Phụ Lục Ii. Căn Bản Pháp Của Thiền Đat Ma

10 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 12436)

II. CĂN BẢN PHÁP của THIỀN ĐAT MA 
Phật Quả Viên Ngộ bình xướng 

CỬ (1): 

Lương Võ Đế hỏi đại sư Đạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?" (2) 
Đạt Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh". (3) 
Đế nói: "Đối mặt trẫm là ai?" 
Ma đáp: "Không biết". 
Võ Đế không khế hợp được. Ma bèn băng sông qua đất Ngụy. 

Sau Võ Đế đem câu chuyện ấy hỏi lại Hòa thượng Chí Công. Công nói: "Bây giờ bệ hạ biết người ấy là ai chưa?" Đế đáp: "Không biết". 

Công nói: "Đó là đại sĩ Quán Âm truyền tâm ấn Phật". 
Đế ăn năn, sai sứ đi thỉnh, nhưng Ma không trở lại.

 Đạt Ma xa trông xứ này có chân khí đại thừa bèn phăng phăng cỡi sóng sang đây truyền riêng tâm ấn, vạch rõ bùn mê, mở pháp "Chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật". Nếu bằng vào cái thấy ấy được thì mặc thích tự do, chẳng buông theo ngữ ngôn chuyển, vỡ tung ra mà hiện thành, có thể tùy tiện cùng Võ Đế, đối đàm ngang vai với nhị Tổ (Huệ Khả) xử phép an tâm; đó là cái thấy tự nhiên, chẳng tính toán so đo, tình trần một đao đứt tuyệt, thanh thoát lâng lâng, hà tất phân phải phân trái, luận mất luận còn. Đành là như vậy, nhưng dễ có mấy ai? 

Võ Đế từng đắp cà sa, tự giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, cảm đến hoa trời ngổn ngang rơi xuống đất hóa vàng, biện đạo nêu Phật, dạy bảo thiên hạ, cất chùa độ tăng, dựa theo giáo nghĩa (4) tu hành, người người tôn là vị thiên tử có tâm Phật. 

Thoạt tiên gặp Đạt Ma, Võ Đế hỏi: "Trẫm cất chùa độ tăng, có công đức gì?" Ma đáp: "Không công đức". ... 

Võ Đế cùng với pháp sư Lâu Ước, đại sĩ Đạo Phó và thái tử Chiêu Minh trì luận chân tục hai đế, căn cứ theo giáo nghĩa thì chân đế biện minh cái chẳng phải có (phi hữu), tục đế biện minh cái chẳng phải không (phi vô), chân tục chẳng phải hai, tức thánh đế đệ nhất nghĩa. Đó là chỗ cực diệu cùng huyền của hàng giáo gia. Võ Đế bèn đem điểm cực tắc ấy hỏi Đạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?" Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh". Hàng nạp tăng trong thiên hạ chạy đâu cho khỏi. Đạt Ma vì ai một đao dứt tuyệt hết rồi! 

Ngũ Tổ tiên sư (Hoằng Nhẫn) nói: chỉ mấy chữ quách nhiên vô thánh ấy, ai thấu suốt được về nhà ngồi yên. Đó là chỗ kỳ đặc của Đạt Ma một mực đánh thẳng vào khối cát đằng (5), chẳng ngại vì người đập nát thùng sơn (6). Nên nói: tham suốt được một câu thì ngàn câu vạn câu đồng thời suốt, ngồi đâu yên đó, nắm gì vững nấy. Người xưa nói: 

Thịt nát xương tan chữa đền xong, 
Một câu siêu thoát ngàn ức kiếp.

Võ Đế không tỉnh, lại đem kiến giải nhân ngã hỏi: "Đối mặt trẫm là ai?". Đạt Ma rải lòng từ bi lân mẫn xoay qua nói: "Không biết". Đến đây thì hữu sự vô sự không nêu lên được nữa. 

Đoạn hòa thượng có lời tụng vầy: 

Nhất tiễn tầm thường lạc nhất điêu, 
Cánh gia nhất tiễn dĩ tương thiêu. 
Trực qui Thiếu Thất phong tiền tọa, 
Lương chúa hư ngôn cánh khứ chiêu. 

Tầm thường một mũi lạc chim điêu, 
Mũi nữa bồi thêm đốt cháy tiêu. 
Thiếu Thất thẳng lên ngồi vách đá, 
Vua Lương thôi chớ thỉnh cùng kêu.

Lại nói: Sao muốn gọi về? Đế chẳng khế hợp, lão hán thầm lặng qua sông sang Ngụy, chẳng lộ mặt, đi thẳng lên Thiếu Thất, chín năm diện bích, tiếp độ được Huệ Khả... Sau độ đến người thứ sáu, hóa duyên đã xong, truyền pháp đã có người, Sư không tự cứu nữa, đoạn ngồi nghiêm hóa êm, nhục thân táng tại chùa Định Lâm núi Hùng Nhĩ. Võ Đế hồi tưởng, tự soạn bia văn như sau: 

Hỡi ôi! 
Thấy như chẳng thấy 
Gặp như chẳng gặp 
Đối mặt như chẳng đối mặt. 
Xưa đâu nay đâu 
Oán bấy hận bấy.

Lại tán rằng: 

Tâm có chăng? 
Khoáng kiếp uổng trệ phàm phu. 
Tâm không chăng? 
Sát na sớm lên diệu giác.

BÍCH NHAM LỤC
(Quyển I, tắc 1) 

GHI CHÚ:

(1) CỬ: nêu đề tài, đặt vấn đề. 
(2) Thánh đế đệ nhất nghĩa: Chân lý tối hậu của hàng thánh (arya sacca paramartha satya) 
(3) Quách nhiên vô thánh: tuyệt nhiên rỗng rang không thánh. 
(4) Giáo nghĩa: giáo học, chỉ vào các pháp môn Phật giáo lấy kinh làm thầy, căn cứ vào chữ nghĩa học hỏi, suy tư và tu hành; các pháp "môn học theo sự, hành theo tướng" có tên là ngữ tông, trái với thiền, vượt ngoài kinh sách, lấy tâm làm thầy, gọi là Tâm tông, 
(5) Cát đằng: Văn tự ngôn ngữ kiến thức. 
(6) Thùng sơn: Tất dõng, tượng trưng khối kiến thức chấp trước kết thành vô minh che mất chân trí.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tư 2010(Xem: 31570)
11 Tháng Giêng 2010(Xem: 52289)