Hoang Phong
Mỗi năm vào dịp lễ Vu Lan thì chúng ta lại được nghe một bài hát thật cảm động là bài "Bông Hồng Cài Áo" của Phạm Thế Mỹ. Bài hát mượn ý từ một đoản văn của thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1962, lúc ông vừa 36 sáu tuổi và đang học về khoa Tôn Giáo Đối Chiếu tại đại học Princeton Hoa Kỳ. Trở về nước vào giữa mùa Pháp nạn, biết đâu ông lại càng cảm thấy thấm thía hơn về những gì mà mình vừa học ở đại học Princeton? Vài năm sau khi bài viết của thiền sư Nhất Hạnh được nhiều người biết đến thì Phạm Thế Mỹ viết bài hát "Bông Hồng Cài Áo, lúc ấy có lẽ ông cũng trạc 36 tuổi. Cả hai vị cùng sáng tác vào lứa tuổi tràn đầy sức sống và chín chắn, một sức sống nẩy mầm từ lòng mẹ và một sự chín chắn mang lại từ một giai đoạn lịch sử thật phức tạp và khó khăn của dân tộc cũng như của Phật Giáo trên quê hương.
Phạm Thế Mỹ nhắm mắt vào năm 2009 để lại cho chúng ta một cánh hoa thật đẹp. Thiền sư Nhất Hạnh thì vừa nhận bằng ngợi khen của đại học Harvard ngày 12 tháng 9 năm 2013, và là người đã mang về cho quê hương một tập tục thật đẹp nhằm nhắc nhở mỗi người trong chúng ta nhớ đến công ơn của mẹ. Phải chăng đấy là những gì mà cả hai vị đã nhân danh mẹ để mang lại cho cuộc đời này? Mỗi mùa Vu Lan, ai mà chẳng muốn nghe lại bài hát của Đặng Thế Mỹ và cài lên áo mình một cánh hoa của thiền sư Nhất Hạnh.
Vị thiền sư kể lại sự tích về cánh hoa Vu Lan như sau:
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan".
Tôi vô cùng bàng hoàng khi đọc đến câu: "Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào". Chữ "khốn nạn" xoáy xâu vào tim tôi khiến tôi nghẹt thở. Ngày nay không thấy mấy ai dùng đến từ này để nói lên một sự thương hại nào đó cho những kẻ bất hạnh. Phải chăng từ này đã trở thành quá xưa và không còn phù hợp với sự vô tình của ngày nay nữa? Thật vậy thiền sư Nhất Hạnh viết câu trên đây cách nay đã nửa thế kỷ.
Trong quyển Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 chữ "khốn" được giải thích là nghèo khổ, khó khăn, gian nan; chữ "khốn nạn" thì có nghĩa là cùng khổ và hèn mạt. Quyển tự điển này lại còn đưa ra hai câu ca dao làm thí dụ: Của rẻ ấy là của ôi, Lấy phải vợ dại khốn tôi trăm đường; Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi, Tiên ở với cú người cười với ma. Theo quyển Hán-Việt Từ Điển của Đào Duy Anh xuất bản năm 1932 thì chữ khốn gốc tiếng Hán có nghĩa là cùng khổ, chữ nạn có nghĩa là tai vạ nguy hiểm, và chữ khốn nạn thì có nghĩa là khó khăn. Dầu sao thì nguyên gốc của chữ khốn nạn không hề mang hậu ý của một sự nguyền rủa. Cách dùng trệch đi hay hiểu sai đã làm mất đi một chữ rất đẹp trong ngôn ngữ Việt Nam. Thật vậy trong quyển Từ Điển "Từ và Ngữ" Việt Nam của Nguyễn Lân xuất bản năm 1989, và Từ Điển Tiếng Việt của nhà văn và ngôn ngữ học Bùi Đức Tịnh, hình như được xuất bản lần đầu vào năm 2002, thì chữ khốn nạn có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là khốn khổ đáng thương, và nghĩa thứ hai là hèn mạc đáng khinh bỉ. Các quyển từ điển khác gần đây hơn đều nêu lên chữ khốn nạn với hai ý nghĩa như thế. Phải chăng vì lý do chữ khốn nạn mang hai ý nghĩa đối chọi nhau nên không mấy ai dùng đến nữa hầu tránh mọi sự hiểu lầm hay chăng?
Nếu thiền sư Nhất Hạnh tự nhận mình là một đứa trẻ mồ côi, vô phúc và khốn nạn, thì tôi cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận và cám ơn bất cứ ai gọi tôi là một đứa trẻ vô phúc và khốn nạn, dù là với ý nghĩa này hay ý nghĩa kia, hay là cả hai. Bởi vì chính cái khốn nạn ấy đã giúp tôi lớn lên như một con người, xứng đáng với tình thương yêu của mẹ tôi đối với tôi. Ngày còn bé mỗi khi vấp ngã, u đầu sứt trán hay đứt tay thì mẹ tôi luôn nhai gừng để xát vào chỗ sưng hay để băng bó cho tôi, mẹ tôi vừa nhai vừa xót xa lẩm bẩm: thật khốn nạn cho con tôi quá! Chữ khốn nạn hay câu nói đau lòng ấy của mẹ tôi vẫn còn âm vang trong trí tôi đến mãi ngày hôm nay.
Ngành y khoa cách nay ba phần tư thế kỷ thật hết sức là đơn giản. Nếu đau bụng, kiết lỵ hay tiêu chảy thì có thuốc Ganidan, nóng sốt thì có thuốc Aspirin, viên nào cũng thật to, mẹ tôi phải bẻ ra làm tư hay ngâm vào nước. Thế nhưng cái khủng khiếp nhất cho những đứa trẻ thời bấy giờ là ho cảm và phải bị tiêm thuốc. Một hôm tôi nóng sốt và ho suốt đêm, mẹ tôi không ngủ và thỉnh thoảng đặt tay lên trán tôi, lo lắng vì cứ sợ tôi bị "ho gà" hay "sưng phổi". Sáng hôm sau mẹ tôi cõng tôi từ làng Vĩnh Thanh Vân ra nhà thương ở chợ Rạch Giá. Ngày ấy tôi đã được ba hay bốn tuổi, tôi có thể đi bộ được, thế nhưng từ cửa nhà mẹ tôi đã đưa lưng để cõng tôi. Trên lưng mẹ, tôi biết rằng thế nào tôi cũng bị tiêm thuốc. Thời bấy giờ, không cần phân biệt là trẻ con hay người lớn, cứ hễ ho cảm nhất là thêm nóng sốt, thì phải tiêm Eucalyptine, một thứ thuốc làm bằng dầu khuynh diệp. Tiêm dầu thì phải dùng kim to, và dầu thì khó tan nên mông thường sưng lên và bầm tím, có khi làm độc.
Ở nhà thương, sau khi chờ một lúc lâu thì đến lượt mẹ con tôi. Bác sĩ khám xong thì một bà y tá lấy một ống thuốc màu xanh lá cây tiêm cho tôi. Tôi nhất định không khóc vì tôi không muốn nghe mẹ tôi thốt ra cái câu xót xa ấy: thật khốn nạn cho con tôi quá! Tiêm thuốc xong bà y tá xốc nách tôi và đặt tôi đứng xuống đất. Tôi chỉ đứng được một chân, mẹ tôi ngồi sụp xuống đất ghé lưng để cõng tôi. Vị bác sĩ và bà y tá nhìn mẹ con chúng tôi và mỉm cười. Trên đường về trời nắng, thỉnh thoảng mẹ tôi lại hất ngược cái nón lá ra phía sau để che đầu tôi. Về đến nhà khi buông cổ mẹ thì tôi thấy lưng áo bà bà đen của mẹ thấm ướt cả mồ hôi. Tôi suýt bật khóc, cố nín, nước mắt chảy quanh...
Lớn lên tôi mới hiểu rằng tình mẫu tử cũng chỉ là một hình thức hay một thể dạng của nghiệp, nghiệp của mẹ tôi và của tôi. Cái nghiệp ấy phát lộ trên dòng tri thức của tôi sớm hơn một số các đứa trẻ khác thế thôi. Cái nghiệp ấy mỗi người đều có, thế nhưng có nhiều người khi lớn tuổi mới biết thương cha mẹ, và thường thì đã muộn, muộn cho mẹ và cho cả chính mình nữa. Trong dịp lễ Vu Lan nếu có ai cài lên áo mình một cánh hoa để nhắc nhở mình nên nghĩ đến cha mẹ cũng là một điều hay, tuy nhiên nếu cánh hoa ấy nở ra một cách tự nhiên trong lòng mình thì vẫn tốt hơn. Dầu sao thì cái nghiệp gọi là tình mẫu tử cũng phát lộ nơi mỗi cá thể bằng những cách khác nhau và ở những cấp bậc khác nhau. Chẳng phải là có những bậc cha mẹ hành hạ và ngược đãi con cái và đôi khi còn giết cả con cái mình nữa hay sao? Ngược lại cũng có những người con bất hiếu, bòn rút, đánh đập hay dằn vặt mẹ cha. Đối với các trường hợp ấy thì một cánh hoa trên áo nào có đủ sức để mang lại một tác động nào. Lý do cũng dễ hiểu, bởi vì những xung năng và tác động khác của nghiệp quá mạnh đã che lấp hoặc hóa giải cả tình mẫu tử. Ít ra đối với trường hợp của riêng tôi thì suốt quãng đời tôi mỗi khi nhớ đến lưng áo thấm ướt mồ hôi của mẹ thì tôi lại cảm thấy hiện ra trong tôi một sức mạnh nào đó thật thiêng liêng, giúp tôi đứng lên thật thẳng giữa cuộc đời này bằng đôi chân của chính mình.
Một thoáng cảm tính thương mẹ dù thật nhẹ nhàng và bất chợt đi nữa đôi khi cũng đủ để đánh thức những xúc cảm thật thanh cao của lòng hiếu thảo nơi mỗi người trong chúng ta, chẳng hạn như khi đang ăn một quả chuối hay một nắm xôi và chợt nhớ đến mẹ. Thiền sư Nhất Hạnh đã ví tình mẹ qua hai câu ca dao như sau:
"Mẹ già như chuối ba hươngNhư xôi nếp một, như đường mía lau"Chuối ba hương là một loại chuối tuy không đẹp mã nhưng rất thơm ngon, nếp một là loại nếp ngon nhất. Qua hai câu ca dao trên đây, người mẹ được biểu hiện bằng môt cái gì đó thận đơn sơ, giản dị và tự nhiên. Thế rồi vị thiền sư lại nhắc đến người mẹ bằng một cách khác hơn:
"Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ"
Nếu chữ khốn nạn khiến cho tôi phải bàng hoàng thì chữ Ngọc Hoàng khiến cho tôi bừng tỉnh. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta đều có một nguồn gốc, một người mẹ, một quê hương. Chính cái nguồn gốc đó giúp mỗi người trong chúng ta cảm thấy mình hiện hữu rất thật và biết yêu thương một cách cũng rất thật. Chẳng phải là chúng ta có một người mẹ rất thật, một quê hương rất thật để yêu thương hay sao? Cái lưng áo thấm ướt mồ hôi của mẹ tôi lúc nào cũng rất thật trong lòng tôi. Con đường mòn dọc bờ sông Rạch Giá dưới nắng trưa lúc nào cũng in đậm trong ký ức tôi. Biết yêu thương mẹ sẽ giúp chúng ta không bao giờ cảm thấy mình cô đơn, dù cho một người nào đó có cài lên áo mình một cánh hoa màu trắng.
Tất cả mọi sự vật đều có nguồn gốc, tất cả mọi xúc cảm dù chỉ thoáng qua, cũng đều có nguyên nhân. Bất cứ gì không cội nguồn, không quê hương sẽ chỉ là cô đơn, bơ vơ và lẻ loi. "Ngọc Hoàng Thượng Đế nào có cái diễm phúc có được một bà mẹ đâu?" Nếu Ngọc Hoàng Thượng Đế có được một người mẹ thương yêu mình, ghé lưng để cõng mình, thì biết đâu con người sẽ không như ngày nay, hay ít ra thì cũng không có những người mẹ cô đơn và những người con bất hiếu.
Dầu sao thì các cách diễn đạt trên đây của thiền sư Nhất Hạnh và của tôi cũng chỉ là những cách nói lên xúc cảm của mình. Thế nhưng xúc cảm lại mang hai thể dạng khác nhau: xúc cảm của yêu thương và rung động và xúc cảm của lý trí. Nói rộng ra là xúc cảm của lòng từ bi và xúc cảm của sự hiểu biết hay là trí tuệ. "Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau" là xúc cảm của con tim. Thương cho Ngọc Hoàng Thượng Đế không cội nguồn và "không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ" là xúc cảm của khối óc. Dầu sao thì xúc cảm cũng chỉ là những hình thức phát lộ của nghiệp, dù sự phát lộ đó hiện ra dưới hình thức từ bi và trí tuệ, hay hận thù và si mê. Một người tu tập khi đã ý thức được điều đó sẽ biết hướng những rung động của con tim và khối óc mình vào từ bi và trí tuệ, thay vì cứ mặc cho các thể dạng bấn loạn của chúng chi phối sự hiện hữu của mình.
Thuở ấu thời tôi thường đứng ở cửa bếp nhìn đàn gà kiếm ăn trong khu vườn sau nhà. Con gà mái bới đất, đàn gà con chạy tản mát chung quanh. Mỗi khi tìm được một hạt thóc hay một con trùn thì gà mẹ mổ lên lại nhả xuống, vừa gọi đàn con bằng những tiếng kêu cục cục, đàn gà con chim chíp bu lại và tranh nhau miếng mồi. Bới đất thế nhưng gà mẹ vẫn thỉnh thoảng ngẩng cổ canh chừng trên bầu trời. Nếu có bóng một con diều hâu thì gà mẹ nằm bẹp xuống đất, xoè cánh, lông cổ lông ức dựng ngược lên và không ngớt gọi con, đàn gà con chạy lại nấp dưới hai cánh và ức của gà mẹ. Gà mẹ ngẩng cổ và hơi nghiêng đầu để theo dõi bóng diều hâu trên không trung, dáng còn có vẻ như thách thức nữa. Đám gà trống thì cứ thản nhiên bới đất tìm mồi, hoặc đuổi các con gà mái khác để cắn cổ mà đạp, sau đó lại còn gân cổ mà gay ó o.
Lớn thêm và vào cái tuổi vị thành niên tôi có đọc một câu chuyện ngắn rất cảm động nói lên một sự hy sinh lớn nhất mà một người mẹ có thể làm được, ấy là câu chuyện "Anh Phải Sống" của Khái Hưng một nhà văn của thời tiền chiến. Câu chuyện thuật lại hai vợ chồng nghèo đi vớt củi trên sông vào mùa lũ lụt để đổi gạo nuôi ba đứa con nhỏ. Nước xoáy, củi nặng, thuyền chao và đắm giữa dòng. Hai vợ chồng cố lội vào bờ. Người vợ đuối sức, người chồng phải xốc vợ mà bơi. Thế nhưng một lúc sau thì người chồng cũng đuối vì sức nước mạnh quá:
"- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa. Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi: - Có bơi được nữa không? - Không biết. Nhưng một mình thì chắc được. - Em buông ra cho mình vào nhé? Chồng cười: - Không! Cùng chết cả. Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi: - Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không? - Không!... Sao? - Không. Thôi đành chết cả đôi. Bỗng Lạc run run khẽ nói: - Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống! Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ".Đang viết về những gì rất thật, thế nhưng tại sao tôi lại nêu lên sáng tác của một nhà văn? Theo Phật Giáo thì trong thế giới hiện tượng, sự thật hiện ra dưới nhiều hình thức và thể dạng khác nhau, dù đấy là những sự thật thuộc các lãnh vực chính trị, lịch sử hay tín ngưỡng. Có những sự thật cần phải có một đức tin hoặc một sự cố gắng nào đó, chẳng hạn như những lời thuyết giảng hay những lời hô hào để có thể cảm thấy chúng là thật. Những sự thật ấy chỉ mang lại những xúc cảm giả tạo, gượng ép và phù du. Tuy nhiên cũng có những thứ sự thật khác rất nhỏ nhoi và tầm thường, tưởng chừng như không có hay không thật, thế nhưng lại rất thật, chẳng hạn như tình thương của một người mẹ. Sở dĩ đôi khi chúng ta không nhận thấy được cái sự thật ấy của tình mẫu tử, chẳng qua là vì nó quá giản dị, tầm thường hoặc quá kín đáo. Giản dị "như quả chuối ba hương, như nắm xôi nếp một", tâm thường như con gà bới đất, như con chim tha mồi, kín đáo như những giọt mồ hôi trên lưng áo của mẹ tôi, hay một bàn tay buông ra giữa dòng nước xoáy.
Một thí dụ điển hình là bài hát "Bông Hồng Cài Áo" của Phạm Thế Mỹ vẫn cứ còn tiếp tục được hát lên trong mùa Vu Lan, chẳng qua là bởi vì có một cái gì đó rất thật, tàng ẩn ở bên trong nó, trong khi các bài hát khác của ông thì lại ít nhiều đã chìm vào quên lãng. Tiếng gọi tên ba đứa con của một người mẹ và những lời cuối cùng nhắn bảo với chồng là anh phải sống, chỉ là một sự tưởng tưởng của một nhà văn, thế nhưng hình như bên trong vẫn ẩn chứa một sự thật nào đó, bởi vì cái sự thật ấy đã có sẵn và tàng ẩn thật sâu kín nơi mỗi người trong chúng ta. Nhà văn chỉ khơi động và làm sống dậy cái sự thật ấy trong lòng chúng ta mà thôi.
Thật là khốn nạn cho một người mẹ vì sự sống của đàn con mà phải buông tay giữa dòng nước xoáy. Tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng có thể thấy được trường hợp của một người cha can đảm, dám hy sinh tất cả vì mục đích của đời mình, thế nhưng không phải là hy sinh mạng sống của mình mà là mạng sống của con mình. Nếu Ngọc Hoàng Thượng Đế là một bà mẹ, thì biết đâu thế giới này cũng sẽ khác hơn, ít ra cũng bớt hung bạo và chiến tranh hơn, dù cho con người cũng có thể vì thế mà phải mang bản chất của một người mẹ, một người phụ nữ, tức mềm yếu hơn và dễ rơi nước mắt hơn.
Thật ra mềm yếu hay can đảm cũng chỉ mang tính cách tương đối. Nụ cười trên môi của vị bác sĩ và bà y tá khi trông thấy mẹ tôi ngồi sụp xuống đất để ghé lưng cõng tôi, vẫn còn ám ảnh tôi cho đến ngày nay, chẳng qua vì tôi vẫn không hiểu được ý nghĩa của những nụ cười ấy là gì. Cười trước sự gan lì của một đứa bé bị tiêm thuốc eucalyptine mà không khóc, hay là cười vì tình thương con quá đáng của một người mẹ, hay là biết đâu những nụ cười ấy cũng chỉ là những nụ cười rẻ tiền, vô thưởng vô phạt và chẳng mang một ý nghĩa nào cả? Thật vậy, nếu muốn hiểu được sự gan lì của một đứa bé và sự yếu mềm trong lòng một người mẹ, thì phải có một sự rung động thật tinh tế, một sự hòa nhập nào đó với những gì sâu kín trong lòng họ.
Sự yếu mềm trong lòng của một người mẹ cũng có thể toát ra một sức mạnh bằng những giọt mồ hôi trên lưng áo. Sự gan lì trong lòng một đứa bé cũng có thể biến thành những vần thơ thật yếu mềm:
Đóa hoa nào trên áo?Đóa hoa nào trong tim?Xin cài lên áo em,Một đóa hoa màu thắm. Trắng tinh màu áo anh,Cài hộ anh hoa trắng.Trong tim anh heo héo,Đau nhói một cánh hồng. Bụi trần vương áo anh,Đã bao lần hoa héo.Nghìn năm anh vun xới,Cánh hoa nào trong tim? Áo anh vạt nắng chiều,Hoen hoen màu hoa trắng.Tim anh, em biết không?Đỏ thắm một nụ hồng.(30.08.13)Tuy giản dị, vụng về và mộc mạc thế nhưng tôi vẫn xin hiến dâng những vần thơ này cho tất cả những ai có một người mẹ và cả những ai không có mẹ.
Bures-Sur-Yvette, 19.09.13Hoang Phong Tham KhảoBông Hồng Cài ÁoNhất Hạnhhttp://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha087.htm Bồng Hồng Cài Áo, sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mìnhChúc Phúc - Quảng Kiến - Nguyệt San Giác Ngộ 2008http://langmai.org/cong-tam-quan/Thich-Nhat-Hanh/tro-chuyen-voi-thien-su-nhat-hanh-quanh-bai-bong-hong-cai-aoAnh phải sống Khái Hưnghttp://chimviet.free.fr/tienchie/0054khaihung/khaihn01.htmBông hồng cài áoPhạm Thế Mỹ - tiếng hát Khánh Lyhttp://www.youtube.com/watch?v=tdKR29RKLRM