Lời mở đầu

17 Tháng Bảy 201409:53(Xem: 4496)
THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông

1
LỜi Mở Đầu

blankThiền sư Tăng Hội là tổ sư của Thiền tông Việt Nam. Thân phụ của thầy là người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mẹ thầy là người Việt. Mới hơn mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời, và thầy được nhận vào chùa làm chú tiểu.

Sa di Tăng Hội đã được học kinh Phật bằng tiếng Phạn và cũng đã được học chữ Hán. Lớn lên, thọ giới lớn, không những thầy tinh thông Phật học mà cũng tinh thông cả Nho học lẫn Lão học nữa. Vì tài liệu thiếu thốn, ta không biết thầy đã học đạo và hành đạo tại đạo tràng nào ở kinh đô Luy Lâu của Giao Chỉ, trước đó nội thuộc nhà Hán mà kinh đô là Lạc Dương, và sau năm 229, khi nhà Hán sụp đổ, thì nội thuộc vào nước Đông Ngô, một trong ba nước của đời Tam Quốc. Kinh đô Đông Ngô là Kiến Nghiệp, tức là Nam Kinh bây giờ.


Trung Tâm Luy Lâu

Thầy đã thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại Giao Chỉ. Trung tâm hành đạo của thầy có thể đã được thiết lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Chùa Pháp Vân dựng gần nha môn của quan thái thú Sĩ Nhiếp, đã là một trung tâm hành đạo phồn thịnh cho đến triều nhà Lý, dù rằng sau đó Luy Lâu không còn là thủ phủ của Giao Châu nữa. Tăng sĩ người Giao Châu cư trú đông đảo ở đây và tu tập hành đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tăng Hội. Tại trung tâm này cũng có hai vị cư sĩ từ kinh đô Lạc Dương tỵ nạn chạy về, đó là Trần Tuệ và Bì Nghiệp. Cả hai đều là đệ tử tại gia của thiền sư An Thế Cao ở Lạc Dương. Thầy An Thế Cao là người An Tức (Parthia) cũng Bắc Ấn. Hồi đó bên nhà Hán, người Hán chưa được phép xuất gia làm tăng sĩ. Chỉ ở Giao Châu mới có tăng đoàn địa phương, ngoài một số ít tăng sĩ người Ấn độ. Hai vị cư sĩ này đã mang theo về Luy Lâu một số kinh thiền do thiền sư An Thế Cao dịch. Thầy Tăng Hội đã mời các vị này gia nhập vào ban nghiên cứu phiên dịch và chú giải kinh điển của trung tâm Luy Lâu. Cư sĩ Trần Tuệ đã chú giải kinh An Ban Thủ Ý. Thầy Tăng Hội đã đọc lại bản chú giải, thêm bớt, và viết bài tựa. Bài tựa của kinh An Ban Thủ Ý, theo tài liệu chắc chắn, đã được viết tại Giao Châu, và nhiều kinh khác mang tên thầy là dịch giả chắc hẳn cũng đã được dịch tại Giao Châu.

Truyền thống của thầy Tăng Hội thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh, tồn tại mãi tới đời Lý và sau đó đến đời Trần mới hòa nhập cùng các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, v.v... vào thiền phái Trúc Lâm. Sách Thiền Uyển Tập Anh có cho biết là người đại diện cho thiền phái Tăng Hội ở thế kỷ thứ 12 là thiền sư Lôi Hà Trạch. Rất tiếc là ta không có tài liệu gì thêm về thiền phái này. Tại Luy Lâu hồi ấy, giới trí thức nhà Hán về tỵ nạn đông lắm và vì vậy giáo pháp của đạo Bụt đã phải được trình bày theo một phương cách để người có Lão học và Khổng học có thể dễ hiểu và dễ tiếp nhận. Tác phẩm đầu tiên viết bằng chữ Hán về đạo Bụt đã được viết tại Luy Lâu. Mâu Tử tác giả sách này đã mở đường cho công trình hoằng pháp theo phương hướng ấy. Mâu Tử có thể đã là một trong những vị thân giáo sư của thiền sư Tăng Hội. Tại trung tâm Luy Lâu, tăng sĩ người Giao Châu đã được học hỏi cả kinh điển chữ Phạn và chữ Hán, đã phải học hỏi cả Lão giáo và Khổng giáo để có thể hoằng pháp với giới trí thức. Thầy Tăng Hội là một mẫu người lý tưởng cho giới xuất gia thời đó, bởi vì ngoài Phật học, thầy còn lão thông Nho học, Lão học và những khoa học khác như đồ vỹ, thiên văn, địa lý, v.v... Sử dụng Tứ thư và Ngũ kinh để diễn bày Phật học, đó là việc rất thông dụng trong thời ấy. Có những danh từ Phật học mà sau đó mấy trăm năm không còn được dùng, như danh từ Đức Chúng Hựu chỉ cho Đức Thế Tôn, danh từ Tông Miếu chỉ cho tự viện, danh từ Đạo chỉ cho Pháp và Bồ Đề, danh từ Tang Môn chỉ cho Sa Môn, danh từ vô ngô chỉ cho vô ngã, danh từ vô vi chỉ cho Niết Bàn. Ngoài các thiền kinh căn bản như kinh An Ban Thủ Ý, kinh Ấm Trì Nhập, kinh Pháp Cảnh, kinh Đạo Thọ, kinh Niệm Xứ, kinh Tứ Thập Nhị Chương, còn có các kinh đại thừa như kinh Đạo Hành Bát Nhã, kinh Lục Độ Tập. Tăng sĩ Giao Châu thọ trì 250 giới theo giới bản Thập Tụng của Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada), tuy nhiên tất cả đều thực tập theo truyền thống đại thừa và tất cả đều ăn chay. Lúc ấy chưa có giáo đoàn tỳ khưu ni. Các thầy còn quấn y tăng già lê, chưa mặc áo tràng, vì áo tràng chỉ xuất hiện vào đầu đời Đường. Thầy Tăng Hội sang Ngô cũng đắp y tăng già lê màu vàng. Chắc chắn là hồi ấy dân ta đã gọi Buddha là Bụt, đã biết đọc tam quy ngũ giới và xưng tán tam bảo bằng tiếng Sanskrit, cũng có thể đã biết tụng đọc bằng tiếng Việt. Các thầy đã học hỏi và sử dụng các thiền kinh nguyên thỉ theo tinh thần đại thừa. Giáo lý của thầy Tăng Hội chứng tỏ một cách rõ ràng khuynh hướng ấy. Giáo lý Lục Độ là giáo lý đại thừa căn bản. Ngoài việc biên tập kinh Lục Độ Tập, thầy Tăng Hội còn sáng tác Lục Độ Yếu Mục để làm sách giáo khoa cho đạo tràng Luy Lâu.

Chùa Pháp Vân tại Luy Lâu là một đạo tràng hưng thịnh thực tập thiền học. Đến thế kỷ thứ 6, khi thiền sư Vinitaruci vân du tới Giao Châu (562), ông đã tới cư trú tại chùa này và đã gặp thiền sư Quán Duyên người đang chủ trì sự giảng dạy và hướng dẫn thiền tập tại đây. Thiền sư Pháp Hiền là một trong những đệ tử xuất sắc của thiền sư Quán Duyên, sau này lại được đắc pháp với thiền sư Vinitaruci nữa. Ta có nhiều lý do để tin tưởng rằng các thiền sư Huệ Thắng (chùa Tiên Châu Sơn) của Giao Châu, người đã qua dạy thiền ở chùa U Thê ở Bành Thành, cũng như thiền sư Quán Duyên (chùa Pháp Vân) đều là những người thuộc hệ phái thiền Tăng Hội.

Sau một thời gian hành đạo tại Luy Lâu, thầy sang nước Ngô. Thầy tới Kiến Nghiệp kinh đô nước Ngô năm 247, nghĩa là vào năm thứ 10 của niên hiệu Xích Ộ Tại Kiến Nghiệp, thầy đã xây dựng trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ, tổ chức giới đàn, và độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên tại Trung Quốc người bản xứ được phép xuất gia để thành sa môn. Thể thức truyền giới của thầy là thể thức tam sư thất chứng. Tam sư là ba vị thầy: hòa thượng, yết ma và giáo thọ. Thất chứng là bảy vị chứng minh. Để có được hội đồng truyền giới, thầy đã cho gửi mời các vị sa môn từ Giao Chỉ qua, tại vì hồi ấy ở Đông Ngô không có sa môn, kể cả sa môn người Ấn độ.

Trung Tâm Kiến Nghiệp

Chùa Kiến Sơ đã do vua Tôn Quyền nước Đông Ngô yểm trợ xây dựng lên làm cơ sở hoằng pháp cho thầy Tăng Hội. Chùa cũng được gọi là Phật Đà Lý (Trung Tâm Phật - Buddha Center). Đây là ngôi chùa đầu tiên được thành lập tại Giang Nam. Cạnh chùa Kiến Sơ còn được xây một ngôi tháp gọi là tháp A Dục. Tháp này chắc chắn là để thờ xá lợi Bụt. Truyền kỳ cho rằng xá lợi xuất hiện là do chú nguyện và định lực của thầy Tăng Hội và các vị đệ tử, nhưng ta có thể đoán định rằng xá lợi này thầy Tăng Hội đã có do bổn sư của mình ở Giao Châu trao truyền, và thầy đã mang theo trên đường hoằng pháp. Sách Cao Tăng Truyện của thiền sư Huệ Hạo nói: " Từ đây đạo Bụt được hưng thạnh ở miền Giang Tả. " Miền Giang Tả là lĩnh thổ Trung Quốc từ sông Dương Tử trở xuống.

Thầy Tăng Hội đã được phép vua Ngô Tôn Quyền tổ chức truyền giới xuất gia cho người Ngô, từ đấy mới có các vị xuất gia người Trung Quốc. Chùa Kiến Sơ là trung tâm đào tạo các vị tăng sĩ này, và sau đó, nhiều ngôi chùa khác đã được tạo dựng trong nước. Khi Tôn Hạo, con của Tôn Quyền, lên ngôi, đạo Bụt bị đàn áp, bởi vì Tôn Hạo nghe lời một số các vị cố vấn, cho đạo Bụt là tà đạo từ ngoại quốc đem tới. Hầu hết các chùa đều bị phá bỏ, tuy nhiên vua quan nhà Ngô đã không dám đụng tới chùa Kiến Sơ vì uy tín của đạo tràng Tổ sư Tăng Hội rất lớn. Tuy không phá chùa nhưng vua lại ép đổi tên chùa thành chùa Thiên Tử. Vua sai nhà trí thức Trương Dục đến chùa để vấn nạn thầy Tăng Hội, cố dồn thầy vào chỗ bí. Trương Dục là một nhà trí thức thông hiểu Lão và Nho, có biện tài rất lớn. Trong cuộc biện luận có nhiều vị tai mắt của giới trí thức ở kinh đô. Thầy Tăng Hội không nao núng. Kiến thức Lão và Nho của thầy cũng rất vững chãi. Thầy ứng đối một cách dễ dàng. Cuộc biện luận kéo dài từ ban sáng đến tối mịt, vậy mà Trương Dục không thể bắt bẻ được một lời nào của thầy Tăng Hội. Trương Dục về tâu lại với vua Tôn Hạo. Ông nói: " Người này rất sáng suốt, rất tài ba, thần không đủ sức đương đầu. Xin bệ hạ xem xét và định liệu. " Vua Tôn Hạo mới gửi xe song mã tới chùa mời thầy Tăng Hội vào cung. Sau khi được đối đáp với thầy và nghe thầy thuyết pháp, vua cũng phải tuân phục, không làm gì được thầy. Thời gian dằng co kéo dài. Cuối cùng, thấm được những lời thuyết pháp của thầy Tăng Hội, vua xin quy y và thọ năm giới với thầy. Vua lại cho trùng tu mở rộng chùa Kiến Sơ và cho phép tái thiết các chùa đã bị phá hoại. Chùa Kiến Sơ tiếp tục đóng vai trò trung tâm hoằng dương Phật pháp qua các triều đại Tây Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần và Tùy, và tên chùa đã từng được đổi là Trường Khánh Tự, Phụng Hiến Tự, Thiên Hỷ Tự, Đại Báo Ân Tự, v.v... Cho mãi đến đời Minh chùa cũng vẫn còn là trung tâm hoằng pháp quan trọng nhất của miền Giang Nam. Vào năm đầu của nhà Đông Tấn, thiền sư Tăng Hựu, lúc ấy còn nhỏ tuổi, đã xuất gia ở chùa này.

Thầy Tăng Hựu (445 - 518) là người đầu tiên viết về lịch sử và hành trạng của tổ sư Tăng Hội. Tài liệu này đã được giữ lại trong các tác phẩm Xuất Tam Tạng Ký Tập (T. 2145) và Cao Tăng Truyện của thiền sư Huệ Hạo (496 - 553). Sau khi được đào tạo thành tài, thầy Tăng Hựu tiếp tục ở lại Kiến Sơ để dạy đồ chúng, hoằng pháp và sáng tác. Thầy cũng là con cháu của thầy Tăng Hội. Thầy Minh Triệt đời Tề, năm 492 cũng đã đến đây học, tiếp nhận luật Thập Tụng từ thầy Tăng Hội, và tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp tại đây. Các thiền sư đã thành lập Pháp Nhãn Tông như Khuông Dật, Huyền Tắc và Pháp An cũng đã tu học và hoằng pháp tại đây. Vua Thành Tổ đời Minh cũng đã xây một ngọn tháp bát giác chín tầng trong khung viên chùa, một ngọn tháp nguy nga và rực rỡ. Tiếc thay trong loạn Thái Bình Thiên Quốc, binh lửa đã hủy hoại tất cả, hiện nay chỉ còn di tích.

Một Vị Thiền Sư Lớn

Sự nghiệp thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy, ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu (Việt Nam) và tại trung tâm Kiến Nghiệp (Trung Quốc) ngày xưa. Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bỗng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thỉ. Nhân cách của thiền sư Tăng Hội là một nhân cách vĩ đại. Ta chỉ cần đọc bài kệ mà Tôn Xước, một người trí thức trong hoàng gia Đông Ngô đề lên tranh tượng của thầy sau đây thì đủ thấy được nhân cách ấy:


Lặng lẽ, một mình,
đó là khí chất
tâm không bận bịu
tình không vướng mắc
đêm đen soi đường
lay người thức giấc
vượt cao, đi xa
thoát ngoài cõi tục.

Sách này hy vọng trình bày được những nét chính về hành trạng và tư tưởng của thiền sư Tăng Hội mà Phật tử Việt Nam thờ phụng như là vị sơ tổ của thiền học Việt Nam. Nội dung của sách này được làm bằng những bài giảng cho học chúng trong mùa Đông 1994 - 1995 nơi Mai Thôn Đạo Tràng tại Pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Tư 2015(Xem: 8712)
Phật Giáo Việt và Phật Giáo Tàu có mối tương quan tương duyên đặc biệt kéo dài cả ngàn năm. Nhưng thực chất thì Phật Giáo Việt không lệ thuộc Phật Giáo Tàu. Trong quá trình lịch sử, Phật Giáo Việt mở rộng tâm và trí để tiếp thu có gạn lọc và sáng tạo những tinh hoa của Phật Giáo Tàu nói riêng và các trào lưu văn hóa nói chung để làm giàu thêm cho gia tài tâm linh quý báu của mình.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 7595)
Ngày xưa Đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc, dầm mưa dãi nắng, ăn đói mặc rách suốt 49 ngày đêm thiền định dưới gốc bồ đề mới tìm ra chân lý giải thoát. Ngày nay có những người xưng là đệ tử Phật gia nhưng hám mùi tiền, tham danh lợi, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi không khác chi hàng quyền quý. Đã bước chân vào chốn 'Không Môn' chắc hẳn các vị ấy đều biết câu 'vô thường', 'giả tướng'?
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 4789)
12 Tháng Mười 2014(Xem: 13808)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
08 Tháng Mười 2014(Xem: 14062)
Đáng lý ra thì ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự được xây dựng quy mô lớn lao theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã. Nhưng vì sự tranh đấu liên tục của giáo hội lúc bấy giờ nên chưa xây dựng ngôi chùa theo đồ án và rồi sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975 thì có thời gian 10 năm chùa bị hoang phế nên nhà nước tạm thời trưng dụng… Nay chính quyền thành phố đã hoàn trả thêm 7000 mét vuông và GHPGVN đang xúc tiến xây lại toàn bộ Việt Nam Quốc Tự với kinh phí dự trù 150 tỷ đồng…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15477)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
26 Tháng Chín 2014(Xem: 7208)
Đạo Phật có trên hai mươi lăm bộ phái và 2500 năm lịch sử. Con đường tồn tại và phát triển của đạo Phật cho đến ngày hôm nay về mặt lý thuyết cũng như thực hành là con đường Trung Đạo. Cho nên, trung đạo là chánh đạo. Nghiêng lệch một ly là đi một dặm. Vũ khí thiện xảo nhất của Phật giáo dùng để đối trị với những thế lực đối nghịch – đối nghịch tự thân phát xuất từ bên trong và đối nghịch ngoại cảnh tác dụng từ bên ngoài – là tinh thần Trung Đạo.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 5896)
Thiền phái Trúc Lâm được Hòa thượng Thanh Từ khôi phục lại, đang phát triển rộng ở Việt Nam. Cũng là lúc Việt Nam đang bị giặc ngoại xâm quấy phá. Chợt nghĩ đến thời thịnh trị của các vua Trần. Một dòng họ có đến 5 vị vua đều là phật tử, vừa trị vì đất nước, vừa nghiên cứu nội điển tu hành, vừa khuyến giáo dân chúng hành thập thiện. Có lẽ vì thế mà không có thời đại nào vàng son như thời đại của chư vị, nhất là vào thời của Trần Nhân Tông. Không phải chỉ ở mặt phát triển đất nước mà cả ở việc giữ gìn bờ cõi. Nhưng do đâu có sự thịnh trị đó?