Hậu Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014?

25 Tháng Năm 201400:00(Xem: 8506)

vesak_2014_banner_final

HẬU ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2014
Thích Thanh Thắng

Sau thành công của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008, Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) bao gồm đại diện của các truyền thống Phật giáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phần nào đã có những ấn tượng tốt đẹp về Phật giáo Việt Nam, do đó việc Giáo hội chủ động xin đăng cai Đại lễ Vesak năm 2014 đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban này, dù ban đầu họ vẫn còn tỏ ra nghi ngại về những giới hạn của địa điểm tổ chức và những dự tính có phần "phiêu lưu" từ phía GHPGVN.

Xin được nhắc lại, Vesak 2008 được Chính phủ đăng cai tổ chức tại thủ đô Hà Nội với đầy đủ ý nghĩa tôn giáo, chính trị, xã hội của nó, để từ đó có thể nhắc đến một vị thế, hay vị trí của Phật giáo Việt Nam ở một phạm vi bao quát hơn, để rồi sự xuất hiện của các truyền thống Phật giáo ở Hà Nội năm 2008 lần đầu tiên được miêu tả như một cơn mưa pháp đúng nghĩa, hài hòa lợi ích.

Vesak 2014 được Giáo hội quyết định đăng cai tổ chức tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Tuy ngay từ đầu đã có nhiều ý kiến khác nhau về địa điểm tổ chức, nhưng chẳng gì bằng một công đôi chuyện, nhất cử lưỡng tiện để Ninh Bình quảng bá di sản Tràng An, và Giáo hội cũng nhờ thế mà nhận được sự ủng hộ tối đa về mặt tài chính từ cư sĩ Xuân Trường.

Từ xưa đến nay, việc các đại gia có ý thức tài trợ cho các dự án văn hóa, tôn giáo chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, vì họ ít nhận được những lợi ích trực tiếp, nếu không muốn nói rằng đó là chuyện "đi buôn lỗ vốn". Cho nên, công bằng mà nói, lời cảm ơn của Giáo hội dành cho cư sĩ Xuân Trường trong lễ Bế mạc, có thể vẫn còn chưa đủ. Bởi chúng ta cần phải khuyến khích, kêu gọi họ ủng hộ nhiều hơn nữa cho các sự kiện văn hóa, tôn giáo một cách vô vụ lợi trên tinh thần nhân quả.

Dù vậy cũng cần phải nói cho hết nhẽ, đây là một cuộc lễ tốn kém ngoài dự tính, nhưng dù với mục đích gì, chịu điều tiếng khen chê thế nào, thì chắc hẳn mấy chữ "chùa Bái Đính" được gắn với cư sĩ Xuân Trường cũng gợi ra nhiều suy nghĩ vui buồn khác nhau.

Có thể đa phần đại biểu Phật giáo quốc tế đến tham dự Đại lễ Vesak Ninh Bình chỉ quan tâm đến cảnh quan, nơi ăn chốn ở, thái độ tiếp đãi, tiện thể có một cuộc du lịch, và những người có chuyên môn, có tham luận thì ít nhiều quan tâm đến các buổi thảo luận nhóm, còn lại đa số đại biểu trong nước muốn nhìn thấy một cái gì đó thực chất hơn của Phật giáo Việt Nam, có nghĩa rằng qua đó Phật giáo Việt Nam phải có những chương trình hành động để đời sống tâm linh của người Phật tử đi vào quỹ đạo thiết thực, phù hợp chánh pháp, không lỗi nhịp thời đại, song song đó là một Giáo hội đoàn kết, vững mạnh, thống nhất trong chỉ đạo...

vesak_2014-be_mac_17

Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn ra sự "ngơ ngác" của một số vị lãnh đạo Giáo hội khi gần như thiếu thông tin trước những gì đang diễn ra tại Ninh Bình, đặng chẳng đừng phải xuất hiện tại một Đại lễ mang tầm quốc tế như thế, nhưng chẳng ai muốn bị trở thành "người đứng bên lề", đặc biệt trong bối cảnh, Giáo hội chúng ta vừa mất đi một bậc thạch trụ tùng lâm khả kính là Ngài Chủ tịch HĐTS.

Xin quý vị bình tĩnh, bởi trong hoàn cảnh khuyết vị chức vụ người đứng đầu, mọi nỗ lực, mọi biểu hiện, mọi sắp đặt nhất cử nhất động trong Đại lễ, liên quan đến bất cứ ai, đều cho thấy một xu hướng, một thái độ nào đó cho những diễn biến quan trọng về sau trong giàn lãnh đạo Giáo hội, bởi chính ý thức ấy sẽ dẫn dắt cho hành động, hành động ấy vì cái chung hay vì cái riêng, vì chiếc áo hay vì cái mắc treo áo chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Thực tế, qua 4 ngày diễn ra Đại lễ, đại biểu Phật giáo quốc tế hiểu gì về Phật giáo Việt Nam, về những tư tưởng gì là tinh túy, cốt lõi của Phật giáo Việt Nam? Có lẽ đây là một câu hỏi bao quát chung cho tất cả nội dung và hình thức mà Vesak 2014 Việt Nam đã thể hiện.

Dù đã có nhiều cố gắng, song phần nghi lễ khai mạc, diễn văn và các sự kiện ngoại vi như triển lãm, thực hiện nghi thức, nghi lễ, văn nghệ vẫn chưa được chăm chút tỉ mỉ, nếu không muốn nói là xem nhẹ phần thi công, nghi thức thể hiện cũng như những thông điệp cần chuyển tải. Có lẽ đó là những giới hạn về mặt thời gian. Vì vậy công tác truyền thông, kịch bản truyền thông, thông tin về đại biểu có thể nói là đơn điệu, ít sáng tạo, ngoài những tờ bản tin được in đẹp, thì cách thực hiện và nội dung thể hiện chưa đạt tầm sự kiện. Điều này cũng dễ nhận ra khi trung tâm báo chí quá cách xa với hội trường chính và những hội trường thảo luận chung quanh, cộng với thời tiết nóng bức, phương tiện đi lại khó khăn, nên khó tạo ra những sự kiện truyền thông nổi bật. Đây là một hạn chế khi đưa về Ninh Bình tổ chức, đó là chưa kể đến tại các hội trường chính của lễ khai mạc, bế mạc và thảo luận nhóm, sóng truyền tín hiệu nghe nhìn đã bị phá, một sự "cẩn thận" quá mức cần thiết trong một Đại lễ Phật giáo.

Không chỉ có khán giả xem truyền hình trực tiếp thắc mắc về sự lộn xộn trong Lễ Khai mạc, mà đa phần đại biểu tham dự đều nêu ý kiến ấy. Dù hội trường chính 3.500 chỗ ngồi là một thành công có tính chất kỷ lục trong xây dựng, nhưng vì xây quá gấp rút nên chưa có đánh ký hiệu A, B, C cho từng dãy ghế, nên hầu hết đại biểu lên xe tới dự Đại lễ cũng không biết mình được bố trí ngồi (cố định) ở đâu, lực lượng tình nguyện viên trong hội trường thì vừa thừa lại vừa thiếu, thừa vì họ đi lại quá nhiều, nói quá nhiều, nhưng thiếu vì ngoại ngữ chưa được tốt và họ cũng không rõ mình phải bố trí đại biểu nào thì được ngồi ở đâu.

Do thời gian tổ chức gần với ngày Phật đản ở các địa phương, nên ngay sau lễ Khai mạc, hầu hết đại biểu trong nước đã có tâm lý muốn ra về, bởi quá trình dịch chuyển quá xa, từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến Ninh Bình, ngày nào cũng sáng sớm đi tối về đã tạo ra sự mệt mỏi cho không chỉ các đại biểu lớn tuổi. Tuy vậy, đại biểu cũng dành những lời khen cho lực lượng tình nguyện viên và công tác hậu cần, mà công lao phải kể đến vai trò của Thượng tọa Thanh Phong, Thượng tọa Chân Quang... Điều đó đúng, bởi ngoài một Vesak với những tuyên bố to lớn cho các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, thì về mặt con người, tình cảm, nó còn là cuộc gặp mặt, giao lưu mà vấn đề ăn ngủ, dạo chơi, tiếp đãi không thể bị xem nhẹ.

Một điều đáng chú ý nữa là, Vesak diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc cho đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã dấy lên không ít lo lắng cho tăng ni, Phật tử Việt Nam.

Chúng ta có nhiều lý do để hiểu vì sao đoàn Trung Quốc bỏ về ngay sau lễ Khai mạc, và đoàn Thái Lan cũng ra về trước lễ Bế mạc. Nhưng dù vì lý do sức nóng của Biển Đông, vì mâu thuẫn truyền thống Phật giáo liên quan đến chính trị quốc gia, hay vì lý do đón tiếp thiếu trọng thị, thì sự bỏ ra về của một số đoàn cũng là điều cần phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm cho Ban Tổ chức.

Cũng từ đây, ở một góc nhìn khác cụ thể hơn, chúng ta dễ dàng hiểu vì sao đứng dưới danh nghĩa của một cuộc Đại lễ tôn vinh 3 sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật, người ta lại để những chuyện bằng lòng hay không bằng lòng với truyền thống Phật giáo này hay truyền thống Phật giáo khác khoác màu sắc chính trị phức tạp như thế. Hiến chương của Ủy ban quy định thế nào, điều chỉnh thế nào để giới hạn và không tái diễn những kiểu cách phản ứng có tính chất "mất đoàn kết" như thế tại một cuộc lễ Phật giáo có uy tín nhất định trên thế giới. Nếu hiến chương của Ủy ban không nêu rõ việc tôn trọng sự khác biệt của các truyền thống, thì cũng không vì những phản ứng nóng nảy mang tính sân si làm giảm đi tính liên đới và sự thắt chặt mối quan hệ giữa các truyền thống Phật giáo trên nền tảng tinh thần của đạo Phật.

Có người cho rằng, từ Vesak này, chúng ta cần phải nghĩ ngay đến một liên minh Phật giáo, hay đại loại như một tố chức, ủy ban nào đó có tầm quốc tế để tái cân bằng. Nhưng chúng ta có tầm ảnh hưởng thế giới như thế nào? Học thuật? Uy tín tâm linh? Vai trò của một "quốc gia Phật giáo"?...

Có thể nói, thành công ở Vesak lần này, ngoài sự cố gắng tối đa để không xảy ra những điều đáng tiếc trong tất cả các khâu chuẩn bị, còn là sự chủ động và nhạy bén ở một số cá nhân như Thượng tọa Đức Thiện, Thượng tọa Nhật Từ, khi có thể tham vấn và đề nghị đưa vấn đề Biển Đông một cách khéo léo, phù hợp vào Tuyên bố chung Ninh Bình. Nói một cách sòng phẳng rằng, nếu không có tiếng nói mong mỏi hòa bình ấy cất lên đĩnh đạc ở một Đại lễ Phật giáo mang tầm quốc tế, thì không rõ phải miêu tả thành công của đại lễ Vesak ở điểm nào trong vô số sắc màu tỏ mờ một cách chung chung ấy. Còn với các kỷ lục thì sao? Xin thưa không có Vesak, thì người ta cũng đã đua nhau làm đấy thôi.

Như vậy, có thể thấy, bất cứ sử dụng chủ đề nào, thông điệp cụ thể nào cho mỗi sự kiện Vesak cũng sẽ để lại dấu ấn tâm linh và một quyết tâm của Phật giáo nước chủ nhà, qua sự liên kết và liên đới của các truyền thống Phật giáo, nhằm tìm kiếm một tiếng nói chung cho Phật giáo nước mình, hài hòa với lợi ích chính đáng của dân tộc mình và xây dựng tình huynh đệ trong ngôi nhà chung Phật giáo thế giới.

Chiếc áo Vesak sẽ trở nên chật khi người ta chỉ chăm chăm đạt mục tiêu cho lợi ích riêng mình mà quên đi những giá trị khác to lớn hơn mà Phật giáo đang đóng góp cho nhân loại. Từ những gì diễn ra ở Vesak 2014, và đúc kết từ những Vesak trước đó, có thể nói rằng việc xây dựng một tổ chức Phật giáo uy tín có tầm quốc tế, không phân biệt màu da, chủng tộc còn đang gặp nhiều thử thách, nhất là khi Vesak có thể bị các cá nhân hay các đại diện tùy ý tẩy chay. Và như thế chiếc áo nào cũng sẽ trở nên chật chội, một khi nó không phản ánh đúng các giá trị thời đại và thời sự của Phật giáo trước những diễn biến phức tạp của thế giới con người.

Nếu nói rằng đây là một cuộc hội ngộ tốn tiền để trình diễn những vấn đề to tát của nhân loại, của thời đại, thì qua đó người ta cũng phần nào nhận ra tiếng nói kém sức nặng của một tổ chức đang "thiếu chuyên nghiệp" ngay cả trên phương diện thống nhất thực hành lời Đức Phật dạy. Đây cũng là vấn đề một số người đặt ra câu hỏi, vì sao Thiền sư Nhất Hạnh và Đức Đạt Lai Lạt Ma, những bậc thầy tâm linh hàng đầu trong thế giới Phật giáo lại không thể tham dự sự kiện này. Trong khi nhẽ ra, ở một lợi điểm khác về mặt hội tụ giá trị của các truyền thống Phật giáo, những đại biểu ưu tú đại diện cho các truyền thống Phật giáo phải truyền được cảm hứng, và phải được tạo điều kiện tối đa để họ truyền cảm hứng tâm linh cho mọi người. Đó mới thực sự là những bài pháp có giá trị chuyển hóa con người.

Cuối cùng, có thể thẳng thắn nói rằng, có hay không có Đại lễ Vesak tiếp theo tại Việt Nam, thì trong thành công của Đại lễ Vesak 2014 lần này, xin đừng quên, việc cất tiếng nói của lương tri về vấn đề Biển Đông, hay những mục tiêu thiên niên kỷ to tát, cũng chỉ là một vấn đề trước đầy những ngổn ngang vấn đề mà dân tộc và đạo pháp còn phải làm trong một tương lai gần, rất gần...

Chùa Giác Tâm, Sài Gòn ngày trăng tròn tháng Tư


Thích Thanh Thắng
(Phật Tử Việt Nam)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 10322)
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 12905)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
24 Tháng Năm 2015(Xem: 13062)
Bốn biển, năm châu thơm ngát hương trầm- Mừng Đản Sanh, bậc Xuất Trần Vô Thượng Sĩ- NGƯỜI đến từ huyền nhiệm, linh thiêng- Phúc lành vô khả tỷ- Rồi Xuất Gia, Đắc Đạo, Niết Bàn!
23 Tháng Sáu 2014(Xem: 11167)
Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng...
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 13145)
Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu.
16 Tháng Sáu 2014(Xem: 12795)
Tham luận “The Way to World Peace via an Integrated Kantian and Buddhist Perspective” được tác già trình bày tại Diễn Đàn Phật Giáo và Xây Dựng Hoà Bình Thế Giới, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Bái Đính, Ninh Bình ngày 9.5.2014 và in trong Buddhist Contribution to Global Peace Building,
22 Tháng Năm 2014(Xem: 8302)
Đại lễ Vesak 2014 LHQ đã khép lại với sự thành công rực rỡ của mùa đại lễ Vesak 2014 lần này, Việt Nam và Phật giáo Việt Nam sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng của bạn bè Quốc tế khắp nơi.