Dấu Tích Của Quốc Tự Khải Tường

12 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 18388)


TỪ PHO TƯỢNG CỔ CHÙA KHẢI TƯỜNG
TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ TP.HCM
TÌM LẠI DẤU TÍCH CỦA QUỐC TỰ KHẢI TƯỜNG XƯA

Trần Đình Sơn

tuong-co-chua-khai-tuong-contentTại khu vực trung tâm TP. HCM, có những ngôi giáo đường đồ sộ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tồn tại đến nay hơn trăm năm. Về chùa chiền cũng có những chùa lớn như Xá Lợi, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm…, nhưng những ngôi chùa này chỉ mới được xây dựng trong khoảng 40, 50 năm nay. Còn những ngôi chùa cổ nổi tiếng của đất Gia Định – Sài Gòn xưa như Kim Chương, Từ Ân, Khải Tường… vì sao mất dấu?

Gần 150 năm trôi qua, may mắn thay “chứng nhân” giai đoạn lịch sử đen tối, đau thương của dân tộc Việt vẫn còn có mặt ngay tại thành phố này, đó là pho tượng Phật chùa Khải Tường hiện được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Tp.HCM. Từ pho tượng quý này, chúng tôi tìm lại dấu tích của ngôi chùa xưa: quốc tự Khải Tường. Căn cứ sử sách ghi chép được biết:

- Tháng 8 năm Mậu Thân (1788), chúa Nguyễn Phước Ánh đánh lui quân Tây Sơn thu phục đất Gia Định. Tháng 9, chúa sai Nguyễn Văn Nhơn, Trương Phước Giáo ra đảo Phú Quốc rước mẹ, vợ con về sum họp.

- Tháng 3 năm Canh Tuất (1790), Nguyễn Vương cho đắp thành Gia Định theo kiểu bát quái. Trong thành kiến thiết miếu điện, cung thất, kho tàng… nên gọi là Kinh thành Gia Định. Từ đó cơ nghiệp họ Nguyễn Phước hưng thịnh dần cho đến ngày thống nhất đất nước (1802).

- Ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1791), thứ phi của chúa, bà Trần Thị Đang sinh ra vương tử thứ tư Nguyễn Phước Đảm tại tư dinh của bà Quốc công Tống Phước Khuông[1] .

Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), hoàng tử Đảm lên nối ngôi chọn niên hiệu Minh Mạng (1820-1840). Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1882), vua nhớ đến nơi mình sinh ra nên truyền lệnh cho các quan ở Gia Định dò tìm lại dấu tích. Xác minh được di chỉ ở xóm Tân Lộc bên hữu thành Gia Định, vẽ bản đồ dâng về Huế. Vua hạ lệnh xuất 300 lượng bạc trong kho nội phủ giao cho tỉnh Gia Định tổ chức việc xây dựng một ngôi chùa tại địa điểm trên theo đúng bản vẽ của Bộ Công. Quy mô từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông trống ba gian hai chái; tiếp đến điện Phật ba gian; hai bên có hành lang dài nối với Tăng xá và nhà ăn đều ba gian hai chái. Chùa làm xong, thỉnh hai mươi nhà sư đến cư trú, ban cấp ruộng đất lấy hoa lợi lo việc thờ cúng hàng năm. Vua đặt tên chùa “Quốc Ân Khải Tường tự”[2] . Dịp lễ khánh thành, triều đình Huế gởi vào một pho tượng Phật Thích Ca ngồi kiết già trên tòa sen. Tượng tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, cao gần 2m. Đây là pho tượng Phật lớn nhất ở miền Nam đương thời, nên dân gian còn gọi chùa Khải Tường là “chùa Phật lớn” hay “chùa ông Phúc”[3] .

Quốc tự Khải Tường có các vị cao tăng trụ trì hoằng dương đạo pháp, được triều đình bảo hộ nên trở thành ngôi chùa tiêu biểu, ảnh hưởng rộng lớn đến quần chúng đạo Phật khắp Nam kỳ lục tỉnh cho đến ngày…

Từ Bến Thành trải qua Chợ Sỏi, mùi tinh chiên xí xố biết bao nhiêu,
Nơi Chợ Lớn trải tới Cầu Thương, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm!
Cầu Bà Nghè cùng nơi Chợ Quán, lũ tham tàn đắc ý vênh râu,
Chùa Cẩm Thảo trải tới Cây Mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng…

(Phú Gia Định thất thủ – khuyết tên)

Ngày 18 tháng 2 năm 1859, thiếu tướng hải quân Rigault De Genouilly chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định. Nhằm nhanh chóng ổn định tình thế, trấn áp dân bản xứ, thiết lập quyền lực cai trị, quân xâm lược phá hủy toàn bộ thành trì, công thự của Nam triều; chúng chiếm đóng chùa Khải Tường và các ngôi chùa lớn khác như Từ Ấn, Kim Chương, Kiểng Phước, Mai Sơn… thiết lập phòng tuyến quân sự. Năm 1880, chính quyền thực dân triệt hạ chùa và đem chiến lợi phẩm, pho tượng Phật chùa Khải Tường, về cất giữ ở kho phủ Toàn quyền.

Năm mươi năm sau, ngày 1 tháng 1 năm 1929, Viện Bảo tàng Blanchard De La Bross (lấy tên của viên Thống đốc Nam Kỳ đã ký nghị định thành lập Viện bảo tàng) khánh thành, mở cửa triển lãm cổ vật. Tượng Phật chùa Khải Tường được di chuyển về đặt tại văn phòng bát giác, trung tâm Viện Bảo tàng để mọi người tham quan chiêm ngưỡng. Sau năm 1975, tượng được dời ra trưng bày ở phòng phía sau cho đến nay.

phong-trung-bay-tuong-phatNgày nay, du khách có dịp tham quan Viện Bảo tàng lịch sử thành phố, chiêm ngưỡng tư thế tự tại, nụ cười an nhiên “tùy sở trú xứ thường an lạc”[4] , nhưng mấy ai tường tận việc nổi trôi theo vận nước của tượng Phật chùa Khải Tường, mấy ai suy nghĩ sâu sắc như nhà văn Sơn Nam: “Giặc có ý thức chính trị, có lẽ do bọn Việt gian xúi giục nên hầu hết chùa miếu thờ Quan Công, thờ Mã hậu đều còn nguyên vẹn, trong khi chùa Phật và thành lũy lớn nhỏ của người Việt đều bị phá hủy không nương tay.”[5] 

May thay tượng Phật lớn chùa Khải Tường vẫn còn đó để người dân Việt thấy rõ vận mệnh của đạo Phật gắn liền với dân tộc. Ngày xuân, ngâm lại bài thơ cảm tác trước cảnh nước mất chùa tan của cử nhân Phan Văn Trị (1830 – 1910) càng thấm thía thêm sự thật đó:

Nam mô hai chữ biết về đâu?

 





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Tư 2015(Xem: 8712)
Phật Giáo Việt và Phật Giáo Tàu có mối tương quan tương duyên đặc biệt kéo dài cả ngàn năm. Nhưng thực chất thì Phật Giáo Việt không lệ thuộc Phật Giáo Tàu. Trong quá trình lịch sử, Phật Giáo Việt mở rộng tâm và trí để tiếp thu có gạn lọc và sáng tạo những tinh hoa của Phật Giáo Tàu nói riêng và các trào lưu văn hóa nói chung để làm giàu thêm cho gia tài tâm linh quý báu của mình.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 7595)
Ngày xưa Đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc, dầm mưa dãi nắng, ăn đói mặc rách suốt 49 ngày đêm thiền định dưới gốc bồ đề mới tìm ra chân lý giải thoát. Ngày nay có những người xưng là đệ tử Phật gia nhưng hám mùi tiền, tham danh lợi, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi không khác chi hàng quyền quý. Đã bước chân vào chốn 'Không Môn' chắc hẳn các vị ấy đều biết câu 'vô thường', 'giả tướng'?
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 4788)
12 Tháng Mười 2014(Xem: 13804)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
08 Tháng Mười 2014(Xem: 14062)
Đáng lý ra thì ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự được xây dựng quy mô lớn lao theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã. Nhưng vì sự tranh đấu liên tục của giáo hội lúc bấy giờ nên chưa xây dựng ngôi chùa theo đồ án và rồi sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975 thì có thời gian 10 năm chùa bị hoang phế nên nhà nước tạm thời trưng dụng… Nay chính quyền thành phố đã hoàn trả thêm 7000 mét vuông và GHPGVN đang xúc tiến xây lại toàn bộ Việt Nam Quốc Tự với kinh phí dự trù 150 tỷ đồng…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15476)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
26 Tháng Chín 2014(Xem: 7207)
Đạo Phật có trên hai mươi lăm bộ phái và 2500 năm lịch sử. Con đường tồn tại và phát triển của đạo Phật cho đến ngày hôm nay về mặt lý thuyết cũng như thực hành là con đường Trung Đạo. Cho nên, trung đạo là chánh đạo. Nghiêng lệch một ly là đi một dặm. Vũ khí thiện xảo nhất của Phật giáo dùng để đối trị với những thế lực đối nghịch – đối nghịch tự thân phát xuất từ bên trong và đối nghịch ngoại cảnh tác dụng từ bên ngoài – là tinh thần Trung Đạo.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 5895)
Thiền phái Trúc Lâm được Hòa thượng Thanh Từ khôi phục lại, đang phát triển rộng ở Việt Nam. Cũng là lúc Việt Nam đang bị giặc ngoại xâm quấy phá. Chợt nghĩ đến thời thịnh trị của các vua Trần. Một dòng họ có đến 5 vị vua đều là phật tử, vừa trị vì đất nước, vừa nghiên cứu nội điển tu hành, vừa khuyến giáo dân chúng hành thập thiện. Có lẽ vì thế mà không có thời đại nào vàng son như thời đại của chư vị, nhất là vào thời của Trần Nhân Tông. Không phải chỉ ở mặt phát triển đất nước mà cả ở việc giữ gìn bờ cõi. Nhưng do đâu có sự thịnh trị đó?