kêu gọi sự chú ý. Ban đầu khi bạn phàn nàn về một việc gì, họ sẽ tin là bạn thực sự gặp vấn đề. Họ sẽ đưa ra lời khuyên và những gợi ý để giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn. Nhưng bởi bạn không muốn vượt qua những vấn đề của mình và chỉ muốn nói về nó thôi, nên một thời gian sau bạn bè và người thân của bạn sẽ trở nên rất mệt mỏi. Họ cảm thấy bất lực. Họ sẽ nghĩ rằng mình đã cố gắng giúp trong một thời gian rất dài rồi nhưng chẳng hữu ích cả. Thế nên giúp đỡ thêm cũng chẳng để làm gì nữa. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng mà tôi biết rất nhiều người đang phải trải qua. Kể cả cha mẹ cũng trở nên thật sự mệt mỏi, đến nỗi một người phụ nữ lớn tuổi nói với con gái của bà ấy: “Nếu thực sự con muốn tự tử, đừng nói về nó nữa, hãy đi và làm điều đó!”. Do bà mẹ đã quá mệt mỏi khi phải nghe cô con gái nói mãi rằng con muốn chết, con muốn chết… Tại sao? Đó là một căn bệnh mà chúng ta tự hại bản thân.
Vậy nên trước khi chúng ta làm những điều tiêu cực, chúng ta phải học cách phát triển những cách tích cực để cảm thấy hạnh phúc và có rất nhiều cách. Hãy dạy trẻ nhỏ những cách tích cực để hạnh phúc và dạy chúng cách hành thiền nữa. Chỉ ngồi 5’ một ngày thôi. Hay nếu chúng lớn hơn thì có thể ngồi 10-15’ một ngày. Chỉ với khả năng ngồi và giữ im lặng thôi nó đã giúp bạn rất nhiều rồi. Bạn có biết một nhà khoa học tên là Pascal không? Người phát hiện ra định luật Pascal ấy, ông ấy nói là: “Chỉ bởi vì chúng ta không thể ngồi trong phòng một cách yên lặng, chúng ta tạo ra vô vàn vấn đề và chúng ta không hạnh phúc”. Nếu chúng ta học cách ngồi một mình trong phòng và chỉ giữ im lặng trong vài phút một ngày hay nếu có thể, vài tiếng một ngày, điều đó sẽ giúp bạn rất nhiều. Chúng ta phải học cách thưởng thức sự tĩnh lặng nữa.
Khi còn trẻ tôi rất thích thử nghiệm, tôi đã làm rất nhiều thí nghiệm, cả thí nghiệm khoa học và thí nghiệm thiền tập nữa. Tôi đã thử ngồi rất yên, không động đậy một chút nào và chỉ thở vào, thở ra, chú ý vào hơi thở và không nghĩ về một cái gì. Và khi thân tâm trở nên vô cùng yên tĩnh và tôi cảm thấy rất bình an, tôi rất thích trạng thái đó. Bất cứ khi nào tôi gặp vấn đề, tôi đều đi lên đồi, tìm một chỗ yên tĩnh và ngồi đó một lúc, để thân và tâm trở nên thư giãn và bình an, rồi hành thiền một vài phút. Tôi phát hiện ra là sau khi ngồi khoảng 10-15’ thì các vấn đề dường như không còn to tát nữa. Tôi có thể ứng phó với nó và thi thoảng tôi còn phát hiện ra một biện pháp rất tốt để vượt qua những vấn đề ấy nữa. Có rất nhiều cách để vượt qua vấn đề và có một cách là làm cho tâm bạn trở nên tĩnh lặng. Bởi vì khi quá xáo động, bạn không thể tìm ra được giải pháp tốt nhất. Khi bạn quá xáo động, ví dụ như khi bạn tức giận với ai đó, với mẹ hay cha hay chồng hay vợ bạn chẳng hạn, nếu bạn giữ sự tức giận đó và cứ nói về nó, bạn sẽ tạo thêm nhiều vấn đề nữa vì bạn đang phản ứng với tâm sân. Nhưng nếu bạn học cách hành thiền và trở nên thật định tĩnh và bình an, bạn sẽ thấy cơn sân của mình trở nên yếu dần, yếu dần đi và biến mất. Thời điểm đó bạn sẽ khách quan hơn, bạn không thiên vị. Cái tôi của bạn không ở đó nhưng sẽ có chánh niệm và trí tuệ. Bạn sẽ thật sự quan sát vấn đề và cố gắng tìm ra biện pháp tốt nhất. Trong một số trường hợp bạn còn có thể nghĩ là ồ, con người là vậy mà. Anh ấy mắc sai lầm và nói một điều sai. Cũng chẳng phải là vấn đề to tát. Nhưng khi bản ngã, cái tôi của bạn quá lớn thì bất cứ người nào nói nói câu gì làm tổn thương đến bạn, bạn cũng sẽ coi như là một sự xỉ nhục. Bạn không thấy được đó là một sai lầm. Bạn chỉ thấy rằng anh ta chủ ý nói vậy để làm bạn đau khổ. Anh ta là một người xấu ác. Nhưng khi tâm bạn trở nên định tĩnh và bình an, bạn sẽ hiểu là mọi người đều mắc sai lầm, kể cả người làm tổn thương đến bạn. Anh ấy không có chánh niệm và không nhận thức được việc mình làm nên mới nói vậy. Bạn có khả năng thấu hiểu và đôi khi cả tha thứ nữa. Bạn cũng sẽ tìm ra một cách tốt để bàn vấn đề đó với nó, để cả hai người hiểu nhau hơn và rồi tương lai sẽ ít vấn đề hơn. Nhưng nếu bạn phản ứng với tâm sân, bạn sẽ tạo thêm nhiều vấn đề nữa.
Đức Phật dạy chánh niệm để chúng ta vượt qua tất cả các vấn đề. Điều này thật khó tin nhưng nếu bạn thực hành thiền Satipatthana Vipassana (Thiền tứ niệm xứ và vipassana là một) và quan sát thân, cảm xúc, suy nghĩ hay bất cứ thứ gì nảy sinh, bạn sẽ thấy nó chỉ là những hiện tượng tự nhiên, đến và đi, chẳng có chúng sinh nào cả. Chẳng có bản ngã. Chẳng có cái tôi. Khi bạn vượt qua được bản ngã thì các vấn đề trở nên không còn quá quan trọng nữa. Chúng ta coi các vấn đề quá nghiêm trọng bởi chúng ta nghĩ là có cái tôi. Cái tôi làm phình to vấn đề. Khi bạn không bị bản ngã chi phối, bạn sẽ nhìn thấy là các vấn đề không quá lớn và bạn không coi nó quá mức quan trọng.
“Khóc và bạn khóc một mình”
Bạn nghĩ thế nào về điều này? Bạn có muốn mọi người đến và khóc với bạn khi bạn khóc không? Bạn muốn có bao nhiêu người? Đôi khi cha hay mẹ chúng ta qua đời và chúng ta cảm thấy rất buồn. Chúng ta khóc và cả họ hàng đến với nhau cùng khóc. Một vài tiếng thì không sao và chúng ta vượt qua được sau một vài tiếng. Nhưng đừng tiếp tục khóc và khóc và khóc nữa trong vài tháng hay vài năm. Nó chẳng có tác dụng gì cả và mọi người sẽ nghĩ là bạn không thật, bạn chỉ đang diễn thôi. Khi bạn đau khổ, việc cần thiết là nói chuyện với một người có trí tuệ về vấn đề của bạn. Bạn biết người bạn tốt trong tiếng Pali nghĩa là gì? Kalyāṇamitta (thiện tri thức) nghĩa là một người bạn lành bởi người ấy hiểu Pháp, thực hành Pháp và có trí tuệ. Khi ta có vấn đề, nếu ta đi nói với một người ngu ngốc, người đó sẽ chỉ khiến chúng ta cảm thấy vấn đề lớn hơn ta nghĩ. Người đó sẽ không giúp ta giải quyết được vấn đề mà chỉ làm ta cảm thấy là vấn đề này rất phức tạp. Nhưng nếu nói chuyện với một người học Pháp, hành thiền và phát triển trí tuệ, anh ấy/cô ấy sẽ giúp ta nhìn thấy rằng vấn đề cũng không lớn lắm, không có vấn đề gì là thực sự lớn cả. Tôi đọc một cuốn sách viết bởi một bác sĩ – nhà tâm lí học người Mỹ có tựa đề là: “Đừng đổ mồ hôi bởi những việc nhỏ và cũng toàn việc nhỏ mà thôi”. Nhưng thật khó mà đồng ý bởi chúng ta luôn nghĩ rằng một số vấn đề thì không nhỏ. Cũng có những vấn đề lớn chứ! Nhưng nếu bạn học cách hành thiền và phát triển trí tuệ, bạn sẽ thấy điều đó. Kể cả cái chết cũng là một điều nhỏ. Thật đấy! Một số người đối diện với cái chết vô cùng định tĩnh, bình an, với can đảm và đôi khi cả với niềm vui nữa. Một số người tôi biết, chết một cách rất vui vẻ và rất bình an. Đối với họ ngay cả cái chết cũng là chuyện nhỏ! Nhưng với nhiều người khác thì bất cứ vấn đề nhỏ cỡ nào cũng trở nên rất lớn và họ không thể tìm được giải pháp.
Vì vậy, vấn đề là to hay nhỏ phụ thuộc vào mức độ trưởng thành của bạn trong thực hành Pháp. Từ việc thực hành và nhìn rõ ràng mọi thứ là vô thường, chẳng có gì có thể cho bạn hạnh phúc trường tồn cả và chẳng có cái tôi. Chẳng có sự kiểm soát. Mọi thứ đến và đi theo các điều kiện nhân duyên. Và khi bạn nhìn rõ ba tính chất này một cách thực sự sâu sắc thì bạn sẽ chấp nhận nó. Còn khi bạn chỉ nghĩ về nó thì quả là khó để chấp nhận. Khi bạn nhìn nó với trí tuệ trong chính sự thực hành của mình thì một cách tự động, trí tuệ sẽ thấy sự thật. Và bởi bạn thấy nó là sự thật, bạn chấp nhận nó mà không cần phải suy nghĩ về nó nữa. Nghĩa là bạn không còn sự chống đối với việc chấp nhận thực tế. Phần lớn chúng ta chống đối việc chấp nhận sự thật, chấp nhận thực tế. Bởi vì chúng ta chỉ muốn mọi thứ theo ý mình, theo cách mình tưởng tượng. Khi phát triển trí tuệ chúng ta sẽ không tưởng tượng thêm nữa. Chúng ta nhìn mọi thứ như chúng đang hiện hữu và chấp nhận nó. Đó là sự trưởng thành, chấp nhận những điều không thể tránh khỏi là sự trưởng thành thực sự! Vấn đề lớn hay nhỏ là phụ thuộc vào mức độ trưởng thành của bạn trong pháp hành. Khi bạn trưởng thành, có những lúc bạn gặp khó khăn, đau khổ, nhưng bạn không khóc vì điều đó nữa. Bạn nhận thấy ok, có một vấn đề và tìm một giải pháp thích hợp. Nếu không giải quyết được bạn cũng sẽ thấy ok, chẳng có cách nào cả và chấp nhận nó. Vậy nên nó không trở thành vấn đề nữa.
“Thế giới đau khổ này, ta mượn niềm vui của nó
Nhưng tự thân nó, đã quá đủ rắc rối rồi”
Khi chúng ta có vấn đề, chúng ta muốn khóc và muốn mọi người cùng khóc với mình nhưng họ không làm vậy. Họ sẽ không đến và khóc cùng bạn bởi họ cũng có những vấn đề của riêng mình. Họ không muốn vay mượn thêm nỗi buồn của chúng ta.
“Thế giới đau khổ này, ta mượn niềm vui của nó”
Mọi người muốn đến với bạn và chia sẻ niềm vui của bạn, nghe những câu nói đùa của bạn. Nhưng họ sẽ không đến để nghe về những vấn đề của bạn. Vậy nên,
“Nhưng tự thân nó, đã quá đủ rắc rối rồi”
Mọi người có rắc rối của bản thân họ. Đừng nên trách họ đã không muốn lắng nghe các vấn đề của bạn. Và đừng đi nói những điều đó với người chưa trưởng thành. Bởi vì, bạn sẽ làm tổn thương họ rất nhiều. Ví dụ như bạn là cha/mẹ và bạn có một rắc rối lớn. Nếu bạn nói điều đó với con cái mình, chúng sẽ nghe bạn nói bởi vì tình yêu. Nhưng rồi chúng sẽ cảm thấy rất buồn và bất lực vì không thể giúp đỡ bạn. Nên nếu muốn, bạn hãy tìm đến một người đã trưởng thành để nói chuyện. Ở phương Tây, họ có bác sĩ tâm lý. Bạn có thể đến đó và nói về tất cả những vấn đề của mình. Bạn có thể khóc nếu muốn. Bạn phải trả 100 usd/giờ để mua người bạn này. Nhưng nếu bạn thực sự có một người bạn lành, Kalyāṇamitta, bạn không cần phải trả tiền. Bạn có thể tìm đến xin lời khuyên. Nhưng vì người bạn lành đó thực hành Pháp, họ sẽ không khóc với bạn mà sẽ lắng nghe bạn với tình thương, sự định tĩnh. Và họ sẽ cho bạn lời khuyên tốt.
“Hát, và núi đồi sẽ trả lời ta;”
Tôi có gặp một người bạn. Bà ấy sống ở Singapore. Nhiều lần tôi đi dạo ở công viên thiên nhiên Jurong Bukit Batok và thấy bà ấy hát. Mỗi lần tôi nhìn thấy và nghe bà ấy hát tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc. Và chỉ mới 2 ngày trước thôi chúng tôi gặp lại và chào bà ấy. Quả là một con người hạnh phúc. Chỉ nhìn thấy bà ấy thôi đã làm cho chúng tôi hạnh phúc!
“Hát, và núi đồi sẽ trả lời ta;”
Ở công viên thiên nhiên Bukit Batok có một cái vách đá. Người ta lấy bớt đá đi và họ làm một cái ao ở đó. Cái ao và vách đá rất đẹp. Nếu bạn ngồi gần vách đá và hát thì chuyên gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ nghe thấy tiếng vọng lại.
“Thở dài, và lạc giữa không trung”
Khi bạn buồn, bạn hít một hơi dài và bạn để hơi thoát ra, ‘Ahhh’. Bạn sẽ không nghe thấy tiếng vọng. Nó sẽ không vọng lại trả lời bạn. Tự nhiên là như vậy. Vậy nên bất cứ khi nào cảm thấy đau khổ, chúng ta cần phải học cách nhìn nỗi đau đó. Ban đầu ta sẽ thấy là ‘Tôi đang đau khổ’. Nếu bạn tiếp tục nhìn một thời gian dài, bạn sẽ thấy là chẳng có ‘tôi’. Nhưng có sự bất toại nguyện ở đó. Đau khổ là thật nhưng không có ‘tôi’. Đó là tâm đang suy nghĩ về một vấn đề, một hoàn cảnh nào đó mà nó không vừa lòng. Nó không chấp nhận được nên nó đau khổ. Vậy đau khổ là tự nhiên. Khi bạn thấy rằng đó chỉ là một trạng thái tâm, chẳng có ‘tôi’, thì bạn sẽ làm việc với nó dễ dàng hơn. Khi chúng ta thực hành thiền Vipassana, chúng ta học cách quan sát mọi thứ đang diễn ra trong thân và tâm như những hiện tượng tự nhiên. Nó là thật, nó là tự nhiên nhưng không còn có cái tôi nữa.
“Tiếng vang vọng lại tiếng hân hoan.
Nhưng quay lui trước lời than thở.”
Khi chúng ta vui vẻ, chúng ta cười và nghe thấy tiếng vọng lại từ núi đồi. Nhưng nếu chúng ta nói về sự đau khổ thì chẳng có gì vọng lại. Đôi khi chúng ta trách cứ mọi người không buồn khi ta buồn. Đôi khi ta nghĩ rằng anh ấy/cô ấy không quan tâm. Hãy nhìn xem tôi đang đau khổ thế này đây, vậy mà họ vẫn cười đùa hạnh phúc. Sao họ có thể vui vẻ khi tôi buồn khổ thế cơ chứ? Chúng ta cảm nhận rằng khi mình buồn, những người yêu mến mình cũng phải buồn. Họ không có quyền được vui. Nếu họ yêu ta thì họ phải khóc, không được cười. Nếu họ cười, nghĩa là họ không quan tâm. Vậy nên một cách vô thức đôi khi chúng ta trách cứ người thân như vậy và thấy rất tức giận. Đôi khi chúng ta còn không nói chuyện với người đó nữa. Điều này xảy đến với phần lớn mọi người. Hãy nghĩ mà xem, chỉ vì chúng ta không hạnh phúc không có nghĩa là những người yêu quý ta cũng phải không hạnh phúc. Ta không nên đòi hỏi như vậy. Họ có quyền được hạnh phúc. Nếu chúng ta muốn sự giúp đỡ, muốn giải quyết vấn đề thì có thể hỏi. Nhưng ta không nên mong chờ là họ cũng phải cảm thấy đau khổ.
“Hân hoan, người người sẽ tìm bạn;”
Hãy hạnh phúc và mọi người sẽ tìm đến bạn. Bởi ở bên cạnh một người hạnh phúc sẽ khiến chúng ta vui lây. Như việc vị Thầy lớn tuổi đến với chúng ta sáng hôm nay. Chúng ta thật hạnh phúc khi được thấy Ngài. Và người phụ nữ đã thỉnh Ngài tới đây cũng rất hạnh phúc và phấn khích đến nỗi mất ngủ. Được gặp một người bình an, vui vẻ làm bạn cảm thấy rất hạnh phúc và mang lại niềm tin cho bạn nữa. Nếu Ngài có thể định tĩnh và bình an, thư giãn và tự nhiên đến thế thì mình cũng có thể làm được! Đó cũng là điều tôi học được từ những vị thầy của mình. Tôi quan sát các vị ấy và thấy họ thật tĩnh lặng và thư giãn, tự nhiên, không gượng ép. Họ không diễn kịch mà chỉ đơn giản như vậy thôi. Tôi quan sát họ và tôi tự nhủ là tôi muốn trở nên như vậy, thật tự nhiên và đơn giản là chỉ hạnh phúc. Để trở nên hạnh phúc rất đơn giản. Chúng ta hay biến hạnh phúc thành thứ rất phức tạp. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình cần một cái gì đó để cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta không hiểu là mình không cần bất cứ điều gì để hạnh phúc cả. Điều này khá là khó hiểu. Nhưng một khi đã học được, bạn sẽ thấy hạnh phúc là thứ rất tự nhiên. Bạn sẽ chỉ cần ngồi đó, không làm gì cả và hạnh phúc!
“Than thở, họ quay đầu bước đi”
Nếu bạn không muốn bị cô đơn, bạn phải học cách vượt qua nỗi buồn và các vấn đề của mình bằng sự thực hành Pháp. Không có cách nào tốt hơn cả!
“Họ muốn hiểu rõ niềm vui của bạn,
Nhưng lại không cần những sầu bi”
Chúng ta không nên trách mọi người không cần sự sầu não của mình. Đó là điều tự nhiên. Bạn muốn mang niềm vui hay nỗi buồn đến cho mọi người? Chúng ta muốn mang đến niềm vui, đúng. Nếu vậy thì chúng ta phải học cách trở nên hạnh phúc. Và khi đau khổ chúng ta phải học cách làm việc với nó và vượt qua nó. Đức Phật trao truyền cho chúng ta con đường này, là con đường duy nhất để vượt qua đau đớn, buồn khổ và bất hạnh.
“Vui lòng, thì bè bạn sum họp;
Buồn lòng, thì họ biến mất đi,”
Bạn bè thật là tệ. Và điều đó đúng với phần lớn trường hợp nhưng không phải tất cả. Tôi nghĩ cũng có những người bạn sẽ ở bên bạn khi bạn đau khổ. Nhưng chính bạn phải có trách nhiệm làm việc với phiền não của mình. Bạn không nên đòi hỏi bạn bè mình chịu trách nhiệm làm cho mình hạnh phúc và nếu họ không làm được thì họ sẽ cảm thấy tội lỗi và bất lực. Một số người sẽ tránh xa khi bạn buồn nhưng một số người bạn tốt sẽ tới với bạn khi bạn gặp vấn đề. Duy chỉ có một điều kiện là bạn thực lòng mong muốn hành động và tìm giải pháp cho vấn đề của mình. Nếu bạn chỉ nói về nó thì không ai có thể nghe bạn nói mãi được. Tôi biết một số người, họ muốn nói về vấn đề của mình với người khác và họ cũng đến nói với tôi nữa. Tôi biết họ được 10 năm rồi và tôi đã bỏ cuộc. Bởi tôi biết là người này không muốn giải quyết vấn đề. Họ chỉ muốn nói về nó mà thôi. Mỗi lần tôi đưa ra lời khuyên người đó sẽ nói rằng nó không có tác dụng với họ. Tôi đưa ra một lời khuyên khác. Họ nói rằng điều đó không phù hợp với họ. Tôi bảo họ hành thiền và họ nói rằng phương pháp thiền này không hữu hiệu với họ. Tôi bảo họ hành thiền theo một cách khác và họ nói cách này không có tác dụng. Tôi không thể tìm được bất cứ cách nào phù hợp với người đó cả. Nên tôi hiểu là người này không muốn tự chịu trách nhiệm với những vấn đề của mình. Vậy thì bạn có thể làm gì đây? Bạn không thể cứ tiếp tục lắng nghe năm này qua năm khác được. Bạn có rất nhiều việc quan trọng phải làm.
Khi chúng ta gặp vấn đề và không biết cách giải quyết, ta có thể đi hỏi người nào đó trí tuệ hơn, lớn tuổi và trưởng thành hơn, hay một người đã vượt qua được một vấn đề tương tự. Nhưng bạn phải thực sự áp dụng lời khuyên đó và hành động. Nếu bạn thực sự nhận lấy lời khuyên và cố gắng hết sức mình để giải quyết vấn đề, nó có thể sẽ thành công nhưng nếu không được thì bạn có thể đi bàn bạc thêm nữa. Nếu người đó thấy là bạn thực sự cố gắng, anh ấy/cô ấy sẽ tìm một cách khác để giúp bạn. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục không cố gì hết, thì người bạn đó sẽ biết rằng bạn không thực sự muốn tự chịu trách nhiệm. Vậy nên, nếu chúng ta muốn tự chịu trách nhiệm, rất nhiều người sẽ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Bởi vì mọi người đều muốn giúp đỡ lẫn nhau, với điều kiện là sự giúp đỡ của họ thực sự mang lại lợi ích. Nếu bạn không chịu trách nhiệm thì họ sẽ ngừng giúp đỡ bạn. Và đó cũng không phải là lỗi của họ. Kể cả Đức Phật cũng từ chối giúp đỡ trong một số trường hợp mà Ngài biết rằng khuyên bảo người này sẽ chẳng mang lại lợi ích gì.
“Chẳng ai từ chối rượu ngọt bạn mời,
Nhưng một mình, đắng cay cuộc đời phải tự uống”
Khi bạn mời ai đó một món đồ uống ngọt, họ sẽ không từ chối. Nhưng vị đắng của cuộc đời thì bạn phải uống một mình. Vậy nên đừng phụ thuộc hoàn toàn vào một ai cả. Chúng ta phải suy ngẫm từng từ một. Đừng phụ thuộc một cách hoàn toàn. Bạn có thể dựa một phần. Mọi người chỉ có thể giúp bạn một phần giới hạn nào đó thôi. Chúng ta tự mình đương đầu với tất cả các bài kiểm tra của cuộc đời. Các vấn đề là các bài kiểm tra. Còn cái chết thì sao, có ai chia sẻ cái chết với chúng ta được? Chúng ta chết một mình.
“Mở tiệc, và căn nhà bạn đông đúc;
Nhịn đói, thì cả thế giới đi qua không nhìn lại.”
Khi bạn mở một buổi tiệc, với rất nhiều thức ăn và đồ uống ngon thì phòng ăn của bạn sẽ đông đúc. Khi bạn chẳng có gì để ăn và bạn nhịn đói thì họ sẽ không đến với bạn. Họ sẽ đến nơi mà họ có thể tìm thấy đồ ăn ngon để thưởng thức.
“Thành đạt và trao đi, điều đó giúp bạn sống.”
Chúng ta phải làm việc chăm chỉ, thành công và cho đi. Kể cả nhà sư, chúng ta phải chăm chỉ học Pháp, thực hành Pháp và trao tặng món quà Pháp Bảo. Mỗi chúng ta phải học cách làm thật tốt điều gì đó để thành đạt. Như thế, chúng ta sẽ có thể giúp đỡ những người khác học và cũng thành công như vậy. Nếu bạn là một giáo viên bạn có thể giúp học sinh của mình học. Nếu bạn là một bác sĩ bạn có thể giúp bệnh nhân mình chữa bệnh. Và nếu bạn là một nhà sư và bạn học Pháp, thực hành Pháp. Bạn có thể giúp những người khác cũng thực hành.
“Nhưng không ai có thể giúp khi bạn chết.”
Chúng ta phải chết một mình. Chúng ta phải học cách chết. Thực hành thiền là học cách sống và học cả cách chết nữa. Học cách sống và học cách chết là một. Nếu chúng ta học cách sống tốt đẹp thì đó đã là học cả cách chết tốt đẹp. Vậy nếu bạn muốn sống hạnh phúc, hãy học cách chết tốt đẹp; và nếu bạn muốn chết với niềm hạnh phúc, hãy học cách sống tốt đẹp! Những người chưa học được cách sống hạnh phúc thì sẽ không thể chết với niềm hạnh phúc. Đối với những người đã sống một cuộc đời viên mãn, phát triển toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, khi thời điểm cái chết gần kề họ sẽ chấp nhận được nó. Họ hiểu cái chết là một phần của cuộc sống. Và khi không còn hối tiếc điều gì, họ có thể ra đi một cách thanh thản.
Tôi có buổi nói chuyện về cái chết hồi lâu rồi và tôi nói với mọi người rằng chết là một sự thay đổi phong cách sống. Chỉ là một sự thay đổi cách sống thôi. Mọi người nghĩ nó là sự kết thúc của tất cả mọi thứ. Không phải. Nó chỉ là một sự thay đổi nữa thôi mà. Chúng ta phải học cách sống tốt đẹp, tận dụng cuộc sống để phát triển toàn bộ tiềm năng tâm linh của mình. Và khi đó chúng ta sẽ không còn hối tiếc khi kề cận cái chết. Chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc là mình đã làm hết khả năng. Tôi hỏi bản thân mình rất nhiều lần là nếu hôm nay mình chết, mình có cảm thấy nuối tiếc điều gì không? Tôi hỏi mình hết sức trung thực và nghiêm túc. Và dẫu rằng tôi không muốn chết, tôi cảm thấy rằng mình đã không uổng phí cuộc đời này. Tôi thực sự cảm thấy như vậy. Từ khi còn rất trẻ tôi đã học hỏi rất nhiều. Tôi học Pháp và thực hành Pháp. Đó không phải là dấu chấm hết cho tất cả. Nên nếu ngay cả khi hôm nay tôi chết, do sự thực hành của tôi chưa hoàn tất nên tôi sẽ tiếp tục thực hành ở kiếp sau. Tôi thực sự tin điều đó. Bởi vì tôi đã thực hành ở kiếp này nên cũng giống như vậy, tôi sẽ học cách thực hành Pháp ở kiếp sau. Cái chết chỉ là sự thay đổi cách sống. Kiếp này cách sống của tôi là một nhà sư. Có thể kiếp sau tôi sẽ sống theo một cách khác thì sao.
“Có đủ chỗ trong căn phòng dục lạc
Cho cả đoàn tàu dài ngạo nghễ,
Nhưng từng người phải tự bước đi
Qua lối đi hẹp của phiền não.”
Đoàn tàu ám chỉ một hàng người dài. Trong căn phòng của thú vui, sẽ có rất nhiều người xung quanh bạn, đằng sau và bên cạnh bạn. Nhưng khi ta đau khổ thì mỗi người sẽ phải tự đi một mình. Đây là đoạn cuối của bài thơ. Những điều này chúng ta sẽ phải trải qua trong cuộc sống. Đó là những bài học. Mỗi khó khăn, đau khổ và mất mát trong cuộc sống là mỗi bài học để trưởng thành, để chấp nhận và cũng để buông bỏ. Thực hành Pháp là học cách chấp nhận và cũng là học cách buông bỏ. Bạn học được bài học này càng sớm càng tốt. Sau đó, cuộc sống sẽ trở thành một cuộc chơi dễ dàng hơn. Bạn có thấy cuộc đời như một trò chơi không? Không, hầu hết chúng ta thấy cuộc đời rất nghiêm trọng. Nhưng có một cuốn sách tôi đọc có tựa đề là ‘Trò chơi lớn”. Cuộc đời là một trò chơi lớn và chúng ta phải học cách chơi cho thật tốt bạn ạ!
***

Dịch Việt: Nguyên Bình
Hiệu đính: Sư Tâm Pháp
Nguồn: sutamphap.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn