Hình Ảnh Con Người Đại Việt Trong Thời Đại Lý Trần - Tn. Khánh Năng

09 Tháng Tám 201100:00(Xem: 10624)


HÌNH ẢNH CON NGƯỜI ĐẠI VIỆT 
TRONG THỜI ĐẠI LÝ TRẦN
TN. Khánh Năng

Mỗi trang sử là một bài thơ hùng tráng, lẫm liệt, đôi khi lại là thất bại khổ đau, có sức mạnh làm rung động lòng người không ít. Nghiên cứu lịch sử là tìm hiểu về những hình ảnh, sự kiện và tư tưởng của từng thời đại; đón tìm một tia sáng bất diệt cho tương lai.

Nhận định về trang sử Đại Việt, nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết:

Trang sử Phật
Đồng thời là trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất.”

Điều này nói lên rằng, đạo Phật liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của dòng sinh mệnh Việt Nam. Trong đó, Phật giáo thời Trần, với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái mang đậm bản sắc của Phật giáo Việt Nam, của văn hóa dân tộc Việt Nam - là một điểm son trong lịch sử dân tộc. 

Đây là giai đoạn thống nhất tư tưởng của các thiền phái, xây dựng mẫu người Phật giáo lý tưởng, hình thành hệ tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, như là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo.

Ở đây chúng tôi dựa vào tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông, Phật tâm ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ để làm sáng tỏ hình ảnh con người Đại Việt trong xã hội Lý - Trần, mong sao có thể góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu về tinh thần thiền học Trúc Lâm, cũng như những đóng góp của dòng thiền này cho Phật giáo nói riêng và trong dòng chảy của lịch sử nước nhà nói chung.

Phật giáo Lý-Trần xây dựng Phật giáo nhất tông

Nhờ sự phát triển của mười thế kỉ trước nên khi đất nước độc lập, Phật giáo Việt Nam càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Phật giáo lúc này không chỉ ảnh hưởng to lớn trong đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của dân tộc mà còn chi phối đến chính trị, xã hội, v.v… 

Lúc này, các vương triều phong kiến cần tìm chỗ dựa vững chắc về ý thức hệ – một công cụ tinh thần để quản lí và xây dựng đất nước – mà Phật giáo lúc này có một thế lực mạnh và có một lực lượng quần chúng đáng kể; nhiều nhà sư am hiểu nhiều ngôn ngữ, thông suốt Tam tạng kinh điển, nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào việc giải phóng dân tộc, nên việc các vương triều Việt Nam bấy giờ chọn đạo Phật làm quốc giáo cũng là lẽ đương nhiên.

Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc đời sống tâm linh cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Lúc đầu các thiền sư đời Lý trực tiếp tham dự chính sự, tiếp sứ thần ngoại bang (như thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh thuộc thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, v.v…). 

Về sau, vì các vua đời Lý so với các vua thời Đinh, Lê thì giỏi hơn rất nhiều về phương diện học thức, sự sùng Phật của họ có tính cách tâm linh và trí thức lớn, trong triều đã xuất hiện nhiều người có Nho học, trong số này có nhiều người do các thiền sư đào tạo, cho nên các thiền sư chỉ đóng góp về phương diện chỉ đạo tinh thần mà khỏi phải trực tiếp làm những việc tiếp sứ, thảo chiếu dụ và văn thư, v.v…

Việc vua Trần Thái Tông lên ngôi báu khai sáng ra triều đại nhà Trần là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước lúc bấy giờ. Một là thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ trong ý chí thể hiện qua hành động. Hai là trên dưới đồng lòng cùng nhau xây dựng phát triển đất nước thịnh vượng và bảo vệ vững chắc các thành quả đạt được. 

Ngoài việc thực hiện hai mục tiêu đề ra, Trần Thái Tông còn đặt ra cho mình một nhiệm vụ hết sức trọng đại: chủ trương đặt nền móng thống nhất các thiền phái hiện có như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường tiến đến sát nhập và hình thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử duy nhất đời Trần. 

Sự kiện ra đời dòng thiền này có ý nghĩa rất lớn, nó đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc là xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập tự chủ, không chỉ được xác định trên cương thổ biên giới mà còn độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo. 

Thế nên, dù trong cương vị là Hoàng đế hay là Thái thượng hoàng, hay là Thiền sư, ngài luôn khát khao thiết lập dòng thiền mới mang tính cách Đại Việt và thật phù hợp với bối cảnh lịch sử dân tộc đã sang trang và tình hình phát triển đất nước Đại Việt.

Thực tế, tư tưởng lập thiền phái mới này được manh nha từ khi Phật giáo có chủ trương mới, nhập thế, tùy tục, tùy duyên nhưng bất biến để đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra của một đất nước vừa độc lập và đang thực hiện thống nhất trên mọi phương diện. 

Là ông vua đầu tiên nhà Trần, dưới cái nhìn của một nhà chính trị, Trần Thái Tông càng cương quyết thực hiện ý tưởng đó, chấp nhận lời khuyên của Quốc sư Phù Vân như là quan điểm chính trị, phục vụ đạo pháp và dân tộc: “phàm làm đấng quân nhân thì phải lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”, thì ý tưởng thống nhất các thiền phái thành Phật giáo nhất tông là điều tiên quyết đối với sứ mệnh quốc gia và đạo pháp.

Dưới ảnh hưởng lớn lao của Trần Thái Tông, ba thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã theo thời gian lịch sử dần dần sát nhập. Cũng chính hướng đi này, về sau, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã khai mở dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển, đi vào lòng dân tộc, một dòng thiền không chỉ tiếp thu tinh hoa quá khứ mà còn tổng hợp được những cống hiến của thời đại mình. 

Tại đây, chúng ta có thể nói, nội dung tư tưởng triết lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều dựa vào Khóa hư lục như là một nền tảng để các vị Tổ dòng thiền này lấy đó làm kim chỉ nam sáng lập và truyền thừa. Nếu Trần Thái Tông là người manh nha kết cấu, đặt nền tảng, thì Trần Nhân Tông là người đầu tiên làm cho Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi với thời gian, không gian trên mảnh đất Việt Nam thân thương này.

Triều Lý trải qua tám đời vua, ngôi truyền hơn 200 năm. Với cái nhìn khách quan lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước lúc thịnh cũng như trên đà suy vong của triều đại nhà Lý, để rồi phải trao vận mệnh quốc gia cho nhà Trần, chúng ta thấy rằng ngoài sức mạnh toàn dân, thì vai trò của các ông vua đối với thần dân qua các triều đại là vô cùng quan trọng đối với xã hội phong kiến.

Hình ảnh con người Đại Việt trong xã hội Lý-Trần

Quan điểm Phật tại tâm

Tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Trúc Lâm là “cư trần lạc đạo”, “tức tâm tức Phật”. Quan niệm này đã có mặt từ thời vua Trần Thái Tông, khi nhà vua bỏ ngai vàng vào núi để tìm Đạo và được Quốc sư Viên Chứng thức tỉnh: “Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết thì đó đích thị là Phật”, và ít nhiều Trần Nhân Tông cũng đã kế thừa được từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, một con người vĩ đại mà Trần Nhân Tông đã ca ngợi:

Càng nhìn càng cao
Càng khoan càng bền
Thoạt nhìn thấy trước
Bỗng phía sau liền
Đó chính đạo Thiền
Của riêng Thượng sĩ”.

Đó là tiền đề để sau này khi dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời đã có những đóng góp tích cực cho đất nước, đã giải quyết được những vấn đề thực tiễn của xã hội, giúp nhân dân Đại Việt lúc ấy sống vui vẻ trong đất nước mình, hăng say lao động và bảo vệ cuộc sống ấy.

Các thiền sư giai đoạn này đã có ý thức đi tìm một hướng đi mới cho Phật giáo. Kết quả, thiền phái Thảo Đường, Trúc Lâm ra đời, giới xuất gia không còn đóng khung hoạt động trong ngôi chùa, họ cũng kết hợp với Phật tử tham gia công tác xã hội. Cuộc sống của giới xuất gia từ đây nặng tính thế tục. 

Chủ trương tùy tục hình thành và đi vào đời sống thực tiễn. Tùy tục là sống theo với đời mà vẫn giác ngộ. Rõ ràng, Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội. 

Vấn đề cốt lõi đời sống Phật giáo, theo nếp sống thiền là cần phải xử lý tâm “biện tâm”: “mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia, bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm” (chẳng ở nơi thành thị, phố phường đông đúc, chẳng phải nơi khu rừng ẩn dật, không phân biệt tại gia xuất gia, chẳng nề tăng tục, chỉ cốt tỏ lòng). 

Đây chính là quan điểm mà Trần Thái Tông đã đề xuất trong Thiền tông chỉ nam. Con người có thể giác ngộ ngay trong đời sống thường nhật của mình:

Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay Bụt chỉn là ta”. [1]

(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, hội thứ 5)

Hay là:

“Tâm tức là Phật,… niệm tức là bụi trần, không vướng một mảy may, niệm trần vốn tịnh, nên nói như như bất động tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng” (Trần Thái Tông, Niệm Phật luận).

Như vậy, giác ngộ hay không giác ngộ là tự mỗi bản thân con người, vì tự họ có khả năng giác ngộ. Chính trên cơ sở lý luận ấy mà tư tưởng “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mới có thể xuất hiện. Và cũng chính trên cơ sở lý luận ấy mà quan điểm chính trị lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình mới có khả năng triển khai, thực hiện.

Xuất phát từ một cơ sở lí luận như thế, vua Trần Thái Tông mới viết một loạt các tác phẩm lý luận nhắm đến cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một thành phần ưu đãi nào của xã hội hay Phật giáo, đó là Phổ thuyết tứ sơn, Phổ thuyết sắc thân, Phổ khuyến phát bồ-đề tâm và Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ. 

Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên gì khi Trần Nhân Tông xây dựng chủ thuyết cư trần lạc đạo, tư tưởng ở đời mà vui với đạo, càng làm sáng tỏ tinh thần tùy duyên để con người an trú với đạo:

Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm”. (hội thứ nhất)

Ta có thể hiểu đời là thành thị, đạo là sơn lâm. Tuy vậy, cuộc sống thực tiễn cho thấy, một người dù ở thành thị gánh vác bao nhiêu việc đời, song họ biết xử lý công việc với lòng trong sạch chẳng khác gì ở núi rừng. Đây chính là quan điểm “chẳng phải đại ẩn, tiểu ẩn, không phân biệt tại gia xuất gia”. Người Phật tử Đại Việt thời Trần chỉ tùy duyên, tùy thuận vào mối liên hệ, phân công của xã hội theo khả năng của mình mà thể hiện đời sống đạo bằng cách:

Dứt trừ nhân ngã
Thì ra thực tướng Kim-cương
Dừng hết tham sân
Mới làu lòng mầu Viên giác”. (hội thứ hai)

Như vậy, không có vấn đề phải tìm một nơi nào khác ngoài chỗ mình đang sống để tìm ra sự giác ngộ:

Miễn được lòng rồi
Chẳng còn phép khác”. (hội thứ hai)

Thế đã rõ, đối với Trần Nhân Tông, Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách ly phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý. Mà chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà nằm chính ngay ở giữa lòng cuộc sống. Quan điểm ấy được gói gọn ở đoạn kết của bài phú Cư trần lạc đạo:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”.

Từ đó, Trần Nhân Tông cho rằng không phải đến núi Cánh Diều của Yên Tử hay tại am Sạn của Đông sơn mà có sự giác ngộ: 

Áng tư tài tính sáng chẳng tham
Há vì ở Cánh Diều Yên Tử
Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển
Lọ chi ngồi am Sạn non Đông”.[2]

Những danh lam thắng cảnh ấy chỉ để cho ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non sông mà tu tâm dưỡng tính, chứ sự giác ngộ hiện hữu ngay giữa đời. Đây cũng chính là chủ trương “hòa quang đồng trần” mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đề ra, tức là phải nhập cuộc với đời sống trần tục và phải làm cho đời luôn tươi sáng. Con người không cần đi tìm Phật ở đâu xa, Phật hiện hữu ngay trong tâm thức mình, chỉ cần lặng lòng mà biết:

Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sinh không khác mặt”.[3]

Cho nên, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã hát ca về Phật giữa trần thế, Phật với ta chẳng khác gì trong thực tại đời thường. Con người thật của chúng ta là Phật, còn con người mà chúng ta tưởng thật với cái tâm vọng động của tham, sân, si là con người giả. Mỗi người cần trở về với con người thật. Đó là giá trị nhân sinh cao ngất mà Tuệ Trung và các thiền sư Trúc Lâm nhìn nhận như là một lời giải đáp tại sao chúng ta hiện hữu trên đời này. 

Với quan điểm về Phật tại tâm như thế sẽ cung cấp cho con người một lý tưởng sống đẹp, cao quý đủ để tạo một cảm hứng sáng tạo vươn lên, không những cho một đời mà nhiều đời, thậm chí cho đến khi mỗi con người đều trở thành một vị Phật. Sự thành Phật ở đây lại không khác gì là nhận chân con người thật của chính mình ngay chính cõi lòng. 

Rõ ràng, Tuệ Trung đã muốn tuyên thuyết thông điệp thiền “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”:

Phật Phật Phật bất khả kiến
Tâm tâm tâm bất khả thuyết”.

(Phật Phật Phật không thể thấy được
Tâm tâm tâm không thể nói được)
(Phật tâm ca)

Phật và tâm, phàm phu và bậc Thánh chỉ là khái niệm giả danh trên ngôn từ chữ nghĩa của tư duy hữu ngã phân biệt:

Xưa không có tâm
Nay không có Phật
Phàm, thánh, người, trời nhanh như chớp giật
Tâm thể không phải cũng không trái
Phật tính không hư cũng không thực”
(Phật tâm ca)

Vén bức màn vô minh để trở về thực tại là tâm ý của Tuệ Trung muốn khai mở tâm thức người học thiền. Theo ông, suối nguồn hạnh phúc không phải được định chế trên cái tâm thường xuyên hay sinh diệt thường tình mà thực sự an lạc khi biết hướng tâm vào thực tại:

Tâm là Phật
Phật là tâm
Tính huyền diệu thì sáng, linh và thông suốt xưa nay
Mùa xuân tới, hoa xuân cười
Mùa thu về, không chỗ nào là nước thu không sâu”

Tâm Phật và tâm chúng sanh đâu có sai khác, bởi một điều đơn giản, ai cũng hiểu rằng Phật là người đã chứng ngộ nhờ công phu tự thân tu tập. Chúng sanh ai cũng thế thôi! An nhiên vui đạo mà sống, xuân về thì hoa nở, thu đến nước lại trong, có gì để bận tâm đâu. Đây là nếp sống bình thường tâm thị đạo mà Tuệ Trung khẳng khái hát ca về ông Phật của chính mình.

Con người giác ngộ với những phẩm hạnh cao cả

Nếu văn học Phật giáo đời Lý khi đề cập đến hình ảnh con người, dù là con người vô ngã, vô úy, v.v… đi nữa, chỉ gợi chứ ít khả tả, thì đến văn học Phật giáo thời Trần, nhất là tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông đã sử dụng bút pháp tả thực để mô tả con người từ hình thể bên ngoài đến nội dung bên trong. 

Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Phật giáo nước nhà, Trần Thái Tông lấy con người từ trong hiện thực cuộc sống làm đối tượng để khắc họa nên hình ảnh con người. Con người trong Khóa hư lục là con người được hóa hiện từ cuộc sống trần tục của nó từ tính chất đói ăn khát uống, yêu ghét buồn vui, đến sự đắm chìm trong các dục, v.v… 

Tất cả được mô tả như là một hiện tượng thẩm mỹ, có sự vận động tâm linh đa chiều luôn diễn biến không ngừng. Hình ảnh con người được xác lập như là một chủ thể, một nhân vật trung tâm với xác thân bị giới hạn được đề cập và nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau ở trong tác phẩm. Trong ý nghĩa đó, con người thấy những giới hạn, khuyết tật của chính mình để vượt thoát, an trú trong đời sống hạnh phúc.

Con người giác ngộ trong Khóa hư lục được bắt nguồn từ khát vọng của Trần Thái Tông muốn lên núi Yên Tử tu hành để làm Phật. Đọc Khóa hư lục, chúng ta thấy Trần Thái Tông xác lập con người là con người “kiến tính”: “phàm người học đạo, chỉ cần thấy tính” (Tọa thiền luận). Còn trong bài Phổ khuyến bồ đề tâm văn, ông viết: “do thấy ánh sáng trí tuệ, phản chiếu lại mình thấy được tính mà thành Phật”.

Con người muốn thấy được tính thì phải tự thân hành trì, không thể trông cậy vào ai. Rõ ràng, con người giác ngộ là con người tự tìm lại chính mình. Phật và chúng sanh không khác. Trong bài Niệm Phật luận, Trần Thái Tông khẳng định: “thân ta tức thân Phật, không có hai tướng”. Ý tưởng đó sau này được Tuệ Trung diễn dịch “khi mê không biết ta là Phật” trong Thượng sĩ ngữ lục; còn Trần Nhân Tông thì “nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta” trong Cư trần lạc đạo phú.

Sinh mệnh con người rốt cuộc chỉ “mệnh tựa ngọn đèn trước gió, thân như bọt nước đầu ghềnh”. Cuộc đời thật mong manh, đầy mộng mị, con người cần giáp mặt, vượt thoát. Ngay cả công danh phú quý chỉ là giấc mộng dài. Ai thấu hiểu nỗi lòng tác giả khi chính mình từng vượt thoát, bước ra khỏi sự mộng mị của cuộc đời. 

Chính lẽ đó, nhà vua không dưới mười hai lần mô tả về giấc mộng “vô thường” trong tác phẩm Khóa hư lục, tiêu biểu như: “công danh lừng lẫy, chẳng qua một giấc mộng dài; phú quý hơn người, khó tránh hai chữ vô thường”[4].

Nhờ nhận chân cuộc đời là mộng, tâm thức con người mở rộng vô cùng, độ lượng hết thảy. Nhờ triết lý ấy mà Trần Thái Tông tỉnh thức, trở thành bậc vĩ nhân, thành vị minh quân của quốc gia, thành ngọn đuốc của Thiền tông, xem tính mạng như lông hồng, xem ngai vàng như chiếc giày rách, miễn sao ích nước lợi nhà. 

Phải chăng con người giác ngộ là con người tự do ra vào thế giới vô thường ảo ảnh; họ là con người ung dung tự tại đi bất cứ nơi nào họ muốn: “nay ta vì các ngươi không ngại miệng hùm vuốt râu, đầu gậy tiến bước. Nơi nơi gió táp thông reo, lặng nơi trăng chiếu hồ trong. Lúc đi như mây bay nước chảy. Khi đứng như núi yên non trấn. Lời lời như Thích-ca sống, câu câu thái độ Đạt-ma Tổ sư. Phóng đi thì mở ra tám chữ, thu lại thì một cửa hết lối; trong hang quỷ ma là lâu đài Di-lặc, dưới núi tối có cảnh giới không khách của Phổ Hiền. Nơi nơi tạng lớn sáng rực, chân tính là pháp môn không hai”[5].

Như vậy, Trần Thái Tông đã trở thành con người biểu tượng thời đại, và để vươn tới thế giới tự do ấy, con người cần phải vượt qua tất cả giáo điều, tất cả khái niệm, lối tư duy hữu ngã sáo mòn, thay vào đó là thái độ sống vô trước, vô chấp. Con người đó sẽ liễu đạt “tâm tức là Phật, không cần tu thêm gì cả”. 

Tuệ Trung Thượng Sĩ đã từng tiêu dao, phóng cuồng trong cái thế giới vô thường. Trong ảo mộng phù du, cấu bẩn của xác thân, con người tự chuyển hóa thanh tịnh cõi lòng, vì thế, Tuệ Trung mới xác định “thanh tịnh pháp thân” chính là “ra vào trong nước đái trâu, chui rúc giữa đống phân ngựa.”

Rõ ràng, có sự đồng điệu giữa những con người giác ngộ. Từ ý niệm “trong ảo sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng là pháp thân”, Trần Thái Tông đã ung dung cất lên tiếng cười trào lộng của tâm hồn khai phóng “Tăng già nói dối an rồi đó, cười ngất người ngoài chẳng tự hay”[6] (Niệm tụng kệ). 

Đó cũng chính là hình ảnh con người vô ngã bước ra từ thế giới thực tại duyên khởi, thể nhập với đời. Thẩm thấu triết lý vô ngã trong sự hiện hữu của con người, mỗi cá thể sẽ có thái độ sống vô chấp, nên đâu đâu cũng là thế giới chân tâm thanh tịnh.

Bên cạnh đó, qua Khóa hư lục, chúng ta còn thấy hiện lên con người giác ngộ với những cảm nhận về cái đẹp. Cảm hứng nghệ thuật trong Khóa hư lục về thế giới con người thật đẹp đẽ, hoành tráng, thiêng liêng nhưng cũng đượm chất cô liêu huyền ảo, khắc sâu vào tận cõi lòng.

Thế giới sáng tạo được khai mở tột cùng làm tuôn chảy những dòng suối thi ca. Bằng chất liệu thiên nhiên, ngôn ngữ của một tâm hồn chứng ngộ, bài pháp Tứ diệu đế khô khan đã hóa thành bài văn diễm lệ với hình ảnh sống động, con người hữu tình. Hình ảnh bốn núi được khắc họa bằng bốn mùa trong năm sinh động vô cùng. 

Thông qua sự miêu tả từng mùa, tâm trạng con người được thể hiện với bao sắc màu tương ứng. Con người dường như cảm nhận cái đẹp từ trong hiện hữu cuộc sống với bốn mùa đổi thay. Đọc mấy câu miêu tả về mùa xuân, biểu tượng cho sinh, lòng ta như tràn trề sức sống mới: “một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng, muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca bướm múa”[7].

Ý tứ thâm trầm, lời văn óng mượt đọc lên nghe như phảng phất một hương thơm kì diệu, thanh thoát vô cùng. Thiên nhiên như hòa điệu với thế giới nội tâm con người. Điều này chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở những tâm hồn chứng ngộ, mà Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông là những con người điển hình ấy vậy.

Con người nhập thế (đóng góp cho xã hội)

Phật giáo Đại Việt với nền Phật giáo thế sự, lấy chủ trương tùy tục để nhập thế. Và quan điểm vào đời ấy tùy thời, tùy yêu cầu từng giai đoạn lịch sử giao phó mà Phật giáo tham gia đóng góp cho nước nhà. Nó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho đường lối thiền phái hoạt động, từ đó và sau này:

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”[8]
(Hội thứ 3)

Chính tư tưởng tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục đã hình thành nên mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời. Chính Trần Thái Tông là người sống trong thế giới sặc mùi danh lợi, thế mà ông vẫn giải thoát và lãnh đạo nhân dân thắng lợi cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất và cũng là người chủ trương đặt nền móng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời. 

Không chỉ Trần Thái Tông mà một loạt thiền sư xuất gia tại gia của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Họ có thể là những nhà tư tưởng chiến lược, tướng cầm quân, nhà tri thức lớn, nhà thơ-văn, thầy thuốc tùy theo sự phân công và khả năng mà sẵn lòng tham gia cống hiến, sống đúng đạo lý như Trần Nhân Tông nói trong Cư trần lạc đạo:

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”[9]
(Hội thứ 6)

Hình tượng này là tiêu biểu cho mẫu người Đại Việt nói chung, chứ không phải riêng gì cho Phật giáo. Những người làm nên sự nghiệp hào hùng của dân tộc ta vào thời này hầu hết là Phật tử. 

Điển hình cho mẫu người lý tưởng này là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ông có thái độ sống nhập thế tích cực vì dân vì nước chứ không riêng vì sự giải thoát của mình. Ông trở thành vị tướng tài có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đồng thời cũng là thiền sư ngộ đạo thể hiện rõ sự tự tại, giải thoát.

Vận dụng tinh thần nhập thế của thiền phái, Trần Thánh Tông cùng Trần Nhân Tông làm nên điều kỳ tích là lãnh đạo thành công hai cuộc chiến đấu vệ quốc xảy ra năm 1285 và 1287. Quan điểm đoàn kết thân dân chỉ thực hiện được khi mọi người dân cùng chung một quyền lợi và nghĩa vụ với người lãnh đạo đất nước. 

Trần Hưng Đạo viết Hịch tướng sĩ để cụ thể hóa vấn đề đó với toàn bộ tướng tá binh sĩ dưới trướng của mình. Còn Trần Nhân Tông thì với chủ thuyết Cư trần lạc đạo, hướng đến việc xây dựng mẫu người Phật tử nhằm bảo vệ và chấn hưng đất nước. 

Mỗi khi sự tồn tại quyền lợi của người này là điều kiện, nhân tố cho quyền lợi người kia thì tất cả đồng phát triển. Từ đó, mọi người dân hiểu yêu nước là yêu đạo, yêu gia đình là yêu cha mẹ, bà con, yêu mối tình vợ chồng, con cái trẻ thơ; yêu mộ phần tổ tiên là yêu hồn thiêng sông nước.

Vì vậy, thiền phái Trúc Lâm nhập thế tích cực hơn nữa. Sau thời kỳ Bắc thuộc, Đại Việt không ngừng vạch định chính sách phát triển đất nước bằng cách mở rộng bờ cõi. Đến đời Trần, yêu cầu phát triển kinh tế, phục hưng các giá trị văn hóa, việc gia tăng dân số trong thời bình trở nên vấn đề hàng đầu. 

Hơn nữa, công cuộc chấn hưng đất nước đòi hỏi phải thực hiện việc tái thiết các công trình văn hóa bị kẻ thù tàn phá. Dưới tác động của chủ trương xây dựng mẫu người Phật tử lý tưởng, người dân sẽ tích cực tái thiết. 

Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông đã nói rõ việc tái thiết quốc gia đó thật sinh động “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu”[10] (Hội thứ 8). 

Bên cạnh đó, Trần Nhân Tông còn khuyến cáo người dân hãy tinh tấn rèn lòng làm Bụt như là sự thăng tiến đạo đức bằng nhiều phương thức để giác ngộ:

“Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài
Đãi cát kén vàng, còn lại nhiều phen lựa lọc” 
(Hội thứ 8)

Và còn nhiều phương thức khác nữa mà Trần Nhân Tông đã dành cả “hội thứ 9” để trình bày từ thời Sơ tổ Đạt-ma gặp vua Lương Vũ Đế cho đến Thiền sư Linh Vân Chí Cẩn khi thấy hoa đào nở rộ mà giác ngộ, đại sư Hương Nghiêm khi cuốc đất, hòn đá văng vào cây trúc mà liễu đạo. 

Cho nên Trần Nhân Tông nói cách thức giác ngộ có khác nhau nhưng chân lý là một:

“Vậy cho hay
Cơ quan tổ giáo
Tuy khác nhau nhiều đàng
Chẳng mấy tấc gang”[11] 
(Hội thứ 9)

Sống ở đời mà vui với đạo theo vua Trần Nhân Tông là cuộc sống thiền. Đã là thiền thì tùy duyên, tùy căn, tùy thời mà sống với đạo. Đó là tìm sự giác ngộ ngay giữa đời thường mà tích cực đóng góp cho đời cho đạo:

Thượng tướng ấy
Cốc một chân không
Dùng đòi căn khí
Nhân lòng dạ vướng chấp khôn thông
Há cơ tổ này còn thửa bí

Chúng tiểu thừa cốc hay chửa đến, Bụt xá ngăn bảo sở hóa thành
Đấng thượng sĩ chứng thực mà nên, ai ghẽ có sơn lâm thành thị”[12]
(Hội thứ 12)

Vậy là thiền phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề đặt ra cho Phật giáo Đại Việt, đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của dân tộc. Sau thời Trần Nhân Tông, Phật giáo còn tích cực nhập thế với những nhiệm vụ mới mà lịch sử giao phó.

Như vậy, dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập đã có những tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo, được kế thừa liên tục thậm chí cho đến ngày nay. 

Nó không những làm nền tảng cho sự phát triển phật giáo Việt Nam mấy trăm năm tiếp theo mà còn tạo tiền đề cho sự nghiệp Nam tiến của dân tộc trong mấy trăm năm ấy. Đây không những là dòng thiền do một người Việt Nam sáng lập mang đậm văn hóa và tinh thần của người Việt Nam, mà còn có những đặc điểm về học lý và thực tiễn tu tập nhằm đáp ứng lại yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc. 

Một thiền phái thừa hưởng tinh hoa của ba dòng thiền, thống nhất ý chí toàn dân, góp phần xây dựng đất nước Đại Việt hòa bình thịnh vượng. Một thời đại anh dũng chiến thắng ngoại xâm với ý thức dân tộc cao ngất nhưng lại lấy Thiền tông làm chỗ dựa tinh thần. Mà sự kết hợp giữa hai yếu tố này – yêu nước và mộ thiền – đã tạo nên những thành tựu văn hóa lớn lao in đậm vào lịch sử.

Đây là bài học quý báu cho Phật giáo Việt Nam hiện tại. Chúng ta cần phải phát huy tinh thần “nhập thế tích cực”, xây dựng một mẫu người mô phạm lý tưởng để làm thân giáo cho tăng ni tín đồ. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đem nguyên mô hình của phật giáo Trúc Lâm để áp dụng cho xã hội ngày nay, mà phải biết thừa hưởng có sáng tạo tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, “tức tâm tức Phật”, có như thế mới mang lại sức sống mới cho Phật giáo, tạo cho Phật giáo một thế đứng vững chắc giữa lòng xã hội.
 

[1] Viện văn học, Thơ văn Lý-Trần, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 506.
[2] Viện văn học, Sđd, tr. 506.
[3] Viện văn học, Sđd, tr. 285.
[4] Viện văn học, Sđd, tr. 62.
[5] Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Trần Thái Tông, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996, tr. 221-222.
[6] Viện văn học, Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 139.
[7] Viện văn học, Thơ văn Lý-Trần, sđd, tr. 45.
[8] Viện văn học, Sđd, tr. 506.
[9] Viện văn học, Sđd, tr. 507.
[10] Viện văn học, Sđd, tr. 508.
[11] Viện văn học, Sđd, tr. 508.
[12] Viện văn học, Sđd, tr. 509.
 

TN Khánh Năng (Theo Tập san Pháp luân)
 
 
 

12-03-2008 06:23:13

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn