GIAO THỪA ẤT MÙI KHAI BÚT CHUYỆN CON DÊ Thích Giác Nguyên
Dê là loài động vật hiền lành, gần gũi với đời sống và sinh hoạt của con người. Nó là một trong lục súc: ngựa, trâu, dê, chó, lợn, gà. Do đó, dê có rất nhiều giai thoại và truyền thuyết. Trong 12 con giáp thì Dê là hàng địa chi thứ tám gọi là Mùi . Đặc biệt, trong văn học dân gian, hình ảnh con dê rất dễ thương, chúng sống khá đơn giản, chỉ cần cỏ non và lá xanh là có thể sống mãn nguyện, nhưng chúng không bao giờ được yên thân.
Dê rừng, dê núi cũng là đối tượng cho nhiều loài săn bắt. Khi dê được thuần chủng trở thành gia súc cho con người sử dụng hơn ba ngàn năm qua thì nó bị bốc lột sự sống không thương tiếc. Da thịt lông sừng không chừa bỏ. Nó lại là món ăn thích khẩu của con người. Dê cái khi sanh con bị vắt cạn sữa cho người tiêu thụ nên không đủ cho con bú làm khổ nhọc thân mình.
Con Dê trong văn học
Đặc biệt loài dê có thiên tính nhớ ơn mẹ còn tấm bé, khi dê con bú vú mẹ, nó liền lùi ra phía sau và quỳ hai chân trước xuống. Bởi vậy trong Tăng Quảng Hiền Văn, một tác phẩm giáo dục trẻ em từ đời nhà Minh đã nói:
羊 有 跪 乳 之 恩 , 鴉 有 反 哺 之 義 ,
Dương hữu qụy nhũ chi ân, Nha hữu phản bộ chi nghĩa,
你 及 他 未 及 ?
Nễ cập tha vị cập?
Con dê vì biết ơn của mẹ nên quỳ xuống mà bú. Con quạ có cái nghĩa là khi cha mẹ già thì nó đi kiếm mồi mớm cho cha mẹ ăn.
Ngoài ra, hai câu chót của bài Sấm Trạng Trình là:
Mã đề Dương cước anh hùng tận,
Thân Dậu niên lai kiến Thái bình!
Ẩn nghĩa hai câu này là:
Con ngựa nó đá con dê, anh hùng tận mạt bốn bề lao đao
Thân Dậu năm tới xáo xào, Thái bình biển động sóng gào phong ba.
Nhưng không biết vào thời gian nào đích thực xảy ra trước cuộc cờ thế giới Á châu.
Dê cũng là hình thức châm biếm những kẻ cúi luồn nịnh nọt ngoại bang để cầu chút hư vinh:
Tài giỏi sá gì thân khuyển mã
Thà rằng ngồi tót vuốt râu dê.
Hoặc treo đầu dê bán thịt chó, ý nói là một chuyện, còn làm là chuyện khác. Không phải chỉ lừa miếng ăn mà nó lừa ta vào cõi u mê ám chướng mà ta không hay, bởi do nhẹ dạ cả tin mà ra vậy.
Trong tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu:
Phải duyên hương lửa cùng nhau, Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.
Con Dê trong sử sách:
Sau khi diệt Ngô và Thục, Tư Mã Ý lên ngôi, lập nên nhà Tấn. Truyền đến đời cháu nội là Tấn Võ Đế tên thật là Tư Mã Viêm (236-290), ở ngôi 35 năm. Võ Đế là ông vua hoang dâm khi vừa lên ngôi, ông bèn ra lệnh cho dân gian ngưng ngay việc cưới hỏi, rồi sai hoạn quan đến từng địa phương để tuyển gái đẹp đem về hậu cung lên đến 5 ngàn người. Vua tỏ ra vui mừng đến bối rối, không biết phải hưởng dụng như thế nào? May có một cận thần đưa ý kiến: Sắm cho vua một cỗ xe dê, vua nên ngồi trên xe do 2 con dê đực kéo đi vòng quanh hậu cung, hễ xe dê ngừng ở cửa cung nhân nào thì tối hôm đó vua sẽ ngự đến ăn tối và ở đêm lại với cung nhân đó. Nhà vua cho là ý kiến hay liền nghe theo, báo hại các cung nhân phải nhờ người tìm hái lá dâu rắc trước lối vào cửa nơi mình ở để mong rằng xe dê sẽ ngừng lại, vì dê thích ăn lá dâu.
Vào thời Tam Quốc, khi Tào Tháo đuổi bắt Tả Từ. Cùng đường, Tả Từ liền chạy thẳng vào đàn dê, rồi dùng phép thuật biến mình thành dê. Khi phụ tá của Tào Tháo cho kiểm lại số dê thấy thừa một con, biết có Tả Từ trong đó, liền bảo: "Tả từ cứ đầu hàng, ta không giết đâu mà sợ !" Bỗng một con dê trong đàn bước ra gật đầu, quỳ lạy. Phụ tá Tào Tháo xông vào định bắt sống, tức thời cả đàn dê liền quỳ xuống, khiến tên quan không phân biệt được con dê nào là hoá thân của Tả Từ nữa! Câu chuyện kết luận: Loài dê có đức độ hơn người, không phản trắc, không tố giác bạn bè". Sách nhà Hán còn kể chuyện Lý Thức mặc áo dài, đi giày cỏ, chăn dê hàng năm trời ở Thượng Lâm để lập chí.
Ngoài ra câu chuyện Dê ca ngợi đức trung kiên của Tô Vũ. Khi bị giặc Hung nô đày ra Bắc Hải chăn một đàn dê đực, Hẹn khi nào dê đẻ thì cho về. Tô Vũ vẫn giữ tiết nghĩa của nhà Hán, thường hái lá rau, kiếm dế, bắt chuột nướng ăn để sống qua ngày, không hề nản lòng thoái chí.
Con dê trong Thánh kinh Thiên chúa giáo
Thánh kinh Cựu Ước Chúa phán như sau: “Nếu một đầu mục, một vị linh hướng trong giáo dân vô ý phạm đến các giới răn của Chúa một cách công khai, được người khác biết đến. Người đầu mục đó phải tiến một con dê đực còn non chưa nhảy cái dâng lên cho Chúa để làm lễ tạ tội. Con dê sẽ bị giết và vị tư tế dùng tay bôi máu con vật lên các góc của bàn thờ, số máu còn lại thì đổ xuống chân bàn thờ (Lv 4:22-26). Luật lệ này cũng được áp dụng lên toàn thể cộng đồng Do thái nếu họ vô ý không giữ mệnh lệnh của Chúa, thông qua luật Mô-sê. Khi toàn thể cộng đồng vô ý phạm phải một luật định của Mô-sê, thì toàn thể cộng đồng phải dâng một số con vật như đã kể ở trên, kể cả một con dê đực để làm lễ xá tội (Lv 9:15-17 & Ds 15:22-26). Nhưng ngược lại, nếu một thường dân vô ý vi phạm luật Mô-sê công khai, được người khác biết, thì người ấy sẽ tiến dâng một con dê cái để làm lễ xá tội (Ds 15:27)”. Công thức và nghi lễ thì cũng như trường hợp kể trên.
Trong ngày lễ này, cộng đồng Do thái đặc biệt tiến dâng hai con dê đực trước bàn thờ Chúa. Vị tư tế sẽ bắt thăm chọn giữa hai con: một thăm chọn một con cho Chúa, thăm còn lại sẽ chọn con dê cho A-da-dên (A-da-dên có nghĩa là scapegoat trong tiếng Anh, dịch là con dê gánh tội). Vị tư tế sẽ giết tế "con dê cho Chúa" làm lễ tạ tội cho toàn dân. Sau khi rảy máu con dê trên một cái nấp xá tội và làm một vài nghi thức thánh hiến bàn thờ, người ta dẫn "con dê cho A-da-dên" còn sống tới. Vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê này, rồi xưng thú trên nó tất cả lỗi lầm của toàn dân. Dĩ nhiên vị tư tế có cả một danh sách các giống tội gớm ghiếc mà cộng đồng hay phạm. Ông trút tất cả những tội lỗi đó lên mình "con dê gánh tội."
Sau khi xưng thú tội cộng đồng xong, vị tư tế sẽ nhờ một người phục dịch dẫn con dê này thả sâu vào sa mạc. Con dê này gánh mọi tội lỗi cộng đồng Do thái mà đi lạc lõng trong sa mạc. Thức ăn của dê là cỏ tươi mà giữa một sa mạc khô cằn, không cỏ, không nước, lại có thú dữ ăn thịt như sư tử và chó sói quanh quẩn, thì số phận của "con dê gánh tội" thật là thảm não. Vì phải gánh tội cho cộng đồng mà nó giờ đây phải sống trong đói khát và sợ hãi, và cuối cùng nó sẽ chết trong đau đớn, có khi là kiệt sức vì đói khát, có khi bị phanh thây bởi một con sư tử hay một đàn sói dữ tợn. Phần người thả dê khi trở về phải làm những việc thanh tẩy để tránh sự uế tạp lây từ con dê đó. Anh ta phải giặt áo và tấm rửa kỷ lưỡng trước khi anh ta trở về với cộng đồng. Phần con dê bị sát tế để tạ tội thì xác của nó được đem ra ngoài trại xa mà đốt đi. Và luật lệ này được lưu truyền mãi trong dân Do thái trong suốt thời Cựu ước (Lv 16:1-34).
Con Dê trong Kinh điển Phật giáo
Vào thời Đức Phật, sự hiến tế sinh vật của Bà-la-môn giáo cũng rất thịnh hành và công việc tế lễ thượng đế, thần linh là đặc quyền của giai cấp Bà la môn. Đức Phật đã tuyên ngôn: “Giới bất sát không khi nào giết; Sát bất nhơn mất biệt tiếng người”. Ngài đã cực lực phản đối những cuộc hiến tế như thế, Ngài cũng chủ xướng học thuyết duyên sinh vô ngã, bác bỏ niềm tin vào một đấng thượng đế quyền năng tối thượng.
Một thời thái tử đi về thành Vương Xá, giữa đường gặp một đoàn cừu bị dắt đưa về thành để vua Tần Bà Sa La làm lễ tế thần. Ngài đi thẳng đến bàn thờ, vừa gặp vua đang làm lễ và các vị giáo sĩ Bà La Môn đang sắp sửa giết một con cừu để cúng các vị hung thần. Thái tử tự thân đến cởi trói cho con vật khỏi nạn và giảng giải cho mọi người nghe rằng : - Ai cũng tham sống, thế mà ai cũng thích giết hại. Ai cũng muốn tạo ra sự sống. Ngài nói tiếp: - Dẫu muôn loài có khác nhau, nhưng sự sống chỉ là một. Ngài dạy tiếp: Sau khi giết chết chúng sinh, có người sẽ đầu thai làm thú vật, và có nhiều thú vật sẽ tái sanh làm người. Người và thú lẫn lộn, lúc làm người, lúc làm thú, vì thế chúng cùng một dây liên lạc như anh em. Không thể lấy máu của thú vật rửa tội cho mình hoặc xin các vị thiên thần tha tội là một việc vô ích. Nếu các vị ấy đều thiện thì các vị sẽ không tha thứ cho một việc làm ác như thế. Nếu các người làm ác, thì dầu có giết bao nhiêu thú vật đi nữa để cúng, các người cũng không hết ác được. Nhưng dù thiện dù ác, các vị đó cũng không thể tha tội cho ai. Nhân nào thì quả nấy, không ai sửa đổi luật nhơn quả.Tội của người nào thì người ấy phải chịu, không ai có thể vượt qua. Càng giết hại nhiều lại càng mang lắm tai ương họa hoạn cho cuộc sống hôm nay.
Nhờ sự cảm hóa của Phật giáo biết bao người buông đao thành Phật, thành Bồ tát
Thậm chí kẻ hàng thịt cũng đốn ngộ tỉnh thức:
Tạc nhật Dạ-xoa tâm
Kim triêu Bồ tát diện,
Bồ tát dữ Dạ-xoa
Bất cách nhứt điều tuyến
Tạm dịch:
Hôm qua tâm Dạ-xoa,
Ngày nay mặt Bồ tát.
Bồ tát cùng Dạ-xoa
Cách nhau đường tơ tóc Chính vì vậy, vua Tần Bà Sa La sai khắc trong đá và chạm vào gỗ chỉ dụ: “Từ xưa đến nay, chúng ta đã phạm một tội lớn là giết súc vật để tế thần và để ăn thịt. Nhưng bắt đầu từ ngày nay, trong dân gian không được ai làm đổ máu một con vật nào, vì chúng sanh cùng chung một sự sống. Và nên nhớ rằng những điều lành sẽ dành riêng cho những kẻ hiền lương”.
Thời Phật còn tại thế, Kutadanta là một vị Bà La Môn làu thông kinh điển Phệ Đà, có rất nhiều đệ tử và tín đồ. Ông được vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) sùng kính và nhà vua đã hiến cúng cho ông ta ngôi làng Khanumata trong nước Ma Kiệt Đà. Ngày nọ, đức Phật đến hóa duyên tại làng này. Lúc ấy, Kutadanta đang chuẩn bị giết các thú vật gồm một số lớn bò đực, bò cái, cừu con và dê để tế thần. Khi hay tin đức Phật ngự ở tại vườn xoài trong làng mình, Kutadanta muốn đến yết kiến để thỉnh vấn Ngài về phương thức tế lễ thế nào cho có hiệu quả tốt.
Các đệ tử của Kutadanta cố gắng khuyên ông đừng đi, nhưng ông đã nói cho họ biết đức Phật là một đấng Giác Ngộ vĩ đại, và sau cùng ông đã thuyết phục được họ cùng đi đến viếng thăm đức Thế tôn. Đức Phật giảng cho Kutadanta và các đồ đệ của ông nghe kinh Kutadanta (thuộc Trường Bộ Kinh) nhằm giải thích cho Kutadanta hiểu rõ lợi ích của đời sống tu hành. Ngài bèn kể một câu chuyện Dê Cứu Thầy Tu như sau:
Thuở xưa, có một bà-la-môn rất nổi tiếng trong tôn giáo Ấn Độ. Ông quyết định đó là ngày thực hiện các nghi lễ hiến tế một con dê. Mà theo ông nghĩ đây là một buổi lễ tế theo yêu cầu đấng thần linh của mình. Ông đã lấy một con dê thích hợp cho việc tế sinh, rồi ra lệnh cho đệ tử của mình đem con dê ra sông Hằng và tắm rửa cho nó sạch sẽ và đeo vào cổ nó một vòng hoa. Sau đó, họ cũng tắm rửa như là một phần của việc thực hành tịnh hóa.
Khi xuống ở bên bờ sông, dê đột nhiên hiểu rằng hôm nay mình chắc chắn sẽ bị giết và đây là lần trả nghiệp cuối cùng rồi sẽ được tái sinh. Nó biết được các kết quả của những hành động bất thiện trong quá khứ của nó tạo ra được trả quả dứt điểm trong đời sống kiếp dê cuối cùng này. Vì vậy, nó cười vang một cách náo nhiệt.
Ở giữa tiếng cười của nó, nó nhận ra một sự thật khác - đó là vị đạo sĩ đã thực hiện cuộc hiến tế bằng giết nó, để rồi người đạo sĩ ấy sẽ phải chịu những hậu quả kinh khủng do sự thiếu hiểu biết của mình. Vì vậy, dê bắt đầu khóc to như là vừa cười!
Các người đệ tử tắm trong giòng sông Hằng rất lấy làm ngạc nhiên khi đầu tiên nghe tiếng dê cười và bây giờ lại khóc. Vì vậy họ hỏi con dê: "Tại sao khi nảy ngươi lớn tiếng cười vang rồi bây giờ lại đổi sang tiếng khóc thảm thiết?” Dê liền trả lời: "Tôi sẽ cho bạn biết lý do nhưng phải có mặt ông thầy của bạn, đạo sĩ Bà-la-môn mới được."
Vì họ muốn biết sự thật, ngay lập tức đẫn con dê tế thần đến cho vị đạo sĩ bà-la-môn. Họ giải thích tất cả những gì việc con dê đã làm. Đạo sĩ cũng trở nên rất tò mò. Ông trân trọng hỏi dê: "Tại sao ngươi cười đã rồi lại lớn tiếng khóc?"
Con dê nhớ lại cuộc sống quá khứ của mình, nó nói: "Thuở xưa, tôi cũng là một tu sĩ Bà-la-môn, giống như bạn, được đào tạo trở thành một hành giả thực hiện các nghi thức hiến tế tôn giáo thiêng liêng. Tôi tự nghĩ ra rằng là nên phải hy sinh một số dê theo sự mặc khải cần thiết của thần, sẽ mang lại lợi ích cho người khác, cũng như bản thân mình trong sự tái sinh ở tương lai. Tuy nhiên, kết quả thực sự của hành động của tôi là số dê bị tôi giết lên đến 500 con. Do đó tôi phải chịu trả quả báo trong 499 kiếp sống bị chặt đầu. Lần này tôi nhận ra rằng hôm nay tôi chắc chắn sẽ bị mất đầu của tôi lần thứ 500. Như vậy tôi đã hoàn tất cuộc trả quả báo do những hành động bất thiện của tôi từ bao đời trước. Niềm vui này làm cho tôi cười thoải mái không thể dừng được. Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng bạn là người đạo sĩ cũng giống như tôi trước đây, đã có những hành động sát sanh bất thiện và sẽ phải chịu một quả báo tương tự bị chém đầu như tôi trong 500 kiếp sau của bạn! Vì vậy, lòng từ bi và cảm thông, tiếng cười mãn nguyện của tôi quay lại là những giọt nước mắt thảm thiết để khóc cho bạn. "
Đạo sĩ Bà-la-môn nghe qua liền rún sợ cho là lời nói của dê có thể đúng sự thật, ông ta bèn bảo, "Vâng, này ông dê, ta sẽ không giết ông nữa." Dê trả lời, "Thưa đạo sĩ, dù bạn không giết tôi, tôi biết rằng hôm nay tôi cũng sẽ bị mất đầu vì lý do khác, để hoàn tất sự trả quả cuối cùng qua những hành động bất thiện trong quá khứ của tôi."
Đạo sĩ nói, "Đừng sợ, Tôi sẽ tìm mọi cách bảo vệ tốt nhất không cho sự xâm hại nào sẽ đến với bạn." Dê đáp, "Ô này ông bạn Đạo sĩ , dù bạn có bảo vệ cho tôi bằng cách nào đi nữa, hay dẫu tôi có chạy trốn bất cứ nơi đâu cũng không thoát khỏi nghiệp báo của mình.
Vì vậy, Đạo sĩ Bà-la-môn hủy lễ tế sinh và bắt đầu từ bỏ việc giết các động vật vô tội để hiến tế thần linh. Ông ra lệnh cho những đệ tử của mình chú tâm bảo vệ con dê mà ông vừa tha tội chết. Con dê được thả ra và tung tăng chạy lên sườn núi có nhiều đá để gặm một số lá non trên cành, nó trườn cổ của mình để tiếp cận cắn bứt. Thình lình mây đen u ám kéo đến và một tia sét kinh hoàng đánh trúng một tảng đá trên sườn núi, cắt một phiến đá sắc nét, văng chém ngay vào đầu chú dê khiến chết ngay lập tức. Sau đó mây tan và dông tố cũng qua đi. Ôi, lưới trời cao lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt!
Ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa trên đường tầm đạo, ngài đã trải qua sáu năm quá ư khổ hạnh, thân thể ốm gầy còn da bọc xương, sức cùng lực tậm, Một hôm ngài lần bước xuống bờ sông để tắm gội nhưng giữa đường Ngài ngã xuống đất bất tỉnh. Khi ấy có một cô gái chăn dê tên là Su- dà-ta (Sujàta) thấy thế liền mang bịch sữa dê nấu thành đề hồ đổ vào miệng Ngài. Sau khi sữa thắm vào cổ họng, Ngài dần dần hồi phục được sức khỏe nhận ra ép xác là sự sai lầm, bèn nỗ lực tham thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm, cuối cùng khi sao mai vừa mọc thì hốt nhiên đại ngộ. Ngài chứng được Tam minh thành tựu Chánh đẳng Chánh giác hiệu là Phật Thích ca Mâu ni. Ngài giảng thuyết Kinh Pháp Hoa, đưa ra thí dụ Giáo lý của ngài có ba trình độ, như có ba cỗ xe. Xe trâu tượng trưng là Đại thừa chở được nhiều người. Xe hưu là Trung thừa chở vài ba người. Xe dê là tiểu thừa chỉ chở được một người tùy sở thích của mỗi chúng sanh.
Tóm lại, nhân loại của thế kỷ 21 này, đã hấp thụ một nền văn minh khoa học khá cao, con người đã phóng phi thuyền lên không gian, lên mặt trăng và dự kiến di cư lên sao hỏa, vậy mà tại thế gian này vẫn còn bao điều ngốc nghếch vô minh, vẫn còn duy trì những hành động dã man như cảnh chém lợn, chặt hàng ngàn đầu con trâu gọi là Lễ hội.
Nói đến Lễ là phải tôn nghiêm, tôn kính, thanh cao, đẹp đẽ minh triết, đậm nét nhân văn, thắm đượm tình người, hiếu sinh hơn là hiếu sát, đáng để đời sau noi gương học hỏi, chứ không phải cuồng sát trước cái chết vô tội vạ đáng được yêu thương tha thứ. Thử đặt mình vào cảnh ấy sẽ ra sao? Một chiếc gai đâm vào người, một viên sõi trong chiếc giày, một hạt bụi rơi vào mắt cũng đủ cho ta xốn xang đau buốt. Huống chi kẻ khủng bố ra tay hạ thủ lấy đi bao mạng sống không có tấc sắt trong tay và họ cũng không có khởi lòng thù hận. Như vậy có còn nhân tính chăng? Ôi chao! Thế giới này sẽ an vui biết mấy, nếu mọi người biết dừng tay nghĩ lại thì những cảnh thảm khốc manh động sẽ không còn nữa. Nếu nhân loại biết thương yêu đến loài vật mà không nỡ tâm giết chúng để cúng tế và ăn thịt. Nếu nhân loại chỉ tự nuôi sống với rau củ hoa trái thì cõi nhân hoàng này sẽ là thiên đường tại thế, anh em bốn biển một nhà, vạn loại chúng sanh đại đồng một thể. Mong thay!
Tôi có đọc rằng mỗi khi đào đến xuân sang người Nhật lại bày biện bàn trà, tiệc rượu ngoài trời để thưởng hoa ngoạn cảnh. Trong khi nhấp ngụm đầu năm mới, nếu vô tình một cánh sakura bay lạc trong gió và rơi vào lòng chung trà chén rượu thì người ta coi đó là một điều may mắn lớn.
Xuân Di Lặc, hoa bốn mùa vẫn nở. /
Khắp nhân gian, thành thị đến thôn quê. /
Không phải Xuân, ba, bốn bữa ê hề. /
Không phải Tết, năm, bảy ngày rôm rả. /
Không chạy ngược, chạy xuôi đầy vất vả. /
Không rộn ràng tất tả chúc mừng nhau . /
Bởi quanh năm Xuân trước với Xuân sau. /
Vẫn lao động đấp bù cho sự sống.
Bốn mươi năm, vẫn Tết tha phương /
Bao trạm thời gian... cuộc hý trường! /
Nắng trải thềm hoa, Hương Tỉnh Thức /
Trăng về Xóm Hạc, Gió Trầm Hương /
Gieo vần Xuân Mới, Thơ Hoài Vọng
Vào dịp cuối năm, đầu năm, dương lịch hay âm lịch, có lẽ không có nhóm từ nào được mọi người dùng đến nhiều như là mấy chữ "Chúc mừng năm mới." Ngôn ngữ nước nào rồi cũng chỉ ngần ấy chữ, ngần ấy ý. Chúc vui, chúc mừng đến với bạn và gia đình trong năm mới...
Mỗi khoảnh khắc trên dòng tâm thức ấy phải là một mùa xuân. /
Ước mong sao mỗi người trong chúng ta /
cũng như tất cả chúng sinh trong vũ trụ, /
Đều tìm thấy được mùa xuân ấy, /
với những phút giây thật thiêng liêng và mầu nhiệm, /
… giữa ngày Tết hôm nay.
Tôi không nhớ rõ vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1969 hoặc Xuân Canh Tuất 1970, Ôn Mãn Giác, tức thi sĩ Huyền Không lúc bấy giờ là giáo sư kiêm Khoa trưởng phân khoa Phật học và Triết học Đông phương tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn có đề hai câu đối mừng Xuân trước thềm sân trường tọa lạc số 222, đường Trương Minh Giảng cũ SG như sau:
Cảm ơn /
Xin cảm ơn /
Trời đất bốn mùa thay nhau chuyển đổi /
Xuân sinh, hạ trưởng /
Thu liễm, đông tàn /
Hiện tượng thiên nhiên /
Cũng là chuyện trần gian /
Mai thịnh, mốt suy /
Nọ hưng, kia phế /
Rồi thân người /
Sinh già bệnh chết /
Huyền nhiệm xiết bao /
CUNG kính mời nhau một tách trà /
CHÚC mừng Xuân mới, tiễn năm qua /
TÂN niên hạnh phúc và như nguyện /
XUÂN đến bình an khắp mọi nhà./
VẠN nỗi ưu phiền buông xả hết /
SỰ đời trăm mối được hanh thông /
NHƯ Lai, Đạo Pháp đồng quy hướng /
Ý nguyện vẹn toàn đẹp ước mong.
Năm nay, đường Nguyễn Huệ đang được chỉnh trang thành Quảng trường đi bộ nên đường hoa được tạm dời về Hàm Nghi với tên gọi Đường hoa Tết Ất Mùi 2015. Dài 580 m, đường hoa TP.HCM được bắt đầu với hình ảnh gia đình dê - linh vật năm 2015 - cùng hàng nghìn loại hoa khoe sắc trong vẻ đẹp hiện đại của thành phố.
Từ xưa đến nay, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam đã lưu tồn nhiều phong tục, trong đó có phong tục nói lời chúc. Thông thường, người ta chúc nhau Tam đa, đó là đa phúc, đa lộc và đa thọ.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.