Áp Dụng Tinh Thần Phật Giáo Xây Dựng Văn Hoá Doanh Nghiệp - Minh Thạnh

29 Tháng Tám 201000:00(Xem: 30557)

ÁP DỤNG TINH THẦN PHẬT GIÁO
XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

Minh Thạnh
blank
blank

Sứ mệnh doanh nghiệp là hợp tác để cùng phát triển, cùng có lợi. Hợp tác mà một bên thắng và một bên thua giống như hình thức bóc lột thời phong kiến hay phạm giới ăn cắp. Trong một trò chơi mà ai cũng thắng thì ra về ai cũng thấy vui. 

Sứ mệnh doanh nghiệp là tái lập truyền thông giữa người với người, người và cộng đồng, người và thiên nhiên. Sự giao tiếp và truyền thông giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các phòng ban, giữa các nhóm làm việc và giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài là nhiệm vụ nòng cốt của doanh nghiệp. 

Một khi giữa các con người với nhau có sự truyền thông rõ ràng thì mọi ý kiến, lời nói và hành động dễ dàng được trao đổi, tiếp cận và hiểu rõ. Những tranh chấp và mẫu thuẫn nội bộ diễn ra là thiếu sự truyền thông, thiếu chia sẻ thông tin và thiếu đồng thuận, cho nên mọi mục tiêu khác không được truyền tải một cách đúng hướng, dẫn đến thiếu vắng thành công trong thực hiện mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn. 

Xây dựng các mối quan hệ trên nền tảng thiết lập truyền thông, thành lập các kênh phân phối và thu nhận thông tin, đồng thời tạo không gian cởi mở và lắng nghe cho môi trường làm việc. 

Bảo vệ truyền thông giữa người với người chính là bảo vệ môi trường, trong đó ta đề cao vai trò con người trong mọi khuynh hướng phát triển của doanh nghiệp. Khi truyền thông với người khác được thực tập trôi chảy, ta có khả năng hợp tác được với rất nhiều người và hàng trăm vệ tinh tự nhiên xuất hiện quanh ta, hỗ trợ cho ta và ta nhanh chóng thành công trong công việc. 

Tiếp theo truyền thông giữa người và người là truyền thông giữa người và cộng đồng. Tiếp xúc với cộng đồng không mang lại cho ta sự phiền toái mà là sự thực tập đa dạng hóa cho bản thân. Đây là trách nhiệm to lớn của doanh nghiệp, xảy đến doanh nghiệp như một điều tự nhiên, giúp ta hàn gắn mọi xa cách, liên kết với cộng đồng và cảm nhận yếu tố cộng đồng trong ta. 

Sự tương tác giữa ta và cộng đồng là phương thức cho thấy ta không bao giờ bơ vơ, cộng đồng đang cưu mang ta, sát cánh bên ta và ủng hộ ta thành tựu. Ta làm bạn với cộng đồng thì dĩ nhiên cộng đồng sẽ bảo vệ ta, ta thử nghĩ một doanh nghiệp sẽ đi về đâu nếu bị cộng đồng quay lưng, không thèm để ý đến ta nữa. 

Điều cuối cùng ta nên tái lập truyền thông với thiên nhiên. Vấn đề môi trường luôn dính dáng sâu sắc đến phát triển kinh tế, thiết lập hòa bình và nâng cao công bằng xã hội. Tất cả mọi quyết định dù là kinh tế hay văn hóa đều liên quan đến môi trường và nếu không có sự truyền thông giữa con người và môi trường, các quyết định đó khó thực hiện được hoặc chẳng bao giờ thành công thực sự. 

Sứ mệnh doanh nghiệp là hợp tác để cùng phát triển, cùng có lợi. Hợp tác mà một bên thắng và một bên thua giống như hình thức bóc lột thời phong kiến hay phạm giới ăn cắp. Trong một trò chơi mà ai cũng thắng thì ra về ai cũng thấy vui. 

Trong một bữa cơm gia đình có năm người cùng ăn các món ăn như nhau, cùng ngồi trên một mâm mà tất cả năm người đều cảm thấy thoải mái, đều nhìn nhau mỉm cười, đều ăn cơm ngon miệng thì cả gia đình đó rất hạnh phúc. 

Doanh nghiệp sinh ra là để tìm kiếm những hạnh phúc chung như vậy, thành công không phải của riêng ai, không phải của sếp, của phòng ban này hay phòng ban kia, không phải của nhân viên A hay nhân viên B, không phải là tẩy chay được công ty này hay công ty kia, hạnh phúc được tạo ra khi tất cả mọi người đều thành công ở vị trí của họ. 

Mà muốn thành công như thế, không ai có thể đứng một mình, tất cả đều nương tựa vào nhau để thành công. Phòng kinh doanh xuất nhập khẩu không thể thành công nếu không có sự đóng góp của phòng kế toán, bộ phận vận chuyển hàng, bộ phận thu mua, ngành giao nhận, ngành ngân hàng,… Phòng kinh doanh xuất nhập khẩu nếu không hợp tác và chia sẻ thông tin với các phòng ban hay ngành nghề khác thì sức mấy công việc thành công. 

Sứ mệnh doanh nghiệp là không ngừng lắng nghe, học hỏi và chấp nhận sự khác biệt. Đối với người quản lý, lắng nghe không phải là việc làm dễ dàng. Ta thường thích lắng nghe những quan điểm tương đồng, hợp với định kiến của mình, nhưng lắng nghe quan điểm khác biệt, trái với định kiến của mình thì không dễ chút nào. 

Người làm việc ở vị trí càng cao, cái tôi càng lớn, sĩ diện càng nhiều, cho nên thường hay nhất nhất quan điểm của mình và không thèm để ý đến lời nói của ai nữa. Cải thiện việc lắng nghe sẽ vun bồi và phù sa cho các dự án hay kế hoạch đi đến thành tựu nhanh chóng bởi vì mọi khía cạnh của vấn đề đều được soi sáng, điều mà một mình người quản lý không thể ôm đồm hết, khi đó muốn đưa doanh nghiệp đi lên sẽ không khó khăn. 

Một mình tổng thống trong một quốc gia không thể tạo nên điều gì nếu như không có nội các, sứ mệnh của quốc gia do tổng hợp của hàng trăm ý kiến mang lại, không xuất phát đơn thuần từ một vị tổng thống, cho nên tổng thống phải biết nghe bởi vì nghe là một thứ quyền lực, người mà không biết lắng nghe coi như rất yếu kém và không phát huy được quyền lực của mình. 

Nghe là để học hỏi, ta không nghe ta chẳng học được gì. Nếu cứ để cho cái tính ngạo mạn, khoe khoang lấn át hết tất cả, ta chẳng thể học gì nhiều hơn ngoài cái mà ta ôm khư khư trong mình, nhiều khi cái ta ôm khư khư đó chỉ là một thứ tri giác sai lầm nhưng bởi vì chẳng chịu nghe ai, nên ta cứ mãi sai lầm với nó. 

Sứ mệnh doanh nghiệp là học hỏi, học để thay đổi và tiến bộ, đưa doanh nghiệp đến một tầm cao mới. Doanh nghiệp cứ mãi đặt ra sứ mệnh là phải đứng vị trí thứ mấy, thị phần tăng bao nhiêu phần trăm hay trở thành ai trong vòng 5-10 năm tới, nhưng để làm tất cả điều này, ta hãy suy xét đến khía cạnh học hỏi, không học thì các mục tiêu đặt ra chỉ như mò kim đáy biển hay ngón tay chỉ mặt trăng. 

Khi lắng nghe kỹ càng, ta sẽ nhận thấy trong những ý kiến khác biệt có những cái rất hay, trước đây ta cứ cho là nhân viên đưa ra ý kiến đó chống đối ta và ta bị cái tính đó che lấp nên không thấy được nhân viên này đang rất sáng tạo và đang hết sức hợp tác với ta, vậy mà ta bỏ qua một cách oan uổng. Khi chấp nhận được điều khác biệt rồi, ta dễ dàng tìm ra cơ hội đúng đắn để có những kế hoạch hay dự án đúng đắn. 

Sứ mệnh doanh nghiệp là chung tay làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, đoàn kết và đạo đức hơn. Ta cứ nghĩ khi đặt ra mục tiêu kinh doanh thì phải là lợi nhuận, cổ tức, vị trí xã hội hay giành chiến thắng trên thương trường. Ta chẳng bao giờ chịu hiểu làm việc ở bất cứ hình thức nào đều phục vụ cho làm đẹp cuộc sống. 

Tinh thần doanh nghiệp chính là sự độ lượng và biết ơn với người khác. Cuộc sống trở nên tươi đẹp khi rủ bỏ vẻ thô cứng bên ngoài để tiếp xúc với tình người trong công việc. Ta hãy biến công việc thành niềm vui trong việc thực tập độ lượng, khoan dung, ân cần và tỏ lòng biết ơn. 

Ta biết ơn người cho ta công việc, người làm việc chung với ta và người tạo cho ta cơ hội đi tiếp. Ta ân cần với người trân quý sự có mặt của ta, cho ta biết là ta có giá trị và người đã vì ta mà hợp tác. Ta khoan dung và độ lượng với những điều nhỏ nhặt, giúp đỡ người khác, sẻ chia thành công, bỏ qua những hơn thua kém bằng. 

Trong công ty có rất nhiều điều kỳ diệu diễn ra mà ta không để ý như một lời khen tặng, nụ cười thân thiện, lời thăm hỏi chân thành hay giúp nhau rót một tách cà phê. Ta thật sự có duyên nên mới làm chung với nhau, tập thể phải gắn bó và đoàn kết, xem việc đánh giá là cách nhìn ra ta để tiến bộ và thay đổi. 

Đoàn kết để làm cuộc sống thêm đẹp, làm việc là cuộc sống của ta, đừng vì những ghen tị nhỏ nhoi làm mất đi tính đoàn kết. Ta thuộc về nhóm, về tập thể, về cộng đồng doanh nghiệp, và cuộc sống đang có mặt ở từng thành phần như vậy, cho nên phải trân quý tất cả. 

Bây giờ nhiều nhân viên trẻ hơn thua với người chủ từng giờ làm việc, từng đồng lương hay từng phần thưởng, làm như vậy có đáng gì, điều đó chẳng khẳng định được cái tôi hay cái đẹp gì cả, chỉ chứng tỏ ta là người yếm thế, đầy bực tức và sợ hãi. Khi cống hiến thì hãy cống hiến hết mình, đến lúc nào đó cũng sẽ được tưởng thưởng, nhưng cống hiến mà còn đòi hỏi tưởng thưởng thì đâu có bằng cống hiến không cần đòi hỏi. 

Những người anh hùng dân tộc sở dĩ được tôn vinh là vì họ cống hiến không đòi hỏi, còn ta thì chẳng được tôn vinh vì ta cứ đòi hỏi đủ thứ, chẳng trách chẳng bao giờ ta là anh hùng cả. 

Đức Phật dạy về sứ mệnh của con người là hoàn thiện bản thân phục vụ cho hòa bình. Sứ mệnh của doanh nghiệp là hoàn thiện doanh nghiệp phục vụ cho hòa bình. Doanh nghiệp hòa bình thì ít rủi ro, ít có thăng trầm. 

Câu nói có gan làm giàu không còn ý nghĩa nhiều nữa vì kinh doanh là làm giàu trong hòa bình, còn làm giàu mà cứ tối ngày lo rầu, căng thẳng, mệt mỏi, bất an, cách làm giàu này chỉ mang tính hủy diệt. Sứ mệnh của doanh nghiệp không thể đi theo con đường như vậy. 

Sứ mệnh của ta là thực tập hành động, lời nói và tư duy lành mạnh. Ta không cần phải là ai, không cần phải đi về đâu, không cần phải ra sao trong vòng 5-10 năm tới. Ta chỉ cần biết bây giờ và ở đây, ta đang là doanh nhân, ta đang làm việc với khách hàng, ta đang hợp tác với hàng trăm nhân viên, ta đang làm ra sản phẩm và ta đang thực sự sống. 

Ta cứ việc toàn tâm toàn ý tập trung cao độ vào việc ý thức ta là doanh nhân, ý thức ta đang làm việc với khách hàng, ý thức ta đang sản xuất sản phẩm… thì mọi việc ta làm trở rõ ràng và kết quả tốt đẹp nhất, còn ta cứ miên man rong ruổi trong tương lai mới biết rõ ta là ai và doanh nghiệp ta sẽ trở thành cái gì thì biết khi nào ta mới biết được ta và doanh nghiệp ta. 

Ngay trong giờ phút hiện tại mà ta còn không biết ta và doanh nghiệp ta thế nào thì sức mấy ta biết ta và doanh nghiệp ta trong tương lai. 

Theo sách - Áp dụng Tinh thần Phật giáo Xây dựng VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - Minh Thạnh
 
Minh Thạnh
(phattuvietnam.net) 
  
03-03-2009 08:23:46
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2016(Xem: 5417)
Jürgen Habermas sinh năm 1929 là giáo sư Triết học tại Đại học Frankfurt (Đức) mà tên tuổi cuả ông gắn liền với Trường phái Triết học Frankfurt. Ông nổi danh với các luận thuyết về các Thay đổi Cấu trúc của Công luận (Strukturwandel der Öffentlichkeit, 1962) và Lý thuyết về Hành vi Thông đạt (Theorie des kommunikativen Handeln, 1981). Với nhiệt tình tham gia tranh luận trong các vấn đề chính trị sôi bỏng, ông được nể trọng là một trí thức can đảm dấn thân và nhận nhiều giải thưởng cao quý. Hiện nay, ông là một trong những triết gia hàng đầu tại châu Âu.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 7752)
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Mặc dù trải qua hơn 2500, sau khi đức Phật nhập niết-bàn, Phật giáo vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nhân loại. Chúng ta có thể nói ngày nay và tương lai nhân loại ngày càng cần trí tuệ và phương pháp của Phật giáo để giải quyết những vấn đề xã hội.
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9203)
Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không?
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9216)
Tăng đòan cần phải lên tiếng một cách độc lập, với óc phê phán và có đạo đức. Chúng ta nên ủng hộ chính phủ, khi họ làm những điều tốt, chẳng hạn như khuyến khích sự hòa đồng giữa các tôn giáo. Chúng ta nên phản đối, khi họ làm những điều sai, chẳng hạn như gây chiến tranh và phá hoại môi trường. Tăng đòan không nên tham gia quốc hội hay cấu kết với chính quyền nhưng cần phải thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề đạo đức quan trọng.
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 6169)
Nơi nào sự bất công áp bức, mầm bất thiện còn tồn tại thì sự bất ổn vẫn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy nhưng nếu không hòa nhập vào nhánh sông ra biển mà thành lũ dữ sóng thần đe dọa phá vỡ con đê quyền lực.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 5610)
Tiểu luận này bắt đầu với sự định rõ điểm đặc thù của “chủ nghĩa tiêu thụ” và khái niệm “người tiêu dùng”. Kế đó khảo sát tỉ mỉ quan điểm của đạo Phật về của cải tài sản và “kinh tế Phật giáo” trước khi dựa trên những điều này để đi đến phác họa cho việc đánh giá định mức về chủ nghĩa tiêu thụ, đây được xem như cách không gây ảnh hưởng và hoang phí đối với hạnh phúc nhân loại.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 12011)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 7164)
Chúng ta biết rằng cõi này không phải lúc nào cũng thuận thảo với những ước muốn của chúng ta. Chúng ta bước ra phố vào một ngày nắng đẹp, và đột nhiên một trận mưa rào ào xuống, làm chúng ta ướt mem. Dĩ nhiên, cõi này là bất như ý, Đức Phật đã dạy như thế.
30 Tháng Ba 2015(Xem: 5414)
Có một tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận rằng sự sống của tất cả chúng sanh đều phụ thuộc vào ăn uống. Thực phẩm là yếu tố cần thiết nhất cho con người (chúng sanh), vì thế nó đã trở thành một yếu tố chủ yếu trong các nhu cầu của con người như là thức ăn, áo mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh.