Eisai và Dôgen, hai tổ sư Thiền Nhật Bản

06 Tháng Bảy 201708:59(Xem: 6332)
EISAI VÀ DÔGEN,
HAI TỔ SƯ THIỀN NHẬT BẢN 
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân


Nhật Bản là một trong những quốc gia có mật độ tín đồ Phật giáo cao nhất thế giới. Nơi đây, Phật giáo Thiền tông đóng một vai trò quan trọng về chất lẫn lượng. Tuy con số tín đồ của Thiền tông không thể so sánh với các tông phái Phật giáo khác như Tịnh Độ, Chân Ngôn hay Nhật Liên [1] nhưng ảnh hưởng của nó trên mọi phương diện và trong mọi giai tầng của đời sống văn hóa Nhật Bản thật sâu rộng nếu không nói là có tính quyết định cho việc hình thành nhân cách của quốc dân Nhật Bản. Thật vậy, ở Nhật ngày nay, đâu đâu ta cũng thấy bảng lảng màu Thiền, từ lãnh vực chính trị, kinh doanh, giáo dục, thể thao, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc, thi ca cho đến giao tế, ẩm thựctiêu khiển.

Thiền Nhật Bản có hai tông phái chính là Lâm TếTào Động [2]. Hai vị tổ của họ là thiền sư Myôan Eisai (Minh Am Vinh Tây, 1141-1215) và Kigen Dôgen (Hi Huyền Đạo Nguyên, 1200-1253) [3]. Bài viết dưới đây đặt trọng tâm vào việc dựa trên phương pháp đối chiếu để giới thiệu hai nhân vật lịch sử hàng đầu của Thiền tông Nhật Bản, tìm hiểu những nét đặc trưng trong nhân cách mỗi người. Từ đó, chúng ta còn có thể phát hiện một cách gián tiếp yếu tính của Thiền Nhật Bản so với Thiền Trung Quốc, nơi nó đã phát nguyên.

Thiền du nhập vào Nhật Bản như thế nào?

Từ cuối đời Đường qua đời Ngũ Đại rồi đến thời Tống, tông phái từng thống trị Phật giáo Trung QuốcThiền tông, đặc biệt hai phái Lâm TếTào Động, vẫn tiếp tục phồn thịnh. Thế nhưng vì những biến cố lịch sử, một số thiền sư, không chịu sống với chính quyền ngoại bang và chung đụng với dị giáo, đã tìm cách đến Nhật, nơi họ nghe nói rất trọng vọng Thiền. Mặt khác, có những tăng nhân nước này vì lòng cầu đạo, đã tìm cách sang đại lục thụ giáo. Những độ lai tăng (Trung Quốc) vượt biển và lưu học tăng (Nhật Bản) hồi hương, lần lượt đến vùng Kamakura, rồi dưới sự che chở của chính quyền quân nhân, họ đã có phương tiện rao giảng giáo lý của mình. Cho đến thời Minh mạt, trong khi Thiền tôngTrung Quốc trở nên hỗn tạp vì tiếp xúc với những tôn giáo khác và dần dần suy thoái thì Thiền tông Nhật Bản vẫn còn giữ được tính thuần túy gốc gác và duy trì được sinh mệnh của Thiền.

Thiền chỉ trở thành một tông phái độc lập vào đầu thời Kamakura (thế kỷ 12) nhưng nói như vậy không phải bảo là trước đó ở Nhật hãy còn vắng bóng Thiền. Từ thời Nara, các tăng nhân nổi tiếng như Saichô (Tối Trừng, 767-822), Ennin (Viên Nhân, 794-864) và Enchin (Viên Trân, 814-891) đã bắt đầu quan tâm đến Thiền. Có điều đối với họ, tư tưởng Tendai (Thiên Thai) mới chính yếu chứ Thiền chẳng qua là sản phẩm phụ. Người xem Thiền như một hệ tư tưởng độc lập và muốn đem vào Nhật Bản là Hoàng hậu Danrin (Đàn Lâm), người vợ của Thiên hoàng Saga (Tha Nga, trị vì 809-823). Vào thời Vãn Đường bên Trung Quốc, bà đã mời tăng Nghĩa Không sang Nhật và lập lên ngôi chùa Đàn Lâm (Danrinji) ở vùng Saga để ông thuyết pháp về Thiền. Có lẽ vì chưa bén cơ duyên nên lúc ấy Thiền vẫn chưa tạo được chỗ đứng trên đất Nhật. Sau đó, hãy còn có nhiều cơ hội cho Thiền đặt cơ sở, một lần vào thời Heian trung kỳ khi tăng Shuunen (Chu Nhiên) nhập Tống, một lần khác với tăng Kakua (Giác A), người cũng từ nhà Tống về nước dưới thời toàn thịnh của tập đoàn quân nhân Taira. Đầu thời Kamakura, phải kể đến cố gắng thứ ba của Dainichibô Nônin (Đại Nhật Phường Năng Nhẫn), một tăng nhân tự tu tự ngộ. Tuy ông có đạt được chút kết quả (lập ra được một tôn giáo mới có màu sắc Thiền tông gọi là Đạt Ma Giáo) nhưng cũng không thể gọi là đã thành công như mong đợi.

HoangHauDanRinHoàng hậu Danrin (Tachibana no Kachiko, 786-851)

Lý do Cựu Phật Giáo Nhật Bản ngăn chặn sự phát triển của Thiền là vì trong Phật học, có 3 lãnh vực mà người đi tu phải chuyên tâm, đó là Giới, Định, Tuệ. Thế nhưng nay họ thấy có người đem gắn cho Định (Tọa Thiền) một vai trò nổi trội và muốn để nó bao trùm lên cả Giới và Tuệ thì không sao chấp nhận nổi. Hơn nữa, một nhận thức mới như thế sẽ đánh đổ một trật tự và cấu trúc đã có hàng mấy trăm năm.

Dù sao, cơ sở để đón nhận Thiền đã bắt đầu hình thành từ cuối đời Heian, sang đến đầu thời Kamakura thì nó đã khá vững chắc. Trong bối cảnh ấy, có một nhân vật cự phách đã đến với làng Thiền Nhật Bản, đó là Myôan Eisai (Minh Am Vinh Tây).

Eisai, chiến lược gia và nhà hành động

Eisai, tăng Lâm Tế, sinh năm 1141 ở Kibitsu (tỉnh Okayama bây giờ) trong gia đình một chức quan giữ đền thần. Tám tuổi đã nuôi chí xuất gia, 13 tuổi thì lên Hieizan (Tỉ Duệ Sơn), năm sau thụ giới, lấy hiệu là Eisai (Vinh Tây). Theo chân dung để lại thì đầu ông dài và to, khuôn mặt rộng, đỉnh đầu bằng và người tương đối ngắn. Có thể với một vóc dáng không mấy ưu đãi này, ông có mặc cảm về thân thể. Tuy vậy, đầu não ông cực kỳ thông tuệ, ý chí lại kiên cường. Thời theo học trên núi, tài năng ông đã sớm bộc lộ và được tăng Myôun (Minh Vân), tọa chủ phái Tendai, đánh giá cao. Đến năm 28 tuổi, nhờ sự chi viện của một thương nhân ở Hakata, ông đã có dịp sang nhà Tống khoảng nửa năm để học Phật.

Năm 1187, ở tuổi 47, Eisai một lần nữa vào đất Tống. Định qua tận Ấn Độ nhưng thiếu may mắn không đi được, ông bắt buộc ở lại gần 5 năm tu Thiền trên đất Tống.

 Eisai

Khai tổ tông Lâm Tế NB: Thiền sư Eisai (Vinh Tây)

Năm 1191, Eisai về nước để truyền bá giáo lý Thiền Lâm Tế, phái Hoàng Long [4] của thày mình là Hư Am Hoài Sưởng. Bốn năm sau, ông tạm thời lập ngôi chùa Seifukuji (Thánh Phúc Tự) ở thành phố Hakata trên đảo Kyuushuu và hoằng pháp. Thực ra mục đích của ông là lên Kyôto, tranh đấu để Thiền được nhìn nhận chính thức như mọi tông phái khác. Vì sự chống đối của thế lực Phật giáo thủ cựu bên cạnh triều đình do ngôi chùa thế thần Enryakuji (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn) chủ xướng, ông bị triều đình Kyôto bách hại, ngăn cấm truyền đạo. Mặt khác, người có thể bảo vệ ông là tọa chủ Myôun thì đã mất chức vì lý do chính trị và sau đó bị sát hại. Năm ông 58 tuổi, mặc dầu đã soạn tác phẩm Kôzen gokokuron (Hưng Thiền hộ quốc luận, 1198) [5] để biện bạch rằng Thiền không làm gì để phương hại đến nhà nước nếu không nói là nó còn có những cống hiến quan trọng, các địch thủ vẫn không dung tha. Ông buộc lòng phải về miền Đông tìm đến Kamakura, nương tựa tập đoàn Hôjô (Bắc Điều), và được Hôjô Masako, góa phụ của người khai sáng Mạc phủ, che chở.

Ông đã khéo léo sử dụng kiến thức kỳ đảo bùa chú Mật tông của mình làm cách tiếp cận và quy y cho nhiều nhà lãnh đạo như Hôjô Masako cũng như con trai của bà là Shôgun đời thứ hai Minamoto no Yoriie. Với sự hỗ trợ của họ Hôjô, Eisai đã lập nên chùa Jufukuji (Thọ Phúc Tự, 1200) ở Kamakura rồi sau đó là Kenninji (Kiến Nhân Tự, 1202) ở Kyôto. Nơi đây với ý định hòa giải và khỏi làm mất mặt Cựu Phật giáo, ông cho thể nghiệm lối "kiêm tu" (tịnh tu) Thiên Thai, Chân Ngôn và Thiền. Ông tiến gần với Thiên hoàng Go Toba và lại nhờ giỏi nghề kỳ đảo bùa chú nên được nhà vua ban cho tử y (áo tía). Tuy nhiên cũng vì những hành động đó mà Thiền của Eisai bị xem như đánh mất sự thuần túy của mình. Ngay cả đến đời các đồ đệ, đồ tôn của ông như Thích Viên Vinh Triều, Thoái Canh Hành Dũng, dù đặt được nền móng vững chãi bên cạnh chính quyền nhưng cũng không sao vượt lên khỏi giải pháp "tam tông kiêm tu" có tính thỏa hiệp này.

Xả thân để phục hưng Thiền

Học giả Umehara Takeshi lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong lịch sử Thiền tông Nhật Bản, Eisai không nhận được địa vị xứng đáng phải có [6] bởi vì ông không những là khai tổ của tông Lâm Tế mà ngay cả Dôgen vị khai tổ Tào Động, lúc đầu cũng đã đến Kiến Nhân Tự tham học ông. Bảo Dôgen là đồ đệ ông chắc cũng không ngoa. Về sau, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hai tông phái Lâm TếTào Động, Eisai đáng phải được tuyên dương như vị thống soái của cả làng Thiền Nhật Bản. Thế mà ngoài Thọ Phúc Tự và Kiến Nhân Tự là hai nơi ông khai sơn, không thấy đỉnh tướng (chân dung) của ông được trưng bày ở đâu cả.

Như đã nói, huyết mạch Thiền của Eisai là tông Lâm Tế, phái Hoàng Long Huệ Nam, thông qua tôn sư của ông là Hư Am Hoài Sưởng. Vào đời Tống, các pháp tự của Từ Minh Sở Viên chia tông Lâm Tế ra làm hai nhánh là Hoàng Long và Dương Kỳ. Các tăng Lâm Tế độ lai sau thời Eisai về nước, hầu hết là người thuộc phái Dương Kỳ. Có lẽ vì thế mà từ tông Tào Động cho đến Lâm Tế phái Dương Kỳ, không nơi nào tỏ lòng kính trọng đối với ông.

Chẳng những không được kính trọng đúng mức, ông còn chịu nhiều điều tiếng, nhất là dưới ngọn bút của người 3 lần làm Thiên Thai tọa chủ tức tăng Jien (Từ Viên, 1155-1225) trong tập sử luận trứ danh Gukanshô (Ngu quản sao). Jien phê bình ông là người ham danh lợi nhân Eisai có lần ngỏ ý với Thái thượng hoàng Go-Toba xin phong cho mình chức Đại sư vì nghĩ đã có công xây lại ngọn tháp 9 tầng trong Hosshôji (Pháp Thắng Tự) bị sét đánh cháy tiêu. Chức Đại sư thường là để ban tặng một thiền sư cao đức và chỉ có được sau khi chết. Trong khi đó, Eisai đã được phong hai danh hiệu cao quý là Pháp ấnTruyền Đăng đại pháp sư rồi. Có lẽ vì từ lòng ghen tức cá nhân nhưng lời nói của một nhân vật tiếng tăm như Jien đã để lại một vết nhơ khó rửa khi phẩm cách của Eisai được đem ra thảo luận.

Lời buộc tội của Jien có lẽ đã bắt nguồn từ một ngộ nhận. Eisai có thể mong đợi chức Đại sư từ Thiên hoàng nhưng với một chủ đích khác hơn là công danh. Phải chăng ông hy vọng rằng sự vinh danh của chính quyền đối với cá nhân ông sẽ tạo một cơ hội giúp cho Thiền tông bám trụ trên đất Nhật, điều mà những người tiên khu đã thất bại. Ông đã xả thân, chịu nhiều điều tiếng là để triều đình, Mạc phủ và dân chúng chấp nhận Thiền như một tông phái cách tân của Phật giáo.

Tuy nhiên, theo tinh thần của tác phẩm "Hưng Thiền hộ quốc luận" ông viết thì Thiền không phải là một triết lý mới ra đời. Đối với Eisai, Thiền đã nằm sẵn từ lâu trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Ông dẫn chứng bằng những câu trong các kinh văn đã đến Nhật từ lâu như Pháp Hoa, Niết Bàn và Đại Bát Nhã [7]. Qua mười mục vấn đáp gọi là "thập môn", ông đã tìm cách giải tỏa mọi nghi hoặc mà người trong nước có về Thiền. Cuối cùng ông tìm cách thuyết phục họ bằng cách tán dương sự hưng thịnh của Thiền ở Trung QuốcẤn Độ, khuyên người Nhật mau mắn chấp nhận Thiền để được tiến bộ và an thái như hai nơi đó.

Trong "Hưng Thiền hộ quốc luận", người ta nhận ra nhiệt tình truyền giáo, sự uyên bác và lời lẽ đanh thép của ông. Khác với lối trình bày bằng phản ngữ và nghịch thuyết của các thiền sư đời sau, Eisai chọn phương pháp nói thật nói thẳng. Mục đích tối hậu của ông trong quyển sách này là làm sao cho Thiền trở thành quốc giáo của Nhật. Ông muốn phục hưng Thiền mà ông thấy đã có sẵn trong giáo lý của Saichô (Tối Trừng) [8] và trong phong cách "tứ tông kiêm tu" của chùa Enryakuji (tứ tông: Thiên Thai, Thiền, Mật và Luật tông). Theo Eisai thì bây giờ chỉ cần phục hưng mỗi một Thiền, bộ phận đang bị suy yếu trong giáo lý Tendai (Thiên Thai). Đưa chứng cứ về ông tổ phái Thiên Thai là Saichô, Eisai chỉ muốn bảo các tăng lữ Tendai đừng sách nhiễu mình nữa vì làm như thế là chống lại cả Tổ.

Eisai đặc biệt nhấn mạnh đến kỷ cương của người tu Thiền. Đối với ông, trong Phật giáo, sự trì giới (jikai) là điều rất quan trọng. Không phải vì ngộ được chữ Không [9] mà người đi tu có thể mặc sức làm theo ý mình, vì như thế là trở thành ngoại đạo (gedô), ma dân (ma.min). Ở điểm này, ông có cùng chủ trương với Eizon (Duệ Tôn, 1201-1290), Ninshô (Nhẫn Tính, 1217-1303), những cao tăng thời ấy, đồng thời nối chí Myôun (Minh Vân, 1115-1183), người từng bảo bọc ông và là một vị tăng Thiên Thai nghiêm khắc về giới luật.

Thiền như công cụ thúc đẩy đổi mới tư duy

Học giả Umehara Takeshi xem tầm quan trọng của "Hưng Thiền hộ quốc luận" của thế kỷ 12 nằm trong tính cách tân của nó, chẳng khác chi các trứ tác của hai nhà văn hóa tiến bộ là Niijima Jô (Tân Đảo, Nhượng, 1843-1890) và Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch, Dụ Cát, 1834-1901) [10] của thế kỷ 19, thời điểm cuộc Minh Trị Duy Tân (1868). Vào thế kỷ 19, Nhật Bản bị tụt hậu so với Tây phương nên hai ông đã làm tất cả để du nhập tư tưởngtôn giáo Tây phương vào đất Nhật nhằm tạo một cú hích cho sự đổi mới tư duy. Trước đó 700 năm, qua việc 2 lần sang Trung Quốc để khẩn cấp đem tư tưởng Thiền chính cống về nước, Eisai hẳn có một chủ trương tương tự. So với hệ thống Cựu Phật giáo Nhật Bản đương thời, Thiền Trung Quốc vì đi tu mà không cần chùa chiền, tăng già lẫn kinh kệ nên có màu sắc cách tân nếu không nói là cách mạng.

Xưa kia, vào trung diệp thời Heian, Nhật BảnTrung Quốc từng giao lưu văn hóa qua con đường đi sứ và du học (Khiển Đường Sứ) nhưng sau đó, con đường ấy bị gián đoạn làm cho Phật giáo giữa hai nước tiến triển theo hai hướng khác nhau. Ở Nhật, ban đầu thì Chân Ngôn Mật Giáo rồi sau đó là Tịnh Độ Giáo được phổ biến rộng rãi trong lúc bên nhà Đường, những giáo phái này đã trở thành lỗi thời. Cuối đời Đường, khi Trung Quốc có nạn "phá Phật", đạo Phật bị đàn áp, đền chùa miếu mạo bị đập nát, kinh điển bị đốt cháy thì lối tự tu tự ngộ một mình một cõi của Thiền trở thành chủ lưu suốt từ lúc đó cho đến đời Tống. Có lẽ thấy được sự khác nhau như thế mà Eisai đã nghĩ đến sự du nhập Thiền vào Nhật thêm một lần nữa nhằm đáp ứng cho nhu cầu tinh thần mới của đất nước ông.

Nhờ ở sự hoằng pháp đầy nhiệt tình và bền bĩ từng làm người ta đặt ông ngang hàng với một giáo chủ khác - cũng là nhân vật sống cùng thời - đại sư Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212) của tông Tịnh Độ, con đường phát triển của Thiền đã được khai thông. Sau ông, Enni Ben.nen (Viên Nhĩ Biện Viên) đã khai sơn Tôfukuji (Đông Phúc Tự) và Rankei Dôryuu (Lan Khê Đạo Long) mở Kenchôji (Kiến Trường Tự) cho phái Lâm Tế, Dôgen của Tào Động lại lập ra Eiheiji (Vĩnh Bình Tự). Thế mà người xứng đáng gọi là vị tổ sư của cả hai tông Lâm TếTào Động như ông lại bị cả đạo và đời quên lãng. Phải nói đây là một sự vong ân chứ không thể dùng từ ngữ nào khác.

Thiền Trà nhất vị

Một cống hiến lớn của Eisai là viết ông đã đem trà vào đất Nhật cũng như đã viết tác phẩm Kissa Yôjôki (Khiết trà dưỡng sinh ký, ra đời năm 1211, tu chính năm 1214). Và như đề tựa của cuốn sách, nó bàn về hiệu quả của việc uống trà đối với sự giữ gìn sức khỏe. Eisai trong thời gian du học ở vùng Chiết Giang bên Trung Quốc, đã làm quen với tập quán uống trà của người dân nước này và đem giống nó về trồng ở Nhật. Theo ông, uống trà rất tốt cho sức khỏe, trà có thể trị nhiều thứ bệnh và tốt cho tim mạch.

Trong tác phẩm "Thiền và văn hóa Nhật Bản" [11], Suzuki Daisetsu đã nói khá rõ về vai trò của Eisai đối với Trà đạo như sau:

"Trà được biết đến ở Nhật ngay cả trước thời Kamakura (1185-1338) nhưng nói chung, người ta thường cho rằng Thiền sư Eisai (Vinh Tây, 1141-1215) đã quảng bá việc uống trà. Ông đem hạt giống từ Trung Quốc về và cho trồng trong khuôn viên thiền viện của một đồng đạo. Lại được nghe kể rằng quyển sách viết về trà của ông (tức Khiết trà dưỡng sinh ký) cũng như một ít trà từ gốc cây ông trồng đã được dâng lên Shôgun Minamoto Sanetomo (1192-1219), người đứng đầu Mạc phủ đương thời, lúc ấy đang lâm bệnh. Lý do trên khiến người ta nghĩ rằng Eisai là ông tổ của việc trồng trà ở Nhật. Eisai cho rằng trà là một thức uống có dược tính và có thể chữa trị nhiều thứ bệnh. Hình như Eisai chưa truyền bá nghi thức uống trà, điều mà ông chắc chắn đã có dịp quan sát ở các thiền viện bên Trung Quốc. Nghi thức uống trà vốn được cử hành khi nhà chùa muốn khoản đãi các vị khách quí tới thăm, nhiều khi được tổ chức giữa đồng đạo trong chùa. Vị thiền sư đem nghi thức uống trà vào đất Nhật là Daiô Kokushi (Đại Ứng quốc sư, 1236-1308) [12], một người đến sau Eisai khoảng nửa thế kỷ. Tiếp tục con đường trà sư của Daiô là các tăng nhân như Ikkyuu (Nhất Hưu 1394-1481), vị trụ trì nổi tiếng của Daitokuji (Đại Đức Tự). Ikkyuu đã truyền thụ kiến thức cho Shukô (Châu Quang, 1422-1502), một đệ tử của ông".

Tuy lý luận về hiệu quả của trà mà Eisai đưa ra chưa thật chính xác về mặt y học nhưng ông đã tin chắc là Trà cũng như Thiền là hai thứ có thể đem đến nhiều điều tốt đẹp cho những ai sử dụngtrong đời sống. Ngoài trà, ông còn khuyến khích việc uống nước từ lá dâu tằm khô sắc lên. Eisai đã đem trà trồng ở Uji (Vũ Trị), gần Kyôto. Trà Uji ngày nay đã trở thành một nhãn hiệu cao cấp.

Như đã nói, về sau, việc uống trà đã được nghi thức hóa và nghệ thuật hóa để trở thành Trà đạo, văn hóa uống trà (Cha no yu) nổi tiếng khắp thế giới. Tuy Trà mà Eisai đề xướngTrà đạo phổ biến sau này không hoàn toàn giống nhau (Eisai chỉ để ý đến khía cạnh dưỡng sinh mà thôi) nhưng riêng việc nối kết Trà với Thiền cũng đủ để Eisai xứng đáng được gọi là ông tổ xa xăm của Trà đạo vậy.

Eisai mất năm 1215 ở cái tuổi 75, khép cánh màn của một cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ cho sự nhìn nhận Thiền tông, một hệ tư tưởngtính cách mạng đương thời, trên đất Nhật.

Dôgen, con người không màng danh lợi

Một cao tăng khác được học giả Umehara Takeshi xếp vào lớp các nhà cách mạng đã xây dựng nên Tân Phật giáo ở NB bên cạnh Eisai, Hônen, Shinran, Ippen, Myôe, Eizon, Ninshô, Nichiren, Nisshin và Rennyo. Đó là Dôgen, vị tổ sư của Thiền Tào Động.

Ngược với Eisai, Dôgen không muốn dính dấp đến danh lợi, dù đó là việc được mời trụ trì trong một danh sát (chùa tiếng tăm) hay được ban cho chức cao tước cả trong hàng tăng lữ. Ông coi sự nhìn nhận của xã hội không có nghĩa gì đối với một nhà tu hành.

Thực vậy, khi muốn mở mang một tôn giáo, phương pháp tốt nhất và ngắn nhất là tiếp cận chính quyền, như điều Eisai đã làm. Trước đó Saichô (Tối Trừng) và Kuukai (Không Hải) đã lần lượt trở thành "sủng tăng" của các Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) và Saga (Tha Nga). Đức độ như ngài Hônen còn hoan hỉ trước lời mời đến chầu của Thái thượng hoàng Go Shirakawa (Hậu Bạch Hà). Nổi loạn như Nichiren (Nhật Liên) mà cũng có lần lui tới Mạc phủ Kamakura.

Thế nhưng Dôgen dù xuất thân con nhà thế gia vọng tộc (gia đình đại tộc Minamoto và Fujiwara), có đủ điều kiện để dễ dàng bắt tay với quyền lực, thì lại bỏ Kôshôji (Hưng Thánh Tự), tổng bản sơn của phái Tào Động ở Fukakusa, ngay bên cạnh kinh đô, để lui về Vĩnh Bình Tự, một nơi thâm sơn cùng cốc trong xứ Echizen (nay là tỉnh Fukui bên bờ biển phía Tây). Tuy có thể nói ông bị áp lực và sự đánh phá của Hieizan nhưng ngoài ra, đó cũng là vì chí hướng thanh bần của ông, muốn sống như một thiền gia chân thực.

Nói cho rốt ráo thì chỉ có một lầnmột lần thôi, ông đã lên Kamakura để gặp chức Shikken (Chấp quyền) là Hôjô Tokiyori. Cuộc hành hóa (du hành để giáo hóa) này không đem lại cho ông một kết quả mong muốn. Lúc về ông có viết bài thơ có câu "Do như cô luân xứ thái hư" nói lên tâm sự "vầng trăng cô độc giữa trời mênh mang" của mình. Thực ra, Tokiyori chỉ trọng vọng những tăng nhân đến từ nước ngoài như Lan Khê Đạo Long (1213-1278) hay Vô Học Tổ Nguyên (1226-1286) nên đã không đoái hoài đến tài năng bản xứ là Dôgen. Chịu sự khuất nhục, ông tìm về núi cũ và núi rừng vẫn mở rộng vòng tay đón tiếp. Ngược lại ông cũng đã bao lần bày tỏ tấm lòng yêu mến thiên nhiên của mình.

Sau đó, đệ tử của ông là Genmyô (Huyền Minh) lên Kamakura và được Tokiyori tiến cúng đất đai. Khi trở về chùa, Genmyô đã bị ông trách mắng và đuổi khỏi sơn môn. Dôgen không thể tha thứ cái tội dương dương tự đắc của người học trò chỉ vì được Mạc phủ ban cho một rẻo đất cỏn con. Thái độ nóng giận phi lýthái quá của Dôgen có lẽ đã bắt nguồn từ lý do sau:

Cha của Dôgen là Nội đại thần Koga Michichika, dòng dõi thế gia Minamoto, con người học thức, tài hoa nhưng quyền mưu nham hiểm. Mẹ ông, bà Ishi (Y tử), là một trang tuyệt sắc sinh ra từ cửa gia đình Matsudono thuộc đại tộc Fujiwara. Bà hai lần lấy chồng vì sách lược chính trị của cha anh, chịu số phận hẩm hiu của một mỹ nhân bạc mệnh. Năm Dôgen lên 3, Michichika chết đột ngột, đến khi lên 8 thì người mẹ cũng lìa trần. Theo di chúc của bà, Dôgen xuất gia. Có thể nói là mối hận lòng của người mẹ xấu số đã in đậm trong đầu óc cậu bé Dôgen. Được bao bọc trong một nếp sống vinh hoa, ông đã nhìn thấy tất cả sự tàn nhẫn và ti tiện do vinh hoa đem lại nên khinh bỉ nó một cách sâu sắc.

Trước tiên Dôgen lên Hieizan nhưng không thỏa mãn, với quyết tâm tìm học một đạo Phật đúng nghĩa, ông rời danh sát này để đến một ngôi chùa nhỏ hơn nhưng có tư duy mới mẻ là Kiến Nhân Tự (Kenninji), trở thành đệ tử của Eisai. Sau khi Eisai mất, ông tiếp tục theo học cao đồ của Eisai là Myôzen (Minh Toàn). Ông lại có may mắn tháp tùng thày sang nhà Tống. Bên đó, ông đã đi khắp nơi để tìm một nơi học Phật nhưng mãi không gặp chính sư, tận đến khi biết được Hòa thượng Như Tĩnh ở Thiên Đồng Sơn thì mới tâm phục, đi theo và được truyền tâm ấn. Thày cũ của ông là Myôzen mất trên đất khách, ông đưa di cốt về nước, bắt đầu ghé chùa Kiến Nhân để nạp cốt nhưng sau đó qua ngay Hưng Thánh Tự (Kôshôji) ở Fukakusa. Thế rồi một thời gian sau, ông lìa bỏ kinh đô, lập Vĩnh Bình Tự (Eiheiji) ở Echizen, tu hànhthuyết pháp được 10 năm, trên đường về lại kinh đô thì chết năm mới 54 tuổi.

blank
Mùa thuVĩnh Bình Tự (Eiheiji)



Chính Pháp Nhãn Tạng

cuộc đời ngắn ngủi, Dôgen đã để lại nhiều tác phẩm. Trong đó đáng kể nhất là bộ Shôbôgenzô (Chánh Pháp Nhãn Tạng, 1231-1253).

Theo nhà nghiên cứu Hiro Sachiya, Chánh Pháp Nhãn Tạng có nghĩa là "trí tuệ cần thiết phải lưu lại để hiểu đúng đắn giáo lý nhà Phật" [13]. Sách gồm 75 tập, thu thập những bài giảng của ông cho chư đệ tử thời gianHưng Thánh TựVĩnh Bình Tự nghĩa là trong 23 năm trời. Được cao đồ là Ejô (Hoài Trang) chỉnh lý, sách đó có những chương quan trọng như Biện Đạo ThoạiHiện Thành Công Án, giải thích tư duy độc đáo của ông. Nội dung cao siêu khó hiểu nên những người theo đó mà tu hành nghiêm cẩn thì chỉ có thể đếm trên mười đầu ngón tay. Sách viết bằng quốc âm kana xen lẫn Hán Ngữ, cách dùng chữ lạ lùng, tự do bôn phóng, một từ có thể hiểu theo nghĩa trái ngược, đổi danh từ thành động từ, phó từ thành danh từ, đó là chưa kể việc đem vào đó những cách diễn tả thông tục của Trung Quốc. Thế nhưng cái nan giải, phi lý ấy đã đem đến sự tươi mát và quyến rũ cho lối hành văn Dôgen.

Dôgen rất tự tin. Ông cho mình là "không thủ hoàn hương" (tay không về làng) ý nói khi đi du học trên đất Tống, mình đã tìm thấy chánh pháp như Ca Diếp rồi thì cần ôm kinh kệ hay pháp cụ về chi nữa. Có chăng, cái ông đem về chỉ là một...tấm lòng. Suzuki Daisetsu có lần viết về tấm lòng đó:

"Khi Thiền sư Kigen Dôgen (Hi Huyền Đạo Nguyên, 1200-1253) trở về nước sau nhiều năm tu tập về Thiền bên Trung Quốc, có người đến hỏi ông đã học được điều chi. Ông trả lời: "Không có chi ngoài tấm lòng nhu nhuyễn (nyuu.nanshin)" [14]. Cách nói "tấm lòng nhu nhuyễn" ở đây hàm chứa ý tưởng dịu dàngmềm dẻo. Thông thường con người hay ích kỷ, trọng tư lợilòng dạ lúc nào cũng cứng cỏi, chỉ chực muốn chống đối người khác, do đó mới sinh ra lắm sự rắc rối. Chúng ta quá cá nhân, ít khi chấp nhận sự vật như-nó-là hay qua cách nó đến với ta. Chống đối sẽ sinh ra va chạmva chạm là đầu mối của mọi cớ sự. Khi ta diệt được cái ngã thì lòng ta trở thành nhu nhuyễn và nó không còn đối nghịch với ảnh hưởng đến từ bên ngoài. Điều này không có nghĩa là tâm hồn chúng ta đui chột và trở thành vô cảm nhưng chỉ có nghĩa là chúng ta kiểm soát được tình cảm khi đối mặt với đời. Trên phương diện này, tôi nghĩ rằng cả người Ki-tô hữu cũng như Phật tử đều sẽ tán đồng quan điểm của Dôgen về ý nghĩa của sự diệt ngã và của tấm lòng nhu nhuyễn".

blank
Khai tổ tông Tào Động NB: Thiền sư Dôgen (Đạo Nguyên)

Thày của Dôgen – Trường Ông Như Tĩnh ở Thiên Đồng Sơn – là người thuộc về hệ phái Tào Động của Động Sơn Lương Giới (869), Tào Sơn Bản Tịch (901) và Vân Cư Đạo Dung (902), vốn bắt nguồn từ một đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng (713) là Thanh Nguyên Hành Tư (740). Do đó, Dôgen coi chỉ có Tào Động mới là chánh pháp. Ông cho biết nếu theo con đường tu hành của các Cổ Phật tức là "diện thụ" kiểu "Thích Ca niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu" thì mới có thể chứng ngộ. Ông không nhìn nhận lối "tự chứng" của người như Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163), một danh tăng nhà Tống đương thời, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của phái Lâm Tế [15]. Dòng Lâm Tế đã phát nguyên từ Nam Nhạc Hoài Nhượng (744), một đệ tử khác của Lục Tổ.

Cũng là người tôn trọng kỷ cương như Eisai, Dôgen đặt qui tắc cho từng chi tiết như việc bếp núc của điển tòa (mà ông xem là một bộ phận của Sinh hoạt Thiền), cách dùng tăm xỉa răng, cách xử lý sau khi tiểu tiện đại tiện. Ông ra lệnh cho đệ tử không được tham luyến danh lợiái dục. Ông khuyến khích việc tọa thiền (trong Fukan Zazengi = Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi), nhưng cho rằng tọa thiền là để trải nghiệm trạng thái "tâm thân thoát lạc" (hòa tan tự kỷ vào trong Phật tính của vũ trụ) chứ không phải đi tìm lời giải đáp cho những công án cao siêu, khúc mắc như phái Lâm Tế đã làm. Chúng ta biết tu Thiền bằng cách nghiền ngẫm với những "bài tập" gọi là công án để đưa đến đốn ngộ là việc rất phổ biếnđại lục. Thánh điển của Tông Lâm TếBích Nham Lục, chứa 100 công án danh tiếng do Tuyết Đậu Trùng HiểnViên Ngộ Khắc Cần (1135) kẻ trước người sau sưu tập và bình luận. Ngoài ra họ còn có Lâm Tế Lục của Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867) và Vô Môn Quan của Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) là những ngữ lục nổi tiếng khác. Phái Tào Động bên đó cũng có một tập ngữ lục quan trọng là Thung Dung Lục của Hoằng Trí Chính Giác (1157) [16]. Tiện đây cũng xin thông tin thêm là Hoằng Trí thuộc pháp hệ của Vân Cư.

Chánh Pháp Nhãn Tạng không phải dễ đọc và dễ hiểu, ở đây chúng ta hãy tự hạn chế, chỉ tìm hiểu vài từ khóa của Thiền Dôgen để sử dụng như tri thức nhập môn. Đó là Tâm thân thoát lạc, Chỉ quản đả tọa, Hiện thành công án, Tự lực tha lực, Phật tính, Nhất khỏa minh châu.

Tâm thân thoát lạc

Theo "Tam tổ hành nghiệp ký" và "Kiến tê ký", các sách chép lại hành trạng chư tăng chùa Vĩnh Bình, Dôgen đã hoát nhiên đại ngộ lúc ở trên Thiên Đồng Sơn vào một hôm nghe thày mình là Như Tĩnh quát mắng một tăng sinh ngủ gật là "Phải để tâm thân thoát lạc" và tặng cho anh ta một hèo. Hai năm từ ngày ấy, Dôgen được thày cho về nước và ông tiếp tục lấy câu nói của ân sư làm phương châm tu hành cũng như dạy lại cho nhiều thế hệ học trò. Thế nhưng, trong ngữ lục của thày ông, Hòa thượng Như Tĩnh, thì chỉ thấy viết là "tâm trần" 心塵chứ không phải "tâm thân"心身. Nếu là "tâm trần" thì đấy là ngũ dục, ngũ cái, chúng giống như bụi bặm, phiền não bám lấy cái tâm. Có thể Dôgen lúc đó chưa rành tiếng Trung, đã nghe lầm lời thầy nhưng quả là một sự lầm lẫn thiên tài vì về mặt triết học, "tâm thân" chứ không phải "tâm trần" mới có ý nghĩa cao xa, thâm thúy.

Chỉ quản đả tọa

Đối với Dôgen, Thiền không phải là đốt hương, lễ bái, niệm Phật, sám hối, đọc kinh mà chỉ cần ngồi xuống đó và Thiền (chỉ quản đả tọa). Tọa thiền giúp cho lòng mình thơ thới, quên đi tự kỷ và tha kỷ [17] (tâm thân thoát lạc). Theo ông, từ Đức Phật Thích Ca cho đến các tổ sư, tất cả đều nhờ tọa Thiềnđại ngộ, đâu có người nào phải tụng kinh hay dâng hương. Do đó chỉ có tọa Thiền cho đúng nghi thứccần thiết, ngoài ra đều là "dư hành" (hành động thừa thãi). Mục đích của việc tọa Thiền phải thực hiện với tinh thần "tu chứng nhất như" [18] (luận cứ thấy trong chương Biện đạo thoại). Tọa Thiền, với Dôgen, không phải là để ngộ đạo hay để được thành Phật (phải là vô sở đắc, vô sở ngộ). Tu Thiền nhằm gìn giữ cái Phật tính trong thiên nhiên mà lòng ta đã hòa vào. Vì con người là Phật rồi nên mới cần tu hành để tinh tiến mãi. (Nói dí dỏm kiểu Hiro Sachiya thì điều đó không khác chi một cầu thủ dù đã thành danh vẫn cứ phải luyện tập chăm chỉ để được có mặt trong đội hình).

Tuy coi trọng việc tọa Thiềntăng đường, Dôgen còn khuyến khích người ta tọa Thiền khi làm việc, giữa cuộc sống hằng ngày. Thời đó, dân gian có câu "Lâm Tế tướng quân, Tào Động thổ dân". Các tăng Lâm Tế thường lui tới cửa quyền, trong khi Tào Động gần gũi với thường dân. Cách tu hành "ngồi xuống" rất giản dị, dễ dàng thực hiện, dù không có trình độ trí thức cao nên thích hợp với cả những người không có văn hóa.

Hiện thành công án

"Công án" là những bài tập để biết trình độ của thiền sinh, cũng là cửa ải họ phải vượt qua, Nhưng công án rất khó hiểu, thường phải có sự hướng dẫn của sư gia. Nhiều tăng nhân, cư sĩ tông Lâm Tế như Suzuki Daisetsu, Akizuki Ryômin … đã cất công giản dị hóa công án từ các ngữ lục nhưng chúng vẫn chưa nằm trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa, đó lại toàn là truyện xưa tích cũ nên chưa chắc nối kết được với cuộc sống hiện tại. Khái niệm Hiện Thành Công Án của Dôgen có thể giúp cả những người tu tại gia giải quyết được vấn đề đó. Hiện Thành Công Án nằm ngay trong tập đầu của Chánh Pháp Nhãn Tạng 75 tập.

"Hiện thành" ý nói thế giới tồn tạihiện ra trước mắt ta ngay bây giờ. "Công án" trong cách hiểu của Dôgen không phải là bài tập, ải chắn nhưng tương đương với "chủ đề" (main subject) hay "tác nhân" (motive) để suy nghĩ. Thế giới hiện ra trước mắt chúng ta mỗi ngày có cả mê ngộ, tu hành, sinh tử, chư Phật cũng như chúng sinh. Thế nhưng phải nhìn mọi sự vật trong thế giới ấy như nó là. Than là than mà củi là củi. Thấy than, không nên nghĩ rằng nó đã có thời là củi và cũng đừng mong chi một ngày nào đó, than sẽ thành củi trở lại. Nếu nhìn mê hay ngộ như chúng hiện ra trước mắt thì sự phân biệt mê ngộ sẽ không còn nữa. Muốn tìm cái ngộ là đã bắt đầu mê, muốn thành Phật là đã bước ra ngoài Phật đạo. Sinh tử cũng vậy. Nó hiện ra thế nào thì biết thế ấy. Lý do là khi ta đang sống thì ngoài sự sống không có gì khác, mà khi ta chết thì ngoài cái chết cũng không có gì khác. Ở trong vòng sinh tử mà không tìm cách siêu việt lên hay khắc phục nó là đã hết mê rồi. Cái mê của chúng ta đến từ vọng tưởng muốn thoát khỏi sự chết vậy.

Tự lực tha lực

Xưa nay tu hành có hai lối, một là dùng chính sức mình (tự lực) hay là dựa vào sức người khác (tha lực). Thông thường tự lực rất khó vì vũ khí trong tay chỉ có mỗi cái sức lực yếu kém của mình cho nên người ta thường kêu gọi Phật giúp đỡ bằng cách "xưng danh niệm Phật" (như giáo lý của Hônen, Shinran hay Nichiren) chẳng hạn. Lối hiểu của Dôgen lại khác họ vì ông xem tự lực hay tha lực đều phải dựa vào sức Phật.

Xưa kia, trong thần học Ấn giáo (Hinduism), có hai đường lối, gọi là "phương thức của khỉ" và "phương thức của mèo". Khi khỉ mẹ muốn giúp khỉ con thì khỉ con phải bám chặt vào bụng mẹ mà di chuyển. Sự bám víu của khỉ con là một hành động "tự lực" vì nó đang làm một cố gắng. Trong trường hợp của mèo thì mèo mẹ dùng miệng để xách cổ mèo con. Mèo con không cố gắng gì cả mà phó mặc cho mẹ đưa đi nên mới gọi là cậy vào tha lực.

Như vậy, sức trợ giúp của người mẹ trong trường hợp của hai con vật chính là sự giúp đỡ của Phật với người đi tu. Theo giáo lý của Dôgen thì con người phải tự lực nhưng chỉ có thể tự lực như khỉ con. Nó làm hết sức của mình nhưng phải nhờ mẹ ở mức độ mà nó không giải quyết nổi. Như vậy, quan điểm về sự tự lực của Dôgen khác với những người đi trước. Nếu giống đi chăng nữa là giống ví dụ về sợi tơ nhện mà Đức Phật đã trao cho tướng cướp Kendatta, truyện được kể lại trong tiểu phẩm Kumo no Ito (Sợi tơ nhện) của nhà văn Akutagawa Ryuunosuke. Điều đó muốn nói là Phật giúp cho phương tiện nhưng con người phải tự mình hành động.

Phật tính

Quan điểm về Phật tính của Dôgen cũng khác người. Hiro Sachiya kể rằng [19] hồi còn bé khi bắt đầu tu ở Hieizan, Dôgen đã thắc mắc về những chuyện như tại sao con người đã có sẵn Phật tính mà còn phải đi tu, Phật tính chỉ có nơi con người và các loài động vật (hữu tình) hay còn có cả trong núi sông, cây cỏ, gạch ngói (vô tình). Rốt cuộc, sau những tháng năm tu học, ông đã đưa ra kiến giải độc đáo về Phật tính của mình.

Phật giáo Đại thừa thường giải thích câu "Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính" của kinh Niết Bàn là "muôn loài đều có khả năng trở thành Phật" tức có khả năng giác ngộ chân lý. Thế nhưng trong chương bàn về Phật tính của Chánh Pháp Nhãn Tạng, Dôgen hiểu câu đó như là "tất cả mọi sự tồn tại dù có sinh mệnh hay không đều có Phật tính" nghĩa là "chúng đều nằm bên trong thế giới của Phật". Như vậy không có chuyện cái nào "hữu" Phật tính, cái nào "vô" Phật tính ở đây, chỉ bởi vì Phật tính bao trùm lên tất cả. Theo Hiro Sachiya, điều đó phản ánh hai lối hiểu khác nhau giữa tiếng Phạn trong bản gốc và Hán văn trong bản dịch

Dôgen phê phán cách hiểu Phật tính như một cái mầm, nếu có trận mưa Pháp tưới lên thì sẽ nẩy lộc đâm chồi, ra hoa kết trái. Ông bảo đó là cách hiểu của phàm phu. Ông cũng kể lại câu chuyện có người hỏi một thiền sư rằng khi con giun đất bị người ta đạp đứt đôi, hai đầu đều ngo ngoe thì đầu nào là đầu có Phật tính? Thiền sư kia trả lời: Mạc vọng tưởng. Câu hỏi của người nói trên tự thể đã sai lầm bởi vì con giun ấy không cần phảiPhật tính. Nó đang sống và chết giữa Phật tính. Nhân vì Phật tính có mặt khắp nơi nên cả trong cái Vô cũng có Phật tính.

Nhất khỏa minh châu

Hình ảnh Dôgen hay dùng để ví von về đạo là vầng trăng. Vầng trăng ấy tuy ngụ trên mặt nước nhưng không dính một giọt nước, nó không hề bị ướt. Ánh sáng của nó tỏa chiếu khắp nơi, chỉ có một khoảnh nhỏ là nằm trên mặt nước chứ nó vẫn lồng lộng giữa khung trời. Cả vầng trăng lẫn bầu trời đều có thể ngụ nơi một hạt sương trên đầu lá cỏ hay trong một giọt nước. Dôgen không thể nào yêu thích một vầng thái dương đỏ rực và nồng cháy như Kuukai (774-921) hay Nichiren (1222-1282). Cái mà ông yêu là vầng trăng, nó chiếu không phân biệt từ lá cỏ, giọt sương cho đến mặt nước vì mỗi nơi trong vạn vật, Phật tính đều tồn tại. Dôgen đã trình bày tư tưởng kinh Hoa Nghiêm theo bút pháp độc đáo của ông trong Chính Pháp Nhãn Tạng như thế đó.

Quyển 7 của Chính Pháp Nhãn Tạng lại có bài viết nhan đề "Nhất khỏa minh châu". Tuy là một đoản văn nhưng ý nghĩa sâu xa.

Với tư cách một thiền gia, Dôgen đặc biệt yêu mến Triệu Châu Chân Tế (Tùng Thẩm) [20] và Huyền Sa Sư Bị [21]. Huyền Sa xưa có câu thơ:

Tận thập phương thế giới,
Thị nhất khỏa minh châu.
(Cả mười phương thế giới,
Là một hạt minh châu)

Câu thơ này đã được chép lại trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 18. Thế nhưng trước đó, Bạch Cư Dị (772-846) cũng đã có mấy câu nói về "một hạt minh châu" trong bài Xuân hồ thượng đề như sau:

Hồ thượng xuân lai tự họa đồ,
Loạn phong vi nhiễu thủy bình phô.
Tùng sơn bài diện thiên trùng thúy,
Nguyệt điểm ba tâm nhất khỏa chu.
Bích thảm tuyến đầu trừu tảo đạo,
Thanh la quần đới triển tân bồ.
Vị năng phao đắc Hàng châu khứ,
Nhất bán câu lưu thị thử hồ.

(Cảnh hồ xuân đến tựa tranh phô,
Núi chập chùng giăng, sóng nhấp nhô.
Trùng điệp rừng tùng, xanh mấy giải ,
Trăng như ngọc sáng giữa lòng hồ.
Lúa mới đầy đồng khoe thảm biếc,
Bãi bờ lau lách cũng xanh tô.
Hàng châu đâu dễ ra đi nhỉ,
Một nửa hồn ai gửi lại hồ).

Văn nhânthiền sư đều nhắc đến "nhất khỏa minh châu" và có lẽ Huyền Sa đã lấy cảm hứng từ bài thơ của nhà thơ tiền bối. Còn như Dôgen thì tuy đồng tình với Huyền Sa nhưng ông đã nâng được câu thơ trên lên tầm cao của triết học, giải thích rằng đạo giống như "một hạt minh châu" và minh châu đó ánh lên trên mười phương thế giới [22]. Ánh lên thế nào thì ông bảo là "Tận thập phương: vị hưu trục vật vi kỷ, trục kỷ vi vật. (Lan hết 10 phương, không ngưng đuổi vật để thành mình, đuổi mình để thành vật). Trong thế giới ấy, vĩnh viễn người là vật và vật cũng là người. Rõ ràng là nó phản ánh một cách xác thực cả cái thế giới của văn minh kỹ thuật ngày nay, trong đó con người, dụng cụ và cơ giới cùng cộng sinh và con người có khả năng biến thành thương phẩm hay ngược lại. Đó cũng là điều mà Marx và Chaplin đã cảnh báo.

Một chỗ khác trong Chính Pháp Nhãn Tạng, Dôgen cho biết núi xanh cũng có thể chuyển động như con người và khi ta chưa hiểu sự di động của núi xanh (thanh sơn vận bộ) thì sẽ không hiểu về tư thế di động của mình (tự kỷ vận bộ). Câu nói này cũng có thể xem như tiếng chuông cảnh tỉnh trước sự hững hờ nếu không nói là ác độc của con người đối với thiên nhiên và môi trường trong nền văn minh hiện đại chúng ta.

Tạm kết

Eisai và Dôgen là hai nhân cách lớn đã làm nên lịch sử Thiền tông Nhật Bản. Cả hai đều là những bậc tu hành nghiêm cẩn và nặng lòng với Phật pháp. Thế nhưng, nếu Eisai là một nhà một nhà hoằng pháp tài ba và thực dụng, không hề thay đổi mục đích cho dù phải mang tiếng cầu cạnh vương hầu thì Dôgen là một triết nhân, một người nghệ sĩ , xuất thân quí tộc mà cả đời lánh xa phú quí, một thiền gia chủ trương bất lập văn tự mà bắt buộc phải sử dụng ngòi bút để đạo pháp được lưu truyền .

Cách tiếp cận với Thiền của họ không giống nhau và vì lý dochúng ta đã rõ. Nếu nói khác đi, đó là sự lựa chọn giữa "đại chúng" và "tinh hoa" mà mỗi bên đều có ưu và khuyết điểm. Với Eisai, Thiền đánh mất bản sắc vì phải thỏa hiệp, với Dôgen, Thiền cứ thế mà dậm chân tại chỗ. Thực vậy, sau khi sơ tổ Dôgen qua đời, chùa Eiheiji trở thành cứ điểm của phái bảo thủ với Koun Ejô (Cô Vân Hoài Trang, đệ nhị tổ), người soạn Shôbôgenzô zuimonki (Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký) và Jakuen (Tịch Viên), người sau này sẽ lập Hôkyoji (Bảo Khánh Tự). Cả hai trung thành với thiền phong thanh bạch, nghiêm cẩn của tôn sư, lánh mình nơi rừng núi. Trong khi đó, Tetsuô Gikai (Triệt Ông Nghĩa Giới, đệ tam tổ) lãnh đạo phái cách tân, đã bỏ Eiheiji, ra đi xây dựng một chi lưu Tào Động khác (gọi là phái Daijôji = Đại Thừa Tự) ở Kaga (Kanazawa, tỉnh Ishikawa bây giờ) với mục đích khuếch trương giáo đoàn. Người nối nghiệp Tetsuô là Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn) lại mở thêm nhiều chùa mới trong số đó có Sôjiji (Tổng Trì Tự) vốn ở ngay giữa vùng phố xá buôn bán.

Thiền tông Nhật Bản như thế đã phải khổ tâm để giải quyết một mâu thuẫn nội tại. Ở điểm này, có lẽ các đồ đệ cách tân của Dôgen đã gặp gỡ Eisai trong nỗi ưu tư là sự mai một của làng Thiền.

NNT

Tokyo ngày 27 tháng 1 năm 2017

Phụ Lục:

Niên biểu Eisai:

1141 (1tuổi, tuổi mụ): sinh ngày 20 tháng 4 ở Bichuu (Okayama).

1154 (14 tuổi): Thụ giới ở Hieizan, nhận đạo hiệu Eisai (Vinh Tây).

1168 (28 tuổi): Vào đất Tống lần thứ nhất (tháng 4 đến 9).

1187 (47 tuổi): Vào đất Tống lần thứ hai. Muốn sang Ấn Độ mà không được. Theo học Hư Am Hoài Sưởng.

1191 (51 tuổi): Nhận ấn khả của Hư Am Hoài Sưởng và về nước.

1192 (52 tuổi): Lập chùa Kiến Cửu Báo Ân Tự ở Chikuzen (trên đảo Kyuushuu) và thuyết pháp lần đầu tiên.

1193 (53 tuổi) Lập chùa Senkôji (Thiên Quang Tự) ở Chikuzen.

1194 (54 tuổi): Cũng như Đạt Ma Giáo của Nônin (Năng Tĩnh), Thiền của Eisai bị triều đình cấm giảng đạo.

1198 (58 tuổi): Viết Kôzen Gokokuron (Hưng Thiền Hộ Quốc Luận).

1200 (60 tuổi): Chủ trì pháp sự ngày kỵ lần thứ nhất cho Shôgun Minamoto no Yoritomo. Khai sơn chùa Jufukuji (Thọ Phúc Tự) do bà Hôjô Masako lập nên.

1202 (62 tuổi): Khai sơn Kenninji (Kiến Nhân Tự) của gia đình Hôjô.

1202 (64 tuổi): Viết "Trai giới khuyến tiến văn" và "Nhật Bản Phật pháp trung hưng nguyện văn".

1206 (66 tuổi): Tăng Juugen (Trùng Nguyên) thị tịch. Eisai thế vào chức chỉ đạo việc khuyến tiến (gây quĩ trùng tu chùa) cho danh sát Tôdaiji (Đông Đại Tự ).

1213 (73 tuổi): Giữ chức Gon Sôshô (Quyền tăng chính), vai thứ 2 trong hàng giáo phẩm..

1214 (74 tuổi): Dâng lên Shôgun Minamoto no Sanetomo tác phẩm Kissa Yôshôki (Khiết trà dưỡng sinh ký).

1216 (75 tuổi): Mất vào ngày 5 tháng 7 ở Jufukuji (Thọ Phúc Tự)

Niên biểu Dôgen

1200 (1 tuổi, tuổi mụ): Sinh ngày 1 tháng 2 ở Kyôto.

1212 (13 tuổi): Lên Hieizan Yokokawa xuất gia, theo học tăng Ryôkan (Lương Quan).

1217 (18 tuổi): Nhập môn tăng Myôzen (Minh Toàn) ở chùa Kiến Nhân (Kenninji).

1223 (24 tuổi): Cùng Myôzen nhập Tống.

1225 (26 tuổi): Nhập môn hòa thượng Trường Ông Như Tĩnh trên Thiên Đồng Sơn Cảnh Đức Tự (Chiết Giang). Khai ngộ.

1227 (28 tuổi): Về nước, ghé Kenninji, viết Fukan Zazengi (Phổ khuyến tọa thiền nghi).

1230 (31 tuổi): Vào An Dưỡng Viện ở Fukakusa (vùng Yamashiro).

1231 (32 tuổi) : Bắt đầu soạn Shôbôgennbô (Chính Pháp Nhãn Tạng).

1233 (34 tuổi): Mở chùa Hưng Thánh ( Kôshôji)

1237 (38 tuổi): Viết Tenzô Kyôkun (Điển tòa giáo huấn).

1243 (44 tuổi): Rời kinh đô về vùng thôn quê Echizen (tỉnh Fukui).

1246 (47 tuổi): Đổi Đại Phật Tự (Daibutsuji), một ngôi chùa có lịch sử 44 năm ở Echizen thành Vĩnh Bình Tự (Eiheiji).

1253 (54 tuổi): Mất ngày 28 tháng 8 khi lên đường về kinh để dưỡng bệnh.

Thư mục tham khảo:

-Haga Koshiro, 1995, Zen Nyuumon (Thiền nhập môn), Nxb Tachibana, Tokyo.

-Hiro Sachiya, 2016, Shôbôgenzô (Chính Pháp Nhãn Tạng), Nxb NHK (Tủ sách NHK Text), Tokyo.

--Ibuki Atsushi, 2001, Zen no rekishi (Lịch sử Thiền tông), Nxb Hôzôkan, Kyoto, Nguyễn Nam Trân biên dịch thành "Từ Thiền đến Zen", e-book 2009, tư liệu mạng.

-Suzuki Daisetsu, 1938, Zen and Japanse culture (Thiền và văn hóa Nhật Bản (bản dịch sang Nhật ngữ của Kitagawa Momo.o, Zen to Nihon bunka, 1940), Nxb Iwanami, Tokyo.

-Taemitsu Makoto, 2006, Shitte iru okitai Nihon no Bukkyo (Kiến thức cơ sở về Phật giáo Nhật Bản) , Nxb Kadokawa, Tokyo.

-Umehara Takeshi, 2009, Nihon Bukkyô wo yuku (Hành trình của Phật giáo Nhật Bản), Nxb Asahi Shimbun, Tokyo.

-Yamaori Tetsuo, 1987, Nihon Bukkyô Shisô no Genryuu (Nguồn cội tư tưởng Phật giáo Nhật Bản), Nxb Kôdansha, Tokyo.

Chú thích :

[1] - Thống kê dẫn bởi Takemitsu Makoto (xem thư mục tham khảo) cho biết các phái thuộc Tịnh Độ tam tông có đến 20 triệu tín đồ, trong khi Chân NgônNhật Liên thì mỗi nhóm có khoảng dưới 1 triệu. Số chùa Tịnh Độ tam tông lên tới khoảng 30.000 ngôi chiếm gần 40% tổng số (gần 80.000). Chùa Chân Ngôn có khoảng 12.000, Thiên Thai 4.000 và Nhật Liên 7.000.

[2] - Còn có phái Hoàng Bá do tăng Ẩn Nguyên đem qua Nhật vào đời Minh...nhưng số tín đồ và số chùa đều không đáng kể. Cũng theo thống kê trên, tín đồ Lâm Tế có khoảng 1 triệu và Tào Động là 1,6 triệu. Số chùa Lâm Tế khoảng gần 6.000 và Tào Động gần 15.000. Nói chung, Tào Động mạnh gấp đôi Lâm Tế.

[3] - Khi chú có cả hai năm là năm sinh và năm mất. Khi chỉ có một năm thì đó là năm mất. Cách viết này chỉ có mục đích cắm mốc nhân vật trong dòng lịch sử mà thông tin về năm mất thường chính xác hơn là năm sinh.

[4] - Hoàng Long Huệ Nam (1069). Để phân biệt với nhánh Dương Kỳ Phương Hội (1049).

[5] - Tác phẩm do Eisai trứ tác để phản biện những cáo buộc của cựu Phật giáo đối với Thiền. Được biết viết vào năm 1198, lúc ông 58 tuổi. Tuy nhiên, dưới thời Edo có người cho rằng đây là sách do người đời sau ngụy tạo vì chỉ được tìm thấy vào năm 1666 tức 468 năm sau ngày nó được viết và có nhiều chỗ sai lầm.

[6] - Umehara Takeshi, sđd trong thư mục, trang 155.

[7] - Một cách gọi khác của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.Kinh gồm 600 quyển, bàn về trí tuệ chân thực. Do Tam Tạng Pháp Sư đời Đường dịch ra từ tiếng Phạn.

[8] - Trong "Nội chứng Phật pháp tương thừa huyết mạch phổ", Saichô từng nói "Ta là học trò của Hành Biểu mà Hành Biểu là học trò của Đạo Duệ, còn Đạo Duệ đã nhận pháp môn từ Bồ Đề Đạt Ma. Lại nữa, khi sang bên nhà Đường, ở Thiền Lâm Tự trên núi Thiên Thai, ta theo học tăng Du Nhiên mà giáo lý của người vốn phát xuất từ Đạt Ma đại sư bên Thiên Trúc vv…"

[9] - Cách suy nghĩ xem ở đời không có hiện tượng hay sự vật nào có hình thù cố định và đáng gọi là một thực thể. Giáo lý trung tâm của Kinh Bát Nhã. Triết lý tánh Không đã được Long Thọ (Nâgarjuna) hệ thống hóa.

[10] - Niijima đã thành lập Đại học Dôshisha và Fukuzawa, Đại học Keiô, hai trung tâm giáo dục tân tiến và quan trọng đã thúc đẩy cuộc Duy Tân.

[11] - Suzuki Daisetsu viết / Kitagawa Momo.o Nhật dịch, trang 122-123. NNT Việt dịch.

[12] - Daiô từ Trung Quốc trở về Nhật năm 1267.

[13] - Hiro Sachiya, sđd trong Thư mục tham khảo, trang 4.

[14] - Cách phát âm hiện đại là Juunan. Nyuunan là cách phát âm Phật giáo từ vùng Giang Nam (Ngô) và gần với chữ Nhu nhuyễn trong tiếng Việt hơn.

[15] - Đại Huệ Tông Cảo nối tiếp pháp hệ của Viên Ngộ Khắc Cần, người soạn Bích Nham Lục. Ông đã cổ xúy lối tu Thiền dựa trên công án. Đại Huệ bài xích "Mặc chiếu Thiền" tức lối tu Thiền không cần công án của Hoằng Trí Chính Giác nhưng ngược lại, ông bị Dôgen chỉ trích. Cũng phải nói rằng Đại Huệ đã sáng tác một cuốn Chánh Pháp Nhãn Tạng trước cả Dôgen, dĩ nhiên bằng chữ Hán và với một quan điểm khác về đạo Phật.

[16] - Xem thêm Thiền Nhập Môn của Haga Kôshirô, sdd, trang 243 trở đi.

[17] - Theo Hiro Sachiya, tha kỷhình ảnh về người khác mà ta giữ trong lòng nhưng chưa hẳn đã đúng với sự thực (xem sdd, trang 27).

[18] - Còn gọi là Tu chứng nhất đẳng, Tu chứng bất nhị, Bản chứng diệu tu. Ý nói khi tu là đã chứng ngộ.

[19] - Hiro Sachiya, sđd trong Thư mục, trang 60-68.

[20] - Triệu Châu (778-863) là một danh tăng đời Đường, giỏi về ăn nói. Tác giả Triệu Châu Lục.

[21] - Huyền Sa (853-908). Sau khi chết, ngôn hành được sưu tập trong Huyền Sa Quảng Lục và Phúc Châu Huyền Sa Tông Nhất Đại Sư Quảng Lục.

[22] - Xem Yamaori Tetsuo (sđd trong thư mục tham khảo), trang 168-169.

Phiên bản tóm tắt:
(Đọc tại Trúc Lâm Thiền Viện, Villebon, Hauts de Seine, Pháp trong cuộc Hội thảo quốc tế về Thiền vào ngày 4 tháng 6 năm 2017)
Trúc Lâm thiền viện (Pháp)
Eisai và Dogen, hai tổ sư Thiền Nhật Bản
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân

Thiền Nhật Bản có hai tông phái chính là Lâm TếTào Động [23]. Hai vị tổ của họ là thiền sư Myôan Eisai 明庵栄西 (Minh Am Vinh Tây, 1141-1215) và Kigen Dôgen希玄道元 (Hi Huyền Đạo Nguyên, 1200-1253) [24].

Eisai, chiến lược gia và nhà hành động

Eisai 栄西, tăng Lâm Tế, sinh năm 1141 ở Kibitsu (tỉnh Okayama bây giờ) trong gia đình một chức quan giữ đền thần. Tám tuổi đã nuôi chí xuất gia, 13 tuổi thì lên Hieizan (Tỉ Duệ Sơn), năm sau thụ giới, lấy hiệu là Eisai (Vinh Tây). Đến năm 28 tuổi, nhờ sự chi viện của một thương nhân ở Hakata, ông đã có dịp sang nhà Tống khoảng nửa năm để học Phật.

Năm 1187, ở tuổi 47 (tính cả tuổi mụ), Eisai một lần nữa vào đất Tống. Định qua tận Ấn Độ nhưng thiếu may mắn không đi được, ông bắt buộc ở lại gần 5 năm tu Thiền trên đất Tống.

Năm 1191, Eisai về nước để truyền bá giáo lý của Thiền Lâm Tế, phái Hoàng Long [25] của thày mình là Hư Am Hoài Sưởng. Vì sự chống đối của thế lực Phật giáo thủ cựu bên cạnh triều đình do ngôi chùa Enryakuji 延歴寺(Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan比叡山 (Tỉ Duệ Sơn) chủ xướng, ông bị triều đình Kyôto bách hại, ngăn cấm truyền đạo. Năm ông 58 tuổi, mặc dầu đã soạn tác phẩm Kôzen gokokuron 興禅護国論 (Hưng Thiền hộ quốc luận, 1198) [26] để biện bạch rằng Thiền không làm gì để phương hại đến nhà nước nếu không nói là còn có những cống hiến quan trọng, các địch thủ vẫn không dung xá. Ông buộc lòng phải về miền Đông tìm đến Kamakura, nương tựa tập đoàn Hôjô (Bắc Điều), và được Hôjô Masako, góa phụ của người khai sáng Mạc phủ, che chở.

Ông đã khéo léo sử dụng kiến thức kỳ đảo bùa chú Mật tông của mình làm cách tiếp cận và quy y cho nhiều nhà lãnh đạo. Với sự hỗ trợ của họ Hôjô, Eisai đã lập nên chùa Jufukuji (Thọ Phúc Tự) ở Kamakura rồi sau đó là Kenninji 建仁寺 (Kiến Nhân Tự, 1202) ở Kyôto. Nơi đây với ý định hòa giải và khỏi làm mất mặt Cựu Phật giáo, ông cho thể nghiệm lối "kiêm tu"兼修(tịnh tu並修) Thiên Thai 天台, Chân Ngôn真言 và Thiền禅. Ông tiến gần với Thiên hoàng Go Toba và lại nhờ giỏi nghề kỳ đảo bùa chú nên được nhà vua ban cho tử y (áo tía). Tuy nhiên cũng vì những hành động đó mà Thiền của Eisai xem như đánh mất sự thuần túy của mình.

Xả thân để phục hưng Thiền

Trong lịch sử Thiền tông Nhật Bản, Eisai không nhận được địa vị xứng đáng mà ông phải có [27] bởi vì ông không những là khai tổ của tông Lâm Tế mà ngay cả Dôgen vị khai tổ tông Tào Động, lúc đầu cũng đã đến Kenninji (Kiến Nhân Tự) tham học ông. Bảo Dôgen là đồ đệ ông cũng không ngoa. Eisai đã xả thân, chịu nhiều điều tiếng như một người ham danh lợi khi nhiều phen tiếp cận thế giới quyền lực nhưng là để triều đình, Mạc phủ và dân chúng chấp nhận Thiền như một tông phái cách tân của Phật giáo.

Theo tinh thần của Kôzen gokokuron (Hưng Thiền hộ quốc luận興禅護国論) thì Thiền không phải là một triết lý mới ra đời. Đối với Eisai, Thiền đã nằm sẵn từ lâu trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Ông dẫn chứng bằng những câu trong các kinh văn đã đến Nhật từ lâu như Hokke 法華 (Pháp Hoa), Nehan涅槃 (Niết Bàn) và Daihannya大般若 (Đại Bát Nhã) [28]. Qua mười mục vấn đáp gọi là "thập môn", ông đã tìm cách giải tỏa mọi nghi hoặc mà người trong nước có về Thiền.

Trong tác phẩm trên, người ta nhận ra nhiệt tình truyền giáo, sự uyên bác và lời lẽ đanh thép của ông. Eisai chọn phương pháp nói thật nói thẳng. Mục đích tối hậu của ông trong quyển sách này là làm sao cho Thiền trở thành quốc giáo của Nhật. Ông muốn phục hưng Thiền mà ông thấy đã có sẵn trong giáo lý của Saichô最澄 (Tối Trừng) [29] và trong phong cách "tứ tông kiêm tu" 四宗兼修của chùa Enryakuji (tứ tông: Thiên Thai天台, Thiền禅, Mật 密và Luật tông律宗). Eisai đặc biệt nhấn mạnh đến kỷ cương của người tu Thiền. Đối với ông, trong Phật giáo, sự trì giới (jikai持戒) là điều rất quan trọng. Không phải vì ngộ được chữ Không [30] mà người đi tu có thể mặc sức làm theo ý mình, vì như thế là trở thành ngoại đạo (gedô), là ma dân (ma.min).

Thiền như công cụ thúc đẩy đổi mới tư duy

Tầm quan trọng của "Hưng Thiền hộ quốc luận"của thế kỷ 12 nằm trong tính cách tân của nó chẳng khác chi các trứ tác của hai nhà văn hóa tiến bộ là Niijima Jô 新島譲 (Tân Đảo, Nhượng, 1843-1890) và Fukuzawa Yukichi 福沢諭吉 (Phúc Trạch, Dụ Cát, 1834-1901) [31] của thế kỷ 19, thời điểm cuộc Minh Trị Duy Tân (1868). Vào thế kỷ 19, NB bị tụt hậu so với Tây phương nên hai ông đã làm tất cả để du nhập tư tưởngtôn giáo Tây phương vào đất Nhật nhằm tạo một cú hích cho sự đổi mới tư duy. Trước đó 700 năm, qua việc 2 lần sang Trung Quốc để khẩn cấp đem tư tưởng Thiền chính cống về nước, Eisai hẳn có một chủ trương tương tự. So với hệ thống Cựu Phật giáo Nhật Bản đương thời, Thiền Trung Quốc vì đi tu mà không cần chùa chiền, tăng già lẫn kinh kệ nên có màu sắc cách tân nếu không nói là cách mạng.

Thiền Trà nhất vị

Một cống hiến lớn của Eisai là việc ông đã đem trà vào đất Nhật cũng như đã viết tác phẩm Kissa Yôjôki 喫茶養生記 (Khiết trà dưỡng sinh ký, 1211, tu chính năm 1214). Và như đề tựa của cuốn sách, nó bàn về hiệu quả của việc uống trà đối với sự giữ gìn sức khỏe. Về sau, việc uống trà đã được nghi thức hóa và nghệ thuật hóa để trở thành Trà đạo, văn hóa uống trà (Cha no yu茶の湯) nổi tiếng khắp thế giới. Tuy Trà mà Eisai đề xướng và Sadô 茶道 (Trà đạo) phổ biến sau này không hoàn toàn giống nhau (Eisai chỉ để ý đến khía cạnh dưỡng sinh mà thôi) nhưng riêng việc nối kết Trà với Thiền cũng đủ để Eisai xứng đáng được gọi là ông tổ xa xăm của Trà đạo vậy.

Eisai mất năm 1215 ở cái tuổi 75, khép cánh màn của một cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ cho sự nhìn nhận Thiền tông, một hệ tư tưởngtính cách mạng đương thời, trên đất Nhật.

Dôgen, con người không màng danh lợi

Ngược với Eisai, Dôgen道元 không muốn dính dấp đến danh lợi, dù đó là việc được mời trụ trì trong một danh sát (chùa tiếng tăm) hay được ban cho chức cao tước cả trong hàng tăng lữ. Ông coi sự nhìn nhận của xã hội không có nghĩa gì đối với một nhà tu hành.

Dôgen dù xuất thân con nhà thế gia vọng tộc (gia đình đại tộc Minamoto 源và Fujiwara藤原), có đủ điều kiện để dễ dàng bắt tay với quyền lực, thì lại bỏ Kôshôji興聖寺 (Hưng Thánh Tự), tổng bản sơn của phái Tào Động曹洞 ở Fukakusa, ngay bên cạnh kinh đô, để lui về Eiheiji 永平寺 (Vĩnh Bình Tự), một nơi thâm sơn cùng cốc trong xứ Echizen (nay là tỉnh Fukui). Tuy có thể nói là vì ông bị áp lực và sự đánh phá của Hieizan nhưng ngoài ra, đó cũng là vì chí hướng thanh bần của ông, muốn sống như một thiền gia chân thực.

Trước tiên Dôgen lên Hieizan nhưng không thỏa mãn, với quyết tâm tìm học một đạo Phật đúng nghĩa, ông rời danh sát này để đến một ngôi chùa nhỏ hơn nhưng có tư duy mới mẻ là Kiến Nhân Tự (Kenninji), trở thành đệ tử của Eisai. Sau khi Eisai mất, ông tiếp tục theo học cao đồ của Eisai là Myôzen明全 (Minh Toàn) và có may mắn tháp tùng thày sang nhà Tống. Bên đó, ông đã đi khắp nơi để tìm một nơi học Phật nhưng mãi không gặp chính sư, tận đến khi biết được Hòa thượng Như Tĩnh如瀞 ở Thiên Đồng Sơn thì mới tâm phục, đi theo và được truyền tâm ấn. Thày cũ của ông là Myôzen mất trên đất khách, ông đưa di cốt về nước, bắt đầu ghé chùa Kiến Nhân để nạp cốt nhưng sau đó đã qua ngay Hưng Thánh Tự (Kôshôji) ở Fukakusa. Thế rồi, lìa bỏ kinh đô, ông lập Vĩnh Bình Tự (Eiheiji) ở Echizen, tu hànhthuyết pháp được 10 năm, trên đường về lại kinh đô thì chết năm mới 54 tuổi.

Chính Pháp Nhãn Tạng

cuộc đời ngắn ngủi, Dôgen đã để lại nhiều tác phẩm. Trong đó đáng kể nhất là Shôbôgenzô 正法眼蔵 (Chánh Pháp Nhãn Tạng, 1231-1253). Sách gồm 75 tập, thu thập là những bài giảng của ông cho chư đệ tử thời gianHưng Thánh TựVĩnh Bình Tự nghĩa là 23 năm trời.

Dôgen rất tự tin. Ông cho mình là "không thủ hoàn hương" 空手還郷 (tay không về làng) ý nói khi đi du học trên đất Tống, mình đã tìm thấy chánh pháp như Ca Diếp rồi thì cần ôm kinh kệ hay pháp cụ về chi nữa. Có chăng, cái ông đem về chỉ là một...tấm lòng.

Cũng là người tôn trọng kỷ cương như Eisai, Dôgen đặt qui tắc cho từng việc nhỏ. Ông ra lệnh cho đệ tử không được tham luyến danh lợiái dục. Ông khuyến khích việc tọa thiền (trong Fukan Zazengi 普勧座禅儀 = Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi), nhưng cho rằng tọa thiền là để trải nghiệm trạng thái "tâm thân thoát lạc"心身脱落 (hòa tan tự kỷ vào trong Phật tính của vũ trụ) chứ không phải đi tìm lời giải đáp cho những công án cao siêu, khúc mắc. Qua Chính Pháp Nhãn Tạng, ông đã trình bày được những quan điểm độc đáo của Thiền Dôgen như Tâm thân thoát lạc心身脱落, Chỉ quản đả tọa只管打座, Hiện thành công án現成公案, Tự lực tha lực自力他力, Phật tính仏性, Nhất khỏa minh châu一夥明珠. Xin tóm tắt về hai khái niệm cơ bản là Tâm thân thoát lạc và Chỉ quản đả tọa.

Dôgen đã hoát nhiên đại ngộ lúc ở trên Thiên Đồng Sơn vào một hôm nghe thày mình là Như Tĩnh quát mắng một tăng sinh ngủ gật là "Phải để tâm thân thoát lạc" và tặng cho một hèo. Hai năm từ ngày ấy, Dôgen được thày cho về nước và ông tiếp tục lấy câu nói của ân sư làm phương châm tu hành cũng như dạy lại cho nhiều thế hệ học trò.

Đối với Dôgen, Thiền không phải là đốt hương, lễ bái, niệm Phật, sám hối, đọc kinh mà chỉ cần ngồi xuống đó mà Thiền (chỉ quản đả tọa = shikantaza). Tọa thiền giúp cho lòng mình thơ thới, quên đi tự kỷ và tha kỷ [32] (tâm thân thoát lạc, shinjin datsuraku). Theo ông, chỉ có tọa Thiền cho đúng nghi thức mới cần thiết, ngoài ra đều là "dư hành" (hành động thừa thãi). Mục đích của việc tọa Thiền phải thực hiện với tinh thần "tu chứng nhất như" [33]. Tọa Thiền, với Dôgen, không phải là để ngộ đạo hay để được thành Phật (phải là vô sở đắc無所得, vô sở ngộ無所悟). Tu Thiền nhằm cảm nhận được Phật tính có trong vũ trụ. Vì con người là Phật rồi nên mới cần tu hành để tinh tiến mãi. Tuy coi trọng việc tọa Thiềntăng đường, Dôgen còn khuyến khích người ta tọa Thiền khi làm việc, giữa cuộc sống hằng ngày, gọi là Sinh hoạt Thiền生活禅.

Tạm kết

Eisai và Dôgen là hai nhân cách lớn đã làm nên lịch sử Thiền tông Nhật Bản. Cả hai đều là những nhà tu hành nghiêm cẩn và nặng lòng với Phật pháp. Thế nhưng, nếu Eisai là một nhà hoằng pháp tài ba và thực dụng, không hề thay đổi mục đích cho dù phải mang tiếng cầu cạnh vương hầu thì Dôgen là một triết nhân, một nghệ sĩ, tuy xuất thân quí tộc mà cả đời lánh xa danh lợi, là thiền gia chủ trương bất lập văn tự mà bắt buộc phải sử dụng ngòi bút để đạo pháp được lưu truyền .

NNT

Tokyo ngày 27 tháng 1 năm 2017

Thư mục tham khảo:

-Haga Koshiro, 1995, Zen Nyuumon (Thiền nhập môn), Nxb Tachibana, Tokyo.

-Hiro Sachiya, 2016, Shôbôgenzô (Chính Pháp Nhãn Tạng), Nxb NHK (Tủ sách NHK Text), Tokyo.

--Ibuki Atsushi, 2001, Zen no rekishi (Lịch sử Thiền tông), Nxb Hôzôkan, Kyoto, Nguyễn Nam Trân biên dịch thành "Từ Thiền đến Zen", e-book 2009, tư liệu mạng.

-Suzuki Daisetsu, 1938, Zen and Japanse culture (Thiền và văn hóa Nhật Bản (bản dịch sang Nhật ngữ của Kitagawa Momo.o, Zen to Nihon bunka, 1940), Nxb Iwanami, Tokyo.

-Taemitsu Makoto, 2006, Shitte iru okitai Nihon no Bukkyo (Kiến thức cơ sở về Phật giáo Nhật Bản) , Nxb Kadokawa, Tokyo.

-Umehara Takeshi, 2009, Nihon Bukkyô wo yuku (Hành trình của Phật giáo Nhật Bản), Nxb Asahi Shimbun, Tokyo.

-Yamaori Tetsuo, 1987, Nihon Bukkyô Shisô no Genryuu (Nguồn cội tư tưởng Phật giáo Nhật Bản), Nxb Kôdansha, Tokyo.

Hội Thảo về Thiền Định và Thiền Tông 
tại Trúc Lâm Thiền Viện, ngày 4/6/2017

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn