Đem Chánh Niệm Vào Doanh Nghiệp

21 Tháng Tư 201400:00(Xem: 12702)

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀO DOANG NGHIỆP:
Điều này có làm thay đổi bản chất của chánh niệm? 
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

world_bank_856159877_300Thông điệp quan trọng mà Thầy gửi đến các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ trong dịp này là: cần sử dụng ảnh hưởng có tầm cỡ thế giới của mình để tập trung vào việc làm thế nào góp phần xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu làm ra càng nhiều tiền càng tốt.

(Được BBT chuyển ngữ từ bài báo “Thich Nhat Hanh: is mindfulness being corrupted by business and finance?” của tác giả Jo Confino đăng trên tờ The Guardian ngày 28/3/2014)


Thực tập chánh niệm ngày càng trở thành một đề tài được ưa chuộng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp. Vài tháng gần đây, nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn nổi tiếng đã công khai chia sẻ về sự thực tập chánh niệm giúp họ như thế nào trong việc tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuần qua, Khajax Keledjian, Giám đốc điều hành (CEO) của Intermix đã tiết lộ bí quyết chế tác bình an trong nội tâm với tờ Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal). Arianna Huffington, tổng biên tập của báo Huffington Post cũng chia sẻ về chánh niệm trong quyển sách mới của bà có nhan đề “Thrive” được phát hành trong tuần này. Có thể kể tên nhiều gương mặt tiêu biểu trong giới doanh thương đã và đang thực tập thiền như Mark Bertolini - CEO của Aetna, Marc Benioff - CEO của Salesforce.com, Tony Hsieh - CEO của Zappos.com, v.v.

Tháng trước, trên blog của mình, Huffington đã viết như sau: “Không có gì phải quá bức xúc về việc tăng lợi nhuận trong kinh doanh. Nền kinh tế bây giờ tương đối khó khăn… Thực tập để giảm căng thẳng và áp dụng chánh niệm không những giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh nếu muốn.”

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: khi tận dụng những lợi ích do thực tập chánh niệm mang lại để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, phải chăng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang làm biến chất những giáo lý cốt tủy của đạo Bụt?

Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư 87 tuổi được nhiều người xem là cha đẻ của pháp môn thực tập chánh niệm ở Tây phương, nói rằng miễn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực tập “chánh niệm thật sự” (“true” mindfulness), thì cho dù động cơ ban đầu khiến họ thực tập là để làm việc có hiệu quả hơn hay làm ra nhiều lợi nhuận cũng không sao. Bởi vì sự thực tập chánh niệm sẽ làm cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi một cách căn bản quan niệm của họ về cuộc sống. Với sự thực tập, trái tim của họ tự nhiên sẽ mở ra và lòng từ bi càng thêm lớn rộng, khi đó trong họ sẽ phát khởi ước muốn giúp người bớt khổ.

Tại trung tâm thực tập chánh niệm Làng Mai, gần thành phố Bordeaux, nước Pháp, trong tư thế ngồi kiết già, Thầy chia sẻ với báo The Guardian: “Nếu quý vị biết cách thực tập chánh niệm, quý vị sẽ chế tác được bình an và niềm vui ngay bây giờ và ở đây. Quý vị sẽ trân quý điều đó và nó sẽ làm quý vị thay đổi. Ban đầu, quý vị có thể nghĩ là nếu không trở thành nhân vật “số một” (Number One) thì mình không thể nào hạnh phúc. Nhưng nếu thực tập chánh niệm, quý vị sẽ sẵn sàng buông bỏ quan niệm đó. Chúng ta không cần lo sợ chánh niệm chỉ có thể là phương tiện mà không phải là cứu cánh. Bởi vì trong chánh niệm, cứu cánh và phương tiện chỉ là một mà thôi. Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.”

Tuy nhiên, Thầy cũng chỉ rõ rằng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thực tập vì những lý do ích kỷ cá nhân thì họ chỉ thấy được cái bóng rất mờ nhạt của chánh niệm mà thôi.

“Nếu anh coi chánh niệm chỉ là phương tiện để kiếm thật nhiều tiền thì anh chưa tiếp xúc được với mục đích thật sự của nó”, Thầy nói. “Về hình thức, có vẻ như đó là sự thực tập chánh niệm nhưng về nội dung thì không có sự bình an, niềm vui và hạnh phúc được chế tác. Đó chỉ là một sự sao chép giả hiệu mà thôi. Nếu anh không cảm được năng lượng của tình huynh đệ, tình đồng nghiệp tỏa chiếu ở nơi làm việc thì đó không phải là chánh niệm.”

Và Thầy nói thêm rằng: “Nếu anh hạnh phúc, anh không thể nào là nạn nhân của hạnh phúc. Nhưng nếu anh thành công, anh có thể trở thành nạn nhân của sự thành công.” ("If you're happy, you cannot be a victim of your happiness. But if you're successful, you can be a victim of your success." )

Nguy cơ bị công kích và chế giễu

Cho dù cho phương pháp thực tập chánh niệm đang đi vào dòng chảy chính thống (mainstream) của xã hội, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn lo ngại bị công kích và chế giễu khi có liên hệ trực tiếp với một phương pháp thực tập đạo Bụt cổ xưa như thế.

Gần đây Thầy đã được ông Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới mời đến trụ sở chính của tổ chức này tại Washington để hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm – một sự kiện được các nhân viên của Ngân hàng Thế giới hoan nghênh nhiệt liệt. Một trong những quyển sách ưa thích nhất của ông Kim là quyển “Phép lạ của sự tỉnh thức” mà Thầy là tác giả. Ông ca ngợi phương pháp thực tập của Thầy có khả năng giúp chúng ta phát khởi “lòng lân mẫn và từ bi sâu sắc đối với những người đang khổ đau”.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được sự chỉ trích từ những người đồng sự cao cấp của ông trước khi chuyến thăm của Thầy đến trụ sở Ngân hàng thế giới diễn ra. Những quan chức này lo ngại không biết dư luận sẽ phản ứng thế nào. Thực tế là tờ The Economist đã có một bài báo chỉ trích Ngân hàng thế giới về sự kiện này.

Mặc dù vậy, ông Kim vẫn không hề bị lung lay. Ông chia sẻ với tờ The Guardian là ông đã vô hiệu hóa những lời chỉ trích bằng cách viện dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học để chứng minh cho những lợi ích của chánh niệm.

world_bank_856159877

Sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật

Có lẽ sự giao thoa thú vị nhất trong thế giới kinh doanh là sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật, bởi vì nhìn bề ngoài thì hai lĩnh vực này có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau. Thực tập chánh niệm có công năng làm cho những hoạt động của tâm ý chậm lại và giúp cho đầu óc ta rỗng rang, trong khi đó cuộc cách mạng kỹ thuật số lại làm nhịp sống của ta trở nên nhanh hơn và nạp đầy đầu óc con người bằng một lượng thông tin quá lớn.

Dù vậy, cả hai lĩnh vực tưởng như rất khác biệt này lại có một lịch sử gắn bó với nhau rất lâu dài. Tại California nơi hội tụ của rất nhiều tập đoàn công nghệ, chánh niệm đã hòa quyện và trở thành một phần nếp sống của thành phố này trong nhiều thập kỷ qua. Steve Jobs, nhà sáng lập của tập đoàn Apple cũng rất yêu thích pháp môn Thiền trong Đạo Bụt.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Thầy - người có số sách phát hành lên tới con số 2 triệu bản ở Hoa Kỳ - đã được Google mời tới Thung lũng Silicon để hướng dẫn một ngày chánh niệm dành riêng cho các Giám đốc điều hành (CEO) của 15 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Thông điệp quan trọng mà Thầy gửi đến các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ trong dịp này là: cần sử dụng ảnh hưởng có tầm cỡ thế giới của mình để tập trung vào việc làm thế nào góp phần xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu làm ra càng nhiều tiền càng tốt.

Thầy và tăng đoàn xuất sĩ Làng Mai đã có một ngày tại trụ sở của Google để gặp gỡ các vị lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, đồng thời hướng dẫn cho khoảng 700 nhân viên của Google thực tập thiền tọa, thiền hành và pháp đàm về chánh niệm. Số nhân viên muốn đến tham dự quá đông nên tập đoàn này đã phải sắp xếp thêm hai địa điểm bên ngoài thính đường chính để mọi người có thể đồng thời theo dõi pháp thoại của Thầy trên màn ảnh.

Thầy nói về sự tương phản rõ rệt giữa nhịp độ làm việc nhanh đến chóng mặt ở tập đoàn công nghệ khổng lồ này và sự bình an được chế tác khi mọi người ở đây cùng ngồi thiền im lặng trong ngày chánh niệm tại khuôn viên của Googleplex. “Không khí hoàn toàn khác hẳn”, Thầy nói. “Có một sự tĩnh lặng, một sự bình an được chế tác từ hành động ngồi yên và không làm gì cả. Chính trong không gian ấy, mọi người có thể nhận ra được sự quý giá của thời gian.”

thiach_nhat_hanh_at_google-contentNhững lời khuyên dành cho giới khoa học công nghệ

Trong chuyến viếng thăm Google với chủ đề “Mục đích, Sáng kiến và Tuệ giác” (Intention, Innovation, Insight), Thầy đã gặp gỡ một số kỹ sư hàng đầu của Google để bàn thảo về việc làm thế nào Google có thể sử dụng khoa học công nghệ một cách từ bi và hiệu quả hơn để giúp đem lại những thay đổi tích cực cho thế giới này, thay vì làm cho con người càng ngày càng bị căng thẳng và trở nên xa lạ với nhau cũng như với thiên nhiên.

Khi sáng chế ra một thiết bị điện tử, các kỹ sư của Google có thể quán chiếu xem mặt hàng mới này có nguy cơ làm cho con người xa cách bản thân, gia đình và thiên nhiên hay không. Thầy nói: “Thay vào đó, các kỹ sư có thể chế tạo ra một thiết bị hay phần mềm có thể giúp con người quay trở về với chính mình và chăm sóc cảm thọ trong mình. Làm như thế, họ sẽ cảm thấy vui trong lòng, bởi vì họ đang làm một điều tốt đẹp cho xã hội.”

Trong ngày chánh niệm dành riêng cho các CEO, Thầy đã hướng dẫn họ ngồi thiền trong yên lặng và hiến tặng một buổi thiền trà trước khi nói pháp thoại cho nhóm người mà phần lớn là các nhà tỷ phú này. Thầy chia sẻ với họ về tầm quan trọng của sự dừng lại, không để cho công việc lấy hết thì giờ mà lẽ ra họ có thể dành cho gia đình của mình. “Thời gian không phải là tiền bạc,” Thầy nói. “Thời gian là sự sống, thời gian là tình thương” (“Time is not money. Time is life, time is love”).

Sau khi trở về Làng Mai, Thầy nói về chuyến đi ấy như sau: “Lần nào đến Google tôi cũng chia sẻ với họ là: quý vị cần tổ chức việc kinh doanh như thế nào để hạnh phúc có thể đến với tất cả mọi người trong tập đoàn. Có thêm nhiều tiền để làm gì, nếu vì nó mà quý vị phải chịu thêm nhiều khổ đau? Quý vị cũng cần phải hiểu rằng nếu có một chí nguyện đẹp và lành, quý vị sẽ hạnh phúc hơn bởi vì việc giúp cho xã hội thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn sẽ làm cho cuộc sống của quý vị trở nên có ý nghĩa”.

"Chuyến viếng thăm ấy chỉ là một sự khởi đầu", Thầy nói thêm. “Tôi nghĩ là chúng tôi đã gieo được nhiều hạt giống tốt và cần có thời gian để cho những hạt giống này nẩy mầm”, Thầy tiếp. “Nếu các nhà lãnh đạo và nhân viên của Google bắt đầu thực tập chánh niệm, họ sẽ nếm được niềm vui, niềm hạnh phúc, và sự chuyển hóa. Khi ấy họ có thể tìm ra cho mình một sự hứng khởi, một chí nguyện mới. Danh vọng, quyền hành và tiền tài không chắc sẽ mang đến cho quý vị hạnh phúc chân thực so với việc chọn cho mình một lối sống mà quý vị có thể chăm sóc hình hài và cảm thọ của mình”.

(Làng Mai)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6225)
FAQ: Làm sao để biết ai là người hướng dẫn thực tập có khả năng? Phong trào MBSR đào tạo được khoảng chừng 9 ngàn người hướng dẫn chánh niệm tốt nghiệp từ cơ quan phụ trách đào tạo Oasis, trung tâm huấn luyện các giáo thọ chuyên nghiệp. Có chừng 18 ngàn bệnh nhân đã theo học các khóa MBSR ở UMass và một số lớp khác tổ chức tại địa phương. Để bảo vệ chất lượng huấn luyện các cơ sở này có giáo chức huấn luyện và chương trình giảng dạy hoàn bị. Ngoài ra còn có các trung tâm nghiên cứu Chánh Niệm như ở đại học California- Los Angeles (UCLA) tổ chức một chương trình 6 tuần lễ dành cho những sinh viên hay nhân viên và giáo chức muốn trở thành giáo thọ Chánh Niệm...
14 Tháng Tư 2016(Xem: 6836)
Chúng ta hãy nói một chút về việc hành thiền (thiền tứ niệm xứ). Quí vị cần phải biết một số điểm quan trọng trước khi bắt đầu thực hành. Hành thiền có nghĩa là gì? Quý vị thực hành như thế nào? Trạng thái tâm quan sát ra sao, thái độ thế nào? Mục đích hành thiền của quý vị là gì? Quý vị cần có một ý niệm và mục đích rõ ràng trước khi bắt đầu thực hành. Quý vị không thể bắt đầu thực hành mà không có một số hiểu biết hay kiến thức về việc mình đang làm. Khi quý vị làm một việc gì đó, quý vị cần phải hiểu một chút về những nguyên tắc đối với việc mình đang làm. Chỉ như vậy quý vị mới gặt hái được lợi ích từ việc làm đó. ....
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5870)
FAQ: Mức độ khả tín của hiệu quả thực tập Chánh niệm? Chúng ta có hai cách giao lưu với thế giới nội tâm và với thế giới bên ngoài. Một: Tâm cảm thọ (Sensing mind) trực tiếp qua giác quan như nhãn, nhĩ , tỵ , thiệt, thân và ý (thức) Thuật ngữ Phật giáo gọi là năm căn hay bình dân hơn là lục tặc (đeo trên người Phật Di Lặc) Đó là sáu cửa ngõ để thế giới bên ngoài xâm nhập vào Tâm...
04 Tháng Tư 2016(Xem: 5667)
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 5816)
Câu hỏi: Chánh Niệm là phương pháp thực hành tâm linh của Phật Giáo hay một phương pháp phổ quát khoa học? Chánh Niệm là chú ý theo dõi một đối tượng nào đó với chủ đích, trong khoảnh khắc hiện tại, bàng quan, không phán đoán. Có bốn yếu tố chính (1) chú ý theo dõi (2) trong khoảnh khắc hiện tại (3) có mục đích (4) không phán đoán tất cả những đối tượng hay trãi nghiệm hiện ra trong tầm ý thức.
02 Tháng Ba 2016(Xem: 5516)
Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajanna) là một thuật ngữ Phật học ngụ ý một nếp sống thanh thản an lạc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, với một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ đối tượng đang tiếp xúc hay thức tỉnh về việc mình đang làm. Nó là một hình thái thiền hành được áp dụng trong đời sống thường nhật, thể hiện qua việc chú tâm nhận biết hay chánh niệm tỉnh giác về các hoạt động của thân thể, vừa khiến cho tâm thức diễn tiến một cách thư thái, hài hòa, thông suốt, vừa khiến cho mọi hoạt động trở nên khoan thai, nhịp nhàng, chuẩn xác. Đây là một trong các phương pháp “quán thân trên thân” (kàye kàyànupassanà)1 hay pháp môn “thân hành niệm”(kàyagatasati)2 được nói đến trong kinh điển đạo Phật, nghĩa là chú tâm nhận biết hay quán niệm về các hoạt động hàng ngày của thân thể, khiến cho tâm trí trở nên định tĩnh, thanh tịnh, sáng suốt, đạt đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Kinh Sa-môn quả, Trường Bộ nêu định nghĩa:
12 Tháng Giêng 2016(Xem: 9594)
Giống như trò chơi thể thao golf hay cả khi muốn luộc trứng tới mức hoàn hảo, mới đầu thực hành chánh niệm có vẻ dễ dàng. Nhưng lúc quý vị ngồi xuống tọa Thiền với đôi mắt nhắm hay mở – một chuyện không thể nào tránh được là quý vị không thể nào ngừng suy nghĩ
26 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10458)
Trong bài kinh Kalama nổi tiếng, thường được nhắc đến, Đức Phật đã đề ra mười điều mà ta không nên dựa vào để chọn người thầy hay để đi theo con đường tâm linh nào đó. Tất cả đều có liên quan đến một hệ thống niềm tin dựa vào truyền thống hay vào các cổ thư. Không tin nhưng ta phải tự tìm ra sự thật là điều Đức Phật thường nhấn mạnh. Nếu không làm thế, ta sẽ khó có được cái thấy nội tại, là bước đầu tiên đưa ta đến con đường đạo.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6462)
Như Đức Phật đã nói: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường trực tiếp để làm trong sạch chúng sinh, để vượt qua buồn đau và sầu bi, để chấm dứt sự khổ và phiền não, để đạt được con đường chánh đạo, để chứng ngộ Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm.”
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10576)
Vào thời Đức Phật có vị tỳ khưu tên Tuccho Pothila. Đại Đức Pothila rất thông minh, thấu suốt nằm lòng kinh điển. Ngài có đến mười tám ngôi chùa và được xem là một Pháp Sư lỗi lạc, khét tiếng đến nỗi mọi người đều tôn sùng kỉnh mộ. Khi nghe đến danh Đại Đức "Tuccho Pothila" ai cũng thán phục.