Tình Trạng Văn Bản- Iii. Khác Biệt Giữa Hai Truyền Bản

02 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 7617)


Lê Mạnh Thát 

TOÀN TẬP CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam


III. KHÁC BIỆT GIỮA HAI TRUYỀN BẢN 

Bây giờ, nếu đem thống kê vừa nêu của nội dung truyền bản ba tập so với nội dung của truyền bản hai tập liệt ở trên, rõ ràng truyền bản ba tập tỏ ra phong phú không chỉ về đề mục, mà còn cả về số lượng. Thực vậy, truyền bản hai tập chỉ có 120 đề mục, trong khi con số đó ở truyền bản ba tập là 348, nghĩa là nhiều gấp ba lần. Một khi đề mục đã nhiều như thế, tất nhiên số lượng thơ văn chắc chắn sẽ dồi dào hơn, mà ta có thể thấy qua biểu so sánh sau: 
 
 

Truyền bản hai tập

Truyền bản ba tập

Thơ 

221

338

Đối

62

265

Chú Thích

0

27

Văn

5

21

Ca

2

7

Châm

1

3

Phú

1

1

Tụng

0

1


Qua biểu so sánh, ta thấy hai truyền bản có một khác biệt rất lớn về số lượng thơ và câu đối. Sự khác biệt số lượng về câu đối, rồi sẽ thấy, biểu thị một ý nghĩa xã hội tôn giáo đáng chú ý, điểm chỉ cho ta biết Phật giáo đã xâm nhập vào đời sống xã hội như thế nào. Còn về thơ, vì được viết dưới nhiều thể loại khác nhau, từ hai câu cho đến ngũ ngôn tứ tuyệt (NNTT), thất ngôn tứ tuyệt (TNTT), thất ngôn bát cú (TNBC) và đặc biệt dùng cả thể thơ thuần túy Việt Nam là song thất lục bát (STLB), nên để dễ thấy, chúng tôi cho kê ra ở biểu sau: 
 

Truyền bản hai tập

Truyền bản ba tập

Thơ hai câu

6

6

Cổ phong

0

3

Thơ 4 chữ

6

7

Thơ 5 chữ

4

12

NNTT

5

6

TNTT

129

166

TNBC

68

137

STLB

1

1

Sự dồi dào thơ văn của truyền bản ba tập, khi so với truyền bản hai tập cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì như đã nói, truyền bản hai tập hoàn thành vào tháng giêng năm Quý Tỵ (1953), trong khi truyền bản ba tập, dù vẫn giữ lời tựa năm Quý Tỵ, đã thu thập một số lớn các tác phẩm viết sau năm ấy khoảng 10 năm. Ta thấy một loạt các thơ văn có ghi thời điểm ra đời sau năm Quý Tỵ như bài Được cho gạo vào tháng chạp năm Bính Thân (1956), bài Ngắm buổi chiều ở chùa Từ Ân năm Đinh Dậu (1957), Huấn thị tại Phật học đường Thập Tháp năm Mậu Tuất (1958), bài Sáu mươi tuổi tự vịnh năm Kỷ Hợi (1959), bài thơ Mừng Phật đản năm Canh Tý (1960), năm Tân Sửu (1961) và năm Nhâm Dần (1962). Thời điểm cuối cùng có ghi trong truyền bản ba tập là năm Quý Mão (1963) trong bài số 226 với nhan đề Phật đản tụng. Chính vì thời điểm cuối cùng là trước ngày Phật đản năm Quý Mão (1963), nên một số thơ văn viết ra sau thời điểm ấy, đặc biệt liên hệ với cuộc vận động Phật giáo năm đó đã không được thu thập lại. Cụ thể là câu liễn đi điếu cho thiền sư Tiêu Diêu vị pháp vong thân tự thiêu vào mồng 10 tháng 5 năm Quý Mão:

Hộ Phật pháp, diệc vị quần sanh,
nhất hoả thiêu tàn chung cổ hận.
Đáp hồng ân, thả thù đại nguyện,
thử thân hưu luận bách niên khan.

(Hộ Phật pháp cũng vì quần sanh,
một lửa thiêu tan muôn thuở hận.
Đáp hồng ân vừa thoả nguyện lớn,
thân này thôi luận trăm năm xem)

đã không thấy xuất hiện trong Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản ba tập hiện nay. Phong trào vận động Phật giáo năm 1963 chắc chắn đã gợi lên trong lòng thiền sư bao cảm xúc và tự bản thân thiền sư đã tham gia. Thế nhưng, trừ câu liễn đi điếu vừa dẫn mà chúng tôi thu thập được vào cuối năm 1974 khi mới trở về nước, còn bao nhiêu thì không biết tán thất từ bao giờ. Một số có thể đã bị mất khi thư phòng của thiền sư, tức Thủy nguyệt hiên, bị cháy trong cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân (1968).

Với những khác biệt rất lớn về đề mục và số lượng vừa thấy, tất nhiên để tìm hiểu đầy đủ sự nghiệp trước tác của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống, chúng ta buộc phải chọn truyền bản ba tập làm bản đáy cho công tác phiên dịch ra tiếng Việt tác phẩm Thủy nguyệt tòng sao cũng như công bố nguyên bản chữ Hán. Ta cũng biết giữa hai truyền bản có một số xuất nhập về văn cú, thậm chí cả một bài thơ, mà chúng tôi đã chỉ ra ở trên. Cho nên, khi phiên dịch, chúng tôi vẫn coi truyền bản ba tập là bản chính thức, còn truyền bản hai tập chỉ được sử dụng để tham khảo và bổ sung những gì mà văn cú của truyền bản ba tập còn thiếu, đặc biệt các chi tiết liên hệ đến thời điểm ra đời của các tác phẩm thơ văn.

Chẳng hạn, bài thơ số 92 của truyền bản ba tập chỉ có nhan đề Đông nhật vịnh mai là đồng nhất với bài thơ số 73 của truyền bản hai tập. Còn có một sai khác đó là về nhan đề thì bài số 73 có thêm hai chữ Mậu Tý, tức Mậu Tý đông nhật vịnh mai, chỉ cho biết năm viết bài thơ ấy, năm 1948. Trường hợp bài 93 cũng tương tự. Bài này trong truyền bản ba tập có nhan đề chỉ ghi Xuân nhật truy điệu Giác Bổn thượng nhân, trong khi bài tương đương của nó trong truyền bản hai tập là số 72 lại ghi thêm năm Kỷ Sửu (1949): Kỷ Sửu sơ xuân truy điệu Giác Bổn đại đức. 

Không những truyền bản ba tập có những bài thơ không ghi năm ra đời, mà còn có những bài có ghi thì có một trường hợp lại không chính xác. Ví dụ, trong chùm thơ viết về Phật đản đăng ở nguyệt san Liên Hoa trong những năm Canh Tý (1960), Tân Sửu (1961) và Nhâm Dần (1962) dưới nhan đề Liên Hoa nguyệt san Phật tổ đản nhật cung kỷ, thì bài số 1 chép lại trong Thủy nguyệt tòng sao ghi là năm Kỷ Hợi, còn bài số 3 đăng ở Liên Hoa nguyệt san 4 (1962) 24-25 dưới nhan đề Thích Tôn đản nhật cung kỷ ghi rõ ràng là viết vào ngày rằm tháng tư năm Nhâm Dần. Thế nhưng, tập Trung của truyền bản ba tập lại ghi là năm Bính Dần. Rõ ràng Bính Dần là một chép sai của Nhâm Dần.

Bên cạnh đó, nếu đọc kỹ truyền bản hai tập, ta không phát hiện ra bất cứ một lỗi chính tả nào. Trong khi đó, truyền bản ba tập lại có một số lỗi. Chẳng hạn, bài thứ hai trong chùm thơ Hoạ đáp Hy Đình cư sĩ (số 297) của Tập hạ, hai câu luận đọc thế này:

Phù bình đại hải thành nan định
Liên phát hồng lô khởi dị tầm

Chữ khởi trong câu thứ hai được viết 起 , như thế có nghĩa là dậy, đứng lên, nổi lên, mà đáng lẽ ra phải viết là 豈 với nghĩa há, sao (Thiều Chửu). Việc chép chữ khởi này qua chữ khởi kia có lẽ xảy ra vì truyền bản ba tập này ra đời sau năm 1963, lúc thiền sư tuổi đã lớn, sức khỏe nói chung không còn tốt nữa, dù rằng nó vẫn được thiền sư đọc nhiều lần và phê điểm bằng mực son. Ta có thể nói thiền sư đã đọc đi đọc lại để chỉnh sửa một số chữ viết sai vì hiện còn một số dấu vết. Ví dụ trong bài thơ thứ hai của chùm thơ Đáp tặng Mỗ nữ sử huệ tứ ngân tệ (số 126) của Tập thượng, hai câu thực đọc: 

Thí thuyết vị chu ưu mộ tuế 
Bộc thành tương quỹ cảm giao tình

thì chữ cảm trong câu thứ hai nguyên viết bằng mực đen với nghĩa là dám, đã được sửa lại bằng mực son với nghĩa là cảm kích, cảm xúc … Tuy có chỉnh sửa như thế , nhưng vẫn còn một số lỗi như đã nói. 

Qua những ví dụ này, truyền bản hai tập do vậy cũng tỏ ra có một số ưu điểm đối với những tác phẩm thơ văn của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống xuất hiện trước năm Quý Tỵ (1953), tức năm ra đời của truyền bản ấy. Với các trường hợp đó, rõ ràng chúng ta không thể bỏ qua những thông tin mà nó đã cung cấp. Do thế, khi dịch, chúng tôi sẽ đưa thêm chúng vào nhằm giúp hiểu rõ hơn nội dung hoặc thời điểm ra đời của các tác phẩm ấy, đặc biệt lúc truyền bản hai tập chưa có dịp đưa ra in trong đợt này và người đọc từ đó không thể nào có cơ hội tiếp cận nó được, bởi vì đây là truyền bản duy nhất hiện còn lại.
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Sáu 2016(Xem: 6012)
Trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo, Phật tử Việt Nam tiếp nhận ba truyền thống Tu Tập chính yếu, đó là Thiền, Tịnh và Mật; nếu vận dụng tu tập đúng pháp thì có khả năng giải hóa mọi phiền não và được giải thoát. Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông.
09 Tháng Năm 2016(Xem: 6295)
Có những mất mát không gì bù đắp được, có những sự chia ly diệu kỳ như huyền sử. Kẻ ở cứ mãi nhớ thương, hồi ức đong đầy nơi khóe mắt. Người đi mỉm cười thinh lặng vô ngôn, có chút tiếc nuối mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho đạo pháp như lòng hằng mong muốn. Cầu nguyện Hòa Thượng sớm trở lại cõi Ta Bà để giáo hóa chúng sinh. Nước sông Côn, đầm Thị Nại, biển Đề Gi, ngày đó sẽ xanh hơn trong hơn, cá nhởn nhơ bơi lội từng đàn trong giòng nước mát rượi như cam lồ tịnh thủy.Chúng con mãi mãi ngóng đợi trông chờ.
29 Tháng Ba 2016(Xem: 5665)
Những Thiền sư VN đã sống trọn vẹn đời mình theo những điểm căn bản của Đại thừa như vậy, và một khi phát khởi tâm Bồ đè, Trí Huệ soi thấy Tánh Không, lòng Đại Bi, phương tiện thiện xảo được phát triển một cách trọn vẹn, đã làm nên cái đặc trưng mà chúng ta thường nói là tính cách nhập thế của Phật Giáo Việt Nam.
18 Tháng Giêng 2016(Xem: 7670)
Năm nay, 2016, đánh dấu 50 năm Phật Giáo Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ, tính từ năm 1966, khi mà Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đến Mỹ dạy tại Đại Học UCLA và ở lại luôn để truyền bá Phật Giáo Việt Nam tại đây. Vì vậy, Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân là vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ.
12 Tháng Giêng 2016(Xem: 6215)
Danh từ Nhân gian Phật giáo xuất hiện lần đầu tại Việt Nam trên Tuần báo Đuốc Tuệ do Hội Phật Giáo Bắc Kỳ xuất bản tại Hà Nội. Số đầu ra ngày 10/12/1935. Đuốc Tuệ hoạt động được 10 năm thì bị đình bản vì có cuộc cách mạng giành độc lập năm 1945.
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 8060)
Từ khi biết đến tác phẩm quý “Thiền sư Khương Tăng Hội” này tôi đã đi rất nhiều chùa để tìm xem ở những đâu có thờ Tổ Khương Tăng Hội. Tiếc thay, tìm mãi mà không thấy. Nơi nơi chỉ thấy thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma, một vị tổ người Ấn Độ đã mang Đạo Phật vào Trung Quốc rồi sau này mới lan sang đến Việt Nam.
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 6488)
Khi học về truyền thống sinh động của thiền tập đạo Bụt, chúng ta đã bắt đầu từ Ấn Độ rồi sang Việt Nam. Khi nói về thiền Việt Nam, chúng ta có cơ hội xét lại thiền tông ở Trung Quốc. Chúng ta làm khác với cách thông thường là từ Ấn Độ đi sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc mới về Việt Nam. Lý do là vì ở Việt Nam chúng ta có thiền phái Tăng Hội, được thiết lập vào thế kỷ thứ 3, tức 300 năm trước ngày tổ Bồ-Đề Đạt-Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa để dạy thiền.
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 6892)
Bài này viết được là nhờ thu thập công trình nghiên cứu trong luận án Phó Tiến sĩ của Budden Gyoshi (Phật Điển Hành Tư): Buddhism in Vietnam, the Period of Introduction and Development (Murdoch University, 1979).
23 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6263)
Thầy Thích Hạnh Tuấn là một trong những bậc Tăng tài của Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng và của Phật Giáo Việt Nam nói chung trong thời đại ngày nay.