3. Giải Thoát Sanh Tử

27 Tháng Bảy 201403:21(Xem: 6011)
THỰC TẠI THIỀN
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRONG RỪNG THIỀN VIỆT NAM
Đương Đạo
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 2003

3. Giải Thoát Sanh Tử

Khi một trong những vấn đề chính của Phật giáo là giải thoát khỏi sanh lão bệnh tử, hay nói gọn là sanh tử, thì Thiền tông là một con đường của Phật giáo, chủ đề chính của Thiền phải là giải thoát khỏi sanh tử.

Nguyên nhân nào khiến có sanh tử ? Tại sao có sanh tử ?

Trong Nói Rộng Về Bốn Núi (Phổ thuyết tứ sơn), tức là giảng về bốn núi Sanh, Lão, Bệnh, Tử, vua Trần Thái Tông có bài kệ về núi Sanh như sau :

Trời đất nấu nung vạn tượng thành
Xưa nay không móng cũng không manh
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm
Liền trái vô sanh nhận có sanh
Mũi lưỡi đắm tham hương lẫn vị
Mắt tai mờ mịt sắc cùng thanh
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê hương muôn dặm trường.
(HT. Thanh Từ dịch)

(Châu tể luân đào vạn tượng thành
Bản lai phi triệu hựu phi manh
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh
Tỵ trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.)

Sanh mở đầu cho tiến trình sanh, lão, bệnh, tử. Nhưng sanh khởi đầu bằng cái gì ? Đó là do tâm sanh vậy (tâm khởi đầu tất cả các pháp, tâm làm chủ – kinh Pháp Cú). Thế giới có đầy đủ muôn hình tượng, tùy theo nghiệp mà có hình thể, có quá trình sanh trụ hoại diệt. Nhưng ở trong Nền Tảng, chúng có đó mà thật là không, động đó mà thật là không động. Trong thật tế hay thật tướng, trong cái bản lai thì “không móng cũng không manh”, chưa từng có một hạt bụi dấy lên, sóng chưa từng tách lìa khỏi nước. Kinh Pháp Hoa nói : ‘Các pháp từ xưa nay, thường tự tịch diệt tướng.’ Chỉ vì tâm động cho nên có thế giới chỉ toàn là chuyển động, vì tâm phân biệt khởi lên nên có thế giới phân chia. Vì tư tưởng phân biệt khởi lên nên có thời gian cách biệt, không gian cách biệt.

Quá trình sanh tử chỉ là quá trình của tâm chuyển động thành tư tưởng phân biệt sai lầm. Nói theo Kinh, Luận thì chỉ do ‘một niệm bất giác’, hoặc nói như ngài Trần Thái Tông, chỉ vì sai khác một cái bèn có niệm và như vậy là quên đi, lìa ngoài cái vô niệm. Chỉ một niệm sai khác bèn lìa khỏi Nhất Tâm để xoay chuyển, khúc xạ thành muôn ngàn thứ tâm, muôn ngàn sai biệt, muôn ngàn hình tướng, muôn ngàn vọng tưởng. Chỉ một niệm sai khác ‘liền trái vô sanh nhận có sanh’. Từ tâm sai khác một niệm, bèn có ý thức phân biệt chia cắt, và rồi đi xa thêm trong việc sử dụng lầm lạc các giác quan. Một khi đã lìa khỏi vô niệm, vốn là bản tánh của tâm, vốn là thực tại nền tảng, lạc vào trong bộ máy nghiệp của tư tưởng và tri giác giác quan, thì mỗi ngày mỗi cách xa quê nhà, tức là thực tại ‘xưa nay không móng cũng không manh’ vốn hằng hằng vô niệm, nghĩa là không bị vọng niệm làm ô nhiễm. Và bởi vì ‘xưa nay không móng cũng không manh’ cho nên xưa nay không lìa khỏi đương niệm, nghĩa là vẫn muôn đời trước mắt.

Như thế, Thiền tông cũng như những tông phái khác của đạo Phật, cho rằng khổ (sanh tử) và nguyên nhân của khổ chỉ là tâm sai lầm. Sanh tử khổ đau này không ai tạo ra cả, chỉ do chính mỗi chúng ta mà thôi, chỉ do chúng ta tự làm biến dạng tâm nguyên sơ của mình để thành trùng trùng vọng tưởng phân biệt. Có điều Thiền luôn luôn nhấn mạnh là chúng ta không lạc xa đến ‘vạn dặm trường’ mà chúng ta lạc ngay trên đất thật mà mỗi chúng ta đang đứng, lạc ngay trên tâm địa của chúng ta. Chúng ta không cách xa quê nhà đến muôn ngàn dặm, mà chúng ta ‘xưa nay’ vẫn ở quê nhà, có điều vọng tưởng vô tình và cố tình làm cho chúng ta lạc lõng không thấy, không nhận biết điều đó mà thôi. Tất cả chúng sanh luôn luôn ở trong Niết bàn của chư Phật. Có điều chúng sanh chúng ta luôn luôn chuyển hóa Niết bàn thành sanh tử bằng cái thấy sai lầm của mình, còn các Bồ tát thì chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn cũng bằng cái thấy đúng của cácvị. Có lẽ chính vì quá gần như vậy cho nên Thiền tự nhận là Đốn giáo.

Thế thì giải thoát sanh tử chỉ là xóa bỏ, điều chỉnh sự sai khác của tâm. Tâm đã sai khác thì vặn nó về chỗ cũ của nó, chỗ bổn lai xưa nay của nó. Đưa tâm trở lại nguyên vị chưa méo mó của nó thì thấy ngay thực tại : ‘Pháp ấy trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ’ (Kinh Pháp Hoa). Nó có trái đi mà nhận có sanh thì đưa nó về chỗ không trái của nó, chỗ vô sanh của nó, chỗ bản tánh vô sanh của nó. Đã lỡ ‘dụi mắt thấy quái’ (xem hai bài tụng của Thượng sĩ Huệ Trung và vua Trần Thánh Tông đối đáp với nhau) thì thôi dụi đi, để cho mắt trở lại trạng thái cũ mà thấy ‘rỡ ràng thường tự tại’ (minh minh thường tự tại).

Như thế, một trong những giải quyết vấn nạn sanh tử của Thiền là ở ngay trong sanh tử để thấy bản tánh của sanh tử chính là tánh Không, do đó không có ai để tìm cách tránh và không có cái để phải tránh đi đâu cả. Từ đây mà có những bài ca giải thoát như Sanh tử nhàn mà thôi (Sanh tử nhàn nhi dĩ) của Huệ Trung thượng sĩ.

Thiền sư Giới Không, Thế hệ thứ 15, dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một hôm không bệnh, Sư nói kệ dạy chúng :

Ta có một việc kỳ đặc
Chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng, đen
Thiên hạ tại gia, xuất gia
Yêu sanh, ghét tử là giặc
Không biết (nên) sanh tử khác đường
Sanh tử chỉ là được mất.
Nếu cho sanh tử khác đường
Lừa cả Thích Ca Di Lặc.
Nếu biết sanh tử sanh tử
Mới biết lão tăng ở đâu
Các người môn nhân, hậu học
Chớ nhận vòng vo phép tắc.

Nói kệ xong, Sư cười lớn một tiếng, chấp tay mà mất.

Chúng ta đọc thêm một bài kệ của Thiền sư Đạo Huệ (?-1073) cũng về chuyện sanh tử :

“Ngày mồng một tháng tám năm Nhâm Thìn, Sư hiện bệnh, than rằng :

Loạn lạc tứ tung
Do đâu mà đến ?

Nói kệ rằng :

Đất, nước, gió, lửa, thức
Nguyên lai thảy cả Không
Như mây tan rồi hợp
Phật nhật chiếu không cùng.

Lại nói :

Sắc thân cùng diệu thể
Chẳng hợp chẳng phân ly
Nếu ai muốn rõ biết
Trong lò (lửa) một cành hoa.

Đến canh ba, Sư im lặng mà hóa.”

Ở đây chúng ta lại thấy tánh Không là cách và cái giải quyết thực sự cho sanh tử : “Đất nước gió lửa thức, nguyên lai thảy cả Không’, nghe như bài Bát Nhã Tâm Kinh : ‘Quán Tự Tại Bồ tát khi hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt tất cả khổ ách’. Và ‘sắc thân cùng diệu thể, chẳng hợp chẳng phân ly’, ‘chẳng hợp chẳng lìa’ này là một câu nói gặp rất nhiều trong kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Có điều hình như Thiền Việt Nam không chỉ nói một mặt Chân Không mà luôn luôn nhấn mạnh mặt Diệu Hữu kia : ‘Phật nhật chiếu không cùng’, ‘Trong lò (lửa) một cành hoa’.

Khi nói Chân Không Diệu Hữu, ấy là nói đến một cái Không đang hiện tiền, đang có mặt ; không phải là một cái Không do các sắc tiêu tan, biến mất rồi mới có Không. Khi nói sắc tức thị Không nghĩa là nói sanh tử tức là giải thoát, không phải sanh tử tiêu tan mới có giải thoát.

Có lần một vị tăng hỏi Tổ Vô Ngôn Thông : ‘Thế nào là Phật ?’ Tổ đáp : ‘Khắp tất cả chỗ.’ Khi Phật là khắp tất cả chỗ, thì giải thoát cũng khắp tất cả chỗ. Bởi thế mà khi vua Lý Thái Tông hỏi Thiền sư Thiền Lão : ‘Hàng ngày hòa thượng làm việc gì ?’ Sư đáp :

Trúc biết hoa vàng phi (chẳng phải là)
ngoại cảnh
Trăng trong mây bạc lộ toàn chân.
Đó là tất cả sanh tử và tất cả giải thoát của một Thiền sư.

* * *

Một khi một người chứng ngộ được thật tướng của sanh tử là Niết bàn, thì đồng thời vị ấy đầy đủ lòng đại bi khi thấy tất cả chúng sanh đang quay cuồng trong nhà lửa sanh tử, mỗi phút giây đều tạo nghiệp khổ đau cho chính họ và cho người khác. Toàn thể cuốn Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông đều được viết ra với động cơ là lòng bi này, bởi thế đoạn nào cũng biểu lộ một tấm lòng nồng nhiệt muốn thúc bách người khác vượt qua sanh tử khổ đau mà thật ra là không thật có ấy. Ở đây chúng ta trích ra một đoạn trong Khuyến phát Bồ đề tâm để cho thấy mặc dù ít nói về lòng bi, nhưng động cơ sống của một thiền sư là lòng bi, toàn bộ ngôn ngữ của một thiền sư là hừng hực thiết tha vì mục tiêu giải thoát khổ đau cho người khác :

“Đã nghe lời này, phải nên chăm học, chớ có chần chừ. Kinh nói : ‘Một phen mất thân người, muôn kiếp khó được lại.’ Cho nên Khổng tử nói : ‘Người không chịu làm thì ta biết làm thế nào.’

Rõ ràng thay, ngày tháng trăm năm chỉ là phút chốc, thân huyễn bốn đại đâu thể lâu dài. Càng ngày càng đắm trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận. Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục. Công danh cái thế có chút gì cũng là một trường đại mộng, phú quý kinh người cũng khó khỏi vô thường hai chữ. Tranh ta tranh người, rốt cuộc thành không ; khoe giỏi khoe hay, rốt cùng chẳng thật.

Gió lửa tan có chi già trẻ
Núi khe tiêu tận mấy anh hung

Đầu xanh chưa mấy lúc, tóc bạc đã sớm pha, ngày vui vừa qua thì ngày điếu cũng tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình, bảy thước xương khô mặc sức tham lam tiền của. Thở ra không hẹn thở vào, sáng nay không chắc giữ được sáng mai.

Sông ái nổi chìm bao giờ dứt
Nhà lửa đốt thiêu thuở nào xong

Chẳng nguyện vượt thoát lưới nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Diêm vương bỗng chốc kêu đòi, sứ giả há cho triển hạn. Ngoảnh lại người thân đâu thấy, rốt rồi nghiệp báo tự mang theo… Mười hai giờ cam chịu đắng cay, năm trăm kiếp thấy đâu hình bóng. Chịu đủ tội nghiệp, lại tiếp luân hồi. Bỗng mất thân hình thuở trước, đổi ra lấy vóc ngày nay. Khoác lông mang sừng, đeo yên da ngậm hàm sắt, lấy thịt nuôi người, dùng mạng trả nợ. Sanh thì bị nạn chày nện dao bằm, sống thì gặp khổ nước sôi lửa bỏng. Gây thù tích oán, xâu xé lẫn nhau. Bấy giờ dù có biết hối, học đạo cũng không đường.

Chi bằng gánh vác lấy ngay, đừng để kiếp này lỡ bước. Đức Thích Ca bỏ hoàng cung đi thẳng vào Núi Tuyết. Bàng cư sĩ đem gia tài đổ ngoài biển cả… Lục tổ mới gặp khách, nghe kinh liền tỉnh ngộ. Đạo Thiền nếu không ban cho mùi vị, hiền thánh sao chịu quy y… Đây là nguyên do để nghiệm biết, chớ sanh chán nản thối lui…

… Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm ? Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc tu hành lầm đường mà chẳng tỉnh ra ý ấy. Đâu biết tánh giác Bồ đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát Nhã người người sẵn đủ. Chẳng cứ đại ẩn tiểu ẩn, bất kể tại gia xuất gia, chẳng nề tăng tục, chỉ cốt rõ tâm. Vốn không nam nữ, nào cần chấp tướng. Người chưa hiểu dối chia tam giáo, hiểu được rồi đồng ngộ Nhất Tâm. Nếu hay hồi quang phản chiếu, đều được kiến tánh thành Phật.

uống chi thân người khó được, Phật pháp khó gặp. Nếu muốn vượt vòng luân hồi sáu nẻo, chỉ có con đường tắt Nhất Thừa. Cần tìm chánh kiến, chớ tin tà sư. Ngộ rồi mới là vào đạo, hành được mới có thể thoát tục. Bước bước dẫm lên đất thật, đầu đầu đều đội hư không. Khi dùng thì muôn cảnh rỡ ràng, buông xuống thì một mảy bụi chẳng lập. Đó là địa vượt sanh tử chẳng tương can, cơ liễu ngộ chỗ quỷ thần nhìn chẳng thấu.

Là phàm là thánh đồng vào một đường này, hoặc oán hoặc thân đều cùng chung một lỗ mũi. Thật ngộ như thế, còn trệ nửa đường. Hãy thôi nói ba huyền hướng thượng, cốt rõ một cái tối hậu mà thôi. Hãy nói, nay thế nào là một cái tối hậu ?

Núi xanh nơi thấy trời lồng lộng
Sen đỏ khi bừng, nghe nước thơm.”

* * *

Ở một phương diện khác, chúng ta thấy rằng các Thiền sư Việt Nam thường đi thẳng vào vấn đề sanh tử và tìm ra giải đáp ở chính trong đó. Mặc dù giải đáp là chung, nhưng mỗi người tùy theo cá nhân, cơ cấu tâm sinh lý đặc thù của mình mà có một lối tiếp cận riêng.

“Vân Phong hỏi thầy mình là Thiền sư Thiện Hội : Khi sống chết đến làm sao tránh khỏi ?

Sư đáp : Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh.
Hỏi : Thế nào là chỗ không sống chết ?
Đáp : Ngay trong sống chết nắm lấy nó mới được.
Hỏi : Làm sao mà hiểu ?
Đáp : Ngươi hãy đi, chiều nay rồi đến.

Buổi chiều Vân Phong lại vào, Sư bảo : Đợi đến sáng mai tất cả chúng sẽ chứng minh cho ngươi.

Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.”

Hoặc một câu chuyện khác về vấn đề sống chết :

“Sư Quảng Nghiêm một hôm nghe Thiền sư Trí Thiền giảng Tuyết Đậu ngữ lục đến chuyện hai vị tôn túc Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến chỗ người chết điếu tang và nói về việc sống chết. Sư bèn có chỗ đắc, hỏi rằng : Một câu thoại đầu này, cổ nhân nói ở trong sanh tử lại có lý ấy không ?

Thiền sư Trí Thiền nói : Ngươi thể nhận được lý ấy chăng ?
Sư thưa : Thế nào là lý không có sanh tử ?
Đáp rằng : Chỉ ở trong sanh tử mà hiểu lấy nó.
Sư thưa : Bèn vô sanh rồi vậy.
Thiền sư nói : Tức tự hiểu.
Ngay câu nói sư được triệt suốt, bèn hỏi : Làm sao bảo nhậm (giữ gìn) ?
Thiền sư nói : Rõ rồi lại sống như chưa rõ.
Sư sụp lạy. Từ đó tiếng tăm vang khắp rừng Thiền.”

Qua hai đoạn hỏi đáp trên, chúng ta thấy các Thiền sư không giải thoát sanh tử bằng cách tránh nó, mà bằng sự nhìn thấy thật tướng hay bản tánh của nó. Ở đây chúng ta xem sự tiếp cận của Trí Bảo khi ở với Thiền sư Đạo Huệ :

“Sư Trí Bảo (?-1190) nghe tiếng Thiền sư Đạo Huệ (?-1073) đang giáo hóa ở núi Tiên Du, bèn đến bái kiến, hỏi rằng : Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu ?

Thiền sư Đạo Huệ đáp : Sanh không có từ đâu đến, chết không có đi về đâu.
Hỏi : Thế chẳng rơi vào chỗ hư vô ư ?

Đạo Huệ nói : Chân tánh viên diệu, thể tự không tựa, vận dụng tự tại chẳng đồng với sanh tử. Thế nên, sanh không có từ đâu đến, chết không có đi về đâu.

Trí Bảo nghe xong lãnh ngộ, nói :

Chẳng nhân gió cuốn mây bay sạch
Sao thấy trời xanh muôn dặm thu.”

Dĩ nhiên những gì chúng ta nói bàn ở đây chỉ là ý niệm, ngôn ngữ chứ không phải là thực tại. Còn cái gì sư Trí Bảo lãnh ngộ, đó là kinh nghiệm ngộ, một kinh nghiệm vượt khỏi ý niệm và ngôn ngữ, nghĩa là vượt khỏi sanh tử. Nhưng chúng ta có thể thấy mơ hồ bằng ý niệm rằng sư Trí Bảo đã lãnh ngộ tánh Không, cụ thể là tánh Không trong sự việc ‘Sanh không có từ đâu đến, chết không có đi về đâu’. Tánh Không ấy không phải là hư vô mà là ‘chân tánh tròn đầy mầu diệu, thể tự không tịch, vận dụng tự tại chẳng đồng với sanh tử’.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn