Phần III: Ngài La-thập Trình Bày Sáu Loại Kiếm

06 Tháng Mười 201712:58(Xem: 4972)

NIỆM PHẬT KIẾM
(SỰ TÍCH NGÀI CƯU MA LA THẬP)

 

PHẦN III:

NGÀI LA-THẬP TRÌNH BÀY SÁU LOẠI KIẾM


        

Ngài La Thập đứng dậy, rời pháp tòa, đến bên cạnh nhà vua, nói:

         - Trong pháp giới có cả thảy Sáu Loại Kiếm, nếu bệ hạ hâm mộ loại kiếm nào thì bần tăng sẽ hiến tặng đúng như sở nguyện.         

         Nhà vua hớn hở, thưa:

         - Đa tạ Quốc sư! Trước hết, xin Quốc sư từ bi giảng giải lai lịch của sáu loại kiếm ấy, nhờ vậy đệ tử mới biết rõ mình ngưỡng mộ loại nào chứ!

         Ngài La Thập gật đầu, mỉm cười:

         - Sáu loại kiếm gồm có : ba loại Thế Gian Kiếm và ba loại Xuất Thế Gian Kiếm.

         - Mong Quốc sư chỉ giáo sơ lược về Thế Gian Kiếm.

         - Thế Gian Kiếm gồm có phàm Phu Kiếm, Chư Hầu Kiếm và Thiên Tử Kiếm!

Thế nào là Phàm Phu Kiếm?

         Phàm Phu Kiếm bao gồm những lưỡi dao của tên đồ tể mưu sinh bằng giết mổ heo gà trâu dê... cho đến gươm đao của bọn sát nhân, hoặc vũ khí nhân tạo của phường hào kiệt tranh danh đoạt lợi giữa chiến trận, đánh đổi cái sống chết để kiếm miếng cơm manh áo nơi đấu trường. Phàm Phu Kiếm còn là vật cầm tay của những kẻ hữu dũng vô mưu, hễ nghịch ý thì tuốt gươm ra, hễ nổi giận thì vung đao chém. Hoặc vì cái lợi nhất thời mà giết, hoặc vì tham lam mà giết, vì sân hậnsát hại muông thú và đồng loại.

         Phàm Phu Kiếm còn ám chỉ tất cả khí giới bén nhọn của kẻ phàm nhân, hoặc bạo lực của kẻ mê muội. Vì tham mồi mà cướp đoạt bằng gươm đao, vì hận thùgiải quyết bằng đâm chém, vì kiêu mạn hiếu thắng mà hủy diệt sinh mạng kẻ khác để thỏa mãn ngã chấp thô tháo của mình. Đó là lai lịch và hoạt dụng của Phàm Phu Kiếm.

Còn Chư Hầu Kiếm là gì?

         Chư Hầu Kiếm bao gồm từ những lợi khí của những kẻ có tham vọng đè đầu cỡi cổ dân đen, bằng bạo lực có tổ chức, bằng binh lực sắt máu, bằng mưu mô xảo quyệt, bằng sự hỗ trợ của sách vở kinh điển và những kẻ cơ trí - cho đến những năng lực tàn bạo phi nhân của những bậc anh hùng, chính khách, tướng lãnh muốn tạo nên thời thế bằng xương máu kẻ khác, để thỏa mãn ý chí tranh bá đồ vương của mình. Chư Hầu Kiếm còn là sức mạnh của giai cấp thống trị, miệng mồm tuy rêu rao “tế thế an dân, đem y thực văn tự đến cho tất cả nhân quần”, nhưng thật ra, đó chính là những con sài lang chuyên xẻ thịt phanh thây và uống máu thiên hạ, bóc lột trăm họ tận xương tủy.

         Chư Hầu Kiếm mỗi khi vung lên, thì điều binh khiển tướng, khởi sự giao tranh nơi chiến trường, nơi biên địa, hoặc giáp mặt xua quân chiếm thành đoạt lũy, tranh giành quyền lực, địa giới. Chư Hầu Kiếm mỗi khi quét ngang thì huyết lưu mãn địa, máu chảy thành sông, thây chất như núi, nhà cửa tiêu tan, cầu đường gãy sụp.   

Chư Hầu Kiếm khi đè xuống thì muôn dân đau khổ, chết chóc, ta thán, ngậm hờn, khi tiến thẳng thì lân quốc khiếp hãi, địch nhân lo sợ vội vã chống ngăn, dân chúng thì bế bồng dắt díu chạy trốn. Đó là lai lịch của hoạt dụng của Chư Hầu Kiếm.

Còn Thiên Tử Kiếm là gì?

         Thiên Tử Kiếm bao gồm tất cả quyền lực thống trị của một số người tự xưng là Minh Quân, Thánh Chúa, và cả những bạo lực bá đạo ghê rợn của các vũ khí khốc liệt do trí năng con người sáng chế, để khuynh đảo thiên hạ, thỏa mãn lòng tham lam, hiếu sát vô bờ của mình.

         Kẻ sử dụng Thiên Tử Kiếm đã cưỡng hiếp mệnh trời làm Mũi Kiếm, lợi dụng minh triết thánh hiền làm Chuôi Kiếm, trộm cắp chí nguyện bình thiên hạ làm Vỏ Kiếm. Bọn người này, đã trau chuốt bạo lực bằng chính nghĩa, dọa dẫm muôn dân bằng đạo đức giả trá, dụ dỗ bá tánh bằng kinh điển hư ngụy, vỗ về hào kiệt bốn phương bằng quyền bính và tài lợi, dối gạt kẻ hiền trí bằng nhân nghĩa, trừng trị dân đen bằng hình pháp tàn khốc, thuyết phục chư hầu bằng binh bị võ lực, điều động lân quốc bằng mệnh lệnh khắc nghiệt, che lấp lịch sử bằng hành động giảo quyệt gian hùng, đè nén nhân tâm bằng roi vọt quan nha, áp chế dư luận bằng đao phủ thủ.                   

         Dùng Thiên Tử Kiếm như vậy mà thẳng tiến, thì ngồi lên ngai vàng đẫm máu lê dân, thỏa mãn đam mê quyền lực, được lũ quần thần tung hô, chư hầu khép nép, lừa gạt lịch sử khiến đời sau cho là Hiền Vương, Thánh Đế, Văn Thành Võ Đức. Kìa Vua Hoàng Đế được ca tụngthánh thiên tử, đánh giặc Xuy Vưu ở Trác Lộc, chém giết sinh linh vô số làm loang máu đến bốn mươi dặm. Kìa, Võ Vương nhà Châu, được tán thánminh quân đệ nhất, họp 800 chư hầu ở Mạnh Tân, khởi trăm vạn hùng binh, cướp thành đoạt ải, sát hại bá tánh biết bao nhiêu, bức tử Trụ Vương đày ải tôn thất nhà Thương, được kẻ viết sử mê muội đời sau suy tôn là đạo đức chơn chúa.

         Thiên Tử Kiếm mỗi khi vung lên thì không một ai hó hé chống ngăn, mỗi khi đè xuống thì muôn dân ngậm miệng căm hờn, cắn răng uất nghẹn. Kìa, Tần Thủy Hoàng ra uy đại đế thiên tử, đốt sách, chôn học trò, xây Ly cung, dựng Vạn Lý Trường Thành bằng máu và nước mắt lê thứ, khiến cho hậu thế chê cười, đời đời phỉ nhổ.

         Kẻ sử dụng Thiên Tử Kiếm mà đắc thời, thì bốn phương rúng chuyển, thiên hạ quay cuồng, thế giới đảo điên, nhân tâm tán thất, lịch sử đổi thay. Thiên Tử Kiếm có uy lực bẻ thẳng thành ra cong, uốn trái thành phải, khiến cho chính tà lẫn lộn, thiện ác sai ngoa ...

Hiệu quả của Thiên Tử Kiếm rộng lớn khoảng vài chục vạn dặm trong thời gian chừng đôi ba chục năm, nhưng di hại cho dân gian vài thế kỷ sau.

         Đó là lai lịch và hoạt dụng của Thiên Tử Kiếm.

         Thưa bệ hạ, bần tăng đã trình bày cặn kẽ về ba loại Thế Gian Kiếm, dám hỏi thánh ý lựa chọn loại kiếm nào?

         Vua Diêu Hưng nhíu mày nhăn mặt, tỏ vẻ khó chịu. Ngần ngừ giây lâu, nhà vua nói:

         - Bạch Quốc sư, đệ tử thật lấy làm tiếc rằng, không thể sử dụng được một trong ba loại Thế Gian Kiếm, ngay cả Thiên Tử Kiếm cũng vậy.

         - Tại sao?

         - Bởi vì Thế Gian Kiếm tuy cường liệt, uy mãnh, nhưng chỉ có giá trị nhất thời, năng lực hạn chế, chẳng lâu dài. Thật ra, dù hiệu quả đến mấy đi nữa, cũng không thể sử dụng để trị nước, an dân vì nó quá bá đạo.

Nó chính là sản phẩm của thế gian, nghĩa là phát xuất từ vọng tưởng, phiền não của loài người, cho nên nó chẳng thế nào giúp cho cuộc nhân sinh này trở nên hạnh phúcthiên hạ ổn định, thái hòa được.

         Diêu Hưng này ngưỡng mong Quốc sư chỉ giáo chút ít về ba loại Xuất Thế Gian Kiếm mà Ngài đã hứa ban cho đệ tử!                             

         Ngài La Thập tiếp lời:

         - Nam mô Phật Đà! Lành thay! Một bậc thánh đế sẵn sàng trồng gieo căn tánh Đại Thừa như bệ hạ, chắc hẳn không thể nào hâm mộ các loại Thế Gian Kiếm tầm thường, hạ liệtbần tăng vừa kể. Bây giờ, La Thập này xin tâu trình lai lịch và hoạt dụng của ba loại Xuất Thế Gian Kiếm.

         Loại Xuất Thế Gian Kiếm thứ nhất được gọi là Thanh Văn Duyên Giác Kiếm, dành cho những người ham thích giải thoát, khiếp hãi luân hồi, nhàm chán sinh tử, đặt mục tiêu tối hậuNiết Bàn.

         Vỏ kiếm được đúc bằng Giới Luật, chuôi kiếm được rèn bằng giáo lý nguyên thủy là pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên.... Lưỡi kiếm được kết tinh bởi thiền định căn bảnTứ Niệm Xứ và sống kiếm được làm bằng Trí Tuệ Vô Ngã.

         Thanh Văn Duyên Giác Kiếm mỗi khi vung lên thì chặt đứt sinh tử, siêu việt ba cõi, hủy diệt tam đồ lục đạo, phá nát luân hồi, sấy khô biển khổ, viễn ly thế gian. Nếu thẳng tiến thì nghiệp lực tan tành, báo chướng rơi rụng, phiền não vỡ vụn, tuy hết ngã chấp nhưng tập khí hãy còn. Nếu để yên thì thọ dụng phước điền của nhân thiên, an trụ hữu dư y niết bàn tự mình giải thoát, chứng đắc A La Hán ngay hiện tiền.

         Loại Xuất Thế Gian Kiếm thứ hai được gọi là Giác Ngộ Hữu Tình Kiếm, cũng còn gọi là Bồ đề Bát Nhã Kiếm.

         Đây là thanh kiếm có năng lực phi thường, dành cho các bậc Bồ-tát Bát Địa trở lên, sử dụng để an nhiên ra vào sinh tử mà cứu vớt tất cả chúng sinh vô phân biệt, tuy chứng nhập niết bàn mà vẫn không lìa ba cõi.

         Vỏ kiếm được đúc bằng Nhiêu Ích Hữu Tình Giới hoặc Tứ Vô Lượng Tâm, chuôi kiếm được rèn bằng Lục Độ Ba-la-mật. Lưỡi kiếm được làm bằng Vô Lượng Tam Muội, sóng kiếm được kết tinh bởi Trí Tuệ Bát Nhã.

         Giác Ngộ Hữu Tình Kiếm mỗi khi vung lên, thì cứu độ hết thảy chúng sinh, làm cho ba cõi bình an, sáu đường mát mẻ, chư Phật tán thán, nhân thiên hoan hỉ vô cùng.

         Với Giác Ngộ Hữu Tình Kiếm, nếu thẳng tiến thì phân thân du hóa mười phương thế giới, lưu xuất đủ cả thảy diệu dụng của Đại BiĐại Trí, kiên trì Đại Nguyện, tùy thuận giáo hóa chúng sinh bằng Thập Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, những bậc đại sĩ hiển lộ nhiệm mầu của Diệu Hữu mà chẳng lìa thể tánh Chân Không.

         Loại Xuất Thế Gian Kiếm thứ ba, mệnh danh Như Lai Vô Thượng Kiếm, còn gọi Pháp Tánh Chân Như Kiếm.

         Đây là thanh kiếm tối thắng đệ nhất trong các loại Xuất Thế Gian Kiếm với năng lực tối thượng không thể nghĩ bàn, vì vượt ra ngoài mọi suy tư và trắc lượng của chúng sinh, kể cả các vị chứng quả Thanh Văn, Duyên Giác.

         Như Lai Vô Thượng Kiếm có vỏ kiếm được thành tựu bởi Giải Thoát Đức, chuôi kiếm được kết tinh bởi Pháp Giới Tánh Bình Đẳng Sự Sự Vô Ngại, lưỡi kiếm được đúc rèn bằng Bát Nhã Đức, tức là Phật Tri Kiến, và sống kiếm được lưu xuất từ Pháp Thân Đức.

         Thanh kiếm phi thường phi phi thường bất khả tư nghị này, chỉ dành riêng cho các bậc Đại Bồ-tát đủ năng lực thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng không thiết tha địa vị Phật Đà, mà xả thân trọn vẹn cho Đại Nguyện Cứu Độ hết thảy chúng sinh, nếu chúng sinh chưa thành Phật thì thề quyết không nhận trước địa vị ấy.

         Thanh Như Lai Vô Thượng Kiếm này một khi vung lên, thì ta-bà thị hiện, tùy thuận ước vọng của chúng sinh mà hóa ra đủ thứ thân tướng, hoặc phân thân vô số hằng sa khắp các quốc độ, hoặc đi thẳng vào ba cõi sáu đường để gieo rắc ánh sáng giác ngộ tâm linh, mở bày tứ trí, thi triển sáu thứ thần thôngvô lượng ba-la-mật.

         Như Lai Vô Thượng Kiếm này, nếu ấn xuống thì lưu xuất Đại Từ Bi, đi vào địa ngục lắm thảm hình mà tắt lửa nóng, dẹp dầu sôi chảo bỏng, hủy diệt hình cụ, rưới nước cam lộ cứu vớt tội nhân, hoặc đi vào loài ngạ quỷ, hóa thực phẩm thanh lương cho kẻ đói khát, làm các hàng ngạ quỷ được no nê. Nếu để yên thì thanh Như Lai Vô Thượng Kiếm sẽ lưu xuất Đại Trí Tuệ, ban phát Tri Kiến Phật cho mọi chúng sinh vô phân biệt, hoặc phóng bạch hào tướng quang chiếu rọi từ A Tỳ Địa Ngục cho đến cõi trời Hữu đảnh, nhập tam muội Vô Lượng Nghĩa Xứ mà không lìa đại nguyện cứu độ hết thảy hữu tình.

         Chỉ có các bậc Pháp Thân Bồ Tát chứng quả vị Đẳng Giác mới đủ khả năng sử dụng thanh kiếm này để mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ví như Quán Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát...

         Tâu bệ hạ, bần tăng tuân thánh ý, đã trần thuật lai lịch và hoạt dụng của ba loại Xuất Thế Gian Kiếm. Chẳng hay bệ hạ hâm mộ loại nào?

         Nhà vua nghe xong, chìm lắng trong tư duy, lặng thinh không nói.

         Ngài Cưu Ma La Thập dường như hiểu ý, bèn nhắm mắt thâm nhập cảnh giới thiền định, đôi môi khẽ nở nụ cười mật nhiệm. Thời gian như ngừng lại, và không gian như chùng trong khoảng trống tịch liêu huyền diệu.

         Có lẽ rất lâu sau, Ngài La Thập mở mắt nhìn khuôn mặt băn khoăn của nhà vua, hỏi:

         - Bần tăng xin đón nhận thánh ý!

         Nhà vua lúng túng thưa:

         - Bạch Quốc sư, thú thật đệ tử chẳng biết nên lựa chọn loại kiếm nào, để phù hợp với tâm nguyện bản thân cũng như căn tánh của dân chúng trung nguyên.

         Nếu chọn Thanh Văn Duyên Giác Kiếm để tế thế an dân bình thiên hạ, thì e rằng thanh kiếm ấy không đủ năng lực hàng phục chúng sinh miền Đông độ. Tại sao?

         Đã mấy ngàn năm nay, các dân tộc Đông Độ vốn có một nền văn minh rực rỡ, sâu sắc, một nền triết học cao thượng, uyên áo, một nền nghệ thuật tân kỳ, trác tuyệt. Còn Thanh Văn Duyên Giác Kiếm chỉ thích ứng với những dân tộc Bắc Thiên Trúc ở thời điểm ấy mà thôi, với uy lực hạn chế, nên không thể sử dụng để giáo hóa quảng đại quần chúng, không thể phát huy mạnh mẽ trong một quốc độmọi người đã gieo trồng hạt giống Đại Thừa rất sâu chắc.

         Ngài La Thập nói:

         - Đúng như vậy. Thanh Văn Duyên Giác Kiếm thì cứu cánh chưa rốt ráo nên không thể làm cho các bậc hiền giả, những sĩ phu nơi cõi Đông độ này nhất tâm quy phục.

         Lại nữa, đối với Giác Ngộ Hữu Tình Kiếm và Như Lai Vô Thượng Kiếm thì bệ hạ có quan điểm như thế nào?

         Nhà vua trả lời ngay:

         - Bạch Quốc sư, đệ tử nhận thấy rằng loại Giác Ngộ Hữu Tình Kiếm thì quá cao viễn chỉ dành riêng cho các bậc Bồ-tát từ Bất Động Địa cho đến Pháp Vân Địa. Loại Như Lai Vô Thượng Kiếm thì quá siêu việt, tối thắng, chỉ dành riêng các bậc Đại Bồ-tát chứng quả vị Đẳng Giác, những kẻ phàm phu chớ nên ngông cuồng tự đại mà mơ tưởng hão huyền.

         Bạch Quốc sư, đệ tử cảm thấy mình như đang đi vào tuyệt lộ, vô cùng bế tắc vì hiện nay chẳng biết quyết định một loại kiếm nào để trị quốc, an dân, bình định thiên hạ như hoài vọng của mình. Dám mong Quốc sư từ bi chỉ giáo!

         Ngài La Thập cười nhẹ, nói:

         - Lành thay! Bần tăng cảm thông sâu sắc những khắc khoải của bệ hạ, hâm mộ tâm nguyện khẩn thiết của bệ hạ. Do đó,bần tăng hứa sẽ đem hết trí lực bình sinh để giúp bệ hạ sớm hoàn thành tâm nguyện.

         Thưa bệ hạ, bậc thánh chúa nhân từ và trí dũng, bậc minh quân lỗi lạc của đời này và đời sau, bần tăng xin mở bày tất cả tâm huyết của mình:

        

         PHẦN BỐN: UY LỰCDIỆU DỤNG

CỦA NIỆM PHẬT KIẾM

 

sự nghiệp vĩ đại và trường cửu của bệ hạ, vì chí nguyện trị quốc an dân của bệ hạ, vì sự giác ngộ tâm linh của hết thảy chúng sinh Đông Độ, vì sự phát triển sâu rộng của giáo nghĩa Đại Thừa - Hôm nay, bần tăng Cưu Ma La Thập sẽ dâng tặng bệ hạ một thanh Kim Cang Bảo Kiếm để thực hiện viên mãn những mục tiêu nêu trên.

         Chợt nhớ ra một điều gì, nhà vua nói: 

         - Đệ tử nôn nóng muốn biết rõ lai lịch và hoạt dụng và thanh Kim Cang Bảo Kiếm mà Quốc sư hứa ban tặng. Vậy, ngưỡng mong Quốc sư...

         Ngài La Thập gật đầu:

         - Kim Cang Bảo Kiếm là một loại kiếm quý hiếm nhất thiên hạ, cứng chắc như kim cang, trên thế gian này không có một thứ gì làm hư hoại được. Đây là loại kiếm tối thắng, năng lực tuyệt đối vô song, hiệu quả vô biên, lưu xuất diệu dụng vô cùng vô tận trong bất cứ xứ sở nào, thời gian nào. Đặc biệt là bất kỳ chúng sinh nào đều sử dụng dễ dàng và có thể phát huy uy lực vô hạn của nó.

         Các vị Thiên Tử, nếu thủ đắc thanh Kim Cang Bảo Kiếm này, thì có thể vỗ yên trăm họ, thuần dưỡng muôn dân, làm cho sĩ phu quy thuận và quân tử tâm phục. Nhờ vậy, với uy lực nhiệm mầu của Kim Cang Bảo Kiếm, tuy ở ngôi vị vương bá nhưng lúc nào cũng không quên đem đức tin và ánh sáng tâm linh đến cho con đỏ, rưới cam lộ ngọt ngào khắp nhân gian, khiến ai nấy đều an cư lạc nghiệp, vui hưởng thái hòa, hạnh phúc.

         Các vị Đế Vương có thể dùng thanh Kim Cang Bảo Kiếm này để sửa sang giềng mối xã tắc, chỉnh đốn triều đình, cảm hóa chư hầu, thu phục nhân tâm, dạy dỗ lê thứ bằng Đức Tin, cải biến sinh hoạt dân gian bằng Mười Thiện Nghiệp Đạo. Do đó, bốn biển chấm dứt binh đao, mười phương không còn thống khổ rên siết, đó đây ai nấy reo khúc hoan ca. Lúc ấy, phước báo hiển lộ, y thực phong nhiêu, mùa màng sung túc, mưa thuận gió hòa, Trời và Quỷ Thần đều tán thán.

         Ngay cả chư Phật nếu rời thanh kiếm này thì không thể cứu độ hết thảy chúng sinh trong ba cõi sáu đường. Chư vị Đại Bồ-tát du hóa thập phương quốc độ, cũng phải sử dụng hiệu năng của thanh kiếm này để phá vỡ ba đường ác, hủy diệt sáu nẻo khổ, làm lợi ích bình đẳng cho hết thảy.

         Nếu là kẻ phàm phu, thì lại rất cần đến uy lực vô biên của Kim Cang Bảo Kiếm để chặt đứt gốc sinh tử, bẻ gãy cạm luân hồi, quét sạch bóng tối Vô Minh, phá trừ phiền não, đập vỡ ngã chấp, kiến chấp mà thẳng tới Bồ Đề, hiển lộ Pháp Thânthành Phật ngay hiện đời, không cần chuyển kiếp mà vẫn khai ngộ.              

         Thưa bệ hạ, ắt hẳn hâm mộ thanh Kim Cang Bảo Kiếm như vậy chứ?

         Vô cùng cảm kích, đột nhiên nhà vua gieo mình xuống đất sụp lạy, nước mắt ràn rụa đầy mặt:

         - Bạch Quốc sư chí tôn chí kính, thanh Kim Cang Bảo Kiếm như vậy có năng lực phi thường, đáp ứng sở cầu, sở nguyện của đệ tử Diêu Hưng này. Ngưỡng mong Quốc sư từ bi hoan hỉ ban cho. Đệ tử sẽ khiến quần thần bày hương án để cung nghinh Kim Cang Bảo Kiếm ấy.

         Tức thì, nhà vua ra lệnh bọn thị vệ tả hữu và quần thần văn võ, khẩn cấp thiết trí ngay một hương án trang nghiêm, trên cao tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca, đốt nhang trầm ngào ngạt và đơm bông hoa phẩm vật cúng dường, thắp đèn nến đủ loại sáng rực.

         Ngài La Thập đảnh lễ Phật xong, đứng qua một bên.

Nhà vua cung kính lạy Phật ba lần, rồi hướng về Ngài La Thập đảnh lễ ba bận đúng nghi thức, rồi quỳ trước hương án, chắp tay thành khẩn. Ngài La Thập đốt ba nén nhang, đưa lên trán, thành tâm khấn nguyện:

Hôm nay, đối trước mười phương chư Phật, mười phương Phật Pháp, mười phương Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng - đệ tử là tỳ-kheo Cưu Ma La Thập, trực tâm chánh niệm, xin đem tâm thiết tha, tâm trịnh trọng, tâm bất động chuyển, tâm xiển dương Đại Thừa, tâm mong mỏi chúng sinh sớm hoàn thành tuệ giác Phật đà, mà truyền trao cho Phật tử Diêu Hưng một thanh Kim Cang Bảo Kiếm mệnh danh là Vô Lượng Thọ Quang Nhất Thừa Kiếm, còn gọi là Tối Thượng Phật Thừa Kiếm, hoặc gọi tắt là Niệm Phật Kiếm.

         Thanh Kim Cang Bảo Kiếm này được rèn luyện từ công năng tu tập trí tuệphước đức của Chư Phật mười phương ba đời, kết tụ tinh anh từ chính trái tim đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni, là Xá-lợi nhiệm mầu của hằng sa Chư Phật ở quá khứ, là di sản vô cùng trân quý của Như Lai để lại cho chúng sinh trước khi niết bàn, là tinh hoa của tam tạng giáo điển Đại-thừa, là diệu dụng tối thắng được lưu xuất từ Pháp Thân, là năng lực của Thể Tánh bất tư nghị ẩn tàng nơi hết thảy chúng sinh.

         Nhờ vậy, Niệm Phật Kiếm luôn luôn rắn chắc như kim cang, vững bền như đại địa, diệu dụng rộng lớn như pháp tánh, hiệu năng vô tận như hư không, uy lực trường cửu như thời gian không có ngằn mé.

         Niệm Phật Kiếm có vỏ kiếm được rèn bằng Giới Luật do chính đức Thích Ca chế tác, có thể là Ngũ-giới của cư sĩ tại gia, có thể là Tỳ-kheo giới, hoặc Bồ-tát giới...

         Lưỡi kiếm được kết tinh bởi thiền định Tối Thượng Thừa của Phật giáo, tức pháp môn Niệm Phật, còn gọi là xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật.

         Sống kiếm được luyện bằng Phật Tri Kiến hàm tàng trong tam tạng giáo điển Đại Thừa.

         Chuôi kiếm được chế tạo bằng Bản Nguyện siêu việt của Phật A Di Đà.

         Kẻ phàm phu nếu sử dụng Niệm Phật Kiếm này, thì an trú trong hiện tại, dễ dàng quán sát Bốn Lãnh Vực của Quán Niệm, thâm tâm khoái lạc, nghiệp chướng dần dần tiêu khô, vọng tưởng không cố ý trừ khử mà vẫn tự dứt đoạn, phiền não không cần diệt mà tự tan mất, phước đức không cầu mà tự hiện, nếu có mong ước gì đều được như sở nguyện, sống một cuộc đời giải thoát thanh cao.

         Người tu hành với thái độ quyết liệt chấm dứt sinh tử, nếu thường xuyên sử dụng Niệm Phật Kiếm này thì trong từng giây phút cải biến tâm linh, vĩnh viễn hòa tan vào pháp giới tạng thân của Chư Phật, trong từng hơi thở đều chuyển hóa cuộc nhân sinh này thành tịnh độ trang nghiêm, trong từng tâm niệm đều tương ứng với giác tánh bản lai, nhất cử nhất động đều được chiếu rọi bởi ánh sáng Phật Tri Kiến. Lúc sinh thời, có thể dùng năng lực vô biên của Niệm Phật Kiếm để giáo hóa kẻ khác bằng chánh pháp của đức Bổn sư, đưa chúng sinh trở về với tuệ giải thoát vô thượng. Lúc lâm chung thì hiển hiện điềm lành, chứng Niết-bàn và không trở lại thế gian này nữa.

         Nhờ nương cậy vào năng lực bất tư nghị của Niệm Phật Kiếm, tức là Pháp Môn Niệm Phật, mà kẻ tu hànhlăn lóc trong biển khổ ái dục, vẫn thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, ở trong cảnh mê luyến mà vẫn gieo trồng căn lành giải thoát, ở trong ràng buộc sinh tử mà vẫn nuôi lớn hạt giống Bồ Đề, ở trung vũng lầy ngũ uẩn mà vẫn hoài bão chí nguyện lợi thahoàn thành Phật đạo.

         Nhờ nương tựa vào năng lực huyền diệu của việc xưng tụng danh hiệu A Di Đà, người con Phật dù ngập chìm trong vật dục tanh hôi, mà vẫn thu hoạch vô lượng công đức để điểm trang cho cuộc sống hàng ngày, tự nhiên dần dần thành tựu tuệ giác Phật Đà, mà mình không hay biết - từ đó, trong cảnh thuận duyên mà vẫn vượt thoát đam mê, xa lìa trần nhiễm, trong cảnh khốn nghịch mà vẫn không quên tâm chí Bồ Đề, không bỏ rơi lý tưởng Thành Phật.

         Niệm Phật Kiếm mỗi khi vung lên thì Pháp Thân hiển lộ, trí giác hiện tiền, tùy thuận chúng sinhkhai ngộ, phát khởi đại từ nhiếp hóa hữu tình, tuyên dương đại trí dẫn dắt chúng sinh, làm cho ai nấy đều soi tỏ tự tâm và thấu suốt bản tánh.      Niệm Phật Kiếm mỗi khi ấn xuống thì thanh toán sinh tử, chấm dứt luân hồi, bẻ gãy nghiệp chướng, chặt đứt phiền não, không cần chuyển kiếp mà vẫn khai ngộthành Phật ngay trong hiện thế.

         Bậc bồ tát đại sĩ sử dụng Niệm Phật Kiếm để hoàn thành bản nguyện cứu độ chúng sinh, giúp chúng sinh kiến tánh thành Phật, hoặc phát huy diệu dụng vô tận của pháp môn Niệm Phật để đưa hết thảy chúng sinh vãng sinh Cực Lạc, trang nghiêm quốc độ thanh tịnh, thành tựu tuệ giác siêu việt cho muôn loài, dùng năng lực Niệm Phật để chuyển hóa tâm niệm của hữu tình khắp ba cõi khiến chúng sinh dấy khởi đại tâm, đại nguyện, thẳng đến Bồ Đề, lên ngôi Chánh Giác...

         Thưa bệ hạ, đó là lai lịch và hoạt dụng của Niệm Phật Kiếm, mà bần tăng chân thành trao tặng cho bệ hạ.

         Nhà vua cố nén bao nỗi cảm kích đang trào dâng lồng ngực, toàn thân rúng động mãnh liệt và yết hầu dường như nghẹn lại, nhà vua quỳ xuống, run giọng nói:

- Bạch Quốc sư! Đệ tử Diêu Hưng xin nhất tâm bái lãnh lời giáo huấn trân bảo của Ngài. Nguyện từ nay cung nghinh thanh Kim Cang Bảo Kiếm siêu việt tối thắng này, mệnh danh Niệm Phật Kiếm để rèn luyện thân tâm cũng như trị nước, an dân, cứu vớt chúng sinh đâu khổ.

         Ngừng một lát, nhà vua hỏi:

         - Nam mô Phật Đà! Xin Quốc sư chỉ dạy cho đệ tử, làm thế nào để thủ đắc Niệm Phật Kiếm?

         Ngài La Thập chắp tay, nghiêm sắc mặt đáp:

         - Này Phật tử, muốn thủ đắc Niệm Phật Kiếm thì phải thực hiện một điều duy nhất: thâm nhập pháp môn Niệm Phật, nghĩa là phải khẩn thiết, chí thành xưng niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật một cách kiên cố, liên tục không gián đoạn, dù trong bất cứ cảnh ngộ nào...

         Nhà vua trầm ngâm, nghĩ ngợi rất lâu, rồi hỏi:

         - Đệ tử còn chút nghi tâm, xin Quốc sư từ bi giảng giải. Tại sao không xưng niệm danh hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, mà xưng niệm danh hiệu của đức A Di Đà, trong khi đức Thích Ca mới là giáo chủ chân chính của đạo Phật?

         Ngài La Thập cười:

         - Điều này rất dễ hiểu: Đức Thích Ca chỉ là một vị Phật của lịch sử, đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh trọng đại của Ngài trong một thời điểm nào đó và trong một không gian nào đó, với tư cách một Hóa Thân Phật.

         Còn A Di Đà là một vị Phật của Chân Lý Tối Thượng, là thể tánh của Pháp Thân, nên A Di Đà là một vị Phật vượt thời giankhông gian, với lực dụng nhiệm mầu của chân lý ẩn chứa trong tâm thức chúng sinh.

         Vì thế cho nên xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật nghĩa là kêu gọi sức mạnh siêu việt của Chân Lý để tự chuyển hóa tâm linh của chính mình. Niệm danh hiệu A Di Đà cũng còn là một cách nương tựa vào Chân Lý để tăng trưởng Tỉnh Giác cho bản thân, cho tự tâm. Niệm Phật có nghĩa là đem cái tỉnh thức nhỏ nhoi của mình hòa tan vào bản thể giác ngộ của Chân Lý, vào cái Tâm thanh tịnh, sáng suốt của Phật.

         Nhà vua gật đầu vui vẻ như vừa cất một gánh nặng:

         - Đệ tử hiểu ra rồi. A Di Đàpháp giới tạng thân, cho nên Danh hiệu A Di Đà Phật ẩn tàng tất cả danh hiệu của hết thảy chư Phật ba đời mười phương. Nói cách khác: niệm A Di Đà tức là niệm tất cả danh hiệu Phật. Phải vậy chăng, thưa Quốc sư?

         - Lành thay, quả đúng như vậy. A Di Đàpháp giới tạng thân, mà đức Phật nào cũng lưu xuất từ pháp giới tạng thân cả. Cho nên, niệm A Di Đà tức là niệm tất cả chư Phật.

         - Đa tạ Quốc sư, nhờ sự giảng giải minh bạch của Ngài, đệ tử mới an tâm xưng niệm hồng danh A Di Đà Phật, không còn thắc mắc nghi ngờ gì nữa.

         Nhà vua lại hỏi:

- Bạch Quốc sư, đệ tử phải sử dụng Pháp Môn Niệm Phật như thế nào trong công cuộc hộ quốc, an dân?

         Ngài La Thập nhìn vào sắc diện thành kính của một vị Thiên tử mộ đạo, nói:

         - Này Phật tử, muốn hộ quốc, trước tiên phải hộ trì cái bản tâm trí giác của mình. Muốn an dân, trước tiên phải an định cái bản tâm vốn chứa sẵn đầy đủ đức tướng Như Lai của mình. Muốn bình thiên hạ, trước tiên phải bình định cái bản tâm vốn vắng lặng thanh tịnh của mình, mà trải qua lắm kiếm sâu xa, bụi bặm tham sân phiền não đã che lấp dày đặc.

         Nhưng bằng cách nào?

         Thì đây, Phật giáo đã ban cho chúng ta một thông điệp:

         Muốn hộ quốc, an dân, bình thiên hạ, thì phải tự mình xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật kiên cố, liên tục, không gián đoạn, và khuyến khích người khác xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Đồng thời truyền bá sâu rộng kinh điển nhà Phật, kể cả giáo lý Nguyên Thủy lẫn Đại Thừa, tạo mọi điều kiện cho người khác tu học Giới Định Tuệ.

         Này Phật tử!

Không thể hộ quốc, an dân bằng quyền lực của một đế chế dù đế chế ấy hùng mạnh đến đâu chăng nữa. Không thể hộ quốc, an dân bằng bạo lực sát nhân của một thứ khí giới dù hung hiểm dữ dội đến đâu chăng nữa.

         Không thể hộ quốc, an dân bằng một cuốn sách, hoặc một triết lý tư tưởng, dù cao siêu uyên áo đến đâu chăng nữa.

         Không thể an định thiên hạ bằng năng lực của kim ngân tài vật, hoặc năng lực của một thứ pháp thuật kỳ bí, hoặc bất cứ phương thức nào của thế gian. Vì sao? Bởi vì những thứ ấy chỉ có giá trị nhất thời, hữu hạn, và thường đưa đến mê muội thống khổ, phiền não, trói buộc và hủy hoại nhân tính.

         Nhưng, có thể hộ quốc, an dân, bình thiên hạ, bằng năng lực giác ngộ tâm linh của một người hay của nhiều người.

         Chỉ có năng lực giác ngộ tâm linh mới cải biến tự tâm, và chuyển hóa thế gian một cách hữu hiệu, trường cửu. Chỉ có năng lực giác ngộ tâm linh mới đưa kẻ bất lương trở nên hiền thiện, đưa kẻ hiền thiện trở thành bậc trí giả, nhân hậu - và đưa kẻ trí nhân trở thành bậc thánh giả. Chỉ có năng lực giác ngộ tâm linh mới làm cho xã hội được an cư lạc nghiệp, bốn biển thanh bình, muôn người hạnh phúc. Chỉ có năng lực giác ngộ tâm linh mới giúp cho các vị nguyên thủ quốc gia tự sửa chữa lỗi lầm, nghe lời can gián, ổn định giềng mối xã tắc, xây dựng triều chính, răn nhắc quần thần, làm mô phạm cho bá tánh, làm chỗ nương tựa cho kẻ hiền tài, đáng để cho quần chúng ngưỡng vọng.

         Chỉ có năng lực tâm linh mới giúp cho nhà cầm quyền phát khởi đại từ, ban bố ân đức cho người dân nghèo, phát khởi đại bi xót thương cưu mang kẻ tật nguyền khốn khó, phát khởi đại hùng răn đe nhung địch, dạy dỗ chư hầu, phát khởi đại trí tự soi chiếu chính mình và giáo hóa thiên hạ, đưa chúng sinh trở về với bản thể thanh tịnh, khiến trần gian ngũ trược này vơi bớt khổ đau, thống liệt.

         Làm thế nào để thành tựu năng lực giác ngộ tâm linh?

         Này Phật tử! Muốn thành tựu năng lực giác ngộ tâm linh thì phải tu tập Giới Định Tuệ. Muốn thực hành Giới Định Tuệ dễ dàng, rốt ráo, thì không chi hơn Niệm Phật.

         Do đó, muốn thành tựu tâm linh, muốn viên mãn Giới Định Tuệ, thì phải:

         Thứ nhất: thâm nhập thiền định tối thượng thừa bằng cách xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật kiên cố, liên tục, không gián đoạn, không lui sụt. Vì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là một thanh bảo kiếm rắn chắc như kim cang, là lưỡi gươm thiền địnhuy lực nhiệm mầu và phi thường, vượt ra ngoài tri kiến phàm phu của chúng sinh, duy chư Phật, chư Bồ Tát mới thấu triệt mọi lực dụng của danh hiệu ấy.

Dùng thứ kim cang bảo kiếm bất tư nghị như vậy để chặt đứt vọng tưởng, phiền não, nghiệp báo, kiến chấp... thì không bao lâu sẽ phơi bày Phật Trí, hiển lộ Pháp Thân, tẩy sạch vô minh, xóa tan kiến chấp, tự nhiên khơi sáng tự tâm, thấy rõ bản tánh một cách vô cầu và chuyển hóa nhân gian một cách lặng lẽ, vô hành.

Thứ hai: ngoài việc hành trì miên mật, nghiêm túc, nắm vững danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật như cầm chắc lưỡi gươm thiền định của mình một cách thận trọng, không hề xao lãng - người Niệm Phật phải thường xuyên đọc tụng, nghiên cứu kinh điển Nguyên ThủyĐại Thừa, nhất là phải lý giải các kinh điển Nguyên Thủy dưới ánh sáng Phật Tri Kiến, có bổn phận truyền bá sâu rộng kinh điển Đại Thừa khắp nhân gian, xiển dương lý tưởng Bồ-tát đạo, giúp chúng sinh sớm hoàn thành Trí Giác Phật Thừa.

         Nhờ chuyên cần thiền định bằng pháp môn Niệm Phật mà phát huy Phật Tri Kiến một cách hữu hiệu, nhờ đọc tụng nghiên cứu kinh điểntăng trưởng Tín Tâm để có thể chấp trì danh hiệu Phật một cách kiên cố hơn nữa.

         Do đó, phải nhận thức rõ rằng: công phu Niệm Phật và việc đọc tụng, nghiên cứu kinh điển có những tương quan mật thiết và không thể tách rời nhau.

         Mặc dù mang thân phàm phu đầy đủ nghiệp chướng, phiền não - nhưng nếu có ai dũng mãnh phát tâm chí Bồ Đề vô thượng, trên thì cầu thành Phật, dưới thì nguyện hóa độ chúng sinh bằng ánh sáng Phật Tri Kiến, bằng sự giác ngộ tâm linh, và dùng Bồ Đề Tâm ấy mà xưng Niệm Phật, thì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật sẽ hiển lộ Giải Thoát Đức ngay trong hiện đời, không cần chuyển kiếp mà vẫn khai ngộ, tự nhiên minh tâm kiến tánh, tuy còn sống trong cảnh đời giả tạm, phù du, mà vẫn thể nhập pháp giới bình đẳng của Như Lai.

         Tóm lại, muốn phát huy lực dụng vô tận của danh hiệu A Di Đà đến chỗ viên mãn cùng cực thì hành giả phải phát tâm lập nguyện thật kiên cố, sâu xa, quảng đại - nghĩa là phải thường xuyên phát khởi Vô Thượng Bồ Đề Tâm, Vô Thượng Bồ Đề Nguyện không nhàm mỏi, không thối chuyển, không gián đoạn, và giữ mãi Tâm Nguyện như vậy trọn đời không thay đổi, không xao lãng, quên sót. Dùng tâm nguyện vĩ đại như thế mà xưng Niệm Phật, mà thực hiện sự nghiệp độ sinh bằng cách hoằng dương chánh pháp, thì xã tắc ổn cố, bốn biển thái hòa, vật thực phong nhiêu, muôn dân an cư lạc nghiệp, nhân sinh thịnh vượng, gia đình sung mãn, quỷ thần ngợi khen. Được như vậy thì chư Phật hoan hỉ, và chúng sinh nhớ ơn cho đến muôn đời...

         La Thập này, vốn là một phàm tăng ngu tối, lạm xưng Thích-tử, được nhà vua đối đãi bằng cặp mắt xanh, nên thân tâm hằng hổ thẹn trăm bề. Nay xin dâng chút chân tình với những lời tâm huyết, những tiếng gọi từ sâu thẳm của tánh linh, mong Phật tử Diêu Hưng hãy trân trọng.

         Một vị hoàng đế bình thường của thế tục, thì chỉ đắm say rượu thịt, sắc gái và quyền lực sắt máu, ham mê bành trướng đất đai, tài sản. Y không thể dẫn dắt muôn dân vào con đường hạnh phúc, an lạc được - bởi lẽ ngai vàng của y luôn luôn đẫm máu và nước mắt lương dân, đời sống y luôn bị bao bọc bởi hận thù, ganh ghét, nghi ngờ... tạo nên xung quanh y một bầu không khí chết chóc, sợ hãi và khốn khổ.

         Chỉ có một bậc Chuyển Luân Vương mới đủ khả năng mang hạnh phúc, an lạc đến cho muôn dân, bằng ánh sáng Phật Tri Kiến, nuôi dưỡng chúng sinh bằng thực phẩm tâm linh, giáo hóa chúng sinh bằng kinh điển Đại Thừa, bảo bọc bá tánh bằng Từ Bi, dẫn dắt thiên hạ bằng Trí Tuê...

         Hãy là một vị Chuyển Luân Vương, lấy trí bi làm sự nghiệp, lấy tất cả chúng sinh làm cứu cánh tối hậu, lấy Phật đạo làm chỗ quy túc.

         Với lưỡi gươm thiền định Niệm Phật Tam Muội uy lựchiệu năng khôn cùng, với giáo điển Đại Thừa siêu việttối thắng, ước mong sao Phật tử Diêu Hưng dũng mãnh vượt thắng những yếu đuối bản thân, mà quyết tâm phát khởi đại nguyện, thì bần tăng hân ngưỡng vô cùng.

         ...     

ĐOẠN KẾT:

       PHÁT KHỞI THỆ NGUYỆN VĨ ĐẠI

 

Hoàng đế Diêu Hưng lặng thinh, tự để cho nước mắt chảy đầm đìa mặt mũi, tâm tư lay động, mạch máu phồng căng theo những xúc cảm dần lan khắp châu thân. Nhà vua chậm rãi, quỳ trước hương án, chắp tay nói lớn, với tâm tình tràn trề lạc phúc:

         - Đệ tử Diêu Hưng hôm nay đối trước mười phương chư Phật, mười phương Phật Pháp, mười phương Bồ Tát, Thánh Hiền Tăng, cùng chư vị hộ pháp thiện thần, thiên long bát bộ, cũng như trước sự chứng minh của Quốc sư Cưu ma La Thập và bá quan văn võ, những người khuất mặt ở quanh đây, xin phát khởi đại nguyện như sau:

         Kể từ giờ phút này cho đến cùng tận biên cương của thời gian vị lai, đệ tử nguyện xả bỏ tính mạng, tài sản và cả danh dự nữa của mình, để chấn hưng Chánh Pháp, hộ trì Chánh Pháp, hoằng truyền giáo nghĩa Tối Thượng Nhất Thừa đến khắp nhân gian, quyết tâm làm cho ngọn đuốc Đại Thừa càng ngày càng tỏ rạng, không để lu mờ, hầu mang lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh không phân biệt.

Đệ tử nguyện đem hết thảy hơi thở và máu thịt của mình để thâm nhập pháp môn Niệm Phật Tam Muội, bằng cách suốt đời mãi mãi chí tâm xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật kiên cố, liên tục, bất thối chuyển. Nguyện đem danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật đến cho hết thảy chúng sinh, khiến chúng sinh ai nấy đều Niệm Phật rốt ráo, viên mãn, với mục tiêu cải biến tự tâm, chuyển hóa nhân sinh, để rồi thành Phật như Phật.

         Trong công cuộc trị nước, an dân, bình thiên hạ, đệ tử nguyện sử dụng và phát huy tất cả năng lực bất tư nghị của danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật để mưu đồ lợi lạc cho bá tánh, thái hòa cho xã tắc, ổn cố cho triều đình, cũng như thành tựu sự Giác Ngộ Tâm Linh cho bản thân. Đệ tử lại nguyện nỗ lực ban bố rộng rãi Chánh Pháp Như Lai khắp mọi chúng sinh tùy theo sở cầu của họ, mà không đòi hỏi điều kiện nào cả.

         Ngưỡng nguyện mười phương Tam Bảo, mười phương chư vị hộ pháp thiện thần, xin chứng minhnhiếp thọ, sao cho đệ tử hoàn thành đại nguyện này, hầu mang lại pháp lạcgiác ngộ tâm linh đến hết thảy chúng sinh...

         Ngài Cưu Ma La Thập chắp tay hoan hỉ:

         -A Di Đà Phật, lành thay, lành thay... !

         Quả là một Phật tử chân chính, và là pháp khí của Tam Bảo mười phương. Tâm ấy, nguyện ấy thật vô cùng vĩ đại, nhân cách như vậy thật vô cùng cao thượng! Pháp vận của mọi chúng sinh Đông Độ từ nay sẽ nương cậy nơi đại nguyện này mà sáng tỏbền vững cho tới muôn đời sau. Bần tăng xin tán thán công đức của sự phát nguyện hôm nay! Ngưỡng mong Tam Bảo mười phương chứng giámgia hộ cho Phật tử Diêu Hưng thành tựu đại nguyện này.

         Nhà vua đứng dậy, vuốt thẳng nếp áo, nói:

         - Kính bạch Quốc sư, bắt đầu từ hôm nay, đệ tử xin thành lập một Đại Hội Phiên Dịch Kinh Điển Đại Thừa, và cung thỉnh Quốc sư đứng ra chủ trì, chăm sóc tất cả mọi việc. Và nhân danh Hoàng đế Trung Nguyên, đệ tử phong tặng Ngài một tôn hiệu, đó là:

Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư

         Tôn hiệu này sẽ được ghi rõ nơi phần trang trọng nhất của những cuốn kinh do Ngài phiên dịch. Trước tiên, là bộ Đại Phẩm Bát Nhã được phiên dịch từ tiếng Bắc Phạn sang tiếng Trung Nguyên, tiếp theo sẽ tuần tự phiên dịch các bộ kinh đại thừa như A Di Đà Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Kim Cang Bát Nhã Kinh, Duy Ma Kinh... v.v...

Ngài La Thập gật đầu:

         - A Di Đà Phật! Đó là chí nguyện bình sinh của bần tăng, nhưng nếu không có nhà vua trợ lực thì bần tăng cũng chẳng làm nên hảo sự nào cho chúng sinh và cho tam bảo!

         Nhà vua thưa:

         - Bạch Tam Tạng Pháp Sư, không phải vậy đâu! Vì sao? Vì nếu không có Ngài thì Diêu Hưng này chỉ là một Hoàng đế phàm phu ngu dốt, một vị thiên tử tầm thường mãi hụp lặn trong đam mê ngũ dục mà thôi!

         Chính Ngài đã cải hóa Diêu Hưng này trở thành một người con Phật, là khí cụ hữu hiệu của Tam Bảo, là chỗ nương tựa của chúng sinh. Ngài đã hoán chuyển cuộc đời con bằng năng lực diệu dụng vô biên của Nam Mô A Di Đà Phật, là lưỡi gươm thiền định nhiệm mầu, tối thắng.

         Nếu không có một đạo sư như Ngài, thì Diêu Hưng và hết thảy chúng sinh Đông Độ sẽ mãi mãi lẩn quẩn trong đêm dài vô minh, trong hố hầm sinh tử, trong biển khổ luân hồi, biết đến bao giờ mới trở về với bản thể thanh tịnh sáng suốt của Pháp Thân bất sinh bất diệt.

         Ngài La Thập mỉm cười:

         - Thật ra, tất cả đều xuất phát từ diệu lực của Tam Bảo mười phương, do chư Phật sai khiến chúng ta thực hiện trọng trách vinh dự này, hầu mang lại phước lạc vô biên cho chúng sinh, làm cho Chánh Pháp trường tồn...

         Hôm ấy là ngày mười chín tháng sáu, năm Hoằng Thủy thứ ba đời Diêu Tần, Đại Hội Phiên Dịch Kinh Điển Đại Thừa được khai mạc dưới sự chủ tọa của Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La ThậpHoàng đế Diêu Hưng.

         Với sự quan tâm hết sức nhiệt tình và cung kính của nhà vua, Ngài Cưu Ma La Thập chịu khó chịu nhọc suốt hơn mười hai năm, đã phiên dịch ra Hán văn cả thảy 98 bộ kinh Đại Thừa, gồm hơn 390 cuốn.

         Lưỡi gươm thiền định Kim Cang Bảo Kiếm mà Ngài La Thập trao tặng cho vua Diêu Hưng, chính là danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, chính là giáo điển Đại Thừa, được lưu truyền mạnh mẽ sâu rộng đến ngày nay, và càng lúc càng rực rỡ hơn mãi.

         Lưỡi gươm thiền định Nam mô A Di Đà Phậtgiáo điển Đại Thừa đã mang lại phước lạc cho thiên hạ, bình an cho bá tánh, hạnh phúc cho muôn người, giúp vô số chúng sinh thành Phật, cải biến thân tâm, chứng quả vị bất thoái chuyển và giải thoát ngay trong đời này hoặc đời sau.

 

         Đệ tử Quyết Vãng Sanh

         Kính ghi!

         (1981 - 2000)

Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn