Bodhicaryàvatàra
NHẬP HẠNH BỒ TÁT
Sàntideva (Tôn giả Tịch Thiên) - Việt dịch: Nguyên Hiển - Hiệu đính: Lê Triều Phương
TUỆ QUANG FOUNDATION Ấn bàn điện tử, Xuân 2009
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời thưa về việc hiệu đính (1,2)
Tiểu sử Tôn giả Sàntideva
Chương 1: Lợi ích của Tâm Bồ Đề
Chương 2: Sám hối tội nghiệp
Chương 3: Phát Tâm Bồ Đề
Chương 4: Thực hành Tâm Bồ Đề
Chương 5: Chánh niệm, Tỉnh giác
Chương 6: Nhẫn nhục
Chương 7: Tinh tấn
Chương 8: Thiền quán
Chương 9: Trí tuệ
Chương 10: Hồi hướng
LỜI NÓI ĐẦU
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát. Đọc tụng luận này, hành giả có thêm hùng tâm dũng chí để giúp Đạo, cứu đời.
Dịch giả đã tham cứu các bản dịch dưới đây:
- Bản Hán dịch của Trần Ngọc Giao
- Bản Pháp dịch của Georges Driessens
- Bản Anh dịch của Kate Crosby và Andrew Skilton
- Bản Việt dịch của Thích Nữ Trí Hải
Luận này là sách gối đầu giường của Tăng, Ni, Phật tử theo lối tu Đại thừa ở Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ và Trung Hoa. Vì dịch theo lối thi kệ để dễ tụng đọc và dễ nhớ cho nên quá súc tích và quá ngắn gọn, vì vậy không thể tránh khỏi có chỗ vụng về và tối nghĩa. Xin chư tôn đức cùng qúy Phật tử cao minh từ bi chỉ giáo để khi tái bản dịch phẩm này được hoàn chỉnh hơn.
Xin chân thành cảm tạ hai Pháp hữu Tâm Zen và Như Pháp Trí đã giúp phần hiệu đính và hoàn thành dịch phẩm này. Xin hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sanh thoát ly luân hồi khổ não, viên thành Phật đạo.
California, Mùa Phật Đản 2459-2005
Nguyên Hiển
Lời thưa về việc hiệu đính (1)
Tập Luận „Nhập Hạnh Bồ Tát,“ của Tôn giả Santideva, do cư sĩ Nguyên Hiển dịch sang Việt ngữ năm 2005, theo thể kệ, đã đến tay tôi trong một hoàn cảnh đầy kỷ niệm. Năm 2005, chúng tôi bị một bệnh nặng hành hạ suốt nửa năm dài. Hàng ngày đau nhức vô cùng. Chúng tôi chưa đồng ý để bác sĩ mổ và kham nhẫn chịu đựng. Hàng ngày niệm Phật và thỉnh thoảng đọc phẩm Phổ Môn.
Một ngày nọ, năm người bạn từ phương xa đến thăm vì muốn „tiếp sức“ cho chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi đang nằm ở bệnh viện trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Các bạn phải trò chuyện cùng nhau nơi hành lang của bệnh viện. Cuối cùng chúng tôi gặp mặt nhau khoảng 15 phút rồi chia tay. Riêng đạo hữu Nguyên Định đã đem theo để tặng và khuyên chúng tôi nên đọc tập Luận nói trên. Chúng tôi đọc lướt qua và thấy nội dung vô cùng ý nghĩa.
Một buổi tối, sau bữa ăn chiều, chúng tôi đọc lại tập Luận kỹ hơn. Bỗng dưng trong đầu chúng tôi vang lên âm thanh như dòng nhạc của những câu kệ trong phẩm Phổ Môn, ví dụ như
Bi thế giới lôi chấn,
Từ ý diệu đại vân,
Chú cam lồ pháp vũ
Diệt trừ phiền não diệm“
(Lòng từ bi như sấm,
Ý tứ diệu dường mây,
Xối mưa pháp cam lồ,
Dứt trừ lửa phiền não)
(Bản dịch của HT Trí Tịnh)
hoặc
Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, hải triều âm,
Thắng bỉ thế gian âm,
Thị cố tu thường niệm“.
(Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, hải triều âm,
Tiếng hơn thế gian kia,
Cho nên thường phải niệm)
(Bản dịch của HT Trí Tịnh)
Lòng chúng tôi bỗng nổi lên cảm hứng chỉnh sửa ngay lại một số câu trong bản dịch của cư sĩ Nguyên Hiển, với ước muốn mình có riêng một bản Luận đọc nghe êm nhẹ hơn, dù không bằng những câu ví dụ trong phẩm Phổ Môn.
Chúng tôi vừa đọc vừa ghi chép cho đến khi cảm thấy buồn ngủ. Kim đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ khuya. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc: Tại sao mình đã mất cảm giác đau nhức và mệt mỏi suốt 6 tiếng đồng hồ? Có gì linh thiêng và huyền nhiệm tỏa ra từ những dòng kệ „Nhập Hạnh Bồ Tát“chăng? Chúng tôi đi ra hành lang bệnh viện để kiểm lại thì giờ. Đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ khuya.
Hôm sau, đạo hữu Nguyên Châu, trong nhóm những người đã đến thăm chúng tôi, gọi điện thoại hỏi về bệnh tình. Chúng tôi thuật lại chuyện kỳ diệu đã trải qua trong đêm. Đạo hữu liền kể ngay cho tôi biết lược sử của Tôn giả Santideva và cho biết Phật tử Tây Tạng rất sùng kính Luận „Nhập Hạnh Bồ Tát“ như Phật tử châu Á sùng kính phẩm Phô Môn. Nhiều Phật tử đã cảm nhận được sức mạnh thiêng liêng toát ra từ tập Luận. Cuối cùng đạo hữu đã khuyên chúng tôi nên cố gắng „đánh bóng“ công trình việt dịch của cư sĩ Nguyên Hiển vì điều này vừa giúp cho bản thân chúng tôi giảm được sự đau khổ của thân xác trong lúc đau bệnh và biết đâu bạn bè nhờ đó mà có được một bản dịch dễ tụng hơn. Chúng tôi đã hứa sẽ theo đuổi việc „đánh bóng“ ấy. Động cơ quan trọng nhất đã thúc đẩy việc làm của chúng tôi là đạo hữu Nguyên Hiển đã cho phép chúng tôi hiệu đính lại bản dịch của anh.
Những ngày hôm sau chúng tôi lần lượt nhận được 5 bản dịch khác do bạn bè gởi đến với lời khuyến khích làm công việc hiệu đính. Đó là bản Đức ngữ „Eintritt in das Leben zur Erleuchtung“ do G.S. Ernst Steinkellner chuyển ngữ năm 1981, ba bản Việt ngữ gồm có: „Bồ Tát Hạnh“, do Thượng Tọa Thích Trí Siêu (Pháp) dịch năm 1990, „Nhập Bồ Tát Hạnh“ do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch năm 1998 và „Một tia chớp sáng trong đêm tối“ do đức Dalai Lama giảng giải và do Đoàn Phụng Mệnh dịch năm 1999 và bản Anh ngữ „Engaging in Bodhisattva Behavior“ do ông Alexander Berzin dịch năm 2005. Sáu bản dịch rất công phu với những chú giải rõ ràng mà chúng tôi đọc được, đã soi sáng cho chúng tôi thấy được nội dung và ý nghĩa của con đường đi của các bậc Bồ Tát. Nơi đây, chúng tôi chân thành bày tỏ sự tri ân sâu sắc của chúng tôi đến tất các vị dịch giả và giảng giải.
Hôm nay, sau gần một năm rưởi, chúng tôi hoàn thành bản hiệu đính với tâm trạng khinh an, mặc dù vẫn còn nhiều khuyết điểm. Chúng tôi xin hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh và cầu mong cho tất cả đều đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát.
Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự cám ơn sâu sắc đến hiền nội và bằng hữu đã khuyến khích và hỗ trợ việc hiệu đính, hỗ trợ tìm tài liệu, đánh vi tính và sửa lỗi chính tả.
Göttingen, Germany, ngày 14.01.2007
Lê Triều Phương
Lời thưa (2)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Năm 2005 nhờ đọc Luận và hiệu đính Nhập Hạnh Bồ Tát của Tôn Giả Tịch Thiên (Santideva) mà chúng tôi thoát qua cơn đau khổ của bệnh ung thư vào thời kì chót. Sau một năm rưỡi hiệu đính bản dịch của Nguyên Hiển, tập Nhập Hạnh Bồ Tát được ấn hành vào đầu năm 2007.
Cuối năm 2007 tôi lại lâm vào tình trạng nguy kịch. Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, chúng tôi được nghe quí Thầy, người thân và bạn bè đã tụng kinh cầu an. Cơn đau đã được lời kinh làm êm dịu và tâm hồn chúng tôi được thanh thản an lành. Nhưng vì lý do nào đã khiến chúng tôi tóm lược Luận Nhập Hạnh Bồ Tát?
Lý do thứ nhất, bên cạnh sự cầu an, có lẽ Kinh Nhập Hạnh Bồ Tát đã tác động vào tôi như dòng nước Cam lồ tắm mát thân tôi. Sau mỗi lần cầu an như vậy, thân quyến và bạn bè chúng tôi đều nhận định và nhất trí rằng kinh Nhập Hạnh Bồ Tát đã vực tôi dậy sau hai lần đứng trên bờ sinh tử. Nhân đây chúng tôi xin trân trọng cám ơn chư Tăng tại ba Chùa sau đây:
Một là Thượng Tọa trụ trì Thích Đồng Đạo và Tăng sĩ Chùa An Linh, Q. 12, TP Hồ Chí Minh. Qúi vị đã cầu an nhiều đợt, mỗi đợt nhiều ngày và có khi 9 đêm liền. Ngoài các kinh khác, cả Luận Nhập Hạnh Bồ Tát cũng được đọc tụng.
Hai là Sư Ông Thích Viên Mãn và đệ tử Đại Đức Thích Chúc Minh tại Chùa Hòn Đỏ, Nha Trang và Thượng Tọa Thích Phước An, Nha Trang.
Ba là Đại Đức Thích Như Hoằng trụ trì Chùa Sắc Tứ Thiên Tứ tại Hòn Đất, Ninh Hòa, Nha Trang. Ngoài việc cầu chư Phật và Bồ Tát, Đại Đức còn cầu Bồ Tát Thích Quảng Đức cứu độ chúng tôi. Hòn Đất là nơi ẩn tu của ba vị Thiền Sư đắc đạo.
Lý do thứ hai, 3 khối u lớn dưới da bụng chúng tôi lần lượt tự hủy, dịch theo vết mổ gan cũ thoát ra ngoài. Chúng tôi không còn uống thuốc chống đau với liều lượng ngày càng lớn nữa. Chúng tôi vẫn an nhiên chấp nhận không chóng thì chày, 1 trong 5 khối u còn lại có thể kết liễu đời chúng tôi, mặc dù chúng đã teo nhỏ lại hơn xưa.
Mười chương trong Nhập Hạnh Bồ Tát đã toả rộng niềm bình an trong những đêm cầu an của bằng hữu. Chúng tôi thầm mong ước rằng nếu tập Nhập Hạnh Bồ Tát gói trọn được trong 3 giờ tụng niệm, mỗi lần trong vòng 1 giờ, thì lòng chúng tôi sẽ vô cùng hoan hỷ, an lạc khi nghe được lời kinh vang vọng và tâm tư thấm nhuần thêm một số lời dạy trong kinh. Và chúng tôi đã dốc tâm làm việc đó. Đây không phải là việc chỉnh sửa mà chỉ là tóm gọn để tiện dụng.
Lý do thứ ba, trong thế giới hiện đại, thời gian sẽ vô cùng quí báu cho nên chúng tôi xin hồi hướng tập Nhập Hạnh Bồ Tát này đến các bạn tuổi trẻ để các bạn tiết kiệm thời gian đi sâu vào thế giới tâm linh an lành của chúng ta.
Thạnh Lộc, 30-02-2008
Lê Triều Phương
(TS Lê văn Tâm)
qua đời ngày 12/06/2008.
TIỂU SỬ TÔN GIẢ TỊCH THIÊN (SÀNTIDEVA)
Thích Trí Siêu (Pháp)
Theo truyền thuyết tôn giả Sàntideva sinh ở miền Nam Ấn, vùng Sri Nagara vào khoảng thế kỷ thứ 7. Ngài là thái tử con vua Surastra. Từ những kiếp quá khứ, ngài đã cúng dường phụng thờ nhiều đức Phật và đã tích tụ nhiều căn lành đưa đến giải thoát. Nhờ phước đức ấy nên ngay từ lúc ấu thơ, ngài đã nhiều lần chiêm bao thấy Văn Thù Bồ Tát.
Lớn lên, đến tuổi sắp được vua cha truyền ngôi, một hôm ngài nằm mộng thấy hai vị Bồ tát: Văn Thù và Tara. Bồ tát Văn Thù ngồi trên ngai vàng, bảo ngài rằng: ”Ở đây không có chỗ cho hai người”. Bồ tát Tara tưới nước nóng trên đầu ngài và nói rằng: ”Vương quyền chính là nước sôi bỏng của địa ngục. Ta đang tấn phong cho ngươi về nước nầy đây.”
Tỉnh dậy, ngài hiểu rằng đó là sự khuyến cáo của hai vị Bồ tát, nên đêm hôm trước khi ngài lên ngôi, ngài rời bỏ cung thành trốn vào rừng sâu. Sau 21 ngày lang thang trong rừng, vừa khát vừa đói, ngài gặp được một con suối, sắp sửa định uống thì có một thiếu nữ xuất hiện bảo ngài đừng uống vì đó là nước độc, sau đó thiếu nữ dâng cho ngài một thứ nước thơm ngọt như cam lồ. Giải khát xong, ngài hỏi thiếu nữ: ” Cô ở đâu đến?” . Thiếu nữ trả lời: ”Ở giữa khu rừng mênh mông này là nơi thầy tôi ở, ngài rất đạo đức, từ bi và đã thành tựu phép tam muội củaVăn Thù Kim Cang Sư Lợi (Sri Manjuvajra). Tôi từ đó đến đây”.
Vừa nghe như thế, tôn giả Sàntideva mừng rỡ như kẻ nghèo bắt được vàng, yêu cầu thiếu nữ dẫn ngài đến gặp vị thầy kia. Đến nơi ngài thấy đó là một vị hành giả (Yogi) sống trong một chòi lá, ngài liền đảnh lễ, xưng tán cúng dường và cầu xin được truyền phép tam muội của Văn Thù Bồ Tát. Sau 12 năm ở đó tu tập, ngài chứng được phép tam muội trên, thấy được vị thầy kia chính là Văn Thù và thiếu nữ kia chính là Tara. Kể từ đó ngài luôn luôn được thấy Văn Thù Bồ Tát.
Sau đó ngài đi về phương Đông, xin vào làm việc trong triều của vua Pancamasimha. Nhờ tài giỏi và thông minh nên ngài được vua trọng vọng cho làm Thừa Tướng. Để tỏ lòng thành kính nhớ ơn vị thần linh chủ hộ của mình, tức Văn Thù Bồ Tát, ngài luôn đeo trên mình một thanh kiếm gỗ. Ngài giúp vua trị vì đúng theo Phật pháp và truyền dạy nhiều kỹ nghệ mới lạ. Điều đó khiến các vị đại thần khác ganh tức, tìm cách gièm pha và hãm hại ngài. Họ bảo vua rằng: ”Thừa tướng là một người gian xảo, luôn đeo trên mình một thanh kiếm mà không bao giờ rút ra cho ai xem cả. Chúng tôi biết thanh kiếm ấy làm bằng gỗ. Gặp lúc nguy biến làm sao Thừa tướng có thể cứu nguy cho Bệ hạ được? Xin Bệ hạ hãy khám nghiệm lại”. Vua tin lời cho triệu Thừa tướng vào bắt phải rút kiếm ra khỏi vỏ cho vua xem. Thừa tướng nói: ” Kiếm của tôi, Bệ hạ không thể nhìn được, nếu không Bệ hạ sẽ hối hận”. Nghe vậy, vua càng nghi ngờ nhất quyết đòi xem.
Cuối cùng, Thừa tướng nói với vua: ”Nếu Bệ hạ nhất quyết muốn xem thì hãy theo tôi đến chỗ vắng, lấy tay che mắt phải lại, chỉ nhìn bằng mắt trái thôi”. Vua chấp thuận và Thừa tướng rút kiếm ra, hào quang lóe lên quá mạnh khiến con mắt trái của vua rơi xuống đất. Vua liền ăn năn hối hận, biết ngài là một người đắc đạo, một Đại thành tựu giả nên cầu xin sám hối. Biết vua đã ăn năn, Thừa tướng nhặt mắt trái của vua bỏ vào tròng lại khiến vua khỏi mù.
Sau đó tôn giả bỏ chức Thừa tướng, tìm đến tu viện Nalanda, xuất gia thọ giới, được đặt tên là Sàntideva. Sau khi nghe hết ba tạng kinh điển, tôn giả thầm biên soạn 3 bộ luận: Siksàsamuccaya, Sùtrasamuccaya và Bodhicaryàvatàra.
Ngài tu mật hạnh, học trực tiếp với Văn Thù Bồ tát trong thiền định. Tất cả thời ăn, ngủ, đi, đứng, ngài đều thiền quán về Thanh Quang. Tuy vậy, chúng tăng bên ngoài thấy ngài chỉ ăn với ngủ, không chịu văn, tư, tu gì cả. Thấy thế một số Thượng toạ học giả họp nhau lại định tống khứ ngài ra khỏi tu viện. Có người cho ý kiến: Nếu chúng ta họp lại, bắt mỗi người phải tuần tự trùng tuyên lại Kinh Luận ; ban đầu ngài từ chối, nói rằng không biết gì. Chúng tăng muốn làm nhục ngài nên làm bộ nài nỉ, cuối cùng ngài nói: ”Nếu vậy, phải làm cho tôi một toà sư tử tôi mới trùng tuyên”. Nghe vậy có vài người đâm ra nghi ngờ, nhưng đa số chấp thuận vì tin rằng ngài không thể trùng tuyên Kinh Luận gì được.
Sau khi lên ngồi toà sư tử, ngài hỏi: ”Các vị muốn tôi tụng lại Kinh Luận đã có từ trước hay những sáng tác mới sau này?”. Vì muốn chế giễu ngài nên đại chúng nói: ”Những sáng tác mới sau này”. Thế là ngài bắt đầu tụng lên Bồ Tát Hạnh (Bodhisattava-caryavatara). Khi tụng đến câu: Khi Có và Không không còn khởi lên trong tâm…... thì ngài bay lên hư không rồi từ từ biến mất, nhưng tiếng của ngài còn vọng lại cho đến câu kệ cuối cùng của Bồ Tát Hạnh. Không thấy ngài nữa, Tăng chúng hối hận trở về phòng ngài tìm kiếm, thấy trên bàn để lại ba quyển: Sutràsamuccaya (Tập kinh luận), Siksàsamuccaya (Tập Bồ Tát học luận) và Bodhicaryàvatàra (Nhập Bồ đề hành luận).
CHƯƠNG MỘT
LỢI ÍCH CỦA TÂM BỒ ĐỀ
Đối tượng và mục đích
1. Con trân trọng cúi đầu
Đảnh lễ các đức Phật (1)
Cùng các vị Thừa Kế (2)
Và những bậc đáng kính;
Con nương lời Phật dạy
Xin nêu lên ngắn gọn
Lối vào hạnh Bồ Tát
2. Luận này nghĩa chẳng mới
Vần điệu cũng không hay
Chẳng dám vì lợi tha
Viết ra chỉ nhắc nhở
Và thấm nhuần tâm mình.
3. Nhờ sự nhắc nhở này
Mà tín tâm tăng trưởng
Ai cùng một tin tưởng
Cũng được lợi ích nhiều.
Lợi ích của tâm bồ đề
4. Hạnh phúc thay gặp duyên
Sinh ra thân con người
Nay không nhân cơ hội
Để tu hành giải thoát
Sau này tìm đâu ra.
5. Như đêm mây dày dặc
Được lằn chớp chiếu soi
Nhờ thần lực chư Phật
Tâm lành thoảng khởi lên.
6. Đức hạnh rất yếu mềm
Trước sức mạnh điều ác
Chỉ có tâm Bồ đề
Mới cưỡng lại, đứng vững.
7. Trải bao kiếp tư duy
Phật thấy tâm Bồ đề
Có công đức vô lượng
Cứu vô số chúng sinh
Thoát ra ngoài biển khổ.
8. Muốn thoát khổ của đời
Trừ tai ương muôn loài
Muốn hưởng chân hạnh phúc
Chớ rời tâm Bồ đề
9. Người người trong sanh tử
Phát khởi tâm Bồ đề
Được gọi là con Phật
Xứng đáng được tôn kính
10. Nước phép tâm Bồ đề
Gội sạch thân ô trược
Thành thân Phật vô giá
Hãy giữ Bồ đề tâm
11. Đấng Đạo sư thấy rõ
Tâm Bồ đề qúi báu
Muốn vượt thoát ba cõi
Phải giữ vững tâm này.
12. Làm lành như cây chuối
Quả hết rồi héo khô
Tâm Bồ đề to lớn
Như đại thụ xum xuê
Luôn sinh quả tươi tốt.
13. Người đời phạm tội nặng
Nhờ thế lực che chở
Biết sự nghiệp đã tạo
Sao chẳng tìm chỗ nương?
14. Đức Di Lặc đã giảng
cho Thiện tài biết rằng
Tâm Bồ đề kỳ diệu
Như lửa thời hoại kiếp
Đốt tan bao tội nặng
Chỉ trong một sát na.
Hai loại tâm Bồ đề
15. Tâm Bồ đề bao gồm
Hai nguyện để tu tập:
Trước là nguyện phát tâm
Sau thực hiện tâm ấy.
16. Ai cũng đều biết rằng
“Muốn đi“ khác với “đi“
Người trí nên biết rõ
Sự khác biệt như vậy.
17. Nguyện phát tâm Bồ đề
Tuy sinh kết quả lớn
Song không thể sánh bằng
Nguyện thực hiện tâm này.
Ca ngợi tâm Bồ đề
18-19. Những ai đã quyết tâm
Cứu độ mọi chúng sinh
Phải luôn luôn tinh tấn
Thực hiện tâm Bồ đề;
Từ lúc ấy trở đi
Ngay cả khi ngủ nghỉ
Phước đức vẫn liên tục
Tăng lớn như hư không
20. Để người tin Tiểu thừa
Không ngừng bước tiến lên
Trong Kinh Vấn Diệu Lý
Đấng Như Lai đã dạy
Công đức tâm Bồ đề
Thật rộng lớn vô biên.
21-22. Chỉ nghĩ cách chữa lành
Đầu mọi người khỏi nhức
Là phát tâm chân thành
Đem lại bao phước đức.
Phước đức càng thâm sâu
Khi cứu giúp chúng sinh
Thoát ưu phiền thống khổ
Đạt được cõi an lành.
23. Có cha nào, mẹ nào
Đã phát tâm như vậy?
Tiên, chư Thiên, Phạm Thiên
Đã có chưa tâm ấy?
24. Xưa nay dù trong mơ
Chưa ai nguyện như thế
Dù vì lợi cho mình
Nói chi đến phát nguyện
Cứu độ cho người khác.
25. Làm sao có thể tìm
Được một vị Bồ Tát
Như viên ngọc hi hữu
Giữa chúng sinh ích kỷ
Chẳng biết làm điều lành
Vì lợi ích chúng sinh!
26. Tâm Bồ đề trân quý
Là mầm mống an vui
Là linh dược diệt khổ
Tạo phước đức vô lường.
27. Ý nghĩ làm lợi người
Đã hơn phước cúng Phật
Huống chi luôn nỗ lực
Làm lợi lạc muôn loài.
28. Có biết bao chúng sinh
Tuy cầu mong an vui
Song hủy diệt nguồn cội
Sản sinh ra hạnh phúc
Như tận diệt kẻ thù.
29. Chúng sinh thiếu niềm vui
Lại chịu nhiều đau khổ
Tâm nguyện Bồ đề này
Đem vui và diệt khổ.
30. Tâm Bồ đề có thể
Trừ diệt sự ngu si
Có bạn lành nào sánh
Còn phước nào lớn hơn?
31. Bồ tát luôn bố thí
Dầu không ai cậy nhờ
Với tâm hạnh như vậy
Đáng ca ngợi xiết bao!
32. Kẻ bố thí thức ăn
Giúp chúng sinh đỡ đói
Dù họ no nửa ngày
Đã là người đáng trọng
33. Bồ tát thường ban cho
Niềm vui của chánh giác
Làm thỏa mãn tất cả
Nguyện vọng mọi hữu tình .
34. Đức Phật đã dạy rằng
Bồ tát cứu muôn loài
Nên đáng được tôn quý
Ai phỉ báng Bồ tát
Sẽ sa đại địa ngục
35. Ngược lại, ai tín thành
Cung kính chư Bồ tát
Sẽ hưởng phước đức lớn
Bồ Tát dù gian nan
Việc ác vẫn không làm
Càng hăng làm việc thiện.
36. Tôi kính xin đảnh lễ
Người phát tâm Bồ đề
Đem vui cho chúng sinh
Cho cả kẻ hại mình;
Tôi cúi đầu kính lạy
Và xin được quy y
Nơi chư vị Bồ tát
Cội nguồn chân hạnh phúc.
CHƯƠNG HAI
SÁM HỐI TỘI NGHIỆP
Nghi lễ Bồ Tát
Ca ngợi
1. Để con nắm giữ được
Tâm nguyện quí giá này
Con cúng dường chư Phật
Và Pháp Bảo thiêng liêng
Con cúng dường Bồ tát
Đầy phẩm tính tốt lành.
Cúng dường
2. Cúng dường hoa quả tươi
Thức ăn ngon quý nhất
Nước uống thật tinh khiết
Vật quý báu trên đời.
3. Cúng dường núi châu báu
Rừng thanh tịnh ngát hương
Hoa cõi trời diễm tuyệt
Trái quý buông trĩu cành.
4. Cúng dường những hương thơm
Ngào ngạt cõi trời đất
Cúng dường trang sức quý
Cúng dường cây như ý
Thành tựu mọi ước mơ
Cúng dường mọi ngũ cốc
Tự sinh không người trồng.
5. Cúng dường ao sen đẹp
Thiên nga hót êm dịu
Và mọi vật vô chủ
Đầy dẫy khắp bầu trời.
6. Con giữ chúng trong tâm
Dâng lên đấng Thế Tôn
Và chư vị Bồ tát
Thỉnh cầu đức Thế Tôn
Từ bi nghĩ đến con
Mà nhận vật cúng dường.
7. Con vô phước bần cùng
Không một chút tài sản
Kính xin đức Phật thương
Nhận lễ vật tâm con.
8. Con nguyện đem thân tâm
Để làm kẻ nô bộc
Phụng sự Phật, Bồ tát
Mong quí ngài xót thương
Thâu nhận lễ vật này.
9. Được các ngài thâu nhận
Thân tâm con siêu thoát
Con nguyện sống lợi tha
Diệt trừ các ác nghiệp.
10-11. Đây nhà tắm tráng lệ
Nền thủy tinh long lanh
Cột trụ khảm trân châu
Lọng dù bằng ngà ngọc
Trần thiết lộc bình quý
Đầy nước thơm thích ý
Ngân vang muôn diệu âm
Thỉnh Phật, Bồ tát tắm
12. Đây khăn tắm sạch thơm
Lau khô thân các ngài
Đây y phục cõi trời
Với màu sắc mỹ lệ
Lan tỏa hương dịu thơm.
13. Đây y phục mềm mại
Và trăm trang sức quý
Dâng lên Đức Phổ Hiền,
Văn Thù, Quán Thế Âm.
14. Hương liệu thơm vũ trụ
Xin thoa ngọc thể Ngài
Tỏa hào quang thanh tịnh
Óng ánh sắc vàng ròng.
15. Xin cúng dường chư Phật
Các tràng hoa đẹp đẽ
Kết từ hoa tươi thơm
Như hoa sen, hoa lài
Hay hoa mạn đà la.
16. Con xin dâng chư Phật
Vầng mây hương ngây ngất
Dâng thực phẩm cõi trời
Thức ăn uống đẹp ngon.
17. Con dâng đèn hoa ngọc
Chân chạm đá sen vàng
Nền nhà dịu mát hương
Rải đầy hoa đẹp ý.
18. Xin cúng dường chư Phật
Những lâu đài tráng lệ
Rèm buông ngọc lung linh
Du dương ngân tiếng hát.
19. Xin dâng hiến chư Phật
Lọng che bằng châu ngọc
Cán đúc toàn vàng ròng
Viền thêu hoa mỹ lệ.
20. Cúng phẩm nhiều như mây
Nhạc du dương hoà tấu
Khổ đau được dịu xoa
Mong sao chúng mãi còn.
21. Mưa hoa, mưa ngọc ngà
Mong luôn luôn buông rơi
Trên thân Phật, tháp Phật
Trên giáo pháp diệu kỳ.
22. Như Ngài Diệu Cát Tường (10)
Xưa kia cúng dường Phật
Nay con xin cúng dường
Phật, Bồ tát như vậy.
23. Dùng âm vang hải triều
Tán dương công đức Phật
Nguyện tiếng tán dương này
Luôn vang đến các Ngài.
24. Nguyện hoá thân như bụi
Lễ lạy Phật ba đời
Lễ lạy Pháp và Tăng
Cùng khắp cả pháp giới.
25. Con lễ lạy tháp Phật
Các nơi Bồ tát ở (3)
Lễ bậc trì giới nhất
Kính lễ hàng thánh tăng.
Quy y
26. Từ nay cho đến khi
Đạt Vô thượng Bồ đề
Con nguyện quy y Phật,
Pháp và chư Bồ Tát.
Sám hối
27. Trước chư Phật, Bồ Tát
Ở cùng khắp mười phương
Con xin chấp hai tay
Thành khẩn nguyện như vầy:
28-29. Từ vô thỉ đến nay
Trôi lăn trong sinh tử
Với tội ác không lường
Do tự mình gây ra
Hay xúi giục người làm
Vì vô minh che lấp
Nay con biết lỗi lầm
Thành tâm xin sám hối.
30-31. Lỗi lầm con đã phạm
Qua nghiệp thân, khẩu, ý
Đã gây bao tổn hại
Cho Tam bảo (4), mẹ cha
Cũng như cho Thầy Tổ
Và cho bao kẻ khác
Nay trước đức Thế Tôn
Con thành tâm sám hối
Mọi tội lỗi gây ra.
32. Nếu sám hối chưa trọn
Con lỡ chết thì sao?
Vậy xin Ngài mau cứu
Trước khi thần chết đến.
33. Thần chết thật lừa lọc
Nó không biết đợi chờ
Tội rửa sạch hay chưa
Dù đang bệnh hay khỏe
Con không thể nào tin
Vào mạng sống mong manh
Lập loè như lửa đóm.
34. Con đã không ý thức
Chết là bỏ tất cả
Nên con đã quanh quẩn
Với bè bạn, kẻ thù
Vì vậy tự gây ra
Biết bao điều xấu ác.
35. Đời người như mộng ảo
Điều gì đã trải nghiệm
Cũng chỉ là ký ức
Tất cả đều trôi qua
Không bao giờ trở lại.
36. Kẻ thù thành hư vô
Người thân như mây khói
Thân tôi rồi phải chết
Tất cả trở về không.
37. Trong đời ngắn ngủi này
Kẻ thân, thù đã chết
Duy nghiệp ác đã gây
Còn ở lại với tôi.
38. Tôi đã không ý thức
Rồi cũng chết như họ
Nên cứ tham sân si
Tạo ra bao lầm lỗi.
39. Mạng sống giảm từng ngày
Chẳng bao giờ ngừng nghỉ
Không thể nào kéo dài
Làm sao thoát khỏi chết?
40. Đến lúc sắp lâm chung
Dù thân thuộc vây quanh
Thống khổ lúc hấp hối
Tôi gánh chịu riêng mình.
41. Khi Diêm Vương đến bắt
Thân thuộc có ích gì?
Chỉ phước đức mới cứu
Tôi lại chưa tu tập!
42. Do buông lung không biết
Hậu quả xấu mai sau
Bám víu đời phù phiếm
Tôi tạo bao nghiệp xấu.
43. Như kẻ ra pháp trường
Kinh hãi, miệng khô đắng
Mắt trợn trắng, thất thần
Hình sắc cũng đổi khác.
44. Huống chi khi thấy bóng
Ma vương đến bắt ta
Kinh hoàng sao kể xiết
Khổ đau dâng tột cùng.
45. Ai cứu tôi ra khỏi
Cơn sợ hãi lớn này
Tôi tròn xoay đôi mắt
Nhìn bốn phương van cầu.
46. Bốn phương không thấy ai
Sợ hãi lại càng tăng
Không nơi nào che chở
Tôi phải làm sao đây?
47. Con xin quy y Phật
Ngài là đấng Từ Bi
Bảo vệ, đem lợi ích
Cho tất cả muôn loài
Có năng lực giải cứu
Tiêu trừ bao sợ hãi.
48. Con xin quy y Pháp
Mà chư Phật chứng ngộ
Có thể đưa muôn loài
Sang đến bờ giải thoát
Và con xin quy y
Nơi chư vị Bồ Tát.
49. Trong cơn sợ bấn loạn
Con xin dâng thân mạng
Lên Bồ tát Phổ Hiền
Và Bồ tát Văn Thù.
50. Với tiếng kêu khẩn thiết
Con cầu Đức Quan Âm
Mở đại từ bi tâm
Cứu con, kẻ mê lầm.
51. Con cầu cứu các Ngài
Hư Không Tạng Bồ Tát
Địa Tạng Vương Bồ Tát
Chư Bồ Tát đại bi.
52. Con cũng xin nương tựa
Kim Cương Trí Bồ Tát
Ngài mà các sứ giả
Của Diêm vương khiếp vía .
53. Xưa trái lời Phật dạy
Nay gặp nạn hãi hùng
Con xin quy y Phật
Mau cứu độ cho con.
54-56. Với bệnh nhẹ tầm thường
Đã tuân lời thầy thuốc
Huống chi trăm thứ bệnh
Sinh từ tham sân si!
Một trong trăm bệnh này
Đã đủ làm tiêu hủy
Mọi loài Nam Diêm phù
Nay chạy khắp mọi nơi
Tìm không ra thuốc chữa.
Phật là đại y vương
Dạy giáo lý thoát bệnh
Những ai không làm theo
Thực ngu si đáng trách.
57. Bên hố sâu vài trượng
Tôi đi phải đề phòng
Cạnh địa ngục sâu thẳm
Sao đời đời nhởn nhơ?
58. Bởi nghĩ rằng chưa chết
Sống nhởn nhơ phóng dật
Quả thật là dại khờ
Nhưng rồi sớm hay muộn
Cái chết phải đến thôi.
59. Tôi không thể có được
Cái cảm giác dễ chịu
Rằng trong ngày hôm nay
Thần chết sẽ không đến
Chắc chắn nó xuất hiện
Làm sao yên hưởng nhàn?
59. Ai giúp bớt lo sợ
Ai chỉ tôi lối thoát
Làm sao thoát hãi kinh
Của sự chết phải đến
Sao có thể nhởn nhơ?
60. Khoái lạc đã trải qua
Chỉ còn là hoài niệm
Bám víu mà làm chi
Để trái lời Phật dạy?
61. Chết là lìa bỏ hết
Người thân và bạn bè
Đi vào cõi vô định
Bạn hay thù ích chi?
62. Tôi nên hằng ngày đêm
Tỉnh thức với tư duy
Rằng gieo ác, gặt ác
Làm sao tránh khỏi đây
Sự gieo xấu ác này
63-64. Vì ngu đần, vô minh
Phạm giới do Phật chế
Gây biết bao tội lỗi
Lòng run sợ ác báo.
Nay trước đấng Giác ngộ
Con chấp tay đãnh lễ
Chư Phật và Bồ tát
Xin thành tâm sám hối.
65. Mong quí Ngài tha thứ
Hành động ác từ xưa
Và con xin thệ nguyện
Vĩnh viễn không tái phạm.
CHƯƠNG BA
PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Vui theo hạnh lành
1. Tôi xin vui sướng theo
Công đức và hạnh lành
Mà chúng sinh thực hiện
Tôi cầu họ an vui.
2. Tôi vui mừng ca ngợi
Chúng sinh thoát khổ ải
Và thoát vòng luân hồi
Thành Bồ tát, thành Phật.
3. Tôi xin vui sướng theo
Tâm nguyện như biển cả
Của chư Phật, Bồ tát
Giúp mọi loài đang sống
Được hạnh phúc an vui.
Thỉnh cầu chánh Pháp
4. Tôi chấp tay thỉnh cầu
Chư Phật khắp mười phương
Đốt lên đuốc chánh pháp
Soi sáng kẻ lầm đường
Đang rơi vào thống khổ.
Thỉnh cầu bậc Chiến Thắng
ở lại thế gian
5. Tôi chắp tay thỉnh cầu
Xin các bậc Chiến Thắng
Đang muốn nhập Niết Bàn
Hãy ở lại thế gian
Suốt hằng hà sa kiếp
Để cứu độ chúng sinh
Thoát khỏi vòng tăm tối.
Hồi hướng công đức
6. Với công đức làm lành
Tôi tích tụ từ lâu
Nay xin nguyện hồi hướng
Cứu khổ mọi sinh linh.
7. Với chúng sinh đau bệnh
Nguyện hoá làm thuốc hay
Vừa làm thầy thuốc giỏi
Vừa làm kẻ điều dưỡng.
8. Thời tai ương đói khát
Nguyện làm thức uống ăn
Nguyện như mưa cam lồ
Dập tắt lửa đói khát.
9. Đối với kẻ bần hàn
Nguyện thành kho vô tận
Nguyện thành nhu yếu phẩm
Đáp ứng mọi nhu cầu.
Tự hiến thân mình
10. Vì an vui chúng sinh
Nguyện hiến dâng tất cả
Tài sản cùng thân mạng
Làm thiện suốt ba đời.
11. Buông hết tất thoát khổ
Tâm tất được thanh tịnh
Trước sau phải bỏ hết
Sao bằng bố thí ngay.
12-13. Tôi nguyện đem thân này
Bố thí cho chúng sinh
Họ tha hồ mắng chửi
Đánh đập hay giết hại.
Hoặc đem ra mua vui
Tâm tôi vẫn lặng yên
Vì thân này đã xả
Nên không hề nuối tiếc.
14. Khi họ hành hạ tôi
Dù lòng họ sướng vui
Tôi cũng xin khấn nguyện
Họ không bị ác báo .
15-16. Việc gì lợi chúng sinh
Tôi khiến thân này làm
Nguyện ai gặp gỡ tôi
Đều có nhiều lợi lộc.
Nguyện ai giận, ghét tôi
Hay vu khống, não hại
Đều nhân đấy phát tâm
Hướng về đường Giác Ngộ.
17-18. Tôi xin nguyện bảo hộ
Cho những người cô đơn;
Khách bộ hành cần giúp
Tôi làm kẻ chỉ đường;
Nguyện làm cầu, làm thuyền
Cho kẻ muốn sang sông .
Tôi nguyện làm hòn đảo
Cho người mong cập bến;
Cho ai cần ánh sáng
Tôi nguyện hóa đuốc đèn;
Tôi nguyện thành nhà cửa
Cho người cần nghỉ ngơi;
Tôi nguyện làm tôi tớ
Cho kẻ cần người sai.
19. Nguyện hoá làm bò quý
Thành bình ngọc như ý
Thành thuốc tiên, bùa linh
Nguyện thành cây như ý
Thỏa nguyện ước chúng sinh.
20. Nguyện hóa thành nhu yếu
Căn bản cho sự sống
Của vô số hữu tình
Như đất, nước, lửa, khí.
21. Nguyện làm nhân duy trì
Sinh mạng của mọi loài
Đến lúc không còn ai
Chưa chứng quả Niết Bàn.
Phát tâm Bồ đề
22-23. Như chư Phật quá khứ
Khi phát tâm Bồ đề
Đều lần lượt tu học
Giới hạnh của Bồ tát.
Nay vì lợi chúng sinh
Tôi phát tâm Bồ đề
Siêng tu học giới hạnh
Mà Bồ tát hành trì.
Phần thưởng của sự phát tâm
24. Sau khi các bậc trí
Đã phát tâm Bồ đề
Rồi cố sức tăng trưởng
Nên ca ngợi như sau:
25. Thật phúc thay cho tôi
Nay được mang thân người
Sinh vào gia đình Phật
Được làm con của Phật .
26. Vậy từ nay trở đi
Phải cư xử, hành động
Đúng truyền thống nhà Phật
Quyết không làm ô danh
Giòng giống thanh tịnh này.
27. Như người mù may mắn
Nhặt được viên trân châu
Tôi phát tâm Bồ đề
Cũng may mắn như vậy.
28-32. Tâm Bồ đề cam lộ
Mang lại sự bất tử
Là kho tàng vô tận
Trừ khử cảnh nghèo cùng.
Là linh dược tuyệt vời
Chữa mọi bệnh chúng sinh
Là bóng mát nghỉ ngơi
Cho lữ khách mệt mỏi.
Là cầu đưa chúng sinh
Vượt khỏi đường nguy hiểm
Là vầng trăng dịu soi
Xoa tan bao nóng bức.
Là mặt trời chói lọi
Xua đuổi bóng vô minh
Tâm Bồ đề này đây
Ví như chất đề hồ
Rút từ sữa Diệu Pháp.
Với người khách phiêu bạt
Là lữ quán nghỉ ngơi
Với người tìm an vui
Là cội nguồn hạnh phúc.
33. Nguyện chư Phật chứng giám
Tôi mời khách thập phương
Đến đây để tận hưởng
Niềm vui được thành Phật
Mong chư Thiên, mọi người
Tất cả đều hân hoan .
CHƯƠNG BỐN
THỰC HÀNH TÂM BỒ ĐỀ
Trách nhiệm của Bồ tát
1. Đã phát tâm Bồ đề
Con Phật phải tinh tấn
Tu tập không biếng nhác
Không lìa hạnh Bồ tát.
2. Với công việc ngẫu hứng
Ta có thể nghĩ lại
Rằng nên làm hay không
Mặc dù ta đã hứa
3. Nhưng không thể buông bỏ
Điều Phật và Bồ tát
Đã quán chiếu chiêm nghiệm
Mà tôi đã thọ hành.
4. Tôi đã thề làm lợi
Cho tất cả chúng sinh
Mà không làm như hứa
Như vậy tôi lừa dối
Phận tôi sẽ ra sao?
5. Kinh đã dạy rõ rằng
Ai định cho kẻ khác
Một vật dù nhỏ nhoi
Song rồi lại không cho
Sẽ đọa làm quỷ đói.
6. Tôi đã mời chúng sinh
Dự tiệc đại an lạc
Rồi tôi lại dối gạt
Đời tôi sẽ điêu linh!
7. Người bỏ tâm Bồ đề
Mà được quả giải thoát
Là điều khó nghĩ bàn
Chỉ chư Phật biết rõ.
8. Trong giới hạnh Bồ tát
Ai bỏ tâm Bồ đề
Làm chúng sinh bất lợi
Sẽ gặt quả báo ác.
9. Ai trong một sát-na
Cản trở người làm thiện
Khiến hữu tình bị hại
Sẽ gặp quả báo ác
Thật vô cùng khủng khiếp.
10. Phá an lạc một người
Ta phải bị khốn khổ
Huống chi phá an lạc
Của vô số hữu tình
Ác báo không cùng tận.
11. Người phát tâm Bồ đề
Nhưng hành động ngược lại
Sẽ trôi trong luân hồi
Khó trở thành Bồ tát.
12. Phải cung kính thực hành
Những gì đã thệ nguyện
Nếu tôi không tinh tấn
Sẽ đọa chốn thấp hèn.
Giá trị của cuộc sống
13. Vô số Phật ra đời
Mang lợi đến chúng sinh
Nhưng tôi vì tội xưa
Nên không được ân phước.
14. Nếu tái phạm nghiệp cũ
Chắc chắn không thoát khỏi
Số phận thật hẩm hiu
Bệnh đau và tật nguyền
Lăn lóc trong nẻo ác.
15. Làm sao có cơ hội
Được gặp Phật xuất thế
Được duyên tu hành tốt
Thấm nhuần được Phật pháp
Và thuận duyên tu hành?
16. Mặc dù được khỏe mạnh
Đủ ăn, không tổn thương
Nhưng thân này tạm bợ
Đó chỉ là ảo ảnh.
17. Với cuộc sống hiện nay
Khó tái sinh thành người
Mà không được thân người
Làm sao làm việc thiện?
18. Có cơ hội làm thiện
Mà bỏ qua không làm
Liệu tôi làm được gì
Khi thống khổ bức bách?
19. Nếu không làm việc thiện
Chỉ toàn làm việc ác
Dù trải qua muôn kiếp
Vẫn không biết cõi lành.
20. Đức Thế tôn dạy rằng
Thân người khó được thay
Như rùa mù dưới biển
Cổ ngoi lên trúng ngay
Vào lỗ ván phiêu bồng.
21. Phạm tội nặng chốc lát
Đã phải bị đọa đày
Vào địa ngục vô gián
Vậy với tội muôn kiếp
Làm sao sinh cõi lành?
22. Chờ trả xong ác báo
Cũng khó thoát địa ngục
Bởi trong lúc trả nghiệp
Lại gây thêm tội mới.
23. Khi được thân con người
Là được cơ hội tốt
Cho công việc tu hành
Nếu bỏ cơ hội ấy
Thật không gì điên hơn.
24. Nếu đã biết như vậy
Mà vẫn ngu si, lười
Khi thần chết gõ cửa
Sẽ đau khổ dường bao.
25. Lửa địa ngục hừng hực
Đốt thân tôi nhiều kiếp
Và ngọn lửa ăn năn
Càng hành hạ tâm can.
26. Thật khó hiểu vì sao
Tôi có được thân người
Khi nhận biết điều này
Thì rơi vào địa ngục!
Diệt trừ ái dục
27. Phải chăng các bùa chú
Khiến tôi bị si mê
Ai làm tôi mù lòa?
Ma nào ẩn thân tôi?
28. Những kẻ thù tham sân
Không tay chân mặt mũi
Không dũng cảm thông minh
Sao chúng sai sử tôi?
29. Chúng ngự trị tâm tôi
Thường làm tôi tổn hại
Mà tôi không biết giận
Đó là nhẫn nhục sai
Quả thật là đáng trách.
30-31. Trời, người dù hợp lại
Nhất tề tấn công tôi
Vẫn không thể đẩy tôi
Vào địa ngục vô gián.
Nhưng phiền não ái dục
Lại ném tôi vào đó
Nơi mà núi Tu Di
Cũng cháy không còn tro.
32. Bè lũ của ái dục
Sống dai dẳng vô cùng
Vô thỉ đến vô chung.
Kẻ thù trong đời tôi
Không sống lâu đến thế!
33. Theo kẻ địch ngoài đời
Chúng còn chia lợi lộc,
Ngược lại địch tham dục
Chỉ luôn tạo khổ đau
Cho người phục dịch nó.
34. Kẻ thù dai dẳng ấy
Là cội nguồn bất hạnh
Nó ở ngay tâm tôi
Tôi an nhiên sao được?
35. Nó là kẻ cai tù
Kẻ hành quyết tội nhân
Nó ngự trị tâm tôi
An lạc làm sao được?
36-38. Ái dục chưa tận diệt
Tôi phải tinh tấn hơn!
Kẻ kiêu ngạo bị mắng
Liền nổi giận, trả thù
Khi hạ đối thủ xong
Mới an lòng yên ngủ.
Những chiến sĩ ra trận
Tàn nhẫn diệt quân thù
Dù những kẻ địch ấy
Tự nhiên cũng phải chết.
Họ phóng giáo, bắn tên
Không đào tẩu tháo lui
Khi chiến thắng chưa đạt.
39. Vậy thì chính tôi đây
Quyết tâm diệt ái dục
Tôi quyết chí không lùi
Dù đau đớn, thất vọng.
40. Con người vì mưu sinh
Phải chài lưới, làm ruộng
Phải cố chịu đói lạnh
Nay tôi vì chúng sinh
Sao lại tránh khổ cực
Không gánh vác nhọc nhằn?
41-42. Dù tôi chưa giải thoát
Song đã nguyện cứu độ
Chúng sinh khắp mười phương
Vượt khỏi biển ái dục.
Tôi chưa tự lượng sức
Mà lòng đã nguyện thề
Vậy tôi điên hay không?
Dẫu vậy tôi vẫn quyết
Không ngừng diệt ái dục
Nơi chính bản thân mình.
43. Như chiến sĩ hờn căm
Quyết chiến thắng tất cả
Tôi giữ một say mê
Diệt ái dục đến cùng.
44. Thà tôi bị thiêu đốt
Bị moi ruột, chặt đầu
Nhưng quyết không khuất phục
Giặc ái dục bạo tàn.
45-46. Kẻ địch khi bị thua
Rút lui, tìm nơi ẩn
Rồi khi phục hồi sức
Quay lại để phục thù.
Nhưng ái dục thì không
Khi nó bị đánh bại
Nó chui vào trong tâm
Vốn yếu hèn của tôi
Và lẩn trốn nơi đó.
Ái dục thật hèn hạ
Duy chỉ có Trí tuệ
Mới tiêu diệt nó thôi.
47. Nó không ở ngoại cảnh
Không nằm trong các căn
Không ở giữa các căn
Hoặc bất cứ nơi khác.
Vậy nó từ đâu đến?
Khiến cho đời đảo điên?
Nó chỉ là ảo ảnh!
Hỡi tâm của tôi ơi!
Không nên sợ ái dục
Hãy giải phóng nó đi
Hãy tu chứng Trí tuệ;
Đừng để ái dục xô
Đẩy tôi vào địa ngục.
48. Thường tư duy như vậy
Nên cố sức tu hành
Giữ trọn giới Bồ tát;
Không tuân lời lương y
Làm sao dứt được bệnh?
Các bản dịch khác:
Nhập Bồ Tát Hạnh do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch năm 1998
Bồ Tát Hạnh, do Thượng Tọa Thích Trí Siêu (Pháp) dịch năm 1990
Gửi ý kiến của bạn