Anh dịch: Kazuaki Tanahashi, et al | Việt dịch: Đỗ Đình Đồng
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu xa
MỤC LỤC
LỜI NGƯỜI DỊCH
Có thể nói Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shōbō Genzō) là tác phẩm cả đời của Đạo Nguyên Hy Huyền vì nó đã được sư viết trong thời gian hai mươi lăm năm cho đến khi sư tịch (1253), còn truyền lại đến ngày nay và đang phát triển sang thế giới phương Tây. Cùng với những tác phẩm khác như Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi (Fukanzazen-gi), Vĩnh Bình Quảng Lục (Eihei Kōroku), Vĩnh Bình Thanh Qui (Eihei Shingi), và Điển Tòa Giáo Huấn (Tenzo Kyōkun), v.v…là những viên đá móng mà Đạo Nguyên đã dùng trong công cuộc xây dựng về mặt lý thuyết ngôi nhà Phật Giáo Thiền Tào Động Nhật Bản từ thế kỷ 13. Ngày nay, Phật Giáo Thiền Tào Động của sư là tông phái đông người theo nhất trong Phật Giáo Thiền ở Nhật Bản.
“Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết-bàn Diệu Tâm,” theo Đạo Nguyên, là kho tàng Phật Pháp do Phật Thích-ca-mâu-ni truyền lại qua hai đường. Đường thứ nhất là qua các kinh, đặc biệt là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, do Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết và thêm nữa là Luận Đại Trí Độ của Bồ-tát Long Thọ, Tổ sư thứ mười bốn của truyền thống Thiền Ấn Độ, thừa truyền từ Phật Thích-ca-mâu-ni. Đường thứ hai là qua sự đối diện truyền thụ, giữa thầy và trò, hay giữa phật và phật, cũng từ Phật Thích-ca-mâu-ni đến Đại Ca-diếp và các Tổ sư kế tiếp như A-nan, Thương-na-hòa-tu,… Bồ-đề-đạt-ma, Huệ Năng, vân vân, qua Như Tịnh và cuối cùng đến Đạo Nguyên. Điều này cũng được ghi lại trong các ngữ lục của các Thiền sư, Truyền Đăng Lục và Thiền Uyển Thanh Qui mà Đạo Nguyên thường trích dẫn khi viết.
Nhưng thế nào là Phật Pháp theo Đạo Nguyên?
Khi đọc Chánh Pháp Nhãn Tạng, chúng ta có thể thấy Đạo Nguyên đã dạy phật pháp một cách rất tỉ mỉ về những hoạt động cụ thể hằng ngày của cá nhân và tập thể tăng nhân ở cộng đồng tự viện. Đạo Nguyên đã dạy tăng chúng cách đánh răng, súc miệng, rửa mặt, tắm và làm thơm thân thể, giặt y phục, cách đi nhà xí và dùng các vật dụng trong nhà xí, làm vệ sinh thân thể sau khi đi cầu và giữ vệ sinh nhà xí như thế nào, v.v… Cách chào hỏi, lễ lạy, chúc tụng, thỉnh an sư trụ trì, các trưởng lão, các bậc trưởng thượng, các vị duy-na, thủ tọa, bạn đồng tu đồng học, cách ngồi thiền, tụng kinh, cũng như tìm đúng loại vải để may và mặc các loại y đúng cách, và kích cỡ của các loại y như đã được chính đức Phật truyền lại, v.v… mỗi mỗi đều được qui định, hướng dẫn theo phật pháp. Đạo Nguyên không chấp nhận và khuyên tăng chúng không nhận dùng các loại y không may theo đúng theo lời Phật dạy.
Về mặt trừu tượng, đứng trên quan điểm Phật Pháp này, Đạo Nguyên đã phân tích, lý luận, phân biệt, so sánh, phê phán, phủ nhận hay đả phá những điều mà sư cho là không phải là Phật Pháp, là sai lầm, là ngoại đạo, mặc dù những điều này đã được chấp nhận từ lâu trong thế giới Thiền Trung Hoa. Thí dụ như về khẩu ngữ: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật,” Đạo Nguyên cho rằng “Giáo ngoại biệt truyền” hay “Giáo lý truyền bên ngoài kinh điển” là không phải Phật Pháp, vì đây là trái với kinh điển, xa lìa kinh điển, tức là ngoại đạo. Hoặc “nhân tâm,” theo Đạo Nguyên, thì không phải là “phật tâm” mà chỉ là tâm thế gian, cũng như “kiến tánh” là việc làm của người ngoại đạo vì sư cho rằng chữ “kiến tánh” trong Kinh Pháp Bảo Đàn không phải là chữ của Lục tổ Huệ Năng mà là của người ngụy tạo đưa vào kinh này. Tuy nhiên, Đạo Nguyên lại biện minh cho việc nói tâm nói tánh, đàm huyền luận diệu là Phật Pháp (xem “Nói Tâm Nói Tánh”). Nhưng nếu một người không thấy tâm mình không thấy tánh mình, nói cách khác là nếu không biết tâm mình không biết tánh mình, thì làm sao có thể nói về tâm mình nói tánh về mình được? Như vậy, Đạo Nguyên có tự mâu thuẫn với chính sư chăng?
Cũng đứng trên quan điểm Phật Pháp này, Đạo Nguyên cho rằng tất cả năm vị sư là Triệu Châu Tùng Thẩm, Huyền Sa Sư Bị, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Hải Hội Thủ Đoan, Tuyết Đậu Trùng Hiển đã có kiến giải sai lầm vì không biết phật pháp của Quốc sư Huệ Trung khi Huệ Trung theo yêu cầu của nhà vua trắc nghiệm thuật tha tâm thông của pháp sư Đại Nhĩ của Ấn Độ (xem “Thấy Tâm Người Khác”).
Cũng đứng trên quan điểm Phật Pháp này, Đạo Nguyên cho rằng chỉ có một đạo Phật duy nhất mà không có bất cứ tông phái nào như Qui Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, v.v…, sở dĩ có những tên gọi như thế (tông Lâm Tế, tông Tào Động, v.v…) là do những người theo học không đầy đủ và không biết đã gọi nhầm mà có tên các tông như vậy. Hơn nữa, chính các Thiền sư như Qui Sơn, Ngưỡng Sơn, Lâm Tế, Động Sơn, Tào Sơn, Vân Môn, Pháp Nhãn không tự đặt hay gọi giáo lý của họ là tông gì hết. Đạo Nguyên còn cho rằng những giáo pháp như “Tứ Liệu Giản” và “Tứ Chiếu Dụng” của Lâm Tế hay “Ngũ Vị” của Động Sơn, v.v…, không phải là Phật Pháp. Về điẻm này chúng ta thấy rằng “Tứ Liệu Giản,” “Tứ Chiếu Dụng,” hay “Ngũ Vị” là những phương tiện thiện xảo mà các sư Lâm Tế Nghĩa Huyền và Động Sơn Lương Giới đã dùng để hướng dẫn người học đến giác ngộ hay đưa họ đến những mức độ cao hơn trong chứng ngộ. Như vậy, có nên phủ nhận hay loại bỏ chúng chăng?
Cũng đứng trên quan điểm Phật Pháp này, Đạo Nguyên đã phê bình thô bạo Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo về cái thấy và phương tiện sử dụng trong tu học và chỉ dạy khác nhau giữa Đại Huệ và ông. Trong khi Đại Huệ đề cao tọa thiền công án và phê bình tọa thiền mặc chiếu là tà thiền thì Đạo Nguyên cho rằng thoại đầu công án hình như cải thiện chút ít cái hiểu của hành giả, nhưng thực tế nó chỉ dẫn hành giả đi càng lúc càng xa đạo của các phật và các tổ, trong khi chỉ quán đả tọa không quan tâm ngay cả đến sự chứng đắc trong khi ngồi, và đây chính là đạo của các tổ sư.[1] Tuy nhiên, khi phê bình cá nhân Đại Huệ, Đạo Nguyên đã không dẫn chứng đầy đủ, nhất là về sự đạt ngộ của Đại Huệ dưới Thiền sư Viên Ngộ và đã được Viên Ngộ ấn chứng và chia tòa ngồi cho Đại Huệ. Đại Huệ cũng đã được vua Hiếu Tông nhà Tống phong tặng danh hiệu “Thiền sư Đại Huệ.” Đạo Nguyên đã không trích dẫn những điều vừa nói trong bài biết của sư để chứng minh lời phê bình của sư đối với Đại Huệ. Mặt khác, dù Đại Huệ là đối thủ chính của Thiền sư Hoằng Trí thuộc tông Tào Động, người chủ trương và bênh vực Thiền mặc chiếu, nhưng Hoằng Trí và Đại Huệ rất tôn trọng và tin tưởng nhau nên trước khi viên tịch, Hoằng Trí đã ủy thác cho Đại Huệ lo việc hậu sự của mình.[2] Như vậy, bài phê bình của Đạo Nguyên về Đại Huệ đã không chứng minh đầy đủ, và do đó, không đủ sức thuyết phục người đọc (xem “Tự Chứng Tam-muội”).
Hơn nữa, cũng đứng trên quan điểm Phật Pháp này, Đạo Nguyên còn phê phán, trách mắng những tăng nhân tham danh lợi, quị lụy quan quyền, hoặc dùng thủ đoạn lừa gạt để có được chứng thư thừa tự của thầy để hành nghề tu và để khi về già dùng nó xin chính quyền địa phương ban cho chức trụ trì một ngôi chùa an hưởng tuổi già. Theo Đạo Nguyên, đây là một trong những tệ nạn có tính cách xã hội của nhiều tăng nhân thời nhà Tống Trung Hoa, khiến cho Phật đạo suy đồi.
Ngoài ra, Đạo Nguyên còn đứng trên quan điểm hữu thể và thời gian của mình (xem “Hữu Thời”) mà phê phán lời dạy đệ tử của Thiền sư Ứng Am Đàm Hoa thuộc tông Lâm Tế cũng như phê bình quan điểm về thời gian của Cư sĩ Duy-ma-cật nói trong Kinh Duy-ma-cật. Như chúng ta có thể thấy trong Kinh Duy-ma-cật, dù đức Phật đã mặc nhận những gì Cư sĩ Duy-ma-cật thuyết trong kinh ấy nhưng Đạo Nguyên không chấp nhận và đòi hỏi Cư sĩ Duy-ma-cật phải xuất gia vì Đạo Nguyên cho rằng cư sĩ không thể thành Phật và kế thừa Phật Pháp hay ngồi tòa Phật (xem “Thọ Ký”). Đối với Cư sĩ Bàng Uẩn và những cư sĩ khác, Đạo Nguyên cũng đánh giá thấp theo quan điểm này (xem “Ba Mươi Bảy Phẩm Bồ-đề Phần Pháp”).
Tuy nhiên, hầu như toàn bộ những bài viết trong Chánh Pháp Nhãn Tạng đã được Đạo Nguyên suy nghĩ và viết ra, kể cả những bài viết có tính cách vấn đáp, như bài “Biện Đạo Thoại” chẳng hạn, cũng không phải là loại vấn đáp thường xảy ra giữa các Thiền sư và đệ tử hay giữa các Thiền sư với nhau, nên thiếu tính chất sống thực của các giai thoại Thiền mà chúng ta thường gặp trong ngữ lục của các Thiền sư Trung Hoa qua các thời đại nhà Đường và nhà Tống. Nói cách khác, các bài viết của Đạo Nguyên mang tính cách phân tích, so sánh, lý luận và phê phán. Như vậy, Đạo Nguyên có tính cách của một triết gia Phật giáo hơn là một Thiền sư như Philip Kapleau nhận định trong quyển The Three Pillars of Zen (Ba Trụ Thiền) của ông mà chúng tôi trích in lại trong “Lời Giới Thiệu” ở đầu bản dịch này. Và Thomas Cleary, một học giả và dịch giả nổi tiếng của phương Tây về Phật giáo và Đạo học phương Đông, đã gọi Thiền của Đạo nguyên là Rational Zen (Thiền hợp lý).[3]
Không phải tất cả những gì Đạo Nguyên nói trong Chánh Pháp Nhãn Tạng của ông đều đúng hay đều có thể áp dụng được trong thời đại chúng ta, như các vật dụng phụ trợ trong việc vệ sinh thân thể như vật dụng đánh răng, vật dụng làm sạch bộ phận kín khi đi cầu, v.v… Kết hợp với luận lý mang tính khó hiểu của ông khi viết, Đạo Nguyên còn vận dụng thủ thuật dùng chữ nên có những câu văn kết cấu bất thường, những chỗ khó hiểu, phải cần thời gian suy gẫm mới có thể hiểu được. Vì vậy, độc giả cũng như dịch giả của Đạo Nguyên đã đọc, hiểu, và diễn đạt một cách rất khác nhau về cùng một điểm ông viết.
Nói chung, Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên chứa những cái thấy và kiến giải của sư về nhiều vấn đề khác nhau của Phật giáo Thiền Trung Hoa trong suốt lịch sử của nó từ khởi nguyên cho đến thời nhà Tống. Nó là một kho tàng rất phong phú bao hàm rất nhiều các cạnh khía của Phật giáo và Thiền mà Đạo Nguyên đã trích dẫn lời Phật từ các kinh và lời của các Tổ sư và các Thiền sư từ các ngữ lục và kèm theo lời bình của sư như một luồng gió mới thổi qua dòng lịch sử Phật giáo Thiền Trung Hoa.
Bản dịch tiếng Việt “Chánh Pháp Nhãn Tạng” này được chúng tôi thực hiện theo bản văn tiếng Anh “The Treasury of the True Dharma Eye – Zen Master Dogen’s Shobo Genzo” do Kazuaki Tanahashi và nhóm cộng tác với ông [gồm hơn ba mươi thành viên] dịch từ nguyên tác Shōbō Genzō của Đạo Nguyên. Shōbō Genzō được Đạo Nguyên viết bằng tiếng Nhật thời trung cổ, nên trước khi dịch sang tiếng Anh, Kazuaki Tanahashi đã dịch nó từ tiếng Nhật thời trung cổ sang tiếng Nhật hiện đại, và bản dịch tiếng Anh này đã được nhà Shambhala Publications, Inc. xuất bản ở Hoa Kỳ, năm 2010.
Trong khi dịch, chúng tôi có tham khảo các bản dịch tiếng Anh khác, cũng từ nguyên tác tiếng Nhật, như “Master Dogen’s Shobogenzo” của Gudo Nishijima & Chodo Cross, do nhà Windbell Publications Ltd. xuất bản ở London, Anh quốc và phát hành châu Âu và Hoa Kỳ, 1994; “Shobogenzo – The Treasure House of the Eye of the True Teaching” của Hubert Nearman, PDF file on Internet, 2007; và “Dōgen Zenji’s Shōbōgenzō – The Eye and Treasury of the True Law” của Kōsen Nishiyama và John Stevens, do nhà Daihokkaikaku Publishing Co. xuất bản ở Nhật Bản, 1975.
Có điều đáng chú ý là Chánh Pháp Nhãn Tạng trong nguyên tác tiếng Nhật có nhiều phiên bản khác nhau, số lượng các bài viết chứa trong các phiên bản cũng khác nhau, như có phiên bản chỉ gồm 12 bài viết, có phiên bản gồm 75 bài viết, và có phiên bản có đến 96 bài viết như phiên bản này.
Dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc vẫn còn sai sót, mong các bậc cao minh rộng lượng chỉ bảo cho. Đa tạ.
Frederick, Thu 2017
Đỗ Đình Đồng
[1] Về tính cách, hiệu quả và công đức của hai pháp môn tu chính của Thiền: tọa thiền công án và chỉ quán đả tọa, xem “Ba Trụ Thiền” của Philip Kapleau.
[2] Xem Zen’s Chinese Heritage, The Masters and Their Teachings, pp. 439-45 của Andy Ferguson, Wisdom Publications, 2000.
[3] Rational Zen, The Mind of Dōgen Zenji, translated and edited by Thomas Cleary, Shambhala Publications, 1992.
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen Kigen), còn gọi là Đạo Nguyên Vĩnh Bình (Dogen Eihei) theo tên ngôi chùa của ông, chùa Vĩnh Bình (Eihei-ji), sống từ năm 1200 đến năm 1253 và có lẽ một tâm linh sáng chói nhất mà Phật giáo Nhật bản đã sản sinh. Mặc dù người ta cho rằng Đạo Nguyên đã mang giáo lý tông Tào Động từ Trung hoa về Nhật bản, rõ ràng dường như ông không bao giờ có ý định lập một phái Thiền Tào Động như thế, mà đúng hơn ông đã nuôi đưỡng một thứ Thiền tổng hợp đặt căn bản trên giáo lý của Phật Thích-ca Mâu-ni. Thực tế, ông làm nản lòng tất cả những cách xếp loại có tính chất tông phái hoặc Tào Động, Lâm Tế hay Hoàng Bá (Obaku), hoặc các phạm trù rộng hơn như Tiểu thừa hay Đại thừa.
Thực là sai lầm khi mô tả Đạo Nguyên như một “nhà biện chứng tinh tế,” dù ông có tính cách triết gia hơn là Thiền sư. Như là một bậc thầy có tâm hồn cao cả đã sống sâu xa những gì mình dạy, Đạo Nguyên đã tìm thấy con đường giải thoát con người khỏi sự xiềng xích của tham, sân, si bằng cách dạy cho họ làm thế nào để sống một cuộc sống có ý nghĩa đích thực, đặt căn bản trên Đạo của Phật và không thiết lập một hệ thống tư tưởng suy lý.
Bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng gồm 95 phẩm, được viết suốt khoảng thời gian 25 năm, nhưng chỉ hoàn thành trước khi Đạo Nguyên mất một thời gian ngắn. Trong đó Đạo Nguyên bàn đến những điều đơn giản và thế tục như cách thực hiện đúng những phận sự vệ sinh trong đời sống tự viện cũng như các vấn đề siêu hình cao độ như mối tương quan giữa thời gian và hữu thể đối với sự tu-ngộ. Toàn bộ cách thức diễn đạt của Đạo Nguyên thực độc đáo và chắc chắn là do phẩm chất giác ngộ của ông, nhiều người tin là một trong những giác ngộ triệt để nhất của Phật giáo Nhật bản, cũng như do tâm hồn sáng tạo cao độ, sáng chói tự nhiên của ông. Trong giới hiểu biết Thiền, người ta nói rằng những phần thâm áo nhất trong Chánh Pháp Nhãn Tạng là núi Everest của Phật giáo Nhật bản và ai muốn leo lên tận đỉnh phải mở con mắt ngộ đầy đủ và người leo muốn đặt chân chắc chắn trên ấy cũng phải đạt nhiều năm nỗ lực. (Ba Trụ Thiền, Chương VII)
chanh-phap-nhan-tang-dao-nguyen-hy-huyen
- Từ khóa :
- Chánh Pháp Nhãn Tạng