Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông
Hội thứ tám
HỘI THỨ TÁM
Chưng ấy: Chỉn sá tua rèn; chớ nên tuyệt học
Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc
Rèn lòng làm Bụt, chỉn sá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; lật thửa cơ quan, mà còn để tấm hơi lọt lọc.
BÌNH GIẢNG
Chưng ấy: Chỉn sá tua rèn; chớ nên tuyệt học
Chưng ấy có nghĩa là bởi vì cớ ấy. Chỉn có nghĩa là chỉ (only). Sá là nên. Tua cũng là nên. Rèn tức là tập luyện. Chỉ cần thực tập hàng ngày, luyện tập hàng ngày. Tuyệt tức là bỏ đi, chấm dứt đi. Chớ nên tuyệt học tức là đừng nên bỏ chuyện học hỏi và thực tập.
Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc
Cái ý thức của ta hay nắm bắt, hay bị kẹt, vì vậy cho nên ta phải lay cho nó thức dậy. Chấp trằng trằng hay là chấp khư khư, tức là ôm riết lấy nó, bị kẹt vào nó.
Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc: Niềm vọng tức là vọng niệm. Ta phải đối phó với vọng niệm của mình, nó nhiều như một khu rừng. Mựa còn xóc xóc tức là đừng có lăng xăng. Vọng niệm không dừng, thì ta không yên, ta trạo cử. Trạo cử là một trong những tâm sở xấu. Trạo cử là ngược lại với hôn trầm, nghĩa là buồn ngủ. Chữ nén ở đây có nghĩa là đừng để cho vọng niệm lộng hành. Nên quán chiếu nó, kiểm soát nó, gọi là nén. Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc. Chớ để cho nó trạo cử. Đây là đứng về phương diện ý thức mà nói.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc
Mảng là mê mải chạy theo, như trong chữ mê mảng: Tay cầm bầu rượu nắm nem, mảng vui quên hết lời em dặn dò (ca dao): Mê vui nên quên hết tất cả những lời em dặn dò trước khi ra đi. Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ: Những người mê mải theo công danh, đắm chìm trong công danh, đó là những người ngây thơ. Tu học, ta có mục đích cao lớn hơn nhiều, hơn cả danh cả lợi. Sự thành công của ta phải là sự thành công của một bậc giác ngộ.
Sự thành công của ta là ở chỗ thực hiện được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc trong ta; sự thành công của ta không phải là làm một cái chùa thật lớn, có lầu vàng điện ngọc, có những con rồng trên mái cong. Sự nghiệp của ta không phải là một cái bằng cấp, một chức vị, dù là chức vị giáo thọ, hòa thượng, hay là pháp chủ, hoặc viện trưởng của một tu viện. Sự nghiệp của ta là thực hiện được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc trong trái tim mình. Đó là sự thành công lớn. Ta làm thầy cho loài người và loài trời. Còn nếu chúng ta bị hút theo đường công danh thì chúng ta là những người ngây thơ, đã đi tu rồi mà còn đi lo học đời, cố đậu bằng cử nhân, tiến sĩ. Đó là công danh mảng đắm.
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc. Gồm tức là có cả hai cái. No tức là đầy đủ. Ta có cả hai cái, và ta được no bởi hai cái đó: Cái thứ nhất là phúc, cái thứ hai là tuệ. Phúc, tiếng Anh là merit. Tuệ tức là hiểu biết. Phúc là khi mình tạo ra được niềm vui, tạo ra được hạnh phúc cho nhiều người, nhiều loài. Tuệ là khi ta có được cái thấy của một vị Bồ tát.
Chúng ta thường nói có hai khía cạnh của sự tu học: Tu phước và tu huệ. Tu phước là để có phước đức, và tu huệ là để có trí tuệ. Khi tu cả hai cái, ta gọi là phước huệ song tu. Chia ra làm hai nhưng kỳ thực là một, hễ có tuệ tức là có phúc, hễ có phúc thật tức là có tuệ. Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc: Cóc có nghĩa là biết, là hiểu. Chỉ cái đó mới có thể làm cho ta trở thành con người hiểu biết, con người giác ngộ. Còn “thực cóc” mà hiểu là “ăn ngũ cốc” là chết!
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc
Đứng về phương diện tướng, ta có những công tác phải làm. Chỗ nào cần một cây cầu thì ta dựng cây cầu; chừng nào cần có một con đò thì ta thiết lập một con đò. Đó là những hạnh tu về phước, đem người ta lại với nhau bằng cách xây những cây cầu và thiết lập những con đò, hoặc hòa giải giữa cha mẹ và con cái. Nếu ta làm cho cha hiểu được con, con hiểu được cha, hai cha con ôm nhau, đó cũng là một cách xây cầu, làm đò. Đi qua cầu hiểu, tới cầu thương.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp. Giồi tức là trau dồi, làm cho nó đẹp hơn, tốt hơn. Chiền tức là chùa, người ta gọi là chùa chiền. Chữ chiền do chữ thiền mà ra, thiền môn. Cửa chiền tức là cửa thiền. Chiền là tiếng Việt, thiền là tiếng Hán-Việt. Giồi chiền tháp tức là tu bổ chùa và tháp.
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu. Bên ngoài ta làm cho nó đẹp. Chữ “nghiêm” có nghĩa là làm đẹp.
Săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc. Săn ở đây không có nghĩa là hunting (đi săn), mà là săn sóc (taking care), chăm bón cho nó lớn lên. Chăm bón cái gì? Chăm bón niềm vui và cái không kỳ thị của ta, tức là xả. Hỷ tức là niềm vui trong tình thương, và xả là sự không kỳ thị trong tình thương. Dễ thương thì ta cũng thương, không dễ thương thì ta cũng cứ thương, đó gọi là xả. Chúng ta phải chăm bón cho hai cái đức hỷ và xả.
Săn hỷ xả, nhuyến từ bi. Nhuyến tức là làm cho nó mềm mại hơn, đẹp hơn. Thương yêu là một nghệ thuật. Ban đầu nó còn hơi cứng, hơi có góc cạnh, nhưng từ từ nó sẽ tròn, sẽ mềm, sẽ dễ chịu. Nhuyến từ bi là làm cho lòng từ và lòng bi mềm mại, nhu nhuyến.
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc. Nội ở đây là bên trong. Bên ngoài thì làm cho nó trang nghiêm, bên trong thì làm cho nó tự tại. Tự tại tức là tự do. Tự do là bản chất của từ, bi, hỷ và xả. Kinh lòng hằng đọc. Kinh lòng tức là tâm kinh. Có người phiên âm là kinh ruột. Nhưng đúng chữ của nó là kinh lòng, tâm kinh. Sáng nào chúng ta cũng đọc kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa, và chúng ta đọc bằng miệng. Đại Sĩ khuyên chúng ta nên đọc bằng trái tim, đọc như thế nào để tâm kinh trở thành một dụng cụ phá tan những phiền não ở trong lòng để chúng ta có được sự tự do, tự tại.
Rèn lòng làm Bụt, chỉn sá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc.
Rèn lòng tức là luyện tâm. Hai chữ rèn lòng này làm cho ta nhớ tới kinh Tăng Nhất A Hàm, trong đó Bụt nói rằng: ‘Có một pháp, nếu không rèn luyện thì nó tạo ra rất nhiều đau khổ và phiền não. Pháp đó là tâm’.
Nếu tâm ta không được rèn luyện, không được tu tập, thì tâm đó sẽ gây rất nhiều đau khổ cho ta và cho người. Tiếp đó Bụt nói: ‘Có một pháp, nếu ta biết tu tập và rèn luyện thì sẽ gây được hạnh phúc rất nhiều cho mình và cho kẻ khác. Pháp đó là tâm.’
Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức giồi mài: Làm Bụt, chỉ cần một yếu tố thôi, đó là sự giồi mài. Giồi mài tức là công phu hàng ngày. Mài như là mài kim, mài đá. Giồi là làm cho mềm, làm cho tốt. Tâm của ta phải được giồi mài, còn để cho nó thô tháo thì tâm đó không xài được gì cả, nó sẽ làm cho ta đau khổ. Tâm được giồi mài gọi là tu. Rèn lòng là tấn, đó là sức mạnh thứ hai trong năm sức mạnh (ngũ lực): Tín, tấn, niệm, định và tuệ.
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc. Có những con suối người ta đồn rằng trong cát có vàng, thành ra ai cũng đến đó và dùng những cái rổ hốt cát lên, rồi rửa trong dòng nước để bỏ hết tất cả bụi cát, còn lại là những hạt vàng. Muốn đãi cát kén vàng thì không thể mau chóng được, phải lựa, phải lọc rất nhiều phen. Đãi cát kén vàng còn lại phải nhiều phen lựa lọc. Lựa, tiếng Anh là sort it out. Lọc, tiếng Anh là filter.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay
Kinh tức là những lời Bụt nói. Lục là những ghi chép các lời của chư Tổ. Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay nghĩa là chúng ta phải làm thế nào để cho cái thấy của chúng ta ngang bằng với cái học của chúng ta. Thửa thấy thửa hay là tiếng Việt của hai tiếng Hán-Việt Sở kiến và sở tri. Chữ sở ngày xưa ông cha chúng ta gọi là thửa. Sở tức là đối tượng. Thửa thấy là đối tượng của cái thấy, và thửa hay là đối tượng của cái biết. Làm cho bằng, nghĩa là cả hai cái (cái biết và cái thấy) phải ngang nhau.
Nhiều khi chúng ta biết nhưng lại không hiểu, tức là phần lý thuyết chúng ta rất giỏi nhưng phần thực tập chúng ta còn thấp, nghĩa là kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta rất yếu. Vì vậy chúng ta phải làm cho hai phương diện đó bằng nhau.
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc
Trọng tức là kính ngưỡng. Trọng Bụt tu thân có nghĩa là kính ngưỡng Bụt và tu tập bản thân của mình. Dùng mựa lỗi một tơ một tóc. Dùng tức là dừng lại. Mựa là đừng có, chớ có làm lầm lỗi dù là một sợi tơ hay một sợi tóc. Ý của Đại Sĩ là chúng ta đừng nên khinh thường dù là những lỗi nhỏ, những hành động rất nhỏ, những lời nói bâng quơ, nếu những cái đó không phù hợp với đạo, tại vì những cái lớn phát sinh từ những cái nhỏ.
Thí dụ ta đạp lên một con kiến, và ta cho là không quan trọng, ta bỏ đi làm chuyện khác. Nhưng nếu thở vào một hơi, ta phát khởi tâm từ bi đối với con kiến đó và ta nói rằng kỳ sau ta sẽ cẩn thận hơn, không làm như vậy nữa, lúc đó ta mới đi đúng trên con đường của Bụt dạy. Hoặc ta vô tình nói đùa thiếu chánh niệm làm cho người sư em của ta đau khổ hay động tâm, mà ta nghĩ rằng câu nói đó có nhằm nhò gì và không cho là quan trọng, thì không được. Mỗi cử chỉ, mỗi tư tưởng, mỗi lời nói nhỏ nhặt đều là quan trọng. Cho rằng những cái lớn mới đáng chú ý, còn những cái nhỏ này không đáng chú ý, là một lầm lỗi rất lớn của rất nhiều người. Đây là câu nói của Đại Sĩ: Dùng mựa lỗi một tơ một tóc. Phải biết những cái lỗi rất nhỏ của mình. Nếu hôm nay ta khinh thường bỏ qua thì sau này ta sẽ làm những cái lỗi rất lớn.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; lật thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo, tức là đi cho đến tận cùng thế giới của ngôn ngữ, văn cú mà đừng có một phút lo ngại. Cú là câu nói, ngôn là lời nói. Lật thửa cơ quan: phải phát hiện những phương pháp các Tổ đã dùng. Lọt lọc tức là đi ra đi vào. Tám hơi tức là tám ý niệm căn bản. Chúng ta thường bị tám ý niệm căn bản làm cho bí lối, lạc đường. Vì vậy chúng ta phải nắm cho vững và thực tập cho tới nơi tới chốn những cơ quan mà các Tổ sử dụng để thoát ra khỏi tình trạng mà trong đó tám ý niệm thường ra vào công phá và quản thúc mình. Tám ý niệm đó là sinh, diệt, thường, đoạn, tới, đi, một và khác. Bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất khứ, bất nhất, bất dị là bát bất (tám cái "không").
Tóm lại, đứng về phương diện ngôn cú, ta phải đi cho đến nơi đến chốn, đừng để cho một phút nào bị những ngôn cú đó làm ngăn ngại làm cho ta lo lắng; đứng về phương diện các công án, các thoại đầu của các Tổ, ta phải nắm cho vững, phải thực hành cho thấu suốt để đừng bị điên đảo bởi tám ý niệm căn bản.
Giáo pháp
1- Ý thức của chúng ta hay nắm bắt, vọng niệm của chúng ta nhiều như một khu rừng, cho nên chúng ta phải học kiểm soát để không bị trạo cử.
2- Một người có hiểu biết, giác ngộ là một người gồm đủ cả phước và tuệ (ngoại trang nghiêm sự tướng; hỷ, xả, nhuyến từ bi, nội tự tại), và có cả hai phương diện thấy (sở kiến) và biết (sở tri) ngang nhau.
3- Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta chớ khinh thường đến một lỗi nhỏ. Tâm của chúng ta cần phải được giồi mài và nhiều phen lừa lọc, thì khi sử dụng mới hợp với đạo được.