Thượng Tọa Thích Chân Tính | Trụ Trì Chùa Hoằng Pháp
Các bạn cho rằng: “Nếu chính quyền cho người nước ngoài, cụ thể là người Trung Quốc thuê đất trong 99 năm thì có nguy cơ mất nước. Hiện nay, Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trên địa phận lãnh hải của Việt Nam, trên đó có cả sân bay cũng như khu quân sự để kiểm soát vùng biển và vùng trời. Thậm chí, họ còn ngang nhiên đem các tàu cá đánh bắt trong vùng biển Việt Nam, đâm cả tàu đánh cá của người Việt. Nhà nước cũng không can thiệp được. Đó là những biểu hiện cho thấy hành vi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng chính quyền dường như không có cách nào ngăn cản. Nếu nước mình cho Trung Quốc thuê 3 đặc khu này trong 99 năm, nhà nước có kiểm soát được họ hay không? Lúc đó, dân Trung Quốc sẽ tràn qua sinh sống và làm việc, dần dần biến Việt Nam thành khu tự trị của Trung Quốc.
Thế giới đang nhìn về Trung Quốc với tên gọi “Chủ Nghĩa Đế Quốc Chủ Nợ”, khi nước này bỏ tiền ra mua một loạt các cảng biển ở Hy Lạp, Úc và Châu Phi, tạo thành một vành đai kinh tế và quân sự. Bài học về khu tự trị sờ sờ trước mắt là hai quốc gia Sri Lanka và Cam-pu-chia. Vào tháng 12 năm 2017, chính phủ Sri Lanka không có khả năng chi trả các khoản nợ đã vay từ Trung Quốc, cho nên buộc họ phải giao quyền quản lý chính thức cảng biển Hambantota cho nước này, mặc dù dân chúng dấy lên làn sóng phẫn nộ cùng những phản đối mang tính chất bạo lực. Trường hợp tương tự xảy ra đối với cảng biển Mombasa của Kenya. Mô hình đặc khu tại tỉnh Koh Kong ở Cam-pu-chia lại là một bài học xương máu, Trung Quốc thuê đất trong 99 năm và đặt tên nơi này là “khu thử nghiệm”. Họ tiến hành xây dựng một cảng biển, một sân bay quốc tế và một thành phố trên phần diện tích 45.000 hecta, các nhà đầu tư dần dần biến tỉnh này thành một thành phố độc lập về kinh tế dành riêng cho người Trung Quốc. Giá thuê đất chỉ khoảng 30 đô-la cho một hecta đất, trong khi tổng kinh phí dự án là 3,8 tỉ đô-la, một con số chênh lệch quá lớn. Ban đầu, chính phủ Cam-pu-chia nghĩ rằng đặc khu kinh tế này sẽ đem lại cơ hội việc làm cho người dân, cũng như những lợi ích nhất định nào đó về mặt cơ sở vật chất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trên thực tế, người dân địa phương bị ép buộc phải rời khỏi đất canh tác của họ, nhà cửa bị đốt sạch, thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Người dân nước này không hưởng được gì sự đầu tư đến từ Trung Quốc. Thường xuyên có những cuộc xung đột xảy ra giữa người dân, những nhà hoạt động môi trường và các công ty Trung Quốc. Ngay như Việt Nam, một số khách sạn và nhà hàng do người Trung Quốc đầu tư tại một số khu du lịch như Đà Nẵng hay Nha Trang đã lựa chọn khách hàng, chỉ tiếp người Trung Quốc và dùng đồng Nhân Dân Tệ để chi trả, đó là điều chúng ta hết sức lo lắng. Nếu người Trung Quốc tự do ồ ạt di cư vào Việt Nam, sinh con đẻ cháu, hình thành những khu phố Tàu, họ chỉ cần đứng lên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trước vấn đề nào đó là chúng ta thua cuộc. Đến lúc đó, con cháu mình không được đặt chân vào chính mảnh đất của cha ông bởi những hàng rào kẽm gai và tường cao ngăn cách. Người đời sau có trở tay cũng không kịp vì sự bất cẩn của chúng ta.
Từ hàng ngàn năm về trước cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc luôn có âm mưu xâm lược nước ta. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc xâm lăng của giặc ngoại bang phương Bắc. Máu và nước mắt của ông cha ta đã đổ xuống khắp non sông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Âm mưu muốn đánh chiếm Việt Nam để mở mang bờ cõi của nước láng giềng này sẽ không bao giờ dừng lại. Nhà nước cho thuê đất 99 năm là tạo cơ hội tốt cho họ xâm chiếm và biến Việt Nam thành thuộc địa của Trung Quốc một cách hợp pháp và dễ dàng. Vì nếu họ đem quân xâm lược Việt Nam như những năm 1979 sẽ bị quốc tế lên án. Bây giờ, họ thuê đất của ta 99 năm, ba đặc khu này sẽ biến thành 3 nơi để người Trung Quốc vào Việt Nam một cách dễ dàng, hợp pháp. Sắp tới đây, Quốc Hội sẽ họp bàn và thông qua luật cho thuê 3 đặc khu này với thời gian là 99 năm.
Nhiều người trí thức bình dân, nam phụ lão ấu, thanh niên, học sinh, sinh viên yêu nước rất bức xúc và phản đối việc cho thuê đất 99 năm này. Họ khuyến khích chúng con tham gia biểu tình để phản đối dự luật này trước khi Quốc Hội biểu quyết cho thuê đất. Đó là cách thể hiện lòng yêu nước của người dân đối với tổ quốc”. Các bạn hỏi thầy:
- Thưa thầy, người Phật tử có nên tham gia biểu tình hay không?
Thầy nói:
- Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Trước khi trả lời, thầy xin kể hai câu chuyện xảy ra tại Ấn Độ cách đây hơn 2600 năm.
Vì mối tư thù, vua Tỳ-lưu-ly xứ Ma-kiệt-đà đem quân đánh chiếm kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, vương triều của dòng họ Thích Ca. Lúc này, đức Phật đang ở thị trấn Mê-đá-tá-lum-pá, biên giới hai nước. Ngài biết trước sự việc này nên nấn ná chờ đợi vua. Khi quân kéo đến, vua nhìn thấy Phật ngồi dưới một gốc cây cành lá thưa thớt, trong khi xung quanh đó là những cây cao bóng mát, vì kính nể ngài nên vua đến thưa:
- Bạch đức Thế Tôn, sao ngài không ngồi dưới những tàn cây mát mà lại ngồi ở chỗ trơ trọi và trống không trên đầu như thế này?
Phật đáp:
- Bóng râm của cây lá, không làm mát mẻ ta đâu, tâu đại vương.
Ông hỏi lại:
- Trẫm chưa hiểu thưa Thế Tôn.
Phật nghiêm trang trả lời:
- Phải, đại vương cần suy nghĩ mới hiểu được. “Bóng râm của thân tộc” mới thật sự làm ta mát mẻ, thưa ngài.
Sau đó, vua rút quân về, hôm sau vua đi đường khác lại tiếp tục gặp Phật. Biết trước âm mưu tàn sát dòng họ Thích Ca của vua Tỳ Lưu Ly, đức Phật đã ba lần can ngăn nhưng vẫn không được. Thế Tôn là người sống có tình nhưng hiểu lý, ngài biết rõ nghiệp báo của chúng sanh, nên ngài chỉ dùng lòng từ để hóa giải những bạo động, dùng trí tuệ để soi xét khi làm bất cứ việc gì. Hình ảnh đức Phật ngồi dưới tán cây để ngăn chặn cuộc tiến quân của vua Tỳ Lưu Ly, có phải cũng là một hình thức biểu tình bất bạo động hay không?
Nói một cách nào đó, đức Phật của chúng ta không thờ ơ trước thời cuộc. Một lần khác, đức Phật đứng ra dàn xếp cuộc chiến tranh tại biên giới Rohini giữa hai dòng họ nội là Sakya và ngoại là Koliya. Khi hai dòng họ này tranh nhau nguồn nước con sông Rohini.
Trở lại câu hỏi trên của các bạn, thầy có ý kiến như sau: Đối với người Phật tử, Phật dạy rằng trước khi mình làm gì cần phải suy xét thật kỹ, xem việc làm đó có đem lại lợi ích tốt đẹp cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước hay không. Nếu có lợi ích và là việc thiện thì nên làm. Ngược lại, nếu việc làm đó gây hại cho bản thân, gia đình, xã hội, đất nước thì đó là việc xấu, không nên làm.
Trong Bài Học Ngàn Vàng có câu: “Phàm làm việc gì, trước phải xét đến hậu quả của nó”. Trong Bát Chánh Đạo, tám phương pháp đem đến an lạc, hạnh phúc mà đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta, đầu tiên là chánh kiến. Chúng ta là người Phật tử, đi theo dấu chân ngài, cũng phải có sự hiểu biết đúng đắn. Muốn thấy biết đúng, chúng ta phải tìm hiểu cho thật kỹ, nghiên cứu cho thật tường tận. Khi có trí tuệ dẫn đầu, chúng ta mới suy nghĩ đúng, đó gọi là chánh tư duy, có lời nói đúng gọi là chánh ngữ, hành động đúng gọi là chánh nghiệp,… Vậy, muốn có hành động đúng, chúng ta cần phải có cái thấy biết đúng, từ đó việc làm của mình sẽ tốt đẹp, dẫn đến an lạc hạnh phúc cho tự thân, gia đình, xã hội, đất nước.
Là người dân sống trong một đất nước, mỗi người cần phải có trách nhiệm đối với việc thịnh suy, còn mất, an ninh của đất nước. Do vậy, chúng ta cần có sự tham gia, đóng góp với nhà nước về việc phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta có thể bày tỏ chánh kiến của mình thông qua việc viết những suy nghĩ rồi đăng trên facebook, hoặc viết thư gửi cho thủ tướng hay Quốc Hội. Thậm chí, mình có thể biểu tình để bày tỏ tinh thần yêu nước, nhưng phải biểu tình trong tinh thần ôn hòa, không bạo động. Theo thầy được biết, đầu thế kỷ thứ 20 tại Ấn Độ có thánh Gandhi đã chủ trương biểu tình bất bạo động để phản đối chính quyền thực dân Anh. Có những lần, số người dân Ấn bị thực dân Anh bắt giam lên đến gần 60 ngàn người. Chưa kể những người bị đánh đập, bắn chết. Thế nhưng, nhờ tinh thần bất bạo động kiên trì, lâu dài, bền chí này mà người dân Ấn Độ đã giành lại độc lập tự do cho đất nước, dù có những người đã phải hy sinh nằm xuống.
Trước năm 1963 tại miền Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Họ đánh đập, bắn, giết Tăng Ni và Phật tử. Trước sự kỳ thị và bất công về tôn giáo của Ngô Đình Diệm, Tăng Ni cùng Phật tử Việt Nam phải đứng lên biểu tình bất bạo động để đòi lại sự tự do bình đẳng tôn giáo. Có những Tăng Ni đã tự thiêu để cảnh tỉnh chính quyền nên xem lại hành động sai trái của mình. Nhờ vào những cuộc biểu tình bất bạo động và sự tự thiêu của các Tăng Ni cũng như Phật tử, đã góp phần bảo vệ Phật pháp trường tồn, làm sụp đổ chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm.
Một người học Phật muốn thành tựu mục đích lý tưởng giải thoát cần phải thực hành thập độ Ba-la-mật một cách viên mãn. Thập độ Ba-la-mật là: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, phát nguyện, tâm từ và tâm xả. Trong 10 Ba-la-mật này, chúng ta phải thực hành trong rất nhiều ngàn kiếp mới có thể thành tựu quả vị giải thoát. Trong 10 Ba-la-mật có 3 bậc là bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. Thí dụ chúng ta thực hành pháp bố thí Ba-la-mật ở vào bậc hạ là bố thí những vật ở ngoài thân như tiền, của, vật chất, vợ chồng, con cái. Thế nhưng, sự bố thí đó không làm tổn hại đến cơ thể và tính mạng của mình. Bố thí Ba-la-mật bậc trung là bố thí một phần thân thể như cho người quả thận, lá gan hoặc cặp mắt của mình. Thế nhưng, việc bố thí này cũng không làm tổn hại đến tính mạng. Bố thí Ba-la-mật bậc thượng là bố thí cả thân mạng của mình để đem lại lợi ích cho nhiều người. Như vậy, chỉ có một pháp bố thí trong 10 pháp Ba-la-mật mà chúng ta đã phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp hy sinh, từ những vật ngoài thân đến một phần cơ thể, thậm chí cả tính mạng, từ đó mới có thể thành tựu mục đích giải thoát.
Trở lại vấn đề câu hỏi của các bạn trẻ, thầy không khuyến khích cũng không bác bỏ việc biểu tình. Thầy chỉ khuyên rằng: Các bạn là Phật tử, cần phải có trí tuệ, khi làm việc gì phải xét đến hậu quả của nó. Chúng ta cần có cái nhìn chính xác về vấn đề trước khi hành động, theo tinh thần chánh kiến và chánh mạng mà đức Phật đã dạy trong Bát Chánh Đạo. Nếu như việc làm đó là chân chính, đem lại lợi ích, an lạc cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, thì chúng ta sẵn sàng làm, dù có hy sinh tính mạng cũng không tiếc. Hành động nhân nghĩa vì người khác quên mình chính là để thành tựu bố thí Ba-la-mật. Cũng có nghĩa là viên mãn quả vị Phật của mình trong tương lai. Chúc các bạn có đầy đủ bi, trí, dũng để thực hiện hoài bão tốt đẹp, cao thượng của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội, đạo pháp và đất nước.