Hương Sơn Quan Thế Âm Chân Kinh Tân Dịch

23 Tháng Giêng 201516:07(Xem: 7165)

HƯƠNG SƠN QUAN THẾ ÂM CHÂN KINH TÂN DỊCH

香山觀世音眞經新

Thời vua Duy Tân, ngày 16 tháng 10 năm Kỷ Dậu

Ngày 28 tháng 11 năm 1909

Khởi bút từ ngày 23 tháng 9, đến ngày 16 tháng 10 thì bản thảo hoàn thành.

Ngày 18 bài Tựa hoàn thành; ngày 19 chép xong.

Giá Sơn thủ đề

Quảng Minh biên dịch

 

Tự Tựa

Hương Sơn Chân Kinh Tân Dịch

Phía Tây của Long thành, phía Nam của Tản sơn, thẳng ra ngoài cõi Ai Lao, Xiêm La, có một nơi gọi là Hương Tích Sơn, nằm giữa Bắc kỳ, Nam hải, nơi ấy là động thiên bậc nhất vậy. Núi thì đặc thù, nước thì tú lệ, cảnh trần tịch tĩnh, nơi cầu tự cầu tài, chốn chữa bệnh trừ tai. Mỗi năm Xuân về, không dưới ba vạn người, có người ở gần về dự, có người ở xa ngàn muôn dặm cũng đến. Tiếng linh diệu lớn lao, rung động mắt tai người, rõ ràng là “thần quyền thời đại”, thật lạ thường thay. Ngoài núi non và con người, Hương sơn mà xa cách một ngày như ép buộc đi đến trần cương; ba mươi năm qua trọn chẳng đến một lần, nỗi buồn nào như đây; ngày nay năm mươi sáu tuổi vẫn còn viện cớ. Sức thuyền từ một phen đưa chuyển, kết quả có thể xuyên qua, đến nước lên non, niềm vui có thể nhận biết.

Bây giờ đã cuối mùa Thu, ở ấp Sơn Kiều, tỉnh Bắc Giang, có Đề học Trần sứ quân Xuân Thiều cầm một quyển Hương Sơn Chân Kinh[1] mà xem xét, và cả bản Quốc Âm Cựu Dịch Ca[2], ấn xuất từ chùa Hương Sơn, mà được phó chúc dịch lại[3]. Bởi vì một mảnh từ tâm, cùng với thời gian nhiều tốt, nên có được cảm quan để tán đồng. Ngoài ra bốn lần cung kính đọc đi đọc lại, xem xét cẩn thận văn tự, thì chân kinh ấy chính là đức Quan Thế Âm thị hiện cô tiên Diệu Thiện, công chúa thứ ba, nước Hưng Lâm vậy. Lời tự thuật rất rõ ràng, vững chắc, chẳng phải lời bàn suôn hay dã sử về nhân quả, hay cung nhân[4] cười giỡn, thì gần như chỉ là một phần ngàn. Như vậy, nguyên bản Phạn văn là từ đương thời nhà Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 14, năm Bính Thân (1416), cho đến thời Đại Thanh, vua Khang Hy, năm Bính Ngọ (1666), có người ở Quảng Dã Sơn[5] dịch ra Nho văn, thuật lại rõ ràng, văn lý giản dị và lưu loát, dùng tục ngữ thường ngày trò chuyện, ai cũng hiểu cả, nhưng nghĩa lý tinh thâm vẫn gồm đủ rộng khắp. Người thông minh sắc sảo xem qua cũng có chỗ không dễ liễu ngộ, đơn cử như, Tiên thiên đại đạo[6] không ở ngoài thân người, trong đó tinh - khí - thần là ba thứ quý báu của con người, chớ quên mất, chớ phụ giúp; định tĩnh nắm giữ tâm ý, không cho đánh mất để suất tính[7] trở lại nguyên sơ, để đến được chỗ “chỉ ư chí thiện”[8]; vững chải để không rơi vào cửa tà, nẻo vạy, không rớt trong cái cối giã[9].

Tôi là hàng Nam tao[10], bút dịch hơi nhiều; tôi nay thấy hai bản, tuân theo từ bậc thần, tìm kiếm liên tục, ghi nhớ, trình bày. Văn từ thảo suất, giản lược, tức là cái tâm tỉnh thức trong Chân kinh, là tâm ấn nơi Vô tự kinh, đồng đẳng cái chỗ cốt tủy. Toàn bộ vứt bỏ, mong ước để vượt qua nhiều, thuận theo để say mê nhiều. Tôi cảm được sự thành kính của Học sứ Trần quân[11] vì vậy mà tôi dịch thành một bản. Từ Chân kinh chuyển dịch, tuy toàn diện của Hương Sơn chưa thể lột tả hết, nhưng chân kinh, chân tướng, thì chắc hẳn không đến nỗi bị vẻ tinh hoa của lâm uy làm cho lỗ tai bị quở trách.

Thiện Tài Long Nữ và Bạch tượng Thanh sư[12], hai việc ấy chiếu theo bậc thần mà ghi lại những nét chính. May mắn là trong chùa có đắp tượng Quan Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền và tượng chư tôn đức. Người có cái nhìn thông suốt thì không ngại gì dẫn điển tích để chỉ bày, chính xác là để thấy đại sĩ Từ Hàng cứu độ tất cả hữu tình như thế nào, chứ chẳng phải ưa thích nói điều quái lạ. Khảo cứu về nước Hưng Lâm ở trong kinh thì thấy địa giới rõ ràng. Ngày nay chưa rảnh để tìm chứng cứ, nhưng căn cứ những thích điển nói khái quát về các nước trong Phật giáo thì phần nhiều là vùng đất hiểm yếu của Bà la môn, cho nên giòng dõi Trang Vương hẳn là Bà la môn, nên nước Hưng Lâm chính là một trong nhiều nước nhỏ thuộc Ấn Độ ngày xưa, không gì phải hoài nghi. Đến như Hương Sơn tức là Nam Hoan châu[13] của chúng ta cũng có điều đó[14], luận bàn gì nước khác. Ngày nay, trong năm châu, tên núi, tên sông giống nhau cũng nhiều, huống là Phạn tự, Nho văn, cho nên các dịch giả có thêm lầm lẫn. Tuy trong kinh, bản một ghi là Nam hải, bản hai ghi là Đông độ, nhưng chung một lời văn “Trang Vương lên núi hoàn nguyện, có đi ngang qua ranh giới.”  Vậy thì, quân vương thân hành, bang giao đại điển, Việt sử của ta vì sao không có một lời nào đề cập việc đó. Lẽ nào Nam sử hoàn toàn không đủ làm chứng chăng? Chắc chắn không cần lấy Chân kinh Hương Sơn, thu nhận làm Nam Hương Sơn của chúng ta.  Chỉ là ở trong ý tưởng, thì cần lấy Hương Sơn của chúng ta, nghiêm túc coi như là Hương Sơn chân thật, nơi đức Quan Thế Âm tu luyện thành Phật, chẳng qua là vậy.

Phải chăng vũ trụ lớn lao đến vậy! Cổ kim xa tít đến vậy! Quái quái kỳ kỳ, trăm sự lộ ra không dứt: khinh khí cầu, phi hành đĩnh, vẫn chưa đến chỗ hoàn thiện. Hai cực chưa đi hết, hai tế chưa giáp vòng[15], chút ít kiến thức nên thấy nhiều điều quái lạ, lẽ ấy đương nhiên. Như lấy làm có, thì không gian trời đất chắc chắn không gì không có. Như lấy làm không có, thì tuy lịch sử Đông Tây khả tín, kết cục mỗi một đều là có cả. Thế giới đã trót công nhận điều ấy, tôi cũng theo mà công nhận điều ấy, tôi cũng theo mà diễn dịch điều ấy, và còn theo mà công bố điều ấy. Bậc thần dùng tuệ nhãn và từ tâm, trăm lần bẻ không cong[16], bản thân đã độ thoát, nên thiện có thể hóa, mà ác cũng có thể hóa, người cũng có thể hóa, quỷ cũng có thể hóa, yêu tinh không gì không thể hóa, nhưng không ai xem xét điều ấy. Lấy lòng chí thành để lấp đầy điều ấy, lấy tâm không sợ để đạt đến không nhân, không ngã, vô tướng, sắc tức là không, làm sao có chúng nơi Chân kinh, làm sao có chúng nơi Chân kinh tân dịch.

“Như vầy tôi nghe”, xin lấy đó làm bản chất. Muôn ngàn thế giới, đồng bào trong ấy, gồm thông quốc âm của vạn quốc, các giáo chủ quảng đại, liền thỉnh để chứng cho điều ấy. Hiện tại, Nam Hương Sơn của chúng ta, trong đó có tất cả bản nguyện tế độ, lời kinh chân thật.

Nam mô Đại từ Đại bi, Tầm thanh cứu khổ, Quảng đại linh ứng, Quan Thế Âm đại bồ tát, Quan Thế Âm đại bồ tát.

Đúng tại Hoàng Nam Duy Tân, năm thứ 3 (1909), mùa Đông năm Kỷ Dậu, 3 ngày sau Rằm tháng 10.[17]

Giá Sơn - Kiều Oánh Mậu[18]

Bài tựa viết ở Cựu Thảo Đường, ấp Sơn Kiều, tỉnh Bắc Giang.



[1] Hương Sơn Chân Kinh: chỉ cho Quán Thế Âm Bồ Tát Bản Hạnh Kinh觀世音菩薩本行經, còn gọi là Đại Thánh Pháp Bảo Hương Sơn Bảo Quyển大聖法寶香山寶卷, gọi tắt là Hương Sơn Bảo Quyển香山寶卷. Tác giả Hương Sơn Bảo Quyển là Thiên Trúc Phổ Minh thiền sư. Vào ngày 15 tháng 8 năm Sùng Ninh thứ 2 (1103), khi Phổ Minh thiền sư đã xong khóa hạ tọa 3 tháng trời ở ngôi chùa tên là Vũ Lâm Thượng Thiên Trúc Tự, bỗng có một vị lão tăng đến khuyên bảo ông rằng: “Thầy tu thiền định Vô thượng thừa, chỉ một mình tiếp cận được với cảnh giới thượng thừa, thế thì làm sao cứu độ được đại chúng sinh linh. Vậy thầy hãy hành hóa thay cho Đức Phật, thuyết giảng cùng khắp cho đại chúng bậc trung, bậc hạ biết thế nào là tam thừa và thế nào là đốn tiệm. Nếu làm được như vậy, thầy sẽ báo đáp được công ơn của Phật”. Thầy lại được nhắc nhở rằng, để hướng dẫn cho đại chúng bậc trung, bậc hạ, hay nhất là giảng nghĩa về hành trạng của Bồ Tát Quán Thế Âm mà chùa Vũ Lâm có quan hệ sâu đậm. Do đó Phổ Minh thiền sư đã thuyết pháp về chủ đề đó và ghi lại nội dung trong Hương Sơn Bảo Quyển.

[2] Tức Đức Phật Bà Truyện – Nam Hải Quan Âm Phật Sự Tích Ca, gọi là bản Vũ Thạch.

[3] Dịch lại từ bản Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh của thiền sư Chân Nguyên, có gọi là bản Vũ Tạo.

[4] Cung nhân: thị nữ trong hoàng cung.

[5] Theo Đạo giáo, có ngũ tọa tiên sơn: Đông nhạc Quảng thừa sơn, Nam nhạc Trường ly sơn, Tây nhạc Lệ nông sơn, Bắc nhạc Quảng dã sơn, Trung nhạc Côn lôn sơn.

[6] Tiên thiên đại đạo 先天大道: Đạo có trước trời. Vua Phục Hy theo đó mà phát họa Hà đồ tiên thiên bát quái. 

[7] Suất tính 率性: tuân theo. Sách Trung Dung nói: “Thiên mệnh gọi là tính, suất tính gọi là đạo, tu đạo gọi là giáo” 天命之謂性,率性之謂道,修道之謂教, cho nên Thiên mệnh là suất tính tu đạo, là một cách xưng hô tôn nghiêm từ trong Phàm mạng thăng hoa trở thành Thánh mạng

[8] Sách Tứ thư, chương Đại học có ghi: “Đạo đại học là ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng, là ở chỗ khiến đời sống dân chúng không ngừng đổi mới, là ở chỗ khiến cho người ta ở vào cõi chí thiện. Biết rằng phải đạt tới cõi chí thiện, thì đã có được phương hướng kiên định; đã có được phương hướng kiên định, thì có thể tĩnh, đã có thể tĩnh thì có thể an tâm; đã an tâm thì có thể suy nghĩ, đã suy nghĩ rồi thì có thể có thu hoạch. Muôn vật đều có gốc ngọn nặng nhẹ; muôn việc đều có đầu cuối trước sau. Biết sắp xếp đúng thứ tự trước sau của sự vật, thì đã gần với Đạo vậy.” (Đại học chi đạo: tại minh minh – đức, tại thân dân, tại chỉ u chí thiện. Tri chỉ nhi hữu hậu định; định ni hậu năng tĩnh; tĩnh nhi hậu năng yên; yên nhi hậu năng lự; lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thuỷ; tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善,知止而後有定,定而後能靜,靜而後能安,安而後能慮,慮而後能得,物有本末,事有終始,知所先後,則近道矣.)

[9] Địa ngục cối giã.

[10] Nam tao南騷: kẻ ưa thơ phú.

[11] Trần Xuân Thiều.

[12] Chỉ hai con yêu quái mà Phật Bà Diệu Thiện hàng phục. Thanh sư (sư tử xanh) được trao cho bồ tát Văn Thù (tức Diệu Âm), Bạch tượng (voi trắng) được trao cho bồ tát Phổ Hiền (tức Diệu Nguyên).

[13] Năm đầu niên hiệu Điều Lộ đời Đường Cao tôn (650-683) tức năm Kỷ mão (679) đổi tên Giao châu gọi là An nam Đô hộ phủ 安南都護府. Đời Huyền tôn (712-755) đổi thành Trấn Nam Đô hộ phủ 鎭南都護府. Đến năm Đại Lịch đời Đường Đại tôn (762-779) tức năm Bính ngọ (766) lại gọi là An Nam. Lúc này nhà Đường chia An Nam Đô hộ phủ ra làm 12 châu, 49 huyện và hơn 40 man châu tức các động Mán Mường (nếu thời Hán có số châu huyện như lúc này thì gần có đủ 65 thành). Trong số 12 châu lại có Giao châu là phần trung tâm của Đô hộ phủ gồm các khu Hải dương, Bắc giang, Bắc ninh, Phúc yên, Hà nội, Hà nam, Hưng yên, Thái bình, Nam định và Ninh bình. Hoan châu và Diễn châu (驩州,演州) là khu Nghệ an và một phần Hà tĩnh (phần khác của Hà tĩnh là đất Phúc lộc châu). Nam Hoan châu là Hà Tĩnh.

[14] Vùng đất Hoan, Diễn do vị trí địa lý tiếp giáp với các lân bang phía Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, nên Phật Giáo phát triển rất sớm.

[15] Hai cực là Bắc cực và Nam cực, chỉ kinh tuyến Bắc Nam. Hai tế là phía Đông, phía Tây của trái đất, chỉ vĩ tuyến từ Đông sang Tây.

[16] Ý nói không ai khuất phục được.

[17] Tức ngày 18 tháng 10 năm Kỷ Dậu, nhằm ngày 30 tháng 11 năm 1909.

[18] Kiều Oánh Mậu (1854-1912), còn có tên là Kiều Dực, sau đổi lại là Kiều Cung, tự là Tử Yến, hiệu là Giá Sơn. Ông là danh sĩ thời Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Kiều Oánh Mậu sinh năm Giáp Dần (1854) tại xã Đông Sàng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cha ông là Kiều Huy Tùng (1834 - 1917), đỗ Tú tài khoa Đinh Mão (1867), đỗ Cử nhân Ân khoa Mậu Thìn (1868). Năm Kỷ Mão (1879), Kiều Oánh Mậu thi đỗ Cử nhân, đến năm sau (Canh Thìn, 1880), thi đỗ Phó bảng dưới triều Tự Đức. Buổi đầu, ông được bổ làm Tri phủ, ít lâu sau bị giáng làm Tri huyện. Sau khi trấn nhậm nhiều nơi, ông từ quan ra giúp việc tại tòa soạn báo Đồng Văn ở Hà Nội. Năm Nhâm Tý (1912), Kiều Oánh Mậu mất lúc 58 tuổi.

Trong Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Kiều Oánh Mậu, Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện viết: “Các tác phẩm do Kiều Oánh Mậu trước thuật, biên soạn, diễn Nôm, khảo đính, chú giải, đề tựa, duyệt đọc mà chúng tôi được biết gồm:

Trước thuật: Bản triều bạn nghịch liệt truyện (A.997, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Giá Sơn di cảo.

Biên soạn: Kiều thị gia phả.

Diễn Nôm:Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch (AB.271, Viện NCHN), Tiên phả dịch lục (AB.289, Viện NCHN), Tỳ bà Quốc âm tân truyện (AB.272, Viện NCHN).

Khảo đính, chú giải, chỉnh lý: Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (AB.12, Viện NCHN), Nam nữ giao hợp phụ luận của Phau-Rô (R.393, Thư viện Quốc gia Hà Nội).

Đề tựa: Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (A.218, Viện NCHN).

Duyệt độc: Bút toán chỉ nam của Nguyễn Cẩn (A.1031, Viện NCHN), Toán pháp của Nguyễn Cẩn (VHv.495, Viện NCHN).

Sách do Kiều Oánh Mậu trước thuật, diễn Nôm, khảo đính, chú giải, đề tựa và duyệt đọc tuy không nhiều, song cũng chứng tỏ ông đã có sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: về chính trị xã hội (Bản triều bạn nghịch liệt truyện); về văn học và văn bản học (Đoạn trường tân thanh, Tang thương ngẫu lục, Hương Sơn Quan Thế Âm chân linh tân dịch, Tỳ bà Quốc âm tân truyện, Tiên phả dịch lục) ; về toán học (Bút toán chỉ nam, Toán pháp)

Nổi bật nhất trong sự nghiệp của Kiều Oánh Mậu là ở công tác văn bản học. Những sách như: Đoạn trường tân thanh, Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, Tiên phả dịch lục đều cho thấy sơ trường này.”

XEM TIẾP NỘI DUNG:
pdf_download_2
Huong Son Quan The Am Chan Kinh Tan Dich

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tám 2015(Xem: 6305)
Nhờ pháp môn ‘nhĩ căn viên thông’ mà đấng Đại Sĩ đã trở thành người mẹ hiền vĩ đại trong lòng chúng con. Pháp tu ấy được đấng Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi hết lời ca tán với ba phẩm tính: Viên chân thật, Thông chân thật và Thường chân thật. Biết rõ như vậy! Chúng con sẽ hết lòng thực tập để thâm nhập vào tự tánh của bản thân và tự tánh của muôn pháp được hiệu nghiệm.
02 Tháng Giêng 2015(Xem: 10704)
Trong nhiều bộ kinh của Phật giáo Đại thừa, có nói về Bồ tát Quán Thế Âm; một vị Bồ tát luôn luôn khởi lòng Từ-bi ban vui và cứu khổ cho tất cả chúng sanh. Thế nhưng chúng ta ít thấy đề cập đến sự Giác ngộ của Ngài. Chỉ trừ kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói đến việc này.
19 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 9021)
Trải qua những chuyến du hành khắp châu Á, nhà học giả Phật giáo người Anh John Blofeld đã trở thành một chuyên gia về Bồ – tát Quán Thế Âm. Trong thời gian lưu lại trên đất Trung Hoa vào thập niên 1930, ông đã gặp một vị Ni già đang hành đạo tại một tu viện hoang tàn.
08 Tháng Chín 2014(Xem: 13399)
Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị Bồ-tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc truyền (vẫn được thậm xưng là Đại Thừa) khắp các xứ Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ và cả Việt Nam. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ.